Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Ảnh hưởng của Ấn Độ đối với văn hóa Chăm phát huy mạnh mẽ trong khoảng từ tk.VII đến hết ...
-
Chữ Tâm /
CHỮ TÂM Huờn-Cung-Đàn, Tý thời, 14 rạng Rằm tháng 5 Ất-Tỵ (13-6-1965) Thiện-Tài Đồng-Tử, Tiểu-Thánh chào chư Thiên mạng, chào chư liệt ...
-
Tu học trong nhà Đạo Kỳ Ba, cho dầu khác hội thánh, khác địa phương chúng ta đều được dạy ...
-
Theo Pháp Chánh Truyền của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ do chính Đức Chí Tôn Thượng Đế ban truyền, ...
-
Theo Larousse, "thiền" có nghĩa là "trải qua sự quán tưởng sâu sắc, khảo sát, suy tư sâu sắc." Theo ...
-
Con người hôm nay và con người hôm qua – con người của ngàn xưa – dường như không khác ...
-
Đây là chuyện tôi nghe. Ngày nọ người ta kháo nhau quỷ sứ đang bán hàng đại hạ giá. Mọi ...
-
Vạn Hạnh (Hán tự: 萬行) (938 – 1025) là tên một vị thiền sư người Việt có nhiều đóng góp ...
-
Ta thường thấy câu “Tiên học lễ hậu học văn” được nêu ở các trường học như là một tôn ...
-
Nén hương nguyền lâng lâng tâm đạo, Nhớ người xưa gian khổ theo Thầy hằng chỉ giáo ; Từ rừng già dựng ...
-
Truyền kỳ về Bát Tiên có lẽ bắt đầu từ triều đại nhà Đường, và câu chuyện cũng thay đổi ...
-
Khi nói về đức tin, Ðức Phật đã dạy về 10 cơ sở của đức tin chân chánh: 01. Chớ vội ...
Trích Sử Đạo "Từ Khởi nguyên đến Khai minh"
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 28/04/2007
Tiểu sử Ngài Ngô Minh Chiêu
NGÔ MINH CHIÊU
(NGÔ VĂN CHIÊU)
(1878 - 1932)
Ngài Ngô Văn Chiêu [1] sinh ngày mồng 7 tháng Giêng năm Mậu Dần (08-2-1878) trong một căn nhà nhỏ phía sau chùa Quan Thánh [2] ở Chợ Lớn. Trong giấy Căn cước (Titre d’ Identité) số C.03007 cấp tại Hà Tiên ngày 11-6-1921, ghi nguyên quán (lieu d’origine) Ngài ở xã Điều Hòa, tổng Thuận Trị, tỉnh Mỹ Tho với ngày sanh theo dương lịch là 28-2-1878 (việc khai sanh sau ngày sanh thuở ấy thường gặp).
Ngài là con duy nhất của cụ ông Ngô Văn Xuân và cụ bà Lâm Thị Quý (Lâm Thị Tiền) (1858 - 1919).
Năm lên 6, Ngài Ngô sống với người cô tên Ngô Thị Đây ở Mỹ Tho (có chồng là Hoa Kiều, bán thuốc bắc và cây ván, có nhiều uy tín, mọi người gọi là "Chú Phu") do song thân phải đi làm tận Hà Nội[3].Ngôi nhà ấy nằm trong khu phố người Hoa ở cạnh "Nhà việc" xã Điều Hòa, và nơi đây được Ngài ghi là nguyên quán của mình.
Đến năm 12 tuổi, Ngài Ngô bạo dạn đến nhà ông Đốc Phủ Lê Công Xũng [4] (là người quen của cha), nhờ được bảo lãnh giới thiệu vào học nội trú
collège de Mỹ Tho (nay là Trường Nguyễn Đình Chiểu). Tiếp đến, Ngài lên Sài Gòn học trường Chasseloup Laubat (nay là Lê Quý Đôn). Đến năm 21 tuổi, Ngài đậu bằng Thành Chung. Ngày 23-3-1899, Ngài Ngô được bổ nhiệm làm việc tại sở Tân Đáo (Sở Di Trú) tại Sài Gòn.
Sau khi học thành tài, Ngài lập gia đình với bà Bùi Thị Thân (1879 - 1955), người làng Thạnh Trị, lúc ấy đang buôn bán tại chợ Mỹ Tho.
Ông bà có tất cả chín người con. Người con gái đầu lòng tên Ngô Thị Ngữ mất khi mới sanh 5 ngày tại Mỹ Tho. Người kế tên Ngô Thị Hồng mất năm lên 3 tại Sài Gòn. Các người con tiếp theo là: Ngô Thị Yến Ngọc (1904), Ngô Thị Nguyệt (27-5-1906), Ngô Văn Nhựt (10-9-1908), Ngô Văn Tinh (20-11-1910), Ngô Tường Vân (1-9-1913), Ngô Thanh Phong (15-11-1915) và Ngô Khai Minh (9-9-1920). [5]
Cụ bà Bùi Thị Thân tạ thế ngày 30-12-1955 và được an táng tại một nghĩa trang nhỏ trên đường từ quốc lộ 1 vào lăng Nguyễn Huỳnh Đức (Tân An).
Cuộc đời công chức của Ngài Ngô Văn Chiêu có thể được tóm lược như sau:
- Học việc thơ ký tại sở Tân Đáo từ 23-3-1899 đến ngày 1-1-1903, được chuyển qua Dinh Thượng Thơ (Bureaux du Gouvernement de Cochinchine).
- Ngày 1-5-1909, Ngài về làm việc tại Tòa Hành Chánh tỉnh Tân An. Đến 1-1-1917, Ngài thi đậu Tri Huyện, tiếp tục làm việc tại Tân An. Làm công chức thanh liêm, không dư dả tiền bạc, Ngài mua một căn nhà lá giá 60 đồng (chung quanh là đất mướn), sửa lại thành 3 gian lợp ngói; số 31 đường Lagrange tại Tân An, để gia đình cùng ở (hiện nay đã đổi thành số 27 Phan Đình Phùng). [6]
- Ngày 1-3-1920, Ngài Ngô chuyển công vụ xuống Tòa Hành Chánh tỉnh Hà Tiên. Làm việc tại đây được 8 tháng, ngày 26-10-1920, Ngài được lệnh ra làm chủ quận đảo Phú Quốc, cho đến 29-7-1924. Ngài Ngô Văn Chiêu lên ngạch Tri phủ trong thời gian này (1-1-1924).
- Ngày 30-7-1924, Ngài Ngô chuyển về Sài Gòn, tùng sự tại Phòng Thương Mại (Phòng 2) Dinh Thống Đốc Nam Kỳ.
- Đến năm 1931, lúc 54 tuổi, Ngài xin nghỉ việc về an dưỡng tại Cần Thơ. Ngài thường ở tại nhà ông Lý Trọng Quý (số 39 đường Nguyễn An Ninh - nay là 107 Châu Văn Liêm).
Kể từ khi trọn tin vào Đức Cao Đài - trong giai đoạn còn làm việc ở Hà Tiên (1920) đến khi quy Thiên (1932) - Suốt 12 năm ấy, Ngài Ngô Văn Chiêu thật sự đã sống ly gia cắt ái, tập trung vào việc tu hành, tuy vẫn lo tròn bổn phận với gia đình, hàng tháng trích tiền lương chu cấp cho vợ con. Ông Lê Văn Ngưng (Tư Ngưng) vừa là đồng tử giúp Ngài học Đạo, vừa là người giúp việc thân cận trong suốt quãng đời hành đạo của Ngài Ngô.
Năm Giáp Tý (1924), từ Phú Quốc trở về Sài Gòn, Ngài Ngô trọ tại Bá Huê Lầu, 54 đường Pellerin (nay là Pasteur). Sau đó, nhiều lần thay đổi chỗ trọ. Có lúc ở đường Paul Bert (nay là Trần Quang Khải) vùng Đa Kao, thời gian này Ngài hay đến viếng chùa Ngọc Hoàng gần đấy. Sau, Ngài đổi về ngụ tại đường d’Espagne (nay là Lê Thánh Tôn), ở trên lầu một, tầng trệt là một phòng khám nha khoa, gần chợ Bến Thành. Tại Sài gòn, cuối cùng Ngài ngụ tại lầu hai nhà số 110 đường Bonard (nay là Lê Lợi), tầng trệt là tiệm buôn Thái Sơn Hỏa của người Hải Nam.
Trong thời gian làm việc tại Sài Gòn, thỉnh thoảng Ngài Ngô Văn Chiêu nghỉ phép để đi hành đạo xa, có lần đến Tà Lơn (Campuchia).
Năm Tân Mùi (1931), Ngài nghỉ làm việc đời, lui về Cần Thơ an dưỡng. Qua năm sau, Ngài quy Thiên vào khoảng 3 giờ chiều ngày 13-3-Nhâm Thân (18-4-1932) trong lúc đang trên phà Mỹ Thuận (sông Tiền, Cửu Long) [7] .
Bửu tháp của Đức Ngô hiện còn tại Chiếu Minh Nghĩa Địa (Cần Thơ).
Với Ngài Ngô Minh Chiêu, ngày 13-3-âm lịch để lại nhiều dấu ấn đặc biệt, đó là:
· Ngày thấy Thiên Nhãn lần đầu.
· Ngày từ tạ phẩm vị Giáo Tông.
· Ngày đăng Thiên trên sông Cửu Long.
· Và là ngày liễu đạo của ông Lê Minh Huấn,
đệ tử đầu tiên của Ngài Ngô.
____________
[1] Họ Ngô lấy từ bà nội của Ngài là Ngô Thị Tồn (chồng là ông Giang Văn Tài).
[2] Ngôi chùa này hiện còn. Được xây cất vào 1873, chùa tọa lạc tại số 242 bến Lê Quang Liêm (nay là bến Trần Văn Kiểu).
[3] Cô và dượng của Ngài Ngô sau mất được an táng trong nghĩa trang Hoa Kiều ở gần Chợ Cũ, Cầu Quay (Mỹ Tho).
[4] Ông Lê Công Xũng (1853 - 1920), Đốc Phủ Sứ tại Mỹ Tho (nhiều sách ghi tên "Sủng" là không đúng). Ngôi nhà xưa của ông cạnh rạp hát gần cầu Quay, nay vẫn còn. Theo lời bà Trương Phụng Hảo (nữ nghệ sĩ Phùng Há) - Bà có một thời là vợ của ông Lê Công Phước (George - Bạch Công Tử) - bà cho biết : Ông Đốc Phủ Xũng có một người con gái tên Lê Thị Quyên (Madeleine) với người vợ trước, và một người con gái nuôi tên Marie. Với vợ sau ông có người con trai tên Lê Công Phước.
Một số sử liệu ghi rằng: Sau khi Ngài Ngô học thành tài, ông Đốc Phủ Xũng có ý muốn gả con gái cho Ngài (có lẽ là cô Quyên) nhưng Ngài Ngô "không dám" nhận vì nếp sống chênh lệch. Theo lời khuyên của người cô, Ngài lập gia đình với một cô gái mồ côi, biết tháo vát buôn bán tên Bùi Thị Thân.
[5] Các con số trong dấu ngoặc kế sau tên là ngày sanh.
Khi đã về Sài Gòn, một lần, ngày 12-10-1924, Ngài Ngô viết thơ cho các con ở Tân An: "Ba đem về áo quần của cô Ba Lang may cho ba mấy năm nay đã hư hết, đặng cho bây nhiếp lại ...Ba nghèo lắm, không còn đồng nào hết. Tiền trong kho để dành cho chúng bây. Phải biết tiện tặng ở đời cho khỏi tiếng xấu hổ …". Do ngoài tiền đưa về sinh sống, Ngài Ngô có mở cho mỗi người con một quyển sổ tiết kiệm (mà Ngài gọi là tiền trong kho), hằng tháng gởi một số tiền bằng nhau vào đấy, vì vậy, lương quan Phủ "không còn đồng nào hết".
[6] Mãi sau này, ngày 28-4-1964, hai người con gái của Ngài là Ngô Thị Yến Ngọc và Ngô Thị Nguyệt mới mua lại khu đất trên từ ông Phạm Văn Hy và bà Trần Thị Nho (bằng khoán điền thổ số 355), nhà và đất trồng rau tất cả rộng 1082 m2.
Ngôi nhà đến nay vẫn được gia đình giữ gần như xưa: Vách ván, cột gỗ, mái ngói. Bàn thờ Thầy trên cao, một vuông gác nhỏ để tu tịnh và nhiều vật kỷ niệm khác... Đây là một di tích lịch sử của Đạo cần được trân trọng vì là nơi đầu tiên trên thế gian thừa tiếp hồng danh "Cao Đài Tiên Ông".
[7] Lúc ấy Ngài đang ở Cần Thơ. Dường như biết trước giờ quy liễu, Ngài cho lệnh ông Hội Đồng Võ Văn Thơm lấy xe đưa Ngài về Mỹ Thuận (sông Tiền), theo xe có đồng tử Lê Văn Ngưng, bà Huỳnh Thị Trình (bà Hội Đồng Thơm),bà Trần Thị Hường (bà Tư Huỳnh), và cô năm Ngô Thị Nguyệt. Tại sao Ngài không thoát xác trên phà Cần Thơ (sông Hậu), cũng sông Cửu Long? Bí ẩn này chưa có lời giải rõ. Sông Hậu chảy ra biển chỉ tẽ ba nhánh. Còn sông Tiền từ Vĩnh Long (Mỹ Thuận) bắt đầu tách nhánh để đổ ra biển bằng sáu cửa. Phải chăng việc Ngài Ngô thoát xác trên sông Tiền đã đạt ý (hữu vi lẫn vô vi) câu kinh: "Thời thừa lục long..."