Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
07/08/2010
Lâm Viên - Phan Thị Huệ

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 12/08/2010

Mộc bản về Thăng Long Hà Nội

Thanh Niên Online

Thăng Long - Hà Nội qua mộc bản triều Nguyễn: Cải cách văn hóa và tuyển dụng nhân tài
Đời vua Lý Nhân Tông (năm Ất Mão - 1075) đã mở khoa thi đầu tiên ở Thăng Long. Các tài liệu trong kho tàng mộc bản triều Nguyễn cho thấy các triều đại đã có những biện pháp tích cực trong việc cải cách văn hóa, phát hiện nhân tài và nâng cao trình độ dân trí.

Cải cách văn hóa

Qua tranh vẽ, phim ảnh, chúng ta thường thấy các quan khi vào chầu vua đều đội chiếc mũ cánh chuồn và đi hia, nhưng ít ai biết nghi lễ ấy có từ đời vua nào. Khi nghiên cứu kho tài liệu mộc bản, các chuyên viên Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã tìm được câu trả lời. Ở quyển 3, mặt khắc 2 của sách Đại Việt sử ký toàn thư (ký hiệu H31/9), đời vua Lý Thánh Tông ghi: "Mùa thu tháng 8, vua ngự điện Thủy Tinh cho bách quan vào chầu, truyền các quan đội mũ phốc đầu (tức là mũ cánh chuồn, có 2 dải cánh giương ra hai bên), chân đi hia, mới cho vào chầu. Đội mũ phốc đầu, đi hia bắt đầu từ đấy" (Kỷ Hợi, Chương Thánh Gia Khánh năm thứ nhất -1059). Còn vua Lý Nhân Tông đã có cách để buộc các quan chức phải học hành đàng hoàng, nhằm mục đích nâng cao dân trí. Tại mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 3, mặt khắc 10 (ký hiệu H31/9) có ghi: "tuyển chọn quan viên văn chức, người nào biết chữ, cho vào Quốc Tử Giám" (Bính Thìn, Thái Ninh năm thứ 5 - 1076). Một điều đặc biệt là khi vua Lý Nhân Tông sắp băng hà đã dặn dò con cháu phải giảm mọi thủ tục ma chay lâu ngày: "chôn cất hậu (làm ma tốn kém), làm mất cơ nghiệp; để tang lâu, làm tổn tính mệnh,... phải tiết kiệm, không xây lăng mộ riêng..." Hồ sơ H31/9, Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 3, mặt khắc 25 - mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. (Đinh Mùi, Thiên Phù Khánh Thọ năm thứ nhất - 1127). Đây có thể xem là một nét văn hóa tiến bộ mà đến thời nay, con cháu hậu thế vẫn phải học tập noi theo.

Lập Quốc học viện và Giảng võ đường

Bia tiến sĩ trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám - ảnh: Diệp Đức Minh

Vua Lý Nhân Tông (năm Ất Mão - 1075) đã mở khoa thi đầu tiên ở Thăng Long để tuyển dụng nhân tài phục vụ đất nước: "mùa xuân, tháng 2, xuống chiếu tuyển Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường". Đời vua Trần Thái Tông vào năm Đinh Hợi (Kiến Trung năm thứ 3 - 1227) tổ chức thi Tam giáo Hồ sơ H31/11, Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 5, mặt khắc 4 - mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.. Bắt đầu từ năm 1232, nhà Trần đặt ra học vị Thái học sinh. Học vị này từ năm 1442 đổi thành học vị Tiến sĩ. Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 5, mặt khắc 7 (ký hiệu H31/11), còn ghi rõ danh tính những người đỗ cao: "Tháng 2, thi Thái học sinh. Đỗ đệ nhất giáp là Trương Hanh, Lưu Diễm; đỗ đệ nhị giáp là Đặng Diễn, Trịnh Phẫu, đỗ đệ tam giáp là Trần Trung Phổ" (Nhâm Thìn, Kiến Trung năm thứ 8 - 1232). Tiếp đến, vua Trần Thái Tông còn mở khoa thi để chọn lựa nhân tài, định lệ Tam khôi, là danh hiệu cao quý, dành riêng cho 3 người đỗ cao nhất trong kỳ thi Đình (đó là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa). Cụ thể mộc bản quyển 5, mặt khắc 13 (H31/11), Đại Việt sử ký toàn thư ghi: "Đinh Mùi (Thiên Ứng Chính Bình, năm thứ 16 - 1247), mùa xuân, tháng 2, mở khoa thi chọn kẻ sĩ. Ban cho Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên; Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn; Đặng Ma La đỗ Thám hoa lang. Cho 48 người đỗ Thái học sinh, xuất thân theo thứ bậc khác nhau. Trước đây, hai khoa Nhâm Thìn (1232) và Kỷ Hợi (1239) chỉ chia làm giáp, ất, chưa có chọn Tam khôi. Đến khoa thi này mới đặt danh hiệu Tam khôi".

Trong lịch sử khoa cử Việt Nam đã có 184 khoa thi: triều Lý tổ chức được 6 khoa thi; triều Trần 14 khoa; triều Hồ 2 khoa; triều Lê 28 khoa; triều Lê Trung Hưng hay Lê - Trịnh tổ chức 73 khoa; triều Mạc 22 khoa và triều Nguyễn 39 khoa (khoa thi Tiến sĩ cuối cùng năm Kỷ Mùi - 1919). Chế độ khoa cử thời phong kiến được tổ chức rất nghiêm ngặt và thường chia làm 3 kỳ: thi Hương, thi Hội, thi Đình. Thi Hương là thi ở các trấn, các tỉnh. Chỉ những tỉnh có khả năng mới được mở một trường thi. Thông thường, các trấn hoặc tỉnh lân cận gộp lại thành một trường thi. Thi Hội và thi Đình được tổ chức tập trung ở kinh đô.

Không chỉ dừng lại ở các kỳ thi chọn lựa nhân tài phục vụ đất nước, vua Trần Nhân Tông còn tôn vinh những bậc hiền tài, học giỏi; mở trường lớp cho dân chúng học hành. Liên quan vấn đề này, mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 5, mặt khắc 19 (ký hiệu H31/11) ghi lại: "Tháng 6, lập Quốc học viện; đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Á Thánh (Mạnh Tử), vẽ tranh 72 người học trò giỏi của Khổng Tử (thất thập nhị hiền) để thờ. Mùa thu, tháng 8, lập Giảng võ đường. Tháng 9, xuống chiếu mời nho sĩ trong nước đến Quốc tử viện, giảng tứ thư lục kinh" (Quý Sửu, Nguyên Phong năm thứ 3 - 1253). Tiếp nối công cuộc cải cách giáo dục của nhà Trần, khi lên ngôi, vua Lê Thánh Tông (năm 1460 - 1497) đã cố gắng nâng cao trình độ văn hóa, dân trí bằng cách: "Sáng lập chế độ mới mẻ, văn vật bấy giờ rất khả quan; cõi bờ mở mang, cương vực nước nhà càng thêm rộng" Hồ sơ H97/3, Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, quyển 2, mặt khắc 16 - mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV..

Việc tổ chức các khoa thi nhằm mục đích kén chọn nhân tài, bổ sung quan chức cho chính quyền. Đây là việc quan trọng, được triều đình rất quan tâm và còn nguyên giá trị đến nay, đúng như trong bài ký bia Tiến sĩ khoa Đại Bảo Nhâm Tuất (1442) do Hàn lâm viện Thừa chỉ Thân Nhân Trung soạn, có viết: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế, các bậc đế vương thánh minh chẳng ai không coi việc kén chọn kẻ sĩ, bồi dưỡng nhân tài, vun trồng nguyên khí làm công việc cần kíp".
Lâm Viên - Phan Thị Huệ
Mộc bản về Thăng Long Hà Nội / Lâm Viên - Phan Thị Huệ

Phật Tiên buổi chót đến hồng trần,
Kêu gọi người đời rõ lý chân,
Chớ để linh tâm vùi tục lụy,
Nên ngừa cám dỗ của tà thần.

Đức Quan Âm Bồ Tát, Liên Hoa Cửu Cung, 03-01 Ất Tỵ, 04-02-1965

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây