Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Ý nghĩa của bốn chữ “Cửu Huyền Thất Tổ”
-
Xuân nầy cá sẽ hoa rồng, Việt Nam muôn thuở Thăng Long: ý Trời.
-
Question I am also interested in hearing more about ways in which Caodaism is becoming "globalized"----linked to communities in other countries ...
-
Nhịp Cầu Giáo Lý tiếp nhận "yêu cầu đăng báo" bài "Tuyên ngôn của Đức Cao Đài" của tác giả ...
-
Khi nói về đức tin, Ðức Phật đã dạy về 10 cơ sở của đức tin chân chánh: 01. Chớ vội ...
-
Trong quá trình phát triển theo thời gian, hầu như không có tôn giáo nào thoát khỏi tệ nạn phân ...
-
Từ thiên cổ người xưa đã từng ưu tư về kiếp sống ngắn ngủi mà các hung thần lão suy ...
-
Nói đến Giuđa Iscariốt, ai cũng biết, Oâng là kẻ phản bội Chúa Giêsu, là kẻ bán đứng Thầy mình. ...
-
Trong đời sống xã hội, gia đình nào cũng kỳ vọng vào con cái. Cha mẹ thể hiện trách nhiệm ...
-
Ngày 24 tháng 10 Tân Mão vừa qua, họ đạo Ngọc Điện Huỳnh Hà tổ chức lễ khánh thành ngôi ...
-
Dưới đây là bài phát biểu của Giáo Sư Thượng Liêm Thanh vào dịp Lễ Khánh Thành Trung Tông Thánh ...
-
Dân gian có câu: " Đi chùa quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng". Thật vậy, mỗi năm ra Tết, ...
Ngọc Huệ Chơn
Thời Trung
Mỗi thời tiết đều có Đạo sinh sôi và Đức hàm dưỡng của Đất Trời vạn vật. Đó là thời tiết của một năm. Còn lẽ bỉ thới hưng vong là thời của thế vận, thiên cơ luân động theo nhịp độ vận hành. Dù lớn hay nhỏ đều không ra ngoài cái vòng Tạo Hóa.
Bởi thế Cố Thánh khi ghi lại những đường nét Chu Dịch tuần hoàn đều nhắm vào Đạo Thời-Trung. Vậy thế nào là Thời Trung?
Làm sao lãnh hội được thời Trung đó? "
(Đức Lý Giáo Tông- Kỷ Mùi 1979)
Thời Trung, thiết nghĩ cần phải thấu triệt để hầu đạt lại cho đúng chỗ cái niềm tin thực sự trên bước đường tu thân hành đạo.
Xưa kia, Đức Khổng Tử đã dành trọn cuộc đời để nghiên cứu Kinh Dịch, san định Ngũ kinh cho đến "ba lần đứt sách" (vi biên tam tuyệt).
Vì sao một bực Thánh như Ngài mà còn học Dịch một cách nhiệt tâm như thế?
Là vì ngoài những câu phương ngôn bất hủ, Dịch còn hàm tích những lý cao siêu. Lấy phương châm, hành vi làm căn bản trên đường xử thế tiếp vật.
Bởi lẽ đó mà người tín hữu Cao Đài cần thấu triệt lý biến thông của càn khôn vũ trụ để mượn cái "Đạo làm người" (Nhơn đạo) bước lần lên "Đạo của Trời" (Thiên đạo).
Đạo làm người căn cứ trên Đạo của Trời mà tồn tại, nên dù to hay nhỏ, hoặc quyền năng đến đâu, con người cũng không ra ngoài cái luật của vũ trụ.
- Luật của Trời: tự nhiên đúng, vạn cổ không sai, không cố gắng mà tự nhiên đúng, không suy nghĩ mà vẫn nên hình, thung dung mà trúng Đạo.
- Luật của Người, thì phải bác học, thẩm vấn, minh biện, dốc hành theo Thiên Đạo mới thành Nhơn Đạo được.
Vậy thì hành đúng luật thiên nhiên tức là làm cho bản thân mình đúng với thăng bằng của vũ trụ (TRUNG).
Khi bản thân mình đi đúng với thăng bằng của vũ trụ là mình đã thăng bằng và hòa đồng với nhân loại, sự vật chung quanh, đó là DUNG hay HÒA.
Tóm lại, luật vũ trụ nằm trên cái thăng bằng (TRUNG) và hòa đồng nhau trong nhân loại ( DUNG hay HÒA).
Cho nên, con người phải lấy trạng thái TRÍ TRUNG HÒA làm mục đích. Thế nào là Trí Trung Hòa?
-TRÍ là làm cho mực thước.
-TRUNG là giữ cho có thăng bằng,
- HÒA là phải làm sao cho điều hòa.
Hành động đúng, không thiên lệch là TRUNG. Cư xử bình đẳng giữa nhân loại và sự vật chung quanh là HÒA.
Đường thiên lý trăm năm nghĩ có là bao:
- Nếu hành động đúng với cái Đạo Trung Hòa ấy thì tốt ( Kiết).
- Nếu sai nhiều với đường lối ấy là xấu (Hung).
- Nếu biết sai mà cố ăn năn hối cải để trở lại con đường tốt, đó là tự mình biết lỗi ( Hối).
- Còn đáng lẽ đi đúng Đạo Trung Hòa mà không đi thì là rất tiếc. Dịch gọi đó là Lẩn .
Bốn điều này thường nghe nhắc đến trong các Quái và Hào để chỉ những trạng thái sẽ được Kiết hay để rồi phải Hung, Hối hay Lẩn. Nếu ta không biết mà cứ mãi lầm lũi đi trên con đường Thiên lý ấy thì thật là tiếc. Vì ví như sống trong cuộc đời, dù muốn hay không ta cũng phải đi qua nhiều xóm nhà, lớn có nhỏ có, giàu có trù phú hay nghèo nàn lam lũ.
Đó là nhìn về ĐẠI CUỘC.
Rồi từ xóm này sang xóm khác, ta đi biết bao cây số, bao khúc đường hầm hố mà đôi lúc phải dừng chân để dò từng bước một, để tránh gai góc hiểm nguy; nhưng đôi lúc cũng thấy vui mà đa số là cạm bẫy.
Đó là TIỂU CUỘC.
Dù đại cuộc hay tiểu cuộc, tất cả đều do nơi sự chuyển biến của thời gian và của hai bước chân ta mà có:
- Thời gian thì có sáng có tối, còn bước chân thì có trái có mặt.
Tất cả đều do luật âm dương mà biến chuyển nhịp nhàng theo vũ trụ. Đúng thì nhịp nhàng , dễ chịu, vui mừng , hạnh phúc; còn sai thì khổ sở, đau đớn, bất hạnh.
Do đó mà trên những con đường đi người ta cắm nhiều tấm bảng chỉ cho bộ hành biết đường một hay 2 chiều, nơi quẹo trái, quẹo phải, nơi dừng…Dù có hay không có ai kiểm soát ta cũng phải tuân theo để tránh tai nạn. Thử tưởng tượng, người lái xe không tuân theo luật đi đường, nếu không đụng người cũng đâm xuống hố, thế nào cũng bị thiệt thòi và hối tiếc.
Vậy 4 tấm bảng Kiết, Hung, Hối, Lẩn trên đường Thiên lý, Dịch đã dạy ta phải bước đi nhịp nhàng với vũ trụ, hay là cái TÌNH của vũ trụ để mà biến chuyển đổi thay.
Còn cái TÌNH của người thì sao?
" Khi ghét, việc hay toan đánh đổ,
Lúc thương, việc dở khen hay! "
Vì thế mà con người tự mình muốn đi theo con đường cong cong, quẹo quẹo của tình cảm nhất thời , sẽ có ngày lọt hố sa hầm .
Nếu tình của vũ trụ và tình của con người hòa nhịp nhau thì giữ được TRUNG- HÒA với vũ trụ. Cho nên, trên đường Thiên lý, nếu sự sống và động tác không HÒA với vũ trụ thì chẳng khác chi người lái xe bất chấp những tấm bảng hướng dẫn luật lệ đi đường.
Như vậy, ta thấy Thượng Đế rất chu đáo, an bày cho nhân sinh, dạy dỗ cho nhân loại để trở nên trang đạo đức, đầy đủ bổn phận để sống cho có tình thương yêu của Tạo hóa, và dắt dìu con cái về nơi nhân bản, cội nguồn của con người Chơn Nhơn ,Hiền ,Thánh, Tiên, Phật.
"Tất cả con cái của Thầy Mẹ là những Thiên An Sứ mạng cần phải cầm đuốc soi đường, tìm cơ năng trong tầng sâu thẳm di động tiết tấu của Trời Đất- Người theo từng thời kỳ , từng giai đoạn để lột lần cái vỏ cá thể cấu hợp với vật loại biến chuyển theo thời gian, không gian ngõ hầu hòa hợp cốt tủy tinh hoa vào cái Đại Thể thì mới mong hoàn thành sứ mạng cứu cánh" - (BPCQ Huỳnh Chơn- kỷ mùi)
Sở dĩ ngày nay, đã trải qua trên 70 năm mà những đứa con của Đức Cao Đài vẫn chưa ngồi lại với nhau được, vì lòng người vẫn còn tranh chấp, phân chia trong vòng danh lợi,vị ngôi. Nói cách khác, bởi vì chúng ta không muốn tuân theo 4 tấm bảng hướng dẫn trên đườngThiên lý đó.
Mở đầu cuốn Trung Dung, Cố Thánh đã viết:
" Thiên Mạng chi vị TÁNH
Suất tánh chi vị ĐẠO
Tu Đạo chi vị GIÁO "
"Thiên Mạng chi vị Tánh" là nói đến cái nguyên lý tự nhiên đã phú bẩm cho con người mà Lý Tự Nhiên ấy là Thiên Mạng. Thiên không phải là Trời mà là Lý Tự Nhiên, âm dương hòa hợp trong vô hình mà sinh ra vạn vật. Khi còn ở Trời thì gọi rằng Mạng, mà khi đã phú cho người thì đó là Tánh. Vậy Tánh Mạng là hai từ mà một lẽ nên mới gọi "Thiên mạng chi vị Tánh"
" Suất tánh chi vị Đạo" là cái gì y theo Tánh mà không trái với Lý Tự Nhiên. Khi đã phù hợp với Mạng Trời mà lại hoàn thiện với Tánh Người thì đó là Đạo vậy. Vì Đạo tức Tánh, nghĩa là tự mình phát triển lẽ Hay, Đẹp nơi chính mình, nên có câu:" Nhân năng hoằng Đạo, phi Đạo hoằng Nhân". Đó là người tuân theo ( Suất sử) chớ không phải Tánh tuân theo con người. Nếu Người không theo ( qui về) Đạo thì Đạo không tự dưng mà hành sử được ( Cầu phi kỳ nhân đạo bất tu hành)
" Tu Đạo chi vị Giáo" là bực Thiên An Sứ mạng lấy công việc làm ( Tu Đạo) để hoàn thành tu chỉnh sứ mạng thiên nhiên, tức là lèo lái cái "Đạo Suất Tánh" để bớt chỗ thừa bù chỗ thiếu là những chướng ngại bên đường mà cũng là cánh sen vàng đang chớm nở trong kim thân. Người Thiên An có vẹt được áng mây mù để làm sáng lòng tỏ tánh của con người mà ai ai cũng có thì mới có thể gọi là hàng Đại Thừa Thiên Đạo mà người có sứ mạng cần phải thực hiện cho được trong giai đoạn này.
Nói cách khác, Đạo ở trong cái lẽ tự nhiên để làm đường lối và phương pháp cho loài người, nên nói Đạo tức là Tánh, mà muốn đường lối và phương pháp được thập phần hoàn mỹ thì phải nhờ ở công phu tu chỉnh tức là Giáo.
Đức Vân Hương Thánh Mẫu ( Kỷ Mùi-1979) dạy: "Nguười hành đạo là sửa đoan những điều sai thô mà hành cho đúng cái Đạo tự hữu của con người cho hợp với Thiên Lý nhân tâm…Mọi sự vật trên đời, không có vật gì sinh diệt mà không có nguyên nhân. Đã có nguyên nhân thì phải có khởi thỉ và kết chung. Người tỏ sáng Đạo Thường, biết lạc quan để sẵn sàng xây dựng cảnh đời bi quan trước mắt. Dù ít hay nhiều cũng đã thị hiện cái Đức của Trời Đất trong cái Lý Đạo vận hành".
TRUNG HÒA tuy hai chữ nhưng thật ra chỉ có một gốc, do chữ Đạo mà ra. Vì có đủ TRUNG với HÒA mới gọi được là Đạo, có TRUNG với HÒA mới theo được TÁNH. Nên muốn SUẤT TÁNH để TU ĐẠO thì phải giữ TRUNG để không thái quá mà cũng không bất cập mới giữ vững thăng bằng; còn HÒA là không ngang trái, không nồng nàn, cũng không lạt lẽo.
TRUNG ấy chính muôn đời căn bản,
HÒA kia là Đạo Quán thiên thu;
Ước gì đạt thể TRUNG HÒA,
Am êm trời đất nhởn nhơ muôn loài
( BS. Nguyễn văn Thọ)
Tôi xin mượn lời của Đức Diêu Trì Kim Mẫu để thay lời kết :
" Từ Đạo mà khởi điểm MỘT. Có MỘT rồi thì dịch hóa quần sinh, chí đến những cuộc ăn uống thường tình mà còn có tiền định thay, huống hồ chi một thế vận của một thời, một quốc gia, một thế giới.
Thạnh suy bỉ thới theo vòng biến hóa của nhân loại trong thời đó. Có u trệ đắm chìm trong cặn bả hồng trần, hay giác ngộ tiến hóa đến hàng thượng đẳng chánh chơn, Thiên điều sẽ do đó mà hủy diệt hay bảo tồn trong lẽ sinh diệt của Tạo Hóa. Các con phải khải nhập được Đạo ở chính mình rồi mới được sứ mạng Thiên An thì do theo Đạo Tự Nhiên đó mà tu tiến.
Các con đừng bao giờ để một vọng niệm thường tình làm áp đảo lòng con, bởi những bất mãn lặt vặt rồi con sinh ra tư tưởng ngược lại Thiên cơ. Các con phải nhận lấy sứ mạng của mình trong giai đoạn này. Có như thế thì dòng Thiên An Sứ Mạng đối với các con sẽ là một dòng suối cam lồ chảy vào khắp tâm thần trí não của con. Chừng đó, Thiên An Sứ Mạng mới thật sự hoàn thành, các con mới lèo lái được thuyền từ qua bến giác và chính con cũng đã đứng bên bờ giác hóa rồi vậy.
Muốn được như ý, con phải có một tâm đạo chí thành, một tinh thần bất biến, một ý chí kiên trì chuyên nhứt, siêng tu , siêng học.
Vì nhân loại chưa biết dụng Đạo Thời Trung nên Giáo Tông mới dạy Đạo Thời Trung" - ( Rằm Tháng 4 Kỷ Mùi-10-5-1979).