Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300) là anh hùng dân tộc, nhà văn hóa vĩ đại trong lịch sử Việt ...
-
Dung Hòa /
. . . “Đã hơn hai lần, Tam Trấn Oai Nghiêm đã nói : mỗi phần tử cá nhân của ...
-
ĐÔNG PHƯƠNG CHƯỞNG QUẢN, Bần Đạo mừng chư hiền đệ hiền muội. Bần Đạo đắc lịnh Tam Giáo Tòa đến khai ...
-
Điểm nhấn trong Chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa được Thủ tướng Chính phủ ...
-
Trong suốt cuộc đời, ông phản đối tất cả các hình thức khủng bố bạo lực và thay vào đó, ...
-
. . . . . Đã Chính Trung thì làm thế nào cho ra Chính, cho phải Trung? Nên “dung ...
-
NĂM MỚI, NHÌN LẠI SÁNG KIẾN HÒA BÌNH CŨ Theo sáng kiến của UNESCO, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã ...
-
Người chèo đò ở Sangam chỉ xuống dòng nước đục ngầu của sông Hằng, nơi gặp dòng nước màu xanh ...
-
ĐỨC QUAN ÂM luôn song hành cùng nhân thế, từ Nhất kỳ, qua Nhị kỳ, đến Tam Kỳ Phổ Độ. Đức ...
-
Đấng Tạo Hóa Toàn Tri Toàn Năng quyền uy tối thượng mà con người nghĩ rằng sẵn sàng ban phước ...
-
Một giờ thanh tịnh một giờ linh
-
Mùa tu Hạ chí năm Mậu Tý, chúng ta được giảng về hai chữ "quyết tâm". NGÀY 27.5.MẬU TÝ. Thế nào là ...
Kim Trinh
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 23/02/2010
Non thiêng Yên Tử
Có người từng đến Yên Tử đã bâng khuâng tự hỏi: "Vì sao các vị khai sáng ra Thiền phái Trúc Lâm lại chọn một nơi thâm sơn cùng cốc này, suốt ngày chỉ có vượn hú, chim kêu làm bạn, trong khi cuộc đời của các vị là nhung lụa, là quyền lực?" Mà không phải chỉ có 3 vị Tổ Trúc Lâm, còn biết bao cao tăng trụ trì ở các ngôi chùa nơi đây ít nhiều đều xuất thân từ các gia đình, các dòng tộc đầy quyền uy và học vấn uyên thâm. Nếu họ ra làm quan, chắc chắn sẽ nắm được các chức vụ cao, nhưng vào chùa tu hành họ cũng không phải trốn tránh việc đời. Ngược lại xuất gia, quy y Phật mà lúc nào các vị cũng suy tư đến vận nước và tìm mọi cách để an dân giữ vững nước nhà.
Chúng ta ở vào Tam Kỳ Phổ Độ, thời kỳ quy nguyên Tam Giáo, Đức Thượng Đế đã chọn tiểu quốc Việt Nam làm nơi khai sáng Đại Đạo Tam Kỳ. Điều này không phải ngẫu nhiên. Người dân Việt xưa nay vốn hiếu học, hiếu hòa và có tinh thần đại đồng, cho nên tại đất nước này có rất nhiều tôn giáo du nhập vào, phát triển và có tín đồ sùng đạo. Ai có duyên với đạo nào thì cứ theo đó mà tu hành, không có việc chê bai, chỉ trích tôn giáo bạn.
Mùa Khai Minh Đại Đạo năm Giáp Thân vừa qua, Quận ủy quận I TP.HCM có tổ chức một buổi họp mặt chúc mừng đạo Cao Đài. Hiện diện trong buổi họp mặt đó dĩ nhiên là người Cao Đài rất đông gồm Cơ Quan chúng ta, Nam Thành thánh thất, đền Phật Mẫu, thánh thất Tân Định… Còn có sự hiện diện của các vị hòa thượng, mục sư, linh mục, nữ tu đại diện các tôn giáo bạn, có cả Ấn Giáo. Trong buổi gặp gỡ này, lãnh đạo thành phố và quận I đã bày tỏ sự quan tâm ưu ái đến giới Cao Đài và đồng thời hẹn rằng sẽ có các buổi họp mặt kế tiếp vào những dịp lễ lớn của các tôn giáo khác.
Một tinh thần đại đồng thật cao đẹp của người Việt chúng ta, không phải chỉ có ở thời đại này, mà đã có từ lâu, từ nhiều ngàn năm trước, trở thành truyền thống dân tộc… Lịch sử Việt Nam và những lời dạy trong thánh giáo Cao Đài đã cho ta thấy sự thịnh trị của triều đại Lý-Trần không phải chỉ về chính trị, quân sự, kinh tế… gọi chung là phần thế sự, mà cả về phần tâm linh. Vì đây là thời kỳ mà Phật Giáo cực thịnh, Nho Giáo được trùng hưng.
Để chứng minh tinh thần đại đồng và Nho Giáo được trùng hưng, chúng tôi xin nêu lên những điểm đặc biệt của hai triều đại này.
Đời nhà Lý có nhiều điểm đặc biệt:
1. Lý Công Uẩn là người sáng lập triều đại nhà Lý, là người xuất thân từ chốn thiền môn, thấm nhuần giáo lý Phật Gia và được các vị thiền sư đạo đức dày công dạy dỗ. Các vị cao tăng này đều trở thành các quốc sư giúp vua lo việc nước: Vạn Hạnh Thiền Sư, Lý Khánh Vân.
2. Vua Lý Thái Tổ là người có công trong việc dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long năm 1010. Năm 2010, Việt Nam chắc chắn sẽ tổ chức một cuộc lễ ấn tượng mừng 1000 năm Thăng Long, Hà Nội. Việc dời đô này có nhiều truyền thuyết rất lạ, từ việc rồng bay đến việc bạch mã chạy quanh vẽ nên chu vi thành Thăng Long.
Tám vị vua nhà Lý đều là những bậc anh minh được gọi là Lý Bát Đế và được thờ chung ở Đền Đô, còn Lý Chiêu Hoàng thì thờ riêng.
3. Triều nhà Lý đã lập Văn Miếu (1070) thờ Đức Khổng Tử và các vị tổ đạo Nho. Năm 1076 lập Quốc Tử Giám.
Do đó, thời kỳ này Phật Giáo cực thịnh, đồng thời Nho Giáo cũng được trùng hưng và nhiều thế hệ Nho sĩ được đào tạo để trở thành rường cột quốc gia sau này.
Đến đời nhà Trần, các vị vua đầu của triều đại rất anh minh.
1. Hết sức sùng bái đạo Phật , từ vua quan cho đến thứ dân. Sử chép rằng có hơn 200 công chúa đời Trần xuất gia. Con số này dù không biết độ chính xác đến đâu nhưng cũng nói lên được sự sùng bái đạo Phật của người dân thời bấy giờ.
2. Nhường ngôi cho con để làm Thái Thượng Hòang.Thông thường, sau khi vua băng hà, con mới lên ngôi kế vị, nhưng các vị vua đầu nhà Trần đều nhường ngôi cho con, làm Thái thượng hoàng để lo việc tu hành, nhưng đồng thời cũng cùng với con lo việc nước. Cho nên, đời Lý Trần thịnh trị và có những điểm chung vừa sùng bái đạo Phật vừa lo trùng hưng Nho Giáo.
Tư tưởng cao cả của đạo Phật được truyền bá vào nước ta rất sớm. Mấy nghìn năm qua, chắc chưa bao giờ đạo Phật ở nước ta hưng thịnh như dưới triều đại Lý-Trần. Biết bao nhiêu công hầu khanh tướng rời bỏ vinh hoa phú quý, cắt tóc đi tu, mong rũ bụi trần làm bạn cùng kinh kệ; lại có bao cao tăng trở thành quốc sư cùng bàn việc nước.
Đời Trần, trước khi vị Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm là Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông về Yên Tử tu hành thì năm 1236, vua Trần Thái Tông, ông nội Trần Nhân Tông, đã trốn khỏi kinh thành Thăng Long tới Yên Tử gặp Phù Vân Quốc Sư bày tỏ ý nguyện muốn vào "núi này mong làm Phật" thì vị cao tăng đã trả lời rằng: "Núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm… không phải khốn khổ đi tìm ở bên ngoài…" Một giai thoại về việc Trần Thái Tông trốn bỏ triều đình đi tu đã được kể lại: Chuyện kể rằng khi vua Trần Thái Tông rời bỏ cung điện vào núi tu hành thì Trần Thủ Độ cùng các quan đến Yên Tử rước vua về triều. Trước sự cương quyết của nhà vua, Trần Thủ Độ nói rằng: "Vua ở đâu thì triều đình ở đó" và bài binh bố trận thiết triều tại đây. Trong thế chẳng đặng đừng, Trần Thái Tông đành phải trở về triều. Vì vậy các vị vua kế tiếp muốn xuất gia tu hành đều nhường ngôi cho con.
Nhiều thế kỷ trôi qua kể từ khi Thiền phái Trúc Lâm ra đời, các nhà thiền học đã minh định câu trả lời của Phù Vân Quốc Sư và thể hiện một quan niệm mới về thiền của người Việt Nam.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà vua nhà Trần chọn nơi thâm sơn cùng cốc này. Ngô Thời Nhiệm viết rằng: "Người ta thấy Đệ nhất Tổ đến ở chùa Hoa Yên thì bảo là Ngài xuất gia. Ta biết Đức Ngài lúc bấy giờ xem thiên hạ là trọng. Tuy trong nước vô sự nhưng ở phía Bắc vẫn có nước láng giềng mạnh mẽ, chưa được an tâm. Các ý ấy không tiện nói ra, sợ người ta dao động. Cho nên nhắm được ngọn núi Yên Tử, phía Đông nhìn về Quảng Yên, phía Bắc là Cao Bằng- Lạng Sơn dựng nên ngôi chùa, thong thả dạo chơi xem động tịnh cốt để ngừa mối lo nước ngoài xâm phạm. Lúc bấy giờ Thiền sư Huyền Quang biết được ý ấy, bỏ áo Trạng nguyên theo Ngài, hoàn thành ý nguyện của Ngài". Huyền Quang sau trở thành Đệ Tam Tổ Trúc Lâm. Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông lúc ở Yên Tử, lúc lại về triều hỏi han việc nước. Đại Việt sử ký toàn thư viết rằng: "Tháng 7 năm Giáp Ngọ 1294, vua Trần Nhân Tông xuất gia, nhưng một tháng sau, tháng 8, Ngài lại thân chinh đi đánh dẹp ngoại xâm. Phạm Ngũ Lão lập được công lớn được thưởng một đạo phù bằng vàng." (Hình bên là Tháp Tổ trên núi Yên Tử )
Từ năm 1301 đến cuối năm 1303, Trần Nhân Tông rời Yên Tử đi khắp nơi trong nước. Đi tới đâu Ngài cũng dạy dân làm điều thiện. Đến Chiêm Thành, Ngài đi khất thực trong thành. Vua Chiêm hết sức kính trọng, thỉnh mời, dân chúng sắp xếp thuyền bè thân hành tiễn Thượng Hoàng Đệ Nhất Tổ về nước. Sau khi Trần Nhân Tông qua đời, vị Tổ thứ 2 là Pháp Loa, và vị Tổ thứ 3 là Huyền Quang cùng những vị cao tăng kế tiếp đã góp phần vào việc truyền bá giáo lý nhà Phật.
Trở lại với rừng thiêng Yên Tử. Vãng cảnh Yên Tử đâu phải chỉ đơn thuần là hành hương về cõi Phật. Tới Yên Tử thăm lại cảnh cũ, người xưa, cũng là một cách tưởng nhớ đến công lao của tổ tiên đã tạo dựng nơi đây thành một danh thắng, có rừng tùng, rừng trúc mấy trăm năm tuổi, có các ngôi chùa cổ kính rêu phong quanh năm thơm ngát mùi trầm. Tại đây có ngôi chùa chính là chùa Giải Oan. Đây là nơi làm lễ giải oan cho các cung phi trầm mình quyên sinh nơi dòng suối. Quanh chùa có 5 ngọn tháp, lớn nhất là tháp mộ vua Trần Nhân Tông. Tháp này cao 6 tầng gọi là Huệ Quang Kim; tháp trong có tượng Đệ Nhất Tổ.
Vùng này có rừng tùng, có thanh tùng, có thủy tùng, đặc biệt có một loại tùng chưa thấy nơi nào có, gọi là xích tùng có vân màu đỏ. Một chùa khác có tên là Vân Yên, là nơi về sau vua Lê Thánh Tông vân du đến đây thấy cây cỏ xanh tươi nên đổi là chùa Hoa Yên, là nơi vua Trần Nhân Tông tụng kinh, niệm Phật. Quanh chùa có rất nhiều am, nhiều tháp.
Nguyễn Trãi sau khi giúp vua Lê Thái Tổ dựng nên nghiệp đế, đã về Yên Tử, nay còn lưu lại những câu thơ ca ngợi:
Trên non Yên Tử chòm cao nhất,
Trời mới sang canh đã sáng tinh
Vũ trụ mắt đưa ngoài biển cả
Nói cười người ở giữa mây xanh.
Nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của vua Trần Nhân Tông, sách ghi rằng: "khi mới sinh, Ngài có dung nhan đạo mạo của bậc thánh nhân, nhan sắc như vàng, thần khí tươi sáng gọi là Kim Tiên đồng tử. Vai bên tả có nốt ruồi đen, nên có thể cáng đáng việc lớn". Hoàng thái hậu (Nguyên Thánh) trước khi sinh thường mơ thấy Thần trao cho 2 cây gươm và bảo:
"Thượng Đế có lệnh cho người tự chọn ". Hoàng thái hậu chọn, sau đó sanh ra hoàng tử, màu da như vàng ròng. Vua đặt tên là Kim Phật. Khi lớn được vua cha đặt cho tên Khâm, được dạy dỗ, chăm sóc rất kỹ để chuẩn bị cho việc kế nghiệp sau này. Năm 16 tuổi được lập làm hoàng thái tử gọi là Điều Ngự Vương, tức vua Trần Nhân Tông. Điều đặc biệt là Trần Nhân Tông từ chối, muốn nhường ngôi cho em mình mà không được chấp thuận.
Lúc nhỏ, vua thường nằm mơ thấy Phật và bắt đầu ăn chay. Vua cha thấy sức khỏe kém mới hỏi và khi biết được con muốn tu hành thì Thánh Tông khóc: "Cha nay đã già rồi chỉ trông nhờ ở con. Con mà như thế thì sự nghiệp của tổ tông sẽ như thế nào?"
Vừa lên ngôi vua, Trần Nhân Tông đã phải đứng trước một tình thế hết sức hiểm nghèo, thế nước lâm nguy do bởi giặc phương Bắc hùng mạnh, chuẩn bị xâm lăng, vua Trần Nhân Tông bối rối trước hai ngã đường, một bên là lòng ham tu học, không tha thiết đến ngai vàng, còn một bên là vận nước đang hồi nghiêng ngữa. Hội nghị Bình Than và Diên Hồng đã cho ta thấy bản lĩnh của Trần Nhân Tông đã khơi dậy lòng yêu nước và sự đoàn kết của toàn dân. Chính điều này đã chiến thắng được giặc khổng lồ ở phương Bắc.
Khi cuộc đấu tranh để bảo vệ hòa bình và gầy dựng cuộc sống ấm no cho muôn dân đang hồi tốt đẹp thì năm 1294 vua nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông và xuất gia ở Vũ Lâm. Vũ Lâm là một trong những thung lũng đẹp ở Hoa Lư. Vua dựng lên điện thờ Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Hoàng thái hậu. Vũ Lâm phong cảnh tuyệt đẹp nên vua chọn nơi đây làm lễ xuất gia.
Lễ xuất gia như thế nào và ai đứng ra làm chủ lễ thì ngày nay ta không được biết. Nhưng căn cứ vào sách sử (Thánh Đăng ngữ lục) thì người truyền tâm ấn cho Thượng Hoàng Nhân Tông không ai khác hơn là Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung.
Đến tháng 8 Kỷ Hợi (1299), Vua và trạng nguyên Lý Đạo Tái lúc này đã thành Thiền sư Huyền Quang, Đệ tam Tổ Trúc Lâm, sau này về núi Yên Tử và sống một cuộc đời giản dị đến mức không ai ngờ:
Mặc cà sa, nằm trướng giấy
Màng chi châu đầy lẫm, ngọc đầy rương
Sau khi xuất gia, Thượng Hoàng mời các danh tăng mở rộng các trường giảng, vân du giảng đạo, bố thí vàng bạc, tiền lụa để chẩn cấp cho người nghèo.
Sách viết rằng: "Thượng Hoàng đi khắp xóm làng để giáo hóa và trừ bỏ việc thờ cúng mê tín, dạy cho họ 10 điều thiện". Mười điều thiện này đã có trong kinh Phật Giáo hơn 1000 năm và được Trần Nhân Tông đem dạy dân. Có thể nói lúc bấy giờ triều đình Đại Việt là một triều đình Phật Giáo và người dân Đại Việt lúc bấy giờ là những Phật tử.
Một điểm đặc biệt, trước mỗi buổi giảng có làm lễ niệm hương cám ơn chư Phật, chư Tổ rồi mới đến tòa giảng (giống như chúng ta ngày nay… Trước khi thuyết trình, hội họp chúng ta niệm danh hiệu… đọc kinh thuyết pháp). Một điều đặc biệt nữa là sau buổi giảng đều có một cuộc đối thoại giữa thiền sư và các thiền sinh.
Thử ghi lại một vài đối thoại giữa Thiền sư Thượng Hoàng với các tăng đồ, chúng ta sẽ thấy ngôn ngữ thiền thật là khó hiểu.
Một vị tăng hỏi: Thế nào là Phật?
Đáp: Hiểu theo như trước là chẳng phải.
Lại hỏi: Thế nào là Pháp?
Đáp: Hiểu theo như trước là chẳng phải.
Hỏi: Thế nào là Tăng?
Đáp: Hiểu theo lối trước là chẳng phải.
Câu trả lời của Ngài đúng theo phong cách của Thiền tông, ngôn ngữ thiền có những nét đặc trưng của nó, đòi hỏi người lĩnh hội phải có trình độ, một quyết tâm, ngôn ngữ này khác với ngôn ngữ thường ngày.
Cuộc đời của vua Trần Nhân Tông sau khi mất đã được ghi chép đầy đủ với sự mến mộ của người dân. Điều này ít thấy trong lịch sử dân tộc, chỉ trong vòng 50 năm, Ngài có những đóng góp vô cùng to lớn cho dân tộc, đã để lại bao nhiêu lưu luyến cho người đương thời cũng như hậu thế.
Thiền phái Trúc Lâm lâu nay trong các sách lịch sử đều ghi nhận là do vua Trần Nhân Tông thành lập và người ta cho rằng phái Thiền này chỉ truyền được ba đời rồi chấm dứt và coi như hết thời thịnh vượng của Phật Giáo. Sự thật ta thấy sau đời Tam Tổ Huyền Quang năm 1334, Phật Giáo vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ và có nhiều nhân vật kiệt xuất kế thừa dòng Thiền này.
Nhìn về cuộc đời Trần Nhân Tông, ta thấy giai đoạn nhà vua xuất gia là giai đoạn đầy ắp những hoạt động chính trị và quân sự, trong đó gồm cả việc tiếp các phái bộ ngoại giao Trung Quốc, việc chỉ đạo quan hệ với Chiêm Thành, mở mang bờ cõi về phương Nam, bình định nước Ai Lao quấy rối biên giới phía Tây Bắc. Giai đoạn xuất gia của vua Trần Nhân Tông, do thế, không phải là giai đoạn tĩnh tu. Chưa bao giờ ta thấy nhà vua lơ là việc nước, việc dân, luôn luôn quan tâm đến hoạt động của con mình là Trần Anh Tông.
Một điểm quan trọng của tư tưởng Thiền Trúc Lâm được thể hiện lúc truyền y bát cho Đệ Nhị Tổ Pháp Loa tại chùa Sùng Lâm. Trong buổi lễ này Pháp Loa được trao 100 hộp sách kinh sử ngoại thư (thuật xử thế) cùng với 20 hộp kinh Đại Tạng và dặn dò rằng: "Phải mở rộng cái học bên trong và bên ngoài"
Mẫu người Phật Giáo lý tưởng như vậy phải là một mẫu người được giáo dục toàn diện: Bên trong: tu hành luyện kỷ; bên ngoài: xử thế như bậc trượng phu. Đó là một điểm đặc biệt của Thiền phái Trúc Lâm. Và một điểm thật cơ bản mà vị vua đầu tiên của nhà Trần đã dạy và nhấn mạnh đó là: "Giáo lý của Đức Phật ta phải nhờ Tiên Thánh truyền lại cho đời", cho ta hiểu tại sao đời Lý Trần vừa sùng bái đạo Phật, vừa xây dựng Văn Miếu và lập Quốc Tử Giám để trùng hưng Nho Giáo.
Đây không phải là lời nói suông của một vị sư hay một nhà trí thức nào đó mà là của một vị vua, một vị nguyên thủ quốc gia, tất nhiên nói lên được chính sách giáo dục của các triều đại này.
Việc lập Văn Miếu do một Phật tử thực hiện và người Phật tử này đồng thời cũng là người thành lập dòng Thiền Thảo Đường (vua Lý Thánh Tông).
Truyền kinh sử ngoại thư cho Đệ Nhị Tổ đã nói lên điểm đặc biệt của dòng Thiền Trúc Lâm. Vừa xuất gia tu trì giới lòng, giới tướng, vừa quan tâm đến cuộc đời lo cho nước thịnh nhà an. Có thể nói trong lịch sử dân tộc, chưa có một triều đại nào có chính sách thân dân như triều Trần, nhất là 3 vị vua đầu được thể hiện rõ nét qua các hội nghị bô lão được triệu tập để hỏi han việc nước là một việc làm đầy ấn tượng của triều đại nhà Trần.
Những ngày cuối đời của Đệ Nhứt Tổ Trúc Lâm có nhiều điểm đặc biệt: Trao việc cho Đệ Nhị Tổ Pháp Loa, giao cho các quốc sư giảng đạo, cho các quan hầu hạ và nô bộc về nhà làm ăn, chỉ giữ lại vài người thân tín, và thường đi dạo các hang núi, sống trong nhà đá.
Quan hầu cận thưa rằng: "Tuổi Ngài đã cao, xông pha sương tuyết thế này thì sẽ thế nào?"
Thượng Hoàng: "Thời đã đến rồi".
Lúc bấy giờ Ngài được tin chị mình là một công chúa đang đau nặng. Ngài cùng một người hầu chống gậy đến Thăng Long để thăm chị. Hôm đó là Rằm tháng 10 Mậu Thân (1308).
Qua ngày 17, Thượng Hoàng ngủ đêm tại chùa Sùng Nghiêm. Thái Hậu đãi tiệc chay, Ngài nói rằng: "Đây là bữa cơm cúng dường cuối cùng." Người đệ tử thân thiết nhất được gọi từ Yên Tử đến. Trên đường đi ông thấy dải mây đen phủ từ núi Ngọc Vân nơi Thượng Hoàng ở, đến sóng suối nước dâng lên mấy trượng hạ xuống mấy lần, lại thấy hai đầu rồng rất cao, đôi mắt sáng như sao.
Ngày 21, vị đệ tử đến. Thượng Hoàng cười nói: "Ta sắp đi rồi, ngươi sao đến muộn thế. Trong Phật pháp ngươi có điểm nào chưa rõ, mau đem ra đây." Và Ngài giảng cho đệ tử.
Ngày mùng 1 tháng 11, lúc nửa đêm, trời đầy sao, Thượng Hoàng hỏi: "Bây giờ là mấy giờ rồi?"
Đệ tử trả lời: "Giờ Tý."
Ngài bảo: "Đây là giờ ta đi."
Nói xong Ngài lặng lẽ ra đi. Hương thơm ngào ngạt trên trời có mây ngũ sắc. Từ dưới chân núi, vua Anh Tông và triều thần khóc vang động đất trời.
Xá lợi được chia làm hai phần đựng trong hộp vàng, một phần nhập vào lăng miếu hiệu Nhân Tông ở Thăng Long. Một phần đem về tháp vàng ở núi Yên Tử.
Sách chép rằng: Khi Thượng Hoàng đến thăm chị là công chúa Thiên Thụy đau nặng có dặn: "Chị nếu thời tới cứ tự đi, đến cõi âm có bị việc gì thì cứ trả lời: Xin đợi một chút, em tôi là Trúc Lâm Đại Sĩ sẽ đến." Nói xong Thượng Hoàng xuống núi. Công chúa mất cùng ngày với Thượng Hoàng.
Ngày nay, những ai có dịp về Yên Tử mới hiểu được tại sao người xưa chọn nơi này để tu hành, nào núi Phổ Đà, tháp Độ Nhân, nào chùa Hoa Yên, am Ngọc Vân, một năm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cỏ cây hoa lá Yên Tử vẫn ngào ngạt hương thơm, thông reo vi vút. Thoảng trong gió là tiếng chuông chùa đổ nhịp như đón khách hành hương từ muôn nơi về viếng cảnh.
Ai chưa một lần dừng chân nơi Yên Tử, xin hãy đến cảnh non thiêng này mà nhớ lời Đệ Nhứt Tổ đã dạy:
Chuyện đời khách đến thôi không hỏi
Cũng tựa lan can ngắm núi mây