Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy: “(. . .) Luận về trong lãnh vực tu học, nơi đây nói riêng, toàn ...
-
Đức Trần Hưng Đạo dạy tại Thiên Lý Đàn, Tuất thời mùng 10 tháng 04 Ất Tỵ (10.5.1965)
-
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Tý thời, 30 tháng Chạp rạng mùng 01 tháng Giêng Đinh Tỵ (17-02-1977) GIÁO TÔNG ĐẠI ...
-
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (ĐĐTKPĐ) hay đạo Cao Đài khai minh vào đầu thế kỷ 20 tại Việt ...
-
I. Định hướng hành đạo của đạo Cao Đài trong lãnh vực tôn giáo/đức tin 1. Về mặt tôn giáo, thế ...
-
Trà Đạo /
Trà đạo là một nghệ thuật thưởng thức trà trong văn hóa Nhật Bản, được phát triển từ khoảng cuối ...
-
LTS:Tháng 10-2006, tại Hội nghị APEC diễn ra ở nước ta, 21 vị nguyên thủ quốc gia đã mặc ...
-
NHO TÔNG VÀ SỨ MẠNG ĐẠI ĐẠO Đức Chí Tôn khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ với tôn chỉ “Tam ...
-
Công phu /
Đức Đông Phương Lão Tổ dạy: Công phu là để tâm an định, Nên đạo nên người chốn thế gian. (CQPTGLĐĐ, 04-6 Tân ...
-
"Sự tín ngưỡng : Thầy rất mừng các con giờ nầy đến đây, trước vui cùng các con, Thầy ngẫm ...
-
Thứ Năm, 07/02/2008, 08:02 TTO - Khách du lịch đến Quảng Bình nếu chỉ biết đến "đệ nhất động" Phong Nha thì ...
-
Text Box: NGHIÊN CỨU GIÁO LÝ ĐẠI ĐẠO BẰNG PHƯƠNG PHÁP XẾP LOẠI HỆ THỐNGQua tham khảo các đề tài ...
Kim Trinh
Vai trò Nữ phái Đại Đạo trong Gia Đình, Xã hội, Đạo
Đại Từ Phụ vì đức háo sanh đã khai mở Tam Kỳ Phổ Độ để cứu rổi các chơn linh hồi cựu vị. Và trong cơ tận độ kỳ Ba, nữ phái giữ một vai trò quan trọng.
Điều này đã được Đức Mẹ dạy:
Cuộc tiến hóa chu trình diễn tiến,
Tùy cơ duyên vận chuyển cơ mầu;
Cho dòng nước Đạo luân lưu,
Cậy tay nữ phái bắc cầu khai thông.
Và trong một đêm Trung Thu, Mẹ dạy rằng:
Hội Bàn Đào mấy ngàn năm lẻ,
Góc Trời Nam mở hé cơ mầu;
Trao tay sứ mạng nữ lưu,
Lòng từ gieo rãi năm châu hưởng nhờ.
Như vậy, sứ mạng của nữ phái không chỉ giới hạn ở mảnh đất Nam Việt nhỏ hẹp này, mà còn mở rộng đến khắp năm châu.
Thời kỳ này, nữ phái được ban trao sứ mạng trọng đại, điều mà trong Nhứt kỳ và Nhị kỳ Phổ Độ chưa từng có, từ ngàn xưa, nhất là ở Phương Đông, thân phận nữ phái thật là tội nghiệp. Quanh năm suốt tháng bận việc gia đình, lại bị ràng buộc bởi nhiều tập quán khắc khe. Cả cuộc đời người phụ nữ là một chuỗi ngày dài chịu đựng.
- Có những phong tục không cho phép phụ nữ được học hành.
- Có những nơi người phụ nữ phải bị thiêu sống theo chồng khi chồng chết.
- Lại có những phong tục bắt người phụ nữ phải che mặt khi ra đường.
Trăm cay ngàn đắng ràng buộc người phụ nữ từ thế hệ này qua thế hệ khác, khiến người phụ nữ không được hưởng những quyền mà làm một con người được hưởng. Và trong những điều kiện như vậy, người phụ nữ không có cơ hội phát huy được năng lực tiềm ẩn của mình.
Giáo lý Cao Đài nhìn nhận mọi thực thể trong vũ trụ Càn Khôn đều được hóa sinh từ sự phối hợp của nhị khí âm dương. Khí dương động, khí âm tịnh. Hai khí này hỗn hợp nhau mà hóa hóa sinh sinh, tạo thành nghìn giống muôn vẻ, thiên hình vạn trạng. Hai khí âm dương không thể tách biệt nhau. Tuy nhiên do bản chất Dương động, Âm tịnh nên Dương lập thành Càn đạo, còn Âm lập nên Khôn đạo. Như vậy, bất cứ thực thể nào trong vũ trụ cũng đều thuộc về đạo Khôn, Kiền cả.
Đức Mẹ dạy:
Con là một trong hai tú khí,
Khí âm dương tự thỉ nhất nguyên;
Dựng nên thế đạo Khôn Kiền,
Hóa sinh vạn hữu khắp miền trần gian.
Cũng trong ý nghĩa ấy, Đức Quan Âm dạy:
"Chư hiền muội nữ phái có một đức lành nhu thuận thừa thiên để trưởng dưỡng bảo tồn nuôi dưỡng che chở cho vạn vật. Do đó mà Đức Vô Cực Từ Tôn mới đến thế gian để nhìn nhận các con cái của Ngài trong thời kỳ mạt kiếp và Đức Thượng Đế cũng cất nhắc nữ phái lên hàng giáo phẩm Thiên phong để dễ bề tu niệm cho kịp với nam nhân trong cõi đời sàng sảy"
Như vậy, nữ phái thuộc về Khôn đạo mà Đức Mẹ đã dạy rằng:
"Vì bản tâm của các con là nữ giới thuộc về âm là tịnh, là bảo tồn, nuôi dưỡng, che chở cho vạn vật trong mọi trường hợp để hổ trợ đức háo sanh.
Các con là đạo tài thành trong bản chất thanh tịnh nên rất dễ tu chứng, mà cũng dễ sa đọa vì trược chất còn ẩn khuất nơi đức nhu nên giác ngộ sớm mà cũng hay lạc lầm thiên chấp"
Đức Mẹ dạy:
Bản chất tịnh từ nơi Vô Cực,
Đức chính bền động lực hóa sanh;
Con ôi, nội tướng tài thành,
Con nên phận gái Mẹ dành hồng ân.
Tam Kỳ Phổ Độ là nguơn tái tạo, mở màn cho một chu trình vận hành mới của Tạo Hóa. Đây cũng là thời kỳ qui nguyên đại ân xá do chính Đức Thượng Đế khai mở nên mới có đủ quyền năng thừa nhận nữ phái song hành cùng nam phái trên đường tu công lập đức. Chính điều này mới nói lên được ý nghĩa của sự bình đẳng lưỡng phái. Nữ phái giờ đây mới được Đức Thượng Đế ân ban :
- Được tu học, luyện đạo, hành đạo
- Được hiện diện trước nhơn sanh bá tánh.
Tôn giáo Cao Đài tôn cao và khẳng định vị trí nữ phái trong thời kỳ này. Việc nâng cao vai trò nữ phái ở đây không đơn thuần là sự an ủi hay nâng đỡ tinh thần nhất thời dành cho nữ phái mà thật sự Thầy Mẹ và các Đấng đã muốn khẳng định quan niệm nữ nam đồng đẳng là một sự thật hiển nhien, đã có từ lúc hóa sanh trời đất vạn vật, và do đó nữ phái hãy cố gắng khôi phục lại vị trí của mình sau thời gian dài mang mặc cảm tự ti, mặc cảm kém tài, yếu ớt so với nam nhân.
Đức Vân Hương:
"Này các em! Như các em đã biết, từ ngày nhân loại được tiếp nhân một nguồn sống mới cho xã hội mới thì mọi giá trị về nữ phái mới được công nhận hoàn toàn. Nhưng xét lại, sự công nhận vào khoảng thời gian đó không phải là sự kiện mới lạ. Thật sự thì từ nghìn xưa, bến bờ sông Lạc Việt, bên lịch sử Tiên Rồng đã có một nền tảng giá trị quan trọng đối với người mãnh mai bồ liễu.
Thế thì, hiện hữu các em đang trên đà tiến triển về sự hiệp nhất tinh thần, đoàn ngũ hóa nữ phái. Ấy chỉ là sự hoàn phục lại các căn bản sơ nguyên.
Nữ nam phân cách bởi hồng trần,
Diện mạo hình hài với xác thân;
Bản tánh chơn như đâu có khác,
Con nào cũng có vị nguyên nhân."
Quan niệm nam nữ đồng đẳng trong giáo lý Cao Đài không phải chỉ dừng lại ở sự công nhận ngôi vị nam nữ ngang nhau, tài đức ngang nhau là đủ. Sự đồng đẳng này còn là thể hiện hai lực lượng song hành đồng mang trọng trách hoằng giáo độ đời, hay nói khác, nam phái hay nữ phái đều:
- Đồng một sứ mạng như nhau trong Tam Kỳ Phổ Độ
Nữ cũng như nam có khác nào,
Cũng người, cũng học, cũng tài cao;
Chỉ riêng thể chất thì hơi thiệt,
Lập đức thi công rạng má đào.
- Đồng thể chơn linh:
Đức Vân Hương:
Nữ nam âu cũng một chơn linh
Cùng tách ra đi chốn thượng đình
Đến cõi hồng trần tu lập vị
Công dày quả mãn lại hồi sinh.
- Đồng đẳng song hành: cùng nam phái trên đường tu thân hành đạo. Việc nữ nam đồng chung sứ mạng, đồng thể chơn linh, đồng đẳng song hành được Đức Quan Âm dạy: "Xét theo lý Đạo, không giới nào là trọng, không giới nào là khinh. Mỗi mỗi đều có sứ mạng phối ngẫu hóa sinh, trưởng dưỡng và bảo tồn cơ vận hành cùng lòng háo sanh của Tạo vật".
Thử hỏi trong luật hóa sinh, hai cực âm dương nếu thiếu một thì không thành.
Em ơi nam nữ chung đồng,
Phải có công gì với núi sông;
Đem đạo giúp đời xây thánh thiện,
Hy sinh mọi mặt mới thành công.
Như vậy, kể từ ngày nhân loại tiếp nhận được hồng ân đại xá của Thượng Đế, thì mọi giá trị về nữ phái mới được công nhận hoàn toàn và cũng từ đó, sứ mạng trong Tam Kỳ Phổ Độ mới được đặt lên vai người nữ phái Đại Đạo.
Giờ đây, nhân loại đang bước vào thế kỷ 21, mọi thành phần trong xã hội đều chuẩn bị cho mình hành trang để bước vào thiên niên kỷ mới. Đối với nữ phái Đại Đạo, điều quan trọng là gì ?
1.Dù phải gánh vác thêm trọng trách ngoài xã hội và trong đạo, người phụ nữ không được rời bỏ vai trò nội tướng của mình.
2.Ngày nay, xã hội đã có một nền văn minh cao độ mà đạo đức ngày càng xuống dốc. Nữ phái vừa phải theo kịp trào lưu tiến hóa của nhân loại, vừa có bổn phận ngăn chận sự suy đồi đạo đức, khơi lại nguồn đạo mạch làm sống lại nhơn đạo Khổng giáo, giữ vững truyền thống vàbản sắc văn hóa dân tộc.
3. Riêng Nữ phái Đại Đạo thì trách nhiệm lại nặng mang hơn. Đó là việc:
- Tá trợ nam phái trong sứ mạng Tam Kỳ Phổ Độ
- Đưa toàn thể nữ phái lên đường Đại Đạo
Đức Vân Hương:
Sứ mạng Tam Kỳ quá nặng mang,
Nữ lưu em hỡi tiến lên đàng;
Ngày qua đóng chặt thân phàm tục,
Nay phải hiên ngang với Đạo vàng.
Sứ mạng trọng đại như vậy mà thể chất lại yếu đuối, người nữ phái Đại Đạo phải chuẩn bị cho mình những hành trang gì để vững vàng bước vào thiên niên kỷ mới với đầy đủ niềm tin, tài năng và căn bản đạo đức ?
Nữ phái trước tiên phải hoàn hảo hóa bản thân về cả ba phương diện trí năng, đức hạnh và tâm linh.
II. VAI TRÒ NỮ PHÁI ĐẠI ĐẠO NGÀY NAY
a. Hoàn hảo hóa bản thân
Muốn tạo được một xã hội tốt, phải có con người tốt. Sự hoàn hảo cá nhân là điều kiện tiên quyết để hoàn hảo hóa xã hội. (nói dễ hiểu hơn: nhiều cá nhân tốt thì xã hội sẽ tốt)
Một triết gia đã nói:
"Mỗi con người đều có giá trị ngang nhau, chỉ khác nhau về tài và đức"
Tâm lý xưa nay của phụ nữ thường tự ti, an phận cho rằng mình không cần phải học hỏi nhiều, không cần có kiến thức cũng chu toàn được việc gia đình, điều này không chấp nhận được ở xã hội văn minh ngày nay.
Chính vì hiểu được tâm lý làm hạn chế sự phát huy tiềm năng của nữ phái nên Đức Mẹ và các Đấng đã không ngừng dạy dỗ nữ phái, để làm sáng tỏ, làm kim chỉ nam đưa đường dẫn lối cho nữ giới biết đâu là sứ mạng vi nhân và biết được sự cần thiết phải trau giồi kiến thức, để nâng cao trình độ hiểu biết và có một tầm nhìn sâu rộng hầu đáp ứng yêu cầu của xã hội ngày mai.
Đức Quan Âm dạy:
"Chỉ tiếc vì từ ngàn xưa, giới nữ đã bị gán cho những tiếng như: nhi nữ thường tình, tay yếu chân mềm, nhược chất liễu bồ…. Rồi từ đó đã gieo vào tâm tư người phụ nữ có mặc cảm, nên khiến người phụ nữ trở nên có những tính thường tình. Tuy nhiên, những đại nguyên căn đã đủ can trường quật khởi để đính chính những tiếng do đời đã gán, như nào là những bực Thánh Nữ, các hàng Tiên Nương, những liệt nữ trong lịch sử đã lưu lại muôn đời, chớ nào phải như người đời đã tưởng tượng và mĩa mai".
Đức Mẹ dạy:
"Các con ơi ! Các con đã trót mang mãnh hình hài nữ giới, các con vì bị thiệt thòi về thể chất nhưng phần linh quang các con cũng quan trọng không kém nam giới. Do đó, hôm nay Mẹ đến đây chỉ bảo các con khai thác và phát triển mọi khả năng đức tài của nữ giới để thi thố công quả cùng nam giới"
Một văn hào đã nói: "Những bước ngoặt vĩ đại của xã hội không thể thiếu bàn tay người phụ nữ".
Trong thời buổi hiện nay, việc học tập để có trình độ, có kiến thức giúp người phụ nữ ổn định cuộc sống, làm việc gì cũng có suy nghĩ, có chiều sâu. Kiến thức giúp nữ giới ứng xử dễ dàng trước mọi tình huống trong đời:
Học cho hiểu bến bờ mê giác,
Học cho thông thiện ác đọa siêu;
Con học nhiều sẽ hiểu nhiều,
Hiểu hành càng kỹ, càng siêu thoát về.
B. Đức Hạnh
Ngoài việc hoàn thiện về mặt trí năng, yếu tố thứ hai này rất quan trọng mà người phụ nữ cần phải trau giồi thật kỹ: đó là sự rèn luyện về đức hạnh.
Dù ở thời đại nào, dù ở xã hội Đông phương hay Tây phương, đức hạnh luôn được xem là chuẩn mực để đánh giá con người, nhất là nơi phụ nữ, đó là vẻ đẹp tinh thần cao quý. Càng về sau này, quan niệm về đức hạnh có phần thay đổi, nhưng ai cũng phải nhìn nhận rằng: "một người phụ nữ nết na, đức hạnh bao giờ cũng được mọi người kính nể quí trọng, giúp phụ nữ sống tự tin, vững vàng và gây ảnh hưởng tốt với mọi người chung quanh".
Học thuyết Nho gia đã ảnh hưởng sâu sắc vào con người Việt Nam và việc giữ trọn Tam Tùng Tứ Đức là nét đẹp ngàn đời của người phụ nữ Á Đông.
Khi xưa trong Gia Huấn Ca, Nguyễn Trãi dạy con gái về Công, Ngôn Dung, Hạnh:
Công là đủ mùi xôi thức bánh,
Nhiệm nhặc thay đường chỉ mũi kim;
Dung là nét mặt ngọc trang nghiêm,
Không trau chuốt không chìu lả tả.
Ngôn là dạy trình thưa vâng dạ,
Hạnh là đường ngay thảo kính tin;
Xưa nay những bậc dâu hiền,
Công Dung Ngôn Hạnh là tiên phàm trần.
Và ngày nay, giáo lý Cao Đài đã dạy nữ phái về Tứ Đức với một tầm vóc cao trọng hơn.
Về Công:
Công là công quả giúp nhơn sanh,
Trì chí gắng công học đạo lành;
Mở khiếu thông minh tìm lẽ chánh,
Khai tâm lãnh hội điển cao thanh.
Như vậy, Đức Công trong giáo lý Cao Đài, ngoài vai trò nội tướng khéo léo đảm đang, còn gồm cả Tam Công.
Về Dung:
Ngoài dung nhan dáng vẻ bên ngoài, nếu bên trong ẩn tàng một nết hạnh, đạo đức thì người phụ nữ sẽ làm cho đời đẹp biết bao nhiêu.
Dung là dung thứ cả muôn loài,
Mở rộng lòng nhân dẫu thiệt thòi;
Nên đặt chữ Dung trên chữ Kỷ,
Gương lành mới đáng để người soi.
Về Ngôn:
Là lời nói trao đổi hằng ngày. Lời nói có tầm quan trọng rất lớn trong mối quan hệ giữa người và người. Vậy, người phụ nữ phải như thế nào ?
Nên yểu điệu nói năng phải lẽ,
Nét đoan trang không vẻ mà tươi;
Khi đi đứng, lúc nói cười,
Nên trang cẩn hạnh, nên người cẩn ngôn.
Và Đức Ngôn ở tầm vóc cao hơn trong giáo lý Cao Đài:
Ngôn là nên nói những điều hay,
Nói Đạo, nói nhơn chớ nói tà;
Nói lợi cho người hơn nói xấu,
Nói sao hòa thuận vẹn trong ngoài.
Về Hạnh:
Là nết na, là cung cách ứng xử. Khi đánh giá một người phụ nữ, người ta quan tâm đến phần nết hạnh hơn cả phần nhan sắc bên ngoài.
Trong bốn đức thì Công, Dung, Ngôn hiển lộ ra ngoài bằng tài khéo léo, bánh trái, bằng dung nhan thuần hậu, bằng lời nói dịu dàng, mực thước khiêm cung, còn Hạnh là cái ẩn tàng bên trong.
Do đó, Hạnh vốn là bản chất, là thiên tánh và cũng là kết quả của một quá trình giáo dục, uốn nắn của gia đình, của học đường, của xã hội.
Sự khéo tay, giỏi việc, dịu dàng nơi người phụ nữ hãy còn chiếm vị trí cao ở thời đại này. Đây có vẻ là những đường nét tầm thường, nhưng chính những đường nét tầm thường này đã nâng cao giá trị con người và giúp nữ giới dễ thành công trong nhiều lãnh vực.
Phát huy giá trị Tam Tùng Tứ Đức chính là bổn phận của nữ giới trong thời kỳ này.
Mấy ngàn năm cơ đồ ngự trị,
Bước nhân luân, mỹ tục thuần phong;
Treo gương tiết liệt quần hồng,
Trọn thờ Tứ Đức Tam Tùng đạo Nhơn.
Đức Mẹ dạy thêm:
Gìn câu Tứ Đức Tam Tùng,
Đó là Thánh Nữ Lạc Hồng Nam bang.
3.Tâm Linh
Việc rèn luyện tài đức ở mỗi cá nhân đều nhằm chuẩn bị cho việc gây tạo một xã hội đại đồng trong tình thương hòa ái. Đó là về phần nhân sinh, còn phần quan trọng không kém là phải rèn luyện tâm linh để thực thi Sứ Mạng Đại Thừa.
Ơn Trên dạy:
"Một cuộc đời đáng sống khi hướng ngoại thì lo giúp thế độ đời, lúc trở vào tâm nội thì trau giồi đạo hạnh, tu đức tu công, mưu cầu ích chúng lợi dân, xây dựng nếp sống hiệp hòa trong thiên hạ. Hiền Thánh xưa có chi đâu là lạ, biết dưỡng nuôi ý chí giúp đời, ở cho thuận lòng Trời, đối với Đạo người thì không tự hối".
Ngoài xây Thế Đạo Đại Đồng,
Trong cùng Trời Đất cộng thông cơ mầu.
Tài trí con người có thể xuất chúng, đức độ có thể rạng danh thiên hạ, nhưng nếu con người không tìm cho mình một hướng đi thì mãi mãi sẽ quẩn quanh trong những nỗi lo toan, đau khổ rối ren của cuộc đời. Nữ giới xưa nay bị ràng buộc trong việc tề gia và thường lấy đó làm mục đích chánh của đời mình nên mãi bị ràng buộc trong cái nhỏ nhen của đời thường. Trong khi đó thì sứ mạng của người phụ nữ nơi thế gian này cao cả và lớn lao biết chừng nào. Người phụ nữ bắt buộc phải tu học thật nhiều để tự độ và độ tha.
Ai Thánh Nữ mấy ngàn năm trước,
Ai Tiên Nương mấy lượt năm qua;
Cũng trong cái kiếp đàn bà,
Tu thân hành đạo thoát ra luân hồi.
Đức Vân Hương:
"Bịnh đầu tiên của các em là bịnh oan gia trái chủ, mà hiện nay các em đang nhận làm trách nhiệm chính yếu của mình, đang tha thiết giữ gìn trong kiếp này hay lắm lúc còn hẹn đến kiếp lai sinh. Bởi thế nên trần gian chứa đựng biết bao xác thân đọa đày, liễu úa hoa tàn. Dù phải trăm cay ngàn đắng, nảo ruột bầm gan cũng vẫn tìm hy vọng trong chuổi đời đầy đau khổ.
"Đáng lo là lo cho tương lai huy hoàng rực rỡ đời gọi Thế Tôn. Đáng hy sinh là hy sinh cho vĩ nghiệp để hậu thế gọi là bậc vĩ nhân. Đừng quanh quẩn xó bếp đầu môn, sẽ uổng một kiếp người trên cõi thế. Dù nữ cũng như nam, trách nhiệm vẫn đồng trách nhiệm. Nữ phái lại càng nhiều công trạng, càng nặng nề hơn cả nam nhân vì phải chịu trong nếp tòng phu"
B.BỔN PHẬN ĐỐI VỚI THA NHÂN
1.Trong gia đình
Hoàn hảo hóa được bản thân, nữ phái mới có đủ khả năng thực hành sứ mạng độ tha, từ trong gia đình, ngoài xã hội và trong Đạo.
Người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong sự vun quén và củng cố sự bền chặt của gia đình. Họ phải bận rộn quanh năm suốt tháng, thậm chí không còn thì giờ để nghĩ đến bản thân mình. Trong xã hội ta ngày xưa, phụ nữ lắm lúc còn phải đảm nhiệm việc nuôi chồng ăn học.
Một thi hào đã nói :
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Hay
Thân cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non.
Cực khổ như vậy nên Ơn Trên rất thương:
Cực hơn đám nam nhân mọi mặt,
Việc tề gia sắp đặt ngoài trong;
Con thơ một đám ròng ròng,
Cảnh nhà đủ thiếu từ trong ra ngoài.
Quá bận rộn suốt ngày bận rộn,
Thân nữ nhi vất vả suốt ngày;
Tề gia nội trợ trong ngoài,
Nước, cơm, may vá, cuốc cày chăn nuôi.
Muốn xã hội ổn định, tiến bộ, trước tiên phải hoàn thiện gia đình. Đây không phải đơn thuần là nơi nghỉ ngơi cho các thành viên sau một ngày làm việc mệt nhọc, mà là nơi các trẻ được giáo dục, nuôi nấng để lớn lên thành người. Sự trưởng thành của các thành viên trong gia đình không phải chỉ do yếu tố vật chất mà quan trọng hơn hết là yếu tố tâm lý, tình cảm. Đây là nơi mà mọi người phải sống chung, sống thật với nhau qua những năm dài tháng rộng. Họ không thể che giấu cái hay, cái dỡ của nhau. Người phụ nữ như thế nào thì gia đình sẽ như thế ấy. Chính cái hòa khí, cái hạnh phúc, cái đầm ấm của gia đình sẽ hấp dẫn các trẻ trở về với mái ấm.
Trong gia đình, mẹ là người gần gũi các con hơn ai hết. Họ là những người quyết định sự tồn vong của xã hội trong việc giáo dục những công dân tương lai của quốc gia, những thành viên tương lai của thế giới.
Ở thời đại này, chúng ta không thể đem những khuôn mẫu, luật lệ từ ngàn xưa mà áp dụng để dạy con, cũng không thể dùng roi vọt, răn đe khiến chúng sợ hãi mà xa lánh gia đình trong lúc ngoài xã hội có muôn vàn cám dỗ. Ngược lại, nếu cưng chìu, dễ dãi đối với con cái là tiếp tay đưa con vào đường hư hỏng.
Trong việc giáo dục con:
a. Trước tiên bậc làm cha mẹ phải nêu gương mẫu mực
" Phụ từ" mới dạy con "tử hiếu"
b. Phải dựa trên nền tảng đạo đức, không thể dạy con những mưu mô xảo quyệt để hại người mà mưu lợi cho mình.
Đức Quan Âm:
Con còn dại còn khờ trong trắng,
Tập tánh cho chúng đặng hiền lương;
Ban cho chúng nó tình thương,
Chọn người bạn tốt trên đường tiến thân.
c. Khám phá năng khiếu của con mình để hướng dẫn con cái phát huy tài năng.
d. Dùng tình thương để sửa đổi tật xấu, làm sao cho chúng thích sống trong gia đình, xem gia đình là tổ ấm.
Bà mẹ ấy tinh thần trụ cốt,
Làhiền thê rường cột gia trung;
Chồng xưa nổi tiếng anh hùng,
Cũng do hiền phụ đúc ung tinh thần.
e.Trẻ con thời buổi này dễ bị ảnh hưởng của xã hội nên ngoài tình thương, bậc làm cha mẹ phải làm cho con nể phục. Ngày nay, cha mẹ cần hiểu, biết trước mọi thắc mắc, mọi tình huống xảy ra cho con mình.
Nếu không, lần lần chúng cảm thấy gia đình, cha mẹ không là điểm tựa cần thiết cho cuộc đời của chúng, dễ làm cho chúng rơi vào những quyến rũ ngoài xã hội.
Lịch sử Đông Tây Kim Cổ chứng tỏ cho ta thấy những bậc anh hùng cái thế, những nhà bác học, những hiền nhân Thánh triết thường có những bà mẹ, những người vợ xuất chúng. Nếu không có những bà mẹ như Mạnh Mẫu, thì làm sao có được một Mạnh Tử được hậu thế tôn là Á Thánh.
Đức Quan Âm:
Xưa Mạnh Mẫu cầm chân Mạnh Tử,
Theo học đòi trung thứ lễ nghi;
Ngày nay tiết nghĩa còn ghi,
Nho Tông Khổng Mạnh, Đông Tây kính nhường.
Sách Mạnh Tử dạy:
"Khi xưa Mạnh Tử lầm lỗi, Mạnh Mẫu dạy rằng: Thế là con chẳng hiểu lễ nghĩa, sách nói về Lễ đã dạy rằng: "Khi đến cửa phải hỏi có người hay không? Khi từ nhà dưới lên nhà trên phải đánh tiếng lớn, lúc vào phòng phải quan sát kỷ, phải tôn trọng việc riêng của người khác, đừng để người ta không kịp trở tay, càng không được lấy đó mà trách móc người ta. Vừa rồi, trước lúc vào phòng con không gỏ cửa trước, lại cũng không đánh tiếng hỏi, đó chẳng phải là lỗi của con sao?"
Ôi ! Cách đây hơn hai ngàn năm mà những lời dạy của Mạnh Mẫu vẫn còn là bài học cho người đời nay.
Tóm lại, thời kỳ này, người mẹ phải thật sự nắm giữ được con mình bằng tình mẫu tử thiêng liêng và bằng cả tài năng và đạo đức.
2.Ngoài xã hội: Nữ giới phải ứng xử như thế nào?
Thế giới ngày nay đã xích lại gần nhau nhờ các phương tiện thông tin, các phương tiện giao thông nhưng nhân loại đang phải đương đầu với nhiều thảm họa.
- Nào những tệ nạn xã hội đưa đến những tật bịnh nan y.
- Nạn tăng dân số đưa đến nạn thất nghiệp, nghèo đói
- Nào nạn ô nhiễm môi trường…. Cộng thêm thiên tai chiến tranh v.v…
Những vấn đề này đã làm đau đầu các nhà xã hội học và các nhà lãnh đạo quốc gia.
Trước những thảm họa của thế kỷ, các quốc gia không thể đơn phương đối phó mà phải liên kết thành nhiều tổ chức để hỗ trợ nhau: từ những tổ chức kinh tế, tổ chức khoa học, tổ chức nhân đạo… Nhìn chung, một tập thể nhỏ, một xã hội không làm nổi mà phải nhiều người, thật nhiều người cùng chung tay góp sức mới xây dựng được cơ đồ. Và trong hiện tình thế giới ngày nay, nữ phái phải có trách nhiệm trong sự tồn vong của đất nước.
Công việc cùng chung gánh vác trọng trách quốc gia đòi hỏi người phụ nữ phải có tài năng, bản lĩnh và đạo đức mới có đủ cân, đủ lượng làm nên đại cuộc.
Kiến thức có được không nhứt thiết phải từ học đường, mà có thể ở trường đời và là kinh nghiệm sống cả đời người.
Nhìn lại thì sự chung tay góp sức của mọi từng lớp nhân dân trong cộng đồng xã hội, sự đồng chung hiệp lực của nhiều quốc gia, nhiều tổ chức trên thế giới, phải chăng là mầm móng của một xã hội Đại Đồng.
Nước ta đang ở thời kỳ phát triển. Sự tiến bộ của nước nhà đòi hỏi mọi thành viên của quốc gia cùng chung tay góp sức không phân biệt nữ, nam, già, trẻ. Tất cả đều có bổn phận đưa nước nhà đi lên.
Xã hội ngày nay có biết bao nhiêu tài năng nữ phái trong mọi lãnh vực khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật…. Ngay cả trong chính trường những nữ Tổng thống, nữ Thủ tướng, nữ Bộ trưởng điều khiển guồng máy quốc gia không thua gì nam giới. Gần đây nhất, trong lãnh vực không gian cũng đã có nữ giới góp phần. Ngoài ra, bên cạnh các nguyên thủ quốc gia, các nhà lãnh đạo tài ba đều có bóng dáng của các vị phu nhân tài đức. Họ là những trở thủ đắc lực cho chồng trên đường sự nghiệp. Nhưng lợi điểm của người phụ nữ trong xã hội vẫn là sự dịu dàng nhu thuận rất thích hợp trong công tác xã hội từ thiện.
"Các con nhìn chung quanh các con, ôi, biết bao nhiêu là thảm họa, biết bao những tâm hồn cô đơn non nớt, yếu ớt, đói lạnh đầu đường xó chợ, không nhà, thiếu sự an ủi vổ về của những bậc từ ái ra công cứu trợ. Họ đang chờ những bàn tay dịu hiền, những tấm lòng từ ái của các con.
Việc làm đã và sẽ đòi hỏi năng lực, phương tiện cùng tinh thần vĩ đại, không phải một con làm nên, cần phải có sự hợp quần.
"Các con lo cho đời, cho chúng sanh, nhân quần xã hội, đem lại sự cơm no, áo ấm, nhà ở, trường học, bịnh viện. …. Đó là nguồn hạnh phúc cho họ mà chính là hạnh phúc của các con đó, vẫn vĩnh cữu trường tồn, mưa không lạt, nắng không phai, trộm không cắp, cướp không giật, lửa không cháy, phong ba bão táp không hề hấn gì.
Vậy đó các con. Nếu các con đánh rơi hạnh phúc thực tại đó, tức là chính đời con sẽ sống trong toàn là những cơ hồ giả dối, tạm bợ sa đọa, luân hồi".
Xã hội càng văn minh, nhu cầu hưởng thụ vật chất càng nhiều … Do đó nảy sinh biết bao nhiêu tệ nạn làm suy đồi cả một thế hệ thanh niên. Thế kỷ mới, chúng ta phải đối diện với thực trạng này.
Đức Mẹ dạy:
"Các con có kinh khủng nhìn thấy các giống vi trùng độc đã lan tràn trong thế hệ này chăng ? Nếu các con không sớm đem sở năng đạo đức của mỗi đứa để thực hành phổ tế, tìm phương pháp chữa trị kẻ bịnh, và tách rời đứa mạnh ra khỏi những khung cảnh bịnh hoạn thì ngày kia con sẽ thấy những cảnh hãi hùng trong cơ hủy diệt"
Lời Đức Mẹ dạy là một bài toán phải giải đáp, một chương trình phải thực hiện và là trách nhiệm của những ai vì thế hệ tương lai, vì tiền đồ của đất nước, cùng chung tay góp sức đưa nước nhà khỏi thảm họa diệt vong.
3.Trong Đạo
Ngoài bổn phận đối với gia đình và xã hội, nữ phái Đại Đạo ngày nay được Ơn Trên dày công chỉ dạy đã hiểu được rồi sứ mạng của mình trong thời kỳ này. Điều quan trọng là làm sao cụ thể hóa, biến sự hiểu biết này bằng hành động. Đó là lý do mà Đức Mẹ dạy thành lập tổ chức Nữ Chung Hòa năm 1967.
Mẹ dạy:
"Từ đây về sau, các con nữ phái hãy bảo với nhau làm sống dậy tinh thần đạo đức, đem lý trí phục vụ lương tri để vun trồng hạnh phúc chung cho con và nhân loại…. Các con hãy xây dựng Nữ Chung Hòa để đào sâu giếng nước giữa bãi sa mạc để biến thành miếng ruộng phì nhiêu và hãy gieo lên hạt giống lành cho mai hậu".
Và Đức Vân Hương dạy:
"Các em! Danh từ 3 tiếng Nữ Chung hòa, một danh từ trong các danh từ trong những đoàn thể trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ mà Từ Mẫu đã dành cho các em, giúp cho các em có phương tiện khai thác một kho tàng quí giá vô cùng mà từ bấy lâu nay các em hầu như quên lãng trong quá khứ vô tình chôn vùi trong lớp bụi thời gian, lòng cơ hồ như không luyến tiếc".
Điều mà Nữ Phái Đại Đạo phải chuẩn bị cho mình trước thềm thiên niên kỷ đã được Đức Vân Hương dạy:
"Xã hội này, nước non này là trách nhiệm của người biết Đạo như các em. Kẻ hung tàn bạo ngược, những người hào phóng xa hoa không phải là mất lương tri, không phải là ngoài vũ trụ. Đó là cốt nhục của các em, đó là những lương tri chưa thức tỉnh. Các em cần nên tìm những kẻ ấy để an ủi, độ dẫn dầu trường hợp nào, vui buồn hay khổ cực."
Và để giúp Nữ phái một hướng đi vững chắc. Đức Mẹ ân ban Chương Trình 5 điểm:
1. Đoàn kết mật thiết nữ phái đó đây để kết hợp thành một khối tinh thần vững chắc hầu trao đổi, học hỏi kinh nghiệm đạo lý.
2. Sưu tầm phát triển giáo lý Đại Đạo, dẫn dắt đào luyện những mầm non theo nề nếp đạo đức để tiền tấn hậu kế, tre tàn măng mọc.
3. Giúp đỡ nữ phái các thánh thất, thánh tịnh
4. Làm mẹ, làm chị gương mẫu cho đoàn con cái để chúng không sai đường lạc lối.
5. Làm công tác xã hội từ thiện.
Chương trình 5 điểm được xem như là kim chỉ nam, một cẩm nang giúp nữ phái Đại Đạo noi theo đó mà học tập cả đời lẫn Đạo, noi theo đó mà nâng cao kiến thức mới có đủ cân, đủ lượng thực hiện được sứ mạng Tam Kỳ, đó là:
- Tá trợ nam phái trong việc hoằng dương chánh giáo.
- Và đưa toàn thể nữ phái đi trên đường Đại Đạo.
Như vậy, nữ phái Đại Đạo bước vào thiên niên kỷ mới phải học tập rất nhiều cả Đời lẫn Đạo để nâng cao trình độ, kiến thức, phải rèn luyện tâm linh, phải sẵn sàng hội nhập vào thế kỷ mới mà không bị ngỡ ngàng.
Đức Lý dạy:
Có Tâm mà lại có Tài,
Đức Tâm, Tài đủ đạo Thầy hoằng dương.
Và Ơn Trên dạy:
"Trên đường hành sự, các con cần có những đức tính khiêm tốn, nhẫn nại, từ bi, khoan dung, dịu dàng, sẵn sàng chấp nhận mọi dị đồng, rồi đem đức độ dung hòa, biến chế cho những dị đồng ấy được đồng nhất."
Tóm lại, ở đời thường, muốn khuân vác một vật nặng, vượt đường dài, con người phải có một sức mạnh mới đảm nhiệm nổi. Còn nữ phái, thể chất yếu đuối, đường xa gánh nặng thì phải dùng sức mạnh gì mới hoàn thành sứ mạng? Có phải chăng là nghị lực, là hy sinh, là can trường thiết thạch, là cả một lòng tin tuyệt đối vào Thầy Mẹ và các Đấng.
Nữ Phái thật hạnh phúc và an tâm vì chúng ta không phải là khách lữ hành cô độc trên đường thiên lý.
Ơn Trên dạy:
Trên đã có Chí Tôn dẫn lối,
Dưới Phật Tiên tiền bối hộ trì;
Đệ Huynh thuận thảo cùng đi,
Bên con có Mẹ lo gì không nên.
Như vậy, trên đường dài gánh nặng, chúng ta có Thầy Mẹ, có chư Phật Tiên, Thần, Thánh, chư Tiền bối hộ trì, có cả đệ huynh đồng hành.
Bước vào thế kỷ mới, Nữ Phái chúng ta bằng lòng cung kỉnh phụng mạng, nguyện dâng hết quảng đời còn lại để làm sáng danh Thầy, danh Đạo.
Mẹ dạy:
Mẹ trao gởi chân tình Vô Cực,
Con nhận rồi chí đức chí tâm;
Dẫu cho thế cuộc thăng trầm,
Độ đời con giữ một tâm vững vàng.
Chúng ta quyết giữ một tâm vững vàng và cùng chúc nhau thành công trong sứ mạng.