Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
  • Một số người cho rằng nguồn gốc của các dân tộc Việt Nam bắt nguồn từ Trung Hoa, hoặc Tây ...


  • Đức tin Cao Đài / Nhịp Cầu Giáo Lý

    Đức tin Cao Đài = Đức tin nơi Thượng Đế + Giác ngộ Luật tiến hóa hoàn nguyên + Sứ ...


  • " Nền Đạo lập nên là nhờ có lòng đạo đức và tánh khiêm cung của mỗi môn đệ của ...


  • Quyển kinh Đạo Nam do nhà xuất bản Lao Động xuất bản năm 2007. Nguồn gốc: " Hưng thiện đàn" ở ...


  • Ảnh: Humanity :Artist's notes: "Even when there is no one else to see, God watches us. One aspect of Buddhist ...


  • TỔNG LUẬN VỂ KHAI ĐẠO CAO ĐÀI / CƠ QUAN PTGL ĐẠI ĐẠO

    Bài Tổng luận trích quyển "TÌM HIỂU TÔN GIÁO CAO ĐÀI" do CQPTGL xuất bản năm 2009, tái bản 2013


  • Đức tin Cao Đài / Trích từ Nguyệt San Cao Đài Giáo Lý

    Đức tin Cao Đài không chỉ để sùng kính hằng ngày; Đức tin Cao Đài không chỉ để cầu nguyện cho ...


  • Thế Nhân Hòa / Đức Lê Đại Tiên

    Tổng hợp và tóm lược thánh giáo của Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt: tại: _ Nam Thành Thánh Thất, 31-3-1969 ...


  • Hẹn ước với Xuân / Ban Biên Tập

    Lúc dương khí manh nha từ cuối Đông thì người nhạy cảm với tiết trời đã thấy mang máng một ...


  • Qua một kiếp Ngài giáng trần bên Trung Quốc dưới triều đại nhà Đường, Ngài đã để lại cho hậu ...


  • TÂM KINH BÁT NHÃ / HT.Thích Trí Thủ

    TÂM KINH BÁT NHÃ Quán-tự-tại Bồ-tát, hành thâm Bát-nhã Ba-la mật-đa thời chiếu kiến ngũ-uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ...


  • Ở thánh địa Châu Thành nói riêng, toàn tỉnh Tây Ninh nói chung, có rất nhiều di tích lịch sử ...


23/12/2006
Lê Anh Minh

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 29/12/2006

Đại Học_1

ĐẠI HỌC VÀ TRUNG DUNG

* Phùng Hữu Lan (1895-1990)

ĐẠI HỌC

Đại Học nói: «Đạo của Đại Học là làm sáng thêm cái đức sáng, đổi mới dân chúng, và dừng ở chí thiện. Biết dừng thì sẽ định, định rồi sẽ tĩnh, tĩnh rồi sẽ an, an rồi sẽ suy nghĩ, suy nghĩ rồi sẽ đắc. Vật có gốc ngọn, việc có đầu cuối, biết thứ tự trước sau thì gần với đạo. Người xưa muốn làm sáng thêm đức sáng của mọi người thì phải trị quốc (làm cho nước bình yên) trước. Muốn trị quốc thì phải tề gia (chỉnh đốn gia đạo) trước. Muốn tề gia thì phải tu thân (sửa mình) trước. Muốn tu thân thì phải chính tâm (làm cho tâm đúng đắn) trước. Muốn chính tâm thì phải thành ý (làm cho ý chí trở nên thành thực) trước. Muốn thành ý thì phải trí tri (biết tới chốn) trước. Trí tri ở cách vật (phân tích suy xét sự vật). Vật cách thì tri chí. Tri chí thì ý thành. Ý thành thì tâm chính. Tâm chính thì thân tu. Thân tu thì gia tề. Gia tề thì quốc trị. Quốc trị thì thiên hạ bình. Từ thiên tử cho đến dân chúng, tất cả đều lấy tu thân làm gốc. Gốc loạn mà ngọn trị thì không hề có. Cái dầy dặn mà xem mỏng manh, cái mỏng manh mà xem dầy dặn thì chưa hề có. Đó gọi là biết gốc, là biết tới nơi tới chốn.»[2]

Đoạn trên đây là ý tứ chủ yếu của Đại Học, vốn gọi là tam cương lĩnh và bát điều mục của Đại Học. Tam cương lĩnh là: minh đức, tân dân, chỉ ư chí thiện. Bát điều mục là: cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

Ý nghĩa đoạn văn trên nói chung là rất minh bạch, không cần phải giải thích. Có điều, trí tri cách vật 致 知 格 物 thì ở sau không nói rõ, khiến các học giả đời sau giải thích rất khác nhau. Đấy là điểm tranh luận chủ yếu giữa phái Trình-Chu (Trình Di, Chu Hi) và phái Lục-Vương (Lục Cửu Uyên, Vương Dương Minh) giữa đời Tống đời Minh, bởi lẽ họ có sự giải thích khác nhau đối với trí tri cách vật. Bốn chữ này rất quan trọng trong triết học Trung Quốc, nên không thể không giải thích. Nhưng muốn giải thích nó, thì các học giả về sau ai là người giải thích đúng với nguyên ý của Đại Học? Tuân Tử là đại sư của Nho gia cuối thời Chiến Quốc, đa số Nho gia đời sau đều xuất thân từ môn phái này. Tuân Tử lại nói nhiều đến lễ, nên nhiều thiên trong Đại Đái và Tiểu Đái Lễ Ký cũng đa phần dựa trên quan điểm của Tuân Tử mà nói về lễ. Xét mấy chỗ lý luận ở các tiết trên của chương này thì có thể thấy điều đó. Nói về giáo dục thì Đại Đái Lễ Ký chép thẳng thiên Khuyến Học trong Tuân Tử; còn thiên Học Ký trong Tiểu Đái Lễ Ký cũng là lập lại quan điểm của Tuân Tử về giáo dục. Rõ ràng học thuyết của Tuân Tử có ảnh hưởng rất lớn vào đời Tần và đời Hán; lớn hơn nhiều so với mức độ mà học giả đời sau tưởng tượng. 


Thiên Học Ký chép: «Hệ thống giáo dục thời xưa như sau: lớp học ở gia đình gọi là thục 塾 , trường làng gọi là tường 庠 , trường huyện gọi là tự 序 , trường tại kinh đô gọi là học 學 . Mỗi năm đều có tuyển sinh vào trường tại kinh đô. Cứ mỗi hai năm thì có một kỳ khảo sát. Năm thứ nhất, xét xem học sinh có đọc hiểu và giải thích được kinh điển không. Năm thứ ba, xét xem học sinh có chú tâm học hành và hoà đồng với tập thể không. Năm thứ năm, xét xem học sinh có học rộng thêm và thân cận với thầy không. Năm thứ bảy, xét xem học sinh thảo luận điều đã học và kết bạn thế nào; đó gọi là tiểu thành (thành tựu nhỏ). Năm thứ chín, học sinh đã hiểu biết các môn học khác nhau và đạt được vốn tri thức khá rồi, có thể đứng vững vàng mà không thối chí; đó gọi là đại thành (thành tựu lớn). Sau đó, học vấn của họ đủ để giáo hoá dân chúng và thay đổi hủ tục, khiến cho người ở gần vui dạ khâm phục, còn người ở xa thì hâm mộ hoài mong. Đó là cái đạo của đại học vậy.»[3]

«Có thể đứng vững vàng mà không thối chí» (cường lập nhi bất phản 強 立 而 不 反 )  chính là ý «đi mãi mà không trở lại khởi đầu, tức là chuyển hoá» (trường thiên nhi bất phản kỳ sơ tắc hoá hĩ 長 遷 而 不 反 其 初 則 化 矣 ) được nói trong thiên Bất Cẩu của Tuân Tử. Học Ký xem cái đạo của đại học là khiến học sinh «hiểu biết các môn học khác nhau và đạt được vốn tri thức khá rồi, có thể đứng vững vàng mà không thối chí, [...] học vấn của họ đủ để giáo hoá dân chúng và thay đổi hủ tục, khiến cho người ở gần vui dạ khâm phục, còn người ở xa thì hâm mộ hoài mong». Đại Học thì xem cái đạo của đại học là «cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ». Ý tứ chính yếu của cả hai thì tương đồng. Cái gọi là «đạo của đại học» (đại học chi đạo 大 學 之 道 ) được nói trong Đại Học cũng chính là lấy quan điểm của Tuân Tử mà giải thích.

Thiên Giải Tế của Tuân Tử nói: «Cái nhận biết là tính người, cái có thể được nhận biết là lý của sự vật. Nếu ta lấy nhân tính (có thể nhận biết) để cầu cái lý sự vật (có thể được nhận biết) mà không có gì trở ngại, thì tàn đời hết kiếp cũng không biết hết. Dù ta đã thông suốt lý lẽ sự vật đến muôn vạn cũng không đủ để bao quát hết sự biến đổi của vạn vật. Rốt cuộc ta với kẻ ngu cũng như nhau. Dù ta học tới già và tới lúc con ta trưởng thành thì ta với kẻ ngu cũng như nhau; không biết lỗi lầm, tức là kẻ mê vọng. Cho nên người đi học phải biết dừng. Nhưng dừng ở đâu? Đáp: dừng ở chỗ chí túc 至 足 (rất đầy đủ). Cái gì gọi là chí túc? Đáp: đó là đức của thánh nhân.»[4]

Đại Học cũng dạy rằng người học phải biết dừng. Dừng ở đâu? Tuân Tử nói dừng ở chỗ chí túc (rất đầy đủ), còn Đại Học nói dừng ở chỗ chí thiện (rất tốt lành). Ý nghĩa của chúng như nhau. Đại Học chép: «Kinh Thi nói: "Kinh đô vuông ngàn dặm là nơi dân dừng lại ở." Kinh Thi lại nói: "Chim vàng hót ríu rít, đến đậu ở gò đất." Khổng Tử nói: "Khi dừng thì biết dừng ở chỗ phải dừng. Lẽ nào người lại chẳng bằng chim sao?" Kinh Thi nói: "Văn Vương sâu sắc thay, luôn làm sáng đạo đức của mình, và kính cẩn ở chỗ mình dừng lại." Khi ngài làm vua thì dừng ở nhân ái; khi làm bề tôi thì dừng ở tôn kính; khi làm con thì dừng ở hiếu; khi làm cha thì dừng ở hiền từ; khi giao thiệp với người trong nước thì dừng ở thành tín»[5]

Tuân Tử xem bậc thánh là người có đức rất đầy đủ (chí túc), và nói: «Thánh nhân là người làm trọn hết mọi bổn phận con người.» (Thánh dã giả, tận luân giả dã 聖 也 者 盡 倫 者 也 ). Ý nghĩa «làm vua thì dừng ở nhân ái, làm bề tôi thì dừng ở tôn kính, làm con thì dừng ở hiếu, làm cha thì dừng ở hiền từ, giao thiệp với người trong nước thì dừng ở thành tín» mà Đại Học nói tức là làm trọn vẹn hết mọi bổn phận con người vậy.

Hễ con người biết dừng, ắt sẽ hướng đến một mục đích nhất định mà tiến hành. Lòng không lông bông trôi nổi thì định; hễ định thì sẽ tĩnh; hễ tĩnh thì sẽ yên; hễ yên thì sẽ suy tư; hễ suy tư thì sẽ đạt mục đích.

Mạnh Tử nói: «Người ta luôn nói: "Thiên hạ, nước, nhà." Gốc của thiên hạ là nước; gốc của nước là nhà; gốc của nhà là cá nhân.»[6]

Như vậy, cá nhân là gốc của gia đình, quốc gia, xã hội. Đại Học nói: «Người xưa muốn làm sáng thêm đức sáng của mọi người thì phải trị quốc (làm cho nước bình yên) trước. Muốn trị quốc thì phải tề gia (chỉnh đốn gia đạo) trước. Muốn tề gia thì phải tu thân (sửa mình) trước.» Có lẽ câu ấy dựa theo ý của Mạnh Tử. Tuy nhiên Tuân Tử cũng nói: «Xin hỏi làm việc nước thế nào? Đáp: Ta nghe nói tu thân chứ chưa hề nghe nói làm việc nước. Vua là khuôn mẫu, dân là cái đổ vào khuôn. Khuôn mẫu mà đúng thì cái đổ vào khuôn sẽ đúng. Vua là cái mâm, dân là nước; mâm hình tròn nên nước có hình tròn. Vua là cái chậu, chậu hình vuông nên nước có hình vuông. Vua thích bắn cung thì bầy tôi cũng bắt chước làm theo. Sở Trang Vương thích eo nhỏ, nên triều đình có người phải đói [vì nhịn ăn để có eo nhỏ]. Cho nên nói: Ta nghe nói tu thân chứ chưa hề nghe nói làm việc nước.»[7]

Vua là khuôn mẫu của một nước, cho nên hễ vua tu thân thì người cả nước và thiên hạ đều phải tu thân, thế là nước yên và thiên hạ thái bình. Đại Học nói: «Nghiêu Thuấn lấy nhân ái lãnh đạo thiên hạ mà dân theo. Kiệt Trụ lấy hung bạo lãnh đạo thiên hạ mà dân theo. Khi lệnh vua trái với sở thích của vua, thì dân không theo lệnh ấy. Cho nên quân tử đòi hỏi điều tốt ở mình rồi mới đòi hỏi điều tốt ở người; chừng nào mình không lỗi thì mới trách người. Bản thân mình vô đạo mà đi dạy người đạo đức, xưa nay chưa hề có. Cho nên việc trị nước vốn ở tề gia. Kinh Thi nói: "Cây đào yểu điệu, lá nó sum xuê; gái kia về nhà chồng, ăn ở đúng đắn với người trong nhà." [Quân tử] ăn ở đúng đắn với người trong nhà, sau mới dạy được dân trong nước. Kinh Thi nói: "Anh ra anh, em ra em." [Quân tử] ăn ở anh ra anh em ra em, sau mới dạy được dân trong nước. Kinh Thi nói: "Vua mà ăn ở không lỗi lầm thì mới khiến dân bốn phương ngay chính." Quân tử hễ đúng đắn trong quan hệ cha-con, anh-em, thì dân mới bắt chước.»[8]

Bởi thế, tu thân là gốc của tề gia, trị quốc, và bình thiên hạ. Hơn nữa, việc trị nước là lấy người trị người. Lấy người trị người để không xa khuôn mẫu. Đấy là lời của Trung Dung. Tương tự, Tuân Tử nói: «Thánh nhân lấy bản thân để đo lường sự vật; cho nên lấy bản thân để đo lường người khác, lấy tình cảm của mình để đo lường tình cảm của người.» Lại nói: «Cây thước vuông (ê-ke) 5 tấc làm chuẩn mực cho cả thiên hạ.»[9] Hễ ai đã trau dồi đạo đức (tu thân) ắt sẽ biết «lấy bản thân để đo lường người khác, lấy tình cảm của mình để đo lường tình cảm của người» và trở thành cây thước vuông làm chuẩn mực cho thiên hạ. Đại Học nói: «Nói "làm thiên hạ thái bình là do ở trị yên nước" (bình thiên hạ tại trị kỳ quốc) có nghĩa là khi vua kính trọng người già thì dân trở nên hiếu, kính trọng anh thì dân trở nên đễ, thương xót người cô quả thì dân không bội bạc. Cho nên quân tử có đạo hiệt củ (suy ta ra người). Đạo hiệt củ có nghĩa là: hễ mình ghét điều gì ở bậc trưởng thượng thì chớ làm điều đó cho kẻ dưới; hễ mình ghét điều gì ở kẻ dưới thì chớ làm điều đó cho bậc trưởng thượng; hễ mình ghét điều gì ở người trước thì chớ làm điều đó cho người sau; hễ mình ghét điều gì ở người sau thì chớ làm điều đó cho người trước; hễ mình ghét điều gì ở người bên mặt thì chớ làm điều đó cho người bên trái; hễ mình ghét điều gì ở người bên trái thì chớ làm điều đó cho người bên mặt.»[10]


http://nhipcaugiaoly.googlepages.com/daihoctrungdung


http://nhipcaugiaoly.googlepages.com/daihoctrungdung_2

Lê Anh Minh

Đạo có gì đâu, đạo ấy Trời,
Trời là Tiên Phật, cũng là người,
Người hay giác ngộ thành Tiên Phật,
Tiên Phật vọng tâm cũng xuống đời.

Đức Quan Âm Bồ Tát, Trúc Lâm Thiền Điện, 20-10 Quý Sửu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây