Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Tân pháp Cao Đài là pháp môn tam công, có đặc tính tổng hợp rồi kết tinh và đơn giản ...
-
Trần gian là trường tiến hóa cho vạn linh sanh chúng, nhưng đồng thời cũng là nơi con người chịu ...
-
Thánh giáo có viết: ““Thượng Đế đến khai minh Đại Đạo đã là một hi hữu, mà vấn đề hoát ...
-
Tất cả chúng ta hợp lực cùng nhau có thể chiến thắng bóng tối, chiến tranh, khủng bố, cái ác ...
-
Bài viết này giới thiệu về tiền thân của đức Lý sống vào thời nhà Đường, Trung Hoa và ...
-
Sen Trắng Hàng năm cứ mỗi độ Thu về, người tín hữu Cao Đài nhất là phái nữ rộn ràng chuẩn ...
-
Tôi thật sự tin rằng, con người cần trở về với đức tin, với tôn giáo, bởi không thể giải ...
-
"Ðắc nhứt tâm rồi thế mới yên, Muốn tâm đắc nhứt phải tham thiền; Tham thiền tâm sẽ hoà muôn vật, Hoà ấy ...
-
Làm người trên cõi thế là đã mặc nhiên thọ nhận sứ mạng làm người, thay Trời điều hành cai quản ...
-
Từ năm 1450 đến năm 1850, ít nhất 12 triệu người dân Phi Châu bị đưa đi xuyên qua Trung ...
-
Trong Tờ khai Đạo ghi ngày 07-10-1926 (nguyên văn bằng tiếng Pháp), được tiền bối Lê Văn Trung gửi cho ...
-
“ . . .Thương thay cho nhơn loại trong thời kỳ mạt kiếp này, cộng nghiệp đến giờ nên dịch ...
Chí Tín
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 11/07/2010
Đức Lý Giáo Tông Thái Bạch Kim Tinh Với Việc Công Phu Tu Luyện
Thầy đã dạy như sau: “Giáo Tông nghĩa là Anh Cả các con, có quyền thay mặt Thầy mà dìu dắt các con trên đường đạo và đường đời. Nó có quyền về phần xác chớ không có quyền về phần hồn. Nó được phép thông công cùng Tam thập lục thiên và Thất thập nhị địa, đặng cầu nguyện cho các con nghe à! Chư môn đệ tuân mạng!”(Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Đài)
Hơn nữa, Đức Giáo Tông có quyền ban hành luật pháp, tuy nhiên phải chuyển qua ba vị Chưởng Pháp thay mặt Tam giáo để xem xét trong buổi thi hành, vì mỗi luật đạo phải có đủ ba ấn riêng của ba Chưởng Pháp mới đặng thi hành.
Còn về phần Hiệp Thiên Đài, Thầy đã dạy, do Đức Hộ Pháp chưởng quản với sự trợ tá của hai vị Thượng Sanh và Thượng Phẩm. Hộ Pháp chưởng quản chi Pháp, lo bảo hộ luật đời và luật đạo, chẳng ai qua luật mà Hiệp Thiên Đài chẳng biết. Thượng Phẩm thuộc chi Đạo thì quyền về phần Đạo, lo về phần Đạo nơi tịnh thấti, Thánh thất. Thượng Sanh thuộc chi Thế, xem xét sự sống đạo, hành đạo của tín đồ. Nên về phần đạo pháp thì Hiệp Thiên Đài đảm trách và chịu trách nhiệm, chớ không phải của Cửu Trùng Đài gánh vác. Còn Thượng Sanh lo phụ trách về phần Thế đạo.
Chúng tôi dẫn chứng Pháp Chánh Truyền của Nhị Đài để thấy rõ có sự phân quyền giữa hai đài. Nói tóm lại, Cửu Trùng Đài chuyên về phần đời, còn Hiệp Thiên Đài chuyên về phần đạo pháp.
Đức Lý Đại Tiên Trưởng Thái Bạch Kim Tinh, Nhứt Trấn Oai Nghiêm, hiện kiêm chức Giáo Tông Vô Vi của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, vì lòng từ bi thương xót nhơn sanh còn đang chìm đắm trong kiếp trầm luân tại dương thế nên Ngài tận lực cùng chư Phật Tiên giúp Thầy tận độ nhơn sanh qua khỏi thời Hạ nguơn mạt kiếp lập lại đời Thượng nguơn Thánh đức theo đúng Thiên cơ.
Chúng ta thấy được lòng từ bi của Đức Lý Giáo Tông qua bài thi tâm tình trong một đàn cơ sau khi đã dạy xong về đạo sự như sau:
THI
Ta mến, ta thương mới chỉ truyền,
Giáo Tông tạm gác cái uy quyền,
Chỉ còn sư đệ, lời hơn thiệt,
Tâm đó, lòng đây, bởi vạn duyên. CQPTGL, 22-4 Nhâm Tý (03-6-1972).
Mặc dầu trách nhiệm chánh yếu truyền dạy đạo pháp cho tín đồ Cao Đài do Đức Đông Phương Lão Tổ Chưởng Quản Vô Vi Hiệp Thiên Đài thừa sắc lịnh của Ngọc Hư Cung dưới sự chứng chiếu của Tam Giáo Đạo tổ (Thánh giáo ngày 15-9 Giáp Dần, 29-10-1974), Đức Lý Giáo Tông, chưởng quản Cửu Trùng Đài, cũng thường dạy dỗ nhắc nhở về công phu tu luyện, chắt chiu từ chi tiết nhỏ nhặt, mong sao môn đệ mình nên người đạo đức thuần thành, ngộ nhập được đạo pháp huyền vi, đủ khả năng làm tròn sứ mạng dẫn độ nhơn sanh tìm bờ giải thoát. Đức Chí Tôn Thượng Đế đã ban trọn quyền hành thưởng phạt toàn thể tín đồ cho Ngài rồi (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Đinh Mão, 1926) nhưng Ngài không sử dụng quyền hành để trừng phạt mà chỉ thương yêu dìu dắt đàn em còn đọa lạc. Có lần Ngài có ý muốn trừng phạt những người phá rối cơ đạo nhưng Ngài không nỡ đành và vì lòng thương xót sanh linh nên Ngài không sử dụng quyền năng của Ngài.
Nhân ngày kỷ niệm 18-8 Quý Mùi, chúng tôi xin được ôn lại một số lời dạy quý báu của Đức Lý Giáo Tông về việc công phu tu luyện. Về công phu tu tánh luyện mạng, Ngài có dạy như sau:
“Còn trên phương diện tu chơn, muốn được hoàn toàn đầy đủ năng lực thể chất để giúp tinh thần hành đạo hăng say thì cũng đều do tự chư hiền đệ hiền muội tạo lấy cả. Công phu tu tánh luyện mạng nếu chưa viên dung thì bảo sao còn những phiền ma não chướng ở xác thân.” NMĐ, 15-10 Canh Tuất (13-11-1970).
“Tu luyện để có bửu bối giúp cho trí tuệ minh mẫn, tâm thần sáng suốt, để giải quyết mọi vấn đề, hành đạo cho đúng Thiên lý. Tu luyện để diện mạo được từ ái khôi ngô, tướng đi đứng nằm ngồi thể hiện ra người có hạnh, trang nghiêm từ ái khiêm tốn để gây thiện cảm lòng tin với mọi người, mà đó cũng là sức hút của nam châm do các điều kiện ấy tạo nên.” TLĐ, 06-3 Canh Tuất (11-4-1970).
Đó là điều kiện để trợ duyên cho công cuộc thế Thiên hành đạo, phổ truyền giáo lý cứu độ nhơn sanh, chớ không phải tu luyện chỉ mong có việc thành Tiên Phật rồi quên trách nhiệm của mình đang thọ lãnh với Thầy.
Đức Lý Giáo Tông giải thích rất rõ ràng về Tánh Mạng song tu cho hàng thượng thừa thực hành Thiên đạo cốt để tự giác giác tha, là cứu cánh của người chơn tu giải thoát. Ngài định nghĩa:
“Tánh là Thiên tánh, Mạng là Thiên mạng, hai tú khí âm dương tạo thành là bản thể của Thiên địa vạn vật. Nếu biết tu tánh, đừng để tánh bị muội mê bởi tham dục che lấp vì danh lợi tình tiền-những thứ vật vô thường đã gây cho con người biết bao thảm họa triền miên từ kiếp này sang kiếp khác. Biết tu tánh thời không tham, thì vẫn có mà ăn, mà mặc, không tranh đấu mà vẫn có chỗ ở, không lăn thân vào chỗ đau khổ mà vẫn có địa vị con người. Do đó, tu tánh là ánh linh sáng chói trong muôn ngàn nẻo Thánh. Còn biết luyện mạng là Thiên mạng hằng tại, không thiên không lệch, không ô nhiễm tham dục, trên thuận cùng Trời, dưới an vui bốn cõi, hòa mình khắp chốn, lòng dân là lòng ta, lòng ta là lòng Trời, sống thì Thánh, thác thì thiêng. Ôi nội Thánh ngoại vương, sống hằng sống trong cõi Thiên đàng cực lạc thì còn gì mơ ước nữa. Phật Tiên cũng chỉ thế thôi.”CQPTGL, 30 rạng mùng 01-01 Đinh Tỵ (17-02-1977).
Đức Lý Giáo Tông còn nhấn mạnh:
“Người tu hành vào hàng Đại thừa chấp trì quyền pháp để thực hiện sứ mạng thiêng liêng thì luôn luôn phải tu tánh luyện mạng cho thuần thục, chơn chất, phải giữ lòng thanh tịnh như như. Dầu đứng trước muôn ngàn ngoại cảnh đổi thay, cũng đừng để lòng xao động, luôn luôn diệt trừ phiền não, chấp trước, để không vui, không buồn, không nhơn, không ngã, không bạn, không thù, không tà, không chánh, không thị phi, không ân oán. Tóm lại là niệm lự giai vong, vạn duyên đốn tuyệt.” CQPTGL, 15-01 Đinh Tỵ (04-3-1977).
Những lời dạy thân thiết chí tình của một vị sư phụ kính yêu, một người anh tận tâm tận lực lo lắng săn sóc rất chu đáo vẹn toàn, không biệt phân tiên tục thánh phàm.
Điểm cốt yếu của Thiền là vô niệm. Đức Đông Phương Lão Tổ dạy phải diệt trừ vọng niệm, Đức Lý Giáo Tông dạy thêm “niệm lự giai vong”. Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn cũng đã dạy: “Thiền là vô niệm, Định là dừng lại tất cả.”
“Còn niệm là còn luân hồi sanh tử”, nên hành giả phải từ sát na dè chừng luyện kỷ, thận trọng không dám dể duôi hời hợt.
Trong một đàn cơ khác, Ngài dạy cả Tam công cho nhân viên Cơ Quan:
“Xét về phần công quả điều hành nội bộ, Bần Đạo chấp nhận ở đạo tâm của chư đệ muội chức vụ nhơn viên, chẳng quản công lao cực nhọc, phương tiện thiếu kém khó khăn, vẫn kiên tâm tu hành, dầu khảo đảo cũng vượt qua, tuy chưa đạt đến thành công, nhưng cũng giữ mức độ bình thường trong các vụ, các ban, về phổ truyền phổ thông giáo lý cũng như các phần hành sự Cơ Quan đang xúc tiến đã ghi trong phúc trình.
* Về công phu tu luyện, chư hiền đệ hiền muội chưa khắc phục được bản thân, nên phải chịu nhiều khảo đảo mới;chưa am hiểu thấm thía được lý của đạo pháp nên chưa phá chấp trừ mê, diệt trừ vọng ngã.
* Về công trình, trong công cuộc phổ thông giáo lý hay trên bước Đại thừa Thiên đạo, chư hiền đệ muội chưa phát huy được tiềm lực sâu thẳm của hàng hướng đạo chơn tu thành một thực thể đạo cứu thế bằng cách này hay cách khác. Do đó, chưa thể đúc kết lại thành công trình khả dĩ thành tựu theo Thánh ý Thiên cơ.” CQPTGL, 14-01 Canh Thân (29-02-1980).
Với mục đích tối thượng giúp đời độ chúng, Đức Lý Giáo Tông luôn luôn gắn bó với sứ mạng tận độ, nên trong một đàn cơ sau khi dạy đạo sự, Ngài đã lưu ý nhơn viên Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý về việc công phu tu luyện trong các khóa tịnh như sau:
“Bảo chư hiền vào nhập các khóa tịnh, tu luyện thân tâm trong thời hạn vắn hay dài là vì chư hiền đã giác ngộ và tự nhận sứ mạng vào Thiên đạo để thực hiện sứ mạng đại thừa, để tự giải thoát và giải thoát vạn khổ của thế nhân, thì chư hiền phải có một công phu luyện kỷ thuần thành từ nội tâm đến ngoại thể. Có như vậy, sự tu chứng mới thể hiện bên ngoài và thần lực được hiển lộ bên trong. Thần lực là chủ yếu của con người, bị suy vong do bởi tâm niệm lự phóng tán.” CQPTGL, 15-02 Nhâm Tuất (10-3-1982).