Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
  • NHAT KÝ CUỐI TUẦN / Thiện Chí

    “Bởi quyền Đạo còn yếu nên thế quyền mới lấn được; dầu phải thế quyền cao rộng đến bao nhiêu ...


  • Những năm cuối của thế kỷ XX có nhiều nhà nghiên cứu đã tiên đoán rằng thế kỷ XXI sẽ ...


  • Kinh Đạo Nam / Anh Thư sưu tầm

    KINH ĐẠO NAM, một loại sách hiếm lạ Gọi hiếm lạ có lẽ cũng không quá đáng, vì trong kho tàng ...


  • Thầy là ai ? / Quách Hiệp Long

    "Muốn sửa lòng, ngắm lòng Từ Phụ, Tu thân nhìn vũ-trụ là thân. Thái sơn, biển cả, vi trần, Tình thương chứa đựng ...


  • Vạn Hạnh (Hán tự: 萬行) (938 – 1025) là tên một vị thiền sư người Việt có nhiều đóng góp ...


  • Khủng hoảng quan trọng nhất của hiện đại là khái niệm về Tiến Bộ. Hồi thế kỷ 19, với sự ...


  • Thể Pháp và Bí Pháp / Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc

    Huyền vi bí mật Tạo-Đoan đã cho một tánh-chất ly-kỳ bí mật , là khôn-ngoan hơn Vạn-Vật, do khôn-ngoan ấy ...


  • Đây là một phán quyết phá chấp triệt để của Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo. Thuần chơn vô ngã ...


  • Le Tao / Nguyen Ngoc Chau

    L’histoire dit que l\'empereur Fo-Hi regarda le Ciel, puis baissa les yeux vers la Terre, en observa les particularités, considéra ...


  • Sống tự nhiên / Đức Vô Cực Từ Tôn

    Các con tu luyện là để biết sống cái sống chơn thường tự nhiên tự tại của các con. Sanh ...


  • THOI MAT PHAP / Tue Tam

    Thời kỳ mạt pháp là thời kỳ được bắt đầu từ sau khi đức Phật nhập niết bàn 1500 năm, ...


  • CAO DAI AT A GLANCE / BAN BIÊN TẬP

    . Who founded Caodaism? CaoDaism was founded in Vietnam at the beginning of the 20th century by Cao Dai, the Supreme ...


28/09/2011
Kim Trinh

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 28/09/2011

Vào đời độ chúng lập công . . .



BÀI THUYẾT TRÌNH
TRUNG THU TÂN MÃO 2011


Học lời Mẹ dạy:

Vào đời độ chúng lập công,
Rồi quày trở lại hiệp cùng Mẹ con.

ooOoo



Trung Thu tháng Tám đêm Rằm,
Là ngày Đức Mẹ giáng lâm cõi trần.

Hôm nay là ngày Rằm Tháng 8. Hằng năm cứ vào ngày này, Đức Mẹ giáng lâm cõi trần để ban hồng ân cho khắp cùng con cái. Chúng ta thật hạnh phúc được sống trong tình Vô Cực và được gội nhuần ân đức cả. Và cũng hôm nay, với tất cả lòng thành kính, chúng ta trân trọng thiết Đại Lễ Triều Thiên Vô Cực và Hội Yến Bàn Đào. Đã nhiều lần, cũng vào mùa Thu, Mẹ dạy chúng ta:

Mẹ nhìn chiếc lá Thu rơi,
Xót thương con trẻ trong thời Hạ Ngươn.
Sống cuộc đời bao cơn thống khổ;
Khổ của đời đến độ gian nguy.
Động lòng Kim Mẫu Diêu Trì,
Lâm trần giữa lúc Thu về với con.

Lời Mẹ dạy khiến chúng ta xót xa trong lòng, vì dù sanh trong cõi hậu thiên, chúng ta cũng cảm nhận được lòng Từ Mẫu vô cùng vô tận. Mẹ dạy thêm:

Thì có nhớ mùa Thu năm ấy,
…. Mẹ dặn dò con hãy ghi lòng,
Vào đời độ chúng lập công,
Rồi quày trở lại hiệp cùng Mẹ con.

Đây là nỗi lòng của một người Mẹ thương con, lo lắng chờ đợi con mình đến mỏi mòn. Cũng qua lời Mẹ dạy, chúng ta đã hiểu được sự hiện diện của con người ở cõi thế gian này không phải là ngẫu nhiên mà con người hay đúng hơn là các nguyên nhân, lãnh lịnh Thầy ra đi từ cõi Thượng Thiên, vào đời tu hành, độ đời, lập vị, khi xong sứ mạng sẽ trở về phục lịnh. Ơn Trên thường dạy: “Thời mạt kiếp còn rất nhiều nguyên nhân lạc lối chốn hồng trần”

Mở cửa Càn Khôn ngắm bể dâu,
Chín mươi hai ức biết về đâu.

Như vậy, có đến 92 ức nguyên nhân chưa tìm được lối về. Các nguyên nhân này phải trải qua nhiều kiếp luân hồi sanh tử vô lượng kiếp mà đường về cứ xa dần. Do đó người lãnh lịnh Thầy ra đi thì nhiều mà trở lại chẳng được bao nhiêu. Thời mạt kiếp này, văn minh vật chất đem lại quá nhiều tiện nghi, phục vụ tốt đẹp cho đời sống đã làm cản trở sự tiến bộ tâm linh của con người. Do đó, Đức Thượng Đế háo sinh khai mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ để cứu rổi, và vì cuộc đời này còn quá nhiều trọng trược, nhơn sanh còn nặng nợ trái oan nên việc tu hành của người đời trong thời kỳ này vô cùng khó khăn: từ việc sống, ăn, mặc, ở, đến sức khỏe, và vô số hoàn cảnh không thuận tiện cho việc tu hành. Thầy xót thương cho nhơn sanh chịu nhiều đau khổ nên ban thêm Đại Ân xá: tội gây ra Thầy giảm bớt.

Con biết tu Thầy thu lại bớt,
Tội đủ mười Thầy sớt còn ba.

Còn công đức ta tạo được thì Thầy ban thêm.

Con tu vốn một lời mười.

Đây là một trong những đặc điểm của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Do đó, bất kỳ người tín đồ Cao Đài nào, khi giác ngộ đều có chung một ước nguyện: đó là khi thoát xác được trở về Thầy. Nhưng đường đời có muôn ngàn lối rẻ, biết chọn con đường nào là chánh đạo để noi theo. Một chút lỡ bước lệch lạc, rơi vào bàng môn tả đạo thì sẽ như thế nào?
Sa chân lỡ bước ngàn năm đoạ đày

Vì vậy Đức Mẹ rất thương mà chỉ đường dẫn lối:

Con hỡi đường nào đạt đạo cơ,
Con đường trung nhứt phục nguyên sơ;
Ngàn xưa Giáo Tổ đều do đó,
Hành đạo độ đời tỉnh giấc mơ.
Lời Mẹ dạy giúp chúng ta hiểu đường trung nhứt là chánh đạo mà tự ngàn xưa các bậc Giáo Tổ thừa mệnh Trời xuống trần mở Đạo, độ đời cũng đều trở về bằng con đường trung nhứt này.

Con đường trung nhứt phục nguyên sơ.

Thời mạt kiếp, con người đang dự trường thi, vì cõi trần này là trường thi tiến hoá, và con người cũng đang trả nghiệp, rồi đôi lúc bị vô minh nên vô tình tạo thêm nghiệp mới, nên Đức Thượng Đế lại ban thêm Tân Pháp để chúng ta noi theo đó mà trở về. Đó là đường lối Tam Công.

Đức Mẹ thường lo sợ chúng ta mê trần rồi dải đãi nên mới dạy:

Hồng trần là cõi tạm rồi đi,
Hỡi các con ôi! Có sá gì,
Sớm biết linh căn hồi cựu vị,
Ngàn thu an hưởng cõi Diêu Trì.

Mẹ dạy chúng ta một điều cơ bản: cuộc đời này là giả tạm, hãy sớm lo tu thì ngày trở về sẽ được ngàn thu an hưởng.

Thầy hết sức cương quyết mà hứa rằng:

Thầy hứa trước nơi đây nam nữ,
Hứa cùng con danh dự lời này;
Ngọc Hoàng Thượng Đế là Thầy,
Nếu không thành Đạo, Thầy đây không về.

Lời Thầy Mẹ dạy khiến chúng ta đau xót trong lòng.
Tạo Hoá ban cho chúng ta mãnh hình hài, ban cho tánh linh để sáng suốt tu hành chớ đâu phải để thụ hưởng nơi cuộc đời giả tạm này. Mẹ đã dạy cho chúng ta biết được cội nguồn của mình: “Con nhớ chăng con chốn Thượng Đình” biết được sự có mặt ở cõi trần này để làm gì? Làm thế nào để được trở về. Điều này đã giải toả được những thắc mắc từ lâu của con người: Con người từ đâu đến? Đến cõi trần này để làm gì? Và khi chết sẽ đi về đâu?

Chúng ta thử có một cái nhìn tổng quát về một chu trình tiến hoá tâm linh gọi là lý tưởng của một nguyên nhân. Chu trình này có 3 giai đoạn:

1. Lúc lãnh lịnh Thầy ra đi, xuống trần.
2. Ở lại trần gian tu hành, độ đời, lập vị.
3. Giai đoạn hoàn nguyên trở về.

Xét 3 giai đoạn, chúng ta hiểu được giai đoạn nào khó khăn nhất, khó khăn ở điểm nào và nguy hiểm ra sao mà cản trở cuộc hoàn nguyên của con người.

A. GIAI ĐOẠN ĐẦU là giai đoạn các nguyên nhân lãnh lịnh Thầy xuống phàm trần. Thường là các nguyên nhân tự nguyện độ đời. Thầy Mẹ hiểu rõ những khó khăn, những khảo đảo và những cảm bẩy ở thế gian này nên Thầy đã nhắc nhở một cách cương quyết rằng:

Lãnh lịnh Thầy đừng thẹn với Thầy,
Thủy triều vận tải Đông Tây
Danh con được rạng, Đạo Thầy hoằng dương.

Hứa với Thầy, chúng ta phải giữ lời hứa một cách trân trọng, một cách trọn vẹn bởi vì “Lãnh lịnh Thầy đừng thẹn với Thầy”. Và Mẹ thiết tha căn dặn nhứt định con phải hứa trở về.

Vào đời độ chúng lập công,
Rồi quày trở lại hiệp cùng Mẹ con.

Trong đời này, chúng ta ai cũng đã từng chứng kiến những cuộc tiễn đưa, cảm động nhất là cảnh Mẹ tiễn con ra đi, cho dù là đưa con ra đi tòng quân nhập ngũ, hay đi lập nghiệp, đi học xa thì bất kỳ cuộc chia ly nào cũng để lại cho kẻ ở người đi bao nhiêu nỗi niềm. Rồi những ngày còn lại là những ngày Mẹ chờ đợi mỏi mòn. Mẹ nơi Trời Âu hay Mẹ nơi đất Á, Mẹ từ ngàn xưa hay mãi về sau này mỗi người Mẹ đều có chung một tấm lòng hy sinh cho hạnh phúc của riêng con. Người đời thường ca tụng:

Ai rằng công Mẹ bằng non,
Thật ra công Mẹ e rằng lớn hơn.

Một triết gia đã nói:

“Trên thế giới có rất nhiều kỳ quan nhưng kỳ quan đẹp nhất vẫn là trái tim của người Mẹ”. Thế nên, một đứa trẻ mồ côi mẹ là đứa trẻ bất hạnh nhất trên đời. Chúng ta hãy nghe nỗi lòng của một đứa trẻ vừa mất mẹ trong “Bông hồng cài áo” :

Năm xưa tôi còn nhỏ,
Mẹ tôi đã qua đời,
Lần đầu tiên tôi hiểu;
Thân phận trẻ mồ côi.
Quanh tôi ai cũng khóc,
Im lặng tôi sầu thôi.
Để dòng nước mắt chảy,
Là bớt khổ đi rồi.

Người mẹ phàm trần chỉ với vài đứa con mà suốt đời phải chịu nhiều khổ luỵ, còn Đức Mẹ Diêu Trì, Mẹ linh hồn của chúng ta, là Mẹ của cả vạn linh sanh chúng thì khó khăn cho Đức Mẹ biết chừng nào. Nhớ con, Mẹ đã than rằng:

“Hỡi con trẻ cung son có nhớ,
Chốn Diêu Cung trẻ nở quên sau;
Dẫu khi mang sứ mạng vào,
Dẫu khi đoạ lạc trần lao đền bù.”
. . . . .

“Luật tiến hoá con ôi có biết,
Nghiệp luân hồi càng siết càng căng.
Bánh xe luân chuyển dặm ngàn,
Xuống lên mãi mãi còn đàng tử sanh.”

“Đời không có chi là tuyệt đối, chỉ có chơn lý là tuyệt đối mà thôi. Dù có muôn ngàn lối rẻ, các con cũng phải cố gắng noi theo Chánh Đạo, đừng để bao nhiêu vật dục kéo lôi trì níu. Con đi đi mãi chẳng trở về để đến cuối cùng trong bước trầm luân đoạ lạc”

Cũng vì sợ các con ngả lòng trước nghịch cảnh nên Mẹ rất nghiêm mà dạy rằng: “Mẹ khuyên các con nên nhớ: muốn vun cội bồ đề, phải nhân trong miếng đất phiền não mà vun. Nếu vì miếng đất phiền não mà con không vun được cội bồ đề, tất nhiên con phải chịu trong luân hồi chuyển kiếp”

Nếu phải sống trong những khó khăn, khảo đảo, những cảnh phiền não, chúng ta phải nghĩ đó là công trình luyện kỷ, vượt qua nghịch cảnh là chúng ta vun được cội bồ đề.

Cội phiền não trổ bông cực lạc,
Nguồn thất tình Bồ Tát hiện thân.

Có thể ví như một đoá sen vươn lên từ vũng bùn lầy trổ hoa sắc hương ngào ngạt, gọi là “Như sen tinh khiết như vầng nhật quang”.

Ngoài những lời dặn dò tha thiết lúc tiễn đưa, Mẹ lại ban cho chúng ta hành trang để bảo vệ chúng ta đừng lỡ bước, đừng nghiêng ngả trước làn sóng vật chất. Hành trang đó là 8 món báu, còn gọi là Bát Bửu: Hiếu để, Trung tín, Lễ nghĩa, Liêm sĩ, với lời dặn dò:

- Hãy có gắng giữ 8 món báu đừng để mất một món nào.
- Khi trở về phải trình Mẹ cho đủ 8 món báu này.
- Quan trọng hơn hết là xong sứ mạng hãy sớm quay về.

Trong kinh Ngọc Lộ Kim Bàn, Đức Mẹ sợ rằng chúng ta vô ý làm rơi rụng các món báu nên để bát bửu vào trong một cái túi, gọi là bát bửu nang và cẩn thận thắc miệng túi lại.


Kinh Dịch quẻ Khôn dạy:

Hào lục tứ: Quát nang, vô cựu, vô dự.
Thắc miệng túi lại, thì chẳng có lỗi. Có nghĩa là phải thận trọng gìn giữ thì không có gì lo sợ.

Những ngày sau đó là những ngày Mẹ chờ đợi:

Thu qua đã mấy ngàn Thu,
Con vui trong khổ con cười trong đau.

Làm người, nếu phải chờ đợi thì nhiều lắm cũng chỉ bao nhiêu năm trong đời, còn sự chờ đợi của Đức Mẹ không phải là năm, là tháng mà bằng trăm năm, bằng thiên niên kỷ. Có bao giờ chúng ta nghĩ rằng Đức Mẹ đã từng rơi lệ vì chúng ta không?

. . . .

“Con giữa chốn trần ai lăn lóc,
Mẹ thiên cung luỵ ngọc rơi rơi.
Đành rằng Khai Đạo cứu đời,
Đạo cho nên Đạo thì Đời mới yên.”

Cùng một tâm trạng với Đức Mẹ, Thầy dạy:

Thầy không nở ngồi yên Bạch Ngọc,
Nhìn các con cười khóc hồng trần.

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ do chính Đức Thượng Đế khai mở trong thời kỳ này. Đức Thượng Đế không giao chánh pháp cho tay phàm nữa. Chúng ta thờ Đức Thượng Đế bằng biểu tượng Thiên Nhãn. Đó là Trời, là Đạo, là nhân của người.

“Nay Thượng Đế chính mình giáng thế,
Vì chúng sanh trong bể Hạ Ngươn;
Trong cơn sàng sảy định phần,
Hoằng khai chánh đạo xá ân Tam Kỳ.”

Cùng với Thầy, các Đấng Phật Tiên Thánh Thần lâm trần giáo đạo:

Phật Tiên Thần Thánh rộn ràng,
Đồng vâng ngọc sắc cứu an cõi trần.

Hiện diện trên cõi trần này, con người cũng đã trải qua nhiều kiếp. Trả hết nợ từ vô lượng kiếp, chúng ta mới có thể trở về. Đạo Thầy mở cơ tận độ, chỉ tu một kiếp được đắc vị, gọi là ”Tu nhứt kiếp, ngộ nhứt thời”. Cõi Thiêng Liêng không phải là nơi ở của những con người còn nặng nợ. Nhưng làm sao trả hết nợ chỉ trong một kiếp đời ngắn ngủi. Con người sẽ không chịu nỗi cảnh nghiệp quả dồn dập. Do đó, nếu không có Đại Ân Xá, các nguyên nhân khó trở về. Tân Pháp Cao Đài chỉ rõ: Nếu công quả là để giải trừ nghiệp quả, và cũng là đường dẫn đến Bạch Ngọc Kinh, thì công trình là chìa khoá mở cửa Bạch Ngọc Kinh và ngôi vị của chúng ta do phần công phu tu luyện vậy.

B. GIAI ĐOẠN THỨ HAI là giai đoạn vào đời.


Đây mới thật là giai đoạn gay go, khó khăn, nguy hiểm cho các nguyên nhân. Đức Mẹ trấn an chúng ta rằng: ”Các con đã rời cảnh Thiên Đàng để thác sanh vào nơi thế tạm, mang một sứ mạng tạo lập cõi dinh hoàn, đâu phải là Thượng Đế đưa các con vào nơi đoạ lạc mà chính là Đức Háo sanh tạo thành trung giới vạn vật để vũ trụ thêm một phần của sự mầu nhiệm vô biên. Nào hay đâu khi con vào cõi hồng trần, chẳng vững vàng giữ bổn nguyên chơn tánh, để bụi trần che lấp điểm linh quang, rời xa linh tánh tức là Đạo.

Con ôi! Trong khi ấy nguyên thủy hoá sanh là Mẹ. Mẹ phải đem huyền năng thâm diệu hầu cầu khẩn với Chí Tôn đến thế gian vạch rõ đường đi nước bước, nhắc nhở tiền kiếp hậu lai, và cũng để cho các con thức tỉnh mà nhìn đến nguyên nhân của mình hầu quày gót trở về nơi khối Đại linh quang và sẽ chuyển luân trong đức Háo Sanh chí trọng.”

Thế gian này là trường huấn luyện các cấp mà tất cả nhân loại đều là thí sinh và các Toà Thánh Hội Thánh, Thánh Thất, Thánh Đường, Chùa, Am đều là các lớp học. Dự trường thi này, các thí sinh đã có sẵn đề thi là Công Quả”. Vậy với tư cách là thí sinh dự trường thi tiến hoá, chúng ta đã làm bài thi như thế nào?

Nhưng khi con vào trần tục luỵ,
Rồi buông theo chẳng nghĩ chẳng suy
Vào đời mê cái hữu vi
Lần theo mãi mãi chẳng khi nào rời.

Do vậy, cuộc đời vật chất này sẽ khiến cho các thí sinh dễ lạc lầm.

Khi vào đời, nếu chúng ta may mắn được sanh ra trong một gia đình đạo đức, có đủ điều kiện vật chất thì điều này giúp con người đỡ khó khăn khi trưởng thành, bằng ngược lại, những ngày thơ ấu gian truân, sống trong cảnh thiếu thốn cơ hàn thì cuộc đời sau này sẽ chịu nhiều vất vả. Dù sao đi nữa, dù khổ cực hay sung sướng thì mỗi con người đều phải đối diện với cơm, áo, gạo, tiền khiến không một ai được nhẹ nhàng trong cuộc sống. Ơn Trên thường dạy rằng, chúng sanh trong thời mạt kiếp này chịu quá nhiều khổ luỵ, không một giây phút nào yên, đứng không yên, ngồi cũng không yên. Cuộc đời quá nhiều trắc trở thì mấy ai còn thì giờ lo tu hành.

Vì:
Tâm có định rồi thân mới an,
Tâm còn điên đảo ắt nguy nàn.

Thiếu phần tâm linh tu luyện thì dứt khoát không trở về cùng Đức Thượng Đế được. Đức Thượng Đế háo sanh, Đức Thượng Đế ban đại ân xá, ban Tân Pháp nhưng chúng sanh không chịu đưa tay lên thì làm sao Thầy nắm lấy. Thời vật chất này có được điều kiện tu hành không dễ dàng gì, nhất là đối với nữ phái. Ở hai kỳ phổ độ trước, nữ phái không được đi học hoặc đi tu, đến thời kỳ này, nữ phái được ban ơn tu học, nhưng cũng bị những điều kiện khách quan ràng buộc. Mẹ rất thương cho những cảnh đời khốn khổ:

Sống trong cảnh vô phần bạc phước,
Thân đoạ đày cửa tước nhà quan;
Lăn thân một kiếp cơ hàn,
Lo ăn chạy mặc, khó toan vẩy vùng.
Sống trong cảnh tay bùn chân lấm,
Cũng chưa yên phận hẩm duyên hôi;
Non sông chiến hoạ đến hồi,
Chia ly chồng vợ đơn côi trẻ khờ.
. . .
Cũng nhơn loại cũng trường nữ giới,
Khắp núi sông thời đợi sống chung;

Đứa sao gác phụng lầu hồng,
Đứa sao lại phải trong vòng thương đau.
Có phải chăng nhân nào quả đó
Trước vụng tu nay khó bằng người.
Lúc buồn con lại trách Trời,
Khổ đau con lại trách đời bất công”

Cuộc đời vật chất đầy quyến rủ, nên việc gìn giữ trọn vẹn 8 món báu rất là khó khăn. Con người lần lần đánh mất bát bửu lúc nào cũng chẳng hay. Lúc bấy giờ con người chẳng xứng đáng làm người.

Không tròn đạo hiếu, mất đi tình thâm huyết nhục thì nền tảng gia đình bị lung lay, xã hội nước non này sẽ đi về đâu?

Vì :
Hạnh hiếu là hạnh Phật,
Tâm hiếu là tâm Phật.

“Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế”

Cũng có những bậc làm cha mẹ, vì sinh kế quên chuẩn bị cho các con vào đời và giáo dục phần đạo đức cho con mình. Nền tảng gia đình bị lung lay, các con không tìm thấy hạnh phúc trong gia đình trong lúc ngoài xã hội có muôn điều quyến rủ. Anh em trong nhà cùng cha mẹ, cùng có những ngày thơ ấu bên nhau, đến khi trưởng thành vì quyền lợi vật chất mà ngoảnh mặt nhau có khi lại hại lẫn nhau. Cái cảnh con cái bất hiếu với cha mẹ hay anh em thù nghịch nhau trên đời này không lạ gì. Như vậy làm sao ta có thể nói điều đạo đức lễ nghĩa liêm sĩ cho mọi người nghe. Vấn đề lễ nghĩa được thấy rõ nét trong các trường học. Đây là nơi đào luyện cho các trẻ thành người, có kiến thức biết lễ nghĩa. Ngày nay, tinh thần Tôn sư trọng Đạo đã bị quên mất từ lâu rồi. Nơi trường học ngày nay, ta thường thấy xảy ra những việc trái đạo giữa thầy trò, giữa các bạn học với nhau. Do đó, chúng ta thử nghĩ đến một xã hội mà bát bửu bị đánh mất thì đạo lý luân thường sẽ bị đảo lộn, xã hội mất đi trật tự, gia đình mất hạnh phúc, mất tình thương. Con người đối xử hơn thua nhau chỉ vì quyền lợi vật chất không còn liêm sĩ, trung tín nữa và sẽ xa dần chánh đạo, sẽ bị chuyển kiếp luân hồi. Mất 8 món báu, con người sẽ trượt dài trong dục giới. Còn vấn đề khách quan tác động vào cuộc sống con người không kém phần quan trọng: chiến tranh, thiên tai, bệnh tật… khiến cuộc sống con người thời mạt kiếp luôn bị đe doạ. Trong hoàn cảnh sống như vậy, con người phải tranh đấu liên tục để được yên thân, để được sống còn.

Giữa cuộc đời nhiễu nhương, lòng người điên đảo như vậy, làm sao chúng ta có thể quay trở về nguồn. Trước mắt, chúng ta phải thu lại cho bằng được những gì ta đã đánh mất, thu lại cho đủ bát bửu. Tìm lại đủ rồi, thì con người trở về nhân bản, là trở về cội nguồn. Lúc bấy giờ chúng ta mới nhận được chân hạnh phúc.


Phụ từ mới dạy con tử hiếu,
Phu thê hoà nên điệu sắc cầm
Đệ huynh nghĩa trọng tình thâm,
Bằng hữu hữu tín, tri âm hoà đồng.
Đó lý đạo trong vòng nhân thế,
Phận làm người hồ dễ mấy ai;
Tu thân định mạng an bày,
Thì đâu thế sự ngày nay điêu tàn.

Phụ từ, tử hiếu, huynh đệ khiêm cung, bằng hữu tương giao. Cuộc đời sẽ trở nên tươi đẹp và có nhiều ý nghĩa. Con người sẽ sống một cuộc đời đáng sống.

Điều gì sẽ giúp con người đến với Chí Tôn Thượng Đế? Điều gì giúp chúng ta trở lại cội nguồn nhân bản? Có phải chăng là sự giác ngộ, là đức tin dũng mãnh mới có thể dừng bước trước cơn tuột dốc tai hại và bắt đầu một cuộc hành trình leo núi đầy cam go hiểm trở.

Kinh Dịch quẻ Cấn dạy:

Thời chỉ tắc chỉ, thời hành tắc hành

Cấn nghĩa là núi, còn có nghĩa là dừng lại, đúng thời dừng thì dừng, đúng thời đi thì đi. Phải biết điểm dừng thì sẽ không có lỗi.

Khi tìm lại đủ bát bửu, chúng ta phải giữ gìn thật kỹ. Đã có một quá trình đánh mất rồi thì khi tìm lại được chúng ta đã hiểu khó khăn như thế nào? Chúng ta cũng phải thắc miệng túi lại cho chắc chắn và ngày trở về chúng ta trình Đức Mẹ với biết bao tự hào.

Sau đó là phần thực hành sứ mạng vi nhân. Đã tự độ rồi chúng ta hãy độ tha. Muốn độ tha, người tu hành phải có đủ nội lực: đó là đạo đức, là tác phong đạo hạnh, trình độ giáo lý, công phu, luyện kỷ … lúc bấy giờ, chúng ta mới tạo được niềm tin cho tha nhân, mới đủ sức thuyết phục được người đời.

C. GIAI ĐOẠN THỨ BA là giai đoạn mãn hạn ở trần gian.

Chúng ta đã biết trần gian là một trường thi. Các nguyên nhân vào đời dự trường thi sẽ gặp những trường hợp sau:

1. được trở về với ngôi vị cao hơn
2. hoặc chuyển kiếp luân hồi
3. hoặc ngôi vị thấp hơn lúc ra đi
4. hoặc gây nhiều ác nghiệp phải chịu luật Thiên điều

Trong đời tu hành, chúng ta đã học được nhiều tấm gương của người đi trước. Đức Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn, năm 1973 khi trở về phục lịnh Đức Chí Tôn có kể về cuộc đời của mình:

“Giờ đây, Đức Thượng Đế đại xá hồng ân, mở cơ tận độ, đó là dịp may cuối cùng của nhân loại để trở về nguồn gốc thiên lương, tạo cõi đời an bình Thánh Đức.

Nhân đây, Tệ Huynh xin kể một đoạn đời dĩ vãng, tuy nghe gần như câu chuyện huyền thoại, nhưng xét lại nếu huyền thoại thì lịch sử các bậc Thế Tôn ngày xưa lại càng huyền thoại hơn, mà cũng chỉ có mục đích độ đời cứu thế, giải thoát khổ nạn hiện tại trong thời gian đó, quốc gia đó, dân tộc đó. Vì lẽ ấy, Tệ Huynh không ngần ngại kể lại cho chư liệt vị và bổn quyến cùng nghe, gọi là lễ hội ngộ hôm nay.

Ngọc Hư Cung truyền ban sắc chỉ,
Kỳ Hạ Ngươn thế kỷ hai mươi;
Hoằng dương chánh pháp độ đời,
Phật Tiên Thần Thánh đến nơi hồng trần.
. . . .
Huynh xưa vốn Bồng Lai Tiên Tử,
Hằng theo Thầy gìn giữ pháp môn;
Chợt nhìn các cõi chơn hồn,
Nguyên nhân lạc lỏng dập dồn đọa sa.
Động lòng mới nguyện ra lãnh lịnh
Vào cõi trần thức tỉnh vạn linh.
Cho hay cảnh giới hữu tình,
Men đời chưa thấm mà mình đã say.
Trải mấy kiếp dần dai cõi tục,
Vòng trái oan câu thúc vô minh.
Nghiệp oan mang nặng vào mình.
Quẩn quanh trong nẽo tử sinh luân hồi.

Đức Bảo Pháp Huỳnh Chơn khi xưa vốn là Tiên Tử nơi cõi Bồng Lai, đã nguyện xuống thế độ đời. Nhưng khi xuống thế, được sanh vào gia đình vọng tộc nên “men đời chưa thấm mà mình đã say”. Phải trải qua nhiều kiếp ở cõi trần, nhờ vào Đại Ân xá thời Tam Kỳ, Đức Bảo Pháp Huỳnh Chơn mới được trở lại ngôi xưa.

Một trường hợp khác, là trường hợp của Đức Chơn Thường Đạo Sĩ, thế danh là Trần Văn Quốc. Khi còn tại thế Ngài là một bác sĩ nổi danh, đủ đầy vật chất, đến khi thoát xác năm 1973 đã kể lại rằng:

“Tệ Sĩ nhờ giác ngộ trong những ngày lìa bỏ cõi đời hữu thế này nên đã có phát nguyện phục vụ đạo nghĩa. Tuy đại nguyện ấy chưa kịp thực hành, nhưng đã được Thiên đình ghi nhận, nhờ đó mà Tệ Sĩ được Đại Ân xá của Tam Kỳ Phổ Độ, nhờ chư vị Tiền Bối quá vãng giới thiệu thâu nhận vào hàng môn đệ… Tệ Sĩ xin kể lại một vài sự việc của tiếp kiếp cho chư liệt vị cùng thân quyến được rõ:

Một ngàn tám trăm năm về trước, Tệ Sĩ còn là hàng Tiên Tử ở Thiên Cung. Vì đã tu từ muôn kiếp trước trong Nhị Kỳ Phổ Độ, Tệ Sĩ cũng đồng lãnh sứ mạng đến thế gian, nhưng không hành tròn Thiên lịnh, vì trong khi quyền cao chức trọng, danh lợi dẫn dắt, mãi đến tuổi già mới tỉnh giấc nam kha. Vì thế phải chuyển một lần nữa đến thế gian. Trải bao nhiêu lần như vậy, đến kiếp này cũng là kiếp chót được thừa hưởng sự nhân đức của tiền kiếp tu tích, nên kiếp hiện tại được hưởng lộc Trời ban. Tuy không được như các hàng Thánh Thiện nhưng tâm linh trí tuệ vẫn còn soi rọi ở bức vô minh, lại nhờ kỳ đại ân xá nên Tệ Sĩ mới được cứu rỗi trong giờ phút giác ngộ tầm đạo tu thân. Nhờ có Đức Vạn Hạnh Thiền Sư, tiền căn cùng Tệ Sĩ có tình sư đệ, dẫn dắt việc tu chơn luyện đạo để tránh khỏi luân hồi khi thoát xác, nhưng vì thiếu công quả chốn hồng trần nên Tệ Sĩ phải tự nguyện đến trần gian bằng linh điển để góp phần trong Tam Kỳ Phổ Độ lập đức bồi công. Nhờ Đức Chí Tôn Từ Phụ ân phê nên Tệ Sĩ mới được chứng quả Chơn Thường. Nay về đây để trước nhứt độ kỷ, độ thân, sau mới tha nhân độ thế.

Ngài đã cương quyết rằng:

“Đã xa thế quyết không trở lại,
Vướng thân phàm vướng mãi không thôi”
. . . .
“Độ đời chớ để đời lôi cuốn,
Rồi phải muôn đời cách cựu quê”
Đây là trường hợp mà ngôi vị xưa thuộc hàng Tiên Tử khi trở về thì ngôi vị không được như xưa.

Cũng đã nhiều lần, chúng ta được nghe kể về những vị nữ phái tu hành đắc vị Tiên Nữ, Tiên Nương, phải trải qua nhiều kiếp luân hồi lúc làm công chúa, lúc làm con đồ tể, lúc thật nghèo nàn, duyên phận hẩm hiu, lúc giàu sang sung sướng, trải qua hơn nhiều trăm năm, với nhiều kiếp luân hồi, may gặp thời Tam Kỳ ân xá phải dày công tu học mới được trở về.

Qua những tấm gương người xưa, chúng ta thấy rõ rằng: giai đoạn quan trọng, quyết định ngôi vị ở cõi Thượng Thiên là giai đoạn làm người ở cõi thế gian. Vượt qua những cám dỗ vật chất, những thử thách, những biến thiên của cuộc đời và tu hành theo chánh đạo bằng con đường công trình, công quả, công phu thì ngôi vị sẽ sẵn dành.

Chúng ta không kể đến những trường hợp bị luân hồi, hay trường hợp bị luật Thiên điều, thì những người đắc vị là những người trúng tuyển trên bước Đại Thừa.

Dù ngôi vị thấp hơn hay thăng tiến hơn xưa thì ngày đó cũng là ngày vinh quang của mỗi chơn linh, là ngày đơn thơ chiếu triệu:

Ngày mãn hạn ân sư phê phán,
Thọ lãnh rồi vui mãn trần ai.

Là người tu hành thời mạt kiếp, chúng ta hãy vâng theo lời Mẹ dạy:
“Vào đời độ chúng lập công,
Rồi quày trở lại hiệp cùng Mẹ con.”
Noi theo con đường trung nhất thì ngôi vị sẽ sẵn dành. Ngày đoàn viên gặp lại Đức Mẹ, trình đủ bát bửu là chúng ta làm vui lòng Đức Mẹ rồi vậy.



Kim Trinh
Trung Thu Tân Mão 2011
Kim Trinh

Tà thần thấy người đang dục vọng,
Đã tu hành còn mộng mị huyền,
Thừa cơ khuyến dụ rủ ren,
Thiêu thân đành phải vì đèn lụy thân.

Đức Quan Âm Bồ Tát, Liên Hoa Cửu Cung, 03-01 Ất Tỵ, 04-02-1965

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây