Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Các con tu luyện là để biết sống cái sống chơn thường tự nhiên tự tại của các con. Sanh ...
-
Long Vân một hội Bính Thìn Xuân Hoa nở trăm hoa hiện khí Thần Giáo lý Cao Đài nương giải thoát Chủ quyền ...
-
Sáng tinh mơ, khách dạo quanh vườn hoa kiểng, chợt bước vào nếp cỏ xanh, thấy lớp sương còn đọng ...
-
Ngoài cuốn ĐẠO ĐỨC KINH, Đức còn để lại cho đời nhiều cuốn kinh khác : KINH CẢM ỨNG dạy về ...
-
Ở nước ta, Nho giáo đã có lịch sử rất lâu đời. Từ khi nước ta bị xâm lược và ...
-
Câu chuyện đức tin THÁNH THẤT THÀNH CÔNG - NHỮNG ĐIỀU HUYỀN DIỆU Trong thời đại văn minh, một xã hội duy ...
-
Dung Hòa /
. . . “Đã hơn hai lần, Tam Trấn Oai Nghiêm đã nói : mỗi phần tử cá nhân của ...
-
“Lòng từ huệ bao la lớn rộng Đem tình thương sự sống sẻ chia Trần gian vạn khổ còn kia Lòng người Bồ ...
-
Ý NGHĨA NGÀY 13 tháng 3 Hạ tuần tháng 2 Quý Sửu – 1973, giải thích lý do vì sao Ơn ...
-
SƠ LƯỢC về HUYỀN BÚT CƠ trong ĐĐTKPĐ. Tý thời 14 rạng 15 tháng 3 Mậu Thân 1968, một buổi đàn ...
-
Đại Đạo TKPĐ khai mở chưa được một thế kỷ, thế mà khi lần giở những trang sử đạo người ...
-
TỔNG QUAN VỀ CON ĐƯỜNG PHẢN BỔN HOÀN NGUYÊN Trên đường tiến hóa, ý thức PHẢN BỔN HOÀN NGUYÊN đánh dấu sự ...
HỘI THÁNH BẠCH Y
VĂN HÓA CAO ĐÀI QUA NGỌC ĐẾ CHƠN TRUYỀN (HT.BẠCH Y)
THỬ PHÁC HỌA MẤY NÉT VỀ VẤN ĐỀ
“VĂN HÓA CAO ĐÀI KẾ THỪA, NUÔI DƯỠNG VÀ PHÁT HUY
VĂN HÓA ĐẠO ĐỨC DÂN TỘC VIỆT NAM”
Để có thể nói được một cách đầy đủ và có hệ thống về mối tương quan giữa văn hóa Cao Đài và văn hóa đạo đức của dân tộc Việt Nam đòi hỏi đại cộng đồng Cao Đài cùng nhau phát huy trí tuệ tập thể của từng Hội Thánh, từng tổ chức trong nhà Đạo Kỳ Ba; tức là tất cả đồng tâm hiệp sức để nghiên cứu vấn đề một cách thâm sâu, thấu đáo, và đòi hỏi đầu tư thật nhiều thời gian, tim óc... Mỗi một Hội Thánh, một tổ chức Cao Đài nếu làm sáng tỏ được những nét độc đáo của văn hóa Cao Đài, văn hóa đạo đức dân tộc và trình bày rõ ràng theo góc nhìn của mình, thì khi tổng hợp lại tất cả các công trình ấy, ắt hẳn đại cộng đồng Cao Đài sẽ có được một kết quả chung thật mỹ mãn.
Nhận thức như vậy, bài tham luận này của Hội Thánh Bạch Y Liên Đoàn Chơn Lý sẽ không bao quát toàn thể vấn đề văn hóa Cao Đài hay văn hóa đạo đức dân tộc. Trái lại, bài tham luận này chỉ khai thác đề tài trong bối cảnh riêng của Hội Thánh Bạch Y.
Hội Thánh Bạch Y Liên Đoàn Chơn Lý là một bộ phận của toàn thể đại cộng đồng Cao Đài (tức Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ). Mỗi một Hội Thánh Cao Đài hầu như đều có ít nhất một bửu kinh riêng cho mình. Do đó, vào giữa thập niên 30 của thế kỷ trước, Hội Thánh Bạch Y rất hữu hạnh khi được Đức Chí Tôn ban cho bửu kinh NGỌC ĐẾ CHƠN TRUYỀN TÂN ƯỚC TRI NGUYÊN. Cuối năm 2014, Hội Thánh Bạch Y đã có đủ thiện duyên chánh thức in lại bửu kinh này, đáp ứng nhu cầu của đông đảo chức sắc, chức việc, tín hữu thuộc Hội Thánh Bạch Y.( ) [1]
Sau đây, căn cứ trên nguồn kinh điển riêng của mình, Hội Thánh Bạch Y thử phác họa mấy nét để đóng góp bước đầu vào công việc nghiên cứu chung của Đại Đạo.
1. Truyền thống Tam Giáo của người Việt được đạo Cao Đài phát huy
Các nhà nghiên cứu tôn giáo trước đây quen gọi Cao Đài là “tôn giáo bản địa”, ngày nay thường gọi là “tôn giáo nội sinh”. Sở dĩ có hai tên gọi như thế là nhằm phân định rõ nguồn gốc của nền tân giáo Cao Đài vốn không phải do nước ngoài du nhập vào Việt Nam như các tôn giáo khác (Nho, Thích, Lão, Thiên Chúa, Tin Lành, Islam, Bà La Môn, v.v…) đang có mặt tại nước Nam.
Thật vậy, đạo Cao Đài là một nền tôn giáo mới, đã ra đời tại Việt Nam là môt đất nước nằm ở ngã tư giao lưu các nền văn minh trong khu vực Đông Nam Á; thế nên từ xưa Việt Nam đã sớm trở thành nơi hội tụ các luồng văn hóa Đông Tây bao gồm các tôn giáo và tín ngưỡng, trong đó chủ yếu là nền tảng Nho, Thích, Lão (Tam Giáo) đã có sẵn từ lâu đời, trong lịch sử dân tộc đã từng là ý thức hệ chủ đạo của nhiều vương triều Đại Việt.
Nền tảng Tam Giáo sẵn có này ví như mảnh ruộng thích hợp để chính Đức Thượng Đế gieo xuống hạt giống Cao Đài, nhờ đó hạt giống thiêng liêng càng dễ dàng nẩy mầm, đâm tược và phát triển thành cội cây to và cao với tàn lá sum sê.
Xác định mối tương quan khăng khít giữa Tam Giáo và Cao Đài như vậy để hiểu vì sao nền tôn giáo mới Kỳ Ba này luôn luôn nhắc tới yếu tố Tam Giáo. Chẳng hạn, trong nghi thức mở đầu cúng kiếng hàng ngày, bài Khai Kinh (Kinh Nhựt Thời) của Hội Thánh Bạch Y liền nhắc tới Tam Giáo:
Lão Quân Đạo Tổ Đẩu Cung
Ra tay dẫn độ dày công giúp đời
Trong Tam Giáo có lời khuyến dạy
Gốc bởi lòng làm phải làm lành
Trung dung Khổng Thánh chỉ rành
Từ bi Phật dặn: lòng thành lòng nhơn
Phép Tiên Đạo: tu chơn dưỡng tánh
Một cội sanh ba nhánh in nhau…( ) [2]
Điều cần lưu ý là: Tam Giáo trong Cao Đài không phải là ba giáo lý rời rạc, đối chọi nhau; trái lại, Tam Giáo trong Cao Đài được phát huy để luôn luôn là một thể thống nhất, hòa hài. Đó là lý do chỉ riêng trong Cao Đài mới có Hội Công Đồng Tam Giáo hay Tòa Tam Giáo, v.v...
2. Tín ngưỡng thờ Trời của người Việt được đạo Cao Đài phát huy
Không phải chỉ có Tam Giáo, người Việt từ xa xưa đã sẵn có tín ngưỡng thờ Trời, tin rằng con người có mặt ở thế gian là do Trời sinh ra:
Con chim nó hót trên cành
Nếu Trời không có, có mình làm sao?
Con chim nó hót trên cao
Nếu Trời không có, làm sao có mình?
(Ca dao)
Người Việt cũng tin rằng Trời sinh, Trời dưỡng; thế nên, sống với nền văn minh lúa nước, nông dân Việt Nam tin tưởng có Trời bảo hộ cho cuộc mưu sinh của mình:
Lạy Trời mưa xuống,
Lấy nước tôi uống,
Lấy ruộng tôi cày,
Lấy đầy bát cơm…
(Ca dao)
Trời cũng che chở cho con người những lúc tai ương, hoạn nạn:
Nghiêng vai ngửa vái van Trời,
Trong cơn hoạn nạn độ người trầm luân.
(Ca dao)
Trời là chỗ gần gũi để người con hiếu thảo cầu xin tuổi thọ cho cha mẹ:
Mỗi đêm mỗi thắp đèn Trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.
(Ca dao)
Lòng tin Trời đó còn là chỗ dựa cho một dân tộc trong công cuộc trường kỳ chiến đấu bảo vệ non sông đất nước trước mọi thế lực chia phân, thôn tính:
Nước non là nước non Trời,
Ai chia được nước, ai dời được non!
(Ca dao)
Tuy người Việt sẵn có tín ngưỡng thờ Trời, nhưng phải đợi đến khi đạo Cao Đài ra đời thì tín ngưỡng đó mới được xây dựng và cụ thể hóa thành cơ cấu bao gồm nghi thức đầy đủ quy củ, kinh điển và giáo lý phong phú, ngôi thờ tôn kính trang nghiêm… Nói cách khác, thay vì chỉ có một tín ngưỡng thờ Trời bàng bạc trong tâm linh và đời sống, khi đạo Cao Đài xuất hiện, hình thành thì người Việt đã có hẳn một thiết chế tôn giáo thờ Trời.
Khi mang đến cho dân tộc Việt đạo thờ Trời, tôn giáo Cao Đài đồng thời giúp cho người Việt có được một ý thức hệ mà trong đó cần chú ý ba điểm chánh như sau:
(a) Bình đẳng: Mọi người đều là con của Trời, con một Cha Trời, do đó bình đẳng và phải biết thương yêu nhau, thành thật giúp đỡ nhau.
Sau khi nhập môn (khai tánh), người tín đồ Bạch Y được dạy như sau:
“Hễ thọ giáo một Thầy thì cũng như con một Cha, phải thương yêu nhau, liên lạc nhau, giúp đỡ nhau, lấy lòng thành thật mà đối đãi nhau, dìu dắt nhau trong đường đạo và đường đời.” ( ) [3]
Sự bình đẳng đó còn thể hiện trong khi cúng thời hàng ngày. “Kỷ luật Cao Đài”, mục “Tiểu đàn nơi gia” của Hội Thánh Bạch Y quy định:
“Còn bạn bè tôi tớ trong nhà, kẻ nào có Đạo thì đặng phép quỳ chung với chủ mà đọc kinh xưng tội. Ở ngoài thì tôi tớ, còn vô quỳ đọc kinh thì con một Cha cùng nhau một máu mủ, anh em thân ái đó.” ( ) [4]
(b) Hòa đồng tôn giáo: Người tín đồ Cao Đài kính trọng các tôn giáo khác như chính tôn giáo mình, bởi lẽ được dạy rằng các tôn giáo thế gian đều do Trời lập ra:
Tam lục thiên, mối giềng Cha nắm
Có ai ngoài cho đặng quyền Thầy
Khắp miền Nam Bắc Đông Tây
Nơi nào cũng có một Thầy Chủ Ông
Tính chi nhiều việc lòng vòng
Phật Tiên Thần Thánh cũng trong tay Thầy.( ) [5]
(c) Đại đồng nhân loại: Người tín đồ Cao Đài không phân biệt màu da sắc tóc, vì được dạy nhân loại năm châu bốn biển đều từ một Đấng Cha Trời sanh hóa:
Thầy mở Đạo, Nam phương là gốc
Dạy các con chủng tộc thương nhau
Năm châu một thể đồng bào
Dầu người khác giống cũng nhau rún mình
Cầu cho tránh sự đao binh
Cầu cho thiên hạ thái bình muôn năm.( ) [6]
Ba điểm chánh yếu này rất ý nghĩa, bởi vì trong thời hạ nguơn mạt kiếp, nhân loại đấu tranh khốc liệt chủ yếu chỉ vì tham dục quyền lợi bất bình đẳng, kỳ thị sắc tộc và kỳ thị tín ngưỡng. Cứu chữa cho thời hạ nguơn, đem lại cho nhân loại đời thượng nguơn thánh đức như đạo Cao Đài chủ trương, ắt hẳn không thể thiếu ba yếu tố bình đẳng, hòa đồng tôn giáo, và đại đồng nhân loại.
3. Tình đồng bào trong tình đồng đạo
Cái nôi của đạo Cao Đài chính là Nam Kỳ. Thế nên, ngoài yếu tố về ý thức hệ như nói trên, còn có yếu tố thiên nhiên bản địa Nam Kỳ. Quả vậy, trong khoảng ba trăm năm từ lúc người Việt mở đất phương Nam cho tới những năm đầu thế kỷ XX là thời điểm chuẩn bị cho đạo Cao Đài xuất hiện vào năm 1926, đất Nam Kỳ đã tập hợp nhiều dân tộc khác nhau từ các nơi tìm tới, quy tụ để khai hoang lập ấp mưu sinh trong hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt, như lời ăn tiếng nói dân gian miền Nam còn lưu giữ từ buổi đó tới ngày nay như sau:
– Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tợ bánh canh.
– Cỏ mọc thành tinh, rắn đồng biết gáy.
– Tới đây nước mặn đồng chua, / Hổ mây, cá sấu thi đua vẫy vùng.
– Chèo ghe sợ sấu cắn chưn, / Xuống sông sợ đỉa, lên rừng sợ ma.
Chính môi trường thiên nhiên khắc nghiệt như nói trên đã khiến cho những con người Nam Kỳ sớm biết gầy dựng tình đoàn kết tương thân tương trợ trong cuộc sống, vượt qua những rào cản về sắc tộc, ngôn ngữ, tín ngưỡng, phong tục tập quán… Bởi vậy, người dân Nam Kỳ vốn có lòng hiếu khách, bao dung, nhân ái, hào sảng và trọng nghĩa khinh tài. Phản ánh tính cách này, ca dao Nam Kỳ còn truyền lại những câu tiêu biểu như sau:
Nước sông trong sao cứ đục hoài,
Thương người xa xứ lạc loài đến đây.
Tới đây thì ở lại đây,
Bao giờ bén rễ xanh cây thì về.
Tinh thần tương thân tương trợ đó, cách sống chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ từ buổi phá rừng mở nước của tiền nhân Nam Kỳ đã được kế thừa, nuôi dưỡng và phát huy trong đời sống bình thường của tín đồ đạo Cao Đài.
“… phải giữ dây tương thân, tương ái, giàu giúp khó, kẻ mạnh giúp người đau, anh thương em, sang hèn chớ nệ, đói rách khá nhìn, giúp người lỡ bước, thương kẻ cô thân, hoạn nạn tương cứu, khốn cùng trợ nghĩa.” ( ) [7]
Hơn thế nữa, thay vì để cho con người tự giác tùy theo ý muốn mà thực hành hay không thực hành nghĩa cử tương thân tương trợ, thì đạo Cao Đài lại đưa đức tính này trở thành quy tắc, luật lệ có tính bắt buộc phải thực hiện. Do đó, trong Hội Thánh Bạch Y, sau khi “khai tánh” để trở thành tín đồ Cao Đài thì người đạo hữu phải thi hành những điều như sau:
“3. Mỗi tháng hai kỳ sóc vọng, ngày rằm và ba mươi, phải có mặt tại Tòa Thánh, hoặc Thánh Thất mà nghe trong Hội Thánh bàn tính các việc và liên lạc anh em, chị em cùng nhau, lúc hữu sự phải hết lòng giúp đỡ tấn thối (…).
4. Trong gia quyến có xảy ra việc chi mà mình không thế lo đặng thì cho chức sắc hoặc anh em trong bổn đạo hay đặng chung lo, chuyện người như chuyện mình.” ( ) [8]
“5. Nhứt là tang sự, hôn nhơn, sanh sản, cùng đau ốm, các việc gấp rút phải lập tức cho người làm đầu trong Đạo hay và anh em lân cận được biết. Ở cách xa Hội Thánh mà nghèo khổ thì phải đem đến Hội Thánh, khi đến Hội Thánh phải có người trong thân theo kẻ đau, thì trong Hội Thánh sẽ giúp đỡ theo cách từ thiện.
10. Đối với hàng đạo hữu, phải nuôi nấng cái tình thù tạc với nhau, cho khắng khít cái dây liên lạc.
Trong hàng tín đồ còn ở thế, phải nhớ hai việc là: Tang và Hôn.” ( ) [9]
“12. Trong bổn đạo, có người mãn phần quy vị, thì chư tín đồ phải chung cùng đến giúp, và chia buồn cùng tang chủ. (Mỗi họ cũng nên lập nghĩa địa riêng.)” ( ) [10]
Tinh thần tương trợ trong lúc có người qua đời như dẫn trên là một nét văn hóa của người Việt, đã có từ rất xa xưa, vì trong sách Lĩnh Nam Chích Quái của tổ tiên chúng ta khi chép về phong tục đời Hồng Bàng cho biết rằng “có người chết thì giã cối làm lệnh để người lân cận nghe tiếng đến cứu.”
Để tương thân tương trợ được hiệu quả, còn phải biết ý thức tiết kiệm để có phương tiện vật chất mà cứu giúp lẫn nhau. Thật vậy, tiền nhân người Nam Kỳ là những con người tha phương tìm cuộc sống mới. Các nhà nghiên cứu từng gọi họ là “lưu dân”. Cuộc sống khắc khổ, thiếu thốn của lưu dân ngày xưa trên vùng đất mới phương Nam buộc họ phải biết tằn tiện, tiết kiệm. Đức tính này được xem là đạo lý phù hợp lẽ Trời (Thiên lý), cho nên ca dao có câu:
Làm người nên biết tiện tằn,
Đồ ăn thức mặc có ngằn thì thôi.
Những người đói rách rạc rời,
Bởi phụ của Trời, làm chẳng có ăn.
Đạo Cao Đài ra đời trong hoàn cảnh đất nước loạn lạc, tín đồ phần lớn là người bình dân nghèo khổ, thiếu thốn rất cần phải tằn tiện đã đành, mà những tín đồ dư giả, sung túc lại càng nên ý thức tiết kiệm để còn góp phần chia sẻ những thiệt thòi của đồng bào, đạo hữu thiếu thốn. Cho nên đức tính cần kiệm của dân tộc cũng được nâng lên thành luật lệ trong đạo Cao Đài để mang tính bắt buộc thi hành. Chẳng hạn, quy định tiết kiệm trong tang lễ:
“Trong việc tống chung không nên xa xỉ, không nên để lâu ngày, không nên dùng đồ âm công có màu sắc lòe loẹt, chỉ dùng toàn đồ trắng, không nên đãi đằng rần rộ, mà mất sự nghiêm tịnh và mất dấu ai bi.” ( ) [11]
4. Tạm kết
Như đã nêu trong lời mở đầu, bài tham luận này chỉ mới khái quát ba nét lớn trong mối tương quan giữa văn hóa Cao Đài và văn hóa đạo đức dân tộc, và minh họa bằng các dẫn chứng trích trong Ngọc Đế Chơn Truyền Tân Ước Tri Nguyên của Hội Thánh Bạch Y Liên Đoàn Chơn Lý. Như thế, bài tham luận này thật sự chỉ mới khơi gợi chút ít mỏng manh trong toàn thể nội dung rộng lớn của văn hóa Cao Đài và văn hóa đạo đức dân tộc. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy được quả thật văn hóa Cao Đài đã kế thừa, nuôi dưỡng và phát huy văn hóa đạo đức dân tộc. Chúng ta tin tưởng rằng, trong thời gian tới đây, chúng ta sẽ còn có thêm nhiều cơ hội nữa để tiếp tục khai thác đề tài rất ý nghĩa, và rất quan trọng này.
____________________
(1 ) Hội Thánh Bạch Y Liên Đoàn Chơn Lý: Ngọc Đế Chơn Truyền Tân Ước Tri Nguyên (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2014), 680 trang (bìa cứng).
(2 ) Ngọc Đế Chơn Truyền Tân Ước Tri Nguyên, tr. 46.
(3 ) Ngọc Đế Chơn Truyền Tân Ước Tri Nguyên, tr. 220.
(4 ) Ngọc Đế Chơn Truyền Tân Ước Tri Nguyên, tr. 41.
( 5) Ngọc Đế Chơn Truyền Tân Ước Tri Nguyên, tr. 567.
( 6) Ngọc Đế Chơn Truyền Tân Ước Tri Nguyên, tr. 635.
(7) Ngọc Đế Chơn Truyền Tân Ước Tri Nguyên, tr. 8.
(8 ) Ngọc Đế Chơn Truyền Tân Ước Tri Nguyên, tr. 219.
(9 ) Ngọc Đế Chơn Truyền Tân Ước Tri Nguyên, tr. 220.
(10 ) Ngọc Đế Chơn Truyền Tân Ước Tri Nguyên, tr. 221.
(11) Ngọc Đế Chơn Truyền Tân Ước Tri Nguyên, tr. 221.