Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
08/05/2010
Nguyễn Thị Kim Ngân

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 11/07/2010

Bức tranh giai cấp

Phật giáo có một lịch sử trên hai ngàn năm, truyền bá đến rất nhiều nước trên thế giới. Ngoài năm xứ của Ấn Độ, Phật giáo đã gieo rắc rất nhiều ảnh hưởng ở các nơi. Qua mỗi thời đại, Phật giáo tùy theo tình trạng xã hội của mỗi địa phương mà có ít nhiều biến thái về bản sắc. Vì thế, muốn nói đến điểm xuất phát của đạo Phật, không thể không đi sâu vào bối cảnh lịch sử của Ấn Độ thời bấy giờ.
Thuở xưa, dân tộc Ấn Độ rất cung kính thần linh, tôn trọng nghi thức cúng tế. Lúc đầu, họ đặt ra người Gia trưởng, hoặc Tộc trưởng, để giữ việc tế lễ, gọi là chức Ty tế. Dần dần, chức Ty tế này trở thành việc chuyên môn, nên được thay thế bằng các Tăng lữ. Mặc khác, vì theo đà tiến triển của xã hội, lại phát sinh ra bốn chức nghiệp: Sĩ, Nông, Công, Thương. Các nghề nghiệp này dần dần trở thành giai cấp hóa. Lối phân chia giai cấp đó, mỗi ngày thêm chặt chẽ và phân ra thành 4 giai cấp cơ bản:
Giai cấp Bà la môn (brahmana) là giai cấp cao quý nhất trong xã hội. Những người trong giai cấp này phần lớn là những giáo sĩ thông hiểu kinh Vệ Đà biết đọc kinh, biết cúng tế, có thể tiếp xúc với thần linh. Khi Phạm Thiên tạo ra loài người thì Bà la môn được sinh ra từ miệng Ngài.

Những người thuộc giai cấp Sát đế lợi (Ksatriya) là những người có quyền bính chính trị và quân sự, họ đã được sinh ra từ hai tay của Phạm Thiên.

Những người thuộc giai cấp Phệ xà (Vaisya) là những người trong giới buôn bán, trồng tỉa, chăn nuôi và tiểu công nghệ, họ đã được sinh ra từ bắp đùi của Phạm Thiên.

Còn những người thuộc giai cấp Thủ đà (sudra) là những người đã sinh ra từ hai bàn chân của Phạm Thiên. Họ thuộc về giai cấp nghèo nhất, phải làm những nghề cực nhọc mà người trong ba giai cấp trên không làm.

Giai cấp Thủ đà là giai cấp thấp nhất rồi mà trong xã hội thời bấy giờ lại còn có một tình trạng thấp kém hơn nữa. Đó là hạng ngoại cấp, nghĩa là không thuộc vào giai cấp nào cả. Những người hạng ngoại cấp phải làm nhà ở một khu riêng biệt bên ngoài làng. Nghề nghiệp của họ chỉ là những nghề nghiệp thấp kém như đổ phân, đắp đường, nuôi heo, giữ trâu, cày ruộng. Ai sinh ra ở giai cấp nào thì phải chấp nhận hoàn cảnh của mình. Thần linh đã dạy như vậy và kinh điển cũng dạy như vậy.

Những người thuộc giới ngoại cấp mà nếu lỡ lầm đụng phải một người thuộc giai cấp cao thì có thể bị trừng phạt nặng. Đã có người bị đánh bầm tím thân thể vì đã lỡ tay đụng nhầm một người Bà la môn. Lỡ tay đụng phải một người Bà la môn hay một người Sát đế lợi tức là làm ô nhiễm người ấy, và người ấy phải về ăn chay, nằm đất và sám hối nhiều tuần lễ mới được trong sạch trở lại.

Hóa ra con vật còn có may mắn hơn cả những người hạng ngoại cấp. Một người Bà la môn có thể đụng tới con vật đó mà không bị ô uế, nhưng nếu người ấy đụng nhầm người ngoại cấp là ông ta phải về sám hối cả hai ba tuần lễ.

Giáo lý Phật ra đời như là một cuộc đại cách mạng đã phá tan sự phân biệt giai cấp rất khắc nghiệt đó. Đức Phật dạy rằng: “Mọi người đối trước chân lý đều bình đẳng, không có giai cấp trong con người, khi mồ hôi cùng mặn, dòng máu cùng đỏ”. Đó là ý thức hệ vô cùng nhân bản, đánh tan mọi quan niệm sai lầm của xã hội Ấn Độ thời ấy. Đức Phật đã đem ánh sáng bình đẳng soi rọi vào lòng xã hội, hoàn toàn không phân biệt giai cấp hay sắc tộc, mọi người biết tu tập, mọi người biết hướng thiện thì đều được an lạc.

Điển hình là câu chuyện về Tu Ni Đà – người đệ tử đầu tiên của Đức Phật thuộc về giới ngoại cấp.

Sau mùa an cư, Phật và giáo đoàn chia nhau đi hành hóa tại các vùng lân cận ở thủ đô Xá Vệ. Số người được tiếp xúc với Phật và với giáo đoàn càng ngày càng đông. Một hôm nọ, trong khi đi khất thực ở một xóm ven đô nằm bên tả ngạn sông Hằng, Phật gặp một người gánh phân. Người này thuộc về giai cấp hạ tiện. Anh tên là Tu Ni Đà. Tu Ni Đà đã từng nghe nói về Phật và giáo đoàn khất sĩ, nhưng đây là lần đầu tiên anh được trông thấy Phật và giáo đoàn. Tu Ni Đà lúng túng. Anh biết anh đang ăn mặc dơ dáy, người anh hôi hám và trên vai anh đang gánh một gánh phân người. Tu Ni Đà vội vã tránh đường và tìm lối đi xuống bờ sông, nhưng từ xa Phật đã trông thấy Tu Ni Đà. Người quyết tâm độ người gánh phân này. Thấy Tu Ni Đà tìm lối đi xuống bờ sông, Người cũng tìm lối đi xuống bờ sông để đón đường chàng. Thấy Phật làm như thế, thầy Xá Lợi Phất cũng bỏ hàng ngũ của mình đi theo Phật. Thầy Meghiuya, thị giả của Phật thấy thế cũng bước theo đại đức Xá Lợi Phất. Tất cả các vị khất sĩ khác tuy vẫn còn đứng trong hàng ngũ, nhưng đều nhất loạt dừng lại im lặng quan sát.

Tu Ni Đà luống cuống. Chàng đặt gánh phân xuống, dáo dác nhìn. Phía trên đường thì các vị khất sĩ áo cà sa vàng rực đang đứng đầy cả đường, phía dưới này thì Phật và hai vị khất sĩ đang tiến tới và đi về phía mình. Chẳng biết làm sao, Tu Ni Đà liền lội xuống nước, đứng chắp hai tay lại.

Lúc bấy giờ, từ dãy nhà bên sông, dân chúng đã đổ ra đứng nhìn khá nhiều. Từ già trẻ trai gái, không ai biết chuyện đang xảy ra, Tu Ni Đà vì sợ làm ô uế giáo đoàn đã tìm cách tránh xuống bờ nước, nhưng chàng đã bị Phật chặn đường. Chàng nghĩ giáo đoàn này gồm toàn các giới quý phái và làm ô uế giáo đoàn là một tội rất lớn không thể nào tha thứ được. Tuy chàng đã lội xuống sông, nước ngập tới đầu gối, nhưng gánh phân của chàng vẫn còn để phía trên bờ nước. Chàng hy vọng Phật và hai vị khất sĩ vì thế mà trở lên phía đường trên trở lại.

Nhưng Phật không trở lên, Người đi tới bờ nước và nói với chàng:

- Này anh bạn, anh lên trên này để chúng tôi nói chuyện.

Tu Ni Đà chắp hai tay vái lia lịa:

- Bạch đại đức, con không dám! Bạch đại đức, con không dám!

- Tại sao? Phật dịu dàng hỏi.

- Con là người thuộc giai cấp hạ tiện, con sợ làm ô uế Ngài và giáo đoàn của Ngài.

Phật ôn tồn:

- Chúng tôi đã đi tu rồi, chúng tôi không còn phân biệt giai cấp. Bạn cũng là người như tất cả chúng tôi. Chúng tôi không sợ bị ô uế đâu. Chỉ có tham dục, sân hận, và si mê mới làm ô uế được chúng ta, chứ một con người dễ thương như bạn thì chỉ cho chúng tôi thêm niềm vui mà thôi. Bạn tên là gì?

- Bạch ngài, con tên là Tu Ni Đà.

- Tu Ni Đà, bạn có muốn xuất gia làm khất sĩ như chúng tôi không?

- Con không dám.

- Tại sao bạn không dám?

- Tại vì con thuộc giới hạ tiện ngoại cấp.

- Tôi đã nói người đi tu không còn phân biệt giai cấp. Tu Ni Đà! Trong đạo lý tỉnh thức và trong giáo đoàn khất sĩ, không có sự phân biệt giai cấp. Bạn hãy nghe đây. Nước trong các dòng sông như sông Ganga, sông Yamuno, sông Actravati, sông Sarabhu, sông Mahi, sông Rohini v.v... một khi đã chảy ra biển cả rồi thì đều trở nên biển cả mà không còn giữ lại cá tính và danh hiệu riêng biệt của mình. Cũng như vậy, người đi xuất gia dù xuất thân từ giới quyền qúy Sát đế lợi (Ksatriya) hoặc giới Bà la môn (brahmana), hoặc các giới Phệ xà (Vaisya) và Thủ đà (sudra), hoặc không thuộc giai cấp nào, khi đã vào trong giáo đoàn để tu học theo đạo lý tỉnh thức thì đều phải từ bỏ giai cấp và chủng tộc của mình để trở nên một người khất sĩ. Tu Ni Đà, nếu bạn muốn, bạn có thể trở thành một vị khất sĩ như chúng tôi.

Tu Ni Đà hân hoan vô cùng, chàng chắp hai tay trên trán, thưa:

- Lạy Phật, chưa có ai nói với con một lời dễ thương như lời Người đã nói. Ngày hôm nay là ngày hạnh phúc nhất của đời con. Con sẽ rất sung sướng nếu Phật cho con dự vào hàng ngũ những người xuất gia trong đạo lý của Người. Nếu Phật chấp nhận con, con sẽ đem hết lòng thành để theo Người!

Phật trao bình bát cho thầy Meghiya. Người bước xuống bờ hồ và đưa tay cho Tu Ni Đà bảo chàng nắm lấy. Rồi người bảo thầy Xá Lợi Phất:

- Xá Lợi Phất! Thầy giúp tôi một tay. Chúng ta tắm gội sạch sẽ cho Tu Ni Đà và cho Tu Ni Đà xuất gia ngay tại đây, trên bờ nước này.
Đại đức Xá Lợi Phất mỉm cười. Thầy đặt bình bát của thầy trên bờ sông và bước xuống giúp Phật. Tu Ni Đà không cảm thấy thoải mái lắm khi được Phật và thầy Xá Lợi Phất kỳ cọ và tắm rửa, nhưng chàng không dám làm phật lòng hai người. Phật bảo thầy thị giả lên tìm đại đức Ananda để xin một chiếc y khoác ngoài, và người làm lễ xuất gia cho Tu Ni Đà ngay trên bờ sông. Làm lễ xuất gia xong, Tu Ni Đà được giao cho đại đức Xá Lợi Phất. Đại đức đưa vị khất sĩ mới về tu viện Kỳ Viên, trong khi Phật và giáo đoàn tiếp tục trên con đường khất thực.

Tất cả những gì xảy ra bên bờ sông hôm ấy dân chúng địa phương đều đã được chứng kiến. Tin Phật thâu nhận Tu Ni Đà một người làm nghề hốt phân, một người thuộc giai cấp hạ tiện vào trong giáo đoàn khất sĩ bắt đầu được loan truyền các giới ở thủ đô, nhất là giới tôn giáo, và đã gây xúc động lớn. Chưa bao giờ ở vương quốc Câu Tát La (Kosala) này mà một người trong giới ngoại cấp như Tu Ni Đà lại được đón nhận và đưa vào hàng ngũ của những nhà lãnh đạo tinh thần. Có những người lên án Phật, cho rằng sa môn Cồ Đàm bất chấp truyền thống và tập tục xã hội. Có người đi xa hơn, cho là Phật có ý gây đảo lộn trật tự xã hội với mục đích phá rối sự trị an trong nước.

Những bàn tán xôn xao này được vọng về tu viện Kỳ Viên do các giới nam nữ cư sĩ cũng có mà do các vị khất sĩ về thuật lại cũng có. Các vị đại đức lớn như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Diếp và A Nậu Lâu Đà đã tìm cơ hội gặp Phật để bàn về cách đối trị lại những phản ứng của các giới ở thủ đô về vụ khất sĩ Tu Ni Đà. Phật bảo các thầy:

- Quý vị biết rằng sớm muộn gì chúng ta cũng phải chấp nhận vào giáo đoàn những thiện nam nữ trong giới ngoại cấp, bởi vì giáo nghĩa của chúng ta là giáo nghĩa bình đẳng, không chấp nhận được sự phân chia giai cấp. Ta đã gặp khó khăn bây giờ, nhưng nếu ta vượt thắng được thì ta sẽ mở được cánh cửa chưa từng được mở ra trong lịch sử, và các thế hệ mai sau này sẽ được thừa hưởng công đức. Chúng ta phải có can đảm.

Đức Phật là một trong những nhà cải cách xã hội tiền phong đã dũng cảm thuyết giảng sự bình đẳng giữa con người và con người trong xã hội, và chỉ dạy rằng mọi sự phân chia giai cấp là hoàn toàn sai lầm. Vì vậy, giáo lý của Đức Phật đã mang lại một cuộc cách mạng xã hội toàn diện cho quốc gia Ấn Ðộ đầy giai cấp bất công, cũng như trên toàn thế giới.

Trong đạo lý giải thoát, không có sự phân biệt giai cấp. Trước con mắt người giác ngộ, tất cả mọi chúng sinh đều bình đẳng. Máu ai cũng đỏ, nước mắt ai cũng mặn, tất cả chúng ta đều là con người. Ta phải tìm cách để mọi người có cơ hội như nhau và vươn lên thực hiện hoài bão của mình cũng như hoàn thành sứ mạng vi nhân của mình. Vì vậy, trong nhiều bài pháp thoại của Phật luôn nhắc đến điều này. Phổ biến nhất là bài Kinh Phật Thuyết Chăn Trâu.

Sau bữa cơm trưa ăn trong quán niệm, các vị khất sĩ lặng lẽ đi rửa bát của mình và đem trải tọa cụ ngoài trời ngồi quây quần quanh Phật. Tu viện Trúc Lâm có rất nhiều sóc. Chúng quanh quẩn bên các thầy, không có vẻ gì sợ hãi. Nhiều con sóc leo lên trên các thân tre, đưa mắt nhìn xuống. Không ai nói với ai lời nào, ai cũng đang theo dõi hơi thở trong khi chờ đợi Phật mở lời chỉ dạy.

Phật ngồi trên một chiếc chõng tre, cao hơn mọi người chừng vài gang tay để mọi người có thể nhìn thấy. Người đưa mắt nhìn đại chúng một cách từ hòa. Người cất tiếng:

- Hôm nay tôi muốn nói chuyện với đại chúng về việc chăn trâu, và thế nào là một em bé chăn trâu giỏi. Một em bé chăn trâu giỏi là một em bé có thể dễ dàng nhận ra được trâu của mình, biết hình tướng của mỗi con, biết cách cọ xát tắm rửa cho trâu, biết thương yêu trâu, biết tìm bến tốt để cho trâu qua sông, biết tìm chỗ có cỏ non và nước uống cho trâu, biết bảo trì những vùng thả trâu và cuối cùng là biết để cho những con trâu lớn làm gương cho những con trâu nhỏ.

Ngưng một lát Phật tiếp, tiếng nói Người vừa rõ vừa trong. Tuy người chỉ nói giọng bình thường, tiếng của Người vẫn vọng ra rành mạch từng âm, không ai là không nghe thấy:

- Này các vị khất sĩ! Một vị khất sĩ giỏi cũng phải làm tương tự như một em bé chăn trâu. Nếu em bé chăn trâu biết nhận ra được trâu của mình thì người xuất gia cũng phải biết nhận ra được những yếu tố tạo nên sắc thân của mình. Nếu em bé chăn trâu biết được hình tướng của mỗi con trâu trong đàn trâu của mình thì nguời xuất gia cũng phải thấy được những hành động nào của thân của miệng và của ý là những hành động đáng làm và những hành động nào là những hành động không đáng làm. Nếu một em bé chăn trâu biết cách cọ xát tắm rửa cho trâu thì người xuất gia cũng phải biết buông xả và gột rửa khỏi thân tâm những tham dục, si mê và hờn oán… Nếu em bé chăn trâu biết chăm sóc các vết thương của trâu thì người xuất gia cũng phải biết hộ trì sáu căn của mình là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và để cho sáu đối tượng tức là sáu trần không thể lung lạc được mình. Nếu em bé chăn trâu biết cách đốt khói un trâu để trâu khỏi bị muỗi đốt thì người xuất gia cũng phải đem đạo lý giải thoát để dạy cho người chung quanh để họ tránh được những khổ đau dằn vặt trong thân tâm họ. Nếu em bé chăn trâu biết tìm đường đi an toàn cho trâu thì người xuất gia cũng phải biết tránh những con đường đưa tới danh lợi, sắc dục, quán rượu và hý trường. Nếu em bé chăn trâu biết thương yêu trâu thì người xuất gia cũng phải biết quý trọng những niềm an vui do thiền tập đưa tới. Nếu em bé chăn trâu biết tìm bến tốt cho trâu qua sông thì người xuất gia cũng phải biết nương vào diệu lý bốn sự thật để biết đến bến bờ. Nếu em bé chăn trâu biết tìm chỗ có cỏ non và nước uống cho trâu thì người xuất gia cũng phải biết rằng bốn lãnh vực quan niệm là mảnh đất tốt nhất để làm phát sinh giải thoát. Nếu em bé chăn trâu biết bảo trì những vùng thả trâu, không tàn hại phá phách môi trường nuôi trâu, thì người xuất gia cũng phải cẩn thận và dè dặt trong việc tiếp xúc với quần chúng và thu nhận của cúng dường. Nếu em bé chăn trâu biết dùng những con trâu lớn làm gương cho những con trâu con thì người xuất gia cũng phải biết nương vào đức hạnh và kinh nghiệm của các bậc thầy đi trước… Một vị khất sĩ biết làm đúng theo mười một điều vừa nói thì có thể đạt đến quả vị La hán trong vòng sáu năm tu học.

Xin mượn lời Đức Phật dạy thêm về việc chọn con đường an toàn cho trâu đi để kết luận:

- Nếu con đường có quá nhiều gai góc, trâu có thể sẽ bị thương và những vết thương có thể làm độc. Nếu em bé chăn trâu không biết cách trị thương cho trâu thì trâu có thể lên cơn sốt và lăn ra chết. Sự tu học cũng giống như thế. Không tìm chánh đạo mà đi thì sẽ bị mang thương tích trong thân thể và tâm hồn. Những vết thương do các độc tố tham sân si làm cho ung thối sẽ có thể làm hư hỏng cả sự nghiệp giác ngộ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. http://www.thuvienhoasen.org/phathoctinhyeu1-01-xahoiando.htm
2. http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn/
3. http://phatphap.wordpress.com/lich-su-duc-phat-thich-ca/
4. Theo Gót Chân Bụt Đường Xưa Mây Trắng, Thích Nhất Hạnh, Nxb Văn Hóa Sài Gòn
Nguyễn Thị Kim Ngân
Bức tranh giai cấp / Nguyễn Thị Kim Ngân

Học đạo để nên người thánh thiện,
Tu hành cần rèn luyện thân tâm,
Có thân, thân chớ đọa trầm,
Có tâm, tâm chớ lạc lầm phàm phu.

Đức Đông Phương Lão Tổ, CQPTGL, 04-6 tân Dậu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây