Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Lúc dương khí manh nha từ cuối Đông thì người nhạy cảm với tiết trời đã thấy mang máng một ...
-
Tam giáo qui nguyên, như nước ba sông lớn đổ về biển cả, không thể biết nước nào thuộc về ...
-
Có một lần, tôi cùng một người bạn đạo về dự lễ Trung Thu Hội Yến Diêu Trì tại Tòa ...
-
Dòng sông uốn khúc qua bao thác ghềnh, đón nhận mọi nguồn nước đục trong, nhưng không bao giờ dừng ...
-
PHÁP MÔN /
TÂM THƯ CỦA ĐẠO TRƯỞNG PHỐI SƯ THƯỢNG HẬU THANH
-
Con đường phản Bổn hoàn Nguyên là con đường hướng nội quy tâm để tìm lại con người chính danh ...
-
Theo Thánh Dụ Quy Điều của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, Đức Lý Giáo Tông là vị ...
-
Thời kỳ Tam Quốc (Hoa phồn thể: 三國, Hoa giản thể: 三国, Pinyin: Sānguó) là một thời kỳ trong lịch ...
-
Nhân lễ Kỷ niệm Khánh đản Đức Thái Thượng Đạo Tổ vào ngày Rằm tháng 2 năm Đinh Dậu, một ...
-
"Sự tu hành cam go khổ hạnh (…) trọn kiếp này, ví như con đường quanh co hiểm trở, (…) ...
-
Trong Tờ khai Đạo ghi ngày 07-10-1926 (nguyên văn bằng tiếng Pháp), được tiền bối Lê Văn Trung gửi cho ...
-
“Ta có một thang trị về trí ( tánh hiểu biết), một thang trị về hành (làm theo tánh hiểu ...
Võ Minh TRung
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 28/04/2015
BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU VĂN HỌC THÔNG CÔNG CỦA ĐẠO CAO ĐÀI (QUA VIỆC KHẢO SÁT CỨ LIỆU “THÁNH GIÁO SƯU TẬP”)
(QUA VIỆC KHẢO SÁT CỨ LIỆU “THÁNH GIÁO SƯU TẬP”)
VÕ MINH TRUNG
(Tập đoàn Giáo sĩ, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo)
NGUYỄN PHƯỚC BẢO KHÔI
(ThS. Giảng viên ĐHSP Tp.HCM)
1. Khái quát về đạo Cao Đài và thơ văn giáng bút của đạo Cao Đài
1.1 Đôi nét về đạo Cao Đài (1)
Đạo Cao Đài (tên gọi tắt của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ) được khai minh trên mảnh đất Việt Nam vào những năm 20 của thế kỷ trước. Theo đức tin của đạo hữu, tôn giáo này do Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế (hay còn gọi là Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát) mở ra tại Việt Nam vào đầu thế kỷ XX qua huyền diệu cơ bút thông linh mà thâu nhận, truyền dạy các đệ tử mà về sau là những tiền khai xây dựng nên.
Ngày 07.10.1926, Đạo Cao Đài được chính phủ lúc bấy giờ biết đến qua tờ Khai Tịch đạo do các vị tiền khai gửi đến. Đạo Cao Đài được chính thức biết đến trong đại chúng là vào Rằm tháng Mười năm Bính Dần (18.11.1926) với sự kiện Khai Minh Đại Đạo. Theo đó, tôn giáo Cao Đài là một tôn giáo chính thức và chính danh vì có đầy đủ giáo tượng (Thiên nhãn, Tam giáo Ngũ chi), giáo pháp (kinh điển, thánh giáo,...), giáo luật (Pháp Chánh Truyền, Tân Luật), giáo phẩm (các cấp chức sắc, chức việc) và có tôn chỉ - mục đích rõ ràng, với Hội Thánh đầu tiên có trụ sở là Tòa Thánh Tây Ninh ở tỉnh Tây Ninh.
Tổ chức Hội Thánh của Cao Đài giáo bao gồm hai cõi Sắc và Không với Tam đài - hữu hình (Cửu Trùng đài và Hiệp Thiên đài) và vô vi (Bát Quái đài) - hợp nhứt điều khiển. Trong đó Cửu Trùng đài là cơ quan tiếp xúc trực tiếp với nhân sinh còn Hiệp Thiên Đài là gạch nối liền hai đài kia.
Đạo Cao Đài ra đời với tôn chỉ “Tam Giáo qui nguyên, ngũ chi phục nhất” để hoàn thành sứ mạng đặc biệt trong Tam Kỳ Phổ Độ : phục hưng chân truyền, tổng hợp giáo lý Đại Đạo, làm đường lối căn bản cho nhân sanh tu hành hầu tiến hóa và giải thoát. Trong đó, Tam giáo gồm Nho, Thích, Lão và Ngũ chi gồm Phật đạo, Tiên đạo, Thánh đạo, Thần đạo, Nhân đạo.
Mục đích Đại Đạo nhằm giải quyết toàn diện vấn đề nhân sinh và tâm linh cho con người qua tiêu đề “Thế đạo đại đồng, Thiên đạo giải thoát”. Tín đồ đạo Cao Đài tu tập với quan niệm: Khoa học sẽ giúp con người đạt địa, đạo lí sẽ giúp con người thông thiên; với hai điều đó, thế gian không còn là sông mê, là bể khổ.
Vì là tôn giáo nên cũng không là ngoại lệ, Cao Đài giáo cũng có mối quan hệ hữu cơ với văn học nghệ thuật. Đồng thời, là tôn giáo nội sinh nên Cao Đài giáo kế thừa và phát huy văn hóa dân tộc. Từ biểu tượng, kiến trúc đền đài như là những tác phẩm hội họa, điêu khắc, đến hệ thống kinh điển được dạy và dùng trong Cao Đài giáo chủ yếu là chữ quốc ngữ Việt -chánh tự trong Tam Kỳ Phổ Độ- qua thể văn xuôi và thơ ca. Nhưng do sinh sau đẻ muộn, Cao Đài giáo cho đến nay vẫn còn ít những công trình nghiên cứu về nó, có chăng là những nghiên cứu trong lĩnh vực tôn giáo học, văn hóa học,... còn về lĩnh vực văn học thì có lẽ chưa có một công trình hệ thống nào.
1.2 Về hiện tượng thơ văn giáng bút trong đạo Cao Đài
Cơ bút trong đạo Cao Đài –huyền diệu Tiên gia- là phương tiện thông công giữa các Đấng Thiêng Liêng trong cõi vô hình và chức sắc, tín đồ trong Hội Thánh tại thế gian. Cơ là một dụng cụ đặt biệt để một hoặc hai đồng tử (song đồng) cầm, nương vào đó mà viết ra thánh ngôn khi tiếp điển thiêng liêng. Bút là loại dụng cụ khác tựa cây viết chữ Nho. Đồng tử dùng cơ gọi là “thủ cơ”, dùng bút gọi là “chấp bút”. Có khi đồng tử vừa thủ cơ, vừa xuất khẩu nói lời nói của thiêng liêng qua linh điển gọi là thánh ngôn. Những lời dạy thông qua phương tiện cơ bút được gọi chung là Thánh giáo.(2)
Một buổi đàn cơ được lập với các thành phần chính như : một pháp đàn để làm phép trấn đàn và trợ điển, một hay hai đồng tử thủ cơ hoặc chấp bút, một độc giả để đọc chữ được viết ra, một vài điển ký để ghi chép lại và một vị chứng đàn cùng những người có phận sự.
Cách thức lập đàn cơ như sau : đàn cơ lập tại Bửu điện thờ Đức Chí Tôn. Lễ phẩm được sắp đặt trang nghiêm gồm: hoa tươi, quả tử, trà, rượu, nhang, đèn, lư trầm xông hương để khử ô uế. Sau khi nhập đàn, chức sắc Hiệp Thiên Đài thực hiện nghi lễ trước Thiên bàn. Vị chức sắc cao cấp Hiệp Thiên Đài trấn thần đàn cơ để ngăn ngừa các luồng tà điển xâm nhập, hai đồng tử cầm Ngọc cơ ngồi đối diện nhau trước Thiên bàn (trường hợp có một đồng tử sẽ ngồi đối diện Thiên bàn), độc giả quỳ hoặc đứng cạnh đồng tử để đọc chữ do đồng tử viết trên mặt bàn (trường hợp đồng tử xuất khẩu thì không cần độc giả), điển ký ghi lại nội dung buổi cầu cơ. Buổi đàn cơ phải thanh tịnh, thành kính, nghi lễ đầy đủ. Trước tiên, đồng nhi hoặc chư vị hầu đàn đọc một trong hai bài Kinh Cầu Tiên như sau :
Bài cầu Tiên (1)
Trời còn sông biển đều còn,
Khắp xem cõi dưới núi non đượm nhuần.
Thanh minh trong tiết vườn Xuân,
Phụng chầu hạc múa gà rừng gáy reo.
Đường đi trên núi dưới đèo,
Lặng tìm cao thấp ải trèo chông gai.
Phận làm con thảo há nài,
Biết phương Tiên Phật Bồng Lai mà tìm.
Xem qua xét lại cổ kim,
Một bầu Trời Đất thanh liêm chín mười.
Vàng trau ngọc chuốt càng tươi,
Bền lòng theo Phật cho người xét suy.
Thần Tiên vốn chẳng xa chi,
Có lòng chiêm ngưỡng tức thì giáng linh.
Bài cầu Tiên (2)
Kìa là chốn bồng lai thanh tịnh,
Cảnh thiên nhiên ca vịnh phú thi,
Định thần hồn xuất vân phi,
Vững lòng đừng tưởng lo chi cuộc trần.
Vậy mới gọi chơn thần xuất hết,
Vậy mới rằng hồn biết nghe lời,
Thành tâm tiếp điển cõi trời,
Vâng theo câu kệ khuyến đời thành tâm.
Hương tốc đốt khói trầm thanh khiết,
Cho hồn linh thẳng riết cung Tiên,
Nghe kêu khá trở về liền,
Cõi trần chưa mãn dạ thiền lo tu.
Họa Tam Thiên linh phù tiếp điển,
Xin Tiên đồng mau chuyển thần cơ,
Đêm thanh rành rạnh như tờ,
Khâm thừa ngọc sắc kịp giờ lai cơ.
Khi có đấng thiêng liêng giáng đàn, cơ chuyển động quay nhịp nhàng trên không trung, các vị hầu đàn đọc bài Mừng Tiên (hay còn được gọi với tên khác là “Mừng thay”).
Bài mừng Tiên
Mừng thay chi xiết nỗi mừng,
Hào quang chiếu diệu ngàn từng không trung.
Hạc reo bay khắp dạo cùng,
Càn khôn thế giới cũng chung một bầu.
Môn sanh thành kỉnh chực hầu,
Tửu trà hoa quả mừng cầu Tiên Ông.
Nhang thơm tốc đốt nực nồng,
Đèn lòa ngọn lửa tợ rồng phun châu.
Kết thúc buổi đàn cơ, các vị hầu đàn vái lạy tạ ơn các đấng giáng đàn ban pháp. Trước khi bãi đàn, điển ký đọc lại thánh giáo cho quí vị hầu đàn cùng nghe lại. Những lời dạy qua các đàn cơ đều sử dụng văn xuôi xen kẽ văn vần được gọi là thi văn dạy đạo (thánh ngôn, thánh thi) (3)
2. Bước đầu tìm hiểu đặc điểm văn học thông công Cao Đài giáo từ cứ liệu “Thánh giáo sưu tập” (TGST)
2.1 Giới thiệu
TGST là bộ sách tuyển tập các bài thánh giáo (thơ văn giáng bút) của đạo Cao Đài từ năm 1965 đến 1974 do Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo (CQPTGL) thực hiện. Ra đời từ năm Ất Tỵ (1965), Cơ quan này có chức năng nghiên cứu giáo lí, sưu tập kinh điển đạo Cao Đài và các tôn giáo khác để phổ biến chánh pháp chơn truyền theo tôn chỉ vạn giáo nhất lí. Trước năm 1975, CQPTGL đã xuất bản nhiều quyển TGST, trích lục và tập hợp lời giảng của các đấng thiêng liêng ban trao qua phương tiện cơ bút. Qua nhiều năm, các quyển đã ấn tống khi trước đều được phổ biến rộng khắp trong đạo. Để đáp ứng nhu cầu tu học của đông đảo tín đồ hiện nay, CQPTGL quyết định ấn tống lại bộ sách này. Những người biên soạn đã chọn trong từng bài thánh giáo một câu văn, câu thơ, hay một ý chủ đạo của các đấng thiêng liêng để mượn đó tạm làm nhan đề cho mỗi bài. Đồng thời khi trích lục thánh giáo, họ đã lược bớt những đoạn mang tính chất bí truyền cho một số chức sắc quan trọng. Các chỗ lược bớt đó được đánh dấu ký hiệu (...).
Bộ sách TGST xuất bản trải dài từ năm 2010 đến 2013 bao gồm sáu quyển sau:
• TGST NĂM ẤT TỴ (1965)
• TGST NĂM BÍNH NGỌ - ĐINH MÙI (1966 – 1967)
• TGST NĂM MẬU THÂN – KỶ DẬU (1968 – 1969)
• TGST NĂM CANH TUẤT – TÂN HỢI (1970 – 1971)
• TGST NĂM NHÂM TÝ – QUÝ SỬU (1972 – 1973)
• TGST NĂM GIÁP DẦN (1974)
Mỗi quyển TGST thường bao gồm ba nội dung chủ yếu (theo Lời giới thiệu ở đầu mỗi tập) :
• Một là những đàn xuân, qua đó các đấng thiêng liêng dạy con người vừa biết vui hưởng xuân cảnh, xuân đời trong trời đất thiên nhiên, vừa biết trưởng dưỡng xuân tâm, xuân đạo trong cuộc sống nhân sinh và tâm linh dung hợp.
• Hai là những thánh giáo xiển dương truyền thống đạo đức dân tộc, lòng yêu nước thương nòi, tư tưởng Tam Giáo đồng nguyên, vạn giáo nhất lý và đặc biệt là những thánh giáo phô diễn sâu sắc các phạm trù triết giáo Cao Đài...
• Ba là những thánh giáo trang bị cho các hàng chí nguyện đủ đầy ý thức sứ mạng quy nguyên phục nhất để cùng ra góp phần xây dựng thế giới đại đồng cho nhân loại
2.2 Về hình thức thể hiện; điều đầu tiên cần đề cập đến đó là sự phong phú về thể loại của thơ văn giáng bút trong TGST, chi tiết như sau :
THỂ LOẠI | SỐ LẦN XUẤT HIỆN |
Lục bát |
34 |
Song thất lục bát | 105 |
Ngâm | 40 |
Động đình ngâm khúc |
1 |
Xướng họa thi | 1 |
Văn ca trù | 1 |
Trường thiên |
27 |
Phú | 12 |
Kệ |
8 |
Thi ca liên hành – Diễn ca | 4 |
Trường dạ chức y – Hồi thủ điệp khúc |
1 |
Cửu khúc liên hoàn |
1 |
Gián vận liên khúc |
1 |
Tản văn và Tứ tuyệt/ Bát cú Luôn có trong mỗi bài
Thứ đến, chúng tôi nhận thấy cấu trúc dạng hoàn chỉnh của một phần thơ giáng bút trong đạo Cao Đài thường có hai nội dung :
BÁO ĐÀN
Xưng danh của người đệ tử hầu cận Đấng giáng trần (thường bằng thơ)
Lời chào (văn xuôi)
TIẾP ĐIỂN
Xưng danh của Đấng giáng trần ban Thánh giáo (thường bằng thơ)
Lời chào (văn xuôi)
Lời dạy (bằng văn xuôi và trùng tụng bằng thơ)
Lời chào từ biệt – Thăng
Trong đó, phần được chúng tôi quan tâm kĩ là Lời dạy, nhưng điều đặc biệt cần lưu ý là phần Xưng danh khá độc đáo với hiện tượng các Đấng thiêng liêng và người hầu cận thường báo tên của mình với chức sắc, tín đồ thông qua việc ghép chữ từ trong bài thơ (chiết tự). Chúng tôi đã khảo sát được có đến 132 trường hợp như vậy trên tổng số 273 bài của sáu tập TGST.
Chẳng hạn khi Đức Chí Tôn giáng bút, ngài sẽ báo danh bằng thơ như sau :
“Tâm sẵn NGỌC Minh há kiếm ngoài,
Chuyển luân HOÀNG đạo hiện Cao Đài;
Chơn truyền THƯỢNG hạ ban từ thử,
Sự nghiệp ĐẾ Thiên đã định bày.”
(Bài 2 – 1970)
Hoặc Đức Quan Âm Bồ Tát trong một lần giáng bút đã báo danh :
Thường đến hồng trần độ chúng sanh,
Cư mà chẳng nhiễm chốn hư danh;
Nam san giả khách khuyên người dữ,
Bắc Hải hóa nhơn giúp kẻ lành.
Quan tước ngàn phen tâm chẳng lụy,
Phúc Âm muôn kiếp chí lo hành;
Như không hữu tận vô cùng nguyện,
Lai vãng dìu đời lại cõi thanh.”
(Bài 25 – 1965)
Đôi khi người đệ tử hầu cận và Đấng giáng phàm cùng có những bài thơ để báo hiệu sự xuất hiện của mình, như những trường hợp sau:
Kim Quang Đồng Tử đi liền với Đức Đông Phương Chưởng Quản :
“Kim ngân mã não nhứt thời gian,
Quang tước vinh hoa giả mộng tràng;
Đồng đẳng nhứt tâm qui chánh lộ,
Tử tôn do thử bộ nhiên khoan.
Tiểu Thánh vâng lịnh báo đàn, vậy chư Thiên mạng thành tâm tiếp điển Đức Đông Phương Chưởng Quản, Tiểu Thánh chào, xin xuất ngoại hộ đàn, thăng.
Tiếp điển:
THI
Đông độ thương người chốn biển mê,
Phương chi giác ngộ dẫn đem về;
Chưởng đèn chơn lý soi đường lối,
Bao Quản thăng trầm khen với chê.”
(Bài 31 – 1965)
Thành Hoàng Bổn Cảnh địa phương nơi lập đàn gắn với Đức Tả Quân :
“Thành lòng tầm lối thoát mê tân,
Hoàng vũ điêu linh khắp phú bần;
Bổn mạc nếu không gìn chín chắn,
Cảnh trần lạc nẻo khó yên thân.
Ta chào chư Thiên mạng lưỡng đài, chào chư liệt vị nam nữ. Bổn Thần được lịnh báo đàn, vậy chư vị thành tâm nghinh tiếp Đức Lê Đại Tiên, Bổn Thần xin xuất ngoại ứng hầu.
Tiếp điển:
THI
Lê dân chen chúc cảnh lầm than,
Văn sĩ tài nhân khéo ngỡ ngàng;
Duyệt lại sổ đời trong quá khứ,
Lửa Thiên chưa dịu chí ngang tàng.
Hồng trần lặn hụp vòng tai ách,
Đại Đạo hoằng dương cứu khổ nàn;
Tiên tục phải đâu xa vạn dặm,
Giáng cơ gởi gắm tấc can tràng.”
(Bài 15 – 1965)
Thể Liên Tiên Nữ báo hiệu sự giáng lâm của Đức Diêu Trì Kim Mẫu :
Tập Thể phổ thông mối Đạo Thầy,
Kết Liên Giáo lý của Đông Tây;
Tục Tiên khác bởi thanh cùng trược,
Nam Nữ chắc gì ai dở hay.
Chị mừng các em đàn trung. Các em hãy thành tâm tiếp điển Đức Mẹ, Chị xuất ngoại ứng hầu.
Tiếp điển:
THI
Diêu Trì Kim Mẫu Mẹ lai cơ,
Vô Cực Từ Tôn gọi trẻ khờ;
Hợp sức chống chèo thoàn Đại Đạo,
Hầu đưa khách tục khỏi bơ vơ.”
(Bài 16 – 1965)
Đặc biệt, chúng tôi còn nhận thấy một số trường hợp độc đáo. Chẳng hạn như bài giáng bút số 27 năm 1974 (4), nếu sử dụng cách thức lục chuyển thất trùng bát tiếp khoán thủ, từ mười bốn vế thi bài ở phần lời dạy của các Đấng thiêng liêng ở trên, chúng ta sẽ có được bài thơ lục bát xưng danh của các vị khi cùng giáng đàn dạy đạo.
Việt Nam Thánh Nữ Trưng Vương,
Liên Hoa Thánh Nữ mở đường khai thông;
Vân Hương Thánh Mẫu hội đồng,
Lê Sơn Thánh Mẫu cứu vòng nạn tai.
Quan Âm Nam Hải Như Lai,
Giáng cơ độ thế rộng khai pháp quyền;
Đàn trung ai hỡi thiện duyên,
Lóng nghe bí pháp mật truyền nơi tâm.
Cũng trong năm 1974, khi giáng đàn ban Thánh giáo, Đấng thiêng liêng không xưng danh mà cho bài thơ gồm 23 khổ thất ngôn bát cú cùng với câu lục bát (5) mang ý thách đố khá thú vị để môn đệ trong đàn tìm ra mình là ai :
“Lão đề một bức tâm thơ
Ai người chiết tự nên trò Phật Tiên”
Nếu chúng ta chiết khoán thủ từng câu kết hợp lại thì được 3 khổ thơ thất ngôn và 2 câu cuối như sau:
Lên đường phụng sự quốc dân,
Anh hùng đâu chẳng đem thân giúp đời.
Van xin một tấm lòng người,
Sắc thân huyền nhiệm theo Trời hướng lên.
Duyên xưa cùng Phật Thánh Tiên,
Anh đi đi mãi cõi Thiên … (mịt mờ)
Mịt mờ bến giác sông mê,
Nặng mang nghiệp lực tái tê đường trần.
Đai cân nặng nợ quốc dân,
Tiến trình bảo đảm sắc thân được nào;
Sớm tu thoát chốn trần lao,
Non nhân cảnh trí động đào siêu sanh.
Mấy dòng gởi bạn tài danh,
Bàn thơ chiết tự thì rành Lão ai ?
Trong bài thơ chiết tự bằng tiếng Việt, nét đẹp độc đáo ấy lung linh huyền diệu khi trong thủ pháp chiết tự ẩn thêm một lần chiết tự nữa ta sẽ biết tác giả của bài Thánh thi này là ai.
Lên đường phụng sự quốc dân,
Anh hùng đâu chẳng đem thân giúp đời.
Lên mà chẳng có anh (n) thì là Lê
Van xin một tấm lòng người,
Sắc thân huyền nhiệm theo Trời hướng lên.
Van thêm dấu sắc - huyền hướng lên \ / thì thành là Văn.
Duyên xưa cùng Phật Thánh Tiên,
Anh đi đi mãi cõi Thiên … (mịt mờ)
Mịt mờ bến giác sông mê,
Nặng mang nghiệp lực tái tê đường trần.
Duyên mà anh (n) đi thì còn duyê, mà lại nặng (.) và tê (t) thì thành Duyệt.
Đai cân nặng nợ quốc dân,
Tiến trình bảo đảm sắc thân được nào
Đai mà nặng (.) thì thành Đại.
Tiến mà không sắc (/) thì là Tiên.
Vậy tác giả bài thơ giáng bút này chính là Đức Tả quân - Lê Văn Duyệt Đại Tiên.
Qua bài thơ này, ta rất dễ dàng cảm thụ ý nghĩa bài thơ một cách đơn giản, nhưng nhìn nhận ở một góc độ tu từ học sẽ khám phá thêm được giá trị độc đáo, nét đẹp văn hóa qua thủ pháp chiết tự thơ ẩn trong thơ : trong bài thơ chiết tự lại cho ra một bài thơ, trong bài thơ mới này chiết tự lại cho ra tên tác giả. Ý thức được nét đẹp trí tuệ đáng tự hào và sự cần thiết của việc khai thác giá trị nghệ thuật giàu tính thẩm mỹ này để giáo dục nhận thức cho các thế hệ tiếp nối bảo tồn, cho nên trong Thánh thi Cao Đài thường vận dụng các lối chiết tự để chuyển tải thông tin đến với tín đồ.
2.3 Về nội dung, trên nguyên tắc thơ văn giáng bút trong đạo Cao Đài vẫn được xếp vào dạng kinh điển pháp tạng của một tôn giáo nên phải đặt ra yêu cầu tiên quyết về phương diện phổ biến giáo lí.
Hòa là điều mà thi văn đạo Cao Đài dành nhiều ưu tư. Theo lời của Đức Vân Hương Thánh Mẫu thì : “Hòa là hòa ái, hòa hiệp, hòa đồng, với ai cũng hòa được hết (...) Hòa là cực điểm của tình thương, không hơn không kém, không lệch lạc, không người không ta, không màu da sắc tóc, không tôn phái, chỉ là một cứu cánh chung tối thượng để đem lại sự sinh tồn hạnh phúc an vui cho mọi người sống ở thế gian, không còn cách phân chủng tộc.” (Bài 5 – 1968)
Một trong những điểm đáng chú ý nữa là Cao Đài quan niệm Tu không phải chán đời ẩn dật, tu bắt buộc phải mạnh dạn đi vào đời. Điều này kết hợp với sứ mạng vi nhân cũng là một nội dung mà thi văn Cao Đài hay nhắc đến. Theo quan điểm của đạo Cao Đài thì “sứ mạng cao cả đã được đặt để cho loài thượng đẳng chúng sanh ở cõi đời này là sứ mạng vi nhân, được thay Trời mà xây dựng Thánh đức tại thế gian trong luật tắc hóa sanh sanh hóa, và có đủ quyền năng tự giải thoát để tiến hóa.” (6) Trong thơ văn giáng bút, rất nhiều lần các Đấng thiêng liêng đã nêu bật ý nghĩa này. Chẳng hạn như :
“Đừng ngại bước khó khăn thế lộ,
Đừng xao lòng vì chỗ gian nguy;
Đem thân vào cảnh tu trì,
Vị tha bác ái từ bi điểm đầu.
Độ là độ kẻ sầu người khổ,
Vớt là mong vớt chỗ trầm luân;
Cứu nguy tội lỗi phạt trừng,
Người tu trước phải xem phần đó hơn”
(Bài 12 – 1968)
Mối quan hệ chặt chẽ giữa đời và đạo cũng được nêu ra với tôn chỉ dùng đạo để cứu đời, dùng đạo làm đẹp cho đời : “Hỡi chư hiền ! Đời càng hỗn loạn, đạo càng phải trị. Đời toan tách rời đạo, đạo bắt buộc phải đi vào đời. Đời đã xa đạo, đạo phải tha thiết kêu gọi người đời. Ngọn đuốc Thiêng không bao giờ đốt lên khi trời quang đãng, mà chính phải dùng trong đêm tối âm u. Đấng Chí Tôn không bảo chư hiền phải kính yêu Ngài, mà muốn cho chư hiền phải kính yêu vạn loại. Tinh thần ấy sẽ đem lại điều mà dân tộc đang ước mong, đang hy vọng trong cảnh trần tù chưa lối thoát” (Bài 1 – 1968)
Lời kêu gọi này được chuyển tải thành những vần thơ vừa sục sôi nhiệt huyết vừa tha thiết chân thành có sức lay động và thức tỉnh lòng người rất mạnh mẽ :
“Tinh thần vong kỷ đề cao,
Vị tha là việc giồi trau hằng ngày.
Không chia cách đó đây chi phái,
Chẳng rẽ chia nội ngoại ngã nhơn
(…)
Lấy đạo đắp non sông tổ quốc,
Dùng đức kêu chủng tộc hiệp vầy;
Bớt lòng chia cách đông tây,
Để cho Hồng Lạc khỏi ngày diệt vong”
(Bài 4 – 1968)
Với đạo Cao Đài, sự dung hòa, cộng hưởng giữa các tôn giáo mang ý nghĩa quan trọng. Vì vậy trong thơ văn giáng bút, chúng ta có thể bắt gặp những trường hợp nhân vật của tôn giáo này phát ngôn những yếu điểm giáo lí của tôn giáo khác hoặc có nhiều bài giáng bút mà trong nội dung triết lí của Nho, Phật, Đạo được chuyển tải khá sâu sắc.
Đức Giác Thế Đạo Nhơn trong một lần giáng bút năm 1965 đã bàn khá kĩ về các phẩm chất như “hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ”. Hoặc chúng ta bắt gặp trong một bài giáng bút, đấng thiêng liêng đã bàn về khái niệm Trung Dung theo cách hiểu phục vụ cho việc phụng sự đạo pháp Cao Đài: “Hỡi chư liệt vị ! Kinh nhựt tụng có câu: "Trung Dung Khổng Thánh chỉ rành". Tô đậm hai chữ Trung Dung. Có thể nói hầu hết trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, chưa ai hiểu tận tường và thực hành hai chữ Trung Dung. Vì thiếu nó nên sự điều hành guồng máy hành đạo thường vấp phải mọi trở lực. Đó là khi cẩn thận thì cẩn thận quá, không dám làm điều gì. Khi thưa thớt hời hợt quá thì việc làm cũng dễ bị hư. Lúc dễ dãi quá thì quyền pháp đạo luật cùng Thánh Dụ Qui Điều bị giẫm chưn. Khi khắt khe quá thì việc làm dễ bị ngưng trệ. Tình thương khi rộng rãi quá, thiếu sự kiểm điểm và làm cho nhẹ danh nghĩa của tổ chức, khi khó khăn quá làm xa lần những bạn có chân tài và thiện chí. Người thì sốt sắng quá, người lại đình trệ lung, người thích làm hơn nói, nhưng nếu không nói chỉ bảo ắt bị làm sai. Khi mến thích thì mọi việc sơ hở đều khoan dung tha thứ mà luật lệ chẳng nghiêm minh, lúc chẳng ưa, dầu việc hay việc phải cũng làm ngơ trong cái giả ngơ. Đó là những điều trong một vài khía cạnh của sự thiếu trung dung” (Bài 8 – 1968)
Khái niệm Đạo với Cao Đài giáo rất bao quát mà gần gũi, theo Đức Di Lạc Thiên Tôn chỉ dạy thì : “Đạo dựng nên Đất trời. Trời đất do Đạo hóa sanh vạn vật. Vạn vật cũng do Đạo tiến hóa không ngừng. Vì vậy nên trong vạn vật đều có Trời Đất, tức là có Đạo vậy. Từ loài khoáng sản đến côn trùng, thảo mộc, thú cầm và nhơn loại đều chịu định luật chung của Đạo.” (Bài 3 – 1966). Để khẳng định lại điều trên, trong một lần giáng bút, chư tiền khai đại đạo đã nêu quan điểm : “Đạo là bản thể vũ trụ, tối cao tối thượng, mà Đạo cũng là nguồn sống của vạn vật chi linh. Do đó mà những bậc Thánh Triết Hiền nhân quân tử mới dám xả thân cầu đạo, đem sự tín ngưỡng, đem hành động nghĩa nhân đạo đức gây được uy tín trong nhân gian để đem họ hiệp về con đường đạo là nguồn sống. "Thị đạo đắc tấn, hành đạo giả thuận Thiên, thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong". Ngược lại, nếu không lòng thành, không hành đạo, làm sao có uy tín với nhân gian. Mà khi mất uy tín với nhân gian thì làm sao ai dám đến hiệp với mình. Mà khi không ai hiệp với mình, làm sao kêu họ về với đạo, để trở lại bổn nguyên. Do đó, hàng hướng đạo phải tâm niệm câu nhựt tụng đó để làm kim chỉ nam cho việc hành đạo, lãnh đạo nhơn sanh.” (Bài 17 – 1966)
Đức Diêu Trì Kim Mẫu đã giáng bút ban pháp như sau :
“Tam Giáo bởi căn nguyên Đại Đạo,
Kìa Thích Ca, Nho, Lão lân bang;
Mấy ngàn năm đã mấy ngàn,
Tay phàm dẫn dắt con đàng siêu sinh.
Nay Thượng Đế chính mình giáng thế,
Vì chúng sanh trong bể Hạ Nguơn;
Trong cơ sàng sảy định phần,
Hoằng khai chánh đạo, xá ân Tam Kỳ”
(Bài 33 – 1965)
Cũng trong bài này, qui luật nhân quả được Kim Mẫu nhắc đến :
“Con ôi ! hạnh phúc ai ban,
Phải chăng nhiều kiếp tu thân mới là ?
Đứa thiếu thốn thiết tha than thở,
Đứa cơ bần sớm nợ chiều nần;
Khổ đâu con máng vào thân ?
Phải chăng kiếp trước quả nhân tạo gầy ?
Sách có dạy: "Dục tri tiền kiếp",
Thì hãy trông duyên nghiệp hiện thời;
Muốn xem hậu quả đổi dời,
Hãy trông những việc tự nơi con làm”
Đấng thiêng liêng cũng đã nhấn mạnh về căn nguyên đau khổ bất hạnh do bởi chính bản thân con người gây ra cho mình : “Hiện trạng ngày nay, nhân loại điêu đứng khổ sở vì Thiên tai, chiến họa, cũng bởi tại xa Thượng Đế, thiếu tinh thần xây dựng về mặt đạo đức. Ai cũng tưởng tự lo riêng cho mình, cho gia đình mình, tinh thần ích kỷ hại nhân là mầm bộc phát những cảnh lầm than khốc hại như hiện trạng. (…) Thượng Đế đã phát ban cho mỗi người có đủ điều kiện như Thượng Đế, chỉ tại người xa lần lẽ thiệt, điểm linh căn bị vùi lấp dưới lớp tham, sân, si , ái, ố, mà lu mờ lần, khiến bản thân người như đi đêm không đèn. Nếu mỗi chúng sanh đều làm đúng lời đạo lý truyền dạy từ ngàn xưa, thì ngày nay nhơn loại sẽ được hưởng cảnh Thiên Đàng Cực lạc ở thế gian. (…) Các con giờ đây mới thấy rõ rằng Thiên Đàng hoặc địa ngục ở trần gian không phải Thượng Đế đem đến cho, mà chính tự nơi con người xây dựng mà nên”.
Một lần nữa, vào năm 1972, Vạn Hạnh Thiền Sư đã nhấn mạnh : “Đời tranh đấu, đời loạn ly, lòng người chia rẽ, con người phải chịu điêu linh tàn khốc. Cái nguyên nhân đó tưởng lại mỗi người trên thế gian đều biết rõ, nhưng con người đã chấp nhận lấy cái nhân tranh đấu để gieo họa tranh đấu, chấp nhận cái nhân tham dục để gieo quả tiêu diệt. Đó là con người tự chấp nhận, nào phải Trời đất Phật Tiên Thánh Thần ban định cho đâu, cũng nào phải ma vương ác quỉ xui giục đâu.” (Bài 7 – 1972)
Khi giáng đàn, các Đấng luôn chỉ ra cho con người cuộc đời này là giả tạm : “Nhận thấy một đời người, khi mới sanh ra một hài nhi, ngoài một thân xác bé thơ trống trải bạch thủ, thì không có chi cả. Đến lúc bỏ xác, tục gọi là chết, thì cũng không đem theo được chi cả. Mặc dầu nhà cao đất rộng, ao cá, ruộng trâu, vợ hiền con đẹp, cháu ngoan, nhưng không phải một đời người sở dĩ có ở thế gian chỉ có như vậy thôi sao?” (Bài 17 – 1966). Ở một chỗ khác, thơ giáng bút kêu gọi con người : “Hình hài thân thể nầy là tạm, chỉ tồn tại có mấy mươi năm rồi cũng trở về với cát bụi, mượn cái hữu thể nầy sống trong cảnh hữu vi”. (Bài 9 – 1968)
Do vậy nên quay về bản thể, tu tâm dưỡng tính là con đường giải thoát tốt nhất khỏi những khổ đau trong hiện tại :
“Tâm Phật tâm ma cũng bởi mình,
Ráng mà tìm lại bổn chơn linh”
(Bài 4 – 1972)
Thâm sâu hơn, các đấng thiêng liêng giảng giải rất cụ thể nội dung này như sau : “Đời tranh đấu, đời loạn ly, lòng người chia rẽ, con người phải chịu điêu linh tàn khốc. Cái nguyên nhân đó tưởng lại mỗi người trên thế gian đều biết rõ, nhưng con người đã chấp nhận lấy cái nhân tranh đấu để gieo họa tranh đấu, chấp nhận cái nhân tham dục để gieo quả tiêu diệt. Đó là con người tự chấp nhận, nào phải Trời đất Phật Tiên Thánh Thần ban định cho đâu, cũng nào phải ma vương ác quỉ xui dục đâu. Tóm lại đều do một cái tâm: tâm bất trắc, tâm cố chấp, tâm tham dục, tâm sân si, tâm tranh đấu. Hiện tình thế sự ngày nay là do nơi các cái tâm mà Bần Tăng đã kể. Chư đạo hữu hãy mau mau xem xét lại nội tâm, nếu có tâm nào lẫn lộn vào đó thì nên diệt trừ hẳn đi để cho thánh tâm, lương tâm, linh tâm hay chơn tâm cũng thế, thì mới có một vốn liếng khả dĩ phô bày để phổ độ mọi người. Nếu mỗi người là con chung của Đấng Cha Lành, tất nhiên đều có thánh tâm hay linh tâm.” (Bài 7 – 1972)
Thậm chí các tác giả còn trích dẫn cả kinh điển Phật Giáo như trường hợp sau đây : “Phật đã bảo: “chúng sanh là Phật chưa thành” và bảo với A Nan tại Trúc Lâm Thôn về ý chí hậu đại cho đạo là chơn lý tự quán. Phật là ai ? Như Lai là thế nào ? Có phải là Thái Tử Tất Đạt Đa và Xá Lợi Phất không ? Phải mà không phải. Bởi chính đó mà không phải đó, mới thật là đó, Phật cũng bảo “Nhược dĩ sắc tướng âm thinh cầu ngã, thị nhơn hành tà đạo bất năng kiến Như Lai”. Đó là chơn lý tự nó phủ nhận chơn lý” (Bài 16 – 1974)
Quả thật triết lí Tam Giáo tần suất xuất hiện trong thơ giáng bút là rất cao, nhưng cũng phải nhận ra rằng những triết lí ấy phần lớn đều được chuyển tải dễ hiểu, dễ tiếp thu, những nội dung nêu ra không quá xa lạ với xã hội Việt Nam đương thời. Hơn thế, nó đã được vận dụng uyển chuyển hòa hợp với quan điểm của đạo Cao Đài, phục vụ cho việc xiển dương đạo pháp của tôn giáo này.
Cũng không thể không đề cập đến một vấn đề khá quan trọng là tuy hình thức giáng bút còn mang nặng màu sắc tâm linh chưa thể lí giải được hết, nhưng trong những trước tác giáng bút, các tác giả rất có ý thức phân biệt cho người tu học, cho tín đồ về mê tín và chánh tín. Có khi điều này được diễn đạt ngắn gọn, đơn giản :
“Bụi hồng dày đặc chẳng đường ra,
Khó biết đâu là Phật với Ma;
Tà chánh lấn chen trong biển loạn,
Thiếu chi những kẻ mệnh danh Ta”
(Bài 15 – 1974)
“Chánh đạo chẳng âm u mờ tối
Chơn lí không lừa dối ngụy tà
(…)
Con đừng mơ những gì huyền ảo,
Cho mị tà lộn lạo rủ ren”
(Bài 33 – 1965)
Nhưng cũng có khi được nêu lên chi tiết, rõ ràng và khá khoa học như trường hợp bài giáng bút của Đức Tả quân Lê Văn Duyệt năm 1974. Tác giả đã chia tín ngưỡng của con người từ xưa đến nay thành hai lĩnh vực : tín ngưỡng trong phạm vi tôn giáo hay là đạo giáo và tín ngưỡng theo quan niệm trong phạm vi ma quỉ. Ông phê phán nặng nề những kẻ theo hướng mê tín dị đoan : “hay tin tưởng trông cậy vào hạ đẳng cấp Thiêng Liêng như hồn người chết hoặc ma quỉ đến lớp Thần là cùng. Vì họ nghĩ rằng đẳng cấp thiêng liêng này dễ hòa đồng và gần gũi với người sống hơn, dễ mời thỉnh, dễ vái van, dễ cầu cứu hơn thượng đẳng cấp Thiêng Liêng. Do đó, mỗi khi có việc gì xảy đến cho mình mà trí phàm hoặc óc xét đoán họ không thể được, vái van cầu khẩn, triệu thỉnh đến sự hộ trì giúp đỡ ở phần thiêng liêng này, miễn là đáp ứng được nhu cầu ích kỷ cá nhân hoặc trong phạm vi gia đình của họ như mua bán, cầu quan, cầu tài, cầu lợi, thi cử hoặc bịnh hoạn … để đền đáp lại họ sắm lễ vật cúng tế”. Ông cho rằng thật đáng thương cho họ khi những người này “có quan niệm hẹp hòi ích kỷ mà hiểu rằng hễ càng đem nhiều lễ vật cúng tế thì được nhiều phước đức và sự phù trợ của Đấng ấy. Nghĩ vậy là sai đạo lý. Còn việc họa phúc đến cho mình cũng không phải là Trời Phật Tiên Thánh vô cớ mà đem đến. Chính là phải tự mình làm lấy để mà hưởng”. Từ đó ông dẫn giải về hiện tượng những tôn giáo lớn trên thế giới : “Thờ phụng sùng kính Đức Phật Thích Ca là đã hiểu hành động của Tất Đạt Đa khi còn là một thái tử đã phế ngai vàng điện ngọc ẩn thân nơi rừng già để tìm một phương pháp tự cứu mình và cứu nhân loại khỏi vòng tứ khổ. Vì cảm mến đức độ của một vị đạo đức chân tu mà thờ phượng sùng kính và dặn lòng hãy làm theo và đối xử với mọi người chung quanh mình như tánh tình đối xử của vị ấy khi còn tại thế. Còn như thờ Đức Jésus Christ là noi theo đức hy sinh bác ái của người. Thờ Đức Khổng Phu Tử là thán phục và cố gắng làm theo đường lối của người là cách vật trí tri, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.”để đi đến kết luận : “Chánh tín là tin tưởng vào lãnh vực hướng thượng ở thượng đẳng cấp thiêng liêng. Còn mê tín là tin tưởng tín ngưỡng vào hạ đẳng cấp thiêng liêng”
Bên cạnh đó, khi ra đời trong một giai đoạn lịch sử khá đặc biệt của dân tộc, nội dung thơ văn giáng bút trong TGST có một đặc điểm quan trọng đó là in đậm dấu ấn của thời cuộc. Trong lời dạy của các đấng thiêng liêng, âm hưởng của một thời li loạn, đảo điên khi Bắc Nam chia cắt, chiến tranh khốc liệt vẫn hiển hiện đâu đó. Trong lời chào đàn xuân, Đức Thánh Trần ngoài việc nhắc nhở đắp xây Đại Đạo vẫn không quên gợi đến không khí căng thẳng của cuộc chiến nhãn tiền:
“Mùa Xuân Mậu Thân, một mùa Xuân hỗn loạn của người đời và cũng một mùa Xuân trùng hưng cơ đạo.”
(Bài 1 – 1968)
Khi hiển linh giáng bút, Đức Diêu Trì Kim Mẫu (hay còn được gọi là Vô Cực Từ Tôn) bày tỏ nỗi đau xót cho cuộc nội chiến đang bùng phát ngày càng dữ dội hơn
“Con ôi ! Thế sự điêu linh,
Trông người rồi lại nghĩ mình ra sao ?
Cũng là cốt nhục đồng bào,
Đứt chưn tay lại không đau sao đành !”
(Bài 7 – 1968)
Chung nỗi niềm với Đức Diêu Trì Kim Mẫu, chư tiền khai đại đạo trong những ngày chiến tranh đang đi vào hồi kết đã cất tiếng than :
“Đời bao nhiêu cảnh lầm than,
Hở môi răng lạnh máu chan ruột mềm.
Đời trong cảnh gọng kềm phong tỏa,
Người mắc vòng nhơn ngã cạnh tranh
“Kìa nhân thế trong vòng nước lửa,
Mảnh thân phàm biết tựa vào đâu”
(Bài 10 – 1974)
Đức Lý Thái Bạch cũng nêu lên nỗi âu lo cho việc đời :
“Kìa thế sự đang hồi nguy khốn,
Nọ nhơn tâm xáo trộn khôn lường”
Và hơn hết, lời thơ giáng bút của ông đã nói thay ước vọng của hàng triệu người Việt Nam lúc bấy giờ :
“Dầu xây vạn lý trường thành,
Sao bằng sống cảnh thái bình muôn năm”
(Bài 12 – 1968)
Bất ngờ thay, khi giáng bút ban pháp thoại, Bác Nhã Thiền Sư qua việc trình bày về sự vần xoay của can – chi cùng thời cuộc đã dự đoán được ngày độc lập, thống nhất đất nước đang gần kề :
“Mậu Dần trước trạch hiền chọn sĩ,
Canh Dần sau phàm ý rối ren;
Nhâm Dần thắp đuốc khêu đèn,
Giáp Dần mở hội đua chen khoa trường
…
Hết thời bĩ lẫn hồi hung,
Tam Dương khai thái khí sung quang hòa”
(Bài 7 – 1974)
Không chỉ phổ biến giáo lí và mang âm hưởng của thời đại cụ thể, trong thơ văn giáng bút, vấn đề giáo dục đào tạo thế hệ tiếp nối cũng được các đấng thiêng liêng chú trọng. Đức Cao Triều Phát trong một lần giáng phàm ban pháp năm 1967 đã nêu lên những khó khăn, thử thách của thanh thiếu niên trong buổi loạn li : “Các em sinh vào thời kì loạn lạc, lòng người điên đảo, nghĩa nhơn đạo lí không còn, trên không vững dưới không yên, lẫn lộn giữa lợi quyền danh vọng, hoại lí thương luân, đấu tranh tàn sát. Tất cả hậu quả này người thanh thiếu niên phải hứng chịu từ thời gian, từ giai đoạn, càng tiếp diễn càng dồn ép người thanh thiếu niên vào mọi hoàn cảnh, nào trụy lạc, nào hoang đàng, hư đốn ti tiện...”. Từ những hoàn cảnh ngang trái trên, bên cạnh những yêu cầu cần thực hiện để bảo toàn giáo pháp, ông cũng đã chỉ ra những việc cần làm của họ như : “khắc khổ nghiêm chỉnh bản thân và thương yêu tha nhân”, “xem mọi người là mình, mình là mọi người, không phân biệt”. Ông cũng nhắc lại mối quan hệ giữa đạo pháp và thế cuộc, cũng như triết lí hành đạo đồng nghĩa với giúp đời để khuyên răn thanh thiếu niên : “Đạo lí không là vấn đề ru ngủ. Đạo lí là một khuôn viên mẫu mực để hun đúc ý chí quật cường, tài đức của một tinh túy dân tộc. Đạo lí là cơ bản của một quốc gia thánh bình thạnh trị. Nhưng phải hiểu thật sâu rộng rốt ráo mới thấy thâm diệu của đạo lí và hành đúng đạo lí” (Bài 23 – 1967)
Trên đây là điểm qua đôi nét về nội dung của thơ văn giáng bút trong bộ Thánh giáo sưu tập. Từ những nội dung ấy, chúng ta nhận ra rằng bên cạnh giá trị tư tưởng với những yếu điểm giáo lí được cụ thể hóa, thơ văn giáng bút của đạo Cao Đài có giá trị nhân văn tốt đẹp, hướng về nhân sinh để phục vụ, để hoàn thiện nhân cách con người không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ thời gian nó xuất hiện. Những điều ấy khiến việc nghiên cứu sâu, tìm hiểu kĩ giá trị thơ văn giáng bút của đạo Cao Đài càng cần đặt ra cấp thiết hơn, nhanh chóng và toàn diện hơn.
3. Một số điều cần trao đổi :
3.1 Từ vấn đề tác giả của thơ văn giáng bút đạo Cao Đài đến phương hướng về việc nghiên cứu hiện tượng văn học này
Trong đạo Cao Đài, thơ văn giáng bút có một khối lượng sáng tác khá lớn, tương ứng với điều này đó chính là số lượng tác giả cần tìm hiểu. Chúng tôi đã có một thống kê đơn giản về các tác giả của hiện tượng văn học này như sau :
MỤC | SỐ TÁC GIẢ | SỐ LẦN XUẤT HIỆN | |
CAO ĐÀI | 38(+1) | 82 | |
NHO | 2 | 9 | |
PHẬT | 6 | 12 | |
THIÊN CHÚA | 1 | 1 | |
ĐẠO (TIÊN) | 11 | 55 | |
MẪU | 3 | 50 | |
DANH NHÂN VN | 4 | 31 | |
CHƯA XÁC ĐỊNH | 2 | 20 | |
CỘNG | 8 | 67(+1) | 320 |
Trong danh sách các tác giả trên, bên cạnh tính chất dung hợp tôn giáo đặc thù của đạo Cao Đài được quán triệt sâu sắc, chúng tôi nhận ra có nhiều điểm phức tạp và nghi vấn. Tác giả của những sáng tác văn thơ giáng bút Cao Đài là thần tiên như Ngọc Hoàng Thượng Đế (theo cách gọi của đạo Cao Đài là Đức Chí Tôn hoặc Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát), Quan Âm Bồ Tát (cách gọi khác là Đức Nhị Trấn Oai Nghiêm Quan Âm Như Lai, Nam Hải Ngạn Thượng Từ Hàng Đại Sĩ). Cũng như thế, một trường hợp khác sẽ gây tranh cãi đó là hiện tượng liệt vị danh nhân quá cố quay trở về giáng bút như Quan Vũ thời Tam Quốc (còn được gọi là Đức Hiệp Thiên Đại Đế, Cái Thiên Cổ Phật, Tam Trấn Oai Nghiêm) hoặc Tả quân Lê Văn Duyệt (cách gọi khác là Đức Tổng Lí Đại Đồng, Lê Duyệt Đại Tiên, Lê Đại Tiên)…
Khi khảo sát văn bản Kinh Đạo Nam và trong bài viết “Tìm hiểu phong trào thiện đàn đối với cuộc vận động ái quốc – Kinh Đạo Nam”, GS. Đào Duy Anh đã nêu ra trường hợp của cụ Nguyễn Ngọc Tỉnh để đặt những nghi vấn về hiện tượng thơ văn giáng bút của các Thánh Mẫu (8). Giáo sư cũng thừa nhận ông vẫn chưa thể lí giải được điều này : “Hiện tượng ấy cố nhiên là tôi không thể cắt nghĩa được, cứ xin ghi lại một cách khách quan để chờ khoa học khám phá sau này” (9) dù ông cũng đã nêu quan điểm của mình như sau : “Có thể là trong hương trầm bát ngát, trong điệu văn cầu du dương, cái không khí dễ gây cảm xúc đặc biệt đã tạo cho người cầm kê một tâm thái đặc biệt khiến cái mà người ta gọi là tiềm thức hay cái thức gì đó của người cầm kê và của mọi người có mặt ở đấy hoạt động thế nào mà kết quả khiến năng lực sáng tạo văn nghệ của người cầm kê đã tăng lên bao nhiêu và hình như phản ánh được cả bao nhiêu kiến thức tư tưởng của hoàn cảnh và thời đại mà trực tiếp hay gián tiếp họ đã có thể tiếp xúc, có khi là một cách ngẫu nhiên và vô ý thức (những cái chưa ai từng thấy, từng nghe, từng nghĩ trong xã hội đương thời thì không hề có trong thơ ca giáng bút). Tôi nghĩ đây không phải là một hiện tượng thần bí gì chỉ là một hiện tượng tự nhiên mà khoa học chân chính tức khoa học trên cơ sở duy vật chưa giải thích hay xem là đối tượng nghiên cứu cũng như bao nhiêu hiện tượng tự nhiên khác.” (10) Nhưng cần nhấn mạnh rằng giữa hiện tượng Lên đồng và thông công Cao Đài giáo không giống nhau về hình thức lẫn tính chất đặc trưng.
Nghiên cứu về mối quan hệ giữa nhà văn Victor Hugo và đạo Cao Đài, tác giả Trần Thu Dung đã dành một phần không nhỏ trong chuyên luận để khảo sát nội dung thánh ngôn của Hugo. Nhà nghiên cứu chỉ rõ : “Việc tìm hiểu cơ bút và Thánh ngôn của thánh V.Hugo gắn liền tìm hiểu tiểu sử của đồng tử Phạm Công Tắc – linh hồn chính của đạo Cao Đài. Chính ông là người trực tiếp nhận điển quang của thần linh truyền xuống.” (11). Ông cho rằng việc Nguyệt Tâm Chơn Nhơn (V.Hugo) “thuộc tên các tín đồ có mặt trong buổi cầu cơ, và gọi bằng tên thân mật như trong gia đình đã thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa ông (V.Hugo) và các thành viên thân tín trong đạo” và qua sự thống kê tìm hiểu các buổi cơ bút, Trần Thu Dung phỏng đoán : “Thánh Nguyệt Tâm Chơn Nhơn hay Victor Hugo và Phạm Công Tắc dường như là một.” (12)
Chúng tôi chưa đủ bằng chứng khoa học nên không thể kết luận những kiến giải trên không chính xác hoặc đưa ra quan điểm đồng tình với ý kiến của các nhà nghiên cứu, song cũng cần phải nhận thấy rằng việc tìm điểm gặp nhau giữa xác tín khoa học và đức tin tôn giáo quả là điều rất khó khăn. Nghiên cứu vấn đề tác giả của thơ giáng bút nói chung và thơ văn giáng bút của đạo Cao Đài nói riêng cần một sự tích hợp đa ngành, thậm chí điều này cũng cần sự chuyển biến và thay đổi tư duy, muốn tìm hiểu văn học tôn giáo nói chung, văn học thông công nói riêng đòi hỏi người nghiên cứu cần có trực cảm tâm linh khi đọc-hiểu thì mới có thể khai thác hết các lớp trầm tích giá trị của mảnh đất văn chương này. Do vậy, GS. Đào Duy Anh đã cho rằng : “Trong các bộ kinh giáng bút này, phần sáng tác của người cầm kê cố nhiên là có, nhưng đồng thời phải nhận là có sự tham gia của tập thể một cách hơi lạ lùng. Có thể xem đấy là những tác phẩm văn học dân gian độc đáo có lẽ ít thấy ở các nước khác và rất đáng được nghiên cứu.” (13). Từ ý kiến trên, chúng tôi đề nghị cũng nên xem xét hiện tượng thơ văn giáng bút của của đạo Cao Đài như những tác phẩm văn học dân gian vì những lí do sau :
• Tính chất tập thể trong sáng tác – đây là giải pháp tạm thời trong khi chờ đợi có những kiến giải thỏa đáng về tác giả của những tác phẩm văn thơ giáng bút này
• Gắn với hoạt động thực tiễn trực tiếp, có một “không gian diễn xướng” cụ thể (xem lại phần 1.2)
• Có những yếu tố lặp đi lặp lại hình thức – có thể xem như một “motif” phổ biến của hiện tượng văn học này (xem lại phần 2.2)
Chúng tôi thiết nghĩ hướng tìm hiểu này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiên cứu khi đến với hiện tượng văn học của đạo Cao Đài.
3.2 Vấn đề hệ thống hóa tư liệu
Kinh sách Cao Đài có thể phân loại thành hai mảng là Nghi lễ và Phi nghi lễ.
Mảng Nghi lễ
Căn bản nhất là quyển Kinh Thiên đạo – Thế đạo xuất bản gần đây là năm 1992 do Tòa Thánh Tây Ninh phát hành. Ngoài phần Tựa và Tiểu dẫn do người bình thường viết, còn lại là tập hợp các bài kinh tụng trong các nghi thức tôn giáo được ban dạy bởi các đấng thiêng liêng giáng bút cho với nhiều thể thơ: song thất lục bát, biền ngẫu, thất ngôn tứ tuyệt, lục bát; được sắp xếp thứ tự như sau:
Kinh Thiên Đạo
• Kinh Cúng Tứ Thời: Niệm Hương, Khai Kinh, Kinh Ngọc-Hoàng Thượng-Đế, Thích Giáo, Tiên Giáo, Nho Giáo, Bài Dâng Hoa, Bài Dâng Rượu, Bài Dâng Trà, Ngũ Nguyện; Phật Mẫu Chơn Kinh, Tán Tụng Công Đức Diêu-Trì Kim-Mẫu.
• Kinh độ sanh: Kinh Giải Oan, Kinh Tắm Thánh
• Kinh độ tử: Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối, Kinh Khi Đã Chết Rồi, Kinh Tẩn Liệm, Kinh Cầu Siêu, Kinh Đưa Linh Cữu, Kinh Hạ Huyệt, Vãng Sanh Thần Chú, Kinh Khai Cửu, Đại Tường và Tiểu Tường, Kinh Đệ Nhứt Cửu..., Cửu Cửu, Kinh Tiểu-Tường, Kinh Đại Tường, Di - Lặc Chơn Kinh;
• Kinh Sám Hối, Bài Khen Ngợi Kinh Sám Hối; Bài Xưng Tụng Công Đức, Phật, Tiên, Thánh, Thần; Giới Tâm Kinh;
Kinh Thế Đạo: Kinh Thuyết Pháp, Kinh Nhập Hội, Kinh Xuất Hội, Kinh Đi Ra Đường, Kinh Khi Về, Kinh Khi Đi Ngủ, Kinh Khi Thức Dậy, Kinh Vào Học, Kinh Vào Ăn Cơm, Kinh Khi Ăn Cơm Rồi, Kinh Hôn Phối, Kinh Tụng Khi Vua Thăng Hà, Kinh Tụng Khi Thầy Qui Vị, Kinh Cầu Tổ Phụ Đã Qui Liễu, Kinh Cứu Khổ, Kinh Tụng Cha Mẹ Đã Qui Liễu, Kinh Cầu Bà Con Thân Bằng, Kinh Tụng Huynh Đệ Mãn Phần, Kinh Tụng Khi Chồng Qui Vị, Kinh Tụng Khi Vợ Qui Liễu.
Một số Hội Thánh khác thì thêm bớt một số kinh trong các nghi lễ, nhưng căn bản vẫn tương đồng nhau. Trong một khảo sát khác, chúng tôi sẽ bàn đến sau.
Mảng Phi nghi lễ
Các kinh sách Cao Đài giáo hầu hết là thơ văn giáng bút nên mang tính chất riêng của văn học dự ngôn. Tập kinh điển đầu tiên cần nhắc đến là Thánh ngôn hiệp tuyển. Đây là một tuyển tập những lời dạy của thần tiên qua cơ bút bằng văn xuôi và văn vần trong những ngày đầu khai đạo.
Kế tiếp là quyển Đại thừa chơn giáo được xuất bản gần đây nhất là năm 2011 do Thánh Đức tổ đình Chiếu Minh Tam thanh vô vi phát hành cùng chương trình Chung tay ấn tống kính sách Cao Đài. Đây cũng là tập kinh dạy về giáo lý và tu luyện của thần tiên giáng bút bằng văn xuôi và văn vần.
Kế đến là bộ Thánh giáo sưu tập từ năm 1965 đến 1974 xuất bản từ năm 2010 đến 2013, do Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo phát hành. Đây là tập hợp những lời dạy của thần tiên giàu giá trị văn chương và người viết sẽ dùng làm tài liệu chính để khảo sát trong mảng kinh sách miền Nam.
Tiếp theo là bộ kinh Tam thừa chơn giáo được xuất bản năm 2012 do Hội Thánh Cầu Kho Tam Quan phát hành. Đây là tập hợp những bài học căn bản của người tín đồ Cao Đài ở ba cấp tu do thần tiên giáng bút, đặc biệt có nhiều Anh linh Tổ quốc, ban cho bằng văn xuôi kết hợp thơ phú với giọng văn miền Trung.
Chúng tôi mới chỉ giới thiệu những kinh sách đã được xuất bản. Hiện nay còn một số kinh sách mới in mà chúng tôi chưa kịp cập nhật hết hoặc chưa được biết đến, xin được bổ sung ở những bài viết sau. Mong sao những bộ Thánh giáo chưa được xuất bản sẽ sớm được kiểm duyệt cho in để nguồn tư liệu về văn học thông công Cao Đài được thêm phong phú, đa dạng hơn nữa.
Với khối lượng sáng tác khá đồ sộ, qui mô; ngay trường hợp bộ sách Thánh giáo sưu tập mà chúng tôi lấy làm tư liệu để tìm hiểu, chính tài liệu này khi được chính thức in ấn cũng chưa đầy đủ như bản chúng tôi đang có trong tay. Khi khảo sát qua nguồn tư liệu quí giá này, chúng tôi khẳng định đây là một mảnh đất màu mỡ cần giới nghiên cứu thâm canh. Bản thân chúng tôi bởi hạn chế về nhiều mặt nên chỉ dám đi những đường cày xới đầu tiên. Tất yếu vẫn còn nhiều điều phải tranh luận, nhiều vấn đề rất phức tạp nhưng chính điều ấy lại trở thành sức hấp dẫn to lớn với người nghiên cứu. Hi vọng khi xác định được tâm thế phù hợp – hiểu được sự cần thiết của việc “phải quan tâm tới lĩnh vực tôn giáo tín ngưỡng, vì đơn giản là nếu không tiếp cận văn hóa dân gian từ góc độ tôn giáo tín ngưỡng thì khó có thể hiểu hết bản chất văn hóa của quần chúng nhân dân” (14); khoa học ngữ văn sẽ làm được nhiều điều hơn cho hiện tượng văn học đầy ý nghĩa này.
TpHCM, Lập xuân Ất Mùi
____________________________
CHÚ THÍCH THAM KHẢO
(1) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo (CQPTGLĐĐ), Tìm hiểu tôn giáo Cao Đài, Nxb Tôn giáo, H., 2009, tr.8 - 9, 51 - 64, 80 – 93
(2) CQPTGLĐĐ, Cao Đài vấn đáp, Nxb Tôn giáo, in lần thứ 2, H., 2012, tr.115
(3) Thiện Hạnh, Khái quát cơ bút Cao Đài, website: http://www.nhipcaugiaoly.com/post?id=534
(4) CQPTGLĐĐ, Thánh giáo sưu tập (năm Giáp Dần - 1974), in lần thứ 2, Nxb. Tôn giáo, H., 2011, tr.137 – 142
(5) Sđd, tr.77 – 83
(6) CQPTGLĐĐ, Yếu điểm giáo lý Đại Đạo, Nxb. Tôn giáo, in lần thứ 2, H., 2008, tr.178
(7) Ngô Đức Thịnh, Lên đồng – Hành trình của thần linh và thân phận, Nxb. Trẻ, HCM., 2008, tr.195
(8) Nguyên văn : “(…) Hãy xem trường hợp ông Nguyễn Ngọc Tỉnh viết kinh Đạo Nam. Ông Tỉnh là người nho học đi thi hỏng trường nhất thì thôi học, Hán học của ông kể cũng còn yếu, sách Lão học thì ông chưa từng được đọc, mà sách Tân thư thì ông cũng chỉ mới đọc sách Trung Quốc hồn của Lương Khải Siêu thôi. Thế mà xem kiến thức trong kinh ấy thì phải là người hiệp thiệp Kinh Sử cùng Dịch Lão và đọc nhiều Tân thư mới làm nổi. Kinh ấy có thể xem như một tác phẩm tổng hợp về kiến thức và tư tưởng mới của giới nho học cả một thời mà thực tế trong điều kiện bình thường ông Nguyễn Ngọc Tỉnh không làm nổi, chính ông cũng tự nhận như vậy. (…) Ông là người rất chất phác, hiền lành, thật thà “như đếm” (…) Những điều ông nói với tôi về thiện đàn, tôi không có lý do gì mà ngờ rằng ông không nói thật. Ông bác bỏ tất cả những nghi vấn như tôi đã trình bày (...) . Tôi hỏi đối với tiên thánh thì ông nghĩ thế nào và trong khi cầm kê thì tâm trạng của ông là thế nào, ông nói rằng đối với tiên thì ông xem là có có không không, không nghĩ là có thật nhưng cũng không phủ nhận hẳn. Khi cầm kê ông vẫn tỉnh táo và vẫn biết những việc xảy ra xung quanh, duy khi đọc văn cầu nhịp điệu du dương và ngửi mùi hương mùi trầm bát ngát thì đầu có hơi choáng như uống một chén rượu và cảm thấy có cái gì cứ đưa tay mình ở trên mâm cát chứ tự mình không biết chữ gì. Song khi nghe đọc chữ gì mà mình biết là không đúng thì cái tay tự nhiên cũng có cái gì mình không tự chủ được cứ đưa kê gạch ngang gạch dọc mà sổ đi, đến khi nào đọc đúng chữ thì mới khuyên để nhận là đúng. Ông lại nói rằng, sau buổi lễ mà đọc những bài ghi được thì có những điểm tự ông không hiểu, có khi phải tra cứu lâu mới rõ nghĩa, và ý tứ thì có những điều ông chưa hề nghĩ đến bao giờ. Nhưng một điều nên chú ý là nếu người cầm bút mà không biết chữ thì có khi vạch không ra chữ, có khi thành chữ nhưng không thành câu kéo gì, chỉ người có học, có biết làm thơ đôi chút thì mới viết thành thơ được, duy thơ ca giáng bút hay hơn thơ người ấy thường làm nhiều. Ông Tỉnh vốn có khiếu làm thơ, thơ của ông có nhiều câu cảm khái và nhẹ nhàng, có duyên nhưng nội dung thường cũng chẳng có gì là độc đáo cụ thể, thế mà thơ ca của ông viết khi cầm kê thì về hình thức cũng như về nội dung trội hơn nhiều. Như vậy là nghĩa lý gì?”; dẫn theo : Đào Duy Anh (khảo chứng) – Nguyễn Thị Thanh Xuân (phiên âm, chú thích), Kinh Đạo Nam, Nxb. Lao động, H., 2007, tr.27 - 28
(9) (10) Sđd, tr.30
(11) Trần Thu Dung, Đạo Cao Đài và Victor Hugo, Nxb. Thời đại và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, H., 2011, tr.55
(12) Sđd, tr.82
(13) Sđd, tr.31
(14) Sđd, tr.5