Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
07/09/2013
Thượng Liêm Thanh

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 07/09/2013

Quá trình hình thành Trung Tông Thánh Tịnh



SƠ LƯỢC
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH
TRUNG TÔNG THÁNH TỊNH
VÀ ĐÀN HUYỀN QUAN

GS. THƯỢNG LIÊM THANH

Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.

Trong đầy dẫy phước lành của cơ thành tựu Đại Đạo, chúng ta đang chung cùng thần khí giữa không gian tâm linh mừng ngày lạc thành ngôi Trung Tông Thánh Tịnh – Đàn Huyền Quan thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài.
Tệ đệ xin mượn chút ngôn ngữ thi ca mô tả ý nghĩa về ngày duyên hội đầy Thánh quang điển huệ hôm nay.
Lạc thành cảnh tịnh.
Giọt nắng hè ươm nồng Thánh khiết,
ấp ủ bình yên cho một ngày đặc biệt.
Ngày hội vàng Tông Đạo Trung Châu,
Khắp hướng bừng lên ánh nhiệm mầu
Muôn thanh sắc tụ chung về gốc Đạo.
Thánh điển,
Mandala,
Trung Tông Truyền Giáo
Cả bốn bề phẳng lặng đón ân Thiên
Vạn lời kinh chung nhịp Thần Tiên
Muôn ánh nến rực màu chân lý
Hạt giống tâm linh dậy mầm thế kỷ
Trần gian ơi quay bước chung về
Những dòng sông mải miết chảy trăm quê
Đã hiệp một với muôn trùng biển cả
Ngọn sóng vươn cao vỡ bừng trắng xóa
Như hòa cung điệu chơn võ du du
Vượt ra ngoài kiếp sống mê mù
Cho thần khí khinh an trên cánh hạc
Hiển hiện trong ta ngôi thập ác
Minh họa tinh rành đường thể nhập Tam thanh
Ánh từ quang Thiên Nhãn trọn lành
Luôn chiếu diệu từng mỗi tâm hành giả
Vành trăng khuyết xoay thân nương Bát Nhã
Năm cánh sao gom tụ khí huy đằng
Đưa chân linh về cõi huyền năng
Mở tuệ giác hòa trong ngôi đại giác
Phơi phới đưa nhau qua bờ hoan lạc


“YẾT ĐẾ, YẾT ĐẾ,
BA LA YẾT ĐẾ, BA LA TĂNG YẾT ĐẾ,
BỒ ĐỀ TÁT BÀ HA”.


Trong buổi hội ngộ hôm nay, chúng tôi xin mời quí vị hãy cùng hòa vào lộ trình dẫn dắt của Chí Tôn qua từng khúc đường đưa đến cảnh chân nguyên thanh tịnh.
Trung Tông Đạo mà Đấng Chí Tôn đã chọn Hội Thánh Truyền Giáo làm “công vụ sứ đồ” thực thi sứ mạng “Thượng cờ qui nhứt” đặt để khuôn mẫu Thánh hình Cao Đài trong tiến trình xiển dương cơ cứu độ đến nay như đã bước sang thời kỳ thành tựu theo Thánh ý.
Trải dài từ năm Giáp Tuất (1934) khi nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ bị phân hóa trầm trọng tại miền Nam, Thầy đã mở lối đưa Đạo về Trung với ý chỉ lập “tông đạo qui nhứt”, làm khuôn mẫu Thánh hình Cao Đài trong tiến trình xiển dương cơ tận độ. Ý chí Thiêng liêng như là “con quay búng sẵn trên trời”. Còn đối với nhân sinh thì “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”. Vấn đề xây dựng Tịnh đường của cơ Đạo Trung Tông đã được đặt để ngay từ năm 1947, khi Cơ Quan Truyền Giáo Trung bộ thành hình Thánh thất Trung Thành. Sau đó di tản vì chiến tranh lập khu dân sinh ở Tý Sé đã thành lập Tịnh Đức Đường, rồi bị mai một theo gió đạn mưa bom và với lòng người còn mờ mịt. Nhưng thật sự đây là con đường ân phước của Chí Tôn. Ơn phước nhưng không “bờ xôi ruộng mật” mà là đèo dốc ngoại khảo, nội ma. Ngoại khảo thì anh tù em tội, máu xương chồng chất, nước mắt dẫy đầy. Nội ma thì chống kình đả phá, triệt tiêu nhiễu loạn, tố tụng tranh đương.
Mặc dù vậy, đã là ý chỉ của Thầy thì dù thuyền con sóng cả vẫn bẻ lái đưa chèo lướt dặm trùng khơi. Và nhờ Tiên phàm cùng gắn kết trong sứ mạng, nên cơ Đạo Trung Châu tuần tự đi vào khuôn mẫu của CHỈNH và KHAI.
CHỈNH thì có chỉnh cơ và chỉnh pháp. Xây dựng nền móng đạo đức hạ tầng cơ sở Xã Đạo, Họ Đạo đến Hội Thánh vững chắc theo cơ chế ba phái, bốn cơ quan; ban trao tứ bửu pháp, tứ bửu châu, bắt đầu từ năm Nhâm Thìn (1952).

KHAI thì có “khai cơ giáo pháp” và “khai cơ thành đạo”.
Giai đoạn “khai cơ giáo pháp” được Thầy ban lệnh vào năm Đinh Dậu (1957), đưa Hội Thánh vào giai đoạn học hiểu giáo lý, thọ trì pháp môn hữu vi tam giáo. Chuyển lần đến giai đoạn “khai cơ thành đạo”, hướng vào đường tu tâm pháp thành lập Trung Tông Thánh Tịnh, thọ trì pháp tu “vô vi tam thanh”.
Từ tam giáo qua tam thanh là từ hữu vi qua vô vi. Tam giáo thuộc phần phổ độ, bậc tu hạ thừa và trung thừa, nặng phần công quả. Tam thanh là nơi gốc Đạo thuộc phần vô vi chuyên về công phu đại thừa tâm pháp.
Buổi đầu lập Đạo, Đức Chí Tôn trao phần hữu vi gọi là công truyền cho Tây Ninh và phần vô vi gọi là tâm truyền cho Chiếu Minh. Chuyển đến cơ qui nhứt, Đức Chí Tôn đưa Đạo về Trung, thống hiệp chung nguồn, mở cơ tận độ gọi là sứ mạng Trung Hưng. Đức Lý Thái Bạch đã minh thị:

“Đây là cái bước đường chung,
Đường chung ai cũng phải cùng mà đi.
Đường chung có ở tiên tri,
Đường chung Nam Bắc Tam kỳ đoàn viên.
Đường chung có Phật, Thánh, Tiên,
Đường chung có Bát nhã thuyền đưa sang;
Đường chung không sợ lầm than,
Đường chung không phải nói càng nơi đâu;
Trung Tông có pháp nhiệm mầu,
Có Thầy dẫn lối, có đầu có đuôi”.

Đường chung ấy là đường tướng tâm hiệp một, là công truyền tâm pháp đồng tu.
Giai đoạn chuyển sang khai cơ thành đạo khởi đầu năm Canh Tý (ĐĐ 35 – 1960), Đức Cao Đài chính thức ban ơn mở cơ tận độ. Đức Cao Đài dạy:
Tiên phàm ai thấu phân cho được
Ông nguyện dìu đưa kẻ quyết tâm


Giờ này Thầy đến mở đường tận độ cho các con một năm đầy thành công mà cũng cho biết một năm đầy gian khổ.
Con đường mà Thầy định đưa các con hôm nay là con đường thanh tịnh... Ngày mai không còn nhiều chi phái như bây giờ, mà chỉ có một giáo hội duy nhất chia làm hai đường. Một là công truyền, hai là tâm truyền. Tuy chia phân ra làm hai, chớ kỳ trung là một. Tâm truyền là cơ chỉ nòng cốt cho giáo hội. Công truyền làm môi giới trợ đạo. Vì vậy người chức sắc nào cũng tu tịnh đường (thọ pháp), giáo sĩ cũng tu (thọ pháp), chớ người giáo sĩ mà không đạt tâm pháp thì làm sao thông suốt lẽ Trời. (Đàn 30/6nh/ĐĐ. 35- Canh Tý – 1960).

Qua đến năm Tân Sửu (ĐĐ 36 – 1961), Hội Thánh Truyền Giáo lâm vào cơ khảo thí liên miên, bởi do ở lòng người chưa cảm thông ý Thánh cơ Trời.
Vào ngày 18/11/ Tân Sửu (ĐĐ 36 – 1961), Đức Cao Đài Tiên Ông giáng đàn dạy: Thầy cũng mở cho các trò một vài thắc mắc ở lòng mình hay ở nơi bè bạn. Then khóa của Trời là cơ mầu nhiệm Phật Tiên được thanh tịnh mà ứng hiệp với lòng Trời, nên sự bí mật của Thiên cơ Phật Tiên đều đoạt được. Cơ bí mật là then khóa để giữ gìn những bảo vật đặt trong mỗi phạm vi. Như của cải của một người đặt ở vườn là thanh ba đẳng vật, đặt ở nhà là dụng cụ cần dùng, đặt ở buồng the thì của sang đồ quí, đặt ở rương gói, trong đó là châu báu. Nên vườn có ngõ để rào kẻ gian, nhà có cửa để phòng đứa tham, buồng có ngăn để giữ gìn của quí. Hễ mở ngõ được thì vào vườn, mở cửa được thì vào nhà, mở ngăn xong thì vào buồng. Nên mỗi nơi đều đặt cho nó một ổ khóa. Ổ khóa này khác với ổ khóa kia, người vào ra tự do là người con trong nhà hay tôi tớ của chủ người ấy có được chìa khóa đã trao.
Vì vậy hôm nay các trò cũng như khách thiện duyên sắp đến mà muốn vào nhà Thầy, muốn thay thế quyền Thầy mà tiêu dụng của cải của Thầy là phải biết được then khóa nhà Thầy. Mở được then khóa nhà Thầy thì phải có chìa, chìa ổ ngoài không giống ổ trong nhà, trong nhà khác xa ngoài ngõ. Vì vậy muốn qua mỗi chỗ phải có mỗi phép nguyện mà đạt Thiên cơ. Vì vậy từ công truyền bước tới vô vi, mỗi mỗi đều có phần sai biệt. Sai biệt đây là từng đợt của nấc thang, của những lớp tuồng, chớ không phải vô vi không dính liền với hữu vi, công truyền khác với tâm pháp.
Hễ học mãn chương trình cấp trung mới sang cấp đại. Trung với đại cách nhau một lằn gạch mà thôi. Lằn gạch đó là chìa khóa mở đường tiến Đạo. ..

Và Đức Cao Đài Tiên Ông dạy tiếp:

. . . Từ đây lấy hai đồng tiền làm Thánh ý, để hợp lòng Thầy, để tránh điều dục vọng ở con người còn tục của trò, để tránh các mối độc tài, các lời khôn lanh của tà quái xen vào làm cho Thánh ý nhơn tâm chống trái,
… Còn về cơ sở này làm nơi gặp gỡ giữa Thầy và quyền pháp của Thầy là điều phát tâm chính đáng. Song gặp được là ở chỗ biết sửa mình, biết giác tỉnh cải tà qui chánh, phải nhẫn nhục mà yêu mến nhau cho trọn. Phải từ bi mà tha thứ cho kẻ chống nghịch pháp quyền. Phải bền dẻo để bảo vệ cơ chỉ nhà tu.


Giai đoạn thọ tu tâm pháp tại Hội Thánh Truyền Giáo, Ơn Trên cho lập Tịnh đường và tiến đến ban ân cho danh hiệu đàn tu. Từ lập Tịnh đường (Trung Tông Thánh Tịnh) đến thọ lãnh danh hiệu đàn tu kéo dài đến 9 năm. Ngày 01/01/Kỷ Dậu (ĐĐ 44 – 1969), tại đàn Chợ Lớn, Đức Cao Đài giáo chủ đã truyền lệnh ban danh hiệu HUYỀN QUAN ĐÀN cho Trung Tông Thánh Tịnh

Huyền công dụng điển đề thơ,
Trung phần Đà Nẵng điện thờ nghiêm trang;
HUYỀN QUAN ĐÀN Thầy ban danh hiệu,
Lịnh Thầy truyền chiếu diệu hôm nay;
Danh xa Minh Chiếu Cao Đài,
Giống lành gieo tốt hậu lai nối chuyền.


Liền hôm sau ngày mùng 02 Tết, Tại Trung Tông Thánh Tịnh Hội Thánh Truyền Giáo Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế chính thức lâm đàn do đồng tử Liên Hoa thủ cơ, Thầy dạy:
Hôm nay Thầy thấy các con nơi này chí tu đã vững, lòng Đạo đủ đương lấy gánh nặng quyền pháp tự độ độ tha, thành kỷ thành nhân, hầu đem nhau lại hiệp một cùng Thầy. Thầy ban cho nơi này một hiệu đàn gọi là HUYỀN QUAN. Các con hướng vào đó mà tu, noi theo đó mà hành, Trời Đất không ngoài cái đó, thành Tiên Phật bởi đó, sự sống ở đó, lẽ thật trong đó, tình thương phát xuất do đó, Kiền Khôn thế giới đứng vững nhờ đó. Các con đắc Đạo là đắc cái đó,

. . .Hôm nay Thầy ban cho con một hiệu đàn, là ban cho một bửu pháp, một quyền năng, một sự sống…

Ngay từ buổi mới thành lập Tịnh đường, Đức Bảo Nguơn Chơn Tiên Trần Nguyên Chí đã có khuyến dụ:

Phước thay! Lành thay! Cho duyên đẹp căn đầy mà đón được Ơn lành đầy đủ. Ơn mà Thầy cho các Hiền đây tưởng cũng một sự lân mẫn của Thầy! Nếu không vì một lời hứa, một sự vận chuyển trong cơ tận độ của Thầy, thì đâu dễ các Hiền lấy lo lắng khó khăn mà đủ làm phương tiện trên đường cầu Đạo vô vi.
Khó khăn lo lắng, kẻ thường ở đời ai cũng chê cũng sợ, song đối với người tầm Đạo lo đời cũng là một sự may mắn cho mình. Các Hiền đừng nghĩ sự an vui là hạnh phúc. An vui chính là cái họa ở trong đời, kẻ chun vào sau khi ra là ô uế. Người sáng vào, khi ra bị tối tăm. Nên Thầy không ban cho các Hiền bằng sự an vui mà để cho vào con đường khó khăn dễ dàng giữ thân còn Đạo, chớ không phải là tai họa buộc ràng.. .


… Mọi sự xảy đến cho các Hiền là mọi điều may mắn cả! Nếu trên đường này có kẻ hiểu lầm là cầu danh bán Đạo, cũng bình tĩnh mà đợi thời gian. Vì đã không biết lòng nhau thì còn nói đi nói lại làm gì. Phương chi dầu cho biết ruột biết gan đi nữa mà cảnh xoay thế ngược, dẫu ai dễ thấu nhiệm mầu. Nếu không bởi cái oái oăm bí nhiệm kia thì tại sao tình đào viên kết nghĩa, sống chết trọn thề, mà rồi Quan Công Hầu phải bị Trương Dực Đức hung hăng cự tuyệt? Xét ra cũng bởi hiểu lầm!

. . Nỗi lòng này, nếu trên không có Thiêng liêng quyền pháp đưa đường thì các đệ cũng ráng cổ rán lời để thanh minh biện bạch, đặng gỡ xấu tranh hơn, thì công vụ sứ đồ cũng chưa xứng đáng.
 (Tịnh Đường, 08/02/ĐĐ 37 -1962)

Xin được nhắc lại đây là lời của Bảo Nguơn Chơn Tiên Trần Nguyên Chí, bậc Thiên Đồ Trung Bảo Hội Thánh đã khuyến dụ về vai trò công vụ sứ đồ của mỗi người thực thi sứ mạng Trung Hưng, của mỗi Hướng đạo gieo rải chánh pháp Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, mà đàn tu là điểm hội ngộ giữa Thầy và môn đệ bởi lời phán: “Thầy nhất định đến chính mình Thầy độ rỗi các con”.

Nhờ lòng bình tĩnh không nói đi nói lại, không rán cổ rán lời cứ lo “nhứt chuyên bách nhẫn” mà Huyền Quan đàn đã thực sự là đạo tràng khai cơ thành Đạo cho từng môn đồ thọ pháp thọ tu.
Đức Hiệp Thiên Đế Quân cũng có lời phủ dụ rằng:
Hiệp hòa là một điều tốt đẹp, từ xưa đến nay loài người vẫn được tôn trọng. Nhưng sách đã có nói “quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa” nếu hòa mà không đồng trên một chí hướng hay tư tưởng thì có hòa cũng chẳng đem lại được sự ích lợi gì, mặc dù không đồng người quân tử cũng phải lấy lòng không bụng trống mà ở với người. Phật đã thường dạy cho đệ tử “Thượng oán tứ dữ thượng lạc” người ta thường oán ghét mình bao nhiêu thì mình lại càng đem tình thương sự sống mà trả lại. Như thế sự oán kia mới mong tiêu được, mối thị phi mới không còn thêm ra nữa.
Đạo mục đích ra đời là để cứu cho đời đến chỗ tận thiện tận mỹ. Không những chỉ lo cho đời được no ấm là xong mà điều cốt yếu là để cứu cho đời thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, ai nấy cũng được chứng quả vô thượng chánh đẳng chánh giác, đó là nguyện lực của các bậc Phật Tổ Như Lai Bồ Tát.
Nền Đạo Trung Tông Thầy đã vạch định rõ ràng là giữa Công truyền và Tâm truyền không thể thiếu một được. Nếu trong hai phần ấy mà không giữ được trọn vẹn thì không còn cái nghĩa của cái chữ Trung Tông nữa.
Từ ngày nền Đạo ra đời, bước đầu tiên Thầy đã lo cho cơ Đạo, không khéo do lòng dục của người vì ngã tướng sắc danh mà đưa cơ Đạo đến ngày phải bị thất lạc chơn truyền, nên Thầy đã trao phần tâm truyền bí nhiệm cho Ngô Đại Tiên đảm nhiệm.

Cơ Đạo đến đây Thầy đã kết liền làm một, quyết không để canh cải rẽ chia, nếu trong hai phần đó thiếu đi một phần thì nền Đạo của Thầy không thể thành tựu được.
Đạo thành là cốt ở nơi người thanh tịnh, thanh tịnh là đầu mối xây nên vũ trụ vạn vật. Vạn vật trở về với nguyên thủy cũng cốt ở chỗ thanh tịnh mà thôi, người mà thanh tịnh thì trời đất cũng hiệp về. Sự thanh tịnh ở đâu cơ mầu nhiệm của Trời Đất cũng ở đó, mà lòng người cũng hướng về, nên Lão Quân đã nói “nhơn năng thường thanh tịnh, thiên địa tất giai qui” là ý nghĩa đó vậy.
Bây giờ đời đã quá đen tối, chư Hiền là những ngọn đèn soi dẫn, nếu chỉ có đèn mà đèn không sáng thì làm sao mà soi dẫn được. Vì thế cho nên phải tu, tu là làm cho lòng mình được thanh tịnh, có thanh tịnh thì mới cảm giao cùng trời đất người vật. Kẻ nào không thanh tịnh dù cho có tài năng trí lực đến đâu cũng chỉ là vật vô dụng cho đời mà thôi.
Không thanh tịnh cứu cho mình còn không được, mong gì cứu cho đời.

Tịnh Đường, Tý thời, ngày 23/10/Nhâm Dần (ĐĐ 37-1962)

Và Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế với bài Trung Hưng Thánh dụ đã dạy:
Hôm nay nơi đây Thầy mong mỏi mỗi con đoái thương sự nghiệp Trung Tông, đừng vì cá nhân mà làm mất vẻ tôn nghiêm cơ cứu chuộc của Thầy ở nơi mỗi con. Nếu không khép mình trong khuôn Đạo pháp, mà cứ theo sở dục làm cho lu mờ chánh pháp của Thầy; cửa Huyền Quan đóng lại là các con phá Đạo cơ sở tâm pháp thì các con nên sợ, đừng dễ duôi mà gây sự đen tối cho nội bộ. Bởi vậy Thầy nói “dòi trong xương thứ dòi đáng sợ, gương Du Đa bán đợ con Thầy” Đạo hư là người Đạo phá, chớ người ngoài không thể phá được.
Huyền Quan Đàn, 15/07/Tân Mùi (1991)

Cơ Trời đã mở ra như vậy, ý Thánh đầy cảm hóa như vậy, đường Thiêng liêng sáng soi tỏ rõ như vậy mà toàn Hội Thánh chưa có được sự nhất tâm chung cùng trên tiến trình chí quyết hành thâm. Tuy thế sự ứng hóa Cao Đài vẫn bền bĩ theo từng chông chênh khúc khuỷu của lòng người. Trải dài với thời gian, băng qua bao biến thiên của xã hội từ trong chiến tranh đến ngày hòa bình, Huyền Quan đàn vẫn đứt rồi lại nối để vẫn có được một kết tập ân điển “giáo pháp Trung Hưng” đồng thời bừng lên bao nhiêu con người đạt quả vị Thiêng liêng tiếp tục hộ trì cho đường tiến đạo.
Đàn cơ ngày 14/10/Đinh Mão (1987), Đức Cao Đài giáo chủ dạy rằng: ... giai đoạn này là giai đoạn thành Đạo, bước tu các con từ nay là bước thành công. Vậy các con phải hiểu sứ vụ Thầy dành, lo tu cho đắc Đạo, thì mọi việc được nên trọn.
Và một đàn cơ khác Đức Trần Hưng Đạo đến chấn chỉnh vai trò, đặt để quyền pháp cho bậc Hướng đạo hành tròn sứ mạng:
Hôm nay Bản Thánh lâm đàn cũng được ơn Tam giáo muốn cho hiền Hậu (Thượng Hậu Thanh) một khẩu khuyết về môn tu chánh pháp Trung Hưng; từ bao năm nay bị chư chức sắc đã làm cho quyền pháp không còn hiệu năng cũng vì tự thị, tự khôn, biết mà che mờ huyền linh sứ mạng. . .
Công việc cử tác của Hội Thánh đâu phải sai, nhưng chỉ ôm lấy cái vỏ kình càng mà không thấy cái luật biến thông là công dụng về đạo pháp. Sau khi Chí Tôn và Ngô Đại Tiên đã áp dụng môn “tu học hành đạo đi đôi” để chứng tỏ chánh pháp Trung Hưng là Trung Đạo, nội Thánh ngoại vương. . .
Đường hướng Trung Hưng vừa tịnh vừa hành, vừa hoàn qui bản thể, vừa hướng hóa nhơn sanh. . .
Về Chiếu Minh, Ngô Đại Tiên sáng lập mà nơi Hội Thánh Truyền Giáo cũng do Ngài ban trao pháp đạo. Hai chỗ hai thời kỳ khác nhau, đó là dịch hóa thần hóa; con người Chiếu Minh tu tại gia giải thoát, chỉ cần một đức tin và lòng phụng sự cũng đủ tự thân thoát hóa. Còn Hội Thánh Truyền Giáo là Thánh hóa muôn người, cần có người Thiên ân phụng Thiên sự dân.
Trong lúc hiền đệ cần bồi dưỡng cho nội tâm sung mãn thì tùy nghi phương tiện thuận lợi mà an dưỡng tâm linh. Song được phần mình mà mất phần nhơn sinh, kẻ được no cũng nhớ đến người đương đói khát. . . Hội Thánh không người thì hiền đệ cân nhắc sao cho đúng tiến cân, mà được đúng mức thì đẹp lòng Trời, thuận ý người, nên việc cho ngày mai.

(Đàn cơ TTTT. không ghi ngày)

Vai trò sứ mạng giai đoạn thành đạo này hầu như đổ dồn trên sức tàn của một con người. Nhưng nhờ y theo lập trình của Ơn Trên bằng tinh thần nội Thánh ngoại vương với sức công phu sung mãn và cân nhắc đúng tiến cân nên Trung Tông Thánh Tịnh và đàn Huyền Quan không thể bị mai một mà thực sự là một đạo tràng qui nhất.
Trung Tông Thánh Tịnh hay Tịnh đường là nhà Tịnh cấp Hội Thánh. Ở cấp Họ Đạo thì có Tịnh thất trực thuộc. Huyền Quan Đàn là nơi được phép lập đàn để Thầy truyền pháp, dạy Đạo cho môn sinh trực thuộc Trung Tông.
Trung Tông Thánh Tịnh này được thành lập từ năm Tân Sửu (ĐĐ 36 – 1961), đã tu bổ nhiều lần và lần này tái thiết tổng thể theo một qui mô tương đối khang trang để đáp ứng cho cơ hoàn tất Đại Đạo.
Gần suốt hai năm thi công, hôm nay đã hoàn chỉnh. Lễ khánh thành nhằm vào dịp kỷ niệm công khai nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tại Đà Nẵng Trung Việt (08/4) toàn thể môn sinh Cao Đài Truyền Giáo dâng lòng thành kính, ngưỡng vọng lên Đấng Cha Lành, Đức Diêu Trì Kim Mẫu, các Đấng Thiêng liêng và Đức Ngô Tôn Sư cầu mong hằng ban ân tận độ cho Trung Tông Đạo.
Trung Tông Thánh Tịnh rất vinh hạnh đón tiếp sự chung tâm tham dự của chư đại huynh, đại tỷ và quí đại biểu, chia sẻ nỗi gian nan để có được sự thành tựu quí báu này.
Trân trọng cảm ơn.

Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.

.
Thượng Liêm Thanh

Mong sao em mến hiểu lòng này,
Sắp xếp gia đình cho khéo tay,
Dành để ngày giờ hành đạo sự,
Tô bồi âm chất mới là hay.

Đức Vân Hương Thánh Mẫu, Chơn Lý Đàn, 26-01 Quý Sửu, 28-02-1973

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây