Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Đờn ca tài tử là đứa con nội sinh của văn hoá Nam bộ nửa cuối thế kỷ 19, được ...
-
Đức Bát Nhã Thiền Sư & Đức Quan Thế Âm Bồ Tát dạy tại Minh Lý Thánh Hội & Huờn ...
-
Con người hôm nay và con người hôm qua – con người của ngàn xưa – dường như không khác ...
-
Sám hối /
Đức Chí Tôn dạy rằng: \"Mỗi khi đứa nào lầm lỡ một việc gì, rán mà sám hối ăn năn, ...
-
Lúc dương khí manh nha từ cuối Đông thì người nhạy cảm với tiết trời đã thấy mang máng một ...
-
Huyền vi bí mật Tạo-Đoan đã cho một tánh-chất ly-kỳ bí mật , là khôn-ngoan hơn Vạn-Vật, do khôn-ngoan ấy ...
-
NGŨ NGUYỆN : THÁNH THẤT AN NINH Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời, 14 tháng Giêng Kỷ Dậu (2/3/69) TAM thiên ...
-
BỐN BÀI THÁNH GIÁO ĐẦU TIÊN SẼ LẦN LƯỢT HỌC TRONG NĂM 2017 -ĐINH DẬU
-
Bà Năm vừa đốt ba cây nhang khấn vái xong thì ông Năm về liền, cho biết rằng ông đang ...
-
Câu chuyện đức tin THÁNH THẤT THÀNH CÔNG - NHỮNG ĐIỀU HUYỀN DIỆU Trong thời đại văn minh, một xã hội duy ...
-
Học tập Thánh giáo – Tháng 6 nhuần năm Đinh Dậu 2017 Trúc Lâm Thiền Điện, 20-10 Quý Sửu (14-11-1973) Học tập ...
-
Đài Cao đất Việt Thiện Quang "Taynào đắp Đài Cao đất Việt Taynào xây Thánh Triết Nambang Làm cho mối đạo huy hoàng Làm cho ...
Huệ Nhẫn
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 11/02/2010
NHỮNG SỰ KIỆN ĐẶC BIỆT VỀ ĐỨC ĐẦU SƯ NGỌC LỊCH NGUYỆT
Ngày kỷ niệm này càng đặc biệt hơn đối với Vĩnh Nguyên Tự và Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo chúng ta, không những là vì hiện còn nhiều hậu duệ của Ngài đang hành đạo, mà hơn nữa, chính Đức Ngọc Lịch sau khi đăng Tiên đã nhiều lần giáng dạy nhiều Thánh giáo quan trọng.
Thông thường, đối với các bậc đạo cao đức trọng, chúng ta có hai ngày kỷ niệm: ngày sanh (còn gọi là ngày Khánh đản) và ngày mất. Người Việt thường chọn ngày mất và lấy ngày này làm "đám giỗ". Riêng với Đức Ngọc, Ngài sanh ngày 1.9 và đăng Tiên ngày 2.9, nếu "cúng thường" sẽ trùng dụng vào 1.9, thành ra cũng có thể xem đây là trường hợp đặc biệt, dường như chỉ có Ngài Phan Văn Tòng, vị Đệ Nhứt Giáo Tông phái Đạo Tiên Thiên (sanh và liễu cùng ngày 8.8 âm lịch) là trường hợp tương tự.
Kỷ niệm các vị Tiền Khai không gì hơn là chúng ta cùng ôn lại đạo nghiệp của quý Ngài để làm gương đạo cho các thế hệ sau. Với Đức Ngọc Lịch Nguyệt, điều cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là : Ngài đã có được một môi trường thuận lợi ngay từ thuở nhỏ, sanh ra và lớn lên trong một gia đình đạo đức.
I.- KHỞI ĐẦU TRONG MÔI TRƯỜNG ĐẠO ĐỨC.
Nghiên cứu về lịch sử Đạo Cao Đài, xét riêng về tiểu sử từng vị Tiền Khai, chúng ta phần nào thấy được sự sắp xếp bố trí "Thành phần nhân sự" cho việc khai mở Đạo Cao Đài của Đức Chí Tôn. Chư Tiền Khai đều là nguyên nhân xuống trần theo sự sắp xếp từ 60 năm trước đó (TNHT). Đến thế gian, mỗi vị có một con đường riêng. Nhiều vị thành công trên chốn quan trường, tạo "thế lực" cho Đạo buổi sơ khai đối với nhà cầm quyền Pháp bấy giờ. Đức Ngọc Lịch lại được định theo một con đường khác : đi tu từ nhỏ.
* Đức Ngọc sanh vào ngày 1.9 Canh Dần (1890) tại Cần Giuộc. Từ nhỏ đến khi trưởng thành Ngài sống cạnh cha (là Ngài Lê Văn Tiểng, một gương đạo hạnh mẫu mực). Đến năm 1908, từ khi Ngài Lê Văn Tiểng xây dựng ngôi Vĩnh Nguyên Tự, người thanh niên 19 tuổi Lê Văn Lịch đã hòa mình hẳn vào môi trường đạo đức. Môi trường ngày càng thuận lợi hơn khi ngôi Vĩnh Nguyên lúc ấy được nhiều người tín nhiệm, chọn làm chỗ đến tu hành, tập hợp nhiều người tài đức. Với tất cả Thiên thời, Địa lợi, Nhơn hòa ấy un đúc dần, khiến chàng thanh niên Lê Văn Lịch phát tâm ham mộ tu hành. Từ đó, Ngài chuyên chú tiếp thu giáo lý, giáo pháp Minh Đường, đờng thời với Hán Học, y lý Đông Phương… Và Ngài luôn được thân phụ, lúc này đã là Thái Lão Sư Lê Đạo Long, quan tâm chăm sóc.
* Năm 1926, Đức Chí Tôn khai mở mối Đạo Cao Đài tại Saigon, năm ấy Ngài Lê Văn Lịch 37 tuổi, và lúc này, Ngài đã nắm vững những điều đạo học cần yếu. Như là tiền định, Vĩnh Nguyên Tự ngay sau đó được Ơn Trên thâu phục làm một trong những Thánh Sở ban đầu của Đạo Cao Đài. Thái Lão Sư Lê Đạo Long đã Đăng Thiên từ năm 1913. Ngài Lê Văn Lịch tiếp tục được sự hỗ trợ của Thái Lão Sư Trần Đạo Minh (nhạc phụ Ngài) để chuyển toàn bộ nền đạo Minh Đường tại Vĩnh Nguyên Tự qua nền tôn giáo mới. Rằm tháng 3 Bính Dần, Ngài Lê chính thức thọ thiên phong phẩm Ngọc Đầu Sư (Ngọc Lịch Nguyệt).
Đến cuối năm Bính Dần (1926), cùng với Thái Lão Sư Trần Đạo Minh (lúc này đã thọ thiên phong Ngọc Chưởng Pháp), nhị vị đồng tham gia tích cực vào Đại lễ Khai Minh Đại Đạo tại chùa Gò Kén, sau đó có mặt đầy đủ để tiếp Pháp Chánh Truyền , hoàn thành công quả soạn và trình Tân Luật (cùng với chư vị Đầu Sư và Chưởng Pháp khác).
Các mốc thời gian kể trên đều nằm trọn vào giai đoạn lịch sử quan trọng trong buổi đầu thành lập Đạo, nên công đức của chư vị Tiền Khai luôn được người đời sau ghi nhớ.
II.- SƠ KẾT MỘT SỐ ĐIỂM ĐẶC BIỆT TRONG CÔNG NGHIỆP ĐẠO CỦA ĐỨC NGỌC LỊCH NGUYỆT.
1.- Đầu năm 1926, đang là chủ chùa Vĩnh Nguyên (thuộc Đạo Minh Đường), Ngài Lê Văn Lịch có một quyết định hết sức quan trọng là, chuyển tu theo Đạo Cao Đài. Từ một nền tôn giáo được nhiều người biết và rất trân trọng, chuyển qua một tôn giáo còn quá mới (chưa Khai Minh) không mấy người biết tới. Ngày 28.2.Bính Dần, Ngài thượng tượng thờ Thầy tại nhà, tạo nên một chấn động rất lớn tại Vĩnh Nguyên Tự.
Nghiên cứu về mặt lịch sử, đây là trường hợp đầu tiên một chức sắc tôn giáo khác (Ngài đang phẩm Dẫn Ân, bực Nhị Thừa đạo Minh Đường) nhập môn Cao Đài.
2.- Từ điều đặc biệt đầu kể trên đến một trường hợp đặc biệt thứ hai : Ngôi Vĩnh Nguyên Tự là ngôi chùa của một tôn giáo khác đầu tiên quy nhập Cao Đài, Vĩnh Nguyên Tự chánh thức thành một Thánh Sở Cao Đài tháng 2 năm Bính Dần. Trước đó, có thể có một số nơi làm "nhà đàn" cúng kính, phò cơ để chư Thiên giáng dạy Đạo nhưng đều là tư gia của các tín hữu. Cũng có một số đình chùa có lập đàn nhưng không chuyển hẳn qua Cao Đài. Vĩnh Nguyên Tự là trường hợp đầu tiên.
3.- Một điểm đặc biệt, có thể gọi là một kỷ lục nữa, đó là Ngài là người thọ Thiên phong chức sắc đầu tiên (cùng lúc với một số vị khác như Ngài Lê Văn Trung, Ngài Phạm Công Tắc…). Lễ Thiên Phong chức sắc lần I tổ chức tại nhà Ngài Thượng Trung Nhựt rằm tháng 3 Bính Dần.
4.- Một điểm nổi bật kèm theo, đó là Ngài đã thọ phẩm Đầu Sư, cao nhứt bên Cửu Trùng Đài lúc bấy giờ, lúc 37 tuổi. Điều này, cho đến nay, chưa thấy có trường hợp nào khác thọ Thiên phong Đầu Sư có tuổi đời trẻ hơn hoặc bằng Ngài Ngọc Lịch Nguyệt là vị Đầu Sư trẻ tuổi nhất, tính đến nay, và có lẽ về sau cũng khó vị nào đạt được.
5.- Ngày mồng 3 tháng 2 Bính Dần, Đức Chí Tôn ban lệnh cho chư vị Tiền Khai Cao Đài xuống Vĩnh Nguyên Tự học pháp môn :
"Trung, Cu, Tắc ! Thầy dặn ba con nội hạ tuần tháng 2 phải xin nghỉ một tuần lễ, xuống ở tại chùa Minh Đường của Lịch mà học đạo thêm…Lịch dạy chúng nó nghe. Thầy hằng bên chúng nó".
Ngay từ buổi đầu khai nhánh Phổ Độ, bên cạnh nhánh Tâm Truyền của Đức Ngô được Thầy khai mở trước đó, việc tu học đạo pháp đã được Ơn Trên rất chú trọng, giúp cho người hành đạo có đủ Thần lực thi hành sứ mạng. Và, qua Thánh giáo trên, rõ ràng là Ngài Lê Văn Lịch là người đầu tiên được ơn Đức Chí Tôn giao phó nhiệm vụ dạy pháp môn tu luyện cho nhánh Phổ Độ công truyền.
Đợt xuống Vĩnh Nguyên Tự học đạo pháp này được Ngài Thượng Trung Nhựt nhắc đến trong điếu văn Bảo Đạo Ca Minh Chương (người gốc Cần Giuộc) (in nơi trang 29 quyển Tiểu sử Đức Giáo Tông Thượng Trung Nhựt).
6.- Một điều hết sức đặc biệt khác nữa, đó là, Ngài Ngọc Lịch Nguyệt là người được Ơn Trên chọn thực hiện bí pháp Đạo đầu tiên. Bí pháp là các pháp môn bí mật của đạo chỉ có những vị được giao trọng trách nắm giữ. Ngày nay, các bí pháp chúng ta thấy như các linh phù do các vị chủ lễ họa khi nhập môn, tắm thánh .v.v… Thực hiện bí pháp phải do các vị có đủ thần lực và đức độ để khi thực hiện, các bí pháp ấy mới linh nghiệm.
Ngày Rằm tháng 3 Bính Dần, trong cuộc lễ Thiên phong chức sắc lần I, lá phù Kim Quang Tiên (dán trên bài vị Cửu Thiên Cảm Ứng Lôi Thinh Phổ Hóa Thiên Tôn (Bùa Ngũ Lôi) và lá phù Giáng Ma Xử do Ngài Hộ Pháp cầm trên tay. Đây là hai vị trí mà chư vị thọ Thiên Phong quỳ thề. Các lá phù ấy đều do Ngài Lê Văn Lịch thọ lệnh Đức Chí Tôn, dùng thần lực họa nên.
7.- Chính thức được Đức Chí Tôn giao chọn kinh.
Trong khoảng thời gian giữa năm Bính Dần, Ngài Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt thọ lệnh Đức Chí Tôn bổ sung kinh nhựt tụng, Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu kể lại :
"Nguyên hồi Đạo sơ khai, chúng tôi chỉ đọc mấy bài kinh vắn vắn của Ngài Ngô Văn Chiêu và Ngài Vương Quan Kỳ trao cho. Sau, Đức Chí Tôn giao cho ông Ngọc Lịch Nguyệt (Lê Văn Lịch) cái trách nhiệm lựa kinh thêm. Ông Lê chọn được bài "Ngọc Hoàng Kinh" (Đại La Thiên Đế) và ba bài Tam giáo là "Phật, Tiên và Nho giáo" Trích bài trả lời của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu cho một đạo hữu tên Nguyễn Tú Thà ở Sa Đéc, đăng trên tạp chí Đại Đồng (Liên Hòa Tổng Hội), số 16, ra ngày 1.7.1940, nơi trang 17
Bốn bài kinh này gốc là kinh Minh Sư, được Ơn Trên giáng bút tả ở Trung Hoa nhiều năm trước. Chắc rằng khi chọn kinh, Ngài Ngọc Lịch Nguyệt đã có thỉnh ý kiến Ngài Thái Lão Sư Trần Đạo Minh trước khi quyết định.
Những điều đặc biệt được liệt kê nêu trên có thể chưa kể hết về Ngài Ngọc Lịch Nguyệt, nhưng có lẽ cũng quá đủ để chúng ta ý thức được các công việc lớn lao mà Đức Chí Tôn giao phó cho Đức Ngọc trong buổi đầu Khai Đạo hết sức quan trọng ấy. Nhưng để tóm lại, một cách tổng quát, điểm quan trọng mấu chốt, có tính quyết định, là điểm chúng tôi đã nêu đầu tiên : Tâm chí của Ngài đã định hướng, một cách dứt khoát, là chọn Đạo Thầy ngay khi được tiếp xúc. Tâm chí ấy Ngài giữ đến suốt đời. Nhờ đó chúng ta có một Đức Ngọc vừa trân trọng, vừa thân thương như ngày nay Vĩnh Nguyên Tự và Cơ Quan cùng toàn đạo tôn kính. Tâm chí ấy là bài học cho chúng ta ngày nay và mãi mãi về sau.
Lúc sinh thời Nghiên cứu về lịch sử Đạo, chúng ta sẽ thấy Ngài Ngọc Lịch Nguyệt có ít bài viết để lại, nhưng bài nào Ngài cũng đưa vào đó tâm huyết của mình. Năm 1938, trong tình hình Đạo đã chia ra nhiều chi phái, Ngài viết bài báo mang tựa đề : "Tấm lòng vì Đạo", ký tên Ngọc Lịch Nguyệt, đăng trong tạp chí Đại Đạo Quy Nguyên Lược Luận, số 10 ( Cơ Quan của Liên Hòa Tổng Hội) xin trích một vài đoạn, như sau :
"Đứng trong Đạo buổi nầy, dầu tâm trí cao trọng, chí khí sâu xa thế nào đi nữa, cũng phải tùng thời đặng cư xử hòa bình mà tìm phương bảo tồn chơn đạo (…)
Thế thời trong vòng hữu định nên năng lực (hữu định – NV) phải kiên nể ghê sợ cái năng lực nào quyền thế mạnh mẻ hơn tiêu diệt nó đặng. Còn cái năng lực tâm lý chơn truyền của Chí Tôn vốn không hạn chế nên chẳng chịu khiếp nhược dưới phép của một quyền nào (…)
Xưa, các vị giáo chủ phân biệt tôn giáo ra hai phần: Một là sắc tướng, hai là chơn truyền tâm lý, sắc tướng có quyền cải đổi chớ tâm lý chơn truyền không thể sai ly. Vì vậy, mà hạng trí sĩ cũng nhiều kẻ phải lánh mình ra ngoài vòng chia rẻ mới biết tự hiểu mình là Đạo mà Đạo là mình, nên biết nạp dụng cái năng lực vô cùng của chơn truyền chánh pháp. Bực chơn tu hằng lo sợ cho sắc tướng thắng tâm lý chơn truyền, nên hằng dẫn giải cho khỏi bị sắc tướng đè ép. Hay lưu kinh, để tích, chỉ phương pháp bí yếu chơn truyền, nhờ đó mà đời đã có biết bao thánh đức hiền tài, là những đấng biết dùng tâm ký chơn truyền, lo tinh thần, mới sản xuất vị ngôi Tiên Phật (…)
Điều chơn chánh, lẽ vạy tà, nếu xét ra cho cạn lý thì cũng do lương tâm mỗi người định vậy. Có thấy tà mới hiểu chánh, có rõ thấu tâm lý chơn truyền mới biết, thấy rõ thế thời, sắc tướng (…)
Căn nguyên khai đạo tâm lý chơn truyền, sắc tướng thế thời như chốn thí trường, để cho vạn linh ứng thí. Siêu đọa chờ ngày phán đoán. Hiện nay, lo cho con đường thiện quả, Chí Tôn mới dùng nhiều phương cách mà dạy dỗ nhơn sanh, cũng để tà cho người thấy chánh; cũng dùng chánh để ngăn sửa kẻ tà.
Bực trí sĩ nên rõ thế thời"
Kết luận của bài báo của Ngài Ngọc Lịch Nguyệt cũng là phần chấm dứt bài nói chuyện hôm nay.
(Buổi nói chuyện tại Cơ Quan PTGLĐĐ
1.9.Bính Tuất (22/10/2006)