Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
21/10/2014
TỬ LA LAN

THI TIÊN LÝ BẠCH


Dọc theo chiều mênh mông dài nhiều thế kỉ của nền thi ca Trung Hoa, giữa rừng những tên tuổi thi nhân lấp lánh như sao trời, chỉ có một người được tôn tiên trên thi đàn: Lý Bạch(701-762). Lý Dương Băng trong Thảo Đường Tập Tự có câu nói bất hủ về thiên tài Lý Bạch “ Thiên tải độc bộ, duy công nhất nhân”( ngàn năm riêng bước, chỉ có một người). Người đời gọi ông là Thi Tiên( ông tiên trong làng thơ), Trích Tiên( tiên giáng trần), Tửu Trung Tiên( ông tiên trong làng rượu).
Khi Đức Chí Tôn khai đạo Cao Đài tại Việt Nam, nhân gian mới biết Lý Thái Bạch năm xưa nay đã đắc tiên vị, đảm nhiệm trọng trách Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Tam Kỳ phổ Độ. Tín đồ Cao Đài tự hào kính gọi Người là Đức Lý Giáo Tông. Vào đêm 17-8 Quý Tỵ( 1953), nhân ngày vía Đức Lý tại Đền Thánh, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc đã kính cẩn gọi “Đó là người Anh Cả thiêng liêng quyền năng vô đối, linh hiển lạ lùng…”. Tác giả Huệ Khải trong tác phẩm lòng Con Tin Đấng Cao Đài có một bài viết rất hay về Đức Lý ngày nay mang tiểu tựa Vọng Một Ánh Sao…
Noi theo hành trình Phật, dò theo bước chân Tiên, nhấp chén mỹ tửu ngày xuân, chúng tôi mời bạn cùng bước lên chiếc thuyền thơ, chúng ta cùng chèo ngược thời gian, ngước nhìn những tuyệt tác bất hủ của Lý Trích Tiên năm xưa. Trước là thưởng ngoạn vườn tiên thơ, sau để trau gội lòng thiền, bình an trong xuân lạc.
1.TỐNG HỮU NHÂN
( Viết năm 743, khi Lý Bạch bốn mươi hai tuổi)
Thanh sơn hoành bất quách
Bạch thủy nhiễu đông thành
Thử địa nhất vi biệt
Cô bồng vạn lý chinh
Phù vân du tử ý
Lạc nhật cố nhân tình
Huy thủ tự tư khứ
Tiêu tiêu ban mã minh 1(1)

“Bạn ta đâu khác gì biển lớn- Khi rượu tràn qua cõi kinh thơ”2(2).Tình bạn, vốn là cả một kho tàng. Cổ Long có viết: “rượu ngon khó kiếm, bạn tốt khó tìm”. Ngày xưa, khi “Khóc Vân Khuê”, Nguyễn Khuyến đã xếp lại trang thơ: Câu thơ nghĩ đắn đo không viết/ Viết đưa ai, ai biết mà đưa”.
Trên đường vân du, Lý Bạch kết bạn với nhiều thi nhân như Đỗ phủ (712-770, nhỏ hơn mười một tuổi), Mạnh Hạo Nhiên (689-740, lớn hơn ông mười hai tuổi)… Bằng hữu với nhiều danh kiếm như Đông ngiêm Tử, Phi Dực. Cứ trèo núi, lại xuôi nam. Bao lần ông tiễn và từ biệt bạn. Tuyệt tác này là một trong nhiều cuộc chia tay ấy.


Chú thích: 1.Quách: thành lũy; Nhiễu: Quấy rối, cợt đùa; Bồng: một loại cỏ ; Du: Dạo, bơi, nhàn nhã; Tử: Thầy, đàn ông, kẻ sĩ trong thiên hạ; Ý: Tư tưởng; Lạc: rụng, lạc nhật: chiều, hòang hôn; Huy: Dao động, huy thủ: vẫy tay; Tiêu: tịch mịch, buồn; ban: trở về (ban sư); Minh: (ngựa) hí; 2.Lâm Anh- Uống rượu với Mịch La Phong.


Bản dịch của Tản Đà:
TIỄN BẠN
Chạy dài cõi bắc non xanh
Thành Đông nước chảy quanh thành trắng phau
Nước non này chỗ đưa nhau
Một xa, muôn dặm. Biết đâu cánh bồng
Chia phôi khác cả nỗi lòng
Người như mây nổi, kẻ trông bóng tà
Vái nhau thôi đã rời xa
Nhớ nhau tiếng ngựa nghe mà buồn teo

Chúng tôi xin tạm dịch:

TIỄN BẠN
Ngang trời ải bắc non xanh
Một dòng sông trắng đông thành nhẩn nha
Đất này gõ nhịp chia xa
Cỏ bồng vạn dặm chỉ là gót chân
Khách đi phiêu bạt phù vân
Chiều rơi nhạt bến cố nhân đâu tìm
Vẫy tay sóng nổi lòng chìm
Buồn giăng ngựa hí nỗi niềm xa xăm

2.LÔ SƠN ĐÔNG- LÂM- TỰ DẠ HOÀI
Ngã tầm thanh liên vũ
Độc vãng tạ thành khuyết
Sương thanh Đông Lâm chung
Thủy bạch Hổ Khê nguyệt
Thiên hương sanh hư không
Thiên nhạc minh bất hiết
Minh tọa tịch bất động
Đại thiên nhập hào phát
Trạm nhiên minh chơn tâm
Khoáng kiếp đoạn xuất một 3(3)

Tương truyền, năm hai mươi lăm tuổi (năm 726), Lý Bạch đã chống kiếm viễn du. Lên Nga My ngắm trăng, xuôi Trường Giang ghé Động Đình Hồ, qua Sơn Tây, Sơn Đông, lại lên núi Thái Sơn ấm tửu hàm ca với Trúc- Khê- Lục- Dật. Đường Minh Hoàng nghe danh, mời về Trường An. Ba năm, chán cảnh “văn nhân ngự dụng”, Lý Bạch lại phủi áo công danh ngao du sơn thủy. Lô Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, là nơi ẩn cư của ông những năm cuối đời.
Sau này, ngày 4-10-1972, một lần giáng cơ ở Minh Đức Nho Giáo ( Vĩnh Bình), Đức Lý Giáo Tông có nhắc lại hai chữ Đông Lâm với nhiều nghĩa xưa tình cũ: “Thu phong lạc diệp, diệp quy căn/ Thế thượng nhơn gian hữu Đạo hằng/ Sư biểu Đông Lâm hoài vạn cổ/ Thị Thiên chi Đạo xuất quang năng”.

Bài thơ Lô Sơn Đông Lâm Tự Dạ Hoài, chúng tôi tạm dịch:

NHỚ ĐÊM Ở CHÙA ĐÔNG LÂM, LÔ SƠN
Giã từ đô hội đèn hoa
Ta đi tìm lối về tòa sen xanh
Chuông Đông Lâm vén sương thanh
Hổ Khê trắng nước long lanh nguyệt đồ
Hương trời dạo khắp hư vô
Nhạc trời bất tận soi hồ nhân duyên
Ngồi yên xa lánh ưu phiền
Cọng tơ chở cả trăm miền trời cao
Tịnh lòng sáng chiếc tâm bào
Luân hồi muôn kiếp thôi vào ra thêm

3. VỌNG LƯ SƠN BỘC BỐ
(Viết năm 725)
Nhật chiếu Hương Lô sinh tử yên
Dao khan bộc bố quải tiền xuyên
Phi lưu trực há tam thiên xích
Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên 4(4)
Đây là một bài thơ nữa ngợi ca Lô Sơn( Lư Sơn). Lô Sơn còn được gọi là Khuông Sơn hay Khuông Lô, là nơi có nhiều thắng cảnh tuyệt bích, danh vang thiên hạ. Lô Sơn có ba ngôi chùa lớn tên Tây Lâm, Đông Lâm và Đại Lâm. Tám trăm năm sau, một thiền sư nổi tiếng của Trung Hoa là Hám Sơn đại sư( 1546-1623) bước chân lên Lô Sơn hoang vu còn phải e cọp sợ beo mà dừng bước.

CHÚ THÍCH:3.Khuyết(quyết): Cửa thành, lầm lỗi; Hiết: dừng, nghỉ; Trạm: trong trẻo, trạm nhiên: yên lặng; Khoáng: rộng khắp, khóang kiếp: vô lượng kiếp; Một: mất hết.4. Hương: mùi, Lô: lò lửa, Hương Lô ở đây là một địa danh; Tử: tía, đỏ thẫm; Dao: xa; Khan(khán): xem; Bộc: thác nước, bộc bố: thác nước như tấm vải; Quải: treo; Xuyên: sông; Há(hạ): dưới.
Xin tạm dịch:
TỪ XA NGẮM THÁC LƯ SƠN
Nắng ngày đỏ khói Hương Lô
Thác xa như lụa treo hờ bên sông
Ba ngàn mét nước buông dòng
Ngân Hà một dải ngỡ Bồng Lai rơi

4.HOÀNG HẠC LÂU TỐNG MẠNH HẠO NHIÊN CHI QUẢNG LĂNG
(Viết năm 726)
Cố nhân tây từ Hoàng Hạc Lâu 5(5)
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu 6(6)
Cô phàm viễn ảnh bích không tận
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu 7(7)

CHÚ THÍCH:5. Hoàng Hạc Lâu: Một danh thắng thuộc huyện Võ Xương, tỉnh Hà Bắc. 6. Quảng Lăng, tức Dương Châu, thuộc tỉnh Giang Tô ngày nay.7.Há(Hạ): xuống thấp; Phàm: cánh buồm; Bích: xanh biếc; Không: không gian; Tận: hoàn toàn, hết, tận cùng; Tế: bên cạnh, thiên tế: bên trời.
Chúng tôi xin tạm dịch:
LẦU HOÀNG HẠC TIỄN MẠNH HẠO NHIÊN ĐI QUẢNG LĂNG

Tây Hoàng Hạc, bạn đi xa
Dương Châu hoa khói tháng ba buông huyền
Biếc thăm thẳm, cánh buồm riêng
Chỉ còn sông chảy xóa miền trời xanh

5.ĐĂNG KIM LĂNG PHỤNG HOÀNG ĐÀI
(Viết năm 761- một năm trước khi mất)
Những năm cuối đời, Lý Bạch gác kiếm tầm tiên học đạo như lời tâm nguyện “Nguyện du danh sơn khứ/ Học đạo phi đan sa”. Ngoái nhìn lại kiếp người, với nhiều danh lợi phù vân ở kinh thành, ông viết bài thơ này với chút ngậm ngùi thân phận.

Phụng Hoàng Đài thượng phụng hoàng du
Phụng khứ đài không giang tự lưu
Ngô cung hoa thảo mai u kính
Tấn đại y quan thành cổ khâu
Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại
Nhị thủy trung phân bạch lộ châu
Tổng vị phù vân năng tế nhật
Trường An bất kiến sử nhân sầu 8(8)

CHÚ THÍCH: 8. Đăng: trèo; Ngô: tên một nước ngày xưa ở Trung Hoa, nay là địa phận tỉnh Giang Tô; Mai: che, vùi lấp; U: vắng vẻ, sâu kín, u tối; Kính: con đường nhỏ; Y: áo; Quan: mũ; Cổ: xưa; Khâu: cái gò đất, nấm mộ; Lạc: rơi, mất; Châu: đất liền, cồn giữa hồ; Tổng: tất cả; Năng: làm được(khả năng); Tế: che; Sử: khiến.
Tạm dịch :
LÊN ĐÀI PHỤNG HOÀNG Ở KIM LĂNG
Phụng hoàng dạo Phụng Hoàng Đài
Phụng đi đài vắng sông dài dặm sương
Cung Ngô hoa cỏ chen đường
Tấn triều áo mão đã nhường mộ hoang
Trời xanh còn thoáng non ngàn
Sao dòng nước trắng chia đàng đôi nơi
Sương mây đành đã che trời
Trường An bóng khuất buồn dời lòng ai
6.NGHĨ CỔ(9)
Sinh giả vi quá khách
Tử giả vi quy nhân
Thiên địa nhất nghịch lữ
Đồng bi vạn cổ trần
Nguyệt thố không đảo dược
Phù tang dĩ thành tân
Bạch cốt tịch vô ngôn
Thanh tùng khởi tri xuân
Tiền hậu cánh thán ức
Phù vinh hà túc trân

CHÚ THÍCH: 9. Nghĩ: làm theo; Cổ: đời xưa; Nghịch: ngược, lữ: quán trọ, nhà trọ; Đồng: giống như; Bi: buồn đau; Không: trống không, không gian; Đảo: giã, quết; Phù: phụ giúp, tang: cây dâu, phù tang: dâu xanh; Dĩ: thôi, đã rồi; Tân: cũi; Khởi: mặc kệ; Cánh: lại thêm, nữa; Ức: mười vạn là một ức. một vạn vạn cũng là một ức; Túc: đủ; Trân: quý.
Đây cũng là một trong những bài thơ sau cùng còn lưu lại trong hơn hai ngàn thi tác. Thơ Lý Bạch lúc này bàng bạc lòng thiền, cho thấy ông đã dày bước chân trên đường tu để trở về tiên vị.
Tạm dịch:
VỀ XƯA
Sống như khách lạ qua đường
Xuôi tay người mới tìm phương quay về
Một gian trời đất não nề
Vạn đời cát bụi bộn bề khổ đau
Trăng đầy là sắp khuyết hao
Dâu xanh là sẽ pha màu cũi thô
Nắm xương ý lạnh lời khô
Tùng xanh đâu biết xuân chờ không lâu
Sau xưa đã mỏi lòng sầu
Hư vinh gió thoảng bên cầu trân châu

7. ĐÁP HỒ CHÂU CA DIỆP TƯ MÃ VẤN
BẠCH THỊ HÀ NHÂN
Thanh Liên cư sĩ Trích Tiên nhân
Tửu tứ tàng danh tam thập niên
Hồ Châu Tư Mã hà tu vấn
Kim Túc Như Lai thị hậu thân.10(10)
Khi tóc trắng da mồi, rửa tay gác kiếm, để trả lời Tư Mã Hồ Châu, Thanh Liên cư sĩ đã hạ bút mấy vần tứ tuyệt, như một tiên đoán cho hậu kiếp ngày sau:
Tạm dịch:
TRẢ LỜI TƯ MÃ DIỆP Ở HỒ CHÂU, BẠCH LÀ AI
Thanh Liên vốn kiếp tiên đày
Danh buông tửu chạm xuân dài ba mươi
Hồ Châu chi hỏi nguồn khơi
Ngày sau hậu kiếp chẳng rời Như lai


CHÚ THÍCH: 10. Trích: đày; Tứ: phóng túng( Không phải là trà tam rượu tứ như ta thường nghe); Tàng: ẩn náu; Kim: tôn quý( kim ngôn); Túc: hột lúa, căn nguyên.
TỬ LA LAN
THI TIÊN LÝ BẠCH / TỬ LA LAN

Phật Tiên buổi chót đến hồng trần,
Kêu gọi người đời rõ lý chân,
Chớ để linh tâm vùi tục lụy,
Nên ngừa cám dỗ của tà thần.

Đức Quan Âm Bồ Tát, Liên Hoa Cửu Cung, 03-01 Ất Tỵ, 04-02-1965

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây