Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
TỔNG QUAN VỀ VŨ TRỤ LUẬN ĐẠI ĐẠO 1. Nguồn gốc vũ trụ 1.1. Khái niệm về vũ trụ 1.2. Bản Thể Vũ ...
-
Victor L. Oliver cho rằng đạo Cao Đài chịu ảnh hưởng của ba nền văn hóa: văn hóa Trung Quốc; ...
-
Vợ chồng Emil và Liliana Schmid cùng chiếc ôtô ở VN. Chiều 15-1, giữa một đám đông tò mò ở trung ...
-
Khai Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn phán rằng : "Thầy sắp cuộc dinh hoàn tái tạo, Dụng huyền linh Đại ...
-
Thiên Trung Dung trong Tiểu Đái Lễ Ký tương truyền là sáng tác của Tử Tư, cháu nội của Khổng ...
-
Ấn giáo nêu lên bốn phương pháp giải thoát (moksha) gọi là yoga hay mârga.
-
Bài thuyết minh giáo lý của Giáo Sĩ Huệ Ý, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo. Tháng 3-2007 (Đinh ...
-
Trong văn học Trung Quốc từ xưa đã xuất hiện hai nhân vật kỳ bí, hai triết gia đặc biệt: ...
-
Bài nói chuyện tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo ngày mùng 1 tháng 3 năm Đinh Hợi (17-4-2007) Tam ...
-
Long Thụ /
Động cơ trung tâm cho việc hoá độ của Long Thụ – một công trình hoằng pháp lập cơ sở ...
-
(Của TRẦN HI DI TIÊN SANH) do Ngài cố Minh Thiện trích dịch năm 1960 1. Trần Lão tổ đặt bài ...
-
ĐỨC TIN CỦA NGƯỜI TÍN ĐỒ CAO ĐÀI TRONG SINH HOẠT TÔN GIÁO Thiện Chí (Nguyễn Văn Trach) Đức tin Cao ...
Ban Biên Tập sưu tầm
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 03/10/2012
GHI NHỚ CÔNG ĐỨC ĐỨC GIÁO TÔNG VÔ VI ĐẠI ĐẠO
của ĐỨC GIÁO TÔNG VÔ VI ĐẠI ĐẠO
18 tháng 8 năm Kỷ Sửu 2009
LỜI GIỚI THIỆU
Đức Lý Thái Bạch Đại Tiên Trưởng là Nhất Trấn Oai Nghiêm trong Tam Trấn Oai Nghiêm Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, kiêm Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo.
Hằng năm, toàn đạo cử hành lễ Vía của Ngài vào ngày 18 tháng 8 âm lịch.
Riêng Cơ Quan PTGLĐĐ có thông lệ thiết lễ kỷ niệm nội bộ, đồng thời thuyết minh giáo lý xưng tụng công đức của Đức Giáo Tông.
Quyển sách nhỏ này là một sưu tập những bài xưng tụng trên, được mở đầu bằng các thánh giáo của Ngài.
Công đức của Ngài trong Đại Đạo TKPĐ như trời biển, thiển nghĩ ghi nhớ ơn sâu của Ngài không gì bằng ôn lại lời dạy được đơn cử trong vô số thánh huấn Ngài ban ân từ thuở Thầy khai Đạo.
Rất mong sưu tập khiêm tốn này sẽ góp thêm ánh đuốc đạo lý sáng soi con đường tu học hành đạo cho các cấp nhân viên CQPTGL.
Quyển sách chỉ lưu hành nội bộ Cơ Quan.
Ban thực hiện sưu tập
THÁNH GIÁO ĐỨC GIÁO TÔNG
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 04-3 Quí Sửu (06-4-1973)
THANH MINH ĐỒNG TỬ, Tiểu Thánh chào chư Thiên mạng, Thiên ân hướng đạo, chào chư liệt vị đàn tiền. Vâng lịnh Tôn Sư, Tiểu Thánh đến báo đàn, chư liệt vị thành tâm nghinh tiếp. Tiểu Thánh xin chào chung, xuất ngoại ứng hầu. Thăng.
Tiếp điển
THI
GIÁO TÔNG THÁI BẠCH giáng cơ tiền,
Bổ túc chương trình đạo Vĩnh Nguyên,
Cho lễ khánh thành ngày sắp đến,
Hầu chia trách nhiệm với chư hiền.
GIÁO TÔNG ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ, Bần Đạo mừng chư hiền đệ hiền muội đàn trung. Bần Đạo miễn lễ chư hiền đồng an tọa nghe Bần Đạo phân giải.
Chư hiền đệ hiền muội! Trên cương vị Tam Trấn Oai Nghiêm, Bần Đạo có trách nhiệm trước Đấng Chí Tôn cùng Tòa Tam Giáo để dìu dắt nhơn sanh trên đường đạo pháp. Còn ở về cương vị Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là một sự đồng hành như chư hiền đệ muội có trách nhiệm trong Cơ Quan Đạo.
Thế nên sự thành bại hưng vong, tiến thối, hư nên do hàng tín hữu gây ra thì Bần Đạo cũng như chư hiền có trách vụ đều thọ lãnh công hoặc tội của hàng tín hữu trước Đấng Chí Tôn và Tòa Tam Giáo.
Từ lâu, chư hiền đệ muội cũng như các hàng Thiên phong chức sắc khác đều có lòng thành kính nể Bần Đạo hoặc Đức
Quan Âm Bồ Tát, hoặc Đức Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân, như có những quyền uy tối thượng dưới Đấng Chí Tôn. Do lòng thành kính nể đó khiến chư hiền xem sự cách biệt quyền uy và nhiệm vụ giữa chư hiền đối với Tòa Tam Trấn Oai Nghiêm. Lòng mến yêu kính nể ấy rất tốt, nhưng chư hiền không nên xem có sự cách biệt ấy, bởi lẽ mà Bần Đạo vừa phân giải ở đoạn trên.
Chư hiền đệ muội còn nhớ lời Thiêng Liêng thường dạy cũng như lời dạy gần đây nhứt của Ngọc Lịch Nguyệt mới đây: “Phật là bậc tu được đắc thành còn nhơn sanh là hàng sẽ thành Phật”.
Chư vị Tiền Khai Đại Đạo là những hàng sứ đồ làm trước và đi trước. Chư hiền cũng như các sứ đồ khác là những người làm đang làm, đang đi, còn đoàn thanh thiếu niên là đoàn sẽ làm sau và đi sau.
Các Tòa thánh, Thánh thất, Thánh tịnh đã được xây cất trùng tu trước thì được khánh thành trước, các Tòa thánh, Hội thánh, Thánh thất, Thánh tịnh đang hoặc sẽ được xây cất trùng tu sau thì sẽ được khánh thành sau.
Một xâu chuỗi dài thiên lý cứ tiếp nối nhau mãi mãi, mặc dầu sự xây cất trùng tu hoặc hành sự có khác nhau về hình thức, về danh từ hoặc về địa phương, nhưng sự biến chuyển đặt để ấy đều nằm trong định luật của thiên lý. Mỗi một thế hệ đi qua đều có một lớp người đảm trách phần vụ cho thế hệ đó. Tuy đồng hành nhưng đồng thành hoặc đồng đắc hoặc không thành đắc là do công tâm trì thủ nhẫn nại hoặc không của mỗi sứ đồ hành giả có giống nhau hoặc khác nhau mà thôi. Vì nhơn sanh là nhơn sanh chung trong đức háo sanh của Tạo Hóa, còn đạo là đạo chung, guồng máy luân lưu chung của Đạo, của Lý. Mỗi một nhơn sanh là mỗi phần tử, mỗi cấu tử trong cái toàn thể. Mỗi tôn giáo, giáo hội, thánh đường đều là mỗi cấu tử của Đạo. Thế nên, dầu đó, dầu đây, dầu nhĩ, dầu ngã đều là định luật chung trong sự luân lưu của Đạo.
Chư hiền đệ muội là những người giữ vườn và tiếp nối phát triển khu vườn đạo. Chư hiền là thần thánh tiên phật trong thế hệ tương lai. Thế nên chư Tiên Phật thường khuyên dạy chư hiền đệ muội mỗi mỗi người đều phải cố gắng học, tu hành để đắc vị thần thánh tiên phật.
Sự kính thành lễ bái đối với chư Tiên Phật để thể hiện lòng quí mến công nghiệp đạo đức của các vị ấy để noi gương dọn mình tu hành để thành chánh quả, chớ không có nghĩa thành kỉnh lễ bái để thành kỉnh lễ bái hoặc để cầu xin sự hộ trì âm phò mặc trợ.
Chư hiền thường được Thiêng Liêng chỉ dạy tu hành phải tín ngưỡng nơi chánh tín chớ đừng mê tín. Chánh tín nơi lãnh vực này là phải hành chánh đạo để đắc chánh quả như chư Tiên chư Phật. Còn cầu cạnh xin hộ trì cho thành chánh quả mà không lo tu học và hành theo chánh lý, chánh đạo, đó là mò kim đáy biển, là mê tín, để làm trò cho đời mỉa mai tôn giáo.
Chỉ có mình biết tu học, tu hành mới cứu mình thoát vòng luân hồi chuyển kiếp, siêu sanh liễu tử, đắc quả bồ đề mà thôi.
Mỗi một thời kỳ Thượng Đế mở đạo là một thời kỳ mà trình độ tiến hóa của nhơn sanh thay đổi. Thế nên pháp đạo cũng do sự tiến hóa đó mà dẫn dắt nhơn sanh đi từ chỗ mê tín đến chánh tín, đi từ chỗ âm thinh sắc tướng đến vô vi chi đạo, đi từ chỗ cầu cạnh van xin được thành đạo đến chỗ tự độ, tự tu, tự cứu …
Chư hiền cũng như các sứ đồ khác đều đã trải qua các thời kỳ nhứt, nhì phổ độ rồi. Thế nên ngày nay, được duyên hạnh ngộ chư Tiên Phật dẫn dắt pháp môn vô vi chi đạo tự tu tự cứu. Còn những hình thức khác đều là những công quả xây dựng nền tảng âm chất để trợ duyên cho sự tu học thành chánh quả mà thôi.
Những hình thức vừa kể trên đó là hành đạo độ đời, tài thí, pháp thí, vô úy thí, xả thân hành thiện,v.v… Tất cả đều là phương tiện để xây dựng nền tảng vững chắc cho lâu đài thành chánh quả.
Bởi lý đó, nên chư Tiên Phật thường tập giao phó một số phần việc cho chư hiền linh động điều hành guồng máy hành đạo ở Cơ Quan cũng như giải quyết một số vấn đề khác trên đường hành đạo mà không ỷ lại sự chỉ dạy của Thiêng Liêng.
Chư hiền vẫn còn nhớ: Mấy nhiệm kỳ đầu của Cơ Quan mỗi lần có lễ hoặc Đại Hội Thường Niên, chính Thiêng Liêng phải soạn thảo chương trình hoặc dạy chư hiền làm dự thảo trình Thiêng Liêng chỉnh đốn. Cũng như việc soạn bài giáo lý để in thành quyển Thánh Giáo Sưu Tập. Buổi đầu Thiêng Liêng phải dạy lập đàn giáng cơ kiểm duyệt từng trang, từng hàng, từng chữ, từng dấu chấm phết hoặc xuống hàng.
Sau này Thiêng Liêng giao phó tập chư hiền dùng hết tâm thần và sự hiểu biết trong đời tu học, hành đạo của mình mà linh động sắp xếp hành đạo. Hành đạo thế nào cho thích hợp hoàn cảnh, thích hợp khả năng phương tiện, thuận thảo lòng người tức là hạp lý Trời, ắt được chấp thuận và nên việc.
Thiêng Liêng muốn tập chư hiền đệ muội tự tu, tự hành, tự học, tự tín, để có quan niệm thần thánh hóa mình nên hàng chí thiện, chí mỹ, chí nhân. Vì hiện tiền trên đường hành đạo được nhơn sanh nhìn nhận minh chánh, được đồng bạn đồng môn đồng bào, đồng chủng mến yêu kính nể, xứng tác phong đạo hạnh ở hiện tiền thì quả vị thần thánh tiên phật bên kia thế giới
không xa đó vậy chư hiền đệ muội.
Trái cây khởi thủy từ trổ bông búp đến hoa nở, rụng nhụy kết quả thành trái. Từ trái non đến trái già qua trái chín phải trải qua các giai đoạn các thời kỳ của nó, chớ không phải mới thấy trổ bông búp đó rồi có trái chín ngay trong khoảnh khắc.
Sự tu hành đắc đạo cũng vậy, cũng phải trải qua giai đoạn biến đổi từ tâm hồn của con người. Không phải mới thấy một người đang trụy lạc sa đọa trong trường hư hỏng, vừa mặc áo đạo ăn chay đôi ngày, đọc kinh đôi trang rồi Phật độ đắc liền quả vị đâu, trong lúc nội tâm chưa cải tiến, tác phong đạo hạnh chưa sửa đổi, đạo học chưa hiểu gì, trí tuệ chưa hướng thiện, thánh tâm chưa mở, thánh sự chưa hành, thánh ý chưa bắt chước noi theo.
Mấy dòng đạo lý Bần Đạo vừa nêu, đó là mở đầu cho việc hành đạo của chư hiền đệ muội Cơ Quan trong những ngày sắp tới nói riêng và trong thời gian hành đạo ở tương lai nói chung.
(…) Sau đây Bần Đạo để lời dạy chung chư hiền đệ muội có tâm đến hầu đàn hôm nay, mong đợi chỉ dạy về sự tu học, có hiền lại muốn được mách cho biết những tiền kiếp của mình.
Cười! Đó là Thiên cơ. Nếu biết được, hại nhiều hơn lợi. Vì biết bao nhiêu là ân với oán. Nếu ân thì phàm tâm dấy động trong chỗ tình nghĩa ái ân hạ đẳng, còn oán thì lòng tự ái chưa diệt, chẳng ích chi. Bần Đạo chỉ phân như vầy: lo việc dọn mình từ thân xác được thanh tịnh tinh khiết nhẹ nhàng đến tâm hồn thư thái, bác ái mở rộng, lòng đạo phát sanh, huệ trí sẽ do đó phát triển hầu hiểu được thánh ý, trau dồi mở mang thánh tâm, thực hành thánh sự sẽ trở thành Thánh nhơn tại thế và đắc thánh vị sau khi căn viên quả mãn. Có chế ngự được phàm tâm thì đạo tâm mới có cơ phát triển sanh hóa. Còn các hình tướng đồng bóng, cốt chàng, đó là những chơn linh còn thấp để dẫn dắt trình độ ở vào hàng mê tín. Đừng vội chê đó là ma quái giả dối, cũng đừng vội theo, làm theo rồi ngăn trở bước tiến của mình. Thời buổi vàng thau lẫn lộn, ngọc đá chưa phân, rán tìm Tiên Phật thì được sự dắt dìu đến đường chơn chánh, nhược bằng muốn tò mò, toại nguyện hạ tánh thì gặp ma quỉ dắt dìu vào đường mê tín.
Tiên Phật thương đời xuống thế gian,
Dụng lời chơn chánh để khuyên răn,
Minh tâm sáng ý dò chơn bước,
Hầu khỏi ma vương dẫn lạc đàng.
THI
Đàng về nẻo đạo gẫm không xa,
Chẳng phải tây phương cõi Phật đà,
Đạo vốn hư vô trong vạn loại,
Và trong tâm nội của mình ta.
THI
Ta là thiên hạ vốn con người,
Con của Thiên Tôn chốn cõi Trời,
Tam bửu, tam tài thiên địa giống,
Biết tu biết dưỡng đắc mà thôi.
THI
Thôi bấy nhiêu lời để nhủ khuyên,
Khuyên chung đệ muội rán tu hiền,
Hiền nhân sống sót thời tao loạn,
Từ giã ban ơn lại cõi Tiên.
Thăng.
THÁNH GIÁO ĐỨC GIÁO TÔNG
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 11-8 Bính Dần (14-9-1986)
THANH MINH ĐỒNG TỬ chào chư Thiên ân hướng đạo. Có Đức Giáo Tông lâm đàn giáo Đạo. Vậy, chư Thiên ân đệ muội thành tâm nghinh tiếp. Tiểu Thánh xin xuất ngoại ứng hầu. Lui.
Tiếp điển
GIÁO TÔNG ĐẠI ĐẠO THÁI BẠCH KIM TINH, Bần Đạo mừng chư đệ muội.
Bần Đạo đến hôm nay để cùng chư đệ muội tiếp tục con đường sứ mạng. Vậy chư đệ muội đồng an tọa chú ý nghe Bần Đạo dạy:
Này chư đệ muội! Cơ Đạo hiện nay lâm vào tình trạng bế tắc. Lý do cộng nghiệp chúng sanh dẫy đầy mà chư môn đệ của Đức Thượng Đế còn non tài kém đức và khả năng công phu đạo hạnh chưa đủ sức giải trừ để cơ đạo vươn lên giai đoạn khai thông. Chư Thiên ân đệ muội phải nhận thức rõ ràng Sứ Mạng Lịch Sử của mình để hoàn thành sứ mạng Thiêng Liêng giao phó. Vậy thế nào là Sứ Mạng Lịch Sử?
(…) Cười! Cười! Tam Kỳ Phổ Độ là một giai đoạn quan trọng trên lịch sử diễn tiến của nhân loại trong kỳ Hạ nguơn. Đây là thời kỳ có một không hai trong quá trình tiến hóa tâm linh nhân loại vì được diễm phúc hồng ân lớn lao duy nhất: Thượng Đế giáng trần lập đạo cứu độ và tận độ nhân loại cũng đang thời kỳ tiến cơ mạt kiếp, ác nghiệp chồng chất bao đời cũng đến hồi tác động với muôn vàn tai họa khủng khiếp.
Sự chênh lệch cách xa, một bên trí năng phát minh khoa học và một bên đạo đức lương tri, tạo nên tai họa khủng hoảng mờ mịt không lối thoát. Hoàn cảnh lịch sử, thời điểm lịch sử, phải có giải pháp lịch sử, sứ mạng lịch sử và tất nhiên con người sứ mạng lịch sử. Điều này có nghĩa cụ thể là trong giai đoạn lịch sử này, không làm tròn sứ mạng có một không hai thì vĩnh viễn không còn cơ hội nào khác để thực hiện cả. Đó là điều mà chư Thiên ân đệ muội phải tâm tâm niệm niệm xét suy cho thấu đáo.
Chắc nghe đến đây chư Thiên ân đệ muội sẽ tự hỏi thế làm gì bây giờ?
(…) Theo Bần Đạo thì hãy tự đặt câu hỏi là mình đã làm chưa và làm được gì rồi. Vì đường lối, phương pháp Ơn Trên đã nhiều lần dạy bảo và kế hoạch từng năm cũng đã dạy, giờ chỉ chủ yếu thực hành, thi hành tích cực có phương pháp, có qui trình, chia từng việc từng phần.
Nhìn chung toàn nền đạo hiện nay chỉ có Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý có nhiều công phu tu học, nghiên cứu và đóng góp tích cực xây dựng giáo lý Đạo trong tương lai, lại nên chư Thiên ân đệ muội nắm chắc hai phần việc:
- Trước nhất là nghiên cứu giáo lý đạo theo chiều sâu và chiều rộng.
- Phần nữa là công phu, lập hạnh, vừa công phu tịnh luyện vừa bồi công lập đức. Tóm lại, đó là hai lãnh vực trí năng và đạo hạnh. Trí năng để thuyết minh giáo lý soi sáng cho người tu học, cho mọi người, mọi tầng lớp, mọi nơi, mọi dân tộc và mọi trình độ văn minh. Đạo hạnh để thể hiện cụ thể tôn chỉ giáo lý đạo làm gương mẫu cho nhân sanh. Sống nếp sống đạo trong sinh hoạt hàng ngày, nhất nhất đều thể hiện lý đạo.
Chư Thiên ân đệ muội hãy làm thế nào cho giáo lý đạo có một căn bản lý luận vững chắc khoa học và khai triển sâu rộng mọi mặt. Giải đáp các vấn đề then chốt của triết lý siêu hình hiện đại khoa học v.v...Các việc này có tầm mức vô cùng quan trọng. Vì muốn độ người phải có trí thức siêu việt hơn đời, phải ưu thế trên mặt trí năng tư tưởng. Nhưng Đạo là lẽ sống, là hạnh phúc nên phải thể hiện cụ thể chân lý cao siêu ấy trong mỗi người qua nếp sinh hoạt hàng ngày, tác phong đạo hạnh thuyết phục mọi người xung quanh dễ cảm, dễ phục, vừa lành vừa hay, vừa ích lợi, vừa chân thật, đó là những yếu tố quan trọng tiến đến thành công trong lãnh vực tâm lý xã hội.
Chư Thiên ân đệ muội hãy là một Thích Ca, Khổng Tử, Jésus của thời đại, mới mong thực hiện sứ mạng lịch sử cơ Đạo Kỳ Ba.
Giáo lý đạo vô vàn sâu rộng,
Khắp thế gian chứa đựng không cùng,
Hãy đem mắt huệ mà trông,
Chỉ cho nhân thế con đường siêu sinh.
Kìa bé nhỏ hạt nhân nguyên tử,
Vẫn chuyển nhanh trật tự rành rành,
Muôn loài muôn vật trong trần,
Lớn như vũ trụ tinh vân cũng đồng.
Ai khéo vẽ hạt nhân quĩ đạo,
Ai đặt bày cơ Tạo xoay vần,
Thiên điều qui luật công bằng,
Thông linh kỳ diệu quyền năng của Trời.
Trong muôn vật, loài người linh tánh,
Đặc biệt là có đặng tự do,
Tự do thì phải biết lo,
Tìm đường siêu thoát, chớ dò theo ma.
Trong nhân giới Đạo là qui luật,
Tiêu chuẩn là đạo đức chí nhân,
Khuyên đời giác ngộ lẽ chân,
Khuyên người dốc chí ăn năn làm lành.
Đem tư tưởng đấu tranh tư tưởng,
Mượn tĩnh tâm nuôi dưỡng thiện tâm,
Hằng ngày hằng khắc lo chăm,
Vun chồi tâm đạo, diệt mầm cỏ hoang.
Lý đơn giản vài hàng ngắn gọn,
Nói cho người chấp nhận thật gay,
Muôn vàn học thuyết giãi bày,
Cốt sao tâm phục mới hay độ người.
Đạo hạnh phải rạng ngời chính khí,
Tác phong luôn giữ thế khiêm cung,
Chí thành, chân thật, khoan dung,
Khuyên đi nhắc lại dày công cũng thành.
Phép dẫn đạo tâm thanh ngôn hạnh,
Tiếp giao người biết tánh hiểu tình,
Làm cho thắm thiết chị anh,
Đức tin ân điển sẽ thành đạo tâm.
đến Đức Lý Đại Tiên Trưởng
Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ
danh họa của Lương Khải, (Trung Quốc,
cuối thế kỷ 12, đầu thế kỷ 13)
Các nhà viết sử đều tỏ thái độ rất trân trọng đối với nhà thơ Lý Bạch (701-762) về mặt tư tưởng phóng khoáng thanh cao và tài năng thi phú. Nhưng chẳng phải với bấy nhiêu vốn đáng trân trọng đó mà chơn linh nhà thơ Lý Bạch, sau khi về cõi trên, được Đức Chí Tôn giao phó trọng trách Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Nhà thơ Lý Bạch ở vào thế kỷ thứ 8, phẩm vị Giáo Tông Đại Đạo ở vào thế kỷ 20, cách nhau mười hai thế kỷ tức 1.200 năm, một thời gian dài tu luyện và công quả vô vi để trở thành Đại Tiên Trưởng rồi tới thế kỷ 20 mới nhận trọng trách Nhứt Trấn Oai Nghiêm, đại diện đạo Tiên, và Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, và sau này kiêm thêm trách vụ Tổng Lý Minh Đạo Vô Vi Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo.
Nhưng, dù thời gian có cách xa và phẩm vị có cách biệt bao nhiêu đi nữa, bởi cùng là một chơn linh trên đường thánh hóa thì đặc điểm về phong cách vẫn tìm thấy được rõ ràng trước cũng như sau trong thơ văn của Ngài, vì xưa nay đời vẫn công nhận văn tức là người.
Biết được đặc tính thơ văn của Lý Bạch đời Đường, người tín đồ Cao Đài ngày nay vừa tiếp nhận lời dạy dỗ của Đức Giáo Tông Đại Đạo, vừa thích thú cảm nhận đặc tính phóng khoáng của Ngài, thỉnh thoảng trong thơ có tửu, có nhạc làm lâng lâng tâm hồn của khách trần được ban ơn cho thưởng thức.
THI VÀ TỬU
Cái say, cái rượu của Lý Bạch đời Đường được công nhận không phải là cái chè chén bê tha của phàm phu tục tử:
Tam bôi thông Đại Đạo,
Nhất đẩu hợp tự nhiên.
(Ba chén thông Đạo lớn,
Một đấu hợp tự nhiên.)
Ngày nay, hàng Thiên ân sứ mạng lớn nhỏ trong tôn giáo Cao Đài từng được Đức Giáo Tông Đại Đạo ban ơn cho đối ẩm cùng Ngài. Ngài gọi đó là “tâm tương tửu” và bảo rằng rượu đó chẳng thua gì tiên tửu. Ngài cho phép chúng ta uống, mà còn khuyến khích chúng ta say (dù chỉ với một ly rượu nhỏ), vì đây chẳng phải là say men rượu thường, mà là say men đạo đức, say men chí bửu Thiên ân:
Tâm tương tửu dễ nhường tiên tửu,
Biết say men chí bửu Thiên ân,
Giúp cho tánh đạo sạch lần,
Diệt trừ tư hữu ngã nhân pháp quyền.
Ngài dạy tiếp:
Uống đi men đạo hỡi trò!
Say men đạo đức dễ dò lòng nhau.
Tài với đức đổi trao phụng sự,
Tâm với tài bực thứ không hai.
Có tâm mà lại có tài,
Đức, tâm, tài đủ, đạo Thầy hoằng dương.
Đời thì có hai đường chơn ngụy,
Đạo chỉ cần chung thủy nhứt tâm...
Đã bảo là “say men đạo” thì sao giờ này ta không cảm thấy mình như đang đối ẩm cùng Đức Giáo Tông đi, để có được trạng thái lâng lâng say men đạo, hùng chí mà nghe Ngài dạy tiếp:
“Xuân đạo vẫn còn, xuân tâm vẫn có. Kìa rượu xuân còn đó, chư hiền đệ muội đã nâng ly và hãy nâng ly xem như chung rượu tâm tương tửu mà năm nào Bần Đạo đã cùng chư hiền đệ muội đối ẩm. Duy chỉ có một điều Bần Đạo muốn lưu ý chư hiền đệ muội: Khi uống cạn ly rượu chung trà, cái thực chất có thấm thía được vào can trường huyết quản của người sứ mạng Thiên ân hay không.
Tâm chủ sử cơ cầm linh diệu,
Nhấp quỳnh tương cửu khiếu khai thông.
Nghe lời dạy của Đức Giáo Tông thì chúng ta ai nấy vẫn thường nghe. Nhưng nghe với “lòng say men đạo”, trong khi men đạo đang thấm thía vào can trường huyết quản, thì sự quyết chí mới cao, người Thiên ân sứ mạng mới thấy được nung chí hăng say phụng sự Thiên cơ.
THƠ VÀ NHẠC
Thi (hay thơ) tự nó có tính nhạc với thanh điệu bằng trắc, bổng trầm. Dùng thơ để diễn tả một ý nhạc, thì tính nhạc của thơ lại càng tăng cao. Chúng ta vẫn nhớ với bao niềm thích thú bài thơ đầy ý nhạc của Đức Giáo Tông dạy nội bộ Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý:
So tơ đồng đúng điểm cung thương,
Gảy lên những khúc can trường,
Lòng thanh cao lẫn du dương bổng trầm.
Cơ Quan ấy danh cầm huyền diệu,
Tạo chân tài phát điệu âm thanh,
Hữu vô, lý Đạo phân minh,
Năm châu bốn biển thanh bình âu ca.
Ngài giải thích:
“Cơ Quan ví như cây đàn, đạo lý ví như tiếng đàn, các cấp nhân viên hành sự Cơ Quan ví như nhạc sư và nhạc công chơi đàn. Đàn có hai phần: một là dây phím đúng điệu cung thương, hai là số người chơi đàn phải có tâm hồn thanh cao. Nếu dây, phím không đúng mực đúng chỗ, thì cây đàn ấy là một món huê dạng, dầu nhạc sư tài ba lỗi lạc cũng không làm sao khảy lên đúng nhịp điệu. Nếu nhạc sư là người chơi đàn, dầu cho là một người chuyên nghiệp, nhưng không có tâm hồn thanh cao, tiếng đàn không sao quyến rũ được những người thanh cao thích nhạc.
Ai ai cũng thích nghe nhạc, nhưng tùy theo âm điệu nhạc, tùy theo tâm hồn của người sử dụng nhạc. Nếu người sử dụng nhạc, khi có những tâm hồn cuồng loạn, làm sao trỗi lên âm điệu trầm bổng êm đềm thức tỉnh khách trần trong cơn mê mộng. Trong một ban nhạc, dầu những món nhạc khí, nhạc cụ, hình ảnh có khác nhau, nhưng khi trỗi lên một bản nhạc hợp tấu, đâu đó đều trúng điệu trúng nhịp, âm thanh điều hòa, có phải bởi nhờ mỗi nhạc công đều lên dây đúng tầng âm thanh, theo một khuôn viên mẫu mực, theo đúng các ký âm pháp của bản nhạc, và luôn luôn hướng về sự điều khiển của nhạc trưởng hay chăng? Nếu ngoài qui luật ấy, dầu một hai món nhạc khí cũng đủ gây lên âm điệu cuồng loạn, mất trật tự, khiến người nghe nhạc phải điên đảo thêm lên.”
Thánh giáo trên đây của Đức Giáo Tông Đại Đạo đã gợi hình, gợi ý đầy đủ về hai khía cạnh:
1. Nhạc sư và nhạc công phải có tâm hồn thanh cao.
2. Các món nhạc khí (nhạc cụ) đều phải được điều chỉnh cho đúng tầng âm thanh, theo một khuôn viên mẫu mực, theo đúng ký âm pháp của bản nhạc, và luôn luôn hướng về sự điều khiển của nhạc trưởng (Tổng Lý Minh Đạo Vô Vi của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý là Đức Giáo Tông Đại Đạo).
THƠ, RƯỢU, NHẠC NÂNG TÂM HỒN NGHỆ SĨ LÊN CAO, MUỐN HÒA NHẬP CÙNG THIÊN NHIÊN
Núi, trăng, sông, biển luôn luôn là nguồn cảm hứng của Lý Bạch. Đối với Lý Bạch, cảnh vật thiên nhiên không phải là vật thể, mà là tâm tình; khi buồn có trăng thì buồn cũng hết:
Hạo ca đãi minh nguyệt,
Khúc tận dĩ vong tình.
(Hát vang chờ trăng sáng,
Hát xong quên tình buồn.)
Lên núi cao thấy trời đất rộng bao la và thiên nhiên ấy làm Lý Bạch thấy cõi đời danh lợi là nhỏ hẹp, phù du:
Đăng cao vọng tứ hải,
Thiên địa hà man man.
(Lên cao trông bốn bể,
Ôi, đất trời bao la.)
Vinh hoa đông lưu thủy,
Vạn sự giai ba lan.
(Vinh hoa như dòng nước chảy về đông,
Việc đời muôn sự đều như ngọn sóng.)
Tư tưởng vượt lên trên cái nhỏ hẹp để vươn tới tầm rộng lớn bao la đã được Đức Giáo Tông truyền dạy cho người tín đồ Cao Đài thấm nhập để hoàn thành sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ: “Khêu tỏ lý đồng nguyên và quy nguyên, khai phóng tâm linh, đưa con người tôn giáo vươn lên tầm vóc Đại Đạo, ngước mắt nhìn lên bầu trời to rộng, vượt ra đại dương trời nước bao la, chấp cánh bay bổng khắp bốn phương trời để phục vụ nhơn loại, phụng sự Thiên cơ, phụng sự Đại Đạo, làm theo lòng trời đất ...”
Đối với cá nhân người tu hành, Đức Giáo Tông dạy hòa nhập tâm hồn cùng cảnh vật thiên nhiên để thoát điều phiền não:
Cho hết ưu tư mọi não phiền,
Tâm được thênh thang, lòng thoải mái,
Một giờ, một phút cũng thần tiên.
Trên đây chúng tôi vừa nêu lên một số đặc điểm về phong thái của nhà thơ Lý Bạch, vừa trích một ít đoạn thánh giáo của Đức Giáo Tông để minh họa những đặc điểm ấy, đồng thời cũng để nhận diện những đặc điểm ấy trong thánh thi của Đức Giáo Tông, cho thấy mối liên hệ giữa nhà thơ nổi tiếng đời nhà Đường hồi thế kỷ 8 với Đức Lý Đại Tiên Trưởng Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ vào thế kỷ 20.
Từ những đoạn thánh giáo trích dẫn trên đây, dù thánh ý nào cũng quan trọng, chúng tôi muốn đề nghị tuyển chọn một chủ đề có thể nêu lên làm phương châm để nhớ nghĩ đến Đức Giáo Tông trên bước đường hành đạo. Theo thiển ý, chủ đề sau đây có khả năng giúp ta nhớ ngay tới Đức Giáo Tông: say men đạo đức hoặc say men sứ mạng.
Chúng ta hãy say men đạo, say sưa với sứ mạng sau khi được hâm nóng bởi chung “tâm tương tửu” của Đức Giáo Tông, từ đây hăng hái thêm hơn với đạo sự, để Đức Giáo Tông khỏi còn phải cất tiếng vỗ về mà nghe ra chính là lời than thở năm nào:
“Bần Đạo xem chư hiền đệ muội là những người em thân yêu mến luyến, nên đã từng cho chư Thần hộ trợ, vượt qua những lúc khó khăn, ngang nhiên hành đạo, có lý nào lại không được lưu chút tình thân, nhớ lời dặn dò chỉ bảo, để được nhẹ nhàng tâm não, mát mẻ cõi lòng, mà bắt tay cùng Bần Đạo để lo xây dựng cơ tái tạo ở đời Thượng Nguơn.”
Xin hãy nhớ lại bao lời dạy dỗ của Đức Giáo Tông, nữ cũng như nam, hãy đưa tay thọ nhận chung “tâm tương tửu” Ngài ban trao, hãy uống và cảm nhận hơi nóng của men đạo thấm thía vào can trường huyết quản, thúc giục người sứ mạng Thiên ân đồng nhặt bước thêm hơn. ◙
Thiên Vương Tinh
Đức Giáo Tông về công phu
Huệ ý
Thông thường chúng ta hiểu đơn giản là Đức Đông Phương Lão Tổ dạy tịnh luyện và Đức Giáo Tông Vô Vi đảm trách phần hành sự, tuy nhiên nhiều lần Đức Giáo Tông nhắc nhở về tầm quan trọng của công phu.
Muốn đạt chơn TÔNG lão chỉ cho,
Muốn được ĐẠI thừa xong sứ mạng,
Thì đường chơn ĐẠO phải siêng dò.
Muốn dạy người trước dạy mình, muốn cứu người trước phải biết tự cứu. Muốn ra giáo hóa, muốn đạt chơn tông, muốn được đại thừa, phải siêng công phu. Công phu là gốc, gốc có vững thì công quả mới lâu dài, bền bỉ. Tu sĩ là người “giáo dân vi thiện”, Đức Giáo Tông đã dạy phải học thiền định để hoàn thiện thân tâm, mới đủ điều kiện, năng lực hoàn thành sứ mạng ở cương vị của mình.
Phải tập lần hoàn chỉnh thân tâm,
Xa nơi đọa lạc quần âm,
Vững vàng sứ mạng mà tầm lý chơn.
Xin nhắc rằng Tu sĩ là bước đầu tiên, tu học, hành đạo theo Lịch trình hành đạo do Đức Lê Đại Tiên ban cho Cơ Quan, chúng ta mừng thấy có các em xin thọ pháp và tham dự các mùa tu. Ngày chúng tôi là Tu sĩ, theo làm tiểu đồng cho Đạo trưởng Tổng Lý Minh Đạo Huệ Lương (Nay là Đức Quảng Đức Chơn Tiên), Đạo Trưởng dạy: “Em rán gần các vị đạo cao đức trọng thì tự nhiên hưởng điển lành, sẽ tu học thêm dễ dàng, như trà gần sen được thơm nên tăng giá trị”. Sau khi mãn hộ tịnh khóa tu Đông Chí năm Đinh Mùi (1967) tại Thánh Thất Bình Hòa, Đức Đông Phương Lão Tổ điểm danh ban ơn cho quí vị Đạo trưởng tịnh viên và các trò thanh thiếu niên hộ tịnh cũng được dự phần. Lúc đó chúng tôi hộ tịnh, chưa được nhập tịnh, hiện nay các tu sĩ được cả hai, quí biết chừng nào. Em nào chưa thọ pháp thì cúng tứ thời, chính là công phu ở chừng mực phổ thông cho tất cả tín đồ và diệu dụng không khác nhau. Ít nhất phải được một thời, Đức Lê Đại Tiên dạy: “Bốn thời giữ một dưỡng thần.”
Đức Mẹ dạy:
Tứ thời luyện giữ cao minh,
Nuôi hồn theo nhịp câu kinh tiếng đờn.(…)
Giờ phút thiêng niệm danh Tiên Phật,
Cảm kích lòng như khất, như xin,
Như dâng hết cả chân tình,
Như nguyền đến cửa thần minh thọ truyền.
Về diệu dụng dưỡng sinh của công phu, cúng thời, ngay từ lúc Khai Đạo, Đức Chí Tôn dạy: “Trung, Con biểu Mắt phải chịu khó cúng tứ thời và nhìn Thiên Nhãn cho thường. Mỗi lần cúng cho được lâu, lâu đặng cảm lòng giáng hỏa thì hết đau mắt. Luôn dịp, Thầy nói cho các con biết: Cúng tứ thời có ích cho các con lắm, chớ không phải ích chi cho Thầy. Nếu cúng được thường thì lòng dạ mở mang, tứ chi luân chuyển, có nhiều khi tật bệnh tiêu diệt. Các con nên biết việc cúng tứ thời nghe.” Vậy thì công phu (cúng thời, tịnh) để trau tâm sửa tánh là cái gốc của việc tu hành.
Muốn siêng dò đường chơn đạo thì bắt đầu từ đâu? Con người biết rất nhiều, nhưng việc cấp thiết là chưa biết mình. Đức Giáo Tông dạy:
Một Trời, một đất, một lòng tin,
Biết đạo, trước tiên biết được mình,
Mới biết sống đời là sống đạo,
Đại Thừa sứ mạng rất phân minh.
Chúng ta sống thường là theo bản năng, ăn, uống, ngủ, nghỉ do thói quen. Có bao giờ mình cư xử với cương vị “Chủ Nhơn Ông” chăng? Hiếm lắm. Vì vậy, biết mình, bước đầu tiên là tập điều thân, điều tâm, điều tức. Làm chủ thân, tâm, tức; nghĩa là biết mình rồi sẽ biết Đạo, biết Trời, biết Đất vì thiên địa vạn vật đồng nhứt thể. Nhờ Đức Giáo Tông Vô Vi dạy, chúng ta được biết thêm về bản chất và tiềm năng trong mỗi chúng ta. Đức Giáo Tông Vô Vi dạy: “Có khi nào chư đệ muội nhận thấy rằng chư đệ muội là tiên tại thế đấy không? Chính chư đệ muội là tiên trong tiềm thể, vì trong tiềm thể nên có khả năng thăng tiến vô hạn. Thần tiên ở trong tiềm thể, vì chư đệ muội còn mang xác thân hệ lụy, tất cả kết quả siêu thoát hay đọa lạc đều do đấy, do đó mà ra.”
Chúng ta có thể hiểu rằng mỗi người là một hạt mầm có cùng khả năng. Khi phát triển thành cây, cây nào tích cực thu liễm nắng, sương để đâm chồi ,nẩy lộc thì sẽ kết quả đơm hoa phong phú, chủ yếu là vận động nội lực chứ không trông chờ ngoại lực. Đức Giáo Tông Vô Vi dạy: “Loài hoa nào biết thu hút tinh hoa của nhựt nguyệt, biết tiếp nhận đủ vượng khí của đất trời thì muôn màu khoe sắc để kết quả tốt đẹp, bằng ngược lại thì sớm tàn tạ mà không thể qui trách nhiệm cho chủ vườn hoa. Chư hiền đệ muội hãy thấy chỗ đắc nhứt, đắc đạo ở hoàn cảnh bên ngoài mà thâu nhiếp chỗ đắc nhứt, đắc đạo của tâm linh.”
“Tự tri”- biết mình là điều kiện để “biết Đạo”, đọc được “Thiên thơ”. Trong Tam Kỳ Phổ Độ, ý niệm “Thiên thơ” được Đức Ngô Đại Tiên dạy:
Tiên Ông có bộ Thiên thơ,
Ai người sứ mạng, huyền cơ mở màn.
Đức Giáo Tông Vô Vi cũng đề cập đến Thiên thơ: “Đứng trước sứ mạng to tát trong cơ tận độ kỳ ba, chư đệ muội sao khỏi ngại ngùng lo lắng! Chư đệ muội có biết đâu:
Tiên Ông trao sẵn bộ Thiên Thơ,
Đã mấy mươi năm luống đợi chờ,
Sứ mạng Thiên ân kỳ tận độ,
Xây nền Thánh đức kịp thời cơ.”
Người Pháp muốn đọc Tứ Thư, Ngũ Kinh phải học Hoa Văn. Người phàm muốn đọc Thiên thơ phải học mở huệ tâm, huệ nhãn. Chúng ta chưa mở được huệ nhãn mà Đức Chí Tôn đã trao “Thiên thơ” rồi, nhưng do:
_ Chúng ta chưa biết.
_ Hoặc biết mà chưa đọc.
_Hoặc đọc mà chưa hiểu.
Điều kiện để đọc Thiên thơ, hay hiểu Thánh ý được Đức Giáo Tông dạy: “Tự tri mới rõ câu Thánh ý, Tri nhơn rồi nhứt trí dung hòa.” Theo lời dạy của Đức Giáo Tông, “biết mình” chính là chìa khóa của huyền môn chơn đạo và bắt đầu là điều thân, điều tâm, điều tức để làm “chủ được mình” thì mới biết mình.
Công phu: động năng thực hiện mục đích, tôn chỉ, lập trường Đại Đạo. Đại Đạo có 2 mục đích: Thiên đạo giải thoát và Thế đạo đại đồng. Công phu là cùng một lúc thực hiện được hai mục đích. Đức Giáo Tông dạy:
Đắc Nhứt tâm rồi thế mới yên,
Muốn tâm đắc nhứt phải tham thiền,
Tham thiền tâm sẽ hòa muôn vật,
Hòa ấy làm nên đạo phối thiên.
Tôn chỉ của Đại Đạo là “Tam giáo qui nguyên, Ngũ chi phục nhất” là hệ thống chương trình hoàn chỉnh cho chúng ta tu học. Do kết quả tu học công trình, công quả, công phu mà được Đức Chí Tôn ban ơn:
Sống thì trọn đạo vi nhân,
Thác làm Tiên, Phật, Thánh, Thần khó chi.
Lập trường của Đại Đạo là “Thuần chơn vô ngã”. Đứng trên lập trường thuần chơn vô ngã, người môn đệ của Đức Chí Tôn mới tự độ và tận độ được. Thuần là ròng, không pha tạp.Chơn là thành thật, chơn chánh, chơn tu. Muốn thế phải “vô ngã”, không còn “cái ta” nữa.
a. Có vô ngã mới tự độ được mình: Ơn Trên dạy:
Đã dày dạn công phu chay lạt,
Chấp ngã còn, chẳng khác chi đời.
Vô ngã không phải là diệt ngã mà chuyển hóa nó từ hẹp ra rộng, từ riêng ra chung, tiến đến chỗ không bờ mé, không giới hạn.
Tình dân tộc đổi tình nhân loại,
Nghĩa nước non ra nghĩa đại đồng.
(Đức Lê Đại Tiên)
b. Có vô ngã mới tận độ mọi người. Đức Trần Hưng Đạo dạy phải vô ngã, mới tận độ được qua câu đối:
Giáp Tý hiệp không gian, nhược thiệt nhược hư cảm hóa tam thiên thế giới.
Bính Dần khai Đại Đạo, vô nhân vô ngã, độ toàn cửu nhị nguyên nhân.
Đức Giáo Tông dạy “Vô ngã” một cách minh bạch và thực tế qua các công thức sau:
Công thức (I): Vô ngã = mình là mọi người, mọi người là mình.
Khi mình là mọi người, mọi người là mình, thì chỉ còn nhứt thể. Mình bịnh tức người bịnh, ghét người tức ghét mình. Sự cộng thông này là hình ảnh “hòa vào đại dương giọt nước sẽ tồn tại”. Thất tình lục dục là những chướng đạo ngăn cản sự hợp nhất của ao hồ vào biển cả để không sớm thì muộn sẽ bị khô hạn.
Đức Giáo Tông dạy: “Tất cả đều do một tâm chuyên nhứt bất thối chuyển vượt lên hết mọi phức tạp của cuộc đời thị phi đối đãi. Nếu tâm còn vướng mắc trong sự hạn hẹp cá nhân thì bảo sao thất tình lục dục không kéo lôi trì níu.
Đạo là bao la huyền nhiệm, pháp trường lưu bất tận như biển cả mênh mông, khơi khắp muôn sông ngàn rạch, khi tán muôn phương, khi tụ về biển cả, nên dòng nước của cơ cứu độ vẫn luôn khơi chảy khắp để đem lại sự mát mẻ cho muôn loài, không như nước ở ao hồ, cũng là nước nhưng nó bị hạn hẹp trong sự chứa đựng của nó nên không khỏi bị khô cạn bởi sức nóng của thái dương.”
Mọi người đều là con của Đức Chí Tôn, không có ai là người thù, không có ai là người ghét của chúng ta.
Đức Giáo Tông dạy:“Người sứ mạng Thiên ân chiến thắng được khi nào làm cho kẻ thù trở nên thân, người ghét trở nên bạn. Có như thế thì Xuân mới vĩnh viễn trường tồn trong lòng người Thiên ân sứ mạng, phàm nhân trở nên Thánh nhân trên con đường tự độ. Do đó, đối với tôn giáo nào cũng có qui điều, giới luật để người hành giả tu luyện thân tâm đến độ ly gia cát ái để xem mình là mọi người, mọi người là mình mới đạt thành kết quả trên đường hành đạo.”
Công thức (I) này giúp chúng ta phá bỏ những hàng rào ngăn cách để cùng mọi người anh, em trở thành nhứt thể.
Công thức (II): Vô ngã = thương yêu mà không có đối lập, trách nhiệm mà không có hậu ý: Công thức II mang tính chất hành động trong cụ thể đời sống xã hội. Trong quan hệ xã hội:
- Một là về mặt chủ thể, người môn đệ của Đức Chí Tôn chỉ được quyền thương yêu mọi chủ thể khác, vì đó là anh em. Anh em ghét nhau thì không thể trở về với cha mẹ. Đức Chí Tôn dạy: “Con không thương được kẻ ghét mình thì không gần Thầy.”
- Hai là chúng ta làm việc cho anh em không tính toán mà với trách nhiệm cao. Đức Giáo Tông dạy:“Người tu (…) phải hòa mình vào mọi cảnh, mọi giới, có thương yêu mà không có đối lập, có trách nhiệm mà không có hậu ý, dễ thương dễ mến hơn người thì mới độ được người, bằng chẳng được vậy thì không nên được việc gì mà càng thêm mệt mỏi.”
Một đạo hữu đã nói đến chữ “KHỎE”:
- Khỏe vì lúc nào mình cũng vui.
- Khỏe vì không ai là người thù, nên lúc nào cũng ăn no, ngủ yên.
- Khỏe vì làm việc mà không cầu, không chờ, không muốn có bù đắp, nên lúc nào cũng thanh thản.
Đức Giáo Tông dạy:
“(…) những người đã giác ngộ thì phải chấp nhận đạo lý thuần chơn để xây dựng cho cuộc đời mà không ranh giới lãnh vực nhân – ngã. Làm được như vậy, Tiên, Phật, Thánh, Thần cũng không khác.”
Công thức (II) vô ngã là phương châm để hòa quang hỗn tục, hòa đời hợp đạo.
Công thức (III): Vô ngã = vô tư = vong ngã. Muốn vô tư chúng ta phải học theo trời, đất, nhựt nguyệt: Trời không che riêng. Đất không chở riêng. Nhựt, nguyệt không chiếu riêng. Người vô tư là người học được cái tâm của Trời Đất. Đức Giáo Tông dạy: “Chư đệ muội hãy lấy tâm thiên địa để mà tu, và hòa mình cùng vạn vật để mà sống.” Có tâm thiên địa thì mới vong ngã, có vong ngã mới vị tha, có vị tha mới tận độ. Như vậy chúng ta có thể phát biểu: điều kiện cần và đủ để tận độ là vô ngã. Có thế mới hoàn thành được sứ mạng mà Đức Chí Tôn giao phó. Đức Giáo Tông dạy:“Bảo chư hiền trải lòng bác ái thiên địa chi tâm, học đạo thời trung mà hành đạo để cho guồng máy Đạo được luân lưu trên dòng đời sâu cạn để thực hiện sứ mạng độ kỷ độ nhân thì chư hiền phải phá chấp, vượt ngoài nhân ngã; có như vậy mới không bị quần ma biến tâm thiên địa thành tâm phàm tục biệt phân, tự đóng khung vào chỗ chật hẹp ích kỷ, tự cột chân bó gối giải đãi biếng lười, không làm lợi ích gì cho ai, mà chính mình cũng đắc tội cùng Trời đất.”
Đức Giáo Tông ban cho chúng ta tâm tương tửu để sáng lòng thấy tánh thực hiện mục đích, tôn chỉ, lập trường của Đại Đạo.
Tâm tương tửu dễ nhường Tiên tửu,
Biết say men chí bửu Thiên ân,
Giúp cho tánh đạo sạch lần,
Diệt trừ tư hữu ngã nhân pháp quyền.
Cùng với sự ban ơn của Đức Giáo Tông, chúng ta phải phấn chấn tu học, công phu siêng cần để sớm đạt vô ngã hầu “Cùng Trời đồng nhứt, cùng Đạo ứng thông.” Ai đã thọ pháp và ai chưa thọ pháp xin nghe lời dạy của Đức Giáo Tông:
Huyền môn ai hỡi có cùng không,
Vượt đến tìm ra đấng chủ ông,
Phá chấp trừ mê lìa vọng ngã,
Nhích chơn liền đến cõi cùng thông.
Công thức (III) vô ngã vừa giải quyết được đạo sự ở thế gian, vừa giúp chúng ta siêu xuất thế gian huyền đồng cùng Trời, đất, nhựt nguyệt.
KẾT LUẬN
1. Hiểu được tầm quan trọng của công phu thì cấp nào cũng siêng cúng, siêng tịnh, nhờ đó thân, tâm được lành, mạnh, gắn bó việc học, tu, bồi công lập đức.
2. Bước đầu công phu là điều thân, điều tâm, điều tức để tự biết mình, rồi hiểu Thánh ý mà học, tu, hành đạo.
3. Có hành thâm công phu thì mới đủ năng lực mà hoàn thành mục đích, tôn chỉ, lập trường Đại Đạo.◙