Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Ý Thu /
. . .Hòa tan Tâm mình trong lòng Vô Cực Từ Tôn Kim Mẫu. Ôi ! Bao vinh quang tuyệt ...
-
Nhóm các nhà nghiên cứu Nhật Bản vừa tìm thấy bức hình của một loài sinh vật huyền thoại trên ...
-
Đề tài: Những chữ Tâm Huờn Cung Đàn,Tý thời 14 rạng Rằm tháng 5 Ất Tỵ (14-6-1965)
-
Những biến động trên thế giới trong những năm gần đây khiến người ta suy nghĩ về nguyên nhân sâu ...
-
Theo Tự Điển Tiếng Việt (1991) của Viện Ngôn Ngữ Hà Nội, Ý thức hệ được định nghĩa như sau: "Ý ...
-
Cận kề di hài con thơ tròn 12 tuổi, thân phụ Ahmad vốn là thợ cơ khí dằn vặt: thù ...
-
"I have a dream that one day on the red hills of Georgia the sons of former slaves and the ...
-
Text Box: NGHIÊN CỨU GIÁO LÝ ĐẠI ĐẠO BẰNG PHƯƠNG PHÁP XẾP LOẠI HỆ THỐNGQua tham khảo các đề tài ...
-
Từ thiên cổ người xưa đã từng ưu tư về kiếp sống ngắn ngủi mà các hung thần lão suy ...
-
Từ thế kỷ I, I I, ba nền tôn giáo Nho, Thích, Lão đã sớm được nhân dân Việt Nam ...
-
Tại Thảo Lư: Thánh Đức Tổ Đình. Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô vi Ngày 15/10 Mậu Tý, ...
-
Ngày mùng 10 tháng 4 năm Kỷ Hợi ( 17-5-1959 ) lúc 13 giờ 30, Đức Hộ Pháp Phạm Công ...
Đức Quan Thế Âm Bồ Tát
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 04/01/2010
Thánh thất an ninh
Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời, 14 tháng Giêng Kỷ Dậu (2/3/69) (Bộ phận Hiệp Thiên Đài Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý)
THIỆN TÀI ĐỒNG TỬ, Tiểu Thánh chào chư Thiên mạng, chào chư liệt vị đàn tiền.Vâng lịnh ĐỨC QUAN ÂM NHƯ LAI Tiểu Thánh đến báo đàn. Chư liệt vị thành tâm nghinh tiếp, Tiểu Thánh chào chung, xin xuất ngoại ứng hầu, thăng.\.
Tiếp điển :
TAM thiên lục bá đạo bàng môn,
TRẤN TĨNH nhân gian thức mộng hồn;
OAI đức nếu người không chín chắn,
NGHIÊM trừng thiên luật khó bôn chôn.
QUAN thân tế chúng hà nhân sự.
ÂM điệu độ đời bậc Thế Tôn;
NHƯ thị ngã văn tùy chánh đạo,
LAI triều chiếu triệu nhập Thiên môn.
TAM TRẤN OAI NGHIÊM QUAN ÂM NHƯ LAI, Bần Đạo chào chư hiền đệ hiền muội.
Đầu năm Kỷ Dậu Bần Đạo đến trần gian để giúp chư hiền đệ muội một vài lý đạo để nhận thức vị trí của mình trong trời đất, ngõ hầu tăng tiến trên bước đường tu học chân chính để khỏi sa vào nẻo mê tín mà bị bàng môn tả đạo lôi kéo vào hố sâu vực thẳm không ngày trở lại cùng CHÍ TÔN TỪ PHỤ. Bần Đạo miễn lễ, đồng an tọa.
Chư hiền đệ hiền muội!
THI :
Cuộc đời lắm nẻo gặp chông gai,
Tà chánh lẫn chen giữa hội nầy;
Vững bước qua cầu thanh ván mỏng,
Để hầu sáng tạo ở ngày mai.
Chư hiền đệ muội! Máy càn khôn vận chuyển, luật tuần hoàn đã đáo đầu, Nguơn Hạ ngày sắp mãn, Tam Kỳ độ chúng sinh. Từ xưa, cứ mỗi độ thế gian loạn lạc, chánh đạo bị lu mờ, người hiền tài bị gièm xiểm đón ngăn, kẻ thiếu đức múa may trong thiên hạ. Đạo Giáo bị xem như mê tín, cường quyền vật chất lại thạnh hành, luân lý suy đồi, nhân tình bị xem rẻ. Thì cũng cơ hội đó :
Đạo Trời đến khai sáng nẻo quang minh,
Đuốc chân lý dọi vào trong đêm tối;
Chuông cảnh tỉnh người trần trong tội lỗi,
Lấy đao binh đạo tặc để làm răn.
Cho người đời thức tỉnh ăn năn,
Vào nẻo đạo để an bình tâm nội.
Đạo khai sáng giữa lúc đời nhiều tội lỗi,
Như trường học đời mở vì con người u tối dốt nát văn chương.
Đoàn cứu trợ đến đâu vì nơi đó bị thảm trạng tai ương.
Đó là điểm chánh tình thương của Tạo Vật.
Chư hiền đệ hiền muội là những thành phần giác ngộ tâm đạo, học hỏi để tu công lập đức, cốt ý là hoàn thiện hóa bản thân trong kiếp đời hiện tại và được giải thoát phần chơn như khi về bên kia thế giới.
Quan niệm và mong muốn thì như vậy, nhưng khi đặt mình trong khuôn khổ hành đạo thì làm không được đúng như lòng mong mỏi. Đời con người lấy lẽ sống làm căn bản, nếu chỉ là sống cho bản thân giả tạm ở cõi vô thường nầy thì không cần phải đề cập đến, mà phải quan niệm luôn cả lẽ sống về tâm linh.
Con người muốn tại hưởng cõi thanh bình phải nhắm vào thực hành các điểm sau đây :
1/- Nội công tu tiến,
2/- Ngoại công đức hạnh,
3/- Quá khứ tâm nên dứt bỏ,
4/- Hiện tại tâm không có,
5/- Vị lai tâm đừng vọng tưởng.
Đó là hạng tu tiến một quãng đường khá dài mới có thể thực hành được trọn vẹn.
Chư hiền đệ hiền muội! Trong giới Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hằng ngày mỗi thời cúng đều có năm câu nguyện. Câu nguyện chót là Ngũ nguyện " Thánh Thất an ninh". Thông thường chư hiền đệ hiểu nghĩa rất hẹp là câu nguyện cho Thánh Thất là chỗ thờ phượng được an ninh. Nếu hiểu như vậy thôi thì Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ không cần phải nêu câu ấy lên để mà làm chi.
Vậy chớ người đời mỗi lần đến lễ Phật dưng hương đăng hoa quả kèm theo đó xin Phật phù hộ đủ điều, có khác chi đâu.
Chư hiền đệ muội phải hiểu như thế nầy : Thánh Thất gồm có Bát Quái, Cửu Trùng và Hiệp Thiên Đài. Thánh Thất cũng là tượng trưng cho hình thể Chí Tôn Đại Từ Phụ, trong đó có cả Thượng Đế đến vạn linh. Một tổ chức rộng lớn như vậy cũng thể hiện cho Càn Khôn Vũ Trụ. Muốn cho Càn Khôn Vũ Trụ được điều hòa nhực nguyệt tinh tú, Thượng Đế phải nắm giữ quyền pháp, cũng như điều hành guồng máy đạo. Một tổ chức từ nhỏ đến lớn cũng phải có quyền pháp. Nếu không quyền pháp điều hành vận chuyển thì các khối tinh cầu trong vòng luân chuyển sẽ đụng nhau, thì vũ trụ nầy mất an ninh. Còn các phần hành của mỗi tổ chức không theo quyền pháp thì tổ chức đó bị loạn.
ĐỨC GIÁO TÔNG THÁI BẠCH, đầu xuân Kỷ Dậu đã đề cập đến hai chữ "Quyền Pháp" khá nhiều rồi. Hôm nay Bần Đạo chỉ phớt qua để chư hiền đệ muội lưu ý mà không nhầm lẫn.
Trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đến ngày nay còn trong vòng phân hóa, vì chỉ có pháp mà không có quyền. Ai cũng nói mình là đúng pháp, không theo một quyền lực của tổ chức khác.Vì quyền pháp chẳng nghiêm minh nên cơ phân hóa, sự rẽ chia đương nhiên là thế.
Giờ đây Bần Đạo trở lại câu nguyện thứ năm.
Thánh Thất cũng tượng trưng cho lớn nhứt là vũ trụ, nhỏ nhứt là bản thân cá thể của con người cho đến từ cá thể côn trùng thảo mộc, bò bay máy cựa nữa. Nếu vũ trụ chẳng an ninh, cơ sanh hóa không thể trưởng thành; guồng máy cai trị nhà nước nếu chẳng an ninh thì xáo trộn từ đầu não chỉ huy đến hạ tầng quần chúng; gia đình nếu chẳng an ninh thì làm sao an cư lạc nghiệp hạnh phúc được; bản thân nếu chẳng an ninh thì đời người như mất hết chín phần mười. Như vậy, an ninh là nhu cầu cần thiết cho tất cả mọi giới, mọi lãnh vực.
Chư hiền đệ muội là người tầm đạo tu thân, cũng hoài vọng an ninh. Nếu thậm đa tửu nhục thì ngũ tạng lục phủ mất an ninh. Nếu thậm đa sắc dục thì bản thân cũng mất an ninh.
Nói rộng ra một chút : Như người sử dụng các loại xe không thi hành đúng luật đi đường, đó là tự mình làm mất an ninh cho mình.
Trên đường đạo hoặc đường đời cũng thế, nào khác chi đâu. Mọi sự kiện xảy đến cho mình, đa số là tự mình gây nên, chỉ thiểu số từ ngoại cảnh đưa đến mà thôi. Cái ngoại cảnh ấy cũng do ảnh hưởng phần nội tâm mà ra, chớ không hoàn toàn là rủi ro từ đâu đưa đến. Nếu thiếu đức, ngoại cảnh mới xâm vào.
Chư hiền đệ muội thử nghĩ : Có bao giờ những người chơn tu đạo đức mà lại gặp những bạn tửu nhục đạo tặc đến rủ ren, hay trái lại, có bao giờ những người đổ bác đạo tặc mà có người bạn văn nhân sĩ khí đến bao giờ. Như vậy là nội tâm mỗi người được thuần chân đúng đắn sẽ có ngoại cảnh an lành tốt đẹp trợ duyên. Nội tâm sẵn dành chỗ phụng thờ Thượng Đế, hoài bão những việc làm của Thượng Đế, thì không còn chỗ nào trống để tà mị lấn chen.
Chư hiền đệ là những người trong cửa đạo, từ lâu không dám bàn đến hai tiếng chánh trị, vì quan niệm rằng chánh trị là có lập phe lập đảng, có tranh bá đồ vương, có giựt giành quyền thế. Tại hiểu như vậy nên không dám nghĩ và bàn đến hai tiếng ấy. Thật nghĩa của nó là cao quý biết bao.
Định nghĩa : Chánh là chánh trực, quang minh, ngay thẳng, đúng đắn, có nhân có nghĩa và háo sinh. Trị là an ninh, bảo tồn trật tự, hòa thuận dưới trên.
Trên thế gian nầy, nhân loại vì còn những quốc gia trong vòng loạn lạc triền miên, danh từ chánh trị bị lạm dụng vì người chấp hành không đúng nghĩa của nó. Bởi đó mà danh từ ấy không được đề cập trong cửa tôn giáo hay Đạo giáo.
Ngày nay cũng như từ bao giờ, những phần tử tốt, tu hành chân chính trong cửa đạo hằng hoàn thiện hóa từ nội tâm đến ngoại thể con người mình cho đúng với hai chữ đạo đức. Đó là phần vụ tu thân. Còn phần lập công bồi đức là việc tế nhân độ thế. Làm những công việc xã hội từ thiện, lấy lý đạo lồng vào việc làm để tỉnh thức kẻ tội lỗi hung ác trở lại đường lương thiện thuần mỹ, giáo dân vi thiện. Độ được một người vào cửa thiện là giảm bớt đi một phần tử xấu của quốc gia. Độ được một người biết làm công việc giáo dân vi thiện là đã bớt đi hàng trăm phần tử xấu của quốc gia. Nếu độ được trăm ngàn muôn triệu người như vậy thì một quốc gia đã giảm đi rất nhiều khám đường và sẽ chuyển cơ sở ấy thành giáo đường. Như vậy không phải đạo đức là siêu chánh trị hay sao ? Nếu mỗi người thương nhau trong tình đạo hữu, trong tình anh chị em cùng một Cha chung Thượng Đế, lo dìu dẫn nhau, bảo trợ nhau , dạy dỗ nhau như người cùng ruột thịt thì xã hội quốc gia đương nhiên an bình, dân tình được lạc nghiệp. Việc làm ấy trong quyền pháp Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đã ấn định rõ ràng từ buổi sơ khai Đại Đạo. Nếu cấp thừa hành đúng đắn nghiêm minh phổ độ chúng sanh càng đông thì quốc gia xã hội sớm thanh bình thạnh trị. Được thạnh trị nhờ chữ chánh. Chánh tâm, chánh trực, chánh tín, từ lớn chí nhỏ, từ quan chí dân , từ kẻ sĩ phu tới hàng cùng đinh mà được chánh thì lo gì không thạnh trị an ninh, quốc gia cường thịnh, xã hội thanh bình. Đó không phải đạo đức là siêu chánh trị hay sao ?
Người làm đạo đức là làm chánh trị trong tình thương giáo dục và bảo tồn.
Nói như vậy để những ai là người tu thân lập đức hành đạo độ đời nên hiểu cương vị của mình mà làm cho đúng mức của nó. Hễ tu thì phải làm cho đúng nghĩa của người tu. Nếu làm sai tôn chỉ mục đích của nó, đó là tự mình làm mất an ninh cho mình cũng như cho tập thể. Dầu có nguyện năm bảy trăm câu cũng chẳng ích gì, lựa là một câu.
Kìa hãy xem Trời Đất đã chia bốn mùa : Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mỗi mùa nào đều mang sắc thái riêng biệt của nó, nhưng cái cứu cánh căn bản là bảo tồn vạn vật.
Trong giới hành đạo tu thân cũng vậy. Dầu mang sắc thái riêng biệt của mỗi tôn giáo, mỗi tổ chức hành đạo có khác nhau, nhưng cái cứu cánh căn bản của nó là tế nhân lợi vật, giáo dân vi thiện để đem lại xã hội thanh bình, quốc gia thạnh trị trong tình thương. Người lãnh đạo xem dân như con đẻ, dân xem người lãnh đạo như cha sinh. Bổn phận, nhiệm vụ và quyền lợi tương thân tương trợ trong đường lối chánh tâm, chánh trực. Đó là đạo làm người ở thế gian.
Đừng hiểu rằng vào đạo là trốn tất cả sự đời, mà phải hiểu vào đạo là có hai phần : một phần về tâm linh, một phần về nhân sinh thế đạo. Nếu đóng cửa độc thiện kỳ thân thì Thượng Đế cũng không mở đạo mà làm gì, như lý đạo đã nêu trên khi khởi đầu đề tài nầy.
Chư hiền đệ muội tại Minh Lý Thánh Hội! Chư hiền đệ muội rất có căn duyên tiền kiếp nên ngày nay mới có những người bạn đạo đồng hành trong nội bộ và cũng gần bên cạnh một kho tàng quí giá về kinh điển đạo lý. Chư hiền đệ muội lãnh đạo nói riêng, chư hiền đệ muội tùng học nói chung hãy tùy phương tiện và khả năng cũng như hoàn cảnh, khai thác kho tàng quí giá đó để phổ truyền gieo rải giống lành ra ngoài đời để chúng sanh hữu căn duyên cùng học hỏi. Đó cũng là phương tiện lập công bồi đức cao thượng.
Biết rằng người nông phu cầm một hột giống tốt, không khi nào gieo giống ấy trên sỏi đá, cát sạn hoặc trên dòng sông nước chảy, nhưng nếu quá thận trọng không gieo giống ấy vào những mảnh đất phì nhiêu mầu mở thì không bao giờ giống ấy nẩy nở ra được và cũng chẳng giúp ích gì cho ai.
Đức háo sanh của THƯỢNG ĐẾ không dành riêng cho loài nào cũng như đẳng cấp nào, sự phổ truyền giáo lý cũng nên theo lẽ đó mà tuần tự tiến hành. Bần Đạo để lời khen chư hiền đệ muội đã chí thành tâm đạo trọn vẹn đức tin.
Chư hiền đệ hiền muội đàn trung! Chư hiền đệ muội đang sống trong giữa thời đao binh chiến họa. Tuy thấy rủi ro âu lo sợ hãi mọi biến chuyển bất ngờ, nhưng đó là cơ hội tốt cho người tu. Nhờ đó mới thấy được lẽ đạo lý công bình của Tạo Vật. Đừng hoảng hốt sợ hãi, mà phải luôn luôn bình tĩnh định tâm tưởng nhớ đến đạo lý và Thượng Đế. Đó là lấy tịnh để trị loạn. Ngược lại, không ích gì. Dầu sợ hãi hoảng hốt cũng không giải quyết được việc gì và cũng không thấy được lẽ nhiệm mầu của đạo lý.
Giữa thời buổi loạn ly, cũng là giữa lúc phân chánh biệt tà, phân thanh lóng trược, cũng là buổi sàng sảy thanh lọc. Bao nhiêu căn duyên nghiệp quả đều phải trả xong mới hưởng được buổi lập đời Thượng Nguơn Thánh Đức. Đừng vì ngoại cảnh để mất phong độ cốt cách của người tu hành. Nếu đạo đức không đem lại sự an bình thạnh trị thì Thượng Đế cũng không mở đạo làm chi.
THI :
Lòng trần rửa sạch để thanh tâm,
Chánh tín mới mong khỏi lạc lầm;
Giữa buổi Hạ Nguơn còn loạn lạc,
Giúp đời hành đạo gặp ân thâm.
THI :
Gieo giống thì mong kết quả ngon,
Chánh tâm hành đạo phải cho tròn;
Mặc đời xảo trá tay buông bắt,
Hành đạo vãng hồi lại nước non.
Ban ơn chư hiền đệ hiền muội được tâm trung mát mẻ, sáng suốt nhận định con đường minh chánh để đi đúng và hành đúng con đường đạo lý. Bần Đạo xin giã từ, thăng.\.
---------------
Đã kiểm duyệt :
Bảo Pháp Chơn Quân
Huỳnh Chơn.