Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
06/05/2025
Huệ NHẫn

NHỨT KỲ - NHỊ KỲ - TAM KỲ PHỔ ĐỘ

 
  Ý NGHĨA  NHỨT KỲ - NHỊ KỲ - TAM KỲ PHỔ ĐỘ
 
Đây là một đề tài về tôn giáo vừa rộng vừa sâu; rộng suốt cả tiến trình lịch sử loài người và sâu, từ cuộc sống con người đến phần tâm linh, phần linh hồn của chúng ta. Nói cách khác, Tam Kỳ Phổ Độ là luận về đại cuộc độ dẫn của Ơn Trên giúp con người tiến hóa phần tâm linh, bên cạnh sự tiến bộ của văn minh vật chất, theo giáo lý đạo Cao Đài.
Từ ngàn xưa, câu hỏi về thân phận con người là: Con người từ đâu đến, đến để làm gì, và sẽ đi về đâu. Câu hỏi này được giáo lý Cao Đài giải đáp, rằng: Linh hồn con người có căn cơ phóng phát từ Thượng Đế Đại Linh Quang, gọi là điểm Tiểu Linh Quang, nhập vào thể xác tạm ở cõi trần này để tiến hóa, tiến hóa qua nhiều kiếp, cuối cùng, trở về cùng Thượng Đế với nhũng thành quả tiến bộ của mình, góp phần vào tiến hóa chung của vũ trụ.
I. TAM NGUƠN TRONG LỊCH SỬ LOÀI NGƯỜI
Trong quá trình nhập thế để tiến hóa của con người, khác với thú vật, riêng con người có trí thông minh. Xuất hiện trên địa cầu muộn nhất, mới khoảng 200.000 năm (động vật trên cạn xuất hiện đã hơn 360 triệu năm), con người thông minh đúng nghĩa (Homo sapiens) đã dùng trí tuệ làm bá chủ muôn loài. Ban đầu, trí não dần phát triển để có tiếng nói giao tiếp nhau, rồi có chữ viết sơ khai lưu lại tư tưởng… Trí tuệ giúp con người chế tạo các công cụ lao động, dệt vải, biết trồng trọt chăn nuôi, lịch sử con người gọi thời này là Thượng cổ; theo sơ sử của nước ta, đây là các đời vua Hùng Vương, cách nay khoảng 4.500 năm, hầu như ngang với thời Ngũ Đế ở Trung Hoa (với các vị vua Nghiêu, Thuấn). Nói chung. Thời Thượng cổ chưa có chữ viết nên tất cả đều là truyền thuyết.
Thánh giáo Cao Đài, Đức Chí Tôn cho biết đó là đời Thượng Nguơn:
“Thượng Nguơn[1]Thời kỳ ấy người người đồng hấp thụ khí thiên nhiên, nên hằng cộng hưởng thanh nhàn khoái lạc vui say mùi Ðạo tháng ngày. Bởi đó đời Thượng cổ mới có danh là đời "Thượng Ðức"…” [2]
Làm ra và tích lũy nhiều thực phẩm, dụng cụ, người có của cải ban đầu lấy đó giúp người nghèo nên được nể trọng, được khen, có danh dự, tuy nhiên, dần về sau trở thành danh tiếng rồi danh vọng. Tài lộc và danh vọng làm con người ngày càng hết hồn nhiên, xa rời Đạo lý.
Một thời gian dài vài ngàn năm tiếp theo đó, con người vào thời Trung Nguơn, sách sử gọi là thời Trung cổ, sự cạnh tranh càng quyết liệt hơn, Ơn Trên gọi đây là Nguơn Thượng Lực.
“Bởi đó đời Trung cổ mới có danh là đời "Thượng Lực".
Đến nay là thời Hạ Nguơn, Thầy dạy:
     “Sự tranh đấu ngày càng ráo riết, dữ tợn… Bởi đó đời hiện tại là đời "Mạt Kiếp".
Chúng ta thường thấy kinh sách gọi nay là thời Hạ Nguơn Mạt kiếp.
Theo giáo lý đạo Cao Đài, như đã nói trên, phần linh hồn con người là Tiểu Linh Quang, chiết từ Đại Linh Quang của Thượng Đế, nhập vào thể xác tạm ở cõi trần này để tiến hóa. Nếu con người cứ mãi sống bám vào vật chất, tìm cầu danh lợi tất nhiên bị luật nhân quả, sẽ chìm đắm nơi “Biển trần khổ vơi vơi trời nước” này, sự tiến hóa riêng cá nhân đó bị ngưng trệ; nhiều người ngưng trệ, cả xã hội thoái hóa, sẽ ảnh hưởng đến sự tiến hóa chung. Vậy nên Đức Thượng Đế phải can thiệp, đó là lý do có hai chữ “Phổ Độ”. Phổ Độ để tiến hóa, chúng tôi thường gọi các kỳ phổ độ là Sử Quan Cao Đài Giáo; có lẽ cũng là mục đích Ban Tổ chức đưa ra đề tài hôm nay.
II.  TẠI SAO CON NGƯỜI CẦN ĐƯỢC PHỔ ĐỘ
Trước hết, xin nói về hai chữ “Phổ Độ”. Phổ (普) là rộng khắp ra mọi nơi, như trong chữ phổ biến, phổ cập. Độ (渡), nghĩa gốc là đưa qua sông, từ bờ sông này qua bờ kia (chữ Độ có bộ thủy). Ngày xưa chưa có máy móc tàu sắt như bây giờ, chèo thuyền đưa được người qua sông lớn tốn rất nhiều công sức. Phật giáo lấy hình tượng đó ví như việc đua người từ bến mê qua bờ giác, gọi là độ dẫn chúng sanh. Hiểu đúng lý, Độ không phải đưa phần thể xác tạm bợ này qua bờ giác mà là đưa phần tâm linh con người, giúp người hiểu được Đạo lý để tự mình giác ngộ. Do hiểu thoát ý, nên trong chữ Độ sau này không có bộ thủy (度), phần tự mình, tự học, tự hành, tự tu là phần quyết định.
Nhưng để tự học được trọn, trước hết phải có người dạy căn bản trước. Người học chữ học toán phải đi từ ABC, từ cộng trừ nhân chia… cần thầy giỏi và tận tâm. Học Đạo lý là phần trừu tượng, khó hơn học chữ học toán nhiều và rất dễ sai hướng, vậy nên, người dạy phải do Thượng Đế cắt đặt, cho xuống thế gian làm Giáo Chủ, dạy chánh đạo cho nhân thế. “Kế hoạch” của Đức Thượng Đế, theo giáo lý Cao Đài, thật là chặt chẽ: Tùy theo thời kỳ, tùy theo trình độ tiến hóa, tùy từng địa phương… Đức Thượng Đế chiết Linh Quang xuống thế gian làm các vị Giáo Chủ, làm các Đấng “Ngôi Hai” thay Trời khai mở các nền tôn giáo. Trong kinh Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q.1, Thầy cho biết rõ:
“NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ VIẾT CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT GIÁO ÐẠO NAM PHƯƠNG
Nhiên Ðăng Cổ Phật thị Ngã,
      Thích Ca Mâu Ni thị Ngã,
      Thái Thượng Ngươn Thỉ thị Ngã,
      Kim viết Cao Ðài.”[3]

Qua Thánh giáo trên, Đức Chí Tôn xác định các Đấng Giáo Chủ ngày xưa như Nhiên Đăng Cổ Phật, Thích Ca Như Lai, Thái Thượng Đạo Tổ… đều “thị Ngã”, đều “chính là Ta”; và “kim viết Cao Đài” có nghĩa: nay gọi là Cao Đài.
Nói cách khác, khi xưa, Đức Chí Tôn tùy theo trình độ từng địa phương, đã ban xuống thế gian nhiều đợt Phổ Độ, mỗi đợt, Thầy chiết Linh Quang thành một Đấng Giáo Chủ khác nhau. Thế giới hiện có nhiều tôn giáo là vậy.
III.  TAM KỲ PHỔ ĐỘ
Theo Thánh giáo Cao Đài, qua sắp xếp của Đức Chí Tôn, thế gian đã có được ba đợt Phổ Độ, gọi là Tam Kỳ Phổ Độ. Do chữ “Kỳ” nghĩa là thời kỳ, Tam Kỳ được hiểu là: Ba thời kỳ, và cũng được hiểu là Thời kỳ thứ Ba, nên cụm từ Tam Kỳ Phổ Độ bao hàm hai ý nghĩa:
Ý thứ nhất: Diễn tả lần lượt cho ba lần (ba kỳ) Trời gieo mối Đạo xuống trần gian; gồm đệ Nhất kỳ (kỳ thứ nhất), đệ Nhị kỳ (kỳ thứ nhì), và đệ Tam kỳ (kỳ thứ ba).
Ý thứ hai: Nói riêng cho lần phổ độ thứ Ba.
Danh hiệu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (Phổ độ lần thứ Ba) còn có nghĩa là đạo Cao Đài.
Phần trình bày hôm nay nhằm phân tích ý thứ nhất: Tam Kỳ Phổ Độ là ba đợt Trời dạy Đạo cho nhân sanh, trong đó bao hàm luôn ý thứ hai.
1. NHỨT KỲ PHỔ ĐỘ
Vào thời Thượng cổ dân chúng sống trong an lạc no ấm “nhà không đóng cửa, ngoài đường chẳng lượm của rơi”. Đến cuối Thượng Nguơn, một mặt nhân loại cần được giáo hóa để kịp với đà tiến bộ, mặt khác, đạo đức đã chớm suy vi, Trời ban ơn Nhất Kỳ Phổ Độ, truyền thuyết kể lại:
  • Phật Đạo: Đời vua Hiên Viên Huỳnh Đế (2697-2597 TTL) bên Trung Hoa, Đức Nhiên Đăng Cổ Phật từ ngôi Hư Vô Thiên tá thế hóa độ chúng sanh. Theo kinh Đại Trí Độ, khi đản sanh, thân Ngài sáng như đèn nên gọi Nhiên Đăng (Nhiên là đốt cháy, Đăng là cây đèn). Sau khi nhập Niết bàn, Đức Phật Nhiên Đăng được tôn là Chưởng Giáo Đạo Phật. Trong Tam Thề Phật, Ngài là đại diện chư Phật thời quá khứ (Nhiên Đăng Cổ Phật).     
  •   Tiên Đạo: Trong thần thoại Đạo giáo, Đức Thái Thượng Đạo Quân có trước cả trời đất, chính là nguyên khí thời hỗn mang ngưng kết mà thành. Đức Thái Thượng Đạo Tổ còn được gọi là Đạo Đức Thiên Tôn, từ cõi Tiên Thiên ứng hiện nhiều lần nơi thế gian cứu độ quần sanh. Đức Thái Thượng được Đạo Giáo tôn là một trong Tam Thanh, là ba vị Thần Tiên tối cao gồm: Thái Thanh Thái Thượng Đạo Quân; Thượng Thanh Linh Bảo Thiên Tôn và Ngọc Thanh Nguơn Thủy Thiên Tôn.
  • Thánh Đạo: Khu vực Tây Á, vào khoảng năm 1300 trước Tây lịch, xuất hiện Thánh Moise trong gia đình dân Do Thái sang định cư ở Ai Cập. Tên Moise tiếng Hebrew có nghĩa là “cứu khỏi nước” do sự tích thời ấy vua Ai Cập ban lịnh giết hết trẻ trai Do Thái mới sanh, mẹ Moise đặt con lên bè trả trôi trên sông Nil, được một công chúa vớt và nhận làm con nuôi. Kinh Cựu Ước đã ghi lại sự tích Thánh Moise hướng dẫn dân Do Thái lánh nạn Ai Cập. Trên đỉnh núi Sinai, qua thời gian tĩnh tu 40 ngày Thánh Moise được tiếp xúc với Thiên Chúa, sau đó Ngài rao giảng “10 điều răn”[4] của Thiên Chúa và tôn vinh Đức Chúa Trời (Yahweh) cho dân Do Thái. Thánh Moise được một số tôn giáo tôn là “Nhà Tiên Tri”[5] cấp cao nhứt của Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo…
  • Nhơn Đạo: Tại Trung Quốc, vào đời vua Phục Hy (2852 - 2737 TTL), Long Mã mang Hà Đồ xuất hiện. Vua Phục Hy nhờ căn cứ theo nghĩa lý Hà Đồ, Ngài phát minh Bát Quái Tiên Thiên. Đến đời vua Đại Võ (2205 - 2197 TTL) nhờ Lạc Thơ trên lưng Thần Quy, Vua Võ viết nên Hồng Phạm Cửu Trù. Cũng từ căn bản Hà Đồ và Lạc Thơ, các vị Thánh nhân xưa (Phục Hy, Hạ Võ, Văn Vương, Chu Công...) định đặt nên Nhân đạo và Thiên đạo bước đầu, thể hiện trong kinh Dịch còn đến nay.
2. NHỊ KỲ PHỔ ĐỘ
Qua đến thời Trung cổ, theo đạo cũng gọi là Trung Nguơn, diễn ra trong khoảng 20 thế kỷ (từ 1000 năm trước Tây lịch đến khoảng 1000 năm sau Tây lịch). Lúc ấy, trên toàn địa cầu, các quốc gia bắt đầu hình thành khá rõ, có biên giới tiếp giáp nhau mà sự phân ranh chủ yếu bằng sức mạnh binh lực hơn là tập quán, dân tộc. Chính trong mỗi nước, việc soán ngôi đổi chủ cũng hay xảy ra. Xã hội loạn lạc, dân tình thường sống trong bất an.
Vào thời này, nhiều tôn giáo xuất hiện và phát triển đồng loạt:
  •   Phật Đạo: Tại Ấn Độ, Đức Phật Thích Ca giáng sanh vào năm 624 trước Tây lịch[6]. Đang là Thái tử nước Ca Tỳ La Vệ (miền nam Nepal ngày nay), Ngài rời bỏ ngai vàng năm 29 tuổi tìm phương tu giải thoát tứ khổ. Qua nhiều gian truân, Ngài đã giác ngộ dưới cội bồ đề năm 35 tuổi và giành quảng đời sau đó truyền Phật pháp với nhiều cấp độ theo Bát Chánh Đạo để diệt khổ, giác ngộ chơn lý, và mỗi người phải tự bước đi trên con đường giác ngộ riêng mình.
Sau khi Phật nhập diệt (năm 80 tuổi), Thượng tọa Ca Diếp triệu tập 500 vị A La Hán để ghi lại những lời Phật dạy, đó chính là Đại hội Kết tập Kinh điển Phật giáo lần thứ nhứt. Trong Tam Thế Phật, Phật Thích Ca là Phật hiện tại.
  • Tiên Đạo: Đức Lão Tử (571- 471 TTL), sanh tại nước Sở, nay thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc vào đời nhà Chu. Các tư liệu trên chỉ là truyền thuyết, có thể nói không ai biết chính xác lai lịch của Ngài. Cũng qua truyền tụng, Ngài khi mới sanh ra đầu tóc đã bạc nên gọi là Lão Tử. Chữ Lão cũng có nghĩa là đáng tôn kính.
Đức Lão Tử để lại cho đời bộ Đạo Đức Kinh cao diệu trước khi rời khỏi ải Hàm Cốc cỡi trâu vào sa mạc Tây Vực mênh mông (điều này khác hơn các Giáo Tổ khác, kinh văn để lại đều do đệ tử viết); trong Đạo Đức Kinh, tư tưởng về “Đạo” và lẽ sống thuận theo tự nhiên của Ngài ảnh hưởng lớn đến tư tưởng triết học Trung quốc qua nhiều đời. Đức Lão Tử được tôn là Giáo Chủ Đạo Giáo (Tiên Giáo).
  •  Thánh Đạo: Thời đế quốc La Mã thống trị vùng Địa Trung Hải và phần lớn Châu Âu, khoảng vài mươi năm trước và sau Tây lịch, vua chúa bạo ngược, xung đột liên miên khiến dân tình không yên ổn.
Theo sách Luca trong Tân Ước, Chúa Giê su[7] ra đời tại Bethlehem xứ Palestine miền Tây Á bởi Đức Nữ Đồng trinh Maria. Ngày Giáng sinh 25.12 do Thiên Chúa Giáo lựa chọn. Năm sanh của Ngài được chọn là năm thứ nhứt Tây lịch, nhưng nay được tính lại thành năm thứ sáu. Đến khoảng 30 tuổi, Đức Giê su đến gặp nhà tiên tri Giăng Bap tít để được làm lễ Báp têm (gần giống lễ Nhập môn của Cao Đài)[8]. Nhờ sự mặc khải của Đức Chúa Trời, Đức Giê su vào hoang mạc ẩn tu 40 ngày để cầu nguyện, tiếp nhận Thiên ân và chịu thử thách. Sau đó, Ngài nhập thế truyền giảng giáo lý, khơi dậy nhân bản, tình thương, lòng bác ái để con người tin vào sự mặc khải của Đức Chúa Trời.Theo ghi chép trong phúc âm Matthew, Đức Giê-su nói: "Các ngươi đừng tưởng Ta đến đặng bãi bỏ luật Mô-sê hay là lời các ngôn sứ; ta đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn".
Một ngày vào năm 33 tuổi, Ngài đã thoát xác trên Thập tự giá. Cũng từ ngày đó, chiếc Thập Tự Thánh Giá trở nên một biểu tượng của Thiên Chúa Giáo, được số đông hơi 2,6 tỷ người, nhất là ở phương Tây, kính ngưỡng.
Kinh Thánh Thiên Chúa Giáo gồm Cựu Ước và Tân Ước.Cựu Ước được tuyển chọn từ kinh Tanakh của Do Thái Giáo; Tân Ước là các sách do các môn đệ của Chúa Giê su và những người kế thừa được soi sáng để viết ra.
  • Vùng đất Arập vào thế kỷ thứ VI bị phân hóa vì nhiều trận chiến tranh giữa các dân tộc, xã hội không ổn định. Đức Muhammed (570-632) - còn được gọi là Nhà Tiên Tri - sanh ra tại thành phố Mecca, bán đảo Arập. Từ năm 6 tuổi đã mồ côi cha mẹ, sống với ông nội, từ nhỏ, Ngài đã mang danh hào hiệp giúp người. Sau khi đã có gia đình, gần 40 tuổi Ngài đã phát tâm ẩn mình trong núi sống khổ hạnh, cầu nguyện, Ngài được Thiên sứ Gabriel truyền lời mặc khải của Thiên Chúa trong một hang động, những lời mặc khải này được Ngài chép lại thành kinh Koran (Qur’an). Sau nhiều tháng tự vấn và tiếp xúc với Thiên sứ Gabriel, Ngài nhận sứ mạng là Nhà Tiên Tri được Thượng Đế (Đấng Allah) cử xuống dẫn dắt nhân loại, Đức Muhammed soạn và rao giảng bộ kinh Qur’an trong hơn 20 năm, lập nên Hồi Giáo, giáo lý chú trọng đến tình đồng loại, khơi dậy lòng bác ái của con người và trọn tin Đức Thượng Đế là Đấng Tối Cao.
Người Hồi Giáo xem thiên kinh Qur’an là sự hướng dẫn, răn dạy của Thiên Chúa, sách Quy phạm (Sunnah) và sách Hadith do các học giả viết về hành trạng và đức tin của Đức Muhammad; từ các kinh sách ấy, các Giáo sĩ Hồi Giáo viết nên Luật Sharia. Hồi Giáo (tiếng Á Rập gọi là Islam) hiện nay là tôn giáo lớn thứ hai trên thế giới với hơn 2 tỷ tín đồ.
  • Nhơn Đạo: Đức Khổng Tử tên là Khổng Khâu (551- 479 TTL) sanh tại Khúc Phụ, nước Lỗ (nay thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) thời Xuân Thu, trong cảnh xã hội loạn lạc. Năm 2 tuổi cha mất, nhà nghèo Ngài phải đi làm sớm dù ham học. Đến 15 tuổi, Ngài bắt đầu học nhiều môn học và nghiên cứu lễ giáo, đạo lý. Năm 22 tuổi Ngài bắt đầu dạy học. Năm 30 tuổi, Ngài được vua nước Lỗ cấp phương tiện đi các nơi khảo cứu luật lệ và kinh sách xưa, sau đó tiếp tục dạy học. Năm hơn 40 tuổi, số môn đệ Đức Khổng có lúc đến 3000 người. Năm 50 tuổi, vua Lỗ phong Ngài chức Đại Tư khấu. Năm 55 tuổi, Đức Khổng từ quan, đi chu du các nơi rao giảng tư tưởng của mình.
Hệ thống giáo lý triết học của Khổng Tử nhấn mạnh yếu tố đạo đức của mỗi cá nhân lẫn chính quyền, tính đúng đắn trong các mối quan hệ xã hội, sự công bằng, lòng nhân ái và tính chân thành;nhưng lúc ấy chẳng ai muốn áp dụng.
Năm 69 tuổi, Đức Khổng trở về quê nhàchuyên tâm viết sách. Đức Khổng Tử đã san định lại Lục Kinh gồm: Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu; trong đó Kinh Nhạc đã thất truyền, còn lại Ngũ Kinh. Kinh Thư và Kinh Xuân Thu là sách sử. Riêng Kinh Dịch ngoài phần Nhơn Đạo có đề cập đến Thiên Đạo nhưng ít người lưu ý. Theo truyền thống, Đức Khổng Tử được xem là nhà hiền triết Trung Quốc mẫu mực nhất.
Tất cả các vị Giáo Chủ trên đều là những “Đấng Ngôi Hai”, được Thượng Đế cho xuống thế gian vào Nhị Kỳ Phổ Độ truyền giảng đạo lý cho loài người.
3. TAM KỲ PHỔ ĐỘ
  a. Phát xuất nhiều tư tưởng dung hòa trên thế giới
 Thời nay đã đến cuối Hạ Nguơn, tiến bộ văn minh tiến đến mức cao điểm, con người như thông thiên đạt địa. Thầy dạy trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển: “Còn nay thì nhơn loại đã hiệp đồng, Càn Khôn dĩ tận thức”.Nhiều người coi trọng văn minh vật chất, các giá trị tinh thần lại bị xem nhẹ. Như để chuẩn bị cho cơ cứu thế kỳ ba, một số tôn giáo cùng nhiều tư tưởng triết học có tính đại đồng và đề cao “Vạn giáo nhất lý” đã xuất hiện trên thế giới vào hậu bán thế kỷ thứ 19. Thí dụ:
  •  Năm 1875, tại Mỹ, bà Blavatsky lập trụ sở Thông Thiên Học (sau đó dời về Madras - Ấn Độ). Thông Thiên Học chủ trương: “Không tôn giáo nào vượt qua chân lý”.
  •  Năm 1893, Đại Hội Tôn giáo Thế Giới (lần I) được triệu tập tại Chicago (Hoa Kỳ).
  •  Năm 1900, Hội nghị Quốc tế về lịch sử Tôn giáo (lần I) được triệu tập tại Paris (Pháp).
Nhiều trường đại học danh tiếng mở khoa Tôn giáo đối chiếu như: Oxford (Anh), Sorbonne (Pháp), Yales (Hoa Kỳ)... kèm theo đó nhiều sách vở, báo chí được ấn hành với mục đích tương tự.
Đầu thế kỷ 20, trên thế giới đã chấp nhận tư tưởng dung hợp giáo lý căn bản của các tôn giáo, thích ứng với khuynh hướng tiến bộ về mọi mặt.
 b. Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ khai minh
Thời điểm Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ khai minh trước nhân loài, trước quốc tếlà ngày rằm tháng 10 năm Bính Dần (19.11.1926) với danh xưng chánh thức là Cao Đài Giáo, đúng vào giữa thời điểm mở màn hai cuộc đại chiến kinh hoàng: Đệ Nhứt thế chiến (1914 - 1918) và Đệ Nhị thế chiến (1939 - 1945).
Ngày rằm tháng 10 năm Bính Dần, Đức Chí Tôn tá danh Cao Đài, Giáo Chủ nền tân tôn giáo, giáng ban Pháp Chánh Truyền là luật pháp căn bản của đạo Cao Đài, đó cũng là ngày lập Hội Thánh đầu tiên. Nhờ Pháp Chánh Truyền, các Chức sắc có quyền pháp hành đạo; cũng từ đó, Hội Thánh làm nhiệm vụ là Thánh thể Đức Chí Tôn tại thế gian, là cầu nối liền giữa vạn linh với Đấng Chí Linh.
Trong bối cảnh xã hội đang rất loạn động, Đại Đạo khai minh là một ân phước to lớn cho nhân loại mà con người phàm trần vẫn chưa thấy, chưa biết, nhưng sự kiện khai Tam Kỳ Phổ Độ đã khiến chấn động Thiên Đình, chư Tiên Phật rất vui mừng. Đức Phật Thích Ca trầm mặc như vậy mà đã cho biết:
“Khánh hỉ! Khánh hỉ. Hội đắc Tam Kỳ Phổ Ðộ: Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật
đại hỉ, phát đại tiếu. Ngã vô lự tam đồ chi khổ. Khả tùng giáo NGỌC ÐẾ viết CAO ÐÀI ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.” [9]
Cùng trong đàn hôm ấy, Đức Chí Tôn dạy:
“Tam Kỳ Phổ Ðộ là gì?
  - Là Phổ Ðộ lần thứ ba.
 Sao gọi là Phổ Ðộ? Phổ Ðộ nghĩa là gì?
  - Phổ là bày ra.
 Ðộ là gì?
  - Là cứu chúng sanh.”
Trong buổi đàn sau, Đức Chí Tôn giải thích thêm:
“Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con, chẳng chịu giao Chánh Giáo cho tay phàm nữa. Nhưng mà buộc phải lập Chánh Thể, có lớn nhỏ đặng dễ thế cho các con dìu dắt lẫn nhau, anh trước em sau mà đến nơi Bồng Ðảo.” [10]
a. Đức Chí Tôn lập Chánh Thể tức là lập Hội Thánh với Pháp Chánh Truyền và Tân Luật, nói cách khác là lập nền tôn giáo mới thời Tam Kỳ Phổ Độ, đó là đạo Cao Đài, Giáo Chủ là Đức Chí Tôn Thượng Đế tá danh Cao Đài Tiên Ông.Từ Nhất đến Nhị Kỳ Phổ Độ, không có Đấng Giáo Chủ chánh giáo nào từng xưng mình là Thượng Đế cả. Do cơ đời diễn biến quá mạnh bạo, nay chỉ có sức của Trời mới cứu độ nổi kiếp nạn chúng sanh, đây là một ân phước quá lớn cho loài người.
Người tín đồ Cao Đài được phép gọi Đức Chí Tôn hay Đức Cao Đài, Giáo Chủ của mối Đạo, là Thầy.
b. Khai Tam Kỳ Phổ Độ, qua hình thức tôn giáo là Đạo Cao Đài, Đức Thượng Đế thống hợp tinh ba Tam Giáo, là truyền thống từ xưa của dân tộc Việt, đề cao tư tưởng tu thân, tề gia, trị quốc của Nho Giáo, tư tưởng vạn vật đồng nhất thể, đề cao thiên nhiên của Đạo Giáo và tư tưởng suy nghiệm cái tâm, từ tâm người đến tâm vũ trụ, vừa hiện thực vừa ảo diệu của Phật Giáo.
c. Khai Tam Kỳ Phổ Độ, Ơn Trên ân ban cơ Đạo Ân Xá, người tu được tiếp tu học chơn truyền Đại Đại Đạo, tu một kiếp cũng có thể đắc thành (tùy mức độ), thậm chí có thể cứu Cửu Huyền Thất Tổ; tất nhiên tất cả đều trong luật công bình.
d.Khai đạo Tam Kỳ, Đức Chí Tôn giao sứ mạng cho dân tộc Việt Nam. Năm 1926, Đạo Cao Đài chánh thức khai minh tại miền Nam nước Việt. Với quan điểm phụng sự nhân sanh trong cơ tiến hóa, Mục đích, Tôn chỉ và Lập trường của Cao Đài Giáo rất rõ ràng. Giáo lý và Nghi lễ của Đạo Cao Đài được trình bày trong nhiều bài giảng khác, nơi đây, chỉ xin ghi nhận một số nét chánh yếu, như sau:
   1. Sự Thờ phượng:
Đấng Giáo Chủ của mối Đạo là chính Đức Thượng Đế tá danh Cao Đài với quyền năng tuyệt đối “Vi Thánh Thần Tiên Phật chi chủ”. Thượng Đế thể hiện trên Thiên bàn qua biểu tượng “Thiên Nhãn”; Thiên Nhãn là Thần lực của Trời. Ân phước của người tín đồ Cao Đài chúng ta là luôn có Trời hiện diện tại tư gia mình; mỗi khi cúng là chúng ta được ơn trực tiếp kiến diện hầu Đức Thượng Đế.
Thời Tam Kỳ, dưới Thiên Nhãn có Tam Giáo Đạo Tổ (Phật Thích Ca Như Lai; Thái Thượng Đạo Tổ và Khổng Thánh Tiên Sư), dưới là Tam Trấn Oai Nghiêm (Thái Bạch Kim Tinh; Quan Thế Âm Bồ Tát và Hiệp Thiên Đại Đế). Trên Điện thờ tại Tòa Thánh, dưới Thiên Nhãn là các Đấng Ngũ Giáo Thánh Nhơn của Ngũ Chi từ trên xuống: Phật Đạo, Tiên Đạo, Thánh Đạo, Thần Đạo và Nhơn Đạo.
    2, Một số nét chánh yếu:
  • Người chọn tu theo Cao Đài Giáo trước hết phải Nhập Môn với thủ tục quy định trong Tân Luật (Chương II: Về người giữ đạo). Nhập môn là chọn tiến hòa theo Đức Chí Tôn, vậy nên, để xứng đáng quỳ trước Thầy, đệ tử phải chấp hành đúng Luật định (Chay lạt, Giáo luật…).
Theo giáo lý Cao Đài Giáo, trình tự tu học và hành đạo của tín đồ có đầy đủ các bước từ thấp đến cao, từ Hạ thừa lên Thượng thừa, có Ngoại giáo Công truyền và Nội giáo Tâm truyền. Ở cấp bậc tu trì nào của Cao Đài Giáo cũng đều bao gồm phần tự độ và độ tha.
  • Cao Đài Giáo thật sự nâng tầm tiến hóa cho phụ nữ. Phụ nữ cùng tham gia việc tu hành cùng nam giới trên cả hai phương diện tâm linh và nhân sanh thế đạo. Đây hầu như là lần đầu tiên trong lịch sử tôn giáo, phái nữ được tôn vào hàng chức sắc cao cấp (Đầu Sư); có riêng Hội Thánh Nữ phái.
Trên đây chỉ là những nét chánh yếu, còn rất nhiều lý huyền nhiệm khác trong giáo lý và giáo pháp Cao Đài, từ đó hun đúc nên những tư tưởng siêu việt, làm giềng mối cho cơ tận độ kỳ cuối cùng này.
III. KẾT LUẬN
Sự hiện hữu và vận động của vạn vật trong vũ trụ đều nằm trong Luật Tiến Hóa của Đạo và do Đức Thượng Đế Thái Cực Thánh Hoàng “thống ngự”; Con người là một thành phần quan trọng nằm ở cuối chu trình tiến hóa ấy. Sự tiến hóa của con người đặt nặng phần tâm linh. Phần tâm linh khởi từ sự tin tưởng, rồi dần nâng lên thành đức tin. Nếu để tự nhiên, đức tin sẽ phát triển ra nhiều dạng nhiều xu hướng, nên rất cần phải được định hướng từ đầu, vì vậy, từ xưa Ơn Trên cho tôn giáo xuất hiện để đức tin được định hướng đúng, với những giáo điều giới luật.
Đức Thượng Đế chủ trì việc khai mở các nền tôn giáo xuống thế gian, qua các kỳ Phổ độ, lập nên một hệ thống chánh đạo cho nhân loại, giúp nhân loại tiến hóa tiếp, đến nấc thang cuối cùng là vào hàng Thần Thánh, được vô sanh.
Chúng ta đây, tự thấy là những người may mắn làm đệ tử Đức Chí Tôn, đang còn trên “biển trần khổ” nhưng mình đã được lên thuyền Bác Nhã, phải cố tự chèo đến bờ giác, và trên đường đi nên độ thêm bạn thiện tri thức đồng hành; tu hành có bạn chắc chắn sẽ xuôi chèo mát mái. Lời Thầy dạy thời Khai đạo:
Các con một đầu, Thầy một đầu, nắm chặt tay lưới vớt cả chúng sanh. Ngày vui của các con chẳng phải nơi thế gian này, mà là ngày các con hội hiệp cùng Thầy nơi Bạch Ngọc Kinh.  [11]
Đó là ý nghĩa chữ “Phổ Độ” chúng ta đang thọ nhận.
HUỆ NHẪN
 Hạ chí 2024


[1]Nguơn còn đọc là Nguyên (元) có nghĩa là căn bản, chánh yếu.
[2]Đại Thừa Chơn Giáo, chương Dưỡng Sanh Tánh Mạng.
[3] Vĩnh Nguyên Tự, ngày 25.2 Bính Dần  (07.4.1926).
[4]Đức Chúa Trời có mười điều răn: Thứ nhất: Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự; Thứ hai: Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ; Thứ ba: Giữ ngày Chúa nhật; Thứ bốn: Thảo kính cha mẹ; Thứ năm: Chớ giết người; Thứ sáu: Chớ làm sự dâm dục; Thứ bảy: Chớ lấy của người; Thứ tám: Chớ làm chứng dối; Thứ chín: Chớ muốn vợ chồng người; Thứ mười: Chớ tham của người.
[5]Nhà Tiên Tri còn gọi là Ngôn Sứ, là một cá nhân được coi là tiếp xúc với thần linh, là đại biểu thần linh, là trung gian giữa thần linh và người, đem thông tin hoặc giáo lý đến từ nguồn gốc siêu tự nhiên truyền đạt cho người khác.
[6]Trước đây, năm sanh của Đức Phật có nhiều tranh cải, Đại hội Phật Giáo Thế giới đã đồng thuận Đức Phật sanh năm 624 và thọ 80 tuổi (năm 544 TTL).
[7] Tên gọi Giêsu trong tiếng Hebrew là Yehoshua có nghĩa "Đức Chúa là Đấng Cứu Độ".
[8]"Khi ấy, Giê-su từ xứ Ga-li-lê đến cùng Giăng tại sông Jordan, đặng chịu người làm phép báp têm. Song Giăng từ chối mà rằng: Chính tôi cần phải chịu Ngài làm phép báp têm, mà Ngài trở lại đến cùng tôi sao! Giê-su đáp rằng: Bây giờ cứ làm đi, vì chúng ta nên làm trọn mọi việc công bình như vậy. Giăng bèn vâng lời Ngài." – Phúc âm Matthew 3: 13 – 15
 [9] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 1, bài 8, đàn ngày  08.4.1926.
[10] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 1, bài 10, đàn ngày  24.4.1926.
[11]Đàn Tết Dương lịch 1927 (Hương Hiếu, Đạo Sử 2, tr.133).
Huệ NHẫn

Cõi trần thế bể dâu lắm lúc,
Vòng trái oan câu thúc bao lần,
Sắc tài danh lợi ái ân,
Trăm năm ràng buộc tấm thân đọa đày.
Sớm giác ngộ con quày bước lại,
Phá vô minh đoạn máy luân hồi,
Đạo là lẽ sống con ôi,
Trong con thì Đạo, đất trời là tâm.

Đức Diêu Trì Kim Mẫu, CQPTGL, 14-8 Nhâm Tuất

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây