Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Đức Quan Thế Âm Bồ Tát dạy tại Vĩnh Nguyên Tự vào ngày 03-01-Giáp Dần (1974)
-
Nguyễn Trãi 阮薦 (1380–1442) hiệu là Ức Trai, là một anh hùng dân tộc, một danh nhân văn hóa thế ...
-
Lịch sử của tư tưởng nhân loại là một hành trình tìm kiếm lời giải đáp cho những câu hỏi ...
-
1) Trươc các tầng trời Ngài rạng rỡ uy nghi, Rộng lớn vô cùng và tế vi khôn tả Kìa, áo khoác ...
-
LTS:Tháng 10-2006, tại Hội nghị APEC diễn ra ở nước ta, 21 vị nguyên thủ quốc gia đã mặc ...
-
Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300) là anh hùng dân tộc, nhà văn hóa vĩ đại trong lịch sử Việt ...
-
Thiện thư 善書 hay khuyến thiện thư 勸善書 (books of edification; morality tracts) là một đặc chủng trong thư tịch ...
-
Buổi đời mạt pháp, nhơn loại tập nhiễm thói hư nết xấu của Đời, từ vô thỉ dĩ lai chồng ...
-
Đại Đạo khai minh kỳ ba độ tận nhân loại trên mọi phương diện của cuộc đời. Thế nên sứ ...
-
Tóm lược. Bài viết này chủ yếu diễn giải lời dạy của Đức Lý Giáo Tông về việc cần phát ...
-
Là hình thức với một số chữ nhứt định trong câu, có thể là mười hay mười ba, mười bốn, ...
-
"Chữ tâm là chốn Cao Đài, Không phân tả hữu là ngai Thượng Hoàng" Quách Hiệp Long Đó là lời dạy của đức ...
Đạt Truyền
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 10/11/2010
Thánh sở Cao Đài Tỉnh Tây Ninh
Thánh sở Cao Đài với Đạt Linh
Trong Xuân Tri Ân,([1]) chúng tôi có kể lại những chuyến đi ấn tượng nhứt, dài nhứt, những chuyến đi sợ hãi khó quên… Trong những chuyến đi đó chúng tôi đã được đồng đạo thương mến, tín nhiệm. Chúng tôi nhớ mãi tình cảm của các bạn đạo trên đảo Lý Sơn, trên núi Bình Thuận. Chúng tôi cũng nói về những lần đi chụp ảnh tưởng dễ mà khó, hai lần bị người địa phương giữ lại. Chúng tôi đã nhắc tới thánh thất ở bên kia biên giới Việt-Campuchia, thánh sở có người đạo để râu tóc, ngủ ngồi và chôn ngồi. Nay xin kể tiếp một số thánh sở có đặc thù khác.
Ngồi cúng, ngồi lạy trong Đền Thánh Tây Ninh
Ở thánh địa Châu Thành nói riêng, toàn tỉnh Tây Ninh nói chung, có rất nhiều di tích lịch sử đạo Cao Đài, nhiều thánh sở đặc trưng. Rất nhiều thánh sở Cao Đài ở gần sát nhau, tạo nên một quần thể.
Hai chúng tôi nhiều lần đi Tây Ninh chụp hình, thu thập tài liệu, tham dự các buổi cúng thời hoặc cúng tiểu, đại đàn ở Đền Thánh (Tòa Thánh Tây Ninh).
Đền Thánh nằm trong nội ô Tòa Thánh với hơn 30 dinh thự và nhà nội thuộc, trên diện tích 96 mẫu tây. Đền Thánh do Tiền bối Phạm Hộ Pháp cùng 500 thợ góp tay xây dựng. Suốt thời gian gần năm năm làm công quả, tất cả những người này đều giữ giới trường trai, thủ trinh. Việc tạo tác không có bản đồ án chi tiết nào vẽ ra giấy, không có kiến trúc sư hoặc kỹ sư xây dựng tham gia, và các Tiền bối cũng không xin phép chính quyền khi xây dựng.
Đền Thánh (được Ơn Trên dạy là Bạch Ngọc Kinh tại thế) xây dựng từ ngày 01-11-Bính Tý (14-02-1936) đến ngày 28-6-1941 là ngày Tiền bối Phạm Hộ Pháp bị thực dân Pháp bắt và đày đi đảo Madagascar (châu Phi). Tiếp tục trang trí thêm từ ngày 04-8 Bính Tuất (30-8-1946) đến ngày 03-01 năm Đinh Hợi (24-01-1947) thì hoàn thành.
Mặt tiền Đền Thánh quay về hướng tây. Bên dưới, trong lòng đất sâu 300 thước có 6 nguồn nước tụ lại gọi là Lục Long Phò Ẩn. Từ xa nhìn vào, Đền Thánh tượng hình con Long Mã quỳ mang hai chữ Nhơn Nghĩa.
Đền Thánh gồm ba đài (Hiệp Thiên Đài, Cửu Trùng Đài và Bát Quái Đài), dài 97,50 mét, ngang 22 mét, cao 28,20 mét.
Hiệp Thiên Đài có hai tháp sáu từng không đều nhau, với mái ngắn bao quanh phân chia các từng. Hai lầu chuông (Bạch Ngọc Chung Đài) và trống (Lôi Âm Cổ Đài) cao 28,20 mét.
Bên trong Cửu Trùng Đài có hai hàng cột rồng xanh. Mỗi hàng có chín cột rồng xanh tương ứng với chín cấp bực của Cửu Trùng Đài, đặt trên nền xây nhiều bực từ thấp lên cao dần về phía Bát Quái Đài. Cấp thứ nhứt có phần dành cho các chức sắc Hiệp Thiên Đài đứng chầu lễ ở giữa, hai bên dành cho tín đồ nam nữ chầu lễ. Từ cấp hai đến cấp chín lần lượt dành cho chức việc, Lễ sanh, Giáo hữu, Giáo sư, Phối sư, Đầu sư, Chưởng pháp và Giáo tông.
Bên trong Bát Quái Đài có mười hai bực hình bát giác đều, xếp chồng lên nhau từ thấp lên cao, từ lớn tới nhỏ.
Trung tâm Bát Quái Đài có một cột hình trụ, trên đặt có quả Càn Khôn là một khối cầu đường kính 3,30 mét sơn màu xanh da trời, trên đó vẽ 3072 ngôi sao. Phần hình cầu hướng về Cửu Trùng Đài vẽ một Thiên Nhãn tỏa hào quang, hiện ra giữa đám mây, ngay phía trên chòm sao Bắc Đẩu.
Dưới quả Càn Khôn có nhiều long vị chữ Nho ghi hồng danh Tam Giáo Đạo Tổ, Tam Trấn Oai Nghiêm.
Dưới tầng hầm ở Bát Quái Đài có di cốt của sáu vị: Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung, Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư, Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh, Thượng Chưởng Pháp Lê Bá Trang, Bảo Đạo Ca Minh Chương (sau khi được thiêu ở Đại Đồng Xã năm 1955). Hằng năm vào ngày 26 tháng Chạp, Lễ Vụ xuống hầm nầy làm vệ sinh một lần.
Con cái Đức Chí Tôn kỳ vọng Tổ Đình Tòa Thánh ngày sau sẽ được xây dựng thiệt thọ nơi nền móng Bát Quái Đài đã xây xong và đã lấp lại trong sân Đại Đồng Xã, phần đất từ trụ phướn đến cội bồ đề với kích thước to lớn hơn hiện nay (dài 135 mét, ngang 27 mét, cao 36 mét, đúng theo như họa đồ đầu tiên do Đức Lý Giáo Tông vẽ).
Người tín hữu Cao Đài được dạy khi cúng đều phải thành tâm, tư thế nghiêm chỉnh, quỳ thẳng lưng trong suốt thời cúng. Thời gian cúng đại đàn tại Đền Thánh dài 2 giờ 45 phút, tiểu dàn dài 1 giờ 30 phút, cúng thời 30 phút. Ở Tòa Thánh các vị chức sắc phẩm cao thường đã lớn tuổi, không đủ sức quỳ cúng lâu, vì vậy Tiền bối Phạm Hộ Pháp cho phép tất cả được ngồi khi cúng lạy trong Đền Thánh.
Đền Thánh Tây Ninh tuy to rộng nhưng vẫn không đủ chỗ cúng cho đông đảo tín đồ, chức việc và Lễ sanh. Có lần vì muốn dự cúng trung đàn vào giờ Ngọ ngày rằm tháng 8, sau khi cúng xong giờ Mẹo, nhiều người liền đứng xếp hàng trước hai bên cửa vào Đền Thánh. Hiền huynh Đạt Linh và tôi cũng đứng xếp hàng như thế trong bốn giờ liền.
Nhiều lần hiền huynh Đạt Linh nhớ Tòa Thánh, đề nghị tuần sau hai anh em cùng đi Tây Ninh, chỉ lên cúng rồi về. Thường chúng tôi chạy xe suốt một mạch tới Tây Ninh ăn sáng rồi ghé tìm kinh sách đạo, sau đó chờ đến giờ vào Đền Thánh cúng thời Ngọ, có khi cùng tham gia cúng cửu cho các đạo hữu vừa tạ thế.
Những chức sắc phẩm cao thì vào trước đứng đúng vào bậc của mình. Tín đồ thì quá đông, hai chúng tôi muốn chọn chỗ càng gần Thiên bàn càng tốt nên thay vì đứng ở bậc chót dành cho tín đồ, chúng tôi vào xếp hàng ở hành lang, nơi bậc có phẩm cao hơn.
Sau tiếng chuông lệnh ngồi cúng, tất cả mọi người đều ngồi bán già hoặc kiết già. Sau mỗi bài kinh, nghe chuông lệnh thì tất cả mọi người đều đồng ngồi lạy..
Cúng thời xong, đến lượt cúng cửu, tiểu tường, hay đại tường. Những vị không muốn dự thì có thể ra về. Các khay đựng bài vị và đèn nhang được đặt trên bàn có thể di chuyển. Người tạ thế thuộc phẩm nào thì bàn vong được đặt ở bậc phẩm ấy. Kinh cúng tuần cửu được đọc thứ tự từ cửu một đến cửu chín. Bàn vong được đặt ở bậc tương ứng từng tuần cửu. Sau rốt được đặt trở về bậc thứ sáu. Sau khi đọc xong các bài kinh cúng cửu hoặc tiểu, đại tường, đồng nhi từ trên bao lơn Thanh Đẳng xuống quỳ ở bậc thứ sáu tụng Di Lạc Chơn Kinh. Hai đồng nhi đánh chuông, gõ mõ làm lệnh, Các đồng nhi khác vừa quỳ trên nền gạch (không có gối) vừa đọc kinh và lạy 53 lạy (mỗi lần niệm danh một vị Phật hay Bồ Tát thì lạy một lạy).
Thánh thất không có tam đài
Hội Thánh Tây Ninh có quy định cất các thánh thất theo mẫu từ số 6 đến số 2. Mẫu số 6 và số 5 nhỏ, không có đủ tam đài (Hiệp Thiên Đài, Cửu Trùng Đài và Bát quái Đài) dành cho các thánh thất đất hẹp hoặc họ đạo nghèo. Riêng ở thánh địa Châu Thành, các Thánh thất nội thành cất không theo mẫu số 6 hoặc 5 và cũng không có tam đài do đó các tín đồ nội thành thường xuyên về Đền Thánh cúng tứ thời. Các Thánh thất nầy được đặt tên từ Đệ Nhứt đến Đệ Nhị Thập chứ không lấy theo tên địa phương. Sau năm 1975, các Thánh thất nầy đổi tên theo tên của ấp hoặc xã. Hiện có một số Thánh thất mới cất lại đủ tam đài.
Thánh thất gần Đền Thánh nhất
Chung quanh Đền Thánh Tây Ninh có 20 thánh thất nội thành. Nhưng Thánh thất Thái Bình Thánh Địa thuộc Ban Chỉnh Đạo là Thánh thất gần Đền Thánh nhất, chỉ cách cửa số 12 Toà Thánh chưa đầy 200 mét, người dân Tây Ninh thường gọi là nhà nhóm. Đầu tiên khi về Tây Ninh, các Tiền bối Lê Bá Trang, Nguyễn Ngọc Tương, Ngọc Lịch Nguyệt cất Thánh thất nơi đây để thờ cúng Đức Chí Tôn, sau để hội họp và nghỉ ngơi. Tại đây hiện còn giữ bộ bàn ghế, tủ thờ của Tiền bối Lê Bá Trang, còn nhà do Tiền bối Lê Văn Lịch cất. Trong lúc Pháp chiếm Tòa Thánh thì bảy cái ngai và bộ tàn lọng trong Đền Thánh được đưa về cất giữ ở nhà nhóm. Cách Thánh thất Thái Bình Thánh Địa hơn 300 mét lại có Minh Cảnh Thánh Đức Đàn (Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi).
Thánh thất trên đảo
Ở ven biển miền Nam, có nhiều thánh thất Cao Đài. Người Cao Đài đi biển đi sông có lòng tin tưởng đặc biệt nơi Đức Cao Đài Thượng Đế hằng cứu độ nhân sanh tu tiến và cứu giúp thoát khỏi tai nạn sông nước. Ở đảo khơi ngoài biển cả và trên các cù lao ở sông lớn có nhiều thánh thất Cao Đài được xây cất để những người sinh sống ở biển và miền sông nước tiện thờ cúng và cầu nguyện.
Ba huyện đảo ngoài biển khơi có thánh sở Cao Đài là Phú Quốc, Kiên Hải và Lý Sơn. Trước kia ở Côn Đảo đã từng có thánh sở Cao Đài (thời kỳ 1943 đến tháng 8-1945) trong thời gian chánh quyền Pháp lưu đày các Thiên phong chức sắc Cao Đài như Nguyễn Bửu Tài, Lê Kim Tỵ, Ngọc Lịch Nguyệt, Nguyễn Văn Tòng, Trần Quang Nghiêm, Trần Văn Tồn, Trần Thảnh Thơi, Trần Văn Quế, Lê Minh Tòng, Nguyễn Thế Hiển, v.v..
Ở huyện Cần Giờ (TpHCM) có xã đão Thạnh An, cách Cần Giờ khoảng 15km, có Thánh thất Thạnh An (Hội Tòa Thánh Tây Ninh) ở ấp Thạnh Hòa. Xã đảo Thạnh An nằm ngoài biển, án trước cửa sông Cái Mép trong vịnh Gành Rái. Xã đảo Thạnh An có 1096 hộ dân với dân số trên 4.100 người chuyên sống nghề biển. Hiền huynh Đạt Linh quen biết khá nhiều người có ghe tàu đi đánh bắt hải sản ở xã đảo nầy vì những năm sau 1975 họ từng nhờ huynh Đạt Linh (Nguyễn Văn Tài) tiện cốt máy, sửa chữa máy tàu…
Ở huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, có Thánh thất Nam Hoa (Hội Thánh Bạch Y) ở ấp Bãi Nam, xã đảo Hòn Nghệ. Đảo nầy có chu vi 7,5km, có 295 hộ với 2.114 người. Trên đảo có núi cao 338 mét, cách bờ biển Kiên Lương khoảng 20 km.
Đảo Phú Quốc còn gọi đảo Ngọc, là đảo lớn nhất của Việt Nam, cũng là đảo lớn nhất trong quần thể 22 đảo nằm trong Vịnh Thái Lan, thuộc huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, đảo rộng 574km2 dài, 50km, chỗ rộng nhất 25km, dân số 79.000 người. Đảo Phú Quốc có ba thánh sở Cao Đài.
- Cao Đài Thượng Đế là di tích lịch sử, nằm trên đồi cao tại ngã năm thị trấn Dương Đông. Trước kia đây là nền chùa Quan Âm bị hư phế. Để kỷ niệm nơi Tiền bối Ngô Văn Chiêu được Đức Cao Đài nhận làm vị đệ tử đầu tiên, một số đệ tử Cao Đài Chiếu Minh thuộc đàn Long Hoa gồm các ông Nguyễn Văn Truyện, Bùi Thiện Hùng, Trần Minh Trí… hiệp nhau xây cất lên Cao Đài Hội Thánh năm 1961.
- Thánh thất Linh Tiêu Cực (Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo) tại ấp 3, Suối Đá, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc.
- Thánh thất Dương Đông (Hội Thánh Tây Ninh) vừa mới xây lại và khánh thành năm 2008, ở khu phố 2, đường Nguyễn Trãi, thị xã Dương Đông.
Huyện đảo Kiên Hải thuộc tỉnh Kiên Giang có diện tích 30km2, dân số 25.000 người, có bốn xã là Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn và quần đảo Nam Du. Trên xã đảo Lại Sơn có Thánh thất Lại Sơn (Hội Thánh Bạch Y) ở ấp Bãi Nhà. Đảo Lại Sơn (còn gọi là Hòn Rái hay Hòn Sơn Rái) có khoảng 1.600 hộ dân, cách Rạch Giá 65km, rộng 11,7km, trên có bảy ngọn núi. Ngọn cao nhứt (450 mét) cùng tên với núi Ma Thiên Lãnh ở Côn Đảo.
Huyện đảo Lý Sơn cách bờ biển Quảng Ngãi 24km. Huyện có hai đảo chính là đảo Lớn và đảo Bé. Huyện lỵ Lý Sơn đặt tại đảo Lớn. Đảo Lớn có hai xã Lý Vĩnh và Lý Hải đều chuyên trồng tỏi. Đảo Lý Sơn (còn gọi là cù lao Ré) được tách ra năm 1992 từ huyện Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi. Đảo có diện tích 9,97km2, dân số 20.000 người.
Thánh thất Lý Sơn (thuộc Hội Thánh Tây Ninh) ở tại xã Lý Vĩnh, và Thánh thất Lý Sơn (thuộc Hội Thánh Truyền Giáo) ở tại đội 6, thôn Tây, xã Lý Vĩnh. Đầu tiên họ đạo Lý Sơn (Hội Thánh Truyền Giáo) thờ Thánh tượng Thiên Nhãn tại nhà mẹ ông Lễ sanh Trần Thiệt từ năm 1940. Năm 1960 Thánh thất mới được xây cấp 4, và từ đó đến nay được trùng tu nhiều lần.
Thánh thất trên cù lao
Sông Mê Kông dài 4.500km bắt nguồn từ Tây Tạng. Sông Tiền và sông Hậu là đoạn hạ lưu của sông Mê Kông chảy qua miền Nam Việt Nam, được tách ra khi đến Phnom Penh và cuối cùng chảy ra biển Nam Hải chia làm chín cửa (nên gọi sông Cửu Long). Giữa hai sông Tiền và sông Hậu có rất nhiều cù lao lớn nhỏ. Riêng giữa sông Tiền cũng có nhiều cù lao lớn nhỏ khác nhau. Ở hạ lưu trước khi đổ ra biển có ba cù lao lớn (cù lao Minh, cù lao Bảo, cù lao An Hóa) tạo thành tỉnh Bến Tre với trên 100 thánh sở Cao Đài.
Các cù lao nhỏ trên sông Tiền cũng có nhiều thánh sở Cao Đài như cù lao Long Khánh với dân số 1090 người, ở ấp Long Châu, xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự, có điện thờ Phật mẫu Long Khánh. Cù lao Tân Phong rộng 10km2 ở ấp Tân Bường, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy có thánh thất Tân Phong (Hội Thánh Tây Ninh). Cù lao Tiên Lợi có thánh tịnh An Long Hóa Tự ở ấp Tiên Lợi, xã Tiên Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Cù lao Tân Thới có Thánh tịnh Thanh Huệ Long ở ấp Tân Lợi và Thánh tịnh Vĩnh Thanh Quang ở ấp Tân Hiệp, xã Tân Thới, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Cù lao Hòa Minh, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh ở ấp Long Hưng có Thánh thất Hòa Minh (Hội Thánh Tây Ninh), và ở ấp Giồng Gíá có Thánh thất Hòa Minh (Hội Thánh Ban Chỉnh Đạo).
Cù lao Phố của sông Đồng Nai có Thánh thất Bửu Cảnh Nhứt Hòa ở ấp Nhứt Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Đây là Thánh thất đơn lập có quả Càn Khôn nơi Bát Quái Đài, được xây dựng do lịnh Ơn Trên dạy.
Thánh thất ngay tại thủ đô Hà Nội
Thánh thất Thủ Đô Hà Nội (Hội Thánh Ban Chỉnh Đạo) từ năm 1939 đến 1948 đã qua sáu lần dời chỗ: số 12 ngõ Mai Hương, phố Bạch Mai; số 61 phố Mã Mây; số 25 phố Hàn Thuyên; số 34 phố Dumoutier; số 96-98 phố Duvigneau; và sau cùng về số 48 phố Hòa Mã. Thánh thất nguyên là một biệt thự cũ và nhỏ, do Giáo Sư Phùng Văn Thới thuê của Hội Ái Hữu Bưu Điện Hà Nội năm 1945.
Thánh thất Hòa Mã trong suốt thời gian từ 1949 đến 1998 được tiền bối Tô Văn Pho (Thượng Pho Thanh) làm sáng danh Cao Đài trong trách nhiệm lãnh đạo Thánh thất và đại diện Cao Đài ở miền Bắc. Do công sức của Nữ Phối Sư Hương Bình, Thánh thất được xây kiên cố năm 2000 có đủ tam đài và Thiên phong đường, có phòng lưu trú riêng cho khách nam và nữ.
Thánh thất có tinh thần hòa hợp, không phân chia chi phái, đúng như tinh thần thống nhất chi phái do Anh Cả Cao Triều Phát đề ra từ năm 1955. Mặc dù thuộc Hội Thánh Ban Chỉnh Đạo, nhưng trên bảng tên Thánh thất Thủ Đô Hà Nội không ghi thuộc Hội thánh nào. Thánh thất có mối quan hệ rất tốt đẹp và rộng rãi với tất cả các chi phái, các thánh sở đơn lập ở ba miền Nam, Trung, Bắc.
ĐẠT TRUYỀN
________________________________________
([1]) Nxb Tôn Giáo, Quý I-2010, tr. 71-78: “Viết tiếp về năm năm đi tìm thánh sở Cao Đài với Đạt Linh”.