Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
23/08/2017
Thánh giáo

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 14/12/2023

HỌC TẬP THÁNH GIÁO 2017 (tiếp theo)


Học tập Thánh giáo – Tháng 6 nhuần năm Đinh Dậu 2017
Trúc Lâm Thiền Điện, 20-10 Quý Sửu (14-11-1973)
________________________________________________

THI
Nguyện cứu khổ đời mới đến đây,
Khuyên người hướng đạo nhớ câu này,
Muốn đời thoát khỏi nơi trầm lụy,
Giữ một lý chơn của Đạo Thầy.
NAM HẢI NGẠN THƯỢNG QUAN ÂM BỒ TÁT. Chào chư hiền sĩ hiền muội đàn tiền.
Giờ này, Bần Đạo lâm đàn để đáp ứng tâm thành của chư hiền sĩ hiền muội. Bần Đạo giã ơn chư hiền sĩ hiền muội đồng an tọa nghe Bần Đạo có đôi lời chỉ giải.
Này chư hiền sĩ hiền muội! Từ bao nhiêu năm thành lập Trước Lâm Thánh Đức Thiền Điện, các Đấng cũng nhiều lần giáng cơ giáo đạo và chỉ dẫn đường lối cho chư hiền sĩ hiền muội biết chỗ nào đúng với chơn lý đạo để mà học, chỗ nào đúng với Thiên cơ để mà hành. Chỉ có học hành để tu thân luyện tánh khai tâm cho nên người hiền nhân quân tử, nên hàng Thánh triết Chơn Nhơn, nên bậc Kim Tiên Bồ Tát. Bần Đạo tưởng bao nhiêu đó cũng đủ số hành trang cho người hành giả trên đường về cõi thượng. Rất tiếc thay! Có vật báu không biết sử dụng, chỉ cất giữ như kẻ giữ kho tàng, có đạo lý diệu mầu không tìm hiểu cho thông suốt để ứng dụng trên đường tu học, chỉ đọc để mà đọc, nghe hay nhưng không biết cái hay ở phương diện nào, cũng như không biết phải áp dụng vào đâu, thành thử chư hiền sĩ hiền muội bị lâm vào trong cảnh diệt vọng này để sanh vọng khác, định thoát ly nghiệp chướng trần ai, lại vương thêm một gánh nặng ở cõi trần ai. Đó là gánh ảo vọng trên đường hoạn lộ.
THI
Đạo có gì đâu, Đạo ấy Trời,
Trời là Tiên Phật, cũng là người,
Người hay giác ngộ thành Tiên Phật,
Tiên Phật vọng tâm cũng xuống đời.
Chư hiền sĩ hiền muội ôi!
Đời vốn là một cõi chung đụng của vạn hữu sở sanh. Tất cả đều ở trong Đạo để hình thành, từ mộc thạch thú cầm cho đến nhơn loại cũng không ngoài luật tắc âm dương cấu tạo. Như vậy sao lại gọi đời là tạm, là giả? Cái giả, cái tạm ở đây có phải là một lý thuyết mượn lấy để biện bạch cho một vấn đề giác ngộ nhơn sanh mà các giáo chủ lãnh đạo tôn giáo thường dùng đó chăng? Đạo là chi mà bảo Đạo là một vật vô hình, vô tượng, vô danh?
Nếu nói rằng vô tức là không, thì cái có tự đâu mà có? Đó phải chăng một thuyết quá ư trừu tượng mông lung đặt để cho người hướng đạo lãnh đạo nắm lấy để đưa nhơn loại hướng về một đường lối hy vọng vô cùng vô tận để trung thành với thuyết ấy chăng?
Chư hiền sĩ hiền muội có lời quán xét để tìm hiểu chơn lý của Đạo và đời mà con người đang theo đuổi. Đời là cõi tạm, thật vậy. Đạo là sanh hóa, cũng thật vậy. Cũng trong luật tắc tài thành của đức hiếu sinh đã ban phát cho nhân loại đầy đủ bộ máy tối linh để người giác ngộ biết đem tự thể sở sanh với vũ trụ tuần hoàn mà tìm hiểu đời sống tức là đạo lý.
Hãy nhìn xem một đứa hài nhi vừa thoát khỏi thai bào còn bản chất thiên lương trong sạch, nào biết những điều vui buồn thương ghét ham muốn hoặc chán nản. Đến tuổi trưởng thành bước chân vào ngưỡng cửa đời thì bao nhiêu hoàn cảnh bên ngoài chói sáng làm cho tâm linh trong sạch kia bị cấu nhiễm bởi danh lợi sắc tài, lần lần hóa ra con người phàm phu tục tử. Từ chỗ điểm đạo đến chỗ vô minh không cách xa là bao. Từ cái vô minh đó sẽ đưa con người đến chỗ hữu hình hữu hoại để rồi trở về với điểm đạo lúc ban sơ. Nhưng con người có trở lại được hay không, đó là một việc cần phải đề cập đến.
Chư hiền sĩ hiền muội ôi! Đã mang vào một kiếp nhơn sanh, tất nhiên bị đặt vào những nghiệp dĩ trong cõi hữu hình này với các món nợ không quyền chối bỏ, là nợ áo cơm, nợ cúc dục cù lao, nợ sơn hà chủng tộc. Nếu những món nợ được trang trải bằng đạo lý hằng hữu của nhơn sanh, thì cảnh trần gian này đâu đến đỗi thương hải hóa tang điền, ruộng dâu thành biển cả.
Bần Đạo phân như vậy để chư hiền sĩ hiền muội thấy tự tánh thiên nhiên không làm cho cuộc đời là giả tạm, mà chính chỗ dục vọng của con người mới biến đời là tạm bợ mà thôi.
Chiếc thân tứ đại do Tạo Hóa an bài trong luật tắc thiên nhiên mà có. Có để chi? Để đặt cho mỗi con người có một luật tắc riêng tư trong Tạo Hóa. Thế nên trời đất không nói, mà lời của Thánh nhơn đã là lời của trời đất vậy. Muôn vật hóa sanh tứ mùa tám tiết điều hòa không dời đổi. Đó là cơ biến dịch để phát triển quang năng hữu hình cho vạn loại. Ngày đêm tối sáng thường dụng để con người nương theo đó ngõ hầu xây dựng cuộc tiến hóa cho kiếp hiện tại trong bộ máy tối linh. Đói ăn, khát uống, hoạt động thiên nhiên là thế. Nếu thêm vào đó những thâu nạp ô hợp để mảnh tâm điền bị các chủng tử của vọng thức gieo lên nẩy mầm đơm tược tức là tạo một cuộc đời hủy diệt cho cuộc đời, vì vậy mà người đời phải chịu tạm bợ. Bởi quá quan trọng đến cái thể xác này nên phải chịu lầm than hệ lụy vì thể xác. Trong khi đó, người giác ngộ kẻ tu hành biết tận dụng bộ máy tối linh để giữ lại điểm Đạo trường tồn bất diệt trong luật thiên nhiên thì sẽ thấy Đạo vô hình mà có hình, vô tượng mà có tượng, vô danh mà có danh. Chừng đó mới thấy lẽ thiệt của đạo lý để con người khỏi bị mê vọng và thất vọng nữa.
Do sự khẩn cầu của gia đình Thiện Đức cũng như Nguyễn Hữu Dư và cũng nhân sứ mạng hành đạo của Nữ Chung Hòa và Nữ Sứ Đồ Minh Lý nên Bần Đạo đến để thuyết qua một thời pháp cho chư hiền sĩ hiền muội hiểu rõ, đời đạo vẫn một không hai, và cõi vô hình hữu hình cũng như thế, mọi việc đều do một cái tâm mà thôi.
Bần Đạo khuyên hiền sĩ Thiện Đức nên tận dụng chơn lý đạo để độ đời cho công quả công trình không bị rơi vào chỗ thất vọng, vì chơn lý đạo là một lẽ thiệt sáng chói ở tâm linh, ở hành động của mỗi người. Nếu hiền sĩ dùng tài vật để độ người, khi tài vật kiệt quệ, người sẽ không tiến bước nữa, vì tài vật là yếu tố để cho những hàng lợi dụng câu nhử đám thường nhân. Nếu hiền sĩ dùng quyền lực hoặc mưu chước để độ đời, khi quyền lực hết, mưu chước sẽ theo đó mà rã tan, thì người đời sẽ ngoảnh mặt làm lơ. Nếu hiền sĩ dụng lòng từ bi bác ái cảm hóa độ đời bằng thiết tha, bằng mến luyến thương yêu, thì chắc chắn sẽ còn lưu lại trong lòng nhân thế một vài điểm tựa của thiên lương. Như vậy, chỉ có những cái gì bất biến như chơn lý, như tâm linh, thì mới khỏi bị con người phàm phu phản phúc, bởi giác ngộ đã đem đến cho họ bằng sự thật.
Sự thật ở chính họ phải sử dụng cái vốn liếng của Thượng Đế ban cho họ mà họ đã vô tình bỏ quên, nhờ ở sự khêu gợi khoát vẹt của người đã giác ngộ trước như hiền sĩ chẳng hạn. Chừng đó tất cả đều được thỏa mãn nguyện vọng riêng mình mà vui với lý thiên nhiên của trời đất.
(…) Bần Đạo nhớ lại thuở xưa người con chí hiếu thờ mẹ, khi đi làm quá giờ cũng bươn bả trở về kẻo trời tối mẹ trông. Khi lỡ phải trễ giờ về dâng cơm cúng mẹ, bỗng nhiên xúc động tâm tư như bị lời khiển trách của mẹ hiện lên bức chơn dung. Trong khi đó, người con cảm thấy đau xót nhưng cũng thử dùng kim châm vào nơi bàn tay của bức tượng. Khi rút kim ra, có một vết máu đỏ thắm ở đầu kim. Đó là thần giao cảm cách chiếu tâm linh. Rất đỗi chân dung còn rỉ máu vì lòng tha thiết tin tưởng sự tử như sự sanh, sự vong như sự tồn.
(…)
Chỉ có đạo mới đáp ứng nguyện vọng của người hiếu tử mà thôi. Cũng như chỉ có hiếu tử mới được đắc kỳ sở vọng ở cửa đạo vậy. Bằng không, Thần Thánh ở có nơi, phàm phu ở có chỗ, tâm linh không cảm thì Thiêng Liêng không ứng, đó là lẽ thật vậy. Thế nên đừng bao giờ tìm đạo ở trên cơ bút, mà phải tìm đạo ở chính mình trước. Mình có đạo mới nhận được cái lý siêu nhiên huyền diệu ở cơ bút.
(…) THI
Thương kẻ tu hành quá đạo tâm,
Hiến dâng không ngại nỗi thăng trầm,
Chứng minh Bồ Tát ban ân huệ,
Cho được khai thông khỏi lạc lầm.
Sau đây, Bần Đạo khuyên chư hiền sĩ hiền muội hiện diện nơi đây:
BÀI
Chứng lòng thành kỉnh hôm nay,
Nương huyền linh điển tả vài câu thơ.
Khuyên người trần thế từ giờ,
Noi theo chánh đạo qua bờ bến mê.
Đạo là chơn lý trọn bề,
Ở nơi tâm cảnh nào hề có xa.
Tâm không tham vọng mị tà,
Cảnh dầu diễn tiến vẫn hòa cùng tâm.
Tâm là thiện ác khởi mầm,
Cũng là chủ tể vững cầm hồn linh.
Tu tâm trước phải vẹn gìn,
Đừng cho dục vọng nảy sinh nơi lòng.
Để tâm an định sạch trong,
Mới tường lẽ thiệt tương đồng Thiên nhơn.
Hỡi người muốn học lý chơn,
Trước rèn tâm nội như sơn vững vàng.
Dầu cho ngoại cảnh huy hoàng,
Mà tâm vẫn giữ minh quang chói ngời.
Dầu cho tâm ở cõi đời,
Tâm đừng lầm lạc khỏi nơi nghiệp trần.
Dầu cho vào bến mê tân,
Tâm hay giác ngộ quày chân xuống thuyền.
Thuyền từ rước khách hữu duyên,
Sang sông lánh tục tầm Tiên an nhàn.
Khuyên trong nam nữ đạo tràng,
Tu là lẽ thiệt sửa đoan chính mình.
Tu là khoát bức vô minh,
Tu không lạc lối vọng tình ước mơ.
Tâm minh sẽ lộ huyền cơ,
Người hay giác ngộ Thiên thơ ban truyền.
Từ bi, bác ái, cần chuyên,
Hợp quần xây dựng mối giềng Đạo Cao.
Độ đời trong lúc thương đau,
Đó là ngõ để đi vào Thiên Môn.
(…)
Bần Đạo cũng ban ơn cho tất cả chư hiền sĩ hiền muội những lời đạo lý nơi trên để chư hiền sĩ hiền muội tự giác rồi giác tha. Được vậy sẽ thọ nhận hồng ân Thiêng Liêng ban bố.
Nơi đây Bần Đạo cũng dạy phái đoàn hành đạo liên giao, hãy ráng hoàn thành sứ mạng, dầu gặp một vài việc không thích hợp trong công cuộc liên giao, nhưng hãy tin tưởng rằng đời không chi khó. Cái khó của đời nếu không học thì không khôn. Phải biết trước như vậy để chia vui sớt khổ với thiên hạ mới được. Chư hiền muội an lòng lên đường, Bần Đạo sẽ hộ trì cho.
(…)
THI
Chứng lòng nam nữ chí tâm thành,
Dạy dỗ đôi lời chỉ mối manh,
Ráng vượt qua đường mê bến khổ,
Có thuyền Bát Nhã rước người lành.
(…)
Bần Đạo ban ơn lành cho chư hiền sĩ hiền muội. Bần Đạo sẽ hộ trì bất cứ ai biết phát tâm hành chánh đạo. Thăng.





Học tập Thánh giáo – Tháng 7 năm Đinh Dậu 2017
Minh Lý Thánh Hội, 06-10 Nhâm Tý (11-11-1972)
________________________________________________

VẠN HẠNH THIỀN SƯ. Bần Tăng chào mừng chư Thiên ân hướng đạo, chư đạo hữu lưỡng phái.
THI
Đến chốn trần gian một kiếp người,
Điểm linh mỗi mỗi thọ ân Trời,
Đều mang sứ mạng vào dương thế,
Tròn vẹn quả công sẽ phản hồi.
Chư đạo hữu! Vừa hội kiến với Hưng Đạo Đại Vương, Bần Tăng trở lại đây đúng lúc kẻo chư đạo hữu mong đợi. Vậy Bần Tăng xin mời chư đạo hữu đồng tọa thiền.
Chư đạo hữu! Buổi hạ nguơn mạt kiếp đang diễn, mọi oan khiên nghiệp chướng đang vay trả trả vay. Chư Phật Tiên xuống thế dùng mọi hình thức phương tiện để độ rỗi dẫn dắt người tu và dùng phép nhiệm mầu để cứu người lương thiện. Quỷ ma ác thú cũng đang giựt giành xâu xé những hàng hung ác không biết luật thưởng phạt của Hóa Công, ác khí đang bủa tràn để thanh lọc luồng thanh cùng điển trược. Ai trì chí bền tâm tu dưỡng thì được sự mặc trợ dắt dìu, ai thối chí ngã lòng ắt bị muôn điều khảo đảo. Biết trường chay tịnh luyện thì thân thể mới mong tráng kiện hanh thông, nhược bằng tửu nhục đam mê ắt khó thoát vòng trược khí.
Người tu học phải tìm hiểu lẽ thua và sự thắng trong kiếp người.
Nói đến đây, trong chư đạo hữu không khỏi có người phân vân rằng đã tu hành thì phá chấp, sao lại còn đề cập đến sự thắng điều thua.
Thật vậy, trong tấm thân tứ đại mỗi người hằng ngày đã diễn ra không biết bao nhiêu lần thắng và thua, nhưng có mấy ai để ý, đến chừng nào sự kiện tồi tệ nhục nhã rồi mới hay rằng mình đã thua, còn quanh mình lúc nào cũng vẫn cho rằng mình thắng.
Chư đạo hữu thử nghĩ kỹ mà xem: một người tướng có thể cầm binh thắng năm mười trận, nhưng họ vẫn thua khi trở về gia đình bị lụy vì tình làm khổ vợ khổ con.
Một nhà ngoại giao có thể thắng nhiều nước cờ trên trường quốc tế, nhưng khi không dằn cơn nóng giận, họ sẽ thua một đứa nhỏ đánh giày.
Một quan tể tướng trong triều đình, họ có thể thắng hằng ngày trên trường quốc sự, nhưng nếu họ vô độ lượng trong lúc vui say tửu nhục, họ cũng phải thua nửa lít nước trong.
Trong giới tu hành cũng thế. Một người giáo sĩ truyền đạo, có thể hùng biện diễn thuyết thắng thế trước muôn người, nhưng họ đành phải thua một phút nổi sân buông lời khiếm nhã.
Một người chức sắc hoặc một đạo hữu có thể thắng trên mọi lãnh vực trường đời, nhưng họ không thắng nổi được nội tâm mỗi khi tham dục loạn động, đó là thua. Thế nên:



THI
Trên đời lẽ thắng với điều thua,
Không phải dụng tiền để bán mua,
Rèn luyện tâm linh cùng trí huệ,
Người tu phải thắng chớ đừng thua.
Chư đạo hữu! Tạo Hóa đã sanh muôn loài vạn vật tại thế gian này, mỗi mỗi đều có sứ mạng, có trách vụ hoặc có công ích của nó, chớ không vật nào là vô ích cả. Khi cho rằng vô ích là tại người không biết cái dụng của nó mà thôi. Nếu khi biết sử dụng được cái dụng của nó thì vật nào hoặc điều gì cũng đều có ích cả.
Thí dụ như khi ta gặp một người hiền nhân quân tử đạo đức chơn tu, có thể bắt chước học đòi theo tấm gương sáng ấy, đó là đành rồi. Nhưng khi gặp một người có hành vi xấu xa tội lỗi, cũng có thể lấy tấm gương ấy mà tránh mà xa, không dám làm điều không tốt. Vậy hai trường hợp vừa nêu cũng đều có tác dụng hữu ích cho người tu học.
Trong mỗi người đều có hai trạng thái tâm hồn, một là tốt, hai là xấu. Hoặc nói khác hơn, một là thiện, hai là ác. Hoặc nói một cách khác nữa, đó là phàm tâm và đạo tâm. Hễ khi phàm tâm hưng thịnh, làm chủ con người thì đạo tâm bị che án khuất lấp lu mờ, để cho thất tình lục dục tham sân si tha hồ mà ngự trị loạn động khiến sai. Chỉ khi nào đạo tâm hưng thịnh ngự trị làm chủ con người thì phàm tâm mới diệt được. Khi phàm tâm diệt, đạo tâm sanh, thì con người ấy mới có thể gọi là hiền lương quân tử, đạo đức chơn tu.
Thương thay! Trong con người thường có quan tòa hay biện hộ thiên về phía phàm tâm hơn. Trong trường hợp đó, khiến con người bị xa chánh đạo, gây điều tội lỗi. Thế nên Thiêng Liêng các Đấng thường dạy rằng: ma, phật cũng đều do mình mà ra, con ma ma dắt, con phật phật rước là thế đó.
Bần Tăng khi còn tại thế, sự tu học không phải dễ dàng như chư đạo hữu ngày hôm nay. Lúc bấy giờ tìm một vị minh sư như mò châu đáy biển, chớ đừng nói chi đến việc có chư Phật Tiên xuống trần dạy khuyên dẫn dắt. Vì thế, chi nên mỗi lần giác ngộ là đã trải qua mấy lần lầm lỗi.
Bần Tăng cảm thương quý mến chư đạo hữu lắm, nên không ngại tự chỉ trích phê phán và thú nhận những gì của mình lầm lỡ trước kia. Chung quy là tại nơi phàm tâm và đạo tâm thế thôi. Khi phàm tâm hưng thịnh, có thể khôn khéo qua mắt lấn lướt được thế nhân nên gọi là thắng, nhưng nó đã bị thua ngay từ lúc ấy, vì đạo tâm bị che lấp lu mờ.
Chư đạo hữu ôi! Trời sinh ra muôn vật, chỉ có người là vật tối linh, người biết phải trái, hiểu việc thiện ác, phân biệt điều tốt xấu, quý trọng điều nghĩa nhân liêm sỉ, linh hơn và đứng hàng đầu muôn vật là ở chỗ đó. Nếu không được như thế thì cũng chẳng khác chi, vì có chi hơn mà gọi rằng quý.
Phàm nhân với Thánh nhân cũng như thế. Tất cả con người là phàm nhân, khi đã thắng được phàm tâm, phát triển được đạo tâm, làm đúng trách vụ tối linh của mình, đó là Thánh nhân, rồi bước qua hàng Tiên Phật không mấy khó. Trái lại, nếu đạo tâm diệt, phàm tâm sanh, thì muôn đời ngàn kiếp phàm vẫn là phàm, chưa kể đến luật thoái hóa.
Bần Tăng nói trở lại hiện tình Minh Lý Thánh Hội. Chư đạo hữu ôi! Chư đạo hữu có đại căn nên sớm giác ngộ vào cửa đạo, gần gũi chư Phật chư Tiên. Chư đạo hữu phát thiện tâm, đã cố gắng học hỏi điều hay lẽ chánh qua nguồn giáo lý, cũng đã khép lần một phần đời tư thụ hưởng của mình để theo chân Tiên Phật. Đó cũng chưa phải gọi rằng đủ. Vì khi học hiểu, biết được giáo lý rất hay, đạo lý rất uyên thâm, nhưng khi chưa thực hành trọn vẹn cái hay và cái uyên thâm ấy, chẳng khác nào người khách bước chân vào tiệm bánh, hơi bay ngào ngạt từ các loại bánh béo ngọt thơm tho, màu sắc hấp dẫn tốt tươi từ các loại bánh đang trưng bày nơi các tủ. Nếu người khách ấy không mua lấy ăn thật sự, chỉ đứng nhìn, buông lời khen thầm nức nở, chẳng thiếu ngôn từ, như thế làm sao giải quyết cõi lòng đang quặn đói. Cái chứng bịnh thông thường mà người đời hay mắc phải (trong đó có Bần Tăng khi xưa). Sự học đạo tu thân có lúc cũng tùy cảm hứng, tùy thời giờ rỗi rãi nhàn hạ, tùy việc dễ dãi, tùy lúc có liên hệ đến danh quyền lợi riêng tư để góp phần đắc lực cùng không, chớ ít thấy mấy ai xem việc học đạo tu thân là nguồn sống căn bản của đời mình, ví như nhà ở, cơm ăn, nước uống, như áo mặc và khí trời để thở. Vì vậy, giáo lý cao siêu, đạo pháp uyên thâm đã hiểu rằng hay rằng quý, nhưng có mấy ai dám dành nhiều thì giờ để thực hành cụ thể cái cao siêu, cái uyên thâm ấy.
Thế nên, sự giác ngộ, sự tu chứng, sự đắc đạo chưa có mấy người để làm gương sáng cho thế nhân. Vì thế, đạo đã mở ba thời kỳ, gọi là để cứu đời, giải thoát giải khổ cho đời, nhưng mấy ngàn năm rồi mà đời đã khổ vẫn còn vương mang cái khổ, không lạ gì!
Ở thế gian, trời sanh muôn hình vạn trạng, tuy khác lãnh vực nhưng mỗi mỗi đều có trách vụ liên đới với nhau như những mắt dây xích. Mỗi lãnh vực đều làm đúng bổn phận trách vụ của mình thì đời thụ hưởng biết bao.
Thí dụ như Minh Lý Thánh Hội là một kho tàng kinh điển đạo pháp cao siêu, nhưng đó không phải Thượng Đế đặc ân cho một số người thuộc Minh Lý học hỏi tu tập. Hiểu được như thế, thì vai trò của các cấp chức sắc chức việc Minh Lý là truyền bá giáo lý đạo pháp, làm thế nào cho sáng tỏ cái lý đạo cao thâm để độ đời tìm cơ siêu thoát.
Bần Tăng thấy giờ quĩ đạo đã đưa đến cơ duyên cho hai Cơ Quan ráp nối nhau để làm cái thiên chức ấy. Đó là Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý và Minh Lý Thánh Hội. Một lo về phần ngoại giáo công truyền, truyền bá giáo lý. Một lo về đạo pháp bí giải đạo học cao siêu, đạo pháp tâm truyền. Hai phần vụ ấy, tuy hai mà một, tuy một mà hai.
Một mà hai có nghĩa rằng đạo một gốc chia hai phần hành, như hai cái tược âm dương của cái ngòi tượng trong hột đạo mọc lên. Hai mà một có nghĩa rằng hai việc làm ấy hỗ tương cho nhau để nhân sinh trở về gốc đạo là chân lý tuyệt đối của đạo pháp. Nếu đạo pháp không được giáo lý công truyền, làm sao biết cái hay cái quý của đạo pháp để nhân sinh đồng thọ giáo tu học. Còn nếu công truyền ngoại giáo tuy có công truyền bá, nhưng thiếu đạo pháp căn bản thì truyền bá cái chi. Vì thế nên Bần Tăng mới tạm gọi tuy một mà hai, và tuy hai mà một.
Bần Tăng cảm ơn chư đạo hữu đã tịnh tâm hộ trì Bần Tăng suốt khoảng thời gian hành sự. Hẹn ngày tái ngộ, xin tạm giã từ. Thăng.



Học tập Thánh giáo – Tháng 8 năm Đinh Dậu 2017
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-8 Tân Dậu (11-9-1981)

DIÊU TRÌ KIM MẪU VÔ CỰC TỪ TÔN. Mẹ mừng các con nam nữ.
Đêm nay, Mẹ đến trần gian để dạy dỗ các con, và đêm mai, khi trăng vừa tròn, Mẹ sẽ cùng chư Phật Tiên đến dự Yến Bàn đào và ban ơn lành cho tất cả con cái của Mẹ trên khắp thế gian. Vậy những lời Mẹ dạy hôm nay các con để học tập trong nội bộ, và các con sẽ đem lời Mẹ dạy năm xưa mà đọc trong buổi lễ ngày mai.
Hỡi các con!
Gió thu lay động mành thiên,
Gợi lòng Từ Mẫu nhớ miền trần gian.
1.Nhớ con cái trên đàng tiến hóa,
Nhớ đến điều siêu đọa mà đau,
Biển trần muôn lượn sóng xao,
Thuyền tâm lạc bến khó vào khởi nguyên.
2.Mấy mươi năm lý huyền dạy dỗ,
Sống một đời bao độ an nguy,
Trái oan nghiệp lực trì trì,
Tu tâm học đạo, đoạn ly nghiệp trần.
3.Học Thiên đạo con lần bước tiến,
Pháp đại thừa phương tiện tu công,
Tâm con chuyên nhứt tinh ròng,
Đạo Trời trùm khắp cộng thông nhiệm mầu.
4.Biết được nỗi cơ cầu thế sự,
Hiểu thông rồi quá khứ tương lai,
Luyện tu tâm đức lẫn tài,
Trau dồi hiện tại ngày ngày cho tinh.
5.Việc quá khứ hằng in tâm thức,
Dầu dở hay hư thực mặc tình,
Mất còn, thua được, nhục vinh,
Tấn tuồng huyễn hóa trọng khinh âu đành.
6.Mấy mươi năm thân sanh cằn cỗi,
Chân đã chùn đầu đội tuyết sương,
Đó là luật tắc vô thường,
Để cho con hiểu ấy đường quả nhân.
7.Con hiểu được chọn chân bỏ giả,
Diệt thức tình lòng dạ sạch trong,
Vị lai nếu có nơi lòng,
Ước mơ thành quả cũng vòng nghiệp thôi.
8.Nghiệp lành dữ rốt rồi là nghiệp,
Sắt hay vàng đều xích xiềng thân,
Sao bằng tâm chí lâng lâng,
Nhổ mầm tình thức, đoạn nhân tục phàm.
9.Rồi hiện tại con làm công quả,
Học công phu tạo cả công trình,
Hành nan thuyết dị chớ khinh,
Trọng tâm phản tỉnh xét mình nghe con.
10.Xét tư tưởng đừng còn sai quấy,
Xét việc làm vô kỷ vô công,
Xét lời hòa duyệt dung thông,
Trong ba phạm một, tam công hỏng rồi.
11.Đại thừa pháp con ôi giản dị,
Do âm dương thần khí vận hành,
Trong cơ động tịnh khinh thanh,
Lắng lòng tư dục đạo lành hoằng dương.
12.Tâm đạo giữ lập trường Thiên đạo,
Thiên đạo là toàn hảo toàn chơn,
Bao la trùm khắp vô ngần,
Háo sanh đức cả tình thương vạn loài.
13.Trời với con tuy hai mà một,
Một do con hiểu tột ý Trời,
Trời thì bao quát con ơi,
Dữ lành, tốt xấu, ta người đều không.
14.Không chấp có cho lòng rộng mở,
Không biệt phân ý tợ biển sâu,
Tình thương trải khắp đâu đâu,
Vị tha vong kỷ mới hầu thi công.
15.Biển nước hòa muôn sông muôn rạch,
Dầu ao hồ dơ sạch luân lưu,
Đời bao khôn dại trí ngu,
Đã là tận độ chớ câu dữ lành.
16.Mẹ dạy con chí thành ghi nhớ,
Trước và sau nhắc nhở học hành,
Bàn đào Hội yến đêm thanh,
Mẹ cùng Tiên Phật ân lành bố ban.
17.Cho các con hòa chan lý Đạo,
Cho lòng con hoàn hảo thiên lương,
Cùng nhau chung sống tình thương,
Xinh như hoa đẹp, ngọt dường đào tiên.

18.Đào tiên kết thụ khí tiên thiên,
Trải chín ngàn năm mới đủ duyên,
Hương vị thấm vào thân bất lão,
Nhẹ nhàng thanh thoát hội quần tiên.
Yến Bàn đào năm nay các con hiến dâng với tất cả lòng thành của các con lớn nhỏ. Mẹ rất mừng thấy các con vẫn kiên trì tu học hành đạo.
Con ôi! Đời càng ly loạn, nhân tâm càng đảo điên thì các con càng phải ráng tu. Có tu mới đủ thần lực, đủ sáng suốt dìu dắt thế nhân trên đường ngay nẻo thẳng, sống đời đạo đức an lành. Lời này Mẹ đã từng dạy các con rất nhiều, đến ngày nay chỉ còn đem ra thực hành để thấy kết quả trong cuộc đời tu học hành đạo của các con. Thế nên mỗi một lời dạy là một đề thi. Đứa con nào đã thuần thành vô ngã vô nhơn mới thực hành đúng Thiên cơ Thánh ý và sẽ được trúng tuyển trên bước đại thừa. Các con cố gắng.
Lớp Tâm hạnh đại thừa sẽ giúp các con được nội tâm tu tiến để các con bớt khảo đảo lẫn nhau. Mẹ mừng cho các con. Nếu các con còn khảo đảo lẫn nhau là chưa giác ngộ.
Mẹ cũng dạy các con đã vào khóa tu học nội đơn phải quyết tâm và trọn lòng thanh tịnh mới được khải phát tuệ năng và lãnh lời mật quyết. Các con nên cố gắng để khóa tu học được có kết quả. Mẹ ban ơn cho các con.
Mẹ ban ơn tất cả các con. Các con hãy cố gắng hoàn thành ngày Hội yến được tốt đẹp. Mẹ hồi cung. Thăng.
Thánh giáo

Tâm con vốn bửu tòa Thầy ngự,
Hãy giúp người gìn giữ Thiên cơ,
Hoằng khai Đại Đạo Tam Kỳ,
Công bình, bác ái, từ bi đứng đầu.

Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, CQPTGL, Rằm tháng 10 Quý Sửu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây