Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
01/11/2007
CQPTGLĐĐ

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 10/08/2010

Tánh Mạng Song Tu

Con đường phản Bổn hoàn Nguyên là con đường hướng nội quy tâm để tìm lại con người chính danh đích thật, để Tiểu Linh Quang hiệp với Đại Linh Quang.

"Cõi Niết bàn trong lòng sanh chúng,
Biết tu trì thực dụng thì nên;
Hỡi ai dốc một chí bền,
Tìm về nguồn cội tuổi tên thuở nào." (Đức Di Lạc Thiên Tôn, Thánh Giáo Sưu Tập, 1970-1971, tr.198)

.Nhưng muốn trở về Bổn nguyên không phải chỉ hướng nội quy tâm đơn thuần là đủ, mà hành giả phải trải qua quá trình tu luyện công phu, từ phàm tánh trở nên Thiên Tánh, từ phàm thân trở nên Thiên Mạng. Có Thiên Tánh, Thiên Mạng mới thành bậc Chơn Nhơn đắc đạo.

"Con người có tánh mạng. Tánh là Thiên tánh, Mạng là Thiên mạng, hai tú khí âm dương tạo thành là bản thể của Thiên Địa vạn vật. Nếu biết tu tánh, đừng để tánh bị muội mê bởi tham dục che lấp vì danh lợi tình tiền. Những thứ vật vô thường đã đã gây cho con người biết bao thảm họa triền miên từ kiếp này sang kiếp khác. Biết tu tánh thời không tham, thì vẫn có mà ăn, mà mặc, không tranh đấu mà vẫn có chỗ ở, không lăn thân vào chỗ đau khổ mà vẫn có địa vị con người. Do đó, tu tánh là ánh linh sáng chói trong muôn ngàn nẻo Thánh. Còn biết luyện mạng là Thiên mạng hằng tại, không thiên không lệch, không ô nhiễm tham dục, trên thuận cùng Trời, dưới an vui bốn cõi, hòa mình khắp chốn, lòng dân là lòng ta, lòng ta là lòng Trời, sống thì Thánh, thác thì thiêng. Ôi nội Thánh ngoại vương, sống hằng sống trong cõi Thiên đàng cực lạc thì vẫn còn mơ ước gì nữa; Phật Tiên cũng chỉ thế thôi."[1]Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo; Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 30 rạng 01-01 Đinh Tỵ (17-02-1977); Thánh Giáo Nguyên Bổn

1.TÁNH

1.1. Nguyên tánh

Mầm móng của Nguyên Tánh đã có sẵn trước khi con người ra đời. Mầm móng ấy do Trời ban cho, đồng đẳng giữa mọi người, làm Bản Tánh để tự tạo, tự hóa.

Tánh ấy là Bản Căn, Bản Thể của con người. Về Bản Thể, Tánh ấy là điểm Tiểu Linh Quang; về Bản Căn, Tánh là Chơn Thần.

"Của Trời là Lý, về người là Tánh. Lý, Tánh như nhau, vì thế nên Trời với người mới có thể ứng tiếp liên lạc nhau rất là mật thiết. Bởi vậy, hễ người muốn tính sự gì, tuy chưa làm ra, mà Trời đã biết trước."Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 16-9 Bính Tý (1936); Đại Thừa Chơn Giáo (bản in 1950), thiên 38 "Tồn tâm Dưỡng tánh", tr.366

Nguyên Tánh là nền tảng thâm sâu ở tận bên trong ý thức của con người, là nguồn gốc của trí tuệ con người.

Vào thế gian, Nguyên Tánh phải mang thêm lớp thân huyết nhục – tạo bởi khí chất hậu thiên – cộng thêm những biến dịch nơi cõi hậu thiên, tác động từ ngoại thân đến nội tâm, nên bị bụi trần che lấp làm lu mờ và đảo điên, trở thành phàm tánh.

1.2. Phàm tánh

Phàm tánh là tánh có ngay sau khi con người ra đời.

Con người hô hấp khí hậu thiên và được nuôi bằng thức ăn phàm trược, nên Linh Quang cũng bị ảnh hưởng và lu mờ, dễ tập nhiễm cái xấu và rời xa cái tốt. Do đó, Nguyên Tánh không có điều kiện để phát huy. Vì vậy, phàm tánh còn được gọi là tánh khí chất.

Phàm tánh chính là bản chất của mỗi người trong xã hội nhân sinh mà đời thường gọi là tánh tình, lòng dạ. Tánh ấy không thuần nhất, khi tốt khi xấu, khi vui khi buồn,... và khác nhau giữa người này với người kia. Nếu con người không quan tâm rèn luyện và thay đổi điều kiện sống thì phàm tánh vẫn ở mãi nơi con người qua các vòng luân hồi.

2. MẠNG

2.1. Chơn mạng


Chơn Mạng thuộc về Tiên Thiên Chánh Khí, có trước khi con người ra đời (còn trong bào thai). Nhờ Tiên Thiên Chánh Khí mà trời đất trường tồn và sanh hóa ra vạn vật. Con người nhờ hấp Tiên Thiên Chánh Khí mà Chơn Mạng được phục hồi và thăng hoa tiến hóa, có khả năng sống dài lâu như Trời Đất. Thân mạng cũng nhờ đó mà được duy trì tốt đẹp trong hữu hạn của nó. Khí Tiên Thiên ấy, con người có thể hấp thu bằng phương pháp tịnh định.

"Tánh nơi người, tánh đồng nguyên thủy,

Mạng nơi Trời, mạng Khí Tiên Thiên;

Tánh lìa mạng, chẳng vững yên,

Mạng cùng với tánh, tách riêng không còn."Đức Đông Phương Chưởng Quản; Bát Nhã Thiền Đường (Minh Lý Thánh Hội), Tý thời, 10 rạng 11-08 Đinh Mùi (13-09-1967); Thánh Giáo Sưu Tập 1966-1967, tr.170

2.2. Thân mạng

Thân mạng là xác thân huyết nhục của con người. Thân mạng được hình thành do tinh cha huyết mẹ, thuộc về hậu thiên. Nói theo Đạo học, thân mạng chính là thân tứ đại, được kết hợp bởi đất, nước, gió, lửa. Đời thường gọi thân mạng là mạng sống, thân sanh. Nói cách khác, thân mạng là thân hữu hình hữu chất, là sự sống và sức sống của con người. Thân mạng có sanh nên sẽ có diệt, nghĩa là có tính giả tạm. Nhưng nhờ có mạng này mà con người có phương tiện tu luyện, tiến hóa.

Có thể nói, Chơn Tánh (thuộc về Lý) và Chơn Mạng (thuộc về Khí) có cùng nguồn gốc nơi Trời, vốn hiệp làm một, nhưng khi đến cõi nhị nguyên, phân tách ra làm hai: Tánh là bản thể bên trong, Mạng là biểu hiện của bản thể qua lớp thân xác bọc bên ngoài con người. Bản thể phát triển đã làm xuất hiện vai trò của con người trong vũ trụ. Còn nếu xét về mặt chủ thể thì tâm lại là chủ nhơn ông của tánh và mạng. Do đó, muốn phát huy vai trò của con người phải đặt trên cơ sở của tâm và phải song tu tánh mạng.

3. TÁNH MẠNG SONG TU


Đạo của Trời chỉ là Lý với Khí, hay Dương với Âm, hay Càn Khôn. Còn đạo ở người là Tánh-Mạng hay Thần-Khí, mà cũng là Âm Dương. "Tánh mạng Đại Đạo muốn đạt đến viên mãn, chỉ do thần khí ở nơi người."Đức Đông Phương Lão Tổ; Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý ,Tuất thời, 19-07.Đinh Tỵ (02-09-1977); Thánh Giáo Nguyên Bổn

3.1. Tu tánh

Tu tánh tức là luyện thần để cho điểm Tiểu Linh Quang trở nên sáng suốt linh diệu, có đủ quyền năng sánh cùng Trời Đất trong thế Tam Tài. Tuy nhiên, sự luyện thần chỉ hoàn chỉnh khi được chuẩn bị và hổ trợ bởi việc luyện kỷ để chế phục thất tình lục dục, tạo điều kiện cho thần tĩnh lặng, phàm tánh trở thành Chơn Tánh, Nguyên Tánh.

3.2. Tu mạng

Tu mạng là luyện khí và luyện tinh, mà chủ yếu là luyện khí. Tuy có sự minh định về tu tánh và tu mạng, nhưng đó là hai việc không thể tách rời nhau, vì phải luôn có sự kết hợp đồng bộ giữa tinh, khí, thần trong quá trình tu luyện. Thần có tĩnh lặng mới có thể chủ động dẫn khí hậu thiên (dưỡng khí thông thường) trong từng hơi thở để chế luyện thành Khí Tiên Thiên, là cơ sở tạo nên Nhị Xác Thân. Tác dụng đầu tiên là thân sanh khoẻ mạnh, hình thể tươi nhuận và tinh thần trở nên linh hoạt sáng suốt hơn, sự sống và sức sống càng phát triển. Khí Tiên Thiên càng tích lũy được nhiều, sự sống càng dài lâu. Nếu tu tánh để tạo nguyên thần, thì tu mạng để có nguyên khí. Thần khí đầy đủ là âm dương hiệp nhất, có khả năng kết hợp cùng Trời Đất. "Thời mạt kiếp, cơ tận độ sắp bày, người tu hành nhơn đó mà lập công bồi đức để đoạn nghiệp tiền khiên và song song với sứ mạng cứu độ, phải công phu tu tánh luyện mạng để giải thoát luân hồi, tạo cho mình được khả dĩ xứng đáng vào hàng Thần, Thánh, Tiên Phật."Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn; Vĩnh Nguyên Tự, Hợi thời, 18-01 Nhâm Tuất (11-02-1982); Thánh Giáo Nguyên Bổn

3.3. Tánh mạng song tu và con đường phản bổn hoàn nguyên

Đức Đông Phương Lão Tổ có dạy:
"Đại Đạo thì rất giản dị, chỉ có âm dương, thần khí, tánh mạng đó thôi. Người biết có tánh mạng, biết dụng chỗ âm dương, thần khí để nuôi dưỡng tánh mạng, thì sự sống mới hòa nhịp được với thiên nhiên để tâm hồn được sáng suốt vững vàng, sẽ hòa hợp được với đời hầu xây dựng đời an lạc thái bình."Đức Đông Phương Lão Tổ; Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, 04-06 Tân Dậu (05-07-1981); Thánh Giáo Nguyên Bổn

Thế gian là môi trường thuận lợi nhất để học tập, rèn luyện. Thân xác là phương tiện thích hợp nhất cho sự rèn luyện tại thế gian để phàm tánh và thân mạng thăng hoa thành chơn tánh, chơn mạng trường tồn bất hoại, linh diệu biến thông. Kết quả ấy sẽ đem lại lợi ích cho người tu hành lúc còn sống cũng như sau khi thoát xác. Lúc sống thì thân thể khỏe mạnh, tâm trí sáng suốt, trên thông lý trời, dưới đạt lý đất, chung quanh thì thấu suốt lòng người; đối với xã hội thì hành động ích lợi cho nhân sanh, giáo dân vi thiện, đưa bước đồng loại trở lại quê xưa, hoàn thành sứ mạng đại thừa thiên đạo. Lúc bỏ xác là đã đủ điều kiện trở về cõi an lạc vô sanh bất diệt. Đó là tinh thần:

"Thân tuy ở cõi ta bà,

Mà tâm linh đã thoát ra cửa phiền."Đức Quan Thế Âm Bồ Tát; Thánh Thất Bình Hòa, Ngọ thời, 08-04 Canh Tuất (12-05-1970); Thánh Giáo Sưu Tập 1970-1971, tr 66

hoặc:

"Diệt vô minh, Niết Bàn kiến đắc

Tận vô minh, xã tắc thanh bình

Người người không cụ không kinh

Vì bao thảm trạng điêu linh giận hờn."Đức Quan Thế Âm Bồ Tát; Thánh Thất Bình Hòa, Ngọ thời, 08-04 Canh Tuất (12-05-1970); Thánh Giáo Sưu Tập 1970-1971, tr 66

Tuy nhiên, nói như thế không phải là đòi hỏi mọi người phải đạt được trình độ ấy. Nhân sanh căn trí vô lượng. Phương pháp tu tánh luyện mạng vẫn có nhiều mức độ để ai cũng có thể theo được và có lợi ích cho bản thân. Nếu người biết tiết chế lòng tham dục, biết sống cuộc đời điều độ, tự bảo dưỡng mình theo đạo lý, ít nói, ít buồn, ít giận, không xa hoa cũng chẳng khắc khổ,... tức là đã tạo cho mình một cuộc sống hạnh phúc ở thế gian vì không cảm thấy thiếu thốn, cũng không bệnh hoạn.

"Siêng lo hành đạo lập công phu,

Bất cứ người nào cũng dễ tu;

Sự sống hàng ngày chen đạo lý,

Khỏi cần thạch động với non vu."Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo; Ngọc Minh Đài, Tuất thời, 15-01 Kỷ Dậu (03-03-1969); Thánh Giáo Nguyên Bổn

4. KẾT LUẬN


Tu tánh luyện mạng theo tân pháp đại ân xá của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, nhân sanh có nhiều khả năng tiến hóa trong cuộc sống tại thế gian và ngay cả sau khi bỏ xác phàm:

"Thượng Đế vị nhân sanh mà khai đạo pháp để con cái của Thầy học hỏi và hành theo đúng chánh pháp, đến ngày công quả viên mãn sẽ trở về hiệp nhứt cùng Thầy. Lúc bấy giờ, con là Thầy, là Phật, Tiên, Thánh, Thần. Đó là đường lối tuyệt đích của Đại Đạo."Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; Thiên Lý Đàn, 14-02 Ất Tỵ (15-02-1965); Thánh Giáo Nguyên BổĐức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo; Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 30 rạng 01-01 Đinh Tỵ (17-02-1977); Thánh Giáo Nguyên Bổn
đọc thêm: http://sites.google.com/site/nhipcaugiaoly/tamphap
CQPTGLĐĐ

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây