

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

-
"Mổi kẽ phàm dưới thế nầy đều có hai xác-thân. Một phàm gọi là corporel. Còn một thiêng-liêng gọi là ...
-
Con Người Đại Đạo phải là một Nguyên nhân; đó là người đạt đến Thượng trí tức cái Chơn tri ...
-
Nhân tiết Trung Thu, chúng ta hãy thưởng thức nội dung đạo lý từ lời dạy của Đức Mẹ Diêu ...
-
Tất cả vũ trụ vạn hữu là một trường dịch hóa miên miên bất tuyệt, sinh động vô cùng. Nên ...
-
Ý Nghĩa Vu Lan Trần Ngọc Tâm Hằng năm vào dịp Rằm tháng Bảy, là Lễ Trung Ngươn Địa Quan xá tội, ...
-
Ảnh : GS Nguyễn Thuyết Phong (giữa) chơi đàn kìm bên cạnh cô Ngọc Thủy đàn tranh, David Badagnani đàn ...
-
VỀ MIỀN SÔNG HẬU Thuyền rời bến vượt dòng đêm lạnh, Cà Mau ơi, sông lạnh đìu hiu! Nhớ sao…chim Quốc ...
-
Học tập Thánh giáo-Tháng Giêng Canh Dần 2010 Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Tuất thời, 29-12 Mậu Ngọ
-
Tôi không biết cuộc đời, hay đúng hơn là cõi người tốt xấu thế nào mà từ các vị giáo ...
-
Vào đêm lễ Phục Sinh năm nay, 07-4-2012, khi Đức Giáo hoàng Benedict XVI thắp cây nến đầu tiên tại ...
-
I. Trends in Practicing Cao Dai Religion in the International Integration of Culture and Communication. II. Trends in Practicing Cao Dai ...
-
Thềm xuân rực rỡ cánh hoa mai, Giá hạc thừa lương đến cõi này, Thăm viếng con hiền câu đạo lý, Dặn dò ...
CƠ QUAN PTGL ĐẠI ĐẠO
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 23/04/2014
TỔNG LUẬN VỂ KHAI ĐẠO CAO ĐÀI
Ðạo Cao Ðài thành lập chưa được một thế kỷ, nhưng giáo lý Cao Ðài có tinh hoa của những tôn giáo xa xưa nhất, mà cũng đáp ứng sứ mạng cứu độ hiện đại nhất. Ðó là bản chất của Ðại Ðạo. Nên Cao Ðài Giáo là khởi động lực của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, và trong kỷ nguyên này Ðạo Cao Ðài có thể được xem là giai đoạn đầu của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
Từ ban sơ những yếu tố khai đạo đã thể hiện dấu ấn Ðại Ðạo của Cao Ðài: chính Ðức Thượng Ðế đến trần gian lập đạo. Ngày 24.04.1926 Ngài đã nhấn mạnh điều ấy:
“Thầy nhất định đến chính mình Thầy độ rỗi các con, chẳng chịu giao chánh pháp cho tay phàm nữa” (99).
Ngài cũng nêu rõ lý do:
“Các con ôi!...nói chung, Tam Giáo khai minh đã độ rỗi được một phần đắc quả vị, nhưng rồi trải qua bao cuộc biến thiên nên chánh giáo lại đi vào con đường u uẩn theo thể thức nhơn phàm san định lập thành. Ðối với hiện tại không còn hiệu lực giải thoát cho thế gian trước trào lưu hợp đồng của nhân loại để xua đuổi nhau vào con đường của chiến tranh mâu thuẫn cả thế giới. Nền Ðại Ðạo ngày nay Thầy lập trên lãnh thổ Việt Nam này với sứ mạng tinh lọc những chánh lý siêu nhiên của Tam Tông Âu Á làm nền tảng tận độ chúng sanh trở về với lý đồng minh hiện” (100).
Ðó là Thiên ý muốn đưa tôn giáo trở về với Ðại Ðạo, trở về chân lý tuyệt đối để lập thành đạo pháp cứu độ phổ quát có hiệu năng hơn hết. Thế nên chỉ có Ðức Chí Tôn ngự ngôi Giáo Chủ mới thực hiện được cơ qui nhất cho tôn giáo và truyền đạt giáo lý thuần nhất của Ðại Ðạo. Thượng Ðế là Ðại Ðạo, là biểu hiện của nhất nguyên, của cuộc qui nguyên vậy.
Tôn chỉ “Tam Giáo Qui Nguyên, Ngũ Chi Phục Nhất” của Ðại Ðạo là dấu ấn thứ hai của Ðại Ðạo. Ðạo Cao Ðài không được độc tôn là một tôn giáo cao siêu khác biệt mọi tôn giáo có trước. Tôn chỉ “Qui Nguyên”, “Phục Nhất” của Ðạo đương nhiên nhìn nhận giá trị vạn thù qui nhất bổn. Tất cả các tôn giáo đều phát sinh từ đức hiếu sanh của Thượng Ðế. Ngày nay thực hiện công cuộc thống hợp vạn giáo theo một nguyên lý duy nhất chính là thực hiện Tam Kỳ Phổ Ðộ mà phương thức là đặt trên nền tảng Tam Giáo (Nho Giáo - Tiên Giáo - Phật Giáo) và xếp các đạo thành hệ thống gọi là phục nhất ngũ chi. Ánh sáng của Ðạo mặc nhiên có ở thế gian từ muôn thuở, ngày nay Ðức Thượng Ðế muốn cho thế gian thấy đó là những giai tầng của nguồn Ðại Linh Quang để không cố chấp phân ly hầu tiến hóa tận nơi cứu cánh bổn nguyên thật sự của tất cả. Thế nên Ðại Ðạo là Ðại Ðạo của tất cả chứ không riêng Cao Ðài là Ðại Ðạo.
Sự tôn thờ Thánh Tượng Thiên Nhãn là sùng bái thần lực tối cao của vũ trụ lại có ý khải thị thần lực ấy nơi mỗi con người. Cao Ðài giáo xác minh con người là Tiểu linh quang có đồng phẩm tính với Ðại Linh Quang, nên rất tôn trọng bản vị con người. Câu xác quyết: “Thầy là các con, các con là Thầy” (101) của Thượng Ðế khích lệ con người tu tiến từ Nhân Bản của mình đến mức siêu việt.
Nhân sinh quan Cao Ðài là nhân sinh quan nhân bản, chủ trương sống đạo nhằm ba mục tiêu phụng sự dân sanh, xương minh dân trí, hoàn thành dân đức (102). Lại do nguyên lý Tiểu linh quang - Ðại Linh Quang nên con người không phải là một kẻ hèn hạ nô lệ thần quyền mà là một sứ mạng. Ý thức sứ mạng khiến con người có tự chủ, có niềm tin và đạt được năng lực Thiên Nhân hiệp nhất bằng phương pháp tu tiến toàn diện là tam công để hoàn thành sứ mạng ấy. Ðiểm vinh diệu là con người biết tự cứu độ và cứu độ được lẫn nhau. Thượng Ðế và các Ðấng hằng khải ngộ con người điều ấy.
Sự xuất hiện Cao Ðài giữa thời đại này, với chủ định nêu trên là đúng thời điểm cần kíp có một động năng thúc đẩy mọi thực tại tư tưởng loài người đang phân ly, mâu thuẫn, đổ vỡ, thanh lọc trở thành những thực tại nhất quán. Cao Ðài Giáo làm sứ mạng của cái ngòi, xã hội là môi trường biến dưỡng, nhân loại là năng lực chuyển hóa, thế giới đại đồng là kết quả tiến hóa của toàn thể quá trình Tam Kỳ Phổ Ðộ vậy.
_____________________
(99). Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Q1. Tòa Thánh Tây Ninh, 1973, trang 18.
(100). Tam Thừa Chơn Giáo, sđd. Q.1, trang 20.
(101). Ðức Chí Tôn, dạy ngày 20.12.1926, TNHT, Q.1,1973, trang 8.
(102). Ðức Lý Giáo Tông, Tam Thừa Chơn Giáo, Q.2, Hội Thánh Tam Quan, 1962 trang 1974.