Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
17/06/2013
Thanh Bình

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 17/06/2013

TỊNH THỦY BÌNH QUAN ÂM BỒ TÁT


ĐỨC QUAN ÂM luôn song hành cùng nhân thế, từ Nhất kỳ, qua Nhị kỳ, đến Tam Kỳ Phổ Độ.
Đức Quan Âm Bồ Tát là một vị cổ Phật, thành đạo từ Nhất Kỳ Phổ Độ.
Theo Thánh giáo Tam Kỳ Phổ Độ thì Ngài là Từ Hàng Đạo Nhân biến thân từ thời Phong Thần đời nhà Thương, cách nay gần 4000 năm.

Ngày nay chúng ta biết đến Ngài do kinh sách Phật giáo lưu lại.
Quyền năng vô hạn của Ngài, công đức vô lượng của Ngài được ghi lại ở rất nhiều kinh, qua nhiều sự tích, với nhiều danh hiệu.
Kinh Thủ Lăng Nghiêm giải thích về hạnh tu của Ngài, với danh hiệu Quán Thế Âm.
Theo kinh Diệu Pháp Liên Hoa, thì bất cứ hạng người nào trong chúng sanh, bất cứ hoàn cành nào, bất cứ lúc nào hễ cầu đến Ngài, niệm danh hiệu Ngài, thì được cứu ngay. Nếu cầu Ngài với một danh hiệu thuộc về một phân thân nào của Ngài, thì Ngài xuất hiện theo phân thân đó để cứu độ.

Ngài còn có danh hiệu Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Âm Bồ Tát vì Ngài có lời nguyền :"Nếu hiện tại, tôi có thể làm nổi những việc lợi ích, an lạc cho tất cả chúng sanh, thì ngay bây giờ đây thân tôi hãy phát sanh đủ ngàn tay và ngàn mắt.”
Quả như vậy, Ngài phát lời thệ nguyện vừa xong thì hiện đủ ngàn tay, ngàn mắt.

Do oai lực vô biên cùng với lòng thiết tha cứu khổ, cứu nạn chúng sanh, Đức Quan Âm Bồ Tát được Đức Thượng Đế Chí Tôn trao trọng trách Tam Trấn Oai Nghiêm, đại diện Đức Giáo Tổ Thích Ca trong Tam Kỳ Phổ Độ. Ngoài ra Ngài còn là Chủ Hội Đồng Chư Thánh Mẫu Nữ Vương, dìu dẫn nữ phái.

Quyền năng vô hạn, công đức vô lượng, oai lực vô biên, đảm nhận nhiều trọng trách, nên trong kinh sách Tam Kỳ Phổ Độ, Ngài có rất nhiều danh xưng như: Quan Âm Bồ Tát, Quan Âm Như Lai, Phổ Đà Bồ Tát, Từ Hàng Bồ Tát, Thanh Tịnh Đại Hải Bồ Tát. Nam Hải Ngạn Thượng Quan Âm Như Lai, Thường Cư Nam Hải Quan Âm Như Lai…

Trong sớ văn, danh hiệu của Ngài là: Nam Hải Ngạn Thượng Quan Âm Đại Sĩ Từ Hàng Phổ Độ Thiên Tôn.

Đối với người Việt Nam, hình ảnh Đức Quan Âm đứng giữa Nam Hải khi thì biển lặng, khi thì biển cuồn cuộn sóng, tay cầm Tịnh Thủy bình, tay cầm nhành dương rất gần gũi, rất quen thuộc.

Tịnh Thủy bình có ý nghĩa như thế nào?

-Bình là Tâm, tâm chủ sử muôn việc. Thủy cũng là tâm, mà là dụng của tâm. Tịnh thủy có nghĩa tâm thanh tịnh.
Tâm người vốn thanh tịnh. Nhưng vào đời Tâm bị ô nhiểm, bị vân vũ án che, nên người tu giữ tâm thanh tịnh để tìm lại bản thể tuyệt đối, chủ nhơn ông, vốn liếng tự hữu, . . và dùng tâm đó hòa mình vào cuộc sống, làm ngọn đuốc soi đường cho bản thân, làm dòng suối ngọt ngào đem đến nguồn sống cho muôn loài.

Đó là:
Chỗ về, ngàn suối, muôn sông,
Nơi ra, ứng hợp thời không bốn mùa.
Như vậy, Tịnh Thủy bình là Tâm thanh tịnh vừa là cứu cánh người tu, là “chỗ về”, là Trời, là Đạo, vừa là công đức người tu, là “nơi đi ra” , là Nhân của người, là tình thương.

Tịnh Thủy bình giúp ích gì cho người tu?

Tịnh Thủy bình là tâm pháp:
Tâm pháp giúp người tu tự chủ trong cuộc đời: Tâm pháp để
khẳng định giá trị chủ thể tự do của con người trong trời đất, khả năng quyết định sự tiến hóa của con người. Dù sống trong nghiệp lực bủa vây, nhưng chính con người phải biết tự giải thoát mình.

Đức Phật Thích Ca trên 40 năm lao nhọc chuyển pháp luân, với muôn kinh ngàn điển cũng chỉ là ngón tay chỉ trăng.

Dù có thêm luật Đại Ân Xá trong Tam Kỳ Phổ Độ, nhưng Đức Thượng Đế Chí Tôn dạy rằng : “nếu các con không tự lập ở cõi thế nầy, là cái đời tạm của các con, thì Thầy cũng không bồng ẵm các con mà đỡ lên cho đặng.”

Tâm pháp giúp người tu gần gũi các Đấng Thiêng Liêng: Người tu trong
Tam Kỳ Phổ Độ là tu hành trong Luật Cảm Ứng. Trời và người có một mối liên hệ vô cùng mật thiết. Con người giữ tâm thanh tịnh để thâu ngắn khỏang cách giữa Trời và người, do tâm bị ô nhiễm, do khối phàm tâm dục vọng quá lớn ngăn cách. Cho nên giữ tâm thanh tịnh là hướng thượng, là hoàn hảo hóa bản thân, là phân thanh lóng trược để bộ máy nhân thân được tinh vi, điểm tâm linh được linh hoạt, hầu giao cảm với các đấng Thiêng Liêng, để được dìu dẫn hộ trì, được nằm trong vòng tay che chở của các đấng Thiêng Liêng. Sự cảm ứng này vô cùng nhạy bén, Đức Quan Âm dạy “Nếu một niệm lành khởi lên, thì Tiên Phật mười phương cũng ứng theo mà trợ lực.”

Ngược lại, nếu không cẩn thận, tâm không vững vàng, để ngoại cảnh
xen vào, dục vọng nổi lên, không những gây sóng gió cho đời, mà bản thân cũng thành kẻ chiến bại. Công đức tu hành phút chốc tiêu tan.

Đó là ảnh hưởng hữu hình. Còn phần vô vi, vẫn có đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu giữa nhân tâm với cõi âm. Mối liên hệ này vô cùng nguy hiểm.

Đức Quan Âm Bồ Tát dạy như sau:
“…Còn phần vô hình, biết bao âm hồn chiến sĩ tử nạn oan tình, họ cũng hầm hầm chờ dịp để rửa hờn.
Họ là những bóng quế hồn ma, không thể nào báo thù rửa oán, nên chờ khi tâm người nào có dịp mở trống hướng đi bạo sát, thì họ liền vùa (thừa) gió bẻ măng, rót chế thêm dầu cho lửa lòng bừng cháy.
Chẳng những kẻ âm nhơn mượn tay trả oán, mà đám ấy chứa đầy tham sân si, đương sục sôi ví như nín thở, chưa có dịp để bừng dậy cho nhẹ lòng.
Nếu người sống hiện tiền mà lòng tham lam tật đố, mê loạn chớm khởi lên, kẻ ấy ( âm hồn) gặp cơ hội hùa vào trợ lực, mà sự hung dữ một phần hóa nên mười, mười lăm, hai mươi. Thật là nguy hại.”

Đức Quan Âm dạy thêm:
Công đức Trời nào có riêng tư, như mưa xuống tràn khắp bốn phương, kẻ biết hứng lấy thì có, không hứng thì không. Hứng nhiều hay ít, là do sức chứa của mỗi người lớn hay bé mà ra.
Có kẻ tâm lượng hẹp hòi thì hồng ân có chảy đến, cũng không đọng lại được bao nhiêu. Còn kẻ lòng rộng như biển sông, thì đâu cũng dồn về đó.”

Do đó, muốn được thường xuyên nằm trong ân điển cứu độ của các đấng Thiêng Liêng, muốn trở thành một hạt trong chuỗi bồ đề xâu bằng dây tình thương của các đấng Thiêng Liêng, người tu phải biết cách đón nhận ơn Trời, bằng những việc làm cụ thể:

Đức Quan Âm dạy:
“…Dầu ở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ , dầu cư sĩ tại gia, hãy tạo cho mình một tư tưởng, hãy chọn cho mình một việc làm khả dĩ gọi là tư tưởng trong lành, việc làm đạo đức thanh cao thánh thiện . Đó là tự mình đã tạo cho mình có những phương tiện diệu dược , có đạo linh phù hộ mạng, và cũng có được nhịp cầu thông cảm cùng Phật Tiên Thánh để được hộ trì dắt dẫn ở kiếp hiện sanh và thoát thai thánh hóa ở kiếp lai sanh.

“Để bút khuyên trong khắp trẻ già,
Đang khi khổ hải vạn trùng ba;
Lòng trần lắng dịu cho thanh tịnh,
Tâm thánh cảm thông cõi Phật Đà.”

Tịnh Thủy Bình là lấy tịnh chế động: giúp con người sáng suốt. Bên trong thanh tịnh, bên ngoài mới thông.
Đức Quan Âm dạy:
Người tu biết đạo, Thiêng Liêng thường khuyên nên lấy tịnh chế động, lấy thiện chế ác, lấy phải chế trái.
Một sự kiện xảy đến cho mình, dầu ngoại cảnh hoặc nội cảnh cũng có nguyên nhân của nó. Từ cái nhân đưa đến cái quả.
Con người phải sáng suốt bình tĩnh vượt lên trên tất cả, sẵn sàng tiếp nhận và chế ngự mọi sự kiện ấy. …
Hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, luôn luôn kiểm điểm nội tâm, kiềm chế lòng mình như đang đi trên chiếc cầu vồng bằng ván mỏng bắc qua đại dương không tay vịn.
Nếu sơ hở một chút, là không phân biệt được cái nào là thiện với ác, thanh với trược, ích kỷ với vị tha, chánh tín với mê tín.”


“Quán chiếu vào tâm, thấy nhiệm mầu,
Âm thanh lóng rõ, chỗ cao sâu;
Như như mới thiệt, tham thiên địa,
Lai đáo đàng trung , để mấy câu”

Tịnh Thủy bình là Thiên Địa chi tâm: giúp con người sống trong tình thương.Tịnh thủy là tình thương, là nước cam lồ. Muốn dòng nước chảy mãi không ngừng, không ngăn ngại, muốn tình thương bao la thấm nhuần khắp chốn, thì tâm phải không có giới hạn.

Đức Quan Âm ví :
“Thương thân mình, thương gia thế tôn tử, dung lượng tình thương đó như dung lượng nước ở dấu chơn trâu.”
“.. tình thương quốc gia dân tộc, dung lượng bằng dung lượng vũng nước ao hồ.
“…tình thương nhân loại như nước chốn đại dương.”


Nếu tâm còn giới hạn trong cái ta, là còn phân biệt, còn cạnh tranh.
Dầu là tình thương, mà còn giới hạn thương bản thân ta, thương gia đình ta… thì tình thương đó chưa phải là dòng suối thanh lương đem lại an bình cho mọi người, mà có khi còn là nguyên nhân của cạnh tranh, .. dẫn đến đối đầu, hủy diệt.

Ở gia đình thì vợ chồng , anh em cãi vã, đánh đập xễ xài thân xác,
đến cùng chòm xóm, cạnh tranh đến chỗ hạ thủ bất nhượng.
Giữa tỉnh này cùng tỉnh khác, cạnh tranh đưa đến chỗ giặc chòm.
Giữa quốc gia này cùng quốc gia khác, thì vì cạnh tranh ắt đưa đến chỗ tàn sát không gớm tay !
Từ đó là mầm lôi cuốn thế giới vào cuộc nguy vong.
Chính vì chỗ thiếu tình thương, hoặc tình thương nhỏ hẹp, tuy khinh thường, nhưng nó là mầm non, cội rễ phát sinh ra đại cuộc.”


HÌNH THÀNH TỊNH THỦY BÌNH NƠI MỗI NGƯỜI.

Tịnh Thủy bình giúp người tự chủ và gần gũi với các đấng Thiêng Liêng.Tịnh Thủy bình giúp con người sáng suốt, phân biệt chánh tà trong cuộc sống.Tịnh Thủy bình giúp con người sống trong tình thương.

Vậy muốn có Tịnh Thủy bình phải có phương pháp. Muốn qua sông phải nhờ bè. Đến một lúc nào đó, cuộc đời chỉ còn một mình đối diện với ngọn đèn và đếm nhịp thời gian qua hơi thở. Người Cao Đài có pháp môn Tam Công.
Đức Quan Âm dạy:
Kinh xưa đã nói :"Hành thâm Bát Nhã Ba La Mật", chiếu ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách".
Chư hiền nên hiểu là : cái xác thân kết tụ bởi ngũ uẩn, sắc, thọ, tưởng, hành, thức và tứ đại giả hợp đều không có chi cả, chỉ có pháp môn tu hành là công phu, công quả, công trình được thực thi sâu xa rốt ráo mới độ được mình, được mọi kẻ, giải thoát khỏi những khổ ách luân hồi nơi chốn trần gian.
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, …. không có cái pháp Ba La Mật, nhưng thay vào đó cái pháp Tam Công, cũng là đầy đủ lắm rồi. Thực hành được Tam Công là chứng được đạo quả mà Phật thường cho là Bồ Tát hạnh.”

Như vậy pháp môn Tam Công của Cao Đài là pháp môn Đại Thừa. Và nói cách khác, pháp môn Đại Thừa chính là pháp môn Bát Nhã Ba La Mật, mà chiếc Tịnh Thủy bình của Đức Quan Âm Bồ Tát, chan rưới nước cam lồ xuống thế gian không bao giờ dứt, là biểu tượng của pháp môn Đại Thừa vậy.

Người Cao Đài, mới nhập môn, người giữ đạo, cấp bực tiểu thừa thực hành đủ Tam Công:
Giữ giới luật, là phần công trình; nhường cơm xẻ áo, là công quả; cúng kính là công phu: thân nghiêm túc quì trước thiên bàn để điều thân, mắt nhìn Thiên Nhãn để tâm không loạn động, là điều tâm, là trụ thần, miệng đọc kinh nhịp nhàng để điều khí.

Như vậy, người Cao Đài dầu ở lớp học nào, dầu ở cấp bực nào cũng đang hình thành Tịnh Thủy bình của mình. Tịnh Thủy bình này có rộng lớn, có hiệu quả hay không tùy trình độ tu học, tùy quá trình loại bỏ cái ta của mỗi người.
ooOoo
Con người tìm cho mình Tịnh Thủy bình, tâm thanh tịnh vốn có là trở về đời sống tâm linh, để có quân bình, thăng bằng trong cuộc sống, không có nghĩa là:
“. . .Đi tìm hạnh phúc trong cõi hư vô vĩnh cửu, chốn Niết bàn cực lạc, trong khi nhơn sanh còn nghèo đói bệnh tật dốt nát kỳ thị chia rẽ, người bóc lột người trong cảnh mạnh được yếu thua, bất công xã hội.
Nếu phần thân sanh hiện hữu như thế, chắc gì phần tâm linh được mẫn tuệ siêu thoát .”

Trước sự thịnh hành của văn minh vật chất, quả đất trở nên quá nhỏ bé chật chội với con người, những sự đối đầu phân ly làm cho người với người ngày càng xa cách nhau, dẫn nhân lọai đi đến bờ hủy diệt; con người phải trở lại đời sống tâm linh để đem lại thăng bằng cho cả hai phương diện tâm linh và nhơn sinh.

Cho nên đối với sứ mạng Kỳ Ba của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Quan Âm dạy:
“Cái sứ mạng to tát ấy không nhứt thiết phải dùng đến thế lực hùng mạnh, khí cụ tối tân, tài ba xuất chúng, mà lại rất cần đến nội tâm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi dân tộc, … Vì đó phải đem lại sự quân bình cho cả hai, tâm linh và nhơn sanh. Có được sự quân bình ấy thế giới mới hòa bình, nhơn loại mới an vui thạnh trị.”

KẾT LUẬN

Trong số hàng ngàn pháp khí cứu độ chúng sanh mà chúng ta thấy pho tượng Đức Quan Âm ngàn tay ngàn mắt đang cầm, thì Tịnh Thủy bình là bảo pháp tiêu biểu nhất cho đại nguyện cứu khổ của Ngài.

Vì chiếc bình kia là cái Tâm không, tâm vô sai biệt thì dòng nước kia mới chảy mãi không ngừng. Dòng tịnh thủy sẽ dập tắt lửa dục vọng, sân si, phiền não. Tịnh thủy là lương dược chữa bịnh trần, cũng là nước Ma Ha rưới nhuần tâm pháp cho người tu. Người đời cầu Bồ Tát mà không có tâm tịnh, thì tịnh thủy không đến được. Cầu dứt phiền não, mà còn chấp trước, tịnh thủy không thấm vào được. Cầu được phước đức, mà còn ôm chầm của cải, không phát tâm bố thí, thì tịnh thủy bị ngăn ngại. Cầu được trí huệ mà còn bảo thủ tư tâm, ngã kiến thì tịnh thủy không có chỗ chứa.

Mong sao mỗi người tu tập hạnh Bồ Tát để đón nhận được dòng tịnh thủy từ Tịnh Thủy bình của Đức Quan Âm, hay hơn nữa tự trang bị được một dòng tịnh thủy trong tâm thanh tịnh hằng thường, để góp thêm một tay một mắt, vạn tay vạn mắt, vào Pháp thân thiên thủ thiên nhãn của Ngài, để đồng thực hiện sứ mạng tận độ chúng sanh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ.

Đó cũng chính là đại nguyện của Đức Quan Âm Bồ Tát :

“Ta Muốn cho đời thoát khổ nguy,
Soi đường đạo lý dạy tu trì;
Vượt qua bể dục, tham sân ái,
Thoát khỏi rừng tình, hỷ nộ si.
Sang cõi Thượng ngươn,triều Thánh đức,
Lên bờ giác ngạn, yết Từ Bi;
Khắp trong vạn loại đều an hưởng,
Lập định Càn Khôn, buổi hạ kỳ.”


19.06 Mậu Tý
Thanh Bình

Mong sao em mến hiểu lòng này,
Sắp xếp gia đình cho khéo tay,
Dành để ngày giờ hành đạo sự,
Tô bồi âm chất mới là hay.

Đức Vân Hương Thánh Mẫu, Chơn Lý Đàn, 26-01 Quý Sửu, 28-02-1973

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây