Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
29/09/2012
Thiện Chí sưu tầm

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 01/10/2012

Tìm hiểu HỘI YẾN BÀN ĐÀO BAN TRAO BÍ PHÁP


HỘI YẾN BÀN ĐÀO BAN TRAO BÍ PHÁP

I-Ấn tượng lịch sử của Lễ Hội Yến Diêu Trì đầu tiên

Theo Sử Đạo, Đêm mồng 8 tháng 8 (25-9-1925), Đức AĂÂ giáng đàn, dạy ba vị Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang chuẩn bị thiết một lễ chay để cầu thỉnh Đức Diêu Trì Kim Mẫu và Cửu Vị Tiên Nương giáng lâm. Đức Phạm Hộ Pháp cho biết : “Đức Chí Tôn ra lệnh, biểu làm một cái tiệc. Ngài dạy sắp đặt cái tiệc ấy để đãi Đấng vô hình. Đãi mười người (vị) Đức Phật Mẫu và Cửu Vị Tiên Nương” (1)
Đêm hôm sau, mồng 9, ba vị cầu đến Cô Đoàn Ngọc Quế (Vương Thị Lễ), hỏi thêm cho được tận tường. Đàn hôm ấy quan trọng. Cô Đoàn Ngọc Quế lần đầu tiên cho chư vị biết rằng Cô chính là Thất Nương, Chị Hớn Liên Bạch là Bát Nương, cùng trong Cửu Vị Tiên Nương hộ giá Đức Diêu Trì Kim Mẫu. Nhưng, Thất Nương vẫn chưa tiết lộ về Đức AĂÂ. Tiếp đến, Thất Nương hướng dẫn đầy đủ nghi thức hành lễ tiếp Đức Từ Tôn Diêu Trì Kim Mẫu vào đêm Trung Thu, và yêu cầu chư vị cần : Trai giới liền ba ngày trước khi hầu lễ, và phải dùng Đại ngọc cơ để cầu Đức Mẹ Diêu Trì.


. . . “Qua ba ngày trai giới, đến đêm 14 rạng Rằm tháng Tám Ất Sửu (2-10-1925), quý vị thiết Lễ Hội Yến với chư Thiên tại tư gia Ngài Cao Quỳnh Cư (134 Bourdais). Việc chuẩn bị được quý ngài chăm chút kỹ lưỡng, như :

“ ... Lập bàn hương án, chưng những hoa thơm, xông trầm trọn ngày (nhà không tiếp khách nào hết)” (2)

“ Sắp tiệc ấy do tay Bà Nữ Chánh Phối Sư Hương Hiếu vâng mạng lịnh tạo thành môt tiệc. Trên là bàn thờ Phật Mẫu. Ở dưới đặt một chiếc bàn lớn, sắp chín cái ghế như có người ngồi vậy. Chén, đũa, muỗng, dĩa bất kỳ cái gì cũng giống như đãi người hữu hình vậy.” (3)

Đến giờ Tý ngày Rằm, sau khi lên nhang đèn quỳ lạy thành kỉnh, quý vị thiết đàn cơ. Chư Thiên giáng lâm, chào mừng.
Tạm xả đàn, như đã được Thất Nương hướng dẫn trước, ba vị đồng hiến lễ. Tiếp đó quý ngài ngâm ba bài thơ đã chuẩn bị sẵn, kính dâng lên Đức Diêu Trì và Cửu Vị Tiên Nương.

Bước vào phần tiệc, ba vị được phép sắp thêm ba chiếc ghế ngồi phía sau, trong lúc ấy bà Nguyễn Thị Hương hầu tiếp chư Thiên. Bà trịnh trọng dâng lễ lên Đức Diêu Trì Kim Mẫu, tiếp đến hiến lễ phẩm mời từng vị Tiên Nương...

Sau phần dâng lễ, chư vị lập đàn tái cầu. Theo lời hứa trước, bốn vị Tiên Nương là : Nhất Nương, Lục Nương, Thất Nương và Bát Nương giáng tặng bốn bài thơ”. (Trích Lịch sử đạo Cao Đài, quyển 1(Khai Đạo), Cơ Quam PTGL Đại Đạo xuất bản)

II-Hội Yến Bàn Đào
(Hình trên: Hội Yến Bàn Đào tại CQPTGL)

Từ thuở khởi nguyên của đạo tức tôn giáo Cao Đài chúng ra, khi Đức Chí Tôn vừa thâu nhận xong hai nhóm đệ tử đầu tiên của Ngài thì Đức Từ Mẫu bèn đến với chư Tiền Khai trong khung cảnh Hội Yến Bàn Đào.
Sự lâm phàm Khai Đạo của Thầy được biểu trưng bằng Thiên Nhãn, mà Thiên Nhãn cũng chính là ngôi Thái Cực hóa sanh vạn vật, vận hành vũ trụ.
Sự lâm phàm của Mẹ được biểu trưng bằng cuộc hội yến trùng hoan.
Một cung cách thống ngự, khai sinh của Thầy.
Một cung cách gần gũi, vỗ về của Mẹ.
Hình thức mở đạo đã bày tỏ thiên lý, thiên cơ.
Mẹ là Vô Cực, là bản thể, là ngôi bảo tồn. Thầy là Thái Cực là ngôi Sáng tạo. Cho nên đứng về hiện tượng tôn giáo, khai Tam Kỳ Phổ Độ thì duy có Thầy là Giáo chủ. Còn về mặt cứu rỗi vô vi thì Đức Từ Tôn chưởng quản.

Thế nên, thời Hạ Ngươn này, Đức Mẹ ban đặc ân cho mở Hội Yến Bàn Đào tại trần gian là một hình thức đem đến huyền nhiệm tâm linh cho con cái ý thức sứ mạng Kỳ Ba. Nên Đức Vân Hương Thánh Mẫu vâng thánh ý Đức Mẹ dạy như sau:
Này các em ! năm nào cũng thế, ngoài những ngày lễ tết thường lệ vào những dịp khác, có lẽ Lễ Trung Thu và đặc biệt hơn nữa, trong Đại Đạo các em có Lễ Bàn Đào hiến dưng phẩm vật cho Đức Mẹ Vô Vi. Đó là một đặc điểm được xem rất quan trọng trên phương diện ý nghĩa tinh thần của nó. Vì cuộc lễ này thật sự nó là một dịp nhắc nhỡ cho các em gìn giữ đầy đủ những bảo vật Thiêng Liêng mà các em đã thọ nhận từ Diêu Cung nơi vô lượng kiếp.”( Chơn Lý Đàn, Tuất thời, 26 tháng 7 Tân Hợi (15.9.1971)

Dù đã trải qua 47 mùa thu, Bản Nương nhận thấy chư liệt vị cũng như mọi người đều chưa giải đáp với niềm tin trong danh từ Hội Yến Bàn Đào ban trao bí pháp. Rồi bao nhiêu dấu hỏi - ai đã được sống nghìn năm khi dự Hội Yến Bàn Đào? Và ai được ban trao bí pháp? Mặc dù có người được tràng sinh từ khi có Hội Yến Bàn Đào, và cũng có lắm người được ban trao bí pháp. Thế tại sao? Nếu người đời chưa thoát ra khỏi cái tháp ngà riêng rẽ, chưa khoát bức vô minh, thì làm sao suy luận nổi bí pháp nhiệm mầu của Tạo Hóa. Dù cho có được hưởng Hội Yến Bàn Đào cũng không thấm cái hương vị tràng sinh, có ban trao bí pháp cũng hóa thành công cụ riêng tư trong kho tàng ích kỷ. Chỉ những người có “tâm pháp nhứt như” (4)mới thấu triệt huyền vi hoán chuyển ấy.”
( Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời, 05-8 Quí Sửu (01-9-1973)

Thế nên, Đức Mẹ muốn cho con cái của Mẹ phải ý thức được thiên lý ấy để hiểu được cơ vận hành của Đại Đạo mà hành đạo đạt được tôn chỉ cứu cánh. Nghĩa là Tam Kỳ Phổ Độ phải vượt lên trên hoạt động tôn giáo thông thường nghiêng về tín ngưỡng, sùng tín, tìm kiếm một chỗ dựa tâm linh. Mà cơ cứu độ kỳ ba phải song hành giác mê khải ngộ chúng sanh với cứu khổ hành thiện, xây dựng xã hội an lạc tiến bộ.

III-Bí pháp nhiệm mầu

Bí pháp là đạo pháp vô vi kín nhiệm, là một công năng tiềm ẩn trong chủ thể sẽ thúc đẩy chuyển hóa nội thân, nội tâm đồng thời phóng phát tác dộng vào tha nhân, ngoại thể.
Đối cá nhân nột hành giả, thì “Đạo pháp là cái pháp, là giềng mối, là chìa khóa cho hành giả mở đi vào trung tâm sự tạo Phật tác Tiên, giải thoát kiếp hồng trần tạm bợ, trầm luân khổ hải để về chốn an nhàn vĩnh cửu vô sanh bất diệt.” (Đức Vạn Hạnh Thiền Sư, Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời, 04- 9 Quí Sửu (29-9-1973)

Còn “Hội Yến Bàn Đào Ban Trao Bí Pháp” thì “Bí pháp” ở đây có ý nghĩa rất thiêng liêng trọng đại, thuộc về Chánh pháp cứu độ Kỳ Ba. Qua Sử Đạo và thánh ngôn của Đức Vô Cực Từ Tôn và các Đấng, chúng ta biết rằng Đấng ban trao là Đấng tối cao đại từ đại bi nơi Diêu Trì Cung, ngự trị Ngôi Bảo Tồn Dưỡng Dục trong Càn khôn thế giới. Ngài lấy điển tích Hội Yến Bàn Đào (5) trên thiên đình để giáng điển lâm phàm giao cảm tâm linh với con cái của Ngài lập thành Sứ mạng đại thừa thiên nhân hiệp nhất tại trần gian thời Tam Kỳ Phổ Độ.

Trung Thu năm Quí Sửu 1973, Đức Mẹ đã dạy về hình thức ban Bí pháp và diệu dụng của Bí pháp:

Nơi đây Mẹ tạm một số bạch thủy để thay rượu bồ đào ban cho các con sau giờ Hội Yến.

(Đức Mẹ ban điển vào bầu bạch thủy…)
Đó là bí pháp trong đêm Trung Thu, các con hãy đem chia nhau mà thọ hưởng.

Mẹ cũng nói rõ : bí pháp không ngoài tâm con. Nếu tâm còn còn nhiều phiền trược, hãy dùng chút bồ đào tiên tửu Mẹ ban để lắng dịu thanh khiết mà tu hành cho nên đạo quả, đó là bí pháp. Còn những lý huyền nhiệm hơn, Mẹ đợi chờ lòng con tịnh khiết sẽ trao cho
.” (Vĩnh Nguyên Tự, Tuất thời Rằm tháng 8 Quí Sửu (11.09.1973)

Vậy điều kiện để thọ nhận được Bí pháp là phải có “tâm tịnh khiết”:

“Mẹ đã ban hồng ân vào bạch thủy cho con đồng thọ hưởng. . . Các con nên nhớ vào giờ công phu thiền định khai mở cõi lòng tịnh khiết để tiếp nhận luồng hồng quang thiên điển. Nhiếp thu được nhiều hay ít là do ở lòng của con. Hồng quang thiên điển luôn luôn bủa trùm để cứu độ sanh linh. Các con hãy giác ngộ, hãy ý thức với nhau để cùng tu hành hạnh hưởng. Mẹ cùng phật tiên thánh thần sẽ đến dự lễ Hội Yến Bàn Đào đêm mai. Các con nhớ trật tự thanh tịnh cần được tôn nghiêm là cực lạc đó con, nhất là các con không nên bỏ sót một con nào dù là lớn hay nhỏ.”( Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14 tháng 8 Bính Thìn (7-9-1976)

IV-Từ Bí pháp đến sứ mạng

Không nên bỏ sót một con nào dù lớn hay nhỏ”, câu nói đơn giản nhưng gợi đến tình thương bao la như lòng Từ Mẫu bao dung hết thảy con cái không phân biệt. Mẹ muốn con nào đã hạnh hưởng Bí pháp đều cảm ứng với tình thương ấy mà nhận lấy sứ mạng tự độ, độ tha.

Nên Đức Vân Hương Thánh Mẫu từng dạy về nếp sống trung hòa của con người Đại Đạo rằng: “ Con người biết giữ được mực độ quân bình cho chính bản thân là tâm linh phải lo trau luyện cho thanh thoát, đừng để thất tình lục dục bao vây. Có thế mới hòa vào xã hội nhân sinh để sống một cuộc sống có ý nghĩa siêu nhiên hơn. Khi con người tự thấy lòng bác ái vị tha nẩy nở là biết sống đời sống Tề Vật của Trang Chu (6) hay Bình Đẳng Quan (7) của Thích Giáo. Tâm linh và nhân sinh không thể tách rời mà phải luôn luôn gắn liền với nhau nhịp nhàng sinh động vô kỷ, vô công, vô cầu, vô danh, tự khắc các em sẽ hòa mình vào đại thể mà hưởng thú thiên nhiên, mà dự yến Bàn Đào.”( Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14 tháng 8 Bính Thìn (7-9-1976)

Vậy, Yến Bàn Đào là kết quả viên mãn dành cho những nhân vật thể hiện đầy đủ tâm đức đại thừa
Đối với Cơ Đạo, Đức Từ Mẫu trao cho các bậc hướng đạo chiếc cẩm nang ba điểm:
® bổn linh chơn tánh
® tình thương
® tâm điền
Mẹ dạy: “Này con ! Đạo hay bổn linh chơn tánh của các con là phương thuốc nhiệm mầu, tình thương của các con là chất keo sơn hàn gắn, mảnh tâm điền của các con là nền tảng xây dựng cơ thống nhứt quy nguyên. Con biết đạo để trở về bổn linh chơn tánh là nguồn gốc của con người, thì không bị ngự trị bởi tà thần ngoại cảnh. Con có tình thương rộng lớn bao la như biển cả luân lưu thì tình đồng đạo các con không khô khan rạn nứt. Con có mảnh tâm điền rắn chắc bằng phẳng không gai góc không chướng ngại, thì để xây dựng cơ thống nhất quy nguyên. Nếu các con biết thực dụng sở hữu mà Đức Thượng Đế đã ban cho, thì từ một đến muôn ngàn triệu triệu, không đòi hỏi cũng lành mạnh, cũng thống nhất quy nguyên. Áp dụng vào hiện tình đất nước dân tộc cũng thế.” (Vạn Quốc Tự Chơn Lý Đàn, Tuất thời 13 tháng 8 Tân Hợi (01.10.1971)

“ . . .Kỳ hạ nguơn cộng nghiệp, các con phải thấy ân phước mà đừng để kể khác nhắc nhở, tình Vô Cực rất bao la, nhưng Thiên luật công bình không mẩy lọt. Mẹ mong muốn các con nam nữ đã được nhận lấy sứ mạng Thiên ân quyền pháp đem lại nguồn an lạc vĩnh cửu cho nhân sanh. Các con hãy khai nguồn an lạc riêng con cho thông suốt, đừng để vướng bận hoàn cảnh đa diện bên ngoài mới chóng thành công.” (Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14 tháng 8 Bính Thìn (7-9-1976)

V-Hội yến Bàn Đào là biểu trưng hi hữu của thế Thiên Nhân Hiệp Nhất.

_ Đức Mẹ có Cửu Vị Tiên Nương hộ giá giáng trần dạy đạo từ buổi đầu Đức Chí Tôn Khai Đạo, thì Hội Yến Bàn Đào là cuộc trùng hoan tương cảm giữa hai cõi sắc không để cùng đương kham sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
_ Ngài còn ban thưởng cho những chơn linh hành đạo đắc quả giữa thời đại ân xá này được hội ngộ với thân nhân đang tiếp bước theo truyền thống đạo nhà.
_ Ngài ban tiên tửu tịnh khiết cho con cái để nối nguồn ân điển thừa hành sứ mạng thiên ân.
_ Ngài còn cho ngâm thi đối ẩm, xướng họa thi thơ để người sứ mạng tâm đắc lý “Thiên nhân hiệp nhất” hầu đi suốt con đường Cứu độ Kỳ ba.

Mẹ dạy: “Các con ôi ! một năm hành đạo giúp đời, một năm kinh nghiệm thế thái nhân tình, một năm tự tu tự tiến, và cũng là một năm các con trui rèn ý chí kiên nhẫn trì thủ để dọn mình tiến lên nấc thang cao hơn. Mẹ mừng khi nhìn thấy các con của mẹ đã ý thức thế nào là tu thân lập hạnh, thế nào là bồi công lập đức, thế nào là thế thiên hoằng đạo, và lãnh hội ít nhiều đạo lý trong Hội Bàn Đào ban trao bí pháp. Ít nhất cũng là phải vậy. Mẹ không mong hơn gì hơn là thấy các con được giác ngộ. Có giác ngộ các con mới tự khoát lên cho mình một trách nhiệm trước Thượng Đế, trước nhơn sanh. Đó là thế Thiên hoằng đạo độ nhơn sanh.”(Thánh Thất Bình Hòa, Hợi thời, Rằm tháng 8 Giáp Dần (30.09.1974)

VI-Hội Yến Bàn Đào đã trở nên truyền thống Lễ hội Trung Thu Cao Đài

Mẹ ban ơn trước Yến Bàn Đào.

PHÚ

Thu Kỷ Mùi các con đồng tâm hiệp sức,
Sắp lễ nghi muôn thức hiến dâng,
Cũng không quên những con bạc phước vô phần,
Đem chia sớt tình thương cho mọi kẻ.
Mặc dù đôi cánh én không đem lại một mùa xuân đầy mát mẻ,
Nhưng đó cũng là báo hiệu tiết xuân sang;
Cho hành nhân góp nhặt cánh mai vàng,
Cho lữ khách biết đông sắp tàn cơn giá rét.
Yến Bàn Đào các con đã đem trần thiết,
Có rượu trà bánh mức với hương đăng,
Có quả hoa đủ sắc, có cổ bàn,
Có đủ mặt nữ nam lớn bé.
Có các nơi quây quần về cúng lễ,
Có thi văn kinh kệ ngâm nga;
Có tình thương chan xẻ hiệp hòa,
Mẹ chứng lễ và Cửu Nương tiếp lễ.
Có Tiên Phật chín trùng hộ vệ,
Có Tiền Khai Đại Đạo tôn linh;
Có Chơn Linh Phụ Mẫu các trẻ đã viên thành,
Đồng triều lễ trước thảm xanh hội yến.
Hội Bàn Đào tượng trưng cho vòng luân chuyển,
Một chu kỳ trái chín với mùa thu;
Để gợi lòng các trẻ rán lo tu,
Cơ sàng sảy phân phàm lọc thánh.
Phải cố gắng trau dồi đức hạnh,
Phải kiên trì tu tánh tu tâm;
Trước là lo tự độ lấy nhơn thân,
Và tế độ tha nhân trong bể hoạn.
Hội Yến để nhớ con còn sứ mạng,
Là Thiên ân gánh đạo bước vào đời;
Thức tỉnh người trong biển khổ chơi vơi,
Sống cõi tạm cuộc đời sớm tối.
Nếu đời không lăn lộn chốn mê tân,
Nếu đời không đắm đuối kiếp trầm luân;
Thì THƯỢNG ĐẾ có sắp chi hàng Thiên ân sứ mạng,
Đêm tăm tối mới cần dùng ánh sáng.
Bịnh ngặt nghèo mới cần vạn bóng lương y,
Lúc thiên tai mới mong đợi kẻ cứu nguy;
Khi mạt pháp mới cầu chơn truyền chánh pháp,
Muốn giải thoát con phải giải trừ nghiệp chấp.
Muốn huyền đồng con phải vô ngã vô nhân,
Muốn phối thiên phải gột rửa lòng trần,
Muốn tịch diệt đủ đầy nhân trí dũng.
Nhân là thương khắp muôn loài vạn chúng,
Không biệt phân nòi giống lạ hay quen;
Cũng không chia cao thấp sang hèn,
Thương kẻ ghét mình mà lo tế độ.
Trí là biết tri hành mà thoát khổ,
Biết lòng người và biết chỗ thị phi;
Biết những gì phải, trái bỏ đi,
Biết tiến thoái, biết tùy doi nương vịnh.
Dũng là dám chế kiềm vọng tính,
Dám đoạn trừ bất chính nơi tâm;
Dám hy sinh vì Đạo nghiệp mà làm,
Dám chuyển hóa lòng tham sân si dục.
(Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời 13 tháng 8 Kỷ Mùi (3-10-1979)
Đó là phần giáo lý Đức Mẹ ban trong Lễ Hội Trung Thu Cao Đài, Mẹ còn ban giáo pháp cho con đường phản bổn hoàn nguyên nữa:

THI

Muôn cánh hoa sen trổ cõi đời,
Nhờ bùn sen mới được xinh tươi,
Gương sen khiết tịnh hương sen nức,
Phiền não bồ đề cũng thế thôi.
-o-
Đất phiền não bồ đề vun xới,
Lìa thế gian sau tới niết bàn,
Vào đời nhục thể phải mang,
Muốn sang bể khổ nhờ thoàn rước đưa.
Thang tiến hóa con vừa cất bước,
Bước Đại Thừa cố vượt lần lên,
Biết tu tánh Đạo Chí bền,
Có dồi trau mới trở nên ngọc lành.
Cõi hậu thiên thân sanh vào đó,
Điểm tiên thiên sẵn có nơi thân,
Là mầm sống, là nguyên thần,
Là Trời, là Đạo, là nhân của người.
Biết đặng rồi con ôi rán giữ,
Giữ đừng cho các thứ nhiễm ô,
Lục căn thanh tịnh bày phô,
Đừng đem vọng ý mà tô điểm vào.
Hễ một niệm khơi màu trần tục,
Tham sân si giây phút dấy loàn,
Đậy che một ánh linh quang,
Che mờ chơn tánh lớp màn vô minh.
Con còn chẳng biết mình đâu đấy.
Thì làm sao con thấy tội tình,
Thế nên lịch kiếp tử sinh,
Đa mang nghiệp lực tiến trình khó khăn.
Kỳ ân xá vô ngần duyên phước,
Một kiếp tu mà được đắc thành,
Thoát vòng hệ lụy tuổi xanh,
Nghiệp xưa trả dứt, quả lành kết tinh.
Vào tịnh thất dọn mình tu luyện,
Chốn thiền phòng cải tiến dục tâm,
Ngó nghe nói tưởng vững cầm,
Thu vào hang trống mà tầm chủ ông.
Thiền là tâm huyền công luyện kỷ.
Tâm là thần nhất lý dung thông,
Ở trần chẳng dính bụi hồng,
Ở trong sinh diệt thoát vòng diệt sinh.
Chủ tình thức tâm linh chiếu diệu,
Thấu suốt điều thọ yểu cùng thông,
Tự do tự tại thong dong,
Vào ra thấy tánh chơn không hiện bày.
Đó cũng là bổn lai diện mục,
Gội rễ người chẳng chút chi li,
Thù đồ vạn tượng đồng qui,
Trời người có đạo chấp trì một tâm.
Cõi nê hoàn (8) Mẹ chăm cúc tửu,
Vào Cao Đài (9) Mẹ trụ sanh quang,
Rồi con đến đó hội bàn,
Đủ đầy sức sống vững vàng độ nhân.

(Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời 13 tháng 8 Kỷ Mùi (3-10-1979)

Thiện Chí biên soạn
Trung Thu Nhâm Thìn, Ngày 14 tháng 8 Nhâm Thìn
(29-9-2012)

_______________________

CHÚ GIẢI

(1) Trích lời thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc tại Tòa Thánh Tây Ninh ngày 5-8-Kỷ Sửu (1949). Chữ “Đức Chí Tôn” do Ngài hồi tưởng lại, lúc ấy chính thật mới chỉ có danh Đức AĂÂ.
(2) Hương Hiếu - Đạo Sử 1 (Ronéo) - Trang 7.
(3)Trích lời thuyết đạo của Đức Phạm Hộ Pháp tại Tòa Thánh ngày 15-8-Kỷ Sửu (1949).
(4)Tâm pháp nhứt (nhất) như: nhất=một; như=không khác. Chân lý của Đức Phật là xóa tan những biên giới của tư tưởng nhị nguyên để trở về với bản thể chân thật của nó là thân tâm nhất như.
Con người hiện nay vì chạy theo thuyết Nhị Nguyên nên sống trong quay cuồng điên đảo vì thế Đức Phật mới dạy chúng sinh quay về sống với nguyên lý Bất Nhị tức là không hai thì tâm tư sẽ được ổn thỏa và cuộc sống sẽ trở lại an vui tự tại. (Ánh Đạo Vàng -http://lesyminhtung.net/index.php?option=com_content&view=article&id=172:35-thuyet-nhi-nguyen-va-chan-by-bat-nhu&catid=36)
(5)Tên gọi dựa vào huyền tích: Quyển Địa Mẫu Diệu Kinh của Phật giáo có câu: "Công quả song toàn tề phó hội Bàn Đào đại hội thọ huê vinh" Có nghĩa: Công quả đầy đủ sẽ được dự hội Bàn Đào.
Qua kinh sách, Yến Bàn Đào do Đức Tây Vương Mẫu đãi chư Tiên, có đào tiên mấy ngàn năm mới chín một lần.
Quyển "Thất Chơn Nhơn Quả" cũng ghi rằng Hội Yến Bàn Đào có tên gọi Quần Tiên Đại Hội.
Có bài kệ rằng:
Thất-Chơn Nhơn-Quả vĩnh lưu truyền,
Chỉnh muốn cho người tập diệu-huyền,
Chịu hết trên đời nhiều việc khổ,
Ắt ngày sau đặng chứng Kim-Tiên.

(6)Theo Trang tử, muốn đạt tới sự Tiêu dao du thì phải xem vạn vật bình đẳng, xem rộng ra sẽ thấy sống chết như nhau, giàu nghèo không khác, xấu đẹp cũng vậy... Từ đó sẽ thấy tham sống, tham giàu, tham đẹp... là sai, vì mỗi hoàn cảnh, mỗi vật có một giá trị riêng của nó, tất cả đều nằm trong Đạo. . .. đưa ra 1 thuyết nói về sự tương đối của vạn vật, vạn vật đồng nhất, chỉ tại thành kiến mà trông như khác; 1 vật vô dụng ở chỗ này nhưng hữu dụng ở chỗ khác, nơi này thấy xấu nhưng nơi kia thấy đẹp. (Wikipedia,. Nam Hoa Kinh, Tề Vật luận)

(7) Kinh Phật nói “Tâm, Phật, chúng sinh; cả ba đều không sai khác và bình đẳng trong bình đẳng”. Phật giáo nói bình đẳng không phải chỉ trong một bộ phận, mà là bình đẳng toàn diện. Không riêng nói bình đẳng giữa người với người, bình đẳng giữa Phật với Phật, mà người với Phật, người với động vật, người với Thiên thần quỷ ngục đều là bình đẳng. (Bình đẳng quan Phật giáo, Uông Trí Biểu, dịch giả Thích Tuệ Đăng, Nguồn: http://tangthuphathoc.net/pgvkh/01-nhinpgquakhoahoc-03.htm
(8)Nê hoàn: là một não thất của con người. Tiên gia cho đó là nơi thần khí giao hội. Tu luyện đắc quả thì Thiên tâm, Chân tính an trụ nơi này.
(9) Cao Đài: ở đây ám chỉ Cao Đài nội tại, kết tinh bằng Tinh, Khí, Thần của hành giả tu chứng qua quá trình luyện đạo

                                                                                              PHỤ LỤC

Bài thuyết đạo của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc về Hội Yến Diêu Trì

Cửu Long Đài, chiều ngày 15-8-Nhâm Thìn (dl 3-10-1952):

"Hôm nay là ngày chúng ta hội hiệp cùng Đức Diêu Trì Kim Mẫu. Bần đạo nhớ lại lúc ban sơ, Đức Chí Tôn mới đến mở Đạo, Ngài làm một Bí pháp từ thử đến giờ chưa ai tưởng đến. Ngài ra lịnh lập một cái tiệc rất trọng hậu, chay chớ không phải mặn như ngoài đời, lấy trong số 13 người chúng ta, kể: Cửu vị Nữ Phật và Đức Phật Mẫu, với ba người sống, tức nhiên 3 người hữu hình và 10 người vô hình, dự tiệc ấy. Ba người hữu hình là Đức Cao Thượng Phẩm, Đức Cao Thượng Sanh và Bần đạo. Tưởng không có cái ngộ nghĩnh nào hơn là ngồi ăn uống với những vị khuất mặt. Buổi nọ, Bần đạo chưa có đức tin, thấy một cái đó là việc nghịch nhứt, nhưng khi vào ngồi tiệc rồi, không biết cái tinh thần nó thay đổi thế nào, chẳng khác gì như chúng ta dự một tiệc trọng hậu, có mặt đủ các bạn ngồi chung quanh chúng ta đó vậy.
Đức Chí Tôn thi hành Bí pháp ấy, buổi nọ chúng tôi không hiểu gì hết, Bần đạo cũng tìm tòi kiếm nghĩa lý. Có lẽ những người đoạt được cơ siêu thoát, tức nhiên tầm được cái huyền bí giải thoát cho mình, thì có đặc ân thiêng liêng ban cho Bàn Đào Hội Yến, tức nhiên là Hội Yến Diêu Trì .
Cái nghĩa lý sâu xa ấy, chúng ta thử để dấu hỏi, tại sao Đức Chí Tôn đã đến bảo chúng ta Hội Yến Diêu Trì. Ngài muốn gì đó? Muốn cho toàn cả con cái của Ngài, chớ không phải với ba người đó mà thôi.
Đoạt cơ siêu thoát, tức nhiên ta nói thường ngữ của chúng ta là muốn cho toàn thể con cái của Ngài đoạt đặng cơ siêu thoát đó vậy.
Vì cớ cho nên, hôm rồi Bần đạo có nói một câu rất chánh đáng: "Xưa kia, con người đi tìm Đạo, còn hôm nay trái lại, Đạo đến tìm người." Ôi! Nếu ta tưởng cái ân hậu vô biên của Đức Chí Tôn đã thi thố, thì chúng ta hạnh phúc không thế gì có ngôn ngữ nào mà tả cho đặng.
Thật ra hôm nay chúng ta hội hiệp cùng nhau đây, nó sẽ trở thành một tương lai, cũng như bên Thánh giáo GiaTô, tức nhiên là Công giáo, họ có phương thông công cùng Đức Chí Tôn đó vậy.
Hạnh phúc thay cho những người đặng Hội Yến Diêu Trì hôm nay, tức nhiên đặng hồng phúc hội hiệp cùng Bà MẸ thiêng liêng của chúng ta, lẽ dĩ nhiên được mang sứ mạng thiêng liêng nơi mình, cả toàn con cái của Đức Chí Tôn cũng thế, Nam cũng thế, Nữ cũng thế, kẻ Đông người Tây, kẻ Nam người Bắc, đem cả cơ bí mật thiêng liêng của Đức Chí Tôn là lòng yêu ái của Ngài mà rải khắp cho toàn thể con cái của Ngài đều hưởng.
Mỗi một năm, chúng ta được hưởng cái hạnh phúc hội hiệp cùng nhau, chính mình Bần đạo mỗi khi Hội Yến Diêu Trì được sum hiệp cùng mấy em Nam Nữ đông đảo chừng nào thì Bần đạo càng thêm vui mừng hân hạnh chừng ấy.
Bần đạo có nhớ một tích xưa: Một bà mẹ có nhiều con, rồi họ xúm lại với nhau thay phiên đặng nuôi mẹ. Hễ khi anh cả nuôi rồi thì cân được bao nhiêu, tới phiên em thứ nuôi, rồi cân phải hơn hay là như số đó mới đặng. Nhưng trong đám con ấy, rủi thay có một đứa nghèo mà đứa nghèo ấy lại được bà mẹ yêu ái binh vực hơn, phần nghèo khó có phương chi nuôi mẹ cho đầy đủ được, nên hễ tới phiên người con nghèo ấy thì bà mẹ ốm o gầy mòn, vì ăn không đủ thì thế nào cũng ốm. Bây giờ đến ngày cân, thì bà mẹ phải làm sao? Bà lận lưng thêm mấy cục chì cho nặng thêm, không thì tội nghiệp cho đứa con nghèo ấy. Cho nên lời tục họ gọi là: "Bà mẹ thương con phải bù chì." là lẽ ấy.
Bà MẸ thiêng liêng của chúng ta cũng vậy. Bần đạo tưởng nơi cõi Thiêng liêng Hằng sống kia, không ai bảo vệ binh vực cả linh hồn chúng ta hơn Bà MẸ thiêng liêng ấy. Mỗi phen chúng ta hội hiệp cùng Người mỗi năm một lần, thử thí nghiệm coi, cả con cái của Ngài khi về thì sẽ đặng an ủi và có cái vui hứng làm sao đâu! Không biết mấy em Nam Nữ có cái cảnh tượng đó hay chăng? Chớ Bần đạo mỗi phen được Hội Yến Diêu Trì, làm như Bần đạo uống một chén thuốc bổ. Tinh thần Bần đạo vui hứng, mạnh mẽ tráng kiện làm sao đâu! Có phải là cái huyền diệu ấy duy để cho cả con cái, Chức sắc Thiên phong, những người lãnh sứ mạng cao trọng trong Đạo hay cả toàn thể con cái Đức Chí Tôn đều hưởng được?
Bần đạo dám quả quyết nơi Đền Thờ của Đại Từ Mẫu của chúng ta, Bà không kể con cái sang trọng của Bà đâu, trái ngược lại, Bà lại thương yêu binh vực những đứa con nào nó thiệt thà hèn yếu hơn hết.
Ấy vậy, Qua nói rằng: Trong cả mấy em đây, nếu có đứa em nào thiếu thốn cả tinh thần và vật chất, thiệt thòi nghèo khổ, tật nguyền, Qua dám chắc Bà MẸ thiêng liêng của chúng ta sẽ vui ở với những kẻ ấy lắm vậy.
Qua chỉ cho mấy em một cái Bí pháp là khi nào mấy em quá thống khổ, quá đau đớn tâm hồn, mấy em đừng vội sầu thảm, các em quì xuống giữa không trung, các em nguyện với Bà MẸ thiêng liêng ấy một lời cầu nguyện. Bần đạo quả quyết rằng: Bà chẳng hề khi nào từ chối cùng mấy em. Bần đạo đã thử nghiệm rồi. Cả toàn con cái của Đức Phật Mẫu thí nghiệm như Bần đạo thử coi.
Trong cảnh đồ lưu nơi hải ngoại, cái chết dựa bên lưng. Qua thấy cả hiện tượng Bà ở bên ta đó vậy.
Cái hiển hách anh linh của Bà, Qua đã quả quyết rằng, từ thử đến giờ chưa có trong cửa Đạo nào hưởng được.
Mấy em thí nghiệm coi rồi để tâm cả thảy. Nếu muốn cho Bà thương yêu, mình có cái Bí pháp hay ho hơn hết là mấy em thương yêu những kẻ tật nguyền, đau khổ, ngu hèn, khốn mạt. Mấy em thử nghiệm lấy cái huyền linh của Bà.
Bần đạo cầu chúc ân huệ thiêng liêng của Bà chan rưới bủa khắp toàn thể con cái của Đức Chí Tôn, Nam cũng vậy, Nữ cũng vậy, nhứt là mấy đứa thơ sinh, mấy đứa trẻ nhỏ côi cút."
Tóm lại, Bí pháp của Hội Yến Diêu Trì Cung là Đức Chí Tôn đem cơ quan giải thoát xuống thế đặt trong cửa Đạo Cao Đài để toàn thể các tín đồ được hưởng.
Theo cổ luật thì, người tu một khi đắc đạo, chơn hồn được lên Diêu Trì Cung dự Hội Yến Bàn Đào, được Đức Phật Mẫu ban cho ăn trái đào Tiên và uống Tiên tửu.
Ngày nay, thời TKPĐ, Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương vâng lịnh Đức Chí Tôn giáng trần, mở tiệc Hội Yến DTC tại Đền thờ Phật Mẫu để toàn cả con cái của Đức Chí Tôn và Phật Mẫu về hội hiệp cùng Đức Mẹ thiêng liêng, dâng hoa quả, rượu, trà lên Đức Mẹ, và Đức Mẹ sẽ ban tặng trở lại cho con cái của Ngài để con cái gội hưởng hồng ân của Phật Mẫu, làm cho tâm Đạo phấn chấn thêm lên, làm động cơ thúc đẩy con cái mau tiến hóa trên bước đường tu niệm, sớm trở về hội hiệp cùng Phật Mẫu. Mà một khi được hội hiệp cùng Đức Phật Mẫu thì tức nhiên là đắc đạo, giải thoát khỏi luân hồi.
Hội Yến DTC tượng trưng Bí pháp đắc đạo là vậy.  . /.
Thiện Chí sưu tầm

Cảnh khổ mà lòng vẫn phải vui,
Có vui mới thấy đạo say mùi,
Say mùi đạo hãy xa phàm tục,
Cho lặng lòng trần đắc vị ngôi.

Đức Chí Tôn, Thiên Lý Đàn, 30-10 Mậu Thân, 19-12-1968

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây