Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
  • Người Chăm theo hai tôn giáo chính là Bà la môn và Hồi giáo. Trong Hồi giáo lại chia ra ...


  • Đức Chí Tôn và các hàng Phật Tiên Thánh Thần đồng giáng thế bằng linh điển, diễn giải những bí ...


  • Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy : “......Tôn giáo là những khuôn vàng thước ngọc để khép con người từ chỗ ...


  • Thái Cực Đồ Thuyết (Tiếp theo bài 2)


  • Sài gòn : Một trung tâm thần lực / Hà Văn Phủ & Nguyễn Văn Tài

    Hiện nay Thành phố có 860 chùa, 120 tịnh xá và tịnh thất của Phật Giáo. Trong đó chùa Giác ...


  • Một số người cho rằng nguồn gốc của các dân tộc Việt Nam bắt nguồn từ Trung Hoa, hoặc Tây ...


  • Cảm hoài dòng Sử Đạo / Nhịp cầu giáo lý

    Đại Đạo TKPĐ khai mở chưa được một thế kỷ, thế mà khi lần giở những trang sử đạo người ...


  • Lý đạo là xuân / Thiện Chí

    ĐÔNG PHƯƠNG CHƯỞNG QUẢN, Bần Đạo mừng chư hiền đệ hiền muội. Bần Đạo đắc lịnh Tam Giáo Tòa đến khai ...


  • Lê Quý Đôn nguyên là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, sinh ngày 2-8-1726, trong một gia ...


  • Khi xây dựng ngành Việt Nam học chắc chắn phải nói tới một "bộ phận" của ngành học mới mẻ ...


  • Thanh An Tự / Trích Lịch sử đạo Cao Đài I - CQPTGLĐĐ.

    Thanh An Tự là tên ngôi chùa của đàn Minh Thiện. Tọa lạc trên đường Hùng Vương, thị xã Thủ ...


  • Ý Thu / Cố Đại Tỉ Diệu Chơn Minh

    . . .Hòa tan Tâm mình trong lòng Vô Cực Từ Tôn Kim Mẫu. Ôi ! Bao vinh quang tuyệt ...


18/07/2011
Kim Dung

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 18/07/2011

Xưng tụng công đức Đức Quan Thế Âm Bồ Tát

“Lòng từ huệ bao la lớn rộng
Đem tình thương sự sống sẻ chia
Trần gian vạn khổ còn kia
Lòng người Bồ Tát đâu lìa chúng sanh”.

Trong cái bể trầm luân khổ ải này, từ mấy ngàn năm trước và sẽ tiếp mãi đến muôn đời, danh hiệu Quan Thế Âm Bồ Tát như đã ăn sâu vào lòng những người thiện nam tín nữ, hầu như ai ai cũng biết đến Ngài và rất tôn kính Ngài vì Ngài đã thề nguyện vào chốn khổ đau để cứu vớt chúng sanh không hề phân biệt và không giới hạn.

Nhơn sanh hằng năm thường tưởng niệm Ngài vào 3 ngày âm lịch được kể như sau :
- 19/2 : Lễ Đản Sanh
- 19/6 : Lễ Thành Đạo
- 19/9 : Lễ xuất gia

Hôm nay ngày 19 tháng 6 Tân Mão (2011) cả không gian như tràn ngập Hồng Quang Thiên Điển của Ngài.

Nơi Hội trường này, nhân giây phút trang trọng và không khí tôn nghiêm tràn đầy ân phước của Đức Bồ Tát, tất cả chúng ta với tấc lòng thành kỉnh, dâng nén tâm hương hướng về Ngài, lòng nguyện theo làn khói hương nghi ngút để Xưng Tụng Công Đức Vô Lượng của Đấng Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát.

Lòng Đại Từ Đại Bi của Đức Quan Thế Âm được linh ứng mọi lúc mọi nơi.

I. TỪ THUỞ THẬT XA XƯA KHI CÒN LÀ PHÀM NHÂN
Kinh Bi Hoa ghi rằng :
“ Lòng Đại Từ Bi đã sẵn có từ thuở thật xa xưa (số kiếp đến nhiều như số cát sông Hằng), Ngài đã thệ nguyện rồi.
Đức Quan Thế Âm khi chưa xuất gia tu hành Ngài đã có thiện căn rất lớn, tấm lòng từ thật quảng đại.
Có một kiếp Ngài là con đầu lòng của Vua Vô Tránh Niệm, Vị Thái tử ấy tên là Bất Huyến.
Vị vua này tiếng nhơn từ đồn dậy khắp bốn phương, đức từ lành đượm nhuần khắp chốn, cho nên khắp cả nhơn gian bốn phương trời một lòng tôn kính Đức Vua”.
……………………..
Lúc ấy có Đức Phật Bảo Tạng ra đời thuyết pháp độ sanh.
“Vua phát tâm sắm đủ lễ vật đến cúng dường Phật và Tăng trong 3 tháng rồi Vua lại khuyên các Vương Tôn Công Tử và các Đại Thần trong triều đình cũng cúng dường như Ngài vậy.
Quan Đại Thần Bảo Hải cha của Phật Bảo Tạng thấy vậy khuyên Vua rằng :
“Điện Hạ đã sẵn lòng tu phước mà cúng Phật cùng Tăng, vậy xin Điện Hạ hãy đem công đức đó hồi hướng về Đạo Vô thượng Bồ Đề, chớ nên cầu sự phước báu, bởi nó còn thuộc về phần hữu lậu có hư có mất và không thoát khỏi sanh tử luân hồi.
Điện Hạ nên đem công đức đó mà cầu phước vô lậu nó sẽ không hư không mất hướng về Đạo Bồ Đề mà cầu mau giải thoát, sau đó mà độ cả chúng sanh thoát sông mê bể khổ”.
Bất Huyến Thái tử nghe lời khuyên như vậy, bèn suy nghĩ hồi lâu rồi thưa rằng :
“Nay tôi đối diện trước Phật và đại chúng mà tỏ lời như vầy :
Tôi nguyện đem tất cả các món công đức mà tôi đã từng cúng dường Tam Bảo và các món thiện căn mà tôi đã từng tu tập pháp mầu xin hồi hướng về Đạo Vô Thượng Bồ Đề.
Tôi nguyện trong khi tôi tu những điều công hạnh Bồ Tát là những việc ích lợi cho chúng sanh, nếu tôi biết được có kẻ gặp khốn khổ hiểm nghèo không biết cậy vào ai mà có lòng xưng niệm danh hiệu tôi thì tức thời tôi dùng phép Thiên Nhĩ thông mà lắng nghe tiếng kêu cứu điều chi, rồi lại dùng phép Thiên Nhãn thông mà quan sát kẻ mắc nạn ở chỗ nào, đặng tôi liền thị hiện mà cứu độ.
Nếu chẳng đặng lời thệ nguyện đó, thì tôi không thành Phật.
Bạch Đức Thế Tôn, nay tôi vì thương hết thảy chúng sanh mà phát lòng đại nguyện tu học pháp xuất thế lo trau giồi công hạnh tự giác, giác tha nguyện khi Phụ vương tôi là vua Vô Tránh Niệm trãi hằng hà sa số kiếp sau thành Phật hiệu là A Di Đà Như Lai ở cõi an lạc hóa độ chúng sanh, rồi chứng nhập Niết Bàn. Chánh Pháp truyền lại cho tôi thì tôi lo tu hạnh Bồ Tát hành đạo khắp nơi nơi.
Xin Đức Thế Tôn từ bi mà thọ ký cho tôi và tôi cũng hết lòng yêu cầu các chư Phật hiện tại ở hằng sa thế giới trong mười phương đều thọ ký cho tôi như vậy nữa”.
Đức Bảo Tạng Như Lai nghe những lời đại nguyện ấy liền thọ ký (điểm Đạo) cho Bất Huyến Thái Tử rằng :
“ Ngươi xem xét chúng sanh trong 3 cõi nhơn gian và trong cả 3 đường dữ (địa ngục, ngạ quỹ, súc sanh) đều mắc nhiều tội lỗi mà sanh lòng Đại Bi muốn giải trừ những nạn khổ, dứt điều phiền não và làm tất cả hưởng đặng an vui, và ngươi có lòng soi xét những lời yêu cầu nơi thế gian mà cứu khổ như vậy, nên nay Ta đặt danh hiệu cho ngươi là Quan Thế Âm.
Và sau khi Đức A Di Đà Như Lai nhập Niết Bàn rồi thì ngươi sẽ ngồi trên Tọa Kim Cang dưới cội Bồ Đề mà chứng ngôi chánh giác, phước tròn, hạnh đủ, muôn sự vẻ vang, Đạo pháp cao siêu, thần thông quảng đại, không ai sánh bằng”.
Bất Huyến Thái Tử nghe Phật Bảo Tạng Thọ ký rồi liền vui mừng mà thưa rằng :
“Bạch Đức Thế Tôn, nếu sự thề nguyện của tôi quả đặng hoàn mãn như lời Ngài nói đó, tôi hân hạnh biết bao.
Nay xin Ngài làm thế nào cho chư Phật ở hằng sa thế giới đều thọ ký cho tôi và khiến cho cả thế giới đồng vang âm thanh mà chúng sanh nghe tiếng ấy đều đặng thân tâm thanh tịnh mà xa lìa mọi dục vọng”.
Lúc Bất Huyến Thái Tử vừa thưa xong, đang còn cúi đầu lễ Phật tức thì cả thế giới tự nhiên rền vang lời thọ ký làm cho tất cả chúng sanh đều đặng vui vẻ tan biến hết mọi dục vọng não phiền.
Bất Huyến Thái Tử được chư Phật thọ ký lòng rất đổi vui mừng.
Sau khi đắc đạo Ngài thọ sanh nhiều đời khác trải hằng hà sa số kiếp vẫn một lòng cứu khổ cứu nạn chúng sanh không khi nào Ngài quên lời thệ nguyện ấy.

II. KHI ĐẮC QUẢ BỒ TÁT

Hạnh đại từ đại bi của Đức Quan Âm Bồ Tát được thể hiện qua 12 lời đại nguyện khi Ngài vừa đắc quả vị Bồ Tát.
Đại ý 12 lời đại nguyện của Đức Quan Âm như sau :
- Nhứt tâm, không gì ngăn ngại khi nghe tiếng kêu cứu liền thị hiện cứu độ không mệt mỏi.
- Hàng phục loài tà ma yêu quái.
- Dùng bình Tịnh thủy và nhành Dương liễu rưới tắt lửa phiền não.
- Xem thân mình như chiếc thuyền Phật pháp, vớt chúng sanh khỏi cảnh trầm luân.
- Dùng Tràng phan, Bảo cái tiếp dẫn những linh hồn tu hành chứng đắc về cảnh Tây phương cực lạc.
- Nguyện chúng sanh được Đức A Di Đà thọ ký và sống vĩnh cửu nơi cảnh an vui.
- Nguyện thực hiện đoan trang, nghiêm chánh 12 lời đại nguyện này.

“Dầu cho vạn khổ thiên lao,
Trải vô lượng kiếp ra vào thế nhân
Ở trần mà chẳng nhiễm trần
Mười hai đại nguyện trải thân độ đời”
(Đức Quan Âm)
III. KHI PHÂN THÂN GIÁNG TRẦN ĐỘ CHÚNG SANH
Việc độ đời của Ngài luôn tùy theo hoàn cảnh, căn trí của chúng sanh mà thị hiện khi thân nam, lúc thân nữ, kiếp nghèo hèn, kiếp sang giàu…
Theo Thánh kinh hiền truyện xưa để lại, Ngài đã phân thân giáng trần 33 kiếp.
Hiện nay, nhơn sanh còn truyền tụng hai kiếp giáng trần làm thân nữ được phổ biến rộng rãi hơn hết.
- Kiếp thứ 10 làm nàng Thị Kính.
- Kiếp chót làm công chúa Diệu Thiện.
1. Về sự tích nàng Thị Kính
Chư vị từng nghe nói đến nổi hàm oan bị gán cho tội vợ mưu sát chồng của một thục nữ, một hiền phụ như nàng lại có đức hạnh đoan nghiêm khi cải nam trang vào chùa tu hành chân chính lại bị xem như một chú tiểu lỗi rất nặng làm hoen ố cửa thiền.
Đối với xã hội thời xa xưa ấy, với tinh thần trọng nam khinh nữ thì không tội nào lớn bằng tội vợ mưu sát chồng, cũng như không tội nào lớn bằng tội đã khép mình tu hành mà còn dụ dỗ người cho có đứa con rơi.
Thật là nổi oan ức tột cùng chất ngất trong lòng vì tiếng đời nguyền rủa ê chề, chịu roi vọt đau đớn, vẫn một lòng cam chịu đựng nghịch cảnh, vượt thử thách nhẫn nhục không hề phàn nàn, từ đó chúng ta thấy được :
- Lòng từ bi cao thượng : không thố lộ tội của Thị Mầu gán cho mình khi bị hình phạt.
- Lòng nhân ái : nuôi con người đã hại mình.
- Tâm hướng thượng cao cả : Giữ bí mật là nữ giới để được tiếp tục trọn đường tu hành của Sải Kỉnh Tâm.
- Tự thắng bản thân : dù chịu cực khổ đau đớn thân xác, nhục nhã ê chề, mất bao sức lực tinh thần thời gian để nuôi đứa trẻ, nhưng tinh thần tu học của nàng vẫn sáng suốt, dũng mãnh chiến đấu nội tâm không chùn bước vẫn nhứt tâm tu tiến đạo hạnh.
2. Về tích nàng công chúa Diệu Thiên
Ở kiếp chót này phải thi gan với một cuộc thử thách nội tâm dữ dội chỉ vì một nàng công chúa muốn đi tu nhưng phụ vương nhứt quyết không chịu nên nàng bị đày đọa đủ điều đến nổi bị đốt chùa không cho tu, thân còn bị đánh đập đến máu đổ thịt rơi.
Cuối cùng với đức tin dũng mãnh và lòng hiếu thảo vô bờ bến, công chúa đã cảm hóa được song thân khi chứng quả Bồ Tát.
Với lòng Từ Bi sẵn có và hạnh nguyện hoằng hóa độ đởi, sự hiện diện của Ngài xuyên suốt cả không gian lẫn thời gian trên khắp các nẻo đường, trên từng nổi khổ đau của chúng sanh. Ngài đã sống trong lòng thành kính của đủ mọi thành phần trong xã hội.
Trên núi Ngũ Đài có đắp tượng Quan Âm bằng một tướng Thầy Tỳ kheo.
Tại Trung Quốc người ta đắp tượng Ngài với tay xách giỏ cá hoặc bồng con nít hoặc mặc áo trắng.
Bên Nhật, họ rất cung kính Ngài, có phái họ thờ Ngài với cả ngàn cánh tay gọi là Vạn Thủ Quan Âm để chứng tỏ sự thần thông quảng đại của Ngài hiện ra dưới muôn ngàn hình thức.

IV. THỜI TAM KỲ PHỔ ĐỘ cũng là thời kỷ nguyên Đại Đạo cũng không vắng bóng Ngài. Ngài đứng trong hàng Tam Trấn Oai Nghiêm gồm :
- Nhứt Trấn Oai Nghiêm : Đức Lý Đại Tiên Trưởng Thái Bạch Kim Tinh.
- Nhị Trấn Oai Nghiêm : Đức Quan Thế Âm Bồ Tát.
- Tam Trấn Oai Nghiêm : Đức Quan Thánh Đế Quân.
Khi dạy Đạo cho chư tín đồ Đại Đạo Ngài đã nhắc lại và xác nhận rằng :
“Bần Đạo đây trải bao nhiêu kiếp khi thân nam, lúc thân nữ, kiếp giàu, kiếp nghèo, kiếp làm nô lệ, kiếp làm công chúa nhưng mỗi kiếp giữ một tâm hồn giải thoát giác ngộ, không mê muội hồng trần.”
Với 12 đại nguyện Ngài cũng xác nhận :
“Khi Bần Đạo còn sanh tiền tu đắc quả Bồ Tát phát thập nhị nguyện cứu khổ cứu nạn cho chúng sanh, nguyện rằng :
Còn thấy một vật nào còn đau khổ thì Bần Đạo thề quyết không nhập Niết Bàn để hưởng an lạc ích kỷ được”.
Đức Quan Âm dạy người tu hành Đại Đạo phải có lòng vị tha xả kỷ, quên mình vì người như sau :
“Nhờ thiện căn nhiều kiếp có công tu, như hiện nay mỗi cá nhân của chư hiền đệ muội đều là một tế bào trong vũ trụ, là Thánh Thể Đức Chí Tôn, không ai tu ích kỷ mà thành Tiên thành Phật để trở về ngôi vị thiêng liêng hưởng một mình, mặc dù chúng sanh, nhân loại thế gian khổ đau thế mấy cũng không lòng thương xót, thì ngôi Phật Tiên ấy không có giá trị gì cả”.
Ngoài tình thương giữa người và người, Ngài còn dạy chúng ta sống ở đời phải biết đến nguồn gốc của mình và biết tứ ân trọng đại mà báo đáp. Ngài dạy :
“Con người ai cũng biết câu : “ Cây có cội, nước có nguồn, có Trời Phật, tổ tiên, cha mẹ sanh ta ra, có anh em, có đồng bào, có đất nước, thì con người nhớ gốc mới có sự sống căn bản đạo đức được. Nếu ai tu mà không nhớ nguồn, nhớ gốc là tu vô căn, vô cội vậy.
Bởi thế người tu mang nặng tứ ân, trên hết là ân Trời Phật, Thiêng Liêng… khối Đại linh quang chiết ra các Tiểu linh quang phân phối trong hàng tứ sanh đều có hấp thụ Điểm Linh Quang sáng suốt ấy mới có sự sống. Nên nếu ai sống được theo đạo lý thì tiến hóa rất mau. Trái lại, kẻ nào sống ngược lại với Thiên lý là ngược lại với đạo đức tất nhiên bị thoái hóa, sa đọa vậy”.
Sau đây, là Ngài xác nhận kiếp làm công chúa của Ngài như sau :
“Như Bần Đạo đây, tu để đền đáp phần công ơn Thiêng Liêng là nguồn gốc Tiên Thiên mới có Tổ tiên, cha mẹ sanh ta ra phải biết tu để đền đáp.
Như kiếp chót của Bần Đạo gặp nghịch cảnh Phụ Vương chưa giác ngộ, đày đọa Bần Đạo truân chuyên lắm lúc trong sự tu hành, nhưng nhờ quyết chí có chư Thần hộ trợ giúp đỡ công việc nặng nhọc được an toàn.
Đến ngày cuối cùng của Phụ vương thì Bần Đạo đắc pháp mầu nhiệm trở về cứu khổ cứu nạn cho song thân, cho chị em đồng bào trong nước.
Đó có phải chăng người chân tu trước lo nguồn gốc Tiên Thiên, kế tiếp những người kế cận là nguồn gốc Hậu Thiên huynh đệ, đồng bào và giúp phần cho tổ quốc đất nước thanh bình, đem lại cảnh an lạc cho đồng bào sống theo đạo đức mới xứng đáng là bậc chân tu chánh nghĩa vậy”.
Giờ đây, Ngài hiện là Chủ tịch Hội đồng Chư Thánh Mẫu Nữ Vương. Ngài thường khuyên nhủ, chăm sóc, dạy dỗ nữ phái đủ mọi điều để nữ phái thêm sức mạnh, hăng hái tu học cho tiến bộ để đủ sức tá trợ nam phái gánh vác sứ mạng Kỳ Ba này.
Ngài dạy :
Nam phương mở trường thi Đại Đạo,
Thánh ân đề hảo hảo Nam Bang;
Việt dân tỉnh giấc mộng tràng,
Nữ hùng sánh bước lên đàng quang vinh.
Vương đạo vững trị bình mới vững,
Liên hoàn hay thế đứng càng hay;
Trưng Vương xưa cũng ngần này,
Hoa Tiên chi dễ lọt tay phàm trần.

Mẫu Từ trước ban ân độ thế,
Mở khoa trường cốt để đỡ nâng;
Thánh lâm trổ mặt hồng quần,
Đường trần cứu kiếp Thiên ân gội nhuần.
Thông minh sẵn đơn thuần tánh đạo,
Vân trình còn phép báu Ngọc Hư;
Khai cơ chánh pháp quảng từ,
Hương hoa bát ngát Chơn Như làu làu.
Mẫu Nghi thiết Bàn Đào Hội Yến,
Hội Tam Tòa vận chuyển sanh quang;
Thánh Thần Tiên Phật nhộn nhàng,
Đồng vâng Ngọc Sắc cứu an cõi trần.
Sơn hà trước tiền nhân tạo lập,
Thánh ân sau xây đắp bảo tồn;
Lê dân trong cảnh hoàng hôn,
Mẫu Từ hạ chỉ độ hồn vạn sanh.
Vòng cộng nghiệp thực hành tu kỷ,
Nạn ách còn lập chí độ tha;
Cứu nguy thế đạo tình nhà,
Tai tiêu nghiệp mãn Chương Tòa quày chơn.
Âm dương chuyển tuần hườn phục thỉ,
Nam Thiệm còn ác khí bao quanh;
Quan san vững chí tu hành,
Hải hà vô lượng Trời dành ân ban.
Lai đàn chứng lòng vàng nam nữ,
Giáng đêm thu sắc tứ hồng ân;
Như như mặc mặc thông thần,
Cơ mầu tận độ nguyên nhân phục hồi.
Thế đã thế hỡi người sứ mạng,
Rộng sâu tìm đến chỗ huyền vi,
Độ mình thoát khỏi hiểm nguy,
Khai tâm giác ngộ từ bi độ đời.
Quyền pháp sẵn nhờ nơi Thiên mạng,
Đàn so dây rao bản hiệp hòa;
Pháp mầu tu kỷ ái tha,
Trung hưng chánh Đạo ngoại tà diệt vong.
Hỡi nữ phái chung đồng phận liễu,
Thiện căn nhờ học hiểu tiền căn;
Ai ơi hợp sức gầy đoàn,
Duyên lành tỷ muội hóa hoằng lý chơn.

Tóm lại,
Đức Quan Thế Âm với hạnh nguyện đại từ bi, công đức vô bờ, tình thương vô lượng, uy lực vô cùng, thần thông vô tận không khổ nào chẳng vớt, không cõi nước nào chẳng hiện thân. Con đò cứu khổ của Ngài không ngớt tay chèo.
Chúng ta học tấm gương sáng chói muôn đời của Ngài quên mình vì người (vong kỷ vị tha).
“Đã từng vạn ức tử kim thân
Đại nguyện tầm thinh cứu khổ trần
Tưởng niệm ví bằng hành chánh niệm
Vì đời cứu khổ cảnh phong vân”
(Đức Quan Âm)
Chúng đệ tử đồng thành kính cúi lạy Đấng Đại Từ Đại Bi đã từng trải trăm nghìn kiếp nơi cõi Ta Bà, hóa thân khi nghe tiếng kêu cứu của chúng sanh liền giải khổ nạn thật nhiệm mầu.

NAM MÔ VẠN ỨC TỬ KIM THÂN TẦM THINH CỨU KHỔ CỨU NẠN QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT.
Kim Dung

Đạo có gì đâu, đạo ấy Trời,
Trời là Tiên Phật, cũng là người,
Người hay giác ngộ thành Tiên Phật,
Tiên Phật vọng tâm cũng xuống đời.

Đức Quan Âm Bồ Tát, Trúc Lâm Thiền Điện, 20-10 Quý Sửu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây