Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Nếu có dịp chứng kiến đại lễ Khai Minh Đại Đạo vào năm Bính Dần 1926, có lẽ đại đa ...
-
Hôm nay chúng ta qui tụ về đây tham dự lễ kỷ niệm ngày tái thiết Vĩnh Nguyên Tự cùng ...
-
“Dầu ở MINH LÝ THÁNH HỘI , dầu ở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, dầu cư sĩ tại gia, ...
-
TỪ GIÁ TRỊ TÂM LINH ĐẾN GIÁ TRỊ TÂM LINH SIÊU VIỆT Giá trị là điều mà con người quan tâm ...
-
TU CHỨNG /
Trong một khóa tu đặc biệt dành cho hàng Thiên ân nữ phái Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại ...
-
Y học cổ Phương Đông đã phân định các cơ quan bộ phận trong cơ thể con người thành các ...
-
TỔNG QUAN VỀ VŨ TRỤ LUẬN ĐẠI ĐẠO 1. Nguồn gốc vũ trụ 1.1. Khái niệm về vũ trụ 1.2. Bản Thể Vũ ...
-
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Tý thời, 30 tháng Chạp rạng mùng 01 tháng Giêng Đinh Tỵ (17-02-1977) GIÁO TÔNG ĐẠI ...
-
Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy tại Thiên Lý Đàn vào lúc Tý thời 29 rạng mùng 1 tháng 01 ...
-
Bài nói chuyện tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo ngày mùng 1 tháng 3 năm Đinh Hợi (17-4-2007) Tam ...
-
9. TU KỶ 修 己 – ĐÃI NHÂN 待 人 191. Xí giả bất lập, khóa giả bất hành. Tự hiện ...
-
Sáng 28-09-2013, Tu viện Phănxicô Đakao đã tổ chức một buổi gặp gỡ, hội thảo và chia sẻ liên tôn ...
Hiền tài Nguyễn Văn Hồng
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 30/12/2009
Tam Thánh Ký Hòa Ước
三聖記和約
A: The Three Saints declare the Treaty between God and Humanity.
P: Les Trois Saints déclarent le Traité entre Dieu et Humanité.
Tam: Ba, số 3, thứ ba. Thánh: vị Thánh. Ký: ghi chép. Hòa ước: bản giao ước giữa đôi bên để theo đó mà thực hiện.
Tam Thánh là ba vị Thánh, ở đây chỉ ba vị Thánh đứng đầu Bạch Vân Động, đó là:
- Thanh Sơn Đạo Sĩ , tức là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, là người VN, làm Sư Phó, đứng đầu Bạch vân Động.
- Nguyệt Tâm Chơn Nhơn , tức là văn hào Vịctor Hugo của nước Pháp, làm Chưởng Đạo Hội Thánh Ngoại Giáo.
- Tôn Trung Sơn Chơn Nhơn , tức là Tôn Văn hay Tôn Dật Tiên, nhà đại cách mạng của nước Trung Hoa.
Tam Thánh ký hòa ước là ba vị Thánh ghi chép bản Thiên Nhơn Hòa Ước lên tấm bảng đá, để công bố cho toàn nhơn loại biết rõ.
Bản Hòa ước nầy được gọi là: Đệ tam Thiên Nhơn Hòa ước, tức là bản hòa ước thứ ba giữa Trời và người. (Xem chi tiết nơi chữ: Thiên Nhơn Hòa ước, vần Th)
GHI CHÚ: Chữ "Ký" trong Tam Thánh Ký Hòa Ước, không có nghĩa là ký tên vào Hòa Ước, mà nghĩa theo chữ Hán là ghi chép. Trên bức họa Tam Thánh Ký Hòa Ước, chúng ta thấy rõ là Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ chép Thiên Nhơn Hòa Ước bằng chữ Hán lên tấm bảng đá, và Đức Nguyệt Tâm cũng chép Thiên Nhơn Hòa Ước bằng chữ Pháp lên tấm bảng đá. Hai vị ấy không có ký tên vào Hòa Ước, vì Tam Thánh không phải là đại diện của nhơn loại để ký hòa ước với Đức Chí Tôn.
Theo Hán văn, ký tên gọi là: Thiêm danh 簽名
Ký kết hòa ước thì Hán văn gọi là: Thiêm đính hòa ước 簽訂和約 hay Đế kết hòa ước 締結和約
Sau đây là bài tường thuật của Luật Sự Võ Quang Tâm (Tốc ký viên) buổi lễ đặt bức họa Tam Thánh Ký Hòa Ước vào vị trí tại Tòa Thánh và Đức Phạm Hộ Pháp trấn thần Tam Thánh.
"Buổi lễ rước tượng Tam Thánh Ký Hòa Ước khởi hành vào lúc 8 giờ sáng ngày 10-7-Mậu Tý (dl 14-8-1948).
Hiện diện: Chư Chức sắc HTĐ, CTĐ, PT, Chức việc, Đạo hữu nam nữ, chư vị Thượng Hạ sĩ quan tham dự.
Đúng giờ, Lễ viện và Dàn Nhạc đến Hộ Pháp Đường rước Đức Hộ Pháp qua Văn phòng Quốc Sự Vụ, vì nơi đây là nơi khởi đầu cuộc rước tượng ảnh.
Lộ trình, trước hết hai hàng đồng nhi nam nữ, kế Bảo thể cầm đồ lỗ bộ đi hai bên Dàn nhạc, có 4 Lễ sĩ mặc áo phái Ngọc (áo tràng đỏ), 2 vị cầm lọng, 2 vị cầm tàn, hầu hai bên bàn đưa tượng ảnh, có 4 Lễ Sanh thuộc Hội Thánh Ngoại Giáo khiêng đi. Bức tượng Tam Thánh nầy do vị Hiền Tài Lê Minh Tòng vâng lịnh Đức Hộ Pháp truyền họa, khuôn khổ: 2,80 mét x 1,90 mét. Hình tượng lớn bằng người thường. Đức Thanh Sơn cầm bút lông mèo, Đức Nguyệt Tâm cầm bút lông ngỗng và Đức Tôn Sơn cầm nghiên mực.
Hai Đấng đang viết trên bia đá những chữ:
Hán văn: 天上天下 - 博愛公平
(THIÊN THƯỢNG THIÊN HẠ - BÁC ÁI CÔNG BÌNH)
Pháp văn: DIEU et HUMANITÉ - AMOUR et JUSTICE
Đi tiếp bàn đưa có Đức Hộ Pháp mặc tiểu phục vàng, đội Tam quang mạo, kế đó là Ngài Bảo Thế, Khai Đạo mặc tiểu phục trắng, đội Tam quang mạo, kế là Chức sắc HTĐ, CTĐ, PT, Chức việc, Sĩ Quan, Đạo hữu và 200 học sinh Đạo Đức Học Đường đi sau rốt.
Đến Đền Thánh, đi vào cửa hông phía Đông lang, tiến lên Cung Đạo, day mặt tượng ảnh vào Bát Quái Đài, Bảo thể cầm đồ lỗ bộ đứng hầu hai bên.
Trước hết, Đức Hộ Pháp xông tay vào lư hương và áp vào mặt ba lần, rồi Ngài bước xuống cầm lư hương xông tượng ba ảnh để khử trược. Xong rồi, Đức Hộ Pháp lấy nước Âm Dương hòa lại, rải lên tượng ảnh ba cái, bắt đầu từ Đức Thanh Sơn, đến Đức Nguyệt Tâm, rồi đến Đức Tôn Trung Sơn.
Rồi lấy chín cây nhang trấn thần Tam Thánh, Đức Thanh Sơn trước, Đức Nguyệt Tâm kế đó, và sau rốt là Đức Tôn Trung Sơn.
Đồng nhi đứng trên lầu HTĐ đọc kinh Xưng Tụng Công Đức. Khi dứt kinh, Đức Hộ Pháp giải rằng:
"Trấn thần ba vị Thánh rất khó, vì phải kêu chơn linh của họ đến nhập vào tượng ảnh, mà muốn chơn linh họ đến, phải thấu đáo cả căn kiếp của họ mới đặng. Còn 9 cây nhang dùng để trấn thần là 9 cái thang bắc lên Cửu Trùng Thiên cho các chơn linh nương theo đó. Chẳng biết họ ở từng Trời thứ mấy, mình cứ đưa lên đủ, họ gặp họ tới ngay, quan hệ là trước khi trấn thần, phải xem lại coi có tắt cây nhang nào không. Thảng như họ ở từng thứ 7 mà cây nhang thứ 6 rủi tắt đi thành ra bị cách khoảng, họ không thể tới được.
Bây giờ chúng ta chỉ thông công với các Đấng trong Cửu Thiên Khai Hóa, rồi đây cũng có ngày Bần đạo kêu lên Đức Di-Lạc ở từng thứ 11 chưa biết chừng, khi ấy phải dùng đến 11 cây nhang, chớ không phải 9 cây nữa. "
Khi Đức Hộ Pháp trấn thần tượng ảnh Tam Thánh xong, cả nhơn viên tùng sự lui theo cửa hông trở ra, vòng ra cửa trước, đi vào HTĐ, thỉnh Thánh tượng đặt lên vách tường, ngó mặt ra trước cửa Đền Thánh.
Đức Hộ Pháp giải thích:
"1. Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn,
2. Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ,
3. Đức Tôn Trung Sơn,
là đại diện của Hội Thánh Ngoại Giáo. Các Ngài là những Thiên mạng truyền giáo ngoại quốc (Missionnaires étrangers), cho nên tượng ảnh ở HTĐ, day mặt ra ngoài cho thiên hạ đều thấy mà hưởng ứng theo tiếng gọi thiêng liêng của các Ngài.
Cả ba vị Thánh đều mặc cổ phục. Cái nghiên mực trên tay Đức Tôn Trung Sơn có hào quang chiếu diệu, tượng trưng sự rực rỡ của nền văn minh tối cổ Trung hoa.
Cái khuôn xi măng đúc trên vách HTĐ, từ ngày tạo tác Tổ Đình là để dành ngày nay đặt tượng ảnh Tam Thánh lên đó.
Trước kia, Bần đạo cũng không hiểu để làm gì, chỉ biết tạo theo lịnh của Đức Lý Giáo Tông.
Ngày nay do thời cuộc biến thiên, vị Hiền Tài Lê Minh Tòng ở hải đảo trở về đây, Đức Lý truyền lịnh vẽ tượng ảnh nầy, mới hiểu rằng: Đức Lý chờ người mà Ngài cần dùng đến.
Trước tượng ảnh không có bàn thờ chi hết vì chơn linh đã nhập vào đó như người sống vậy.
Kể từ ngày 10-7-Mậu Tý (dl 14-8-1948), tượng ảnh Tam Thánh đã đặt lên vách tường HTĐ là biểu hiệu cho chủ nghĩa Đại Đồng của Đạo Cao Đài, mở đầu một giai đoạn tiếp dẫn chúng sanh vạn quốc vào cửa Đại Đạo, mà cũng là ngày khởi đoan sự bành trướng ra ngoại quốc. "
Cuộc lễ bế mạc lúc 9 giờ cùng ngày."
Tòa Thánh, ngày 10-7-Mậu Tý (dl 14-8-1948).
Luật Sự VÕ QUANG TÂM tường thuật.
Trên bức họa Tam Thánh Ký Hòa Ước, chúng ta thấy:
- Đức Thanh Sơn Đạo Sĩ tức Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, mặc bộ triều phục của một văn quan đại thần VN thuở xưa. Ngài cầm bút lông mèo viết vừa xong 8 chữ Nho:
天上天下博愛公平
- Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn, tức văn hào Victor Hugo của nước Pháp, mặc áo mão như một vị Bá Tước, vì Ngài là một Hàn Lâm Học Sĩ của nước Pháp thời bấy giờ. Ngài cầm bút lông ngỗng viết 6 chữ Pháp là:
DIEU et HUMANITÉ - AMOUR et JUSTICE
Sáu chữ Pháp nầy có nghĩa là:
Thượng Đế và Nhơn loại - Bác ái và Công bình.
- Đức Tôn Trung Sơn Chơn Nhơn, tức Tôn Văn hay Tôn Dật Tiên, mặc quốc phục Trung hoa, vì Ngài là nhà đại cách mạng đứng lên lật đổ chế độ quân chủ của vua quan nhà Thanh để lập nên chế độ dân chủ với thuyết Tam Dân chủ nghĩa: Dân tộc, Dân quyền, Dân sinh. Ngài cầm nghiên mực rực rỡ hào quang để cho hai vị kia chấm bút lông vào nghiên mực mà viết chữ lên bảng đá, cũng rực rỡ hào quang. Đức Thanh Sơn chấm bút lông vào để viết chữ Hán, Đức Nguyệt Tâm cũng chấm bút lông vào để viết chữ Pháp. Hai thứ chữ viết ấy tượng trưng hai nền văn minh Đông và Tây, và hai nền văn minh nầy sẽ hòa hợp nhau nhờ triết lý Nho giáo của Đức Khổng Tử.
Bản Đệ Tam Thiên Nhơn Hòa Ước được viết lên tấm bảng đá rực rỡ ánh hào quang, được hai vị Thánh đứng đầu Bạch Vân Động viết ra công bố cho toàn thể nhơn loại biết rõ bằng hai thứ chữ: chữ Nho của Trung Hoa và VN, chữ Pháp của nước Pháp.
Hình ảnh Tam Thánh Ký Hoà Ước do Đức Lý Giáo Tông sắp đặt theo Thánh ý của Đức Chí Tôn, tượng trưng cho chúng ta thấy một sự xóa bỏ hận thù, đi đến sự hòa hợp giữa các dân tộc, sự hòa hợp các nền văn minh thế giới, và sự hòa hợp giữa các nền tôn giáo, tiến tới một thế giới Đại Đồng trong thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Chúng ta đã biết, hai nước Trung Hoa và Pháp đã dùng sức mạnh đô hộ nước VN, bắt dân tộc VN làm nô lệ trong nhiều năm, nên người VN luôn luôn có mặc cảm thù địch với hai dân tộc nói trên.
Ngày nay, ba vị Thánh của ba nước cùng đứng với nhau, hợp tác trong Thánh ý của Đức Chí Tôn, để công bố bản Đệ Tam Thiên Nhơn Hòa Ước, là một hình ảnh rất có ý nghĩa về sự khép kín dĩ vãng thù nghịch, mở ra thời kỳ Đại Đồng trong tình huynh đệ. (Xem tiếp: Thiên Nhơn Hòa Ước, vần Th)