Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
14/04/2006
Dũ Lan Lê Anh Dũng

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 30/12/2009

Tam giáo trong Cao Đài


PHẦN I. TAM GIÁO VIỆT NAM TRƯỚC KHI ĐẠO CAO ĐÀI RA ĐỜI

I. TAM GIÁO NGƯỜI VIỆT TRONG LỊCH SỬ
1. Nho Giáo vào Việt Nam trong thời Bắc thuộc, qua ba thời kỳ: từ 111 trước công nguyên đến 39 (các đời Tây Hán và Đông Hán); 43-544 (các đời Đông Hán, Tam Quốc, Tấn, Nam Bắc Triều); 603-939 (các đời Tùy, Đường, Ngũ Quý).
Mười thế kỷ đầu công nguyên, Nho học Việt Nam chưa thịnh, chưa hình thành tầng lớp Nho sĩ nắm vai trò quan trọng trong xã hội. Nho học Việt Nam phát triển từ thế kỷ XI, mở đường xuất thân cho kẻ sĩ thông qua khoa cử; nhờ đó thúc đẩy văn học phát triển, văn hóa được nâng cao. Sang đời Nguyễn, từ thế kỷ XIX, Nho học suy dần.
Đến thế kỷ XX, đạo Cao Đài ra đời, nêu cao Nho tông chuyển thế. Các Đấng thường gọi người hầu đàn là chư Nhu. Đạo Cao Đài dùng quốc phục (khăn đóng, áo dài) làm đạo phục, cách hiến lễ mang màu sắc đạo Nho, v.v… Trong mức độ nhất định, có thể nói đạo Cao Đài đã phục hưng Nho Giáo Việt Nam.

Cách hiến lễ (đi lễ chữ tâm) mang màu sắc đạo Nho. Ảnh của Gabriel Gobron.
2. Có thể Lão Giáo vào Việt Nam khoảng thế kỷ II.
Lão Giáo Việt Nam có bốn khuynh hướng chính: phù chú và bạo động; phong thủy và sấm ký; trường sinh bí thuật; thanh tĩnh, nhàn lạc, tùy thời xuất xử.
Lão Giáo Việt Nam còn có hai đặc điểm đáng chú ý: kết hợp với Thần Đạo Việt Nam; dùng cơ bút lập đàn cầu tiên.
Giáo chủ đạo Cao Đài là Cao Đài Tiên Ông, mở đạo, truyền đạo qua đàn cơ. Ơn Trên gọi người hầu đàn là học trò Tiên. Có thể nói Cao Đài cũng là đạo Lão của Việt Nam hiện đại.
3. Trước thế kỷ III, Phật Giáo vào Việt Nam trước tiên bằng đường biển, từ phương Nam lên, do các nhà sư Ấn Độ theo thuyền buôn. Về sau, đạo Phật từ phương Bắc theo đường bộ đi xuống chiếm ưu thế hơn. Từ thế kỷ III đến thế kỷ XIII-XIV, Thiền Tông phát triển mạnh nhất, đỉnh cao là hai đời Lý, Trần. Từ thế kỷ XV trở đi không còn rực rỡ như hai triều Lý, Trần nhưng đời nào cũng có cao tăng, chân tu xuất hiện. Ngày 01-9-1858, hải quân Pháp bắn vào cửa biển Đà Nẵng, mở đầu một thế kỷ xâm lăng của thực dân Pháp. Loạn lạc triền miên, đạo Phật suy dần.

Đầu thế kỷ XX, phong trào chấn hưng Phật Giáo lần lượt dấy lên ở ba miền Nam, Trung, Bắc. Đối với đức tin của người đạo Cao Đài, sự kiện chấn hưng Phật Giáo không có gì khó hiểu. Tại Bát Nhã Thiền Đường (02-7-1974), Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế dạy: "Thầy đến lần ba này làm cho nhơn loại khắp trên mặt địa cầu được sống lại ơn cứu độ lan chảy khắp năm châu.Trước đây năm, sáu mươi năm, các con cũng thấy các tôn giáo giống như ngủ mê mà từ ngày được đạo Thầy hoằng khai thì các tôn giáo lần lượt chấn hưng sự sống, đó chẳng những đến cho các con mà đến khắp hoàn cầu, nên phong trào đạo đức đâu đâu cũng sống dậy."

II. LÒNG BAO DUNG TAM GIÁO CỦA VUA QUAN VIỆT NAM THỂ HIỆN QUA CÁC TRIỀU ĐẠI
Qua bốn triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, hoàn cảnh lịch sử đã làm cho Việt Nam trở thành mảnh đất tốt để Tam Giáo lớn mạnh trong lòng bao dung của người Việt.
* Về phía triều đình: Vua Đinh Tiên Hoàng phong đại sư Khuông Việt (Ngô Chân Lưu) làm Tăng Thống, phong thiền sư Đặng Huyền Quang làm Sùng Chân Uy Nghi, phong đạo sĩ Trương Ma Ni làm Tăng Lục Đạo Sĩ. Vua Lý Thái Tổ dựng chùa Vạn Tuế, cất cung Thái Thanh ngay tại kinh thành Thăng Long, tôn thiền sư Vạn Hạnh lên làm Quốc Sư. Vua Lý Nhân Tông thường kề cận thiền sư Giác Hải và đạo sĩ Thông Huyền. Các vua mở hai kỳ thi về Tam Giáo: triều Lý Cao Tông (1195); triều Trần Thái Tông (1247).
* Về phía các sư, họ đã vận dụng cả Lão, Nho để cố vấn, thuyết phục, hoặc gián nghị các vua: Pháp sư Đỗ Pháp Thuận (915-990) khuyên vua Lê Đại Hành dùng đường lối vô vi của đạo Lão; thiền sư Viên Thông (1080-1151) mượn lời kinh Dịch can gián vua Lý Thần Tông; năm 1202, thiền sư Nguyễn Thường (Tăng phó) mượn lời kinh Thi can gián vua Lý Cao Tông.
Một số sự kiện lịch sử tiêu biểu như trên cho thấy trong buổi đầu, Tam Giáo giao hòa trên nước Việt trong lòng bao dung của người Việt. Đây là sự manh nha của tư tưởng Tam Giáo đồng nguyên.

III. TAM GIÁO HÒA QUYỆN VỚI TÍN NGƯỠNG THỜ TRỜI TRONG TÂM THỨC NGƯỜI VIỆT
Cổ tích, ca dao, tục ngữ... cho thấy dấu ấn Tam Giáo trong văn hóa đạo đức của dân tộc Việt. Các vị Tiên, Phật luôn luôn có mặt trong cổ tích để giáo dục con người tu nhân tích đức, làm lành lánh dữ. Ngoài ra còn có tín ngưỡng thờ Trời của người Việt:
- Ở hiền thì lại gặp lành,
Những người nhân đức Trời dành phúc cho.
- Mỗi đêm mỗi thắp đèn Trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.
- Nghiêng vai ngửa vái Phật Trời,
Đang cơn hoạn nạn độ người trầm luân.
- Vô chùa thắp một nén nhang,
Miệng nam mô A Di Đà Phật,
Nguyện cùng Trời chùa chật cũng tu.

IV. VIỆT NAM LÀ MẢNH ĐẤT TAM GIÁO ĐỒNG NGUYÊN TRONG 19 THẾ KỶ TRƯỚC CAO ĐÀI
Tư tưởng Tam Giáo đồng nguyên là một nét bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt trong 19 thế kỷ trước Cao Đài. Sau đây là phát biểu điển hình của một vài danh gia:

1. Vua Trần Thái Tông (1218-1277) viết trong bài Phổ Khuyến Phát Bồ Đề Tâm:
Vị minh nhân vọng phân Tam Giáo,
Liễu đắc để đồng ngộ nhất tâm.
(Chưa tỏ ngộ, người đời lầm lẫn phân biệt Tam Giáo,
Khi đạt chỗ gốc cội rồi thì cùng ngộ một tâm.)

2. Thiền sư Hương Hải (1631-1718) viết:
Nguyên lai Tam Giáo đồng nhất thể.
(Tam Giáo cùng một bản thể, nghĩa là cùng một gốc.)
3. Tể tướng Trịnh Tuệ (Trúc Lâm Cư sĩ, thế kỷ XVIII) viết trong bài Tam Giáo Nhất Nguyên Thuyết:
Ai hay Tam Giáo bất đồng,
Thích Ca, Lão Tử cùng dòng Nho Gia.

4. Thiền sư Toàn Nhật (1750? -1832?) viết trong Hứa Sử Truyện Vãn về lẽ Tam Giáo một nhà, và cùng đồng quy (đi về một đích điểm):
Thánh hiền phân chế làm ba,
Tam Giáo so lại nhất gia khác gì.
...
Đường tuy ba ngả cùng về một nơi.

5. Tì kheo Giác Lâm (thế kỷ XIX) viết trong Hồng Mông Tạo Hóa Chư Lục Bản Hạnh (gọi tắt Hồng Mông Hạnh):
Ba đạo cây cối một nhà,
Chi chi diệp diệp hằng hà vô biên.

Khảo luận Con Đường Tam Giáo Việt Nam cho thấy trước khi đạo Cao Đài ra đời, người Việt đã sẵn có các quan điểm về: Tam Giáo đồng nguyên hay Tam Giáo nhất nguyên (cùng một nguồn phát sinh); Tam Giáo đồng tông (cùng một ông tổ sinh ra); Tam Giáo nhất gia (cùng một nhà); Tam Giáo đồng quy (cùng đi về một đích).

Thay vì diễn giải bằng ngôn từ, một họa sĩ dân gian đã thể hiện các quan điểm ấy bằng tranh khắc gỗ trên bìa quyển Tam Giáo Kinh của Việt Nam.
Rõ ràng, Việt Nam là mảnh đất Tam Giáo màu mỡ sẵn sàng phân nước, chỉ chờ hột giống Cao Đài gieo xuống là nhanh chóng nảy mầm. Đức Cao Đài Thượng Đế dạy (Thiên Lý Đàn, 03-02-1966):

Chính mình Thầy đến chốn Nam Bang,
Mượn đất đem gieo mối Đạo vàng.
Tưới nước vun phân Nho, Thích, Lão,
Nâng cành sửa lá pháp hòa tăng...

PHẦN II. TAM GIÁO TRONG CAO ĐÀI

I. TAM GIÁO TRONG CAO ĐÀI LÀ MỘT THỂ THỐNG NHẤT VỚI CƠ CẤU BA-TRONG-MỘT
Năm 1926 đạo Cao Đài chính thức ra đời. Ấn phẩm đầu tiên ghi ngày 15-10-1926, mỏng (14 trang, khổ 18x24 cm), nhan đề Phổ Cáo Chúng Sanh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Hình bìa ấn phẩm cho thấy cơ cấu Tam Giáo là một thể thống nhất trong Cao Đài.
Cao Đài có hai tiêu ngữ:
a. "Tam Giáo quy nguyên" là chiều tự vận động của Tam Giáo để trở về nhất thể.

b. Tiêu ngữ "Quy [nguyên] Tam Giáo" là vai trò chủ động của Cao Đài, tác động tích cực vào chiều tự vận động nói trên để thúc đẩy Tam Giáo trở thành một thể thống nhất. Đức Giáo Tông Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh dạy (Chí Thiện Đàn, 03-10-1972):
Nam phương Đại Đạo hóa hoằng,
Quy nguyên Tam Giáo lấp bằng hiểm nguy.

Để có thể "quy" được như vậy, về mặt hình thức, Cao Đài bày ra cơ cấu ba-trong-một. Thoạt vừa tiếp cận Cao Đài, nhìn qua hình tướng nhiều màu sắc phô diễn bên ngoài cũng thấy ngay một loạt cơ cấu ba-trong-một ấy. Sau đây là một liệt kê chưa đầy đủ:
1. Lá cờ Đạo . cờ Tam thanh theo chiều dọc, kể từ trên xuống gồm ba màu: Vàng (tượng trưng cho Phật), Xanh (Tiên), Đỏ (Nho). Như vậy, hàm ngụ một trật tự trong Tam Giáo: siêu xuất là giáo pháp nhà Phật; nền tảng là đạo Nho; ở mức trung gian, dung hòa được cả hai là đạo Tiên.

2. Cổ pháp . Ba món cổ pháp là biểu tượng cho Tam Giáo gồm: kinh Xuân Thu (Nho), cây phất chủ (Tiên), bình bát vu (patra, Phật).

3. Tiêu ngữ . Trên bảng tên thánh thất, bìa kinh sách, các mẫu ấn chỉ, thư từ giao dịch của tòa thánh, thánh thất... là hai dòng:

ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
Công Bình – Bác Ái – Từ Bi

Theo chiều dọc của lá cờ, từ dưới lên trên đã hàm ngụ một trật tự từ căn bản đến siêu xuất là Nho, Tiên, Phật thì theo chiều ngang tiêu ngữ từ trái qua phải cũng hàm ngụ một trật tự từ căn bản tới siêu xuất là Nho (Công Bình), Tiên (Bác Ái), rồi Phật (Từ Bi). Như vậy là nhất quán.

4. Trên Thiên Bàn . Thánh tượng Thiên nhãn do Tòa Thánh Tây Ninh lưu hành cho thấy: trên hết thờ Thượng Đế Cao Đài (tượng trưng bằng Thiên Nhãn); hàng dưới thờ Tam Giáo Tổ Sư từ trái qua phải gồm có: Lão Tử, Thích Ca, Khổng Tử; hàng kế tiếp thờ Tam Trấn Oai Nghiêm (đại diện cho Tam Giáo) từ trái qua phải gồm có: Quan Âm (Phật), Lý Thái Bạch (Tiên), Quan Thánh (Nho).
Tại sao thờ Tam Giáo và Tam Trấn? Đức Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn dạy: "Nơi chánh điện, Thiên Bàn ngoại trừ Thiên Nhãn, muốn thể hiện Tam Giáo đồng nguyên thì thờ Tam Giáo, Tam trấn."(Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 30-12 Ất Mão rạng 01-01 Bính Thìn)
5. Khi đến giờ cúng , nhất là tại Đền Thánh (Tòa Thánh Tây Ninh), người ta thấy bên cạnh các tín đồ mặc đạo phục trắng là các chức sắc Cửu Trùng Đài gồm ba phái: Ngọc, áo đỏ (Nho); Thượng, áo xanh (Tiên); Thái, áo vàng (Phật).

6. Lúc cúng tứ thời (vào bốn giờ Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu trong ngày) thì ngoài kinh xưng tán Thượng Đế còn đọc kinh xưng tán Tam Giáo, theo thứ tự: Phật, Tiên, Nho.

7. Lúc quỳ lạy thì niệm hồng danh Giáo Chủ: "Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát". Hồng danh này thống hiệp Tam Giáo: Cao Đài (Nho); Tiên Ông (Tiên); Đại Bồ Tát Ma Ha Tát (Mahabodhisattva Mahasattva, Phật).

8. Những buổi cúng đại đàn (sóc vọng, lễ vía, lễ kỷ niệm…) thường có dâng sớ. Lúc đọc sớ đều xưng danh Tam Giáo Tổ Sư và Tam Trấn Oai Nghiêm.

9. Vân vân.

Cơ cấu thống hợp Tam Giáo thành một nhất thể trong Cao Đài mau chóng trở thành hình ảnh quen thuộc, dễ dàng được người Việt chấp nhận. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, vì tinh thần dung hợp và hòa đồng Tam Giáo lâu đời đã in sâu trong tâm thức người Việt. Do đó, người Việt đến với Cao Đài rất tự nhiên, và số người nhập môn năm đầu tiên vừa khai Đạo đã lên tới gần cả triệu.

Trong chuyên khảo Peasant Politics and Religious Sectarianism: Peasant and Priest in the Cao Dai in Viet Nam (Chính trị nông dân và giáo phái: nông dân và thầy tu trong đạo Cao Đài ở Việt Nam) , tiến sĩ Jayne Susan Werner nhận xét rằng Cao Đài có sự khéo léo tổng hợp truyền thống Tam Giáo và sự diễn giải minh bạch, chính xác truyền thống Tam Giáo đã tạo ra sức hút văn hóa mãnh liệt...
Nhưng nếu chỉ có như vậy, nếu Cao Đài chỉ mang lại cho người Việt tư tưởng Tam Giáo đồng nguyên, đồng tông, nhất gia… thì thực sự cũng chỉ mới là lập lại vốn cũ. Thực ra còn có yếu tố mới mẻ hơn mà Cao Đài đã đem đến để làm giàu đẹp thêm văn hóa Việt.

II. TAM GIÁO TRONG CAO ĐÀI CÒN CÓ MỘT NỘI DUNG MỚI MẺ CHO THỜI ĐẠI
Xác định Tam Giáo trong Cao Đài là một Tam Giáo mới, khác hơn truyền thống Tam Giáo sẵn có ở Việt Nam, bà tiến sĩ Werner dẫn lại quan điểm của giáo sư Trần Văn Giàu (phỏng vấn tại Hà Nội, ngày 03-01-1974):
"Ông Trần Văn Giàu lập luận rằng đạo Cao Đài thu hút mãnh liệt được nông dân là bởi vì Cao Đài có những nỗ lực nhằm phát huy, nâng cao Tam Giáo lên tới một tầm mức mới mẻ về mặt ý thức hệ." (...) "Ông ta cũng lập luận rằng sự tổng hợp Tam Giáo một cách mới mẻ trong đạo Cao Đài là độc đáo..."-
1. Cái mới thứ nhất là Cao Đài phát triển tư tưởng Tam Giáo đồng nguyên thành Tứ Giáo đồng nguyên rồi mở rộng thành vạn giáo tổng đồng nguyên
Đức Gia Tô Giáo Chủ dạy về Tam Giáo đồng nguyên như sau (Huờn Cung Đàn, 24-12-1961):

Trong Tam Giáo lý chơn như một,
Thánh công bình là một giống thương,
Tiên thì bác ái tứ phương,
Phật thường chuyên luyện con đường từ bi.
Suy cho kỹ đều y mục đích,
Tùy mỗi nơi khuyến khích môn đồ...

Cũng chính trong thánh giáo này, Đức Gia Tô Giáo chủ "bổ sung" thêm đạo Thiên Chúa (Ki Tô Giáo) để nêu lên Tứ Giáo đồng nguyên:

... Trời cùng với Phật Thánh Tiên,
Xem qua thấu rõ hậu tiền giống nhau.
Về hình thức thì sao cũng khác,
Nhưng tinh thần chẳng lạc sai đâu,
Phận Ta giáng thế trời Âu,
Thích Ca bổn phận độ thâu Ấn, Hồi.
Lão và Khổng Tử rồi phận sự,
Châu Á truyền đạo tự tiên Nho...

Rõ ràng Cao Đài đã phát triển từng bước, từ Tam Giáo (phương Đông), cộng thêm Ki Tô Giáo (tiêu biểu cho phương Tây), rồi phát huy thành vạn giáo tổng đồng nguyên. Đức Lý Thái Bạch dạy (Hườn Cung Đàn, 16-10-1963):
Nguơn phản cổ đổi thay toàn vạn vật,
Hội Long Hoa gieo rắc mối chơn truyền,
Nay đến kỳ vạn giáo tổng đồng nguyên,
Thì tình nhơn loại không riêng nơi nào.

Cao Đài chủ trương vạn giáo tổng đồng nguyên vì bản chất của vạn giáo là nhứt lý. Cao Đài minh định: để giải quyết tình trạng rối loạn của nhân loại toàn cầu, thì cần thiết phải khai phóng cho nhân loại tinh thần vạn giáo nhứt lý và vạn pháp (vạn giáo) tổng đồng tông:
"Nhơn loại ngày nay đang phập phồng lo sợ thảm họa diệt vong, tự diệt bởi chiến tranh nguyên tử, bởi các mối chia rẽ trầm trọng giữa người và người, giữa học thuyết và học thuyết, đương mong cầu sự giải cứu của phép mầu thần linh. Tình trạng ấy càng chứng tỏ tôn chỉ giải phóng toàn diện con người trên tinh thần vạn giáo nhứt lý, vạn pháp đồng nguyên của Đại đạo là một nhu cầu cấp thiết rất đáng sớm được xương minh." (Giáo Tông Thái Bạch, Thiên Lý Đàn, 27-9-1963)

2. Cái mới thứ hai là Cao Đài phát huy tư tưởng Tam Giáo đồng nguyên hòa hiệp tín ngưỡng thờ Trời. Trời (Cao Đài Thượng Đế ) chính là vị thống quản tối cao điều khiển cuộc vận hành cho Tam Giáo và vạn pháp quy nguyên.
Ngoài Tam Giáo, một nhân tố khác phải chú ý là đạo Cao Đài thờ Trời, giáo chủ Cao Đài là Thượng Đế. Nhưng Thượng Đế trong Cao Đài có khác quan niệm về Thượng Đế theo truyền thống của tín ngưỡng Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng.
Bà tiến sĩ Werner viết: "Ông Trần Văn Giàu khẳng định rằng quan niệm của đạo Cao Đài về Thượng Đế hoàn toàn khác với các quan niệm xưa cũ."
Đồng thuận với ý kiến đó, bà Werner viết: "Đạo Cao Đài có quan niệm mới mẻ về Thượng Đế. (…) vai trò và vị trí của Thượng Đế đã đổi khác trong tín ngưỡng Cao Đài. (...) Vai trò của Thượng Đế trong đạo Cao Đài khác hẳn tập quán tín ngưỡng của người Việt Nam trước kia …"

Nhưng nói cụ thể, khác ở chỗ nào?
Trong tâm thức người Việt thời kỳ trước Cao Đài đã sẵn có tín ngưỡng thờ Trời hòa quyện với Tam Giáo. Nhưng chỉ đến Cao Đài mới xác lập rằng trong kỷ nguyên Tam Kỳ Phổ Độ chính Trời là vị thống quản tối cao của Tam Giáo, điều khiển cuộc vận hành cho Tam Giáo và vạn pháp quy nguyên. Đây là một ý thức hệ mà trước kỷ nguyên Cao Đài người Việt chưa có.
Vai trò thống quản này được đức Cao Đài Thượng Đế xác định (23-01-1926):

Chín Trời mười Phật cũng là Ta,
Truyền đạo chia ra nhánh nhóc ba.
Hiệp một chủ quyền tay nắm giữ,
Thánh, Tiên, Phật Đạo vốn như nhà.

Vai trò thống quản này đã đưa tư tưởng Tam Giáo đồng nguyên từ vị thế khu vực (châu Á, mà hẹp hơn là Đông Nam Á) đến vị thế Đông Tây khi bổ sung Ki Tô Giáo (đạo Gia Tô) vào để thành Tứ Giáo đồng nguyên, hay Tứ Giáo nhất gia. Đức Bát Nhã Thiền Sư dạy:
Hội Tam Kỳ quy nguyên vạn giáo,
Gồm Thích, Nho, Gia, Lão một nhà.
Vì đời chia bảy xẻ ba,
Nên đem tôn chỉ dung hòa năm châu.

Cuối cùng thì nâng lên vị thế toàn cầu khi nêu ra chủ trương vạn giáo tổng đồng nguyên. Bằng cách này Cao Đài nêu rõ chủ trương của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là vận chuyển tất cả các dòng ý thức hệ của nhân loại kim cổ Đông Tây trở về nguồn cội duy nhất là Đạo hay Đại Đạo mà nhân cách hóa chính là Thượng Đế, là Cao Đài Tiên Ông. Để diễn bày chủ trương này, có nhiều cách phát biểu. Chẳng hạn:
– Mở rộng Tam Giáo thành Tam Giáo Đạo
Tam Giáo được đạo Cao Đài phát triển thành Tam Giáo Đạo có phạm vi rộng hơn.
Đức Đại tiên Lê Văn Duyệt (Ngọc Minh Đài, 03-6-1966) giải thích rằng Tam Giáo Đạo bao gồm Thánh Đạo, Tiên Đạo, và Phật Đạo. Thánh Đạo gồm có Thiên Chúa Giáo, Tin Lành, Hồi Giáo…; Phật Đạo gồm có Bà La Môn Giáo, Thích Ca Giáo, Pythagore Giáo…
– Đưa Tam Giáo Đạo song hành cùng quan niệm về ba kỳ Phổ Độ.
Theo sử quan Cao Đài, dòng tiến hóa của tất cả các nền văn hóa đạo đức và tâm linh nhân loại diễn ra theo quy luật tán-tụ mà đạo Cao Đài phát biểu là:
Từ Đại Đạo phát sinh Tam Giáo Đạo [tán]; từ Tam Giáo Đạo trở về nguồn gốc Đại Đạo [tụ].
Chiều tán (đi ra) bao gồm Nhứt và Nhị Kỳ Phổ Độ; chiều tụ (quy nguyên phản bổn) là Tam Kỳ Phổ Độ.

TẠM KẾT . Cao Đài ra đời tại Việt Nam để nhận lãnh sứ mạng lịch sử – "sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ" – là tác động cho năm châu bốn bể cùng đi vào đại cuộc quy nguyên của dòng tiến hóa vũ trụ ngõ hầu tái tạo cõi thiên đàng tại thế. Với sự xuất hiện của Cao Đài tại cái nôi Việt Nam, không chỉ Tam Giáo truyền thống được phát huy và đổi mới thành Tam Giáo Đạo (Tam Tông), mà còn có sự xác lập một vị thế mới cho dân tộc Việt Nam trên diễn đàn tư tưởng, văn hóa đạo đức của nhân loại năm châu. Thánh giáo Cao Đài nhiều lần xác định vị thế tương lai Việt Nam như sau:
– sẽ là cái rún năm châu (Đức Ngô Minh Chiêu, 22-5-1966):
Nay trung ương sắc huỳnh mồ kỷ,
Rún năm châu bốn biển là đây.
Cũng nơi vạn pháp phô bày,
Tam Tông quy lập Cao Đài chơn tông.
- sẽ được thế giới cùng noi bước (Đức Trần Hưng Đạo, 10-5-1965):
Trời Nam gây dựng đạo mầu,
Phục hồi chánh pháp năm châu đồng hành.
- sẽ là cái nôi để mở ra hòa bình nhân loại (Đức Chí Tôn):
Trước xây đắp Cao Đài thánh đức,
Dụng Nam Bang làm nước phóng khai.
Dân Nam sứ mạng Cao Đài,
Năm châu bốn bể hòa hài từ đây.

Như thế, chính cõi thiên đàng hay niết bàn cho nhân loại trước tiên sẽ hình thành ở Việt Nam như một kiểu mẫu cần nhân rộng (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I, 1928):
Hảo Nam Bang! Hảo Nam Bang!
Tiểu quốc tảo khai hội niết bàn.
Hạnh ngộ Cao Đài truyền Đại Đạo ,
Hảo phùng Ngọc Đế ngự trần gian.

Tất cả những điều khái quát trên đây cho thấy Cao Đài không chỉ là Tam Giáo. Nếu ai đó cho rằng Cao Đài chẳng có gì mới, chỉ là sự tập hợp các vốn cũ, thì rõ ràng thiếu cái nhìn toàn diện. Cần điều chỉnh cái nhìn phiến diện đó bằng nhiều công trình xiển minh cái mới mà Cao Đài mang đến cho nhân loại, và trước hết là cho dân tộc Việt, để dân tộc này chứng nghiệm thánh ngôn của Đức Cao Đài Thượng Đế :
Một nước nhỏ nhoi trong vạn quốc,
Ngày sau làm chủ mới là kỳ!

 
Dũ Lan Lê Anh Dũng

Xuân đến con vui với tiết xuân,
Hãy đem đạo lý độ người trần,
Trong cơn mê muội xa ngôi vị,
Thức tỉnh lên đường học thánh nhân

Đức Chí Tôn, Ngọc Minh Đài, 29-12 Bính Ngọ, 08-02-1967

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây