Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Pháp tu luyện huyền môn Bác Nhã, THÍCH, ĐẠO, NHO gồm cả thiên nhơn; Cũng đồng phá vọng hiển chơn, Thành PHẬT nhập ...
-
ĐÔNG PHƯƠNG CHƯỞNG QUẢN, Bần Đạo mừng chư hiền đệ hiền muội. Bần Đạo đắc lịnh Tam Giáo Tòa đến khai ...
-
VŨ TRỤ QUAN Có thể nói Vũ Trụ Quan Cao Ðài bao hàm hai khái niệm quan trọng là: -Cơ nguyên biến ...
-
Năm 1967, cách nay 40 năm, Đức Lý Thái Bạch là Đấng Thiêng Liêng đầu tiên đã ban ân hướng ...
-
Trước Tết nguyên đán, mỗi độ đón chào Xuân mới chúng ta thường nhắc đến phong cách thưởng Xuân Cao ...
-
THI QUAN hải non Nam dạo cảnh nhàn, ÂM thinh hạ giới chợt kêu vang, Bồ đoàn tọa thị nhìn nơi đấy, TÁT cảm ...
-
CaoDaism was founded in Vietnam at the beginning of the 20th century by Cao Dai, the Supreme God or the ...
-
Ta không bảo các em chinh phục thiên hạ, mà bảo các em tự thắng các em và phục vụ ...
-
Câu chuyện nói về việc muốn đạt được sự thay đổi thực sự như từ loài cá chép hóa thành ...
-
I. NGUYÊN ...
-
Hằng ngày ở nhà, mỗi khi bận việc, má thường bảo tôi thay má châm nước cúng Thầy. Nhờ vậy ...
-
Từ thiên cổ người xưa đã từng ưu tư về kiếp sống ngắn ngủi mà các hung thần lão suy ...
Lê Anh Minh
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 12/01/2010
Thái Cực Đồ Thuyết_3
Hai học giả Hoàng Tông Viêm 黃 宗 炎 (1616-1686) và Chu Di Tôn 朱 彝 尊 (1629-1709) đều cho rằng Thái Cực Đồ của Chu Liêm Khê vốn gọi là Vô Cực Đồ. Hai ông cho rằng Trần Đoàn cư ngụ ở Hoa Sơn, khắc Vô Cực Đồ lên vách đá. Hình đồ ấy bố trí từ dưới lên trên như sau:
(1) Hình tròn rỗng dưới chót gọi là «Huyền tẫn chi môn» 玄 牝 之 門 ;
(2) Hình tròn rỗng kế tiếp gọi là «Luyện tinh hoá khí, luyện khí hoá thần» 鍊 精 化 氣 鍊 氣 化 神 ;
(3) Hình chính giữa có ngũ hành liên lạc với nhau (bên trái là mộc và hoả, bên phải là thuỷ và kim, chính giữa là thổ) gọi là «Ngũ khí triều nguyên» 五 氣 朝 元 ;
(4) Hình tròn có phân đen trắng (tức Thuỷ Hoả Khuông Khoách Đồ) gọi là «thủ Khảm điền Ly» 取 坎 填 離 ;
(5) Hình tròn rỗng trên cùng gọi là «Luyện thần phản hư, phục quy Vô Cực» 鍊 神 返 虛 復 歸 無 極 .Phùng Hữu Lan chú: Hoàng Tông Viêm 黃 宗 炎, Thái Cực Đồ Biện 太 極 圖 辯 (được trích dẫn trong Tống Nguyên Học Án 宋 元 學 案 ) và Chu Di Tôn 朱 彝 尊 , Thái Cực Đồ Thụ Thụ Khảo 太 極 圖 授 受 考 (in trong Bộc Thư Đình Tập 曝 書 亭集 , quyển 58).
Hoàng Tông Viêm nói: «Khi Chu Liêm Khê có được hình đồ này, bèn đảo ngược thứ tự và đổi tên hình đồ [là Thái Cực Đồ], phụ đề Đại Dịch, xem là bí truyền của Nho gia. Bởi vì khẩu quyết của phương sĩ nghịch chuyển thì thành Đan, cho nên nó mô tả chuyển động từ dưới lên trên. Còn chủ ý của Chu Liêm Khê là thuận chuyển sinh con người, cho nên mô tả sự chuyển động từ trên xuống dưới.»Hoàng Tông Viêm, Thái Cực Đồ Biện: «Chu Tử đắc thử đồ, nhi điên đảo kỳ tự, cánh dị kỳ danh, phụ ư Đại Dịch, dĩ vi Nho giả chi bí truyền. Cái phương sĩ chi quyết, tại nghịch nhi thành Đan, cố tòng hạ nhi thượng. Chu Tử chi ý, dĩ thuận nhi sinh nhân, cố tòng thượng nhi hạ.» 周 子 得 此 圖 , 而 顛 倒 其 序 , 更 易 其 名 , 附 於 大 易 , 以 為 儒 者 之 秘 傳 . 蓋 方 士 之 訣 , 在 逆 成 丹 , 故 從 下 而 上 . 周 子 之 意 , 以 順 而 生 人 , 故 從 上 而 下. Lời lẽ của Hoàng Tông Viêm và Chu Di Tôn chưa rõ thực hư thế nào, nhưng chắc chắn là Thái Cực Đồ của Chu Liêm Khê có quan hệ mật thiết với Đạo giáo.
Chu Liêm Khê vay mượn hình Thái Cực Đồ mà các đạo sĩ dùng để tu luyện rồi đưa vào đó giải thích mới và ý nghĩa mới. Sự giải thích này (tức Thái Cực Đồ Thuyết) là một trong các trứ tác có hệ thống của Đạo học gia đời Tống và đời Minh. Khi giảng về sự phát sinh ra vũ trụ, đa số Đạo học gia đời Tống và đời Minh đều dùng thuyết này để suy diễn. Sau đây tôi luận chung về Thái Cực Đồ Thuyết và Thông Thư của Chu Liêm Khê. Thông Thư 通 書 (còn gọi là Dịch Thông 易 通 ) cũng là một trứ tác của ông giảng về Dịch.
3. Thái Cực Đồ Thuyết và Thông Thư
Thái Cực Đồ Thuyết nói: «Thái Cực động thì sinh ra Dương; động tới cực điểm thì tĩnh; tĩnh thì sinh ra Âm. Tĩnh tới cực điểm thì trở lại động. Một động một tĩnh, làm căn bản cho nhau. Phân ra Âm và Dương, thì lưỡng nghi thành lập.» Một động một tĩnh của Thái Cực có thể cùng lúc mà có. Thông Thư viết: «Động mà không tĩnh, tĩnh mà không động, đó là vật. Động mà không động, tĩnh mà không tĩnh, đó là thần. Động mà không động, tĩnh mà không tĩnh, chẳng phải là không động và không tĩnh. Vật không thông nhau, thần là cái linh diệu nhất của vạn vật.»Thông Thư: «Động nhi vô tĩnh, tĩnh nhi vô động, vật dã. Động nhi vô động, tĩnh nhi vô tĩnh, thần dã. Động nhi vô động, tĩnh nhi vô tĩnh, phi bất động bất tĩnh dã. Vật tắc bất thông; thần diệu vạn vật.» 動 而 無靜 , 靜 而 無 動 , 物 也 . 動 而 無 動 , 靜 而 無 靜 , 神 也 . 動 而 無 動 , 靜 而 無 靜 , 非 不 動不 靜 也 . 物 則 不 通 ; 神 妙 萬 物 . – LAM chú: Câu chót tôi dịch theo Derk Bodde: «For whereas things do not interpenetrate one another, spirit is the most mysterious of all things.»
Một sự vật đặc thù, khi động thì chỉ có động chứ không có tĩnh, khi tĩnh thì chỉ có tĩnh chứ không có động. Một sự vật đặc thù khi nhất định là thế này thì nó không thể là thế kia, khi nó nhất định là thế kia thì nó không thể là thế này. Do đó mới nói «vật không thông nhau». Thái Cực động mà không động, tức là trong cái động cũng có cái tĩnh; tĩnh mà không tĩnh, tức là trong cái tĩnh cũng có cái động. Cho nên trong phần Âm của nó có Dương, trong phần Dương của nó có Âm. Do đó mới nói «thần là cái linh diệu nhất của vạn vật».
Thái Cực Đồ Thuyết nói: «Dương biến Âm hợp, thì sinh ra: thuỷ (nước), hoả (lửa), mộc (gỗ), kim (kim loại), thổ (đất). Ngũ khí (năm khí của ngũ hành) thuận hoà phân bố tạo ra sự vận hành của tứ thời (bốn mùa). Ngũ hành hợp nhất là Âm Dương. Âm Dương hợp nhất là Thái Cực. Thái Cực có gốc là Vô Cực.» Ở đây giảng rõ Thái Cực sinh Âm Dương và ngũ hành, nhưng Thái Cực kỳ thực lại nằm trong Âm Dương và ngũ hành. Thông Thư nói: «Hai khí Âm Dương và ngũ hành hoá sinh vạn vật. Ngũ hành khác nhau, Âm Dương là thực. Cả hai vốn là Một. Vạn là Một; Một phân làm vạn. Vạn và Một đều đúng đắn; cái lớn và cái nhỏ đều được quyết định.»Thông Thư: «Nhị khí ngũ hành, hoá sinh vạn vật. Ngũ thù nhị thực, nhị bản tắc nhất. Thị vạn vi nhất, nhất thực vạn phân. Vạn nhất các chính, tiểu đại hữu định.» 二 氣 五 行 , 化 生 萬 物 . 五 殊 二 實 , 二 本 則 一 . 是 萬 為 一 , 一實 萬 分 . 萬 一閣 正 , 小 大 有 定 .
Thái Cực Đồ Thuyết gọi ngũ hành là ngũ khí, gọi Âm Dương là nhị khí. Tức là Chu Liêm Khê xem Âm Dương và ngũ hành đều là Khí. Trong Thông Thư gọi Một là Lý, cũng tức là Thái Cực. Thái Cực là Lý, Âm Dương và ngũ hành là Khí. Hai khái niệm Lý 理 và Khí 氣 chiếm địa vị rất quan trọng trong Đạo học đời Tống và đời Minh. Hai khái niệm Lý và Khí do Chu Liêm Khê nêu ra đầu tiên, nhưng ý nghĩa của chúng phải đợi đến Chu Hi (1130-1200) mới được thuyết minh tường tận. Theo Thông Thư, vạn vật đều do Một phân ra. Do đó Thái Cực tức là ở trong vạn vật, nên Thông Thư mới nói «vạn là Một; Một phân làm vạn».
Thái Cực Đồ Thuyết nói hai khí Âm Dương giao cảm, hoá sinh vạn vật. Những sự vật đặc thù như thế đều có cái được quyết định cho nên chúng không thông với nhau. Cho nên Thông Thư nói: «Vạn và Một đều đúng đắn; cái lớn và cái nhỏ đều được quyết định.» Thái Cực Đồ Thuyết nói: «Chỉ riêng con người có được sự ưu tú, nên tối linh. Hình thể con người đã sinh ra rồi thì thần trí phát ra mà có ý thức. Ngũ tính (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) cảm động mà phân biệt thiện và ác, và vạn sự xuất hiện.» Ở đây xem con người linh hơn vạn vật, được phú bẩm Lý của Thái Cực và có đủ các tính của ngũ hành. Lý của Thái Cực thì thuần tuý chí thiện Cho nên bản tính con người vốn là thiện. Tính bản nhiên của nhân tính gọi là thành 誠 (chân thành). Thông Thư nói: «Thành là gốc của thánh nhân. "Lớn thay sự khởi đầu của Càn, vạn vật bắt đầu từ nó," đó là nguồn của thành. "Càn đạo biến hoá, mỗi thứ tự chỉnh đốn tính và mệnh của mình, sự chân thành được lập nên, thuần tuý chí thiện vậy." Cho nên nói: "Một Âm và một Dương gọi là Đạo; cáikế tiếp là thiện; cái tạo thành [vạn vật] là tính." Nguyên và hanh là sự thông suốt của thành; lợi và trinh là sự trở về gốc của thành. Lớn thay đạo Dịch, đó là nguồn của tính và mệnh vậy.»Thông Thư nói: «Thành giả, thánh nhân chi bản. "Đại tai Càn nguyên, vạn vật tư thuỷ," (a) thành chi nguyên dã. "Càn đạo biến hoá, các chính tính mệnh, thành tư lập yên, thuần tuý chí thiện giả dã." (b) Cố viết: "Nhất Âm nhất Dương chi vị đạo; kế chi giả thiện dã; thành chi giả tính dã." (c) Nguyên hanh thành chi thông; lợi trinh thành chi phục. Đại tai Dịch dã, tính mệnh chi nguyên hồ.» 誠 者 , 聖 人 之 本 . 大 哉 乾 元 , 萬 物 資 始 , 誠 之 源 也 . 乾 道 變 化 , 各 正 性 命 , 誠 斯 立 焉 , 純 粹 至 善 者 也 . 故 曰 : 一 陰 一 陽 之 謂道 ; 繼 之 者善 也 ; 誠 之 者 性 也 . 元 亨 誠 之 通 ; 利 貞 誠 之 復 . 大 哉 易 也 , 性 命 之 源 乎 . – LAM chú: (a) Câu «Đạitai Càn nguyên, vạn vật tư thuỷ» là Thoán Truyện quẻ Càn. (b) Chỉ có «Cànđạo biến hoá, các chính tính mệnh» là trong Thoán Truyện quẻ Càn. Còn «Thànhtư lập yên, thuần tuý chí thiện giả dã» tôi không thấy xuất hiện trong Chu Dịch và Tứ Thư. (c) Câu «NhấtÂm nhất Dương chi vị đạo; kế chi giả thiện dã; thành chi giả tính dã» này trong Hệ Từ Thượng.
Một Âm và một Dương gọi là Đạo; Đạo tức là một tên gọi khác của Thái Cực.
Về nguồn gốc của cái ác, Thông Thư nói: «Thành vô vi, cơ thiện ác.» 誠 無 為 幾 善 惡 (Chân thành nằm trong trạng thái vô vi, hơi lay động thì tạo ra thiện và ác). Chữ «cơ» 幾 ở đây nghĩa là lay động rất nhỏ nhặt. Cho nên Thông Thư giảng: «Động nhi vị hình, hữu vô chi gian giả, cơ dã.» 動 而 未 形 , 有 無 之 間 者 , 幾也 (Động mà chưa có hình, cái nằm giữa hữu và vô gọi là cơ). Nhân tính vốn thiện, nhưng khi nó phát động ra để thi hành sự việc thì chưa chắc nó hợp với trung dung. Nếu nó phát ra mà không hợp với trung dung, thì cái không hợp với trung dung ấy gọi là ác. Thông Thư nói: «Trong tính có cương nhu, tạo ra thiện ác. Chỉ cần trung dung mà thôi. [Bởi con người] không thấu đạt, [nên ta] nói: Thiện phát xuất từ cương là nghĩa, thẳng thắn, quyết đoán, nghiêm nghị, kiên định. Ác [phát xuất từ cương] là hung hãn, hẹp hòi, mạnh bạo. Thiện phát xuất từ nhu là thuận tòng, từ tốn. Ác [phát xuất từ nhu] là nhu nhược, không quyết đoán, tà nịnh. Chỉ có trung là hài hoà và tiết độ, là sự đạt đạo của thiên hạ, là sự việc của thánh nhân. Cho nên thánh nhân chủ trương giáo lý này, khiến cho con người tự thay đổi cái ác của mình, tự đạt tới sự trung dung của mình và dừng lại ở đó.»Thông Thư: «Tính giả cương nhu thiện ác, trung nhi dĩ hĩ. Bất đạt, viết: Cương thiện vi nghĩa, vi trực, vi đoán, vi nghiêm nghị, vi cán cố. Ác vi mãnh, vi ải, vi cường lương. Nhu thiện vi thuận, vi tốn. Ác vi nhu nhược, vi vô đoán, vi tà nịnh. Duy trung dã giả, hoà dã, trúng tiết dã, thiên hạ chi đạt đạo dã, thánh nhân chi sự dã. Cố thánh nhân chủ giáo, tỷ nhân tự dị kỳ ác, tự chí kỳ trung nhi chỉ hĩ.» 性 者 剛 柔 善 惡 , 中 而 已 矣 . 不 達 , 曰: 剛 善 為 義 , 為 直 , 為 斷 , 為 嚴 毅 , 為 幹 固 . 惡 為 猛 , 為 隘 , 為 強 梁 . 柔 善 為 順 , 為 巽 . 惡 為 懦 弱 , 為 無 斷 , 為 邪 佞 . 惟 中 也 者 , 和 也 , 中 節也 , 天 下 之達 道 也 , 聖 人 之 事 也 . 故 聖 人 主 教 , 俾人 自 易 其 惡 , 自 至 其 中 而 止 矣 .
Dương thì cương, Âm thì nhu. Con người được phú bẩm hai khí Âm Dương, nên bản tính cũng có cương và nhu. Cương và nhu mất chính đáng cho đến ngũ tính (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) cảm động và không hợp với trung dung, như vậy đều là ác. Cho nên ác là cái tiêu cực, thiện là cái tích cực. Chu Liêm Khê nói: Bởi hơi bị lay động giữa thiện và ác, nên quân tử phải thận trọng khi hành động.
Thái Cực Đồ Thuyết nói: «Thánh nhân tự xác định mình theo: trung, chính, nhân, nghĩa, và chủ về tĩnh, lập thành chuẩn mực tối cao của con người.» Thông Thư nói: «Đạo của thánh nhân chỉ là nhân, nghĩa, trung, chính mà thôi.» (Thánh nhân chi đạo, nhân nghĩa trung chính nhi dĩ hĩ 聖 人 之 道 , 仁 義 中 正 而 已 矣 ).
Như vậy, chuẩn mực tối cao của con người tức là trung, chính, nhân, nghĩa. Thông Thư nói: «Trời lấy Dương để sinh ra vạn vật, lấy Âm để tựu thành vạn vật. Vật được sinh, đó là nhân ái; được tựu thành, đó là nghĩa. Cho nên thánh nhân ở trên cao, lấy nhân ái để dưỡng dục vạn vật, lấy nghĩa để chỉnh đốn vạn dân.»Thông Thư: «Thiên dĩ Dương sinh vạn vật, dĩ Âm thành vạn vật. Vật sinh, nhân dã; thành, nghĩa dã. Cố thánh nhân tại thượng, dĩ nhân dục vạn vật, dĩ nghĩa chính vạn dân.» 天 以 陽 生 萬 物 , 以 陰 成 萬 物 . 物 生 , 仁 也 ; 成 , 義 也 . 故 聖 人 在 上 , 以仁 育 萬 物 , 以 義 正 萬 民 .
Thái Cực Đồ Thuyết nói: «[Thánh nhân] xác lập: đạo trời thì có Âm và Dương; đạo đất thì có nhu và cương; đạo người thì có nhân và nghĩa.» Tổng hợp lại mà xét, chúng ta phải lấy trung chính để uốn nắn bản thân, lấy nhân nghĩa để trị người; và phương pháp tu dưỡng để thành Thánh nhân chính là tĩnh 靜 . Theo chú thích của Chu Liêm Khê, «vô dục cho nên tĩnh» (vô dục cố tĩnh 無 欲 故 靜 ). Thông Thư nói: «Hỏi: "Người ta có thể học làm Thánh không?" Đáp: "Có thể." Hỏi: "Có nguyên tắc quan trọng gì chăng?" Ta trả lời là có, người ấy hỏi đó là gì, ta đáp: "Điều quan trọng là duy nhất. Cái duy nhất ấy chính là vô dục. Cái vô dục ấy lúc tĩnh thì hư không, lúc động thì ngay thẳng. Tĩnh và hư không thì sáng suốt, sáng suốt thì thông hiểu; động và ngay thẳng thì công bình, công bình thì phổ quát. Hễ sáng suốt, thông hiểu, công bình, phổ quát, thì thứ dân thành Thánh nhân vậy!»Thông Thư: «Thánh khả học hồ? Viết: Khả. Viết: Hữu yếu hồ? Viết hữu, thỉnh vấn yên. Viết: Nhất vi yếu, nhất giả vô dục dã. Vô dục tắc tĩnh hư động trực. Tĩnh hư tắc minh, minh tắc thông, động trực tắc công, công tắc phổ. Minh thông công phổ, thứ hĩ hồ!» 聖 可 學 乎 ?曰 : 可 . 曰 : 有 要乎 ?曰 有 , 請 問 焉 . 曰 :一 為要 , 一 者 無 欲 也 . 無 欲 則 靜 虛 動 直 . 靜 虛 則 明 , 明 則 通 , 動 直 則 公 , 公 則 溥 . 明 通公 溥 , 庶 矣 乎 !
Vô dục thì tĩnh hư và động trực. Mạnh Tử nói: «Nay bỗng thấy một đứa bé sắp rơi xuống giếng, ai cũng sợ hãi và thương xót [mà đến cứu nó], chẳng phải vì họ quen biết cha mẹ nó, hay để làng xóm và bạn bè khen ngợi, hay vì sợ mang tiếng bất nhân.»Mạnh Tử, Công Tôn Sửu (thượng): «Kim nhân sạ kiến nhụ tử tương nhập vu tỉnh, giai hữu truật dịch trắc ẩn chi tâm. Phi sở dĩ nạp giao vu nhụ tử chi phụ mẫu dã; phi sở dĩ yêu dự vu hương đảng bằng hữu dã; phi ố kỳ thanh nhi nhiên dã.» 今 人 乍 見 孺 子 將 入 于 井 , 皆 有 怵 惕 惻 隱 之 心 . 非 所 以 內 交于 孺 子之 父 母 也 ; 非 所 以 要 譽 于 鄉 黨 朋 友 也 ; 非 惡 其 聲 而 然 也 .Các Đạo học gia đời Tống và đời Minh thường trích dẫn câu văn này. Lòng trắc ẩn khiến người ta muốn cứu đứa bé, đó là trực khởi 直 起 . Từ lòng trắc ẩn dẫn tới hành vi cứu ngay đứa bé, đó là trực động 直 動 . Trực khởi và trực động, chẳng màng lợi hại đối với bản thân, chỉ cần cứu được đứa bé, đó là công bình. Cho nên Chu Liêm Khê nói «động và ngay thẳng thì công bình». Tuy nhiên, nếu «vì quen biết cha mẹ nó, hay để làng xóm và bạn bè khen ngợi, hay vì sợ mang tiếng bất nhân» mà ta chạy đến cứu đứa bé, thì đó là dục 欲 . Ý niệm ấy khởi lên không phải là trực khởi; hành vi cứu đứa bé không phải là trực động. Ý niệm và hành vi ấy có sự cân nhắc lợi hại đối với bản thân, nên gọi là tư dục. Ý niệm vô dục khởi lên đó là Thánh hiền, còn ý niệm có tư dục khởi lên đó là cầm thú. Nếu trong tâm ta vô dục và tĩnh lặng thì tâm ta giống như gương sáng. Vô sự thì tĩnh hư, hữu sự thì động trực. Thông Thư nói: «Vắng lặng bất động tức là thành. Cảm động mà thông suốt tức là thần.» (Tịch nhiên bất động giả, thành dã. Cảm nhi toại thông giả, thần dã. 寂 然 不 動 者 , 誠 也 . 感 而 遂 通 者 , 神 也 ). «Vắng lặng bất động» tức là tĩnh hư; «Cảm động mà thông suốt» tức là động trực. Đó là điều mà các Đạo học gia đời Tống và đời Minh về sau thường thuyết giảng. Tuy nhiên Chu Liêm Khê chỉ đề cập dục như vậy; còn địa vị của nhân dục ở phương diện siêu hình và luân lý thì ông chưa từng nói rõ.
«Sáng suốt thì thông hiểu» (minh tắc thông), khi chúng ta vô dục và tĩnh lặng thì tâm chúng ta như gương sáng. Vắng lặng mà thường chiếu. Hễ sáng thì có thể như thế, không sáng thì không thể như thế. Về «công bình thì phổ quát» (công tắc phổ), Thông Thư nói: «Đạo của Thánh nhân chỉ là chí công mà thôi. Có kẻ hỏi: "Vì sao nói thế?" Đáp: "Bởi Trời Đất chỉ là chí công mà thôi."» (Thánh nhân chi đạo, chí công nhi dĩ hĩ. Hoặc viết: Hà vị dã? Viết: Thiên địa chí công nhi dĩ hĩ 聖 人 之 道 , 至 公 而 已 矣 . 或 曰 : 何 謂 也 ? 曰 : 天 地 至 公 而 已 矣 ).
Trời Đất chí công nên che chở tất cả, đó gọi là phổ 溥 (phổ quát, khắp nơi). Bởi công bình nên như thế. Nếu không công bình thì có sự che chở riêng tư cho mỗi loài. Đạo của Thánh nhân chỉ là chí công mà thôi. Cho nên, hễ sáng suốt, thông hiểu, công bình, và phổ quát, thì thứ dân trở thành thánh nhân vậy.
Muốn đạt tới cảnh giới «vô dục và tĩnh lặng» thì chúng ta cũng phải trải qua một giai đoạn đáng kể. Thông Thư nói: «Hồng Phạm viết: "Suy nghĩ phải thấu triệt. [...] Thấu triệt sẽ thánh thiện." Không suy nghĩ là căn bản. Suy nghĩ thông suốt là ứng dụng. Hơi lay động ở chỗ kia, thì chân thành động ở chỗ này. Không suy nghĩ mà chẳng gì không thông suốt, đó là Thánh nhân. Nếu không suy nghĩ, Thánh nhân không thể thông suốt cái tế vi. Nếu không thấu triệt, Thánh nhân không thể thông suốt khắp nơi. Do đó, thông suốt khắp nơi phát sinh từ thông suốt cái tế vi; ứng dụng cái tế vi phát sinh từ suy nghĩ. Cho nên suy nghĩ là căn bản của công việc của Thánh nhân và là sự lay động dẫn đến cát hung vậy.»Thông Thư: «Hồng Phạm viết: "Tư viết duệ. [...] Duệ tác thánh." Vô tư, bản dã. Tư thông, dụng dã. Cơ động ư bỉ, thành động ư thử, vô tư nhi vô bất thông vi thánh nhân. Bất tư tắc bất năng thông vi; bất duệ tắc bất năng vô bất thông. Thị tắc vô bất thông sinh ư thông vi; dụng vi sinh ư tư. Cố tư giả, thánh công chi bản, nhi cát hung chi cơ dã.» 洪 範 曰 : 斯 曰睿 . [...] 睿 作 聖 . 無 思 , 本 也 . 思 通 , 用 也 . 幾 動 於 彼 , 誠 動 於 此 , 無 思 而 無 不通 為聖 人 . 不 思 則 不 能 通 微 ; 不 睿 則 不 能 無 不 通 . 是 則 無 不 通 生 於 通 微 ; 用 微 生 於思 . 故 思 者 , 聖 功 之 本 , 而 吉 凶 之 幾 也 .– LAM chú: Nguyên văn trong Hồng Phạm là: «Ngũ sự: Nhất viết mạo, nhị viết ngôn, tam viết thị, tứ viết thính, ngũ viết tư. Mạo viết cung, ngôn viết tòng, thị viết minh, thính viết thông, tư viết duệ. Cung tác túc, tòng tác nghệ, minh tác triết, thông tác mưu, duệ tác thánh.» 五 事 : 一 曰 貌 , 二 曰 言 , 三 曰 視 , 四 曰 聽 , 五曰 思 . 貌 曰 恭 , 言 曰 從 , 視 曰 明 , 聽 曰 聰 , 思 曰 睿 . 恭 作 肅 , 從 作 乂 , 明 作 哲 , 聰作 謀 , 睿 作 聖 (Năm việc: 1- Dung mạo, 2- Nói năng, 3- Nhìn, 4- Nghe, 5- Suy nghĩ. Dung mạo phải kính cẩn, nói năng phải theo lý lẽ, nhìn phải sáng suốt, nghe phải tinh tế, suy nghĩ phải thấu triệt. Kính cẩn sẽ nghiêm túc, theo lý sẽ trật tự, sáng suốt sẽ khôn ngoan, tinh tế sẽ mưu lược, thấu triệt sẽ thánh thiện).
Vô tư (không suy nghĩ) tức là vắng lặng bất động. Suy nghĩ thông suốt tức là cảm động mà thông suốt. Muốn đạt tới cảnh giới «không suy nghĩ mà chẳng gì không thông suốt» (vô tư nhi vô bất thông) thì trước tiên phải có công phu suy nghĩ. Nhưng cái công phu suy nghĩ ấy phải như thế nào thì Chu Liêm Khê chưa hề nói rõ. Chúng ta có thể phỏng đoán rằng công phu ấy có lẽ là thường xuyên chú ý đến trạng thái trong tâm chúng ta, giống như Mạnh Tử nói «tất hữu sự yên» 必 有 事 焉 (luôn canh cánh bên lòng).LAM chú: Câu «Tấthữu sự yên» 必 有 事 焉 trích trong Mạnh Tử (Công Tôn Sửu, thượng), Mạnh Tử nói về việc nuôi dưỡng khí hạo nhiên. Ta cần tích luỹ việc nghĩa thì khí hạo nhiên mới sinh ra. Nguyên văn: «Tất hữu sự yên vật chính, tâm vật vong, vật trợ trưởng dã.» 必 有 事 焉 勿正 , 心 勿 忘 , 勿 助 長也 . Chu Hi giảng chính 正 là dự kỳ 預期 (mong ngóng), ý nói việc nuôi dưỡng khí hạo nhiên chúng ta ắt luôn chú tâm đến, nhưng chớ mong ngóng hiệu quả, chớ quên nó, chớ thúc ép cho nó mau lớn. Cố Viêm Vũ bác bỏ giải thích này. Chẳng qua văn bản bị chép sai. Hai chữ chính tâm 正 心 tức là chữ vong 忘 bị chép sai. Câu này lẽ ra phải là: «Tất hữu sự yên vật vong, vật vong, vật trợ trưởng dã.» 必 有 事 焉 勿 忘 , 勿 忘 , 勿 助 長 也 (Trong tâm ắt có sự [nuôi dưỡng khí hạo nhiên], chớ quên, chớ quên, chớ thúc ép cho nó mau lớn). Xem: Tứ Thư Độc Bản, Tam Dân Thư Cục, Đài Loan, 1993, tr.367. James R. Ware (The Sayings of Mencius, New York, 1960, tr.65) dịch đúng ý của Cố Viêm Vũ: «Let it be constantly in your heart-and-mind, and do not engage in efforts to help it grow.» (Cứ để nó luôn trong lòng, chớ ép nó phát triển). Ở đây, Phùng Hữu Lan trích câu này là muốn nhấn mạnh ý nghĩa «luôn canh cánh bên lòng», chứ ông không quan tâm vấn đề nuôi dưỡng khí hạo nhiên.
Thái Cực Đồ Thuyết nói: «Thánh nhân hợp nhất đức của mình với Trời Đất, hợp nhất vẻ sáng của mình với mặt trời và mặt trăng, hợp nhất thứ tự của mình với bốn mùa, hợp nhất cát hung của mình với quỷ thần.» Thông Thư nói: «Thánh nhân chỉ có chân thành mà thôi. Chân thành là gốc của ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), là nguồn của trăm hạnh.» (Thánh thành nhi dĩ hĩ. Thành ngũ thường chi bản, bách hạnh chi nguyên dã 聖 誠而 已 矣 . 誠 五 常 之 本 , 百 行 之 源 也 ).
Thành 誠 (chân thành) là tính bản nhiên của nhân tính. Thánh nhân sở dĩ là Thánh bởi vì đã trở về với tính bản nhiên của nhân tính. Điều mà Lý Ngao nói, các Đạo học gia kể từ Chu Liêm Khê về sau đã nhất trí chủ trương.●
* Lê Anh Minh dịch và phụ chú
Nguồn: Phùng Hữu Lan 馮 友 蘭 , Trung Quốc Triết Học Sử中 國 哲 學 史 , Hương Cảng 1956. Trích dịch chương 11 của thiên thứ hai. Phụ chú của người dịch ghi là LAM chú.