Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
25/03/2008
Lê Khanh st

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 21/02/2010

Giải Nobel văn học

"Hội 18"

"Khó có thể tượng tưởng ra sự theo đuổi khốc liệt của báo giới. Họ mai phục khắp nơi. Từng ngày, từng giờ họ tìm cách vượt tường lửa để lọt vào chốn thâm cung bí sử". Đó không phải là than phiền của một sĩ quan CIA, mà của viện sĩ số 17 trong Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển khả kính, với trụ sở là một tòa lâu đài xây theo kiểu Rococo từ thế kỷ thứ 18, ngay sát hoàng cung. Ông là Horace Engdahl, sinh năm 1948, là tác giả, dịch giả và nhà phê bình, từ 1999 được phong làm thơ ký thường trực của Viện. Ông là người nắm mọi đầu mối của cuộc bầu chọn giải Nobel Văn học hàng năm diễn ra trong "Hội 18". Cái tên này có từ năm thành lập 1786, để chỉ con số viện sĩ cố định của Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển. Tất cả đều là người Thụy Điển. Một viện sĩ đã tạ thế hồi mùa Hè vừa qua, hai người nữa không chịu nổi cuộc tranh giành quyền lực đã rời ghế, thế nhưng Viện vẫn mang tên "Hội 18". Tên gọi mang vẻ huyền bí, và quả thật, mọi việc đều nằm trong bí mật đến phút cuối cùng của ngày thứ Năm 11-10-2007 vừa qua, khi vị "chánh khảo" Engdahl tuyên bố nữ nhà văn người Anh Doris Lessing sẽ đón nhận tấm huân chương mang hình Alfred Nobel cho lãnh vực Văn học năm 2007 cùng 10 triệu krona (đơn vị tiền tệ Thụy Điển), tương đương khoảng trên 1,5 triệu usd.


* Chánh khảo văn chương

Như mọi khi, năm nào người ta cũng "tăng cường biện pháp an ninh" một cách tối đa "cốt để bảo vệ tính minh bạch và trung lập của Viện Hàn lâm". Các viện sĩ chỉ được sử dụng tên những ứng viên đã mã hóa trong email, giấy viết ở các buổi họp được hủy tại chổ, ai đọc sách trên đường về nhà đều phải sử dụng bìa giả để không lộ tên tác giả đang ở vòng xét tuyển, v.v … "Ở các lãnh vực khác, quyền lực sinh ra từ áp lực và áp chế. Trong lãnh vực tinh thần, quyền lực của Viện Hàn lâm chỉ dựa trên các nghị quyết đã được công nhận" – đó là cách giải thích của vị "chánh khảo" tối cao trong giải Nobel Văn học. Thiết tưởng, cũng mạn phép bác lại tuyên bố đó của Engdahl: quyền lực của Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển không thể chỉ bắt nguồn từ các nghị quyết, vì hàng năm chúng đều gây ra những cuộc tranh cãi. Giải đầu tiên hồi năm 1901 đã là một bê bối, bởi thay vì Lev Tolstoi như mong đợi, 18 vị "bô lão" đã xướng danh Sully Prudhomme và đã gây ra một kiến nghị phản đối ầm ĩ với 42 chữ ký của các nhà văn hóa Thụy Điển. Và hầu như cho tới nay, chưa năm nào giải Nobel Văn học diễn ra trong không khí "tâm phục khẩu phục".


Theo vài kẻ độc miệng, quyền thế của "Hội 18" dưới trướng Engdahl không sinh ra từ những quyết định thấu tình đạt lý, mà dựa trên ngân khoản tính ra hơn 200 triệu usd từ tài sản xa xưa của người sáng lập.


* Họp hành bầu bán

Sự lựa chọn kỳ này của hội đồng do Engdahl đứng đầu cũng đã gây ra khá nhiều tranh cãi. Nhà phê bình văn học Marcel Reich Ranicki, vốn được mệnh danh là "Giáo hoàng văn học Đức", rằng việc trao giải cho Doris Lessing là một quyết định gây thất vọng. Theo ông, thế giới văn học tiếng Anh "còn có nhiều nhà văn quan trọng và đáng giá hơn" là Doris Lessing, và lẻ ra, giải Nobel Văn học 2007 phải thuộc về một tác giả người Mỹ, "như Philip Roth hay John Updike". Hay như nhà phê bình văn học Áo Denis Scheck nói: "Đó là một sự lựa chọn đã muộn mất 20 năm. Xét về mặt chính trị, đó là sự lựa chọn đáng hoan nghênh, vì một chiến sĩ đấu tranh cho giải phóng phụ nữ và bài trừ phân biệt chủng tộc được tôn vinh. Nhưng xét về mặt thẩm mỹ thì đó có lẻ là một thất bại". Nhưng ông Engdahl có thể khẳng định "Hội 18" của mình đã làm việc hết sức nghiêm túc suốt năm qua để có được sự lựa chọn ấy.


Tuần nào cũng vậy, cứ vào chiều thứ Năm, ông lại nhóm họp để bàn thảo về những ứng viên có thể xét trao giải. Trái với tính cách bình dân Bắc Âu, mọi người thành kính gọi nhau theo học hàm. Các thành viên "Hội 18" là nhà văn, nhà phê bình, nghiên cứu ngôn ngữ, một luật gia và một nhà Trung Quốc học, số

"Thưa ông Engdahl, tôi phải viết gì để mong được nhận giải Nobel?"

"Hãy viết một thứ văn chương mà chúng ta từ xưa đến nay chưa hề tưởng tượng ra được, vì chúng tôi luôn tìm đến sự thăng hoa mới cho văn học."

Đại diện phái yếu là 5 và tuổi trung bình đã quá thất thập. Họ có chổ ngồi cố định của mình, và thủ tục cử hành phiên họp cũng rất nghiêm. Sau mỗi cuộc bàn thảo, Engdahl chấm hết bằng một nhác gỏ với chiếc búa bạc. Hết buổi họp, mỗi vị được nhận thù lao là một đồng bạc trị giá khoảng 20 euros, chỉ Engdahl là người duy nhất ăn lương (trước khi nhậm chức, ông là một nhà phê bình và viết báo với đồng lương còm; còn hiện nay, ông có một lâu đài tráng lệ ở khu phố cổ).

* Chiếc bình cổ


Chậm nhất đến ngày 1 tháng 2 hàng năm, Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển nhận danh sách từ mọi quốc gia, đề cử bởi các giáo sư văn học, viện hàn lâm, và những người từng nhận giải Nobel. "Đức và Pháp thường nộp danh sách dài nhất, sau đó đến các nước Đông Âu. Các nước Đông Á thường mang kỳ vọng mạnh nhất.", đó là bí mật mà Engdahl được phép tiết lộ. Mỗi năm, chừng 200 cái tên được Ủy ban Nobel 5 người (một dạng ủy ban thường trực) trong "Hội 18" đem ra xét. Đến tháng Tư thì xong vòng loại thứ nhất, lọc ra còn 15-20 ứng viên. Một tháng sau, chỉ còn 5 người trụ lại trên danh sách vòng cuối. Mọi biên bản, ghi chép của các cuộc họp bàn được giữ bí mật 50 năm tiếp theo.


Toàn "Hội 18" lại họp từ giữa tháng Chín, chia làm nhiều buổi để rồi vào một ngày trong tháng Mười, cuộc bầu chọn cuối cùng được tiến hành, vẫn bằng cách đút lá phiếu vào một chiếc bình cổ. Kết quả cuối cùng theo đa số nằm trong chiếc bình bạc nộp lên cho vị thơ ký thường trực Engdahl. Và vừa rồi, kết quả ấy ghi tên Doris Lessing!

* Phút chót

Không chỉ vì là người thạo nhiều ngoại ngữ nhất "Hội 18", hôm thứ Năm 11-10-2007 vừa qua, trước khi ra phòng khánh tiết với 12 đèn chùm pha lê tráng lệ để thông báo kết quả bầu chọn năm 2007 trước hàng trăm nhà báo đến từ khắp nơi trên thế giới, "chánh khảo" Engdahl cũng là người trực tiếp nhấc điện thoại trên bàn, ông gọi thẳng cho Doris Lessing. Chỉ có điều khi ấy nữ văn sĩ này, người chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ đoạt giải Nobel, đang đi … mua hàng và bà nhận biết tin mình được trao giải khi đang ở một siêu thị. Engdahl cho biết: "Thật ra cho đến đầu tháng Mười, khi thế giới bắt đầu xôn xao quanh giải Nobel, thì chưa ai trong "Hội 18", kể cả tôi, biết kết quả cả. Nhiều người dao động và đổi ý, nhưng cuối cùng cũng xuất hiện một tinh thần chung vượt lên ý tưởng cá nhân. Không ai nghĩ đến quyền lực, mà tất cả cảm thấy một hướng đi chung, nhận thấy phía đó dẫn đến một quyết định hợp lý.", giọng giáo sư Engdahl đầy cảm khái và lãng mạn.

Nhưng ta biết rằng, lịch sử giải Nobel Văn học luôn điểm xuyết những khoảnh khắc phi lãng mạn, thậm chí là tàn khốc, mà chính Engdahl đã có dịp phải trải qua: Năm 1997, viện sĩ Knut Ahnlund kiên quyết chống việc kết nạp Engdahl vào "Hội 18" với lý do ông thường thiên vị cho những khuynh hướng văn học quá hiện đại. Năm 2005, Ahnlund đã làm một chuyện hiếm thấy là tuyên bố rút khỏi "Hội 18", để phản đối việc trao giải Nobel cho nữ nhà văn tiên phong đòi nữ quyền người Áo Elfriede Jelinek. Nhưng nguyên nhân chính là một cuộc đấu tranh quyền lực giữa truyền thống và cách tân. Cho đến nay, Engdahl vẫn còn "rùng mình" khi nghĩ tới cuộc "đấu đá" ngày ấy.

"Thưa ông Engdahl, tôi phải viết gì để mong được nhận giải Nobel?"

"Hãy viết một thứ văn chương mà chúng ta từ xưa đến nay chưa hề tưởng tượng ra được, vì chúng tôi luôn tìm đến sự thăng hoa mới cho văn học. Không nhất thiết là tiểu thuyết, thơ hay kịch. Tại sao không là du ký hay phóng sự?". Với Horace Engdahl trên ghế "chánh khảo" mới từ 1999, khái niệm văn chương trong Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển đã biến chuyển rõ rệt. Không có luồng gió mới này làm tung lớp bụi "chủ nghĩa hình thức" trăm năm, thì các tên tuổi như Harold Pinter hay Elfriede Jelinek còn chìm đắm lâu.

Vậy "Hội 18" của Engdahl làm gì giữa các kỳ bầu chọn? Họ quay về với công tác chăm sóc ngôn ngữ và văn học nước nhà, tham gia vào ban giám khảo của giải này hay giải kia trong số 50 giải quốc nội, và làm tiếp từ điển tiếng Thụy Điển – một công việc bắt đầu từ năm 1893, nhưng đến nay họ mới làm đến chữ cái "T" và đến từ "trivsel" với nghĩa "an khang, viên mãn". Ông Engdahl có lẻ đang là một người như vậy
Lê Khanh st
Giải Nobel văn học / Lê Khanh st

Người giác ngộ vun bồi tánh đạo,
Bậc nguyên căn hoài bão ý Thiên,
Vào đời một chí nhẫn kiên,
Thực thi sứ mạng pháp quyền dựng xây.

Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL, Rằm tháng Giêng Tân Dậu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây