Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
06/05/2011
Trần Lê Khanh

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 14/05/2011

Tôn giáo trong ý nghĩa “Toàn cầu hóa”


Trong những năm gần đây, thuật ngữ “toàn cầu hóa” (TCH) dần trở nên phổ biến trong đời sống xã hội; nó có tác động và lan tỏa đến mọi nơi trên thế giới, thể hiện trên nhiều địa hạt khác nhau, từ kinh tế, xã hội, kiến trúc, mỹ thuật đến âm nhạc, tôn giáo, văn hóa, điện ảnh, …

1. Toàn cầu hóa (Globalize)

Wikipedia định nghĩa: “ TCH là một sự thay đổi xã hội, một sự liên thông ngày càng tăng giữa các xã hội và các yếu tố của nó do sự xuyên văn hóa, sự gia tăng bùng nổ của giao thông và các công nghệ truyền thông góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa và kinh tế quốc tế”

Còn Bách khoa từ điển thì cho rằng: “TCH là hiện tượng, trong đó các quan hệ xã hội được mở rộng trên toàn thế giới, loại trừ dần tình trạng khép kín, biệt lập giữa các quốc gia; đưa đến sự chuyển hóa lẫn nhau trong môi trường quốc tế, mà ở đó mỗi nước đều có những vị trí nhất định trong quá trình hình thành, xác lập những quan hệ và ứng xử cộng đồng, những tiêu chí và luật lệ, cơ chế và trật tự cộng đồng. Sự mở rộng quan hệ này được tăng cường tới mức nhiều sự kiện xảy ra tại nơi này nhất thiết tác động đến những sự kiện xảy ra ở nơi khác”

Vậy, có thể hiểu nôm na, do sự phát triển kỹ thuật và nhu cầu giao lưu ngày càng tăng của con người những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI đã hình thành nên TCH, theo đó những thành tựu khoa học, hay kết quả sự giao thoa về văn hóa đều trở thành “tài sản” chung của toàn nhân loại. Nó chuyển động trong một “thế giới phẳng”, không bị ngăn ngại bởi đường biên giới địa lý, nó có tác động đến mọi nơi trên thế giới trên nhiều lãnh vực khác nhau.

Xét một cách khách quan, TCH là sự phát triển tất yếu, đáp ứng nhu cầu giao lưu, trao đổi của con người, giúp con người xích lại gần nhau, nhân loại sống trong một thế giới văn minh khoa học và đa dạng văn hóa.

Nhưng thực tế thì, TCH chỉ thể hiện rõ nét ở khía cạnh kinh tế, các cường quốc muốn sản xuất nhiều hàng hóa hơn, mở rộng phạm vi tiêu thụ lớn hơn nhằm thu lợi nhuận cao hơn; bên cạnh đó, khủng hoảng kinh tế tài chánh ở một nước cũng có thể lan sang nhiều nước khác trên thế giới. Thành ra, vô hình trung, nhiều người lầm tưởng, TCH và hội nhập là sự phóng túng về lối sống, sống hưởng thụ, buông thả, chạy theo dục vọng và làm nhạt nhòa văn hóa bản địa. Đây đó trên thế giới vẫn phản đối mạnh mẽ TCH vì họ cho rằng cái kiểu TCH như thế chỉ là “Mỹ hóa” hay “phương Tây hóa” mà thôi, dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt theo kiểu mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé. Chính sự phiến diện đó là nguyên nhân của sự sa sút về lối sống, đạo đức, là căn nguyên của sự phai mờ bản sắc văn hóa dân tộc. Một số nước (trong đó có Việt Nam) đang “vật lộn” chống lại “cơn bão” TCH với mục đích không gì khác hơn là hài hòa giữa phát triển kinh tế xã hội và bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc, giữa vật chất và tinh thần.

Ơn Trên đã giải thích sự hài hòa đó như sau: “Vật chất càng tăng cường trong ánh văn minh chói lọi thì tinh thần càng băng hoại sa sút. Vì đó, phải đem lại sự quân bình cho cả hai, tâm linh và nhân sinh. Có được sự quân bình ấy, thế giới này mới hòa bình, nhân loại mới an vui thạnh trị.”

Ý nghĩa đầy đủ của TCH chính là ước muốn giao lưu, kết hợp giữa con người trên thế giới, sự liên thông các lãnh vực trong đời sống xã hội, trong đó chắc chắn có tôn giáo. Ý nghĩa TCH trong lãnh vực tôn giáo thật ra không phải là mới mẻ, bởi lẽ, bất kỳ tôn giáo nào cũng có sứ mạng đưa giáo lý của mình đến quãng đại chúng sanh, giúp con người đạt trạng thái quân bình và hướng xã hội nhân loại tới chân thiện mỹ.

“Phổ thông giáo lý Đại Đạo cần được truyền bá sâu rộng đến mọi người để giúp người giác ngộ tìm một lối đi, một hướng tiến như đèn cần cho đêm tối, thuốc cần cho bệnh nhân; có thuốc mà không chữa, thì có đèn có thuốc cũng chẳng lợi cho ai. Phải hòa mình vào thế tục mới độ được người đời.”

Thời đại TCH hiện nay, “bệnh nhân” rất nhiều, “bệnh lý” cũng đa dạng, từ sa sút đạo đức, lối sống cho đến các vấn đề sắc tộc, môi trường, … Cái “thuốc”, cái “đèn” đó chính là giáo lý; đem giáo lý đến với mọi người là trách nhiệm của tôn giáo.

Một ý nghĩa khác của tôn giáo với TCH là nhu cầu giao lưu liên kết giữa chính các tôn giáo với nhau; nhu cầu đó đã và đang thể hiện rất rõ trong hoàn cảnh xã hội nhân loại ngày nay. Trách nhiệm đem giáo lý cứu độ toàn nhân loại là sứ mạng rất lớn lao và quan trọng; phải có sự liên kết, không phải trên phương diện hình thức tổ chức mà là tinh thần giáo lý “một cội sanh ba nhánh in nhau”, hay “tam giáo đồng nguyên, vạn giáo nhất lý”. Cái lý duy nhất đó là tiền đề cho sự kết hợp ấy thành một “Thực thể Đạo cứu thế”, tạo động năng cứu độ sâu rộng và toàn diện bằng giáo lý thuần nhất, mà cơ sở của nó là Đức Chí Tôn “dựng Cao Đài nơi vùng Đông Nam Á này để làm quyền pháp. Chính sứ mạng quyền pháp này thúc đẩy mọi sở vật thực tại tôn giáo kết thành thực thể Đạo cứu thế trong Tam kỳ phổ độ”

Sứ mạng cứu độ trong thời đại này không là đặc quyền của tôn giáo nào vì “quyền pháp mà Thầy đã ban không là tôn giáo này hay tôn giáo khác” , miễn là trong tôn giáo ấy có sự hiện hữu của Thượng Đế, thể hiện đức háo sanh của Thầy bằng tình thương vạn loài.

Qua đó, tính phá chấp của giáo lý Đại Đạo thể hiện rất rõ, “Cao Đài không là Cao Đài mới chính thị là Cao Đài”, vượt lên những ngăn cách hình tướng, nhìn nhận chân lý là duy nhất để “các sở vật thực tại” - những tôn giáo - có khả năng kết hợp thành một “thực thể”, đủ sức tận độ nhân loại trong thời đại con người đang trong quá trình TCH, cũng như đủ khả năng cải tạo thế giới trong mọi hoàn cảnh, mọi biến thể của tình hình thế sự.

2. Ứng xử của tôn giáo trong thời đại TCH

Nhờ TCH, đa số con người hôm nay tiếp thu và thừa hưởng những thành tựu khoa học của nhân loại một cách nhanh chóng, dẫn đến con người có điều kiện hưởng thụ vật chất sung túc hơn trước rất nhiều. Cái mặt trái bất cập của TCH là đây: càng hưởng thụ, con người càng hối hả chạy theo cuộc sống văn minh vật chất, đã có lại muốn có nhiều hơn, thậm chí làm ngơ trước những quy tắc luật lệ cuộc sống nhân sinh để thỏa mãn tham vọng, gây ra sự mất cân bằng trong cuộc sống cá nhân, tinh thần lúc nào cũng căng thẳng mệt mỏi, bản sắc văn hóa trong từng dân tộc ngày càng nhạt nhòa. Phải biết rằng, đời sống con người ta luôn có hai mặt: vật chất và tinh thần; hài hòa được cả hai yếu tố ấy, con người mới cảm thấy an lạc, hạnh phúc, bằng ngược lại, sẽ gây ra bao điều phiền toái. Trong hai mặt ấy, tâm linh đóng vai trò hết sức quan trọng, nó chủ sử mọi hành vi của con người, và trong sâu thẳm tâm hồn mình, con người, nếu biết khai phóng, sẽ thấy bản vị của mình cao quý biết bao!

Đức Vân Hương Thánh Mẫu khẳng định tầm quan trọng ấy: “Đời người có hai cuộc sống một là tâm linh, hai là nhân sinh. (…) Nếu tâm linh mờ tối không được luyện trau thì đời sống của con người chỉ là công cụ cho vật chất, thì thật là uổng phí. Thế nên các tôn giáo từ xưa chú trọng về phần tâm linh trước nhứt. Về nhân sinh cuộc sống gắn liền với thiên chức, gia đình, xã hội, nước non. Phải làm mới có mà ăn, phải dệt mới có mà mặc, phải hoạt động mới có mà sống, mà ở. Là nhân sinh không ai chối bỏ được những điều này. Tuy nhiên, nếu tâm linh mờ đục, thì cuộc sống nhân sinh thường hay lầm lạc, xáo trộn trật tự kỷ cương để gây nên những trái oan hận thù vì sống, ăn, mặc, ở. Thế nên, con người phải biết giữ mức độ quân bình cho chính bản thân là tâm linh phải lo trau luyện cho thanh thoát, đừng để thất tình lục dục bao vây. Có thế mới hòa vào xã hội nhân sinh để sống một cuộc sống có ý nghĩa siêu nhiên hơn. (…) Tâm linh và nhân sinh không thể tách rời mà phải luôn luôn gắn liền với nhau nhịp nhàng sinh động.”.

Năm xưa Thầy từng dạy rằng: “Đạo phát chậm một ngày là nhơn sanh khổ một ngày.”. Càng suy nghĩ và liên hệ đến thời cuộc, lời dạy của Thầy có giá trị vượt thời gian.

Hơn lúc nào hết, tôn giáo cần thể hiện vai trò quan trọng trong đời sống nhân loại; từ muôn đời, đối tượng của tôn giáo luôn là cộng đồng nhân loại và mục đích chính là xã hội thanh bình thạnh trị, tâm linh con người thăng hoa.

Văn hào Pháp, André Malraux (1901-1976) từng tiên đoán: “Thế kỷ XXI sẽ là tâm linh hoặc chẳng là gì cả”. Tai sao ông nói thế? Phải chăng ông biết trước rằng nếu con người chỉ sống thiên về vật chất sẽ mất cân bằng, gây ra những hệ lụy khó lường? Hay là đến thế kỷ XXI, con người đã lên tới đỉnh của văn minh khoa học và đã đến lúc nhường chổ cho đời sống tâm linh? Lời tiên tri của Malraux, ngay lúc này, không thể khẳng định chính xác tới đâu, nhưng với những sự kiện những năm đầu thế kỷ này, đã phần nào nói lên những lý lẻ của ông là có cơ sở: những biến cố dồn dập từ những cuộc xung đột, bệnh tật, môi trường đến lối sống phóng túng, đạo đức sa sút của một bộ phận con người đã dội một gáo nước lạnh vào niềm tin với những ai tin rằng tiến bộ khoa học là duy nhất, nâng cao đời sống văn minh vật chất là cứu cánh.

Khảo sát của Tạp chí “Le monde des religions” (Thế giới Tôn giáo) cho thấy: trong những năm gần đây đã có hiện tượng khởi sắc về các hoạt động tôn giáo dưới mọi hình thức và mọi nơi, từ Đại hội giới trẻ thế giới của Giáo hội Công giáo, các phong trào tôn giáo truyền thống ở Do Thái, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Ba Lan, … cho đến những sinh hoạt tu học của nhiều tôn giáo khác.

Đây là những tín hiệu cho thấy vai trò của tôn giáo trong đời sống, con người đến với tôn giáo để tìm lại bình an tâm hồn mà những tiện nghi vật chất không thể nào có được. Về phía mình, tôn giáo, qua giáo lý, phải định hướng lối sống, hành vi, nếp nghĩ của con người, ban đầu là hoàn thiện bản thân, sống đúng bản vị, sau đó xác quyết rằng người người đều có chung nguồn cội tâm linh duy nhất. Ứng xử của tôn giáo trong thời TCH cần tập trung vào 3 mặt:

a. Phục hồi nhân bản
Như đã nói, chính cái bất cập của quá trình TCH dường như làm cho con người ta chỉ biết hưởng thụ, sống vội trong cái hào nhoáng văn minh, sống không lập trường, lý tưởng, mục đích, đề cao chủ nghĩa cá nhân mà quên rằng xung quanh mình còn có gia đình, cộng đồng xã hội, thế giới nhân loại. Thực trạng đó, Đức Lê Đại Tiên đã cảnh báo từ cách đây hơn 40 năm:

“Con người hiện giờ đã mất quá nhiều điểm tựa của tâm linh. Niềm tin của con người đang sụp đổ, các căn bản nhân tính của con người đã xa lìa, chính vì vậy, thế nhơn hòa phải tạo lập lại các giá trị nhân bản, đưa con người trở về với đời sống hợp nhân tính đơn thuần, hiểu biết, hành động, phục vụ, phụng sự mà không nằm trong nhân bản sẽ đưa đến những hậu quả khốc liệt nhất cho xã hội. Nhân bản có sáng chói, con người mới cảm thấy mình là con người. Dầu ở bất cứ lãnh vực hay hoàn cảnh quốc thổ nào, đời sống tâm linh càng phải tựa vào nhân bản. Có như vậy, đạo lý tôn giáo mới không rơi vào chổ mông lung huyền ngã.”.

Giáo lý Đại Đạo khẳng định con người đứng trong hàng Tam tài, thông linh hơn muôn vật, có thể tiến hóa (tâm linh) lên nấc thang cao tột, thậm chí có khả năng kết hợp với Trời. Muốn vậy, tôn giáo phải xiển dương cái tính Trời đó trong con người, đó là điểm Đạo, Thượng Đế tính hay Nhân bản tiềm ẩn trong mỗi người, nhân bản đó,

“Là mầm sống, là nguyên thần,
Là Trời, là Đạo, là nhân của người”

Nhân bản là cái gốc tối cao, nhờ đó, người có thể sáng tạo và tiến hóa. Nhân bản sẽ giúp người đứng vững trước những đổi thay thời cuộc, an toàn trước “cơn bão” TCH hiện nay mà những cám dổ hiện bày trước mắt; không bị lệ thuộc vào nó, biết dụng nó đem lại lợi ích cho cộng đồng, lấy đó làm phương tiện phát huy nhân bản chính bản thân mình. Nếu con người “trở về với nhân bản, với đạo lý, với nội tâm thì sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề đang mong vọng của mọi người là thái bình an lạc”

Nói con người đứng trong hàng Tam tài, ý nói con người đó phải xiển dương cao nhứt cái giá trị tự hữu, làm sáng cái Đạo tự thân, có tinh thần phụng sự, chớ không lẽ, một con người đánh mất bản nguyên chơn tánh, quên cội xa nguồn lại đứng ngang hàng với Trời đất hay sao? “Cái bản vị cao quý nhất của con người đối với vạn vật vạn linh là cái rất quan trọng đối với chính nó trong cuộc sống xã hội nhân sinh. Cái chổ chứng đắc của con người toàn diện là sống theo đúng bản vị của con người trong ý nghĩa bất tử bất biến.”

Khẳng định rằng: Đứng vào bản vị cao quý ấy là con người nhân bản, cái nhân bản đó có vị thế vượt trội so với vạn vật đã đành, mà nó cũng quan trọng với chính con người: con người tiến hóa tâm linh xây dựng xã hội thành thế giới đại đồng, hòa bình. Nhân bản sáng chói làm nên con người toàn diện, con người muôn thuở muôn phương.

Nhưng bắt đầu từ đâu? Phải chăng đó là lương tâm, là tính thiện luôn hiện hữu ẩn tàng trong mỗi người, phát huy ra bên ngoài, đó là tình thương giữa người và người, giữa người và vạn vật, giữa người và thiên nhiên. Mặt trái của TCH, ngoài việc suy đồi đạo đức, còn là khoảng cách tăng lên giữa người giàu và người nghèo; trong thế giới hào nhoáng này, vẫn còn những chổ tối, những kẻ khốn khó cơ hàn. Lòng nhân ái thể hiện lúc này là vô cùng cần thiết: xoa dịu nổi đau người bất hạnh, làm sống lại nhân bản trong con người.

Người tìm lại nhân bản, trong bối cảnh TCH, những giá trị vật chất hiện hữu chẳng những không mất đi mà nó còn được bổ sung yếu tố tinh thần, tâm linh, giúp con người cân bằng và hài hòa hơn trong đời sống. Không phải ngẫu nhiên con người hôm nay dần tìm đến cửa tôn giáo; không rõ nguyên nhân vì sao, nhưng quá trình TCH có tác động ít nhiều đến điều đó. “Vật cùng tắc biến”, vật lên đến cực điểm ắt phải nhường chổ cho tâm; khi đã đủ đầy vật chất theo ý nguyện, con người vẫn không tìm được hạnh phúc trọn vẹn, vẫn cảm thấy một khoảng trống mênh mông vô hình nào đó, mà những ai đã trải nghiệm qua đều thấm thía. Vậy nên, nhân bản sẽ giúp “giải quyết tất cả các vấn đề đang mong vọng của mọi người là thái bình an lạc”

b. Tôn trọng và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc
Như đã phân tích, TCH, chỉ chú trọng đến khía cạnh kinh tế, đã làm phai mờ bản sắc văn hóa dân tộc của nhiều quốc gia, môi trường thiên nhiên bị tổn hại nặng nề. Nhiều người cực đoan bảo thủ còn lớn tiếng cho rằng, hệ quả của TCH chỉ là lối sống phóng túng, ngoại lai và đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. Không phải họ không có lý, bằng chứng là: quá trình đô thị hóa đã làm hư hại các di tích lịch sử, các làng nghề truyền thống bị thu hẹp, những hình thức lễ hội dân gian đậm tính nhân văn có nguy cơ thất truyền do không có người tiếp nối, những ngôi nhà cổ, các công trình kiến trúc cổ xưa có thể sụp đổ bất cứ lúc nào do môi trường bị tàn phá, … và còn rất nhiều nữa.

Nói tới văn hóa là nói đến “sản phẩm tinh thần của xã hội dân tộc. Văn hóa có ảnh hưởng một phần rất to tát trong xã hội nhân loại. Nó tế nhị mà bao la, trầm lặng mà mạnh mẽ. Có thể đưa dân tộc từ chổ đồi trụy trở về cuộc sống thanh cao. Bản chất của văn hóa là Đạo đức” , đồng thời văn hóa cũng là “một sức sống động tinh thần, không kém phần quan trọng công cuộc cứu quốc và kiến quốc. Vậy nên văn hóa là linh hồn, là tinh ba của dân tộc, là tương lai của sự trưởng thành trong văn minh ý thức.” .

Nghĩ cho cùng, bản sắc văn hóa góp phần định hình tính cách một dân tộc, một đất nước, mà nếu không có nó, sẽ làm mất đi những gì tinh túy, hồn cốt của dân tộc đó, biến cuộc sống trở nên xô bồ, mất hẳn cái điểm tựa tinh thần mà ông cha đã gầy dựng từ xa xưa. Cái đẹp của thế giới này chính là sự đa dạng bản sắc văn hóa từng dân tộc, nó thể hiện cá tính con người từng vùng, miền, làm cho thế giới con người đang sống trở nên đáng yêu hơn.

Bản chất văn hóa là đạo đức, thế nên văn hóa đạo đức “là một chất liệu hằng sống cho con người để dệt thành hoa xinh gấm đẹp, để xây dựng con người có một lý tưởng thanh cao.”

Văn hóa đó không phải đối lập với các mặt hữu thể nhân sinh, trái lại, nó định hướng con người phát triển toàn diện, có tinh thần phục vụ cộng đồng. “Khoa học có văn hóa đạo đức, khoa học đó mới gầy tạo được cái văn minh đặc chất thuần túy và công ích, để rồi lấy cái văn minh có đạo đức này đáp ứng mọi nhu cầu, mọi nguyện vọng chánh đáng, mọi phương tiện, mà con người cần có trong đời sống. Do đó mà nền văn hóa đạo đức phải đem lại cái chân lý sinh tồn, đáp lại sự đòi hỏi của con người, bằng một cách hữu hiệu của một văn minh tiến bộ, tạo cho con người một cuộc sống đầy ý nghĩa, linh hoạt di truyền chân thiện mỹ.”

TCH đúng nghĩa và toàn diện sẽ giúp con người xích lại gần nhau, giao lưu học hỏi, trao đổi, chia sẻ trên nhiều lãnh vực, đồng thời tôn trọng bản sắc văn hóa từng địa phương, chớ không gây ra những điều bất cập hay hiểm họa nào (như hiện nay); nếu có chăng là do chính con người, do sự áp đặt của những thế lực hùng mạnh kim tiền, dẫn đến sự đồng hóa văn hóa với kẻ khác. Vì vậy, cách ứng xử với TCH hiện nay, không gì khác hơn là phát huy văn hóa đạo đức trong chính mỗi người, biết giữ gìn, tôn trọng văn hóa bản địa và cộng đồng nhân loại.

Bản sắc văn hóa là nét đẹp đặc trưng, là những gì tinh hoa của một dân tộc, qua bao đời kết tinh thành truyền thống, không thể lầm lẫn được; dù nó được thể hiện dưới hình thức nào đi nữa cũng mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà con người phải tôn trọng và bảo tồn. Chính cái giá trị vô hình đó làm cho con người có một sức sống mạnh mẽ, hài hòa, nhận thức được sự đa dạng của thế giới và sống có trách nhiệm với nó. Làm được vậy, chưa bàn đến con người siêu xuất thế gian, ít ra cũng trở thành con người hữu ích cho đất nước, cho nhân loại.

“Văn hóa là đuốc chỉ đường để dẫn dắt khách trần đi trên vũ đài thế sự. Biết đâu là nẽo tối, đâu là con đường sáng để đi tận đích. Người đạo tâm thông cảm được nó và lấy nó thông cảm với nhân loại trong ý nguyện của đời sống thanh bình đầy đủ và cơm áo danh dự của sự thông cảm tinh thần văn hóa như thế nào? Vậy vấn đề văn hóa là tâm hồn của dân tộc của quốc gia mà chư đạo tâm nên khảo cứu để phát triển cái thuần phong mỹ tục của dân sinh trong thời đại.”

Làn gió TCH đã thổi qua mọi nơi trên thế giới này, cuốn phăng mọi giá trị tinh thần truyền thống cao đẹp, quý giá, đẩy một bộ phận con người vào cuộc chiến với kim tiền, mà kết quả là đa số người đều bất lực, chấp nhận làm nô lệ cho vật dục. Nếu biết nguồn cội, biết những giá trị tinh thần ấy là vô giá, hẳn con người sẽ ứng xử khác.

Nói thì dễ, chớ khi đã đối mặt với TCH rồi, bổng dưng con người quên tất cả, cạnh tranh một mất một còn để đạt miếng đỉnh chung, thành ra “sức đề kháng” với TCH hầu như chẳng còn. Biết tôn trọng, giữ gìn giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa, con người sẽ tìm thấy những mặt tích cực của quá trình TCH.

c. Phổ thông giáo lý
Tôn giáo ra đời, với trách nhiệm truyền bá giáo lý, hiểu theo cách nào đó, cũng mang ý nghĩa TCH (với tôn giáo) và dạy con người ứng xử với chính TCH

“Phổ là rộng khắp ngoài thế giới,
Thông là nguồn suốt tới muôn phương;
Giáo là dạy nẽo chỉ đường,
Lý là lẽ thiệt chủ trương thới bình.”

Trách nhiệm phổ thông giáo lý của tôn giáo đương nhiên được mặc định như vậy; dù có thể hiện dưới hình thức nào chăng nữa, cứu cánh của tôn giáo vẫn là cải tạo con người và xã hội ngày một hoàn thiện hơn.

“Dầu mang sắc thái riêng biệt của mỗi tôn giáo, mỗi tổ chức hành đạo có khác nhau nhưng cái cứu cánh căn bản của nó là tế nhân lợi vật, giáo dân vi thiện để đem lại xã hội thanh bình, quốc gia thạnh trị trong tình thương.”

Đến thời đại ngày nay, thời đại TCH, qua giáo lý, con người dần nhận thức rõ ràng hơn vai trò của tôn giáo cần thiết và quan trọng đến dường nào! Nó giúp người tìm lại những giá trị tinh thần cao quý, đồng thời xóa bỏ những cách ngăn dị biệt trong cộng đồng nhân loại, cũng như nó vẫn có chổ đứng trong một “thế giới phẳng” của “giao diện” TCH.

Con người hôm nay, đã tiến bộ về mặt trí năng, đang gõ cửa tôn giáo, nhờ giáo lý để tự hoàn thiện mình, tất nhiên giáo lý đó phải phù hợp thời đại con người đang sống. Giáo lý Đại Đạo đáp ứng được những khát vọng chính đáng đó của con người từ cá nhân đến cuộc diện thế giới, cũng như đưa con người tiến hóa siêu xuất thế gian.

“Phổ thông giáo lý không phải hiểu đơn thuần làm cho mọi người hiểu Đạo là đủ, mà phải làm cho cơ Đạo được thống nhứt tinh thần, thông suốt mọi dân tộc, mọi lý thuyết, mọi hoàn cảnh.”

Giáo lý đó thật uyển chuyển, linh động, có khả năng thích nghi mọi hoàn cảnh, nó xuyên suốt đến với mọi tầng lớp con người, không bị ngăn trở bởi những tập tục truyền thống chổ này chổ nọ, nó bổ sung tính hiện thực và ứng dụng của mọi học thuyết, lý luận, nó có khả năng cải tạo thế giới trở nên hòa bình, đại đồng, nó bổ túc những gì còn bất cập mà quá trình TCH đang diễn ra. Như vậy, giáo lý Đại Đạo giải quyết triệt để các vấn đề từ con người đến nhân loại, từ tôn giáo đến tôn giáo, từ thế đạo đến thiên đạo.

Giáo lý thể hiện lý tưởng Đại Đạo là:
- “Con đường rộng lớn nhất để đưa nhân loại đến đại đồng thế giới, không kỳ thị phân chia, phù hợp xu hướng văn minh tiến bộ, tạo cảnh giới an lạc hòa bình hạnh phúc thế gian và siêu xuất thề gian. (…) Đó cũng là chiếc bát nhã thoàn đưa khách năm châu đến cứu cánh tận độ.

- (…) Là cánh cửa càn khôn rộng mở cho văn minh khoa học loài người đạt đến điểm cao vút để nhìn thấy cơ vi mầu nhiệm của Tạo hóa mà thành tín trước đức háo sanh mầu nhiệm và đức từ bi sáng tạo vô ngần của Thượng Đế.
- (…) Con đường chân lý mà loài người phải vươn tới.
- (…) Đưa con người tiến hóa lên nấc thang đạo đức tận thiện tận mỹ: chánh pháp Thầy truyền, giáo lý các Đấng Thiêng Liêng dạy, tình dân tộc nghĩa đồng bào của chư môn đệ, cứu cánh tận độ của Đức Chí Tôn đặt để và môi trường xã hội loài người.”
Đây chính là tính toàn diện và toàn thể của giáo lý Đại Đạo, hướng tới mục đích thế đạo đại đồng, thiên đạo giải thoát.

Qua nghiên cứu TCH, ta thấy đây là quá trình phát triển tất yếu của nhân loại. Nhưng tiếc thay, TCH đã bộc lộ những bất cập, phiến diện làm cho thế giới con người đang sống trở nên hổn loạn và phát triển thiếu tính bền vững. Hơn lúc nào hết, tôn giáo phải có trách nhiệm điều chỉnh, bổ túc để TCH trở nên hoàn thiện, giúp con người sống hài hòa và tiến hóa lên nấc thang cao hơn ■
Trần Lê Khanh

Phổ là rộng khắp cùng thế giới,
Thông là nguồn suối tới muôn phương,
Giáo là dạy nẻo chỉ đường,
Lý là lẽ thật chủ trương thới bình.

Đức Lý Giáo Tông, 20-5 Ất Tỵ, 19-6-1965

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây