Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
30/05/2006
Thu Hà - Tuổi Trẻ Online

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 30/12/2009

Về đâu quan họ?

Tại hội thảo quốc tế "Bảo tồn và phát huy dân ca trong xã hội đương đại qua trường hợp dân ca quan họ ở Bắc Ninh - VN" trong hai ngày 29 và 30-3 tại Bắc Ninh và Hà Nội, hơn 70 tham luận đã đặt ra rất nhiều vấn đề xoay quanh mâu thuẫn: bảo tồn và phát triển.

Điều đó càng bức thiết hơn khi VN đang vận động để UNESCO đưa quan họ vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Giá trị đã được khẳng định và nguy cơ tha hóa trước mắt

GS Ngô Đức Thịnh, viện trưởng Viện Văn hóa dân gian, nhận định: "So với nhiều hình thức dân ca khác thì quan họ đã đạt trình độ hoàn chỉnh cả về âm nhạc và lời ca, nhất là ca từ. Kèm theo đó là các nghi lễ, phong tục, đặc biệt là phong tục kết chạ. Diễn xướng đối đáp giữa liền anh liền chị với cách ăn mặc, tiếp đãi, ứng xử, nói năng trong khung cảnh hát canh ở gia đình mang tính thính phòng. Điều đó chứng tỏ quan họ phải được hình thành trên một nền cảnh văn hóa Kinh Bắc phát triển cao".

TS Lauren Meeker của Đại học Columbia (Mỹ) và GS Yamaguti Osamu của ĐH Osaka (Nhật) đều bày tỏ sự ngưỡng mộ và yêu thích với loại hình nghệ thuật dân gian VN này. Bà Meeker nói: "Khi nghe quan họ, tôi thật sự muốn học cách hát đó - cách hát "từ bụng lên". Theo từ điển tiếng Việt, bụng còn có nghĩa là "bụng con người, là biểu tượng, ý nghĩ, tình cảm sâu kín với người". Như vậy nghĩa của bụng gần với heart - trái tim trong tiếng Anh. Cho nên bụng là điểm sinh ra bài hát quan họ và cũng là điểm sinh ra tình cảm".

Cũng vì quá yêu quan họ như thế nên hầu hết các nhà nghiên cứu, các nhạc sĩ đều báo động về nguy cơ tha hóa của quan họ. GS Nguyễn Thụy Loan (Viện Nghiên cứu âm nhạc) "bắt lỗi": "Trong những cuộc biểu diễn quan họ ngày nay, dường như đã trở thành một thói quen khi có người thưởng tiền: thuyền hát ghé vào bờ và các diễn viên đưa nón ra nhận tiền một cách thoải mái tự nhiên, còn nếu là một cuộc hát trong sân đình hoặc đền thì có một chiếc khay trên chiếu sẵn sàng đón nhận sự hảo tâm của người hâm mộ...

Tệ hại hơn cả là lối hát quan họ ở nhà hàng. Chính ở đây xuất hiện độ suy thoái cao nhất trong phong thái và văn hóa ứng xử của cả người hát lẫn người nghe quan họ. Cũng chính ở đây quan họ bị biến thành một món hàng tầm thường giữa rượu bia ồn ào.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Liêm (Viện Văn hóa - thông tin) nhận xét: "Từ những thành tựu của kỹ thuật sân khấu, công nghệ trình diễn, hầu hết những bài dân ca quan họ nay được dàn dựng công phu, có dàn nhạc (tất nhiên là điện tử) đi cùng những tốp múa phụ họa: người ta đã biến quan họ từ một thể loại âm nhạc giao duyên nam nữ, những bài hát tâm tình, trữ tình duyên dáng thành thể loại âm nhạc trình diễn kiểu diễn - hát nhạc pop phương Tây!".

Trông người lại ngẫm đến ta

GS Deborah Wong của ĐH Riverside, California mang đến kinh nghiệm của những ban nhạc Mỹ gốc Phi và Mỹ gốc Nhật: "Họ nghiên cứu dân ca bằng cách nghe băng đĩa thời xưa, dành thời gian gặp gỡ các nhạc công cao tuổi để học các làn điệu. Họ rất thận trọng, cố gắng bảo tồn và làm sống lại một truyền thống âm nhạc gần như đã biến mất. Họ tin chắc rằng khán giả của họ được dạy cách có thể nghe những âm thanh này như thế nào và vì sao. Điều quan trọng là họ thấy chính họ là những người tham gia vào truyền thống".

Từ sự thành công của các nhóm nhạc truyền thống nói trên, bà Deborah khuyến cáo các nhà nghiên cứu VN về một cụm từ then chốt của UNESCO trong định nghĩa di sản phi vật thể: "Một trong những đặc điểm chủ yếu của di sản văn hóa phi vật thể là nó "được các cộng đồng và các nhóm tái tạo không ngừng". Không có sự tái tạo, không có đời sống đương đại, một sinh hoạt văn hóa truyền thống chỉ có thể có giá trị trong bảo tàng".

Ý thức được điều đó, các nhà nghiên cứu VN cũng đề xuất nhiều biện pháp "bảo tồn động", "bảo tồn tích cực". PGS, TS Nguyễn Thị Bích Hà (ĐHSP Hà Nội) kêu gọi các biện pháp trước mắt: "Cần nhanh chóng sưu tầm các làn điệu dân ca ở những nghệ nhân cao tuổi, thu băng, ghi chép, ghi hình quan họ như hình thức sưu tầm sử thi Tây nguyên.

Bên cạnh đó cần dựng lại trọn vẹn sinh hoạt văn hóa quan họ trên toàn vùng quan họ để ghi hình và lưu giữ, nếu chỉ chậm năm năm nữa, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng ở nước ta, chắc khó giữ được diện mạo cũ để phục dựng". TS Nguyễn Quốc Hùng, cục phó Cục Di sản (Bộ Văn hóa - thông tin), cũng cho rằng:

"Thay vì nêu ra những cảnh báo chung chung về các nguy cơ, chúng ta cần chủ động phát huy các giá trị di sản văn hóa, lôi kéo nhiều hơn nữa công chúng trẻ tuổi đến với quan họ, chủ động chọn hình thức để bảo tồn bền vững các giá trị văn hóa trong cơ chế thị trường, tranh thủ các ưu thế của thị trường để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản...".

Đến đây, vấn đề lại quay sang tầm vĩ mô (!). Và quan họ lại tiếp tục phải chờ, trong khi đường cao tốc đã sát vào các làng Diềm, Nội Duệ, Hiên Vân... vốn đẹp như cổ tích bên sông Cầu ngày xưa xanh ngắt nay đen kịt vì nước thải công nghiệp.
Thu Hà - Tuổi Trẻ Online
Về đâu quan họ? / Thu Hà - Tuổi Trẻ Online

Thầy dành cho trẻ một mùa xuân,
Đi lại trần gian xóa khổ trần,
Như lý Đạo mầu đang cứu cánh,
Cho đời thuần túy nét thanh tân.

Đức Chí Tôn, Ngọc Minh Đài, 29-12 Bính Ngọ, 08-02-1967

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây