Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Tất cả vũ trụ vạn hữu là một trường dịch hóa miên miên bất tuyệt, sinh động vô cùng. Nên ...
-
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời Rằm tháng 10 Tân Hợi (2-12-71) THI CAO cả thay ! vi diệu thay ...
-
Lịch sử đạo Cao Đài cho thấy đức tin Cao Đài, từ lúc chưa nảy sinh đến lúc lập thành ...
-
Quan điểm MỖI NGƯỜI CHÚNG TA ĐÓNG GÓP ĐƯỢC GÌ CHO NHÂN LOẠI? Một nhà tư vấn chính sách , Simon Anholt, ...
-
Ảnh hưởng của Ấn Độ đối với văn hóa Chăm phát huy mạnh mẽ trong khoảng từ tk.VII đến hết ...
-
Vĩnh Nguyên Tự Ngọ thời, 03-12 Tân Hợi (18-01-1972)
-
(Của TRẦN HI DI TIÊN SANH) do Ngài cố Minh Thiện trích dịch năm 1960 1. Trần Lão tổ đặt bài ...
-
Neil Armstrong (sinh 5 tháng 8, 1930) là một phi hành gia người Mỹ, người đầu tiên đặt chân lên ...
-
Nhắp chén trà sen vị ngạt ngào, Hương xuân nồng ấm thú tiêu dao, Kìa hoa hoa nở vì ai đó, Theo luật ...
-
TỪ GIÁ TRỊ TÂM LINH ĐẾN GIÁ TRỊ TÂM LINH SIÊU VIỆT Giá trị là điều mà con người quan tâm ...
-
Muốn nhứt thống tư tưởng để tiến đến nhứt thống lý tưởng phải hành thế nào? Giản dị lắm chư hiền ...
-
THANH NIÊN và THIÊN CƠ GIÁO ĐẠO Ngày kỷ niệm Khai Tịch Đạo năm Mậu Tuất 1958, Đức Lý Giáo Tông ...
CQPTGL
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 05/01/2010
Cao Đài Vấn Đáp 2
Quyển "Cao Đài Vấn Đáp" do Ban Văn Hóa Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo biên soạn, nhằm giới thiệu tôn giáo Cao Đài một cách ngắn gọn.
Hình thức vấn đáp sẽ giúp độc giả bước đầu nắm được các nội dung quan trọng của đạo Cao Đài gồm :
I.- Sơ lược sử đạo.
II.- Cơ cấu tổ chức.
III.- Mục đích tôn chỉ.
IV.-Nghi lễ và cách thờ phượng.
V.- Giáo lý căn bản
VI.- Cách thức tu hành và giữ
đạo của tín đồ.
Dĩ nhiên, bảy mươi hai câu vấn đáp không đủ giới thiệu hết hình thức lẫn nội dung của nền Đạo, nhưng tối thiểu cũng giải đáp được những câu hỏi thường gặp về đạo Cao Đài.
Rất mong nhận được nhiều ý kiến của các bậc đạo tâm thức giả, để quyển sách nhỏ nầy hoàn bị hơn khi tái bản.
Ban Biên Soạn
CAO ĐÀI VẤN ĐÁP
I. SƠ LƯỢC SỬ ĐẠO.
1. Đạo Cao Đài do ai sáng lập ?
Đạo Cao Đài do Đức Cao Đài Thượng Đế tức Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế mà Thiên Chúa giáo gọi là Đức Chúa Trời,1 sáng lập tại nước Việt Nam vào đầu thế kỷ XX qua các sự kiện chính yếu sau đây :
- Vào đầu năm 1921, qua phương tiện thông linh bằng cơ bút (giáng cơ), Đức Thượng Đế lần đầu tiên xưng danh là "Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát" và chánh thức thâu nhận Ngài Ngô Văn Chiêu làm đệ tử đầu tiên.
- Sau khi các vị Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang vâng lịnh làm lễ vọng thiên cầu đạo vào ngày mùng 1 - 11 - Ất Sửu (16-12-1925); ngày 19-12-1925 Đức Thượng Đế giáng cơ mừng cho các Ông :
"Mừng nay gặp gỡ Đạo Cao Đài"
Đêm Lễ Giáng Sinh 24-12-1925, Ngài giáng cơ dạy như sau:
"Ngọc Hoàng Thượng Đế Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát Giáo Đạo NamPhương,
"Muôn kiếp có Ta nắm chủ quyền,
Vui lòng tu niệm hưởng ân thiên;
Đạo mầu rưới khắp nơi trần thế,
Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên."
(TNHT, QI,1973, tr.5)
Vậy Đạo Cao Đài do Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế tức Đức Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát sáng lập.
2. Người đệ tử đầu tiên của Đức Cao Đài là ai ?
Như trên đã nói, người đệ tử đầu tiên của Đức Cao Đài là Ngài Ngô Minh Chiêu (thế danh là Ngô Văn Chiêu) vì :
- Vào đầu năm 1920, trong một buổi cầu tiên tại nhà Ngài Ngô ở Tân An (tỉnh Long An ngày nay),có một vị tiên giáng cơ xưng là "Cao Đài Tiên Ông" mà trước đó chưa hề có ai được biết danh hiệu gồm bốn chữ này.
- Vào Trung Thu năm Canh Thân (26.9.1920), tại Hà Tiên, Ngài Ngô được biết danh hiệu "Cao Đài" lần nữa qua các câu thánh thi :
"CaoĐài minh nguyệt Ngô Văn Chiêu,
Linh lung vạn hộc thể quang Diêu."1
-Và vào đầu năm 1921, Đức Cao Đài chính thức thâu nhận ngài Ngô Văn Chiêu làm đệ tử đầu tiên tại Phú Quốc.
3. Đạo Cao Đài có phải là một tôn giáo chính danh ?
Đạo Cao Đài là một tôn giáo chính thức và chính danh.
- Chính thức vì các vị tông đồ đầu tiên đã lập tờ Khai Tịch Đạo gởi đến chính quyền ngày 23 tháng 8 năm Bính Dần (29.9.1926);và tổ chức đại lễ Khai Minh Đại Đạo trước chính quyền và công chúng ngày 15 tháng 10 năm Bính Dần 19.11.1926). Trong lễ này hàng Giáo phẩm được tấn phong và thọ lãnh Pháp Chánh Truyền của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
- Là tôn giáo chính danh vì đạo Cao Đài có đức tin nơi Đức Thượng Đế và các Đấng Thiêng Liêng; có Giáo Hội hoàn chỉnh tại Tòa thánh để điều khiển toàn đạo; có Giáo luật và kinh sách truyền bá tôn chỉ, mục đích, giáo lý Đạo; có Giáo pháp công truyền lẫn tâm truyền; có đông đảo tín đồ và nhiều Thánh thất ở trong nước và nước ngoài.
4. Xin cho biết một số di tích và sự kiện lịch sử quan trọng thời sơ khai của Đạo Cao Đài ?
4.1 Dương Đông Phú Quốc : là nơi Đức Ngô Minh Chiêu được Đức Cao Đài Thượng Đế thâu nhận làm người đệ tử đầu tiên tại Quan Am Tự vào mùng 1 Tết Tân Dậu (08.2.1921) và được nhận lãnh dấu hiệu Thiên Nhãn lần đầu tiên vào ngày 13.3 năm Tân Dậu (20.4.1921) để làm biểu tượng thờ phượng trong Đạo Cao Đài từ ấy đến nay.
4.2.Vĩnh Nguyên Tự : tại quận Cần Giuộc tỉnh Long An, vốn là ngôi chùa đạo Minh Đường do Ngài Thái Lão Sư Lê Đạo Long thành lập. Ngày 4.3.1926 chư vị Tiền Khai Đại Đạo được lịnh Ơn Trên đến đây lập đàn cầu cơ để Ngài Lê Đạo Long (đắc quả Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn) giáng dạy các đệ tử của Ngài qui nhập Đạo Cao Đài. Đức Chí Tôn đã dùng nơi này thâu nhận những sứ đồ trung kiên làm nồng cốt, ban phong Thiên Sắc để nhận lãnh công việc khai đạo truyền bá giáo lý trong Tam Kỳ Phổ Độ.
Nơi đây cũng là nơi Đức Chí Tôn cho lập ra các kinh điển luật pháp Đạo trong buổi sơ khai.
Vĩnh Nguyên Tự (tái thiết năm 1973)
4.3. Sự kiện lập tờ Khai Tịch Đạo : Được lịnh dạy, ngày 23.8 Bính Dần (29.9.1926) chư vị Tiền Khai Đại Đạo hội họp với trên 200 tín đồ tại nhà ông Nguyễn Văn Tường ở hẽm số 237 bis đường Galliéni Saigon (nay là đường Trần Hưng Đạo, Quận I) để lập tờ Khai Tịch Đạo gởi đến chính quyền đương thời.
Về sau, từ 1938 hằng năm Thánh Thất Cầu Kho làm Lễ Kỷ niệm ngày Khai Tịch Đạo và đến nay Nam Thành Thánh Thất (số 124 – 126 đường Nguyễn Cư Trinh, Quận I,
Thành phố Hồ Chí Minh) tiếp nối truyền thống đó, tổ chức lễ kỷ niệm vào ngày 23.8 âm lịch.
Ảnh chụp bổn điển Thánh giáo ngày 23,8.B.Dần
Một số chữ ký của Chư Tiền Khai
trong ngày Khai Tịch Đạo 23.8.BD
4.4. Thiền Lâm Tự ( Từ Lâm Tự) tại Gò Kén (nay thuộc xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh). Đức Chí Tôn đã dùng nơi này Khai Minh Đại Đạo vào ngày Rằm tháng 10 Bính Dần (1926) trước quốc dân bá tánh. Đến năm 1927,Hội Thánh xây dựng Thánh Thất cũng tại làng Long Thành, trở nên Tòa Thánh Tây Ninh ngày nay.Thánh ngôn Đức Chí Tôn vào tháng 7 năm 1926 như sau:
"Ngọc Hoàng Thượng Đế viết Cao Đài Giáo Đạo Nam Phương,
"Các con nghe Thầy dạy :
Nơi nào Thầy ngự thì nơi ấy là Thánh địa….. Vậy thì là làng Long Thành, các con khá an lòng...
"Các con phải chung hiệp nhau mà lo cho hoàn toàn Tòa Thánh, chi chi cũng tại Tây Ninh nầy mà thôi".
(TNHT,TâyNinh,xb. 1973, tr.98)
5. Đền Thánh Tòa Thánh Tây Ninh được xây cất từ năm nào và do ai chủ trì ?
Ban đầu Đền Thánh Tòa Thánh Tây Ninh được cất đơn sơ bằng tranh từ năm 1927; năm 1932 khởi sự đào móng, xây dựng qua nhiều giai đoạn đến năm 1953 mới hoàn thành mỹ mãn.
Những vị chức sắc đầu tiên của Hội Thánh như các Ngài : Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư, Nguyễn Ngọc Thơ, Nguyễn Ngọc Tương ... đều có công lớn trong việc chỉ đạo khai phá đất, rừng và kiến trúc Tòa Thánh.
Ngoài ra do nguyên tắc hành đạo của Đạo Cao Đài là "Thiên nhơn hiệp nhứt" nên công cuộc xây dựng Tòa Thánh hẳn nhiên có sự phối hợp của nhơn tâm cùng Thiên ý.
Đền Thánh Tòa Thánh Tây Ninh
6. Xin cho biết ý nghĩa danh xưng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ?
Đại Đạo : là nguyên lý chung của mọi tôn giáo, là đường lối chung nhứt mà tôn giáo nào cũng theo đuổi để cải thiện xã hội và giải thoát tâm linh.
Tam Kỳ Phổ Độ : độ khắp nhân sanh kỳ thứ ba, tương ứng với thời đại ngày nay (kỳ thứ nhứt vào thời Thương cổ có các đấng Phục Hi, Moise... ra đời. Kỳ thứ hai có các đấng Thích Ca, Lão Tử, Khổng Tử, Jesus Christ, Mohamet ra đời để phổ độ nhân loại).
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là Đạo của Đức Thượng Đế lập ra trong thời kỳ phổ độ thứ ba trên tinh thần "Tam giáo qui nguyên, Vạn giáo nhứt lý" để dìu dắt loài người sống có đạo đức, biết hướng thượng và sau cùng biết tu luyện đến mức giác ngộ hoàn toàn, hiệp một được với Đức Thượng Đế.
Đạo mở kỳ ba là kỳ sau cùng, kết thúc một đại chu kỳ của vũ trụ nên có mục đích đại đồng giải thoát, tận độ chúng sanh và người giác ngộ được đại ân xá.
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được gọi tắt là Đạo Cao Đài.
7. Ý nghĩa của hai chữ Cao Đài ?
- Cao Đài nghĩa đen là cái đài, cái tháp cao, ám chỉ đỉnh cao nhứt của vũ trụ, là đích tiến hóa sau cùng của chúng sanh.
- Cao Đài là tá danh của Đức Thượng Đế khi mở Đạo kỳ thứ ba này, nhằm nêu lên thiên ý là Đấng Tối Cao đang đến dìu dắt nhân loại quay trở về nguồn cội cao nhứt của mình chính là Thượng Đế.
- Cao Đài cũng chính là chỗ cao nhứt trong tâm linh con người, đạo pháp gọi là Nê huờn cung trong não bộ. Đạt đến nơi đó con người có thể thông công, hiệp nhứt được với Thượng Đế là Cao Đài của vũ trụ.
Mở đầu Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển sách sưu tập những bài thánh ngôn trong thời kỳ sơ khai của đạo Cao Đài, sẽ thấy ngay hồng danh này:
"NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ viết CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT Giáo Đạo NamPhương" (Noel 1925)
Cũng trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển (Q. I, TT. Tây Ninh, 1973, tr.23), vào ngày 26.4 Bính Dần (8.6.1926) có bài Thánh ngôn bằng Pháp văn xưng danh như sau:
"Cao Đài, Le Très Haut". (Cao Đài, Đấng Tối Cao)
Ngày 28.10.1926 cũng viết: "Dieu Tout Puissant qui vient sous le nom de Cao Đài".
(Thượng Đế toàn năng đến dưới danh hiệu Cao Đài ) (Sđd,tr.55)
Qua cách xưng danh như trên, Đức "Cao Đài" xác nhận chính Ngài là Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế trên Thiên Đình.
Giáo lý Cao Đài còn giải thích danh hiệu "Cao Đài Tiên Ông Đại BồTát Ma Ha Tát" là tiêu biểu cho tôn chỉ "Tam giáo qui nguyên" của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ:
Cao Đài chỉ Đạo Nho
Tiên Ông chỉ Đạo Tiên
Đại Bồ Tát Ma Ha Tát chỉ Đạo Phật
8. Đạo Cao Đài có bao nhiêu Phái ?
Theo diễn tiến của sử đạo, Đạo Cao Đài phát triển thành các phái sau :
8.1. Phái Tây Ninh : Thật ra đây là Hội Thánh Cao Đài đầu tiên được thành lập vào Đại lễ Khai Minh Đại Đạo Rằm (15 ) tháng 10 năm Bính Dần (19.11.1926) đồng thời với sự ban bố Pháp Chánh Truyền (Hiến Pháp Đạo) của Đức Cao Đài Thượng Đế. Phái Tây Ninh lập Tòa Thánh tại làng Long Thành, quận Phú Khương, tỉnh Tây Ninh. Ngài Thượng Đầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung) thọ lệnh Chưởng Quản Tòa Thánh Tây Ninh từ ngày 15.4.1928 và được ban quyền " Quyền Giáo Tông về phần xác" bởi Đạo Nghị Định thứ nhì, ngày 3.10.Canh Ngọ (1930). Địc chỉ hiện nay : thị trấn Hòa thành, H. Hòa thành, tỉnh Tây Ninh.
Ngọ Môn Toà Thánh Tây Ninh
8.2. Phái Minh Chơn Lý do Ngài Phối Sư Thái Ca Thanh lãnh đạo, lập nên Hội Thánh Định Tường tại Cầu Vỹ, Mỹ Tho (Tiền Giang) năm 1930. Sau khi thành lập, phái này đã thay đổi cách thờ phượng và sử dụng một số bài kinh riêng. Hiện nay Hội thánh có tên Hội thánh Cao Đài Chơn Lý, địa chỉ : Ấp Mỹ an, xã Mỹ phong, TP. Mỹ tho ( Tiền Giang )
Tòa Thánh Chơn Lý
(HT. Minh Chơn Lý)
8.3. Phái Tiên Thiên. Phái Tiên Thiên do một Hội Thánh gồm Thất thánh do Đức Chí Tôn sắc phong ngày 13.8. Đinh Mão (1927) tại Thánh tịnh Thiên Thai ( Đồng Tháp) [1]:
-Thái Chưởng Pháp Phan Văn Tòng
-Thượng Chưởng Pháp Lê Kim Tỵ
-Thượng Chưởng Pháp Nguyễn Hữu Chính
-Ngọc Chưởng Pháp Nguyễn Thế Hiển
-Đầu Sư Trần Lợi Thái
-Thượng Đầu Sư Nguyễn Bửu Tài
-Thượng Đầu Sư Nguyễn Tấn Hoài
và Thất hiền (bảy Vị Phối sư) lãnh đạo, lập nên Hội Thánh Tiên Thiên Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ gọi tắt là Hội Thánh Tiên Thiên. Tòa Thánh trung ương hiện nay đặt tại xã Tiên thủy, huyện Châu thành, tỉnh Bến Tre tức là Tòa Thánh Châu Minh.
Tòa Thánh Châu Minh
(HT.Tiên Thiên)
8.4. Phái Minh Chơn Đạo do Ngài Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang hợp tác với các vị Cao Triều Phát, Phan Văn Thiệu thành lập tại Giồng Bốm - Bạc Liêu (năm 1932). Tòa Thánh đặt tại Thánh Thất Hậu Giang gọi là Tòa Thánh Ngọc Sắc, địa chỉ hiện nay : Ấp Xóm sỡ, xã Hồ Thị Kỷ, H. Thới bình, tỉnh Cà Mau.
Tòa Thánh Ngọc Sắc
(Minh Chơn Đạo)
8.5. Phái Ban Chỉnh Đạo do Ngài Quyền Thượng Đầu Sư Nguyễn Ngọc Tương hợp tác với Ngài Quyền Ngọc Đầu Sư Lê Bá Trang thành lập năm 1934 tại Thánh Thất An Hội đường Trương Định, khu phố 6 thị xã Bến Tre .
Tòa Thánh Ban Chỉnh Đạo-Bến Tre
8.6. Phái Bạch Y Liên Đoàn Chơn Lý: Tòa thánh Ngọc Kinh đặt tại Thánh thất Mông Thọ tỉnh Kiên Giang do quý Ngài Trương Minh Tòng và Tô Bửu Tài lập ra năm 1936. Ngài Tô Bửu Tài được thiên phong Ngọc Đầu Sư Chưởng Quản Hội Thánh Bạch Y. Địa chỉ hiện nay : Ấp Hòa an,xã Mông thọ B, H.Châu thành, tỉnh KG.
Thánh Tòa Ngọc Kinh tại T. Kiên Giang
8.7. Phái Truyền Giáo Cao Đài tại Trung Hưng Bửu Tòa, số 63 đường Hải Phòng,thị xã Đà Nẳng do giới hướng đạo miền Trung thành lập ngày mồng 1 thág 6 năm Bính Thân (8-7-1956), Ngài Phối Sư Huệ Lương (Trần Văn Quế) là Chủ Trưởng Hội Thánh.
Trung Hưng Bửu Tòa
HT Truyền Giáo Cao Đài
8.8. Phái Cao Đài Cầu Kho Tam Quan: Khoảng năm 1927 hai vị Nguyễn Hữu Phương và Nguyễn Hữu Hào từ Bình Định vào Sài Gòn nhập môn tại Thánh Thất Cầu Kho rồi về hợp tác xây Thánh thất Cao Đài tại nhà ông Phan Bồi ở Hoài Nhơn – Bình Định. Đến Rằm tháng hai Mậu Dần (1938) làm lễ Hoát Khai lập Thánh Thất Trung Ương cũng tại xã Tam quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
Năm 1959 tổ chức Hội Thánh Trung Ương Trung Việt Tam Quan (Bình Định).
Danh hiệu sau cùng là Hội Thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan.
Thánh Thất Trung ương
Hội Thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan
8.9. Phái Chiếu Minh : Phái này không lập Thánh Thất hay Tòa Thánh, chỉ tu tịnh theo tâm pháp vô vi do Ngài Ngô Minh Chiêu truyền dạy cho một số đệ tử lúc sanh tiền từ giữa năm Bính Dần (1926) [Sau khi Ngài tu luyện theo sự dìu dắt của Đức Cao Đài từ năm 1921 tại Phú Quốc].
Ngoài ra, sau khi Ngài Ngô Minh Chiêu đăng thiên (13-3-Nhâm Thân tức 18-4-1932), các đệ tử của Ngài đã lập Tổ Đình Chiếu Minh (Thánh Đức Tổ Đình Chiếu Minh Tam Thanh) tại số 264,đường 30 thánh 4 thị xã Cần Thơ. Nơi này được xem là tiêu biểu cho truyền thống tu luyện đạo pháp tâm truyền của Ngài Ngô, tức "phái" Chiếu Minh đạo Cao Đài.
Tổ Đình Chiếu Minh Vô Vi Tam Thanh
8.10. Phái Cao Đài Chiếu Minh Long Châu thành lập Hội Thánh năm 1956 do ông Nguyễn Văn Tự thánh danh Thiên Huyền Tâm làm Chưởng quản Cửu Trùng Đài, ông Lê Hữu Lộc thánh danh Ngọc Minh Khai làm Chơn sư Hiệp Thiên Đài , bà Từ Lý, Hội trưởng nữ phái. Tòa Thánh Long Châu tọa lạc tại xã Tân PhúThạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Cần Thơ tập hợp trên 20 Thánh tịnh. Phái Cao Đài Chiếu Minh Long Châu chủ trương vừa tu phổ độ vừa theo tuyển đô.
Tòa Thánh Long Châu
HT.Cao Đài Chiếu Minh Long Châu
9. Cơ Quan phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo có phải là một Chi Phái ?
- Cơ Quan PTGL chính thức khai mạc văn phòng vào ngày Rằm tháng Giêng năm At Tỵ (15.2.1965) , trụ sở hiện nay số 171B Cống Quỳnh, Quận I, Thành phố Hồ Chí Minh, được Ơn Trên giao sứ mạng thống nhứt tinh thần cơ đạo trên cơ sở một nền giáo lý Đại Đạo thuần nhất.
Về tổ chức, Cơ Quan không lập Hội Thánh hay Ban Cai Quản, không thâu nhận tín đồ mà chỉ có Ban Thường Vụ và một số nhân viên làm việc trong các Ban trực thuộc.
Tôn chỉ mục đích của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý thể hiện đầy đủ trong Huấn từ của Đức Chí Tôn :
"Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý không phải là một Chi phái, cũng không phải của một cá nhân nào hay một đoàn thể nào, mà phải là của toàn đạo, một nhịp cầu nối liền tình huynh đệ, một điện đài thâu và phát những động năng thúc đẩy cho sự thống nhứt giáo lý, tức là tinh thần vậy, để các con sẽ gặp nhau, qui nguyên ở vị trí duy nhứt, tri và hành theo chánh pháp của Đại Đạo"
(Thiên Lý Đàn, 14.1. At Tỵ; 15.2.1965)
10. Giữa các Phái đạo Cao Đài có những điểm đồng tương đồng và đổi khác nào?
Tương đồng :
- Cùng có một đức tin nơi Đức Cao Đài Thượng Đế lâm phàm khai
đạo cứu độ nhân loại kỳ ba trong thời Hạ nguơn mạt kiếp.
- Cùng niệm một danh hiệu của Đức Thượng Đế:"Nam Mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát".
- Thờ Thượng Đế với Thánh tượng Thiên Nhãn, thờ Tam Giáo Đạo Tổ, Tam Trấn Oai Nghiêm và các Đấng tiêu biểu cho Ngũ Chi.
- Cùng tuân theo Pháp Chánh Truyền và Tân Luật.
- Đồng đứng dưới danh nghĩa Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, theo cùng một tôn chỉ và mục đích của Đại Đạo.
- Đều có quá trình được các Đấng Thiêng Liêng dìu dắt qua cơ bút.
- Cùng sử dụng đạo kỳ như nhau.
- Tín đồ mặc đạo phục như nhau: tất cả mặc áo dài trắng; nam phái có chích khăn đen (quốc phục Việt Nam).
- Đều có phần nội giáo và phần ngoại giáo.
Một vài thay đổi về hình thức :
- Các lễ phục.
- Và một số thay đổi về kinh cúng thời (dâng tam bửu), kinh tang lễ.
- Phái Chiếu Minh Vô Vi không có Giáo Hội thuộc cơ công truyền, chỉ chuyên tịnh luyện theo pháp môn do Ngài Ngô Minh Chiêu truyền lại và dìu dắt.
11. Những vị đệ tử đầu tiên của Đức Cao Đài là ai ?
Những vị nầy gồm:
11.1. Ngài Ngô Văn Chiêu, được Đức Cao Đài nhận làm đệ tử ngày mùng 1 tháng Giêng năm Tân Dậu (08-02-1921) tại Phú Quốc. Đạo danh là Ngô Minh Chiêu.
Đây là vị đệ tử đầu tiên được đặc ân thọ pháp tu luyện trực tiếp với Đức Cao Đài qua cơ bút.
Ngài truyền đạo lại cho các đệ tử chuyên tâm tu luyện, lập thành "Phái" Chiếu Minh Vô Vi Tam Thanh.
Ngài đăng thiên vào ngày 13 tháng 3 năm Nhâm Thân (19-4-1932)
11.2. Ngài Lê Văn Trung (1875-1934) được Đức Cao Đài hóa độ ngày mùng 5-12-Ất Sửu (18-1-1926) và thọ phong Đầu Sư Thượng Trung Nhựt ngày 15 tháng 3 Bính Dần (26-4-1926) thăng lên Quyền Giáo Tông tại Tòa Thánh Tây Ninh vào ngày 30-10 Canh Ngọ (1930) đứng đầu Cửu Trùng Đài Tòa Thánh Tây Ninh. Đăng thiên ngày 13 tháng 10 năm Giáp Tuất (19-11-1934).
11.3. Ngài Phạm Công Tắc (1890-1959) được thâu nhận làm đệ tử Đức Cao Đài vào ngày mùng 9 tháng 11 năm At Sửu (24-12-1925) và thọ phong Hộ Pháp ngày 15 tháng 3 Bính Dần (26-4-1926), đứng đầu Hiệp Thiên Đài Tòa Thánh Tây Ninh.
Đăng thiên ngày 10-4 Kỷ Hợi (17-5-1959) tại Phnom-Penh, Campuchia
11.4. Ngài Cao Quỳnh Cư (1888-1929) được thu nhận làm đệ tử Đức Cao Đài vào ngày mùng 9-11 Ất Sửu (24-12-1925) thọ phong Thượng Phẩm trong Hiệp Thiên Đài Tòa Thánh Tây Ninh ngày 15 tháng 3 năm Bính Dần (26-4-1926). Đăng thiên ngày 1-3 Kỷ Tỵ (10-4-1929)
11.5. Ngài Cao Hoài Sang (1901-1971) được thu nhận làm đệ tử Đức Cao Đài vào ngày mùng 9-11 Ất Sửu (24-12-1926)1, thọ phong Thượng Sanh trong Hiệp Thiên Đài Tòa Thánh Tây Ninh ngày 15 tháng 3 năm Bính Dần (26-4-1926). Đăng thiên ngày 26-3 Tân Hợi (24-4-1971).
11.6. Ngài Vương Quan Kỳ (1880-1939) ngộ đạo nhờ sự hướng dẫn của Ngài Ngô Minh Chiêu, thượng Thánh tượng Thiên Nhãn do Đức Ngô vẽ, thờ tại nhà vào năm 1924 (nhưng không thọ pháp tịnh luyện). Ông Kỳ là mối liên lạc giữa Đức Ngô với nhóm phổ độ gồm các vị Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang, Cao Quỳnh Cư, Đoàn Văn Bản, Nguyễn Văn Hoài, Võ Văn Sang, Lê Văn Trung.
11.7. Ngài Nguyễn Ngọc Tương (1881-1951) nguyên là chủ quận Cần Giuộc, từng tu theo đạo Minh Sư, được các vị Lê Văn Trung, Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư xuống Cần Giuộc độ dẫn nhập môn vào Đạo Cao Đài. Ngày 17-5-Bính Dần (1926) Ngài được Ơn Trên ban phẩm Phối Sư phái Thượng, thánh danh là Thượng Tương Thanh, đến 03-7-Bính Dần Ngài được thăng Thượng Chánh Phối Sư tại Vĩnh Nguyên Tự. Vào năm 1930, Ngài tuân lệnh Đức Chí Tôn phế đời về hành đạo tại Tòa Thánh Tây Ninh.
11.8. Ngài Lê Văn Lịch (1890-1947), nguyên trụ trì Vĩnh Nguyên Tự tại xã Long an, H.Cần Giuộc, tỉnh Long an (do thân phụ Ngài là Thái Lão Sư Lê Đạo Long tu theo chi Minh Đường sáng lập).
Vào đầu năm Bính Dần (1926) chư vị Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang, Nguyễn Ngọc Tương đến Vĩnh Nguyên Tự xin lập đàn cơ, được Đức Thái Lão Sư Lê Đạo Long (đã liễu đạo đắc vị Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn) giáng điển dạy Ngài Lê Văn Lịch và thân quyến nhập môn Cao Đài. Đến ngày Thiên phong 15-3-Bính Dần Ngài được Đức Chí Tôn ban ân thọ Thiên phong Đầu Sư phái Ngọc thánh danh Ngọc Lịch Nguyệt.
11.9. Ngài Trương Hữu Đức (1890-1976) thọ Thiên phong Tiên Đạo Phò Cơ Đạo Sĩ ngày 15-3 Bính Dần (26-4-1926)
Ngày 12-1 Đinh Mão (13-2-1927) Ngài thọ Thiên phong Hiến Pháp (thuộc Hiệp Thiên Đài). Năm 1955, Ngài bán hết sản nghiệp về Tòa Thánh chuyên lo hành đạo.
Ngày 21-5 Tân Hợi (1971) Ngài đắc phong quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài Tòa Thánh Tây Ninh.
Ngài Trương Hữu Đức đăng tiên vào ngày 15-12 Ất Mão (15-1-1976) thọ 87 tuổi.
11.10. Ngài Lý Trọng Quí (Hồ Vinh Quí) (1872 - 1945)
11.11. Ngài Lê Văn Giảng (1883 - 1932)
11.12. Ngài Võ Văn Sang, tức Phán Sang.
11.13. Ngài Nguyễn Văn Hoài, tức Phán Hoài.
11.14. Ngài Nguyễn Trung Hậu (1892 - 1961) được Đức Cao Đài hóa độ vào cuối năm 1925, Rằm tháng 3 Bính Dần (26-4-1926 ) Ngài Nguyễn Trung Hậu thọ Thiên phong : Tiên Đạo Phò Cơ Đạo Sĩ. Đến ngày 12-1 Đinh Mão (13-2-1927) Ngài được Đức Chí Tôn ân phong Bảo Pháp (Hiệp Thiên Đài).
Ngài từng làm chủ bút tạp chí "La Renue Caodaiste" (1930-1931), và nguyệt san "Đại Đồng" của Liên Hòa Tổng Hội (1932)
Năm 1957, Ngài làm Giám đốc Hạnh Đường mở các khóa dạy Lễ Sanh, Giáo Hữu tại Tòa Thánh Tây Ninh.
Ngài đăng tiên ngày 7-9 Tân Sửu (16-10-1961) tại tư gia. Di thể được cải táng về Tòa Thánh Tây Ninh ngày 7-9 Giáp Dần (21-10-1974)
11.15. Ngài Đoàn Văn Bản: Ngài nguyên là đốc học (hiệu trưởng) trường tiểu học Cầu Kho (nay là trường trung học phổ thông Trần Hưng Đạo ở đường Trần Hưng Đạo, Quận I, Tp. HCM), được Ngài Vương Quan Kỳ mời hầu đàn cơ và ngộ đạo. Sau đó do lời khuyên của vị này, Ngài đã hiến tư gia làm nơi lập đàn cầu cơ (vào cuối năm 1925). Từ đó nơi này trở thành Thánh thất Cầu Kho.[2]
II. TỔ CHỨC ĐẠO CAO ĐÀI:
12. Pháp Chánh Truyền là gì ?
Pháp Chánh Truyền là bản thánh huấn của Đức Thượng Đế giáng cơ ban bố trong đại lễ Khai Minh Đại Đạo vào ngày 16-10-Bính Dần(20-11-1926) tại Từ Lâm Tự (Thiền Lâm Tự) tức chùa Gò Kén tỉnh Tây Ninh. Pháp Chánh Truyền qui định các cấp chức sắc lãnh đạo Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ cùng với nhiệm vụ, quyền hạn và nguyên tắc công cử từng cấp. Pháp Chánh Truyền mang tính Hiến pháp của Đạo, định ra cơ chế lập luật, thi hành luật, đường lối lãnh đạo và quản trị tín đồ.
13. Tân luật là gì ?
Tân luật là bộ luật đạo do chư vị Tiền Khai Đại Đạo vâng lịnh Thiêng Liêng dựa theo Thánh ngôn của Đức Chí Tôn và các luật tôn giáo xưa mà soạn ra, và được Ơn Trên giáng cơ phê chuẩn. Tân luật được ban hành năm 1927.
Nội dung Tân Luật gồm ba phần chánh:
- Phần Đạo Pháp
- Phần Thế Luật
- Phần Tịnh Thất
a. Phần Đạo Pháp tức cơ chế tổ chức Đạo: qui giới, cách giáo huấn và kỹ luật đạo. Phần này gồm có tám chương, 32 điều trong đó chương I "Về chức sắc cai trị trong đạo" hoàn toàn dựa theo Pháp Chánh Truyền, chỉ diễn giải thêm chút ít.
b. Phần Thế Luật qui định những đức tính của người tín đồ và các luật liên quan đến cuộc sống ở đời như kết hôn, tang tế, tương trợ, sinh kế, giáo dục con cái... Thế luật có 24 điều.
c. Phần Tịnh Thất qui định các điều kiện để tín đồ được vào nhà tịnh học và hành phép nhập tịnh tham thiền. Phần này cũng qui định các nguyên tắc sinh hoạt của tịnh viên trong tịnh thất nhằm giữ cho thân tâm an định và tu học tinh tấn. Tịnh thất có tám điều.
14. Cơ cấu tổ chức căn bản của Đạo Cao Đài như thế nào ?
Cơ cấu của Đạo Cao Đài gồm:
- Bát Quái Đài: Phần vô hình của Đạo
- Hiệp Thiên Đài: Phần bán vô hình, bán hữu hình của Đạo.
- Cửu Trùng Đài: Phần hình thể của Đạo
Cả ba Đài hiệp thành Thánh Thể của Đức Chí Tôn.
Pháp Chánh Truyền và Tân Luật qui định tổ chức Đạo Cao Đài.
15. Quyền năng của Bát Quái Đài?
Bát Quái Đài nắm quyền siêu rỗi do Đức Chí Tôn điều ngự với sự phò tá của các Đấng Phật, Tiên, Thánh, Thần. Cơ cấu chưởng quản là các Đấng Tam Giáo Đạo Tổ (Đức Thích Ca Như Lai, Đức Lão Tử, Đức Khổng Tử); các Đấng Tam Trấn (Đức Đại Tiên Trưởng Thái Bạch Kim Tinh, Đức Quán Thế Am Bồ Tát, Đức Quan Thánh Đế Quân); Đức Gia Tô Giáo Chủ và Đức Khương Thái Công.
Trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Bát Quái Đài là phần Thiên, điều khiển cơ cứu độ Kỳ ba bằng thế Thiên Nhơn Hiệp Nhứt cùng với Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài.
16. Cửu Trùng Đài được tổ chức ra sao, có chức năng gì ?
Cửu Trùng Đài là tổ chức hữu hình của Đạo, từ trên xuống dưới gồm 9 phẩm:
1- GIÁO TÔNG : 1 vị
2- CHƯỞNG PHÁP : 3 vị
3- ĐẦU SƯ : 3 vị
4- PHỐI SƯ : 36 vị
(trong đó có 3 vị Chánh Phối Sư)
5- GIÁO SƯ : 72 vị
6- GIÁO HỮU : 3.000 vị
7- LỄ SANH : Vô số
8- CHỨC VIỆC (Chánh trị sự,
Phó trị sự, Thông sự) : Vô số
9- TÍN ĐỒ : Vô số
Các phẩm Giáo Tông, Chưởng Pháp, Đầu Sư vừa có quyền lập pháp, vừa có quyền hành pháp. Từ phẩm Phối Sư trở xuống chỉ có quyền hành chánh.
Cửu Trùng Đài Nữ Phái chỉ có từ phẩm Đầu Sư trở xuống.
(Xin xem thêm chức năng Cửu Trùng Đài ghi nơi Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Đài.)
17. Hiệp Thiên Đài được tổ chức ra sao, có chức năng gì ?
Hiệp Thiên Đài có 2 chức năng:
1. Thông công giữa Bát Quái Đài và Cửu Trùng Đài.
2. Bảo vệ pháp luật Đạo
Hiệp Thiên Đài gồm:
HỘ PHÁP đứng đầu Hiệp Thiên Đài, hữu có Thượng Phẩm, tả có Thượng Sanh. Ba vị lãnh đạo các chi Pháp, chi Đạo, chi Thế :
Thượng Phẩm Hộ Pháp Thượng Sanh
Bảo Đạo Bảo Pháp Bảo Thế
Hiến Đạo Hiến Pháp Hiến Thế
Khai Đạo Khai Pháp Khai Thế
Tiếp Đạo Tiếp Pháp Tiếp Thế
Ngoài ra còn có Thập Nhị Bảo Quân (Hàn Lâm Viện của Đạo) và Hội Thánh Phước Thiện, Bộ Pháp Chánh, Ban Thế Đạo. Xin xem phần chức năng Hiệp Thiên Đài ghi ở Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Đài.
18. Tổ chức Hành chánh của Đạo Cao Đài ra sao ?
Cấp Trung ương: gồm Cửu Viện:
Học Viện, Y Viện, Nông Viện
Hộ Viện, Lương Viện,Công Viện
Lại Viện, Lễ Viện, Hòa Viện.
Cấp Địa phương:
- Nhiều Tỉnh : Trấn Đạo (Giáo Sư cai quản)
- Tỉnh : Châu Đạo (Giáo Hữu cai quản)
- Quận : Tộc Đạo (Lễ Sanh cai quản)
- Xã : Hương Đạo (Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự cai quản)
19. Họ đạo là gì?
Theo Tân luật, điều 16 và 17 : Nơi nào có đông tín đồ, được chừng 500 tín đồ trở lên, thì được lập riêng một Họ, đặt riêng một Thánh thất, có một chức sắc làm đầu cai trị. Sự lập Họ phải có phép của Đức Giáo Tông và phải do nơi quyền Người. Chức sắc làm Đầu Họ Đạo ở phẩm Lễ sanh, do Hội thánh bổ nhiệm.
20. Ban Cai Quản của một Thánh Thất được tổ chức ra sao ?
Ban Cai Quản quản trị Thánh Thất và điều hành mọi đạo sự thuộc Thánh Thất.
Ban Cai Quản được họ Đạo tại Thánh Thất công cử, thường có nhiệm kỳ 2 năm. Thành phần gồm có:
- 1 Chánh Hội Trưởng (Chánh Cai Quản)
- 1 Phó Hội Trưởng (Phó Cai Quản)
- 1 Từ Hàng (Thư Ký)
- 1 Phó Từ Hàng
- 1 Thủ bổn (Thủ quỷ) (Hộ Vụ)
- 1 Phó Thủ bổn
- 2 vị kiểm soát viên
Cộng chung có 8 vị.
Trực thuộc Ban Cai Quản còn có các Tiểu Ban được tổ chức theo nhu cầu đạo sự mỗi nơi, như:
- Ban Liên giao (đối ngoại)
- Ban Tạo tác (xây dựng, sửa chữa)
- Ban Trù phòng (nhà bếp)
- Ban Lễ viện hay Lễ vụ (nghi lễ)
- Ban Phổ huấn (giáo dục về giáo lý)
- Ban Nông viện hay Nông vụ (sản xuất ngũ cốc)
- Ban Công viện hay Công vụ (hoạt động công nghiệp)
- Ban Phước thiện (y tế, xã hội, tương trợ)
- Ban Học viện (tổ chức các lớp học đạo)
21. Ban Trị Sự là gì ?
Ban Trị Sự là các chức việc hành chánh hương đạo thi hành nhiệm vụ theo hệ thống hành chánh từ Hội Thánh xuống do Đức Giáo Tông thiết lập. Ban Trị Sự gồm : một Chánh Trị Sự, một Phó Trị Sự, một Thông Sự nam và một Thông sự nữ.
Chánh Trị Sự: Chánh trị sự cai quản hương đạo (xã đạo hay thiên bàn) trong hệ thống hành chánh đạo được Đức Lý Giáo Tông thành lập.
Thánh ngôn Đức Giáo Tông:
"Chánh Trị Sự là người thay mặt cho Lão (Đức Giáo Tông) làm Anh Cả của tín đồ trong địa phương của họ".
"Chánh trị sự chăm nom giúp đỡ sự sinh hoạt của chư môn đệ của Thầy đã chịu dưới quyền người điều khiển, giúp khó, trợ nghèo, coi cả tín đồ như anh em ruột. Chánh Trị Sự là Đầu Sư em".
- Phó Trị Sự: Phó Trị sự cũng là chức việc trong cùng địa phận với Chánh trị sự, có nhiệm vụ giúp cho Chánh Trị sự có đủ nhân sự giúp khó trợ nghèo trong địa phận. Phó Trị Sự có quyền về chính trị chớ không có quyền về luật lệ. Nếu có điều chi làm hại đến Đạo thì phải cho Thông sự hay, đặng điều chỉnh thế nào cho ổn. Phó Trị Sự là Giáo Tông em.
- Thông Sự: Thông sự là chức việc do Đức Lý Giáo Tông khuyên Hộ Pháp lập thành. Thông sự là người đồng thể (cùng cấp) với Phó Trị Sự. Người có quyền về luật lệ chớ không có quyền về Chính trị đạo. Thông sự là người của Hiệp Thiên Đài, người có quyền xem xét luật lệ, cử chỉ hành động của Phó Trị Sự mỗi việc chi làm mất lẽ công bình mà Hội Thánh không biết thì Thông Sự phải chịu trách nhiệm... Người đặng trọn quyền cùng Phó Trị Sự tìm phương giúp đỡ những người hoạn nạn, cô thế. Thông Sự là Hộ Pháp em.
22. Hoạt động của một Thánh Thất gồm những gì ?
- Cúng tứ thời hằng ngày. Vào ngày Sóc Vọng, sau lễ cúng, phổ biến tin tức, đạo sự.
- Tổ chức các ngày đại lễ của Đạo.
- Tổ chức tang lễ cho các đạo hữu quá vãng.
- Làm lễ nhập môn,lễ thượng tượng cho tín hữu mới.
- Làm phép bí tích hôn phối, tắm thánh cho trẻ sơ sinh.
- Cầu siêu, cầu an cho đồng đạo, bá tánh khi hữu sự.
- Thuyết đạo, tổ chức khóa tịnh cho tín đồ thuộc Thánh Thất.
- Hướng dẫn đạo đức cho đồng nhi lễ sĩ.
- Tổ chức các cuộc hành thiện và thiết lập các cơ sở hành thiện.
- Liên giao với các Thánh thất bạn và giao thiệp với xã hội hay chính quyền trong tư cách một đoàn thể tôn giáo.
23. Tại sao Thánh Thất còn gọi là Thánh Thể Đức Chí Tôn ?
- Thánh Thất nào cũng được cấu trúc bởi Tam đài: Bát Quái Đài, Cửu Trùng Đài, Hiệp Thiên Đài.
Bát Quái Đài là tháp tám cạnh tương ứng với Thiên bàn tại Chánh điện. Về phương diện vô vi, Bát Quái Đài thuộc về quyền lực của Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng có sứ mạng trong Tam Kỳ Phổ Độ, tức là phần Thiên, về Đạo pháp tương ứng với Thần.
Cửu Trùng Đài là nơi các cấp chức sắc và tín đồ đến chầu lễ hướng về Bát Quái Đài. Ở Tòa Thánh, Cửu Trùng Đài xây làm 9 cấp có ý nghĩa cửu phẩm từ thấp lên cao. Về phương diện đạo lý, Cửu Trùng Đài tượng trưng cho toàn thể chúng sanh là con cái của Thượng Đế, do nơi bản thể của Ngài hóa sanh ra. Cửu Trùng Đài còn tượng trưng cho quyền pháp của chúng sanh, tức phần Nhơn, về Đạo Pháp tương ứng với Tinh.
Hiệp Thiên Đài tiếp giáp với Cửu Trùng Đài, tương ứng với ngôi Hộ pháp được xây giữa hai tháp chuông và trống ở mặt tiền Thánh Thất. Hiệp Thiên Đài là nơi các chức sắc Hiệp Thiên Đài của Hội Thánh lập đàn cầu cơ bút để Thiêng Liêng dạy đạo. Hiệp Thiên Đài nắm giữ quyền pháp Đạo để điều hành mối Đạo, chuyển quyền pháp từ Bát Quái Đài vào Cửu Trùng Đài, nhờ đó mà Đạo vận hành được hanh thông. Về Đạo pháp, Hiệp Thiên Đài tương ứng với Khí.
Đại Đạo phải gồm đủ vô vi, hữu hình và Quyền pháp, mới sanh hóa, dưỡng dục được muôn loài và làm cho muôn loài tiến hóa. Thế nên Thánh Thất phải xây đủ Tam đài và Hội Thánh cũng được tổ chức đầy đủ thành phần để tượng trưng cho Thánh Thể Đức Chí Tôn Thượng Đế.
24. Ngày Khai Minh Đại Đạo là gì ?
Đó là ngày mà Đức Thượng Đế đã chọn để ra mắt Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ trước nhân sanh.
Cuộc lễ được tổ chức tại chùa Gò Kén (Từ Lâm Tự tức Thiền Lâm Tự) thuộc làng Long Thành , huyện Hòa Thành tỉnh Tây Ninh từ đêm 14 rạng 15 tháng 10 năm Bính Dần (19-11-1926)
Các vị Chức sắc cao cấp nhứt của Đạo đã tuyên thệ nhận lãnh sứ mạng trong lễ này.
Kế đó, Pháp Chánh Truyền hay bản Hiến Pháp Đạo được Đức Thượng Đế ban bố vào ngày 16-10 Bính Dần.
Do vậy, hằng năm toàn đạo thiết lễ kỷ niệm Khai Minh Đại Đạo vào ngày Rằm tháng 10 âm lịch để ghi nhớ ngày Đức Thượng Đế chính thức cho phép Đạo ra mắt nhân sanh với một cơ cấu Hội Thánh và Pháp Chánh hoàn chỉnh.
Thiền Lâm Tự
(Chùa Gò Kén Tây Ninh)
III. MỤC ĐÍCH TÔN CHỈ CỦA ĐẠO CAO ĐÀI :
25. Mục đích của Đạo Cao Đài là gì?
Mục đích Đạo Cao Đài nhằm hoàn thiện hóa con người và xây dựng xã hội bình đẳng, thế giới đại đồng.
Về mặt tâm linh, Đạo Cao Đài có mục đích giải thoát luân hồi sanh tử.
Nói gọn, mục đích Đạo Cao Đài là "Thế đạo đại đồng, Thiên đạo giải thoát".
26. Xin giải thích ý nghĩa "thế đạo đại đồng" ?
"Thế đạo đại đồng" tương ứng với đường lối hay phương pháp giải quyết cuộc diện nhân sinh, tạo được cuộc sống an lạc tiến bộ trong xã hội.
"Thế đạo đại đồng" nhằm mục đích thực hiện thế giới nhân loại bình đẳng, hạnh phúc không phân biệt giai cấp, đoàn thể, tôn giáo hay quốc gia dân tộc. "Thế đạo đại đồng" theo đạo Cao Đài lấy Nhân Bản làm nền tảng, trong đó nhân vị nhân quyền được tôn trọng, nhân tính được phát huy để xây dựng một thế giới văn minh đạo đức hòa bình mà người Cao Đài thường gọi là đời Thánh đức. "Thế đạo đại đồng" theo nghĩa rộng còn là tình bác ái đối với muôn loài vạn vật từ những sinh vật nhỏ nhất đến thú cầm, đến loài người, tức là cả chúng sanh.
27. Và ý nghĩa"Thiên đạo giải thoát"
Thiên đạo là Đạo pháp, là đường lối tu hành để người tu đạt được sự giải thoát toàn diện, không còn đau khổ phần thể xác hay phiền não tâm hồn tại thế gian, và xa hơn nữa được giải thoát tâm linh. Sau khi thoát xác, linh hồn người đắc quả Thiên đạo sẽ sống vĩnh viễn trong cõi thiên đàng cực lạc không còn bị luân hồi trở lại phàm trần nữa.
Muốn thế, người tu Thiên đạo phải học đạo đại thừa, tu luyện thân tâm và thực hành sứ mạng cứu độ tha nhân.
28. Tôn chỉ của Đạo Cao Đài như thế nào ?
Tôn chỉ Cao Đài là "Tam giáo qui nguyên, ngũ chi phục nhứt". Tam giáo tức là Tam giáo đạo gồm: Nho-Thích-Lão.
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ xây dựng một nền giáo lý toàn diện tức là giáo lý Đại Đạo trên nền tảng tổng hợp giáo lý Tam giáo đạo. Bởi vì Tam giáo có đủ khả năng xây dựng con người chân chính, xã hội an lạc (Nho), dạy con người biết tu dưỡng thể xác và tinh thần để sống thung dung tự tại (Lão), và giải khổ (Thích).
Do đó tôn chỉ "Tam giáo qui nguyên" là đường lối để thực hiện mục đích "Thế đạo đại đồng, Thiên đạo giải thoát".
"Ngũ chi phục nhứt": tức Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo phục nhất. Đó là đường lối tu hành tuần tự như lên năm nấc thang. Phục nhứt có nghĩa là thống nhứt thành một hệ thống bổ sung cho nhau, hiệp thành đạo pháp nhứt quán hầu đưa người tu đạt đến mục đích. Tóm lại, tôn chỉ ĐĐTKPĐ là đường lối tổng hợp nhất quán cứu cánh hoàn thiện và giải thoát nhân sanh của vạn giáo.
29. Ý nghĩa của tiêu ngữ "Vạn giáo nhất lý" ?
Song song với tôn chỉ "Tam giáo qui nguyên ngũ chi phục nhứt", Cao Đài còn nêu lên tinh thần "vạn giáo nhứt lý".
Qua tiêu ngữ này, Cao Đài công nhận mục đích cứu cánh của tất cả tôn giáo chơn chánh có cùng một chơn lý là hướng dẫn con người sống có đạo đức, hoàn thiện hóa bản thân, hoàn thiện hóa xã hội và giải thoát linh hồn.
Từ đó Cao Đài chủ trương tôn trọng tín ngưỡng của mọi tôn giáo và nêu lên nguyên lý chung của mọi nền
giáo lý tức là giáo lý Đại Đạo khả dĩ giác ngộ nhân loại toàn cầu.
[[Trích từ quyển CAO ĐÀI VẤN ĐÁP/CQPTGL]