Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Ngươi dám đóng lại khung trời Đại Đạo,? Có biết từ đâu ngươi đã sinh ra? Cái nốt bụi được mặt trời ...
-
Trong kinh nhựt tụng Cao Đài, bài Tiên giáo Chí Tâm Quy Mạng Lễ, xưng tụng Đức Thái Thượng Đạo ...
-
Con Người Đại Đạo phải là một Nguyên nhân; đó là người đạt đến Thượng trí tức cái Chơn tri ...
-
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 10 giờ đêm ngày 29 tháng 8 Quí Hợi (5.10.1983)
-
Người tín đồ Cao Đài có hai quyển Kinh Tổ là "Thánh Ngôn Hiệp Tuyển" của Hội Thánh đầu tiên ...
-
Đức Trần Hưng Đạo dạy tại Thiên Lý Đàn, Tuất thời mùng 10 tháng 04 Ất Tỵ (10.5.1965)
-
Tam Thánh ký hòa ước là ba vị Thánh ghi chép bản Thiên Nhơn Hòa Ước lên tấm bảng đá, ...
-
Đại Từ Phụ vì đức háo sanh đã khai mở Tam Kỳ Phổ Độ để cứu rổi các chơn linh ...
-
Nguyên lý của thiên đạo giải thoát Bài thuyết minh giáo lý nội bộ tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý ...
-
Mới nhắm mắt bóng câu, hành giả đã vượt qua hết một chu kỳ ngắn ngủi, để ngắm lại hay ...
-
Mùa tu Thu phân năm Mậu Tý, chúng ta được hướng dẫn về “Rèn tâm vô niệm”. Ngày 19.9.2008. - Vô niệm ...
-
THANH NIÊN và THIÊN CƠ GIÁO ĐẠO Ngày kỷ niệm Khai Tịch Đạo năm Mậu Tuất 1958, Đức Lý Giáo Tông ...
Lê Anh Minh lược dịch
Khổng Tử và cuộc mưu cầu hạnh phúc nhân sinh
Dù nỗ lực nhưng chúng ta vẫn thấy khó hiểu được Khổng Tử, vì biết bao truyền thuyết về ông đã tích lũy qua nhiều thế kỷ khiến ta rất khó thấy được sự thật. Các thêm thắt tô điểm này phát xuất từ hai động cơ khác biệt. Một mặt, những kẻ trung thành với Khổng Tử bấy lâu vẫn hằng mong xưng tán ông và vì thế đã thực hiện những điều sùng tín, như tạo ra một gia phả đầy thêm thắt, cho rằng tổ tiên xa xôi của ông cũng là hoàng tộc. Mặt khác, những kẻ mà quyền lợi của họ bị nhà tư tưởng cách mạng họ Khổng đe dọa đã tìm cách và đã thành công phần nào vô hiệu hóa những tấn công của ông vào đặc quyền đặc lợi của họ bằng cách xuyên tạc và diễn giải sai lạc những lời nói của ông. Vì thế, công việc an toàn duy nhất của ta là gạt bỏ những truyền thuyết thêm thắt về cuộc đời và tư tưởng của ông, và ta chỉ tin vào những bằng chứng mộc mạc hơn, có thể thu thập từ các văn bản được chứng minh là cổ xưa và khả tín.[1]
Khổng Tử sinh năm 551 tcn tại nước Lỗ, một nước nhỏ tọa lạc tại nơi mà ngày nay được gọi là tỉnh Sơn Đông. Không ai rõ về tổ tiên của ông, nhưng dường như ông bà tổ tiên của ông cũng có người thuộc hàng quý tộc. Tuy nhiên ông tự thuật rằng ông đã trải qua một tuổi thơ nghèo khổ: "Thuở bé ta chịu cảnh nghèo, nên phải làm việc hạ tiện." [2] Ông đã phải bươn chải mưu sinh, không câu nệ những việc hèn hạ. Nhờ thế mà ông có thể học tập được, nhưng có lẽ phần lớn là tự học.
Những kinh nghiệm gian lao của tuổi thơ đã giúp ông nhận chân nỗi thống khổ của dân nghèo và ông bắt đầu suy tư sâu sắc về nó. Ông nhận thấy cái thế giới mà ông đang sống đang phân rã ghê gớm và vì thế rất cần có những đổi thay quyết liệt. Ông thường có dịp tiếp cận với thường dân cũng như giới quý tộc. Ông đánh giá thấp hầu hết giới quý tộc. Đó là những kẻ no cơm rửng mỡ chẳng có gì để làm. So với giới cờ bạc, họ còn tệ hơn nữa, vì ít ra giới cờ bạc cũng có việc để làm.[3] Thực ra giới quý tộc ấy có nhàn rỗi mãi đâu. Họ luôn dụng tâm biến cải cuộc sống của họ đã xa xỉ lại càng xa xỉ hơn, một cuộc sống xa hoa dật lạc có được từ những sưu thuế và mồ hôi lao động của nhân dân. Còn hơn thế, giới quý tộc thường gây chinh chiến. Tại Trung Quốc – có lẽ ở các quốc gia khác cũng thế – giới quý tộc đều xuất thân từ quân phiệt. Thoạt đầu, giới quân phiệt này đã thực thi chức năng hữu ích của họ là bảo vệ xã hội. Nhưng với tư cách là một giai cấp, họ đã đi quá xa giới hạn, và đã cướp bóc nhân dân, thậm chí còn cướp bóc lẫn nhau nữa. Đa số giới họ đều thấy rằng chính cái nghệ thuật chinh chiến ấy mới là nghề nghiệp duy nhất mà sĩ phu phải đặc biệt lưu tâm. Và họ nhạo báng bất cứ ai – kể cả những kẻ chung giai cấp với họ – luôn mơ tưởng một chính quyền hoàn hảo và qui củ.
Khổng Tử không chỉ là người hiếu hòa. Ông chủ trương bất đắc dĩ cũng cần đến vũ lực, nhưng quyền lực ấy phải nằm trong tay những bậc đạo đức để thế giới không biến thành nạn nhân của những kẻ sùng bái bạo lực. Thực ra, ông cho rằng vũ lực là phương sách sau cùng, điều tiên quyết là con người phải phục tùng chánh nghĩa. Ông nói: "Nếu đã tự xét mình có lỗi thì dù đối diện một kẻ thất phu, ta cũng lấy làm run sợ. Nhưng nếu tự xét mình có chính nghĩa thì dù đương đầu muôn vạn người, ta vẫn cứ xông tới." [4] Ở mức độ thực tế hơn, ông cho rằng một quân đội không thể thiện chiến nếu những người lính bình thường chưa hiểu vì sao họ phải chiến đấu cũng như chưa hiểu cái chính nghĩa mà họ chiến đấu cho. Ông cho rằng nếu khiến cho chiến sĩ nhận ra sự vô đạo đức của kẻ thù thì tinh thần chiến đấu của họ sẽ dâng cao.[5] Ông nói: "Chẳng dạy bảo dân mà bắt họ đi đánh giặc, đó là đẩy họ đến chỗ thua chết mà thôi." [6]
Khổng Tử nhận thức rằng những ý niệm như thế hoàn toàn bất đồng với những ý niệm của giới quý tộc. Ông không những nhận ra nó mà còn cố gắng thực thi điều gì đó về nó. Từ thời Khổng Tử trở về trước, thuật ngữ "Quân tử" có ý nghĩa phổ quát giống như ý nghĩa nguyên thủy của từ "gentleman" của người Tây phương, tức là nó ám chỉ một người sinh ra trong gia đình giàu sang mà tổ tiên của họ thuộc giai tầng cao hơn hạng dân đen. Kẻ đó sinh ra đã là quân tử rồi, không cần biết đạo đức của hắn như thế nào. Đến thời của Khổng Tử, ông đã thay đổi hoàn toàn quan niệm này và tạo cho từ Quân tử có ý nghĩa mới mẻ. Theo ông, ai ai cũng có thể trở thành bậc quân tử nếu họ là người có đức hạnh tốt, công bằng, nhân ái, vị tha. Chẳng có ai sinh ra là quân tử ngay lập tức. Đó chỉ là vấn đề của đức hạnh mà thôi.
Khổng Tử khinh miệt những trò xảo ngôn miệng lưỡi. Ông rất ít khi diễn thuyết trước đám đông. Tuy nhiên, ông hẳn là một người diễn giảng rất thuyết phục trước một người hoặc một nhóm ít người nào đó. Ngày nay đọc Luận Ngữ – tác phẩm ghi lại tất cả những gì ông đã nói – chúng ta phải cảm nhận cái hấp lực từ nhân cách của ông. Những ai tiếp cận với ông đều được nghe những ý tưởng canh tân thế giới của ông, dần dần họ trở thành môn đệ của ông. Ngay lúc đầu, vài người trong số môn đệ ấy chỉ nhỏ tuổi hơn ông một chút thôi.
Ông và môn đệ hình thành một trường tư thục đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc có sự giáo dục nâng cao hơn. Ngày xưa trong triều đình vẫn có những chức quan phụ trách việc dạy dỗ con em của giới quý tộc và quan lại. Những người được sắc phong làm quan chức nhỏ sẽ vào triều và học tập cách làm quan nơi các quan chức cao hơn. Lối giảng dạy này dường như chủ yếu là huấn luyện các thao tác để người học có thể thi hành một chức việc nào đấy. Tuy nhiên, Khổng Tử không những huấn luyện các kỹ năng, mà ông còn giáo hóa (educate) họ với ý nghĩa – như một định nghĩa trong từ điển giải thích động từ này – là "phát triển và rèn luyện trí tuệ hoặc đạo đức con người để mở mang, kiên cường và khép vào kỷ luật".[7]
Có một lý do nhất định giải thích tại sao Khổng Tử đã vượt ra khỏi khuôn mẫu cổ truyền trong quan niệm của ông về chức năng của học vấn. Chương trình giáo dục của ông tương đồng với chương trình giáo dục của cung đình ở chỗ đó là cái học để làm quan. Lối giáo dục cung đình đòi hỏi quan lại là công cụ của kẻ thống trị (vua chúa), nghĩa là phục vụ và thực thi những nguyện vọng của vua, đồng thời cai trị dân theo tập quán mà thôi. Trái lại, Khổng Tử kỳ vọng các môn đệ của ông phải nắm giữ vai trò năng động cách mạng bất kỳ chính quyền nào mà họ tham chính, đó là buộc giai cấp thống trị phải đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Muốn được vậy, môn đệ đó phải được chuẩn bị chu đáo cho chức năng tích cực ấy: Họ phải biết chủ động sáng tạo, thông minh, đạo đức và luôn phải tự rèn luyện mãi. Chỉ huấn luyện các kỹ năng thôi thì chưa đủ.
Với Khổng Tử, quan niệm về "bậc quân tử phi nguồn gốc xuất thân" không là lý thuyết suông; ông đã vận dụng nó trong việc giáo hóa môn đệ trở thành bậc quân tử. Bất kỳ ai ai cũng có thể trở thành môn đệ của ông, ngay cả những kẻ nghèo hèn nhất ông cũng không câu nệ. Ông nói: "Dạy người, ta không phân biệt đó là loại người nào, lý lịch thế nào." [8] Về cách thu nhận môn đệ, ông nói: "Kẻ nào đến ta xin nhập môn, dâng lên ta một xâu thịt khô; ta chưa hề chê lễ mọn mà từ chối dạy." [9]
Ông không hề thiên vị học trò, dù rằng học trò của ông có kẻ giàu người nghèo. Ông khen ngợi môn đệ nào, chỉ vì tài năng và đức độ của người đó mà thôi. Chẳng hạn ông khen một đệ tử tên là Trọng Do: "Mặc áo rách áo cũ đứng chung với kẻ mặc áo lông mà không hổ thẹn, ấy là trò Do vậy." [10]
Điều khá thú vị là vị môn đệ cơ hàn đó về sau trở nên quan chức cao cấp. Bởi ông dạy học không chỉ vì để dạy, mà trái lại, ông muốn chính tay môn đệ ông sẽ hành sử và tranh đấu cho tôn chỉ của ông, cho nên ông đòi hỏi rất nhiều về trí tuệ và nỗ lực của họ: "Kẻ nào chẳng gắng sức để hiểu thông, thì ta chẳng giúp cho hiểu thông được. Kẻ nào không cố gắng tỏ bày ý kiến, thì ta chẳng giúp cho phát triển được. Kẻ nào biết một góc mà chẳng chịu tìm hiểu thêm ba góc kia thì ta chẳng dạy cho." [11]
Bởi vì ông dạy thứ dân trở thành quân tử, ngõ hầu họ có thể ra làm quan, nên ông rất chú ý việc truyền dạy nghi lễ cho họ. Nhưng cái nghi lễ ấy đã được sửa đổi khác xa với nghi lễ truyền thống xa xưa. Chữ Lễ nguyên nghĩa là "cúng tế" (sacrifice), nó còn ám chỉ mọi nghi lễ của việc cúng tế nữa. Như vậy nó bao hàm các buổi lễ lạc và nghi lễ, mà các lễ nghi này vốn dĩ là phép giao tiếp của giới vua chúa và quan lại.
Khổng Tử bắt đầu từ chữ Lễ. Nếu kẻ cai trị đã biết trang nghiêm cúng tế tổ tiên của họ thì tại sao họ không chú tâm đến triều chính y như vậy? Nếu quan lại mỗi ngày biết thi lễ và thủ lễ với nhau thì tại sao họ không quan tâm thi lễ và thủ lễ với quần chúng, mà đám dân đen này vốn dĩ là xương sống của quốc gia? Cho nên có lần ông dạy môn đệ là Trọng Cung rằng: "Bước ra khỏi nhà, ta phải thủ lễ dường như sắp gặp khách quý. Khi bảo dân thi hành công vụ, ta phải sốt sắng dường như thừa hành cuộc cúng tế lớn. Những gì mình không muốn người khác làm cho mình, thì mình chớ thi hành cho người. Có như vậy, dân trong nước không ai oán mình mà người thân trong gia đình cũng không oán mình nữa." [12] Đức hạnh như vậy dĩ nhiên tương phản với thói luông tuồng, phóng túng của giới quý tộc.
Lễ chính là những qui tắc được minh định. Trong những kinh điển Nho giáo người ta sẽ tìm được những chỉ dẫn tỉ mỉ để biết cư xử sao cho hợp Lễ. Thậm chí khi cầm một vật gì, người ta còn được dạy là phải đặt ngón tay như thế nào nữa. Thế nhưng chính Khổng Tử lại quan niệm khác hẳn về Lễ. Điều quan trọng của Lễ là ở tinh thần và ở tấm lòng. Ông khinh miệt những hình thức xa hoa lộng lẫy mà thiếu vắng lòng thành: "Lễ cần ở tiết kiệm hơn là xa hoa. Tang lễ cần có lòng đau xót người chết hơn là lòe loẹt phô trương." [13]
Toàn bộ hệ thống tư tưởng và đạo đức của ông được dựng xây trên mối suy tư về bản chất nhân sinh. Một mặt, ông không cho rằng mỗi cá nhân là một hiện thể có tính siêu hình (a kind of metaphysical entity), tức là một xã hội hoàn toàn có trước cá nhân đến nỗi một cá nhân nếu muốn được gọi là tồn tại (exist) thì phải bị cuốn hút hoàn toàn trong xã hội đó. Trái lại, theo ông, con người là những sinh vật xã hội thiết yếu (essentially social beings). Con người phải là con người gắn liền với xã hội. Mặt khác, vì xã hội chẳng qua là sự tương tác giao tiếp giữa con người, nên xã hội phải là cái xã hội do con người hình thành. Vì vậy, theo Khổng Tử, lương tâm của cá nhân ngăn cấm anh ta rút lui khỏi xã hội hay đầu hàng sự phán xét đạo đức của anh ta về nó. Và cũng sai lầm nữa, nếu hắn trở thành một ẩn sĩ hoặc một kẻ xu phụ đám đông.
Lễ là quan niệm cực kỳ quan trọng trong hệ thống giáo dục của Khổng Tử. Các bác sĩ điều trị về tâm bệnh (psychiatrist) ngày nay của Tây phương cho rằng nền giáo dục Tây phương chú trọng rèn luyện trí tuệ (Trí dục) cho học sinh ở mức độ cao nhưng lại bỏ qua việc huấn luyện và uốn nắn tình cảm của học sinh (Đức dục). Vì thế, đôi khi khó mà tạo ra được một cá nhân khéo thích ứng xã hội với tư cách là một phần tử hữu dụng và hạnh phúc trong xã hội. Trái lại, đường lối giáo dục của Khổng Tử không chú trọng trí dục bằng việc huấn luyện cho môn đệ đạt được sự quân bình về tình cảm, mà sự quân bình này là kết quả của việc học Lễ. Sự học của bậc quân tử phải khép mình vào Lễ, nhờ nương vào Lễ mà không bị cám dỗ làm điều bội nghịch: "Bậc quân tử học rộng văn chương và khép mình vào Lễ, như vậy sẽ không phạm điều trái đạo lý." [14]
Một quan niệm cực kỳ quan trọng triết lý của ông là Đạo. Đạo nguyên nghĩa là "con đường". Trước thời kỳ của Khổng Tử từ ngữ "Đạo" thường được dùng với nghĩa là "con đường" hoặc "phẩm hạnh", như vậy có thể là tốt hoặc xấu. Sau thời đại của Khổng Tử, từ ngữ "Đạo" được dùng như là một quan niệm huyền học (a mystical concept) về nguyên lý vũ trụ hoặc vạn hữu. Quan niệm này được phái Đạo gia (Taoists) sử dụng triệt để (ngay danh xưng của họ cũng nói lên điều này rồi.)
Trong Luận Ngữ, ta thấy Khổng Tử đề cập nhiều lần về Đạo, nhưng với lối giải thích hơi khác. Theo nhận xét của tôi, chúng ta cần thấy rằng: đối với Khổng Tử, Đạo không phải là cái gì huyền bí. Đó là con Đường (với chữ Đ viết hoa) tối thượng, trên hết mọi con đường mà con người cần tuân theo. Cứu cánh của nó là sự hạnh phúc cho nhân loại, cái hạnh phúc đích thực của con người ngay khi họ còn sống tại thế gian. Nếu Lễ được hiểu là những qui định đạo đức và nghi lễ, thì Đạo bao gồm cả những qui tắc về đạo đức của từng cá nhân và khuôn mẫu chính trị, mà những khuôn mẫu này sẽ tạo được phúc lợi (well-being) cũng như sự tự hiện thực hoá bản thân (self-realization) cho từng cá nhân đó.
Nếu bảo rằng Đạo không có tính cách huyền bí, thì điều này không có nghĩa là không được nhiệt thành xem trọng. Khổng Tử nói "Sáng mà nghe Đạo, chiều chết cũng cam." [15] Ông nghe được Đạo và không hối tiếc sẽ chết, không có nghĩa là ông ta sẽ lên thiên đàng sau khi biết Đạo. Bởi vì Khổng Tử từ khước luận bàn về sinh tử, ông không nói về cuộc sống sau khi chết sẽ ra sao.
Dường như Khổng Tử coi trọng chất (the qualitative) hơn là lượng (the quantitative). Đời người không phải tính bằng những năm tháng mà họ đã hiện hữu trên thế gian này, mà bằng cái phẩm chất được thể hiện mà thôi. Một khi con người biết Đạo rồi, tức là anh ta biết cái ngôi vị cao nhất của kiếp người. Và hễ giác ngộ – biết Đạo và nhập Đạo – rồi, đó là quá đủ, nếu có chết cũng cam lòng.
Nhưng Đạo (theo Khổng Tử) khác hẳn Đạo có tính huyền bí theo quan niệm của Đạo giáo về sau. Ông nói: "Chỉ con người mới có thể phát huy cho Đạo được lớn mạnh sáng rỡ; chứ ngược lại thì không." [16] Mười ba thế kỷ sau khi Khổng Tử mất, vị đại nho Hàn Dũ (đời Đường) đã phân biệt rất kỹ sự khác biệt giữa Đạo của Khổng Tử và Đạo theo quan điểm Đạo giáo về sau. Trong bài "Nguyên Đạo (bàn về nguồn gốc của Đạo), Hàn Dũ viết: "Bác Ái (yêu khắp mọi người) gọi là Nhân thi hành ra cho đúng thì gọi là Nghĩa. Do theo đó mà làm thì gọi là Đạo. Lòng mình đầy đủ không trông đợi bên ngoài thì gọi là Đức. [...] Điều mà Lão Tử gọi là Đạo khác với cái Đạo Khổng Tử nói, điều mà ông gọi là Đức thì khác với cái Đức [mà nhà nho] chúng ta gọi. [...] Đạo Đức theo Lão Tử là vứt bỏ Nhân Nghĩa vậy." [17] Theo Hàn Dũ, cái Đạo lý tưởng ấy đã truyền thừa từ Nghiêu, Thuấn mãi đến Chu Công và rồi đến Khổng Tử, Mạnh Tử. Cái Đạo ấy không phải là cái Đạo bất biến và cố định, mà là cái Đạo uyển chuyển thay đổi theo cá nhân và hoàn cảnh.
Khổng Tử xem Đạo là uyển chuyển như vậy nên ông không buộc môn đệ phải trung thành mù quáng với vua chúa. Một vị đại thần là phụng sự vua, nhưng việc phụng sự này xuất phát từ Đạo, chứ không phải vì bản thân nhà vua. Nếu vị đại thần không thể khuyên bảo vua theo Đạo lý, thì vị ấy nên từ quan: "Người được gọi là đại thần thì lấy Đạo mà phụng sự vua. Nếu không được như vậy, thì hãy rút lui từ quan." [18] Theo Khổng Tử, lòng Trung quân (trung thành với vua) không thể hiểu một cách thiển cận và máy móc. Khi môn đệ là Tử Cống nói với ông rằng: Quản Trọng không đáng gọi là nhân bởi vì khi công tử Củ bị Hoàn Công giết mà Quản Trọng là bầy tôi của công tử Củ lại không chết theo, ấy vậy lại còn làm Tể Tướng theo giúp Tề Hoàn Công nữa. Khổng Tử trả lời: "Quản Trọng theo giúp Tề Hoàn Công nên nghiệp bá, nhờ vậy mà thiên hạ từ loạn đổi sang trị. Nếu không có Quản Trọng thì chúng ta phải gióc tóc và vắt vạt áo bên trái như giới man di. Lẽ nào vì tấm lòng trung quân nhỏ hẹp tầm thường mà đi treo cổ bên lạch suối sao?" [19]
Khổng Tử đòi hỏi nhiều về sự nhiệt thành nơi môn đệ, sự xả thân vì Đạo: "Thấy món lợi bèn nhớ điều nghĩa (mà chẳng dám phạm). Thấy thế nguy bèn hy sinh không tiếc mạng. Bình sanh khi giao ước điều gì thì dẫu bao lâu cũng không quên." [20] Hoặc: "Trong khi cúng tổ tiên, giữ lòng thành kính; trong cơn tang chế, xét tưởng sự đau thương." [21] Hằng bao thế kỷ qua trong giới nho sĩ có biết bao người diệt trừ bạo chúa. Và cũng có không ít người bỏ mạng vì dám can gián vua dối gạt vua. Nếu vua sai trái, phải can gián, không sợ mích lòng.
Như trường hợp Hàn Dũ, vì can gián vua Đường khi thấy vua quá sùng thượng đạo Phật (đến nỗi xem mớ xương cốt thượng tọa là xá lợi) mà ông bị trừng phạt. Tuy ông không bị giết vì tội khi quân (ông dám gọi đó là mớ xương khô thúi) nhờ các quan can thiệp, nhưng ông phải chịu cảnh lưu đày chốn duyên hải hoang vu phía nam. Nơi chốn lưu đày, ông đã tận tụy phát triển và cải thiện đời sống lầm than của nhân dân, ông vẫn yên tâm rằng mình chiến đấu đúng đắn, vì làm như vậy là hợp với lẽ Đạo cũng như bao nhiêu nho sĩ đã từng làm qua bao thời gian và không gian.
Khổng Tử không đề cập đến những vấn đề siêu hình, đến nỗi môn đệ thở than: "Văn chương của Thầy thì ta nghe đã nhiều. Còn bản tánh con người và Đạo Trời thì chẳng nghe thầy dạy." [22] Môn đệ hỏi về quỉ thần và sự chết, Khổng Tử đáp: "Đạo thờ người còn chưa biết, sao biết được đạo thờ quỉ thần. Sự sống còn chưa biết, sao biết được sự chết?" [23]
Khổng Tử tránh né những câu hỏi đại loại như trên là vì không muốn môn đệ bận tâm về vấn đề siêu hình hóc búa. Thật ra, ông đề cập về Trời rất nhiều lần. Ông tự nhận có sứ mạng nắm giữ cái Tư Văn 斯文 (nền văn chương ấy) mà Trời đã từng trao cho Văn Vương: "Nếu Trời muốn để mất nền văn chương ấy, thì sau khi Văn Vương mất, ngài đâu giao phó cho ta. Bởi Trời chưa để mất nền văn chương ấy, nên người đất Khuông sao hại được ta?" [24] Ông than rằng: "Đời chẳng ai biết ta! Biết chăng, chỉ có Trời mà thôi!" [25]
Trời là chi, theo Khổng Tử? Ông cho rằng Trời không phải là một hữu thể mang hình dáng giống như con người chúng ta. Qua cách diễn đạt của Khổng Tử nói về Trời, ta nhận thấy từ ngữ này biểu đạt một năng lực đạo đức (moral force) trong vũ trụ mà sức mạnh này được quan niệm khá mơ hồ. Khổng Tử nhấn mạnh đến sự nỗ lực của từng cá nhân, sau đó mới biết mệnh Trời là gì.[26] Tuy nhiên đáng chán thay, sự nỗ lực của người thiện dường như chẳng có kết quả là bao, bởi vì những kẻ ác vẫn còn phong lưu phè phỡn. Nhưng cái đức tin vào Trời khiến ông vững lòng rằng dù thế nào và bất cứ đâu, vẫn có một uy lực thiêng liêng trợ giúp những kẻ cô độc đấu tranh cho lẽ phải.
Khổng Tử kết án tôn giáo, cái tôn giáo truyền thống thuở ấy. Theo ông, cái mà người ta gọi là tôn giáo chẳng qua là cuộc đổi chác núp bóng sự hiến tế. Người ta cúng quá nhiều lễ vật cho tổ tiên và quỉ thần chẳng qua là trông cậy vào sự độ trì của người khuất mặt. Khổng Tử có tin tưởng rằng người đã chết có thể độ trì người sống không? Chúng ta không rõ điều ấy, dường như ông không tin như vậy.
Chúng ra cần lưu tâm rằng, giới thống trị đều có hàm ý tôn giáo vào chức năng lèo lái quốc gia của họ. Vua thì được gọi là Thiên Tử (con Trời). Giới quí tộc thì cho rằng nhờ phúc ấm tổ tiên mà họ có địa vị ăn trên ngồi trốc trong xã hội. Tổ tiên cao quý của họ ở trên trời đầy quyền lực và độ trì cho con cháu. Quan niệm này đã bảo vệ cái đặc quyền đặc lợi cố hữu của giới quý tộc. Khổng Tử không tấn công quan niệm lâu đời này, ông không phê phán gì nó, mà chỉ khẳng định rằng yếu tố quyết định ngôi vua chính là tài đức và sự giáo dục chứ không phải là thành phần xuất thân. Ông từng khen một môn đệ có đủ tài đức để làm vua, dù rằng người này không thuộc giòng dõi hoàng tộc: "Trò Ung (tức Trọng Cung) có thể ngồi quay về hướng Nam (tức có thể làm vua được)." [27]
Khổng Tử phê phán tôn giáo, nhưng ông không đưa quan niệm này vào học thuyết của ông. Thái độ của ông dường như tương đồng với thái độ của các nhà khoa học hiện đại. Có lẽ chẳng nhà khoa học nào cam đoan rằng người ta có thể chứng minh sự hiện hữu của Thượng Đế bằng những kỹ thuật khoa học. Ngay những nhà Thần học cũng thừa nhận như thế. Ngược lại, người ta cũng không thể dùng phương pháp và kỹ thuật khoa học để chứng minh rằng không có Thượng Đế. Đối với tuyệt đối thể ấy, khoa học gia chỉ có thể quan sát rồi quan sát, sau đó lập định những nguyên tắc thể hiện xác suất ưu trội hơn, Khổng Tử cũng làm tương tự đối với chân lý tối thượng (tức Thượng Đế) ấy, nghĩa là ông không tuyên bố cái chân lý tối thượng ấy hiện hữu, mà ông chỉ dò dẫm đến chân lý bằng phương pháp quan sát và phân tích. Ông nói: "Nên nghe cho nhiều. Điều gì chưa rõ thì hãy tồn nghi, chớ có nói ra. Còn điều gì mình đã biết thì hãy nói dè dặt." [28] Ông chẳng nói gì về sự "hoát nhiên đại ngộ" (sự giác ngộ chớp nhoáng) như một sự thấu đạt chân lý. Trái lại, sự tư lự truy cầu chân lý cũng là vô ích: "Trước đây ta mảng lo trầm tư mặc tưởng, ngày quên ăn đêm quên ngủ. Xét ra việc ấy là vô ích, chẳng bằng chăm học còn hơn." [29]
Thế đã rõ, mặc dù người đời tôn ông là thánh nhân, là "Khuôn mẫu cho vạn đời sau bắt chước" (Vạn thế sư biểu 萬世師表), nhưng ông tỏ ra thiếu quả quyết về khả năng toàn trí (omniscience) và toàn chân (infallibility) của chính ông với bản thể tuyệt đối của vũ trụ. Ông chỉ nỗ lực thiết lập một cơ cấu ý tưởng khá vững chắc để làm cơ sở xây dựng hạnh phúc và đem lại tự do cho nhân loại. Cái cơ sở ấy không phải là những giáo điều thần bí, cũng không phải là niềm hy vọng có tính tôn giáo, mà đó là nền tảng xây dựng con người và xã hội.
Vậy bản tính con người và bản tính xã hội là gì? Ông không trả lời vội câu hỏi này. Ông không cho rằng "nhân sinh bản tính thiện" (như Mạnh Tử sau này đã nói) và cũng không bảo rằng "nhân sinh bản tính ác" (như Tuân Tử sau này đã nói). Ông quan sát cụ thể hơn, nhận xét quan trọng nhất chính là: mọi người đều bình đẳng như nhau, còn thiện hay ác thì không khẳng định được. Bởi lẽ ông thường thấy có khi những kẻ con dòng cháu dõi, những kẻ tự nhận là cao sang, lại cư xử như loài cầm thú, trong khi những kẻ trong nghịch cảnh lại có tư cách hết sức đáng tôn trọng.
Dù con người có khác nhau thế nào, nhưng nguyện vọng chung của họ vẫn là đạt được hạnh phúc. Quần chúng đói khát, thống khổ vì chinh chiến, vì bị bức hại dưới tay giới quý tộc. Cho nên cứu cánh đã rõ: Phải mưu cầu hạnh phúc cho nhân sinh. Khổng Tử vì thế mà quan niệm về một chế độ tốt đẹp như sau: "Người cầm quyền phải vì hạnh phúc của dân khiến kẻ trong nước vui dạ, còn những kẻ phương xa phấn khởi mà đến ở." [30]
Bởi vì hạnh phúc là điều tốt đẹp của con người, mà con người vốn dĩ là sinh vật xã hội, cho nên có một nguyên tắc hỗ tương giữa con người với nhau trong xã hội. Nếu mỗi người đều sống vì hạnh phúc của mọi người thì xã hội là một cõi hạnh phúc vậy. Cái nguyên tắc hỗ tương này, ông nói như sau: "Điều gì mình không muốn người ta làm cho mình, thì mình chớ làm cho người." [31] Ông nói rõ thêm: "Người có lòng nhân hễ muốn tự lập thì cũng lo thành lập cho người, hễ muốn thông đạt thì cũng lo làm cho người thông đạt, hễ xử với mình thế nào thì cũng xử với người xung quanh thế ấy." [32]
Tuy nhiên, Khổng Tử không quá ngây thơ khi nghĩ rằng chỉ có mấy điều đó sẽ giải quyết được vấn đề hạnh phúc nhân sinh. Tất cả mọi người đều mơ ước có hạnh phúc. Hầu hết chúng ta ai cũng mong muốn những kẻ xung quanh ta cũng được hạnh phúc nữa. Ấy vậy mà thực tế chúng ta lại cư xử thiếu thân ái, chúng ta khư khư bảo vệ hạnh phúc riêng tư dù rằng điều đó có thể phương hại đến hạnh phúc người khác. Muốn chỉnh lý điều này, cần phải giác ngộ quần chúng, và xã hội hóa họ. Vì vậy mà Khổng Tử chủ trương phải giáo dục quần chúng. Giáo dục quần chúng để họ trở thành những công dân có ý thức chính là nền tảng thiết yếu của quốc gia. Nếu không giáo dục họ mà chỉ dùng hình phạt răn đe cưỡng bức, thì đó là hạ sách: "Nếu nhà cầm quyền chuyên dùng pháp chế và hình phạt để trị dân thì dân sợ mà không phạm pháp đó thôi, chứ thật lòng họ không biết xấu hổ (do ý thức đạo đức). Vậy để trị dân, nhà cầm quyền phải dùng đức hạnh và lễ tiết. Như vậy, dân không những biết hổ thẹn (không dám phạm pháp) mà còn được cảm hóa bởi đức độ của nhà cầm quyền, và rồi dân sẽ trở nên tốt lành." [33]
Nếu người ta đeo đuổi lý tưởng này, hóa ra chính quyền sẽ vô ích chăng? Khổng Tử không cực đoan như vậy. Ông nhận thấy rằng cần phải có chính quyền tốt. Nhưng tại sao chính quyền tồi tệ? Bởi lẽ theo Khổng Tử, những kẻ thống trị chẳng qua là do cha truyền con nối, nào phải làm vua là do học vấn và tài đức đâu.
Từ những lời nói rải rác của Khổng Tử về chính trị, triết lý về chính trị của ông có thể tóm tắt như sau: Chính quyền phải chăm lo phúc lợi cho nhân dân. Muốn vậy, người cai trị phải là người tài đức trong nước và được tuyển chọn đơn thuần căn cứ vào đạo đức và trí tuệ của họ thôi, chứ không phải căn cứ vào thành phần xuất thân, gia sản, hay địa vị xã hội. Như vậy cần phải có một nền giáo dục thích hợp. Giáo dục phải phổ cập mọi tầng lớp nhân dân, để cho những nhân tài có thể tham gia việc nước.
Ông không đòi hỏi nhà vua (do cha truyền con nối) phải phế ngôi. Ông chỉ cố thuyết phục vua nên ngự trị hơn là cai trị, và hãy giao quyền hành thực thụ cho các quan lại: "Một lời nói dua nịnh của họ có thể làm mất nước, một lời nói đầy đạo lý của họ có thể làm hưng thịnh đất nước." [34] Cái trọng trách đó chính là khi vua vô đạo, càn quấy, quan phải có lời can gián. Nếu vì sợ chết hay vì tư lợi mà a dua theo thói càn quấy của vua, đó là hiểm họa mất nước vậy.
Học thuyết của Khổng Tử đã thất bại, bởi lẽ xưa nay vua chúa thường chỉ định quần thần. Cho nên phương pháp tuyển cử do Khổng Tử đề xướng khó mà thực hiện được. Tại Trung Quốc ngày xưa, bầu cử và tuyển chọn là điều kỳ quặc không nghe ai nói bao giờ; hơn nữa, người dân thuở ấy thất học và không có ý thức chính trị. Tất cả những gì Khổng Tử làm được là tác động vào thanh niên, giáo dục họ để mai sau có thể tham chính. Nhờ đó họ có thể tạo áp lực công luận để đặt nhân tài đất nước vào những địa vị lãnh đạo đúng chỗ.
Ở tuổi khoảng 50, Khổng Tử còn phải bôn ba từ nước này sang nước khác, của phía Bắc Trung Quốc để tìm minh vương biết áp dụng học thuyết của ông. Tiếc thay các vua chúa chỉ biết trọng bá đạo hơn là vương đạo. Ông bèn quay về cố hương (nước Lỗ) để dạy học và mất năm 479 tcn, hưởng thọ 73 tuổi. ●
LÊ ANH MINH lược dịch
Nguồn: "Confucius and the Struggle for Human Happiness", in trong: H.G. Creel, Chinese Thought from Confucius to Mao Tsê-Tung (Tư Tưởng Trung Quốc từ Khổng Tử đến Mao Trạch Đông), A Mentor Book, New York, 1964, p. 29-44.
Những trích dẫn (dịch Anh ngữ) của H.G.Creel về lời nói của Khổng Tử được người dịch phụ đính nguyên văn chữ Hán theo: Tứ Thư (Four Books) của James Legge (HongKong, 1962) và Tứ Thư Tường Giải 四書詳解 của Chiêm Bình 詹平, nxb Chánh Ngôn (Đài Loan, 1964). Bài dịch này (không có chữ Hán) đã đăng trong Văn Hoá & Đời Sống, nxb Tp HCM, tháng 8-1991.
CHÚ THÍCH
[1] Xem: H.G. Creel, Confucius: the Man and the Myth (Khổng Tử: con người và huyền thoại), tr. 7-11, 291-94.
[2] Ngô thiếu dã tiện, cố đa năng bỉ sự. 吾少也賤, 故多能鄙事 (Luận Ngữ, 9:6)
[3] Bão thực chung nhật, vô sở dụng tâm, nan hĩ tai! Bất hữu bác dịch giả hồ? vi chi, do hiền hồ dĩ. 飽食終日, 無所用心,難矣哉! 不有博弈者乎? 為之,猶賢乎已 (Luận Ngữ, 17:22)
[4] Tự phản nhi bất súc, tuy hạt khoan bác, ngô bất sủy yên? Tự phản nhi súc, tuy thiên vạn nhân, ngô vãng hĩ. 自反而不縮, 雖褐寬博, 吾不惴焉? 自反而縮雖千萬人, 吾往矣 (Mạnh Tử, Công Tôn Sửu, thượng, 2). Đây không phải là lời nói trực tiếp của Khổng, mà là lời Tăng Tử 曾子 trích dẫn về Khổng khi nói chuyện với học trò của Tăng là Tử Tương 子襄.
[5] Creel viết gọn: "Morale is dependent on moral conviction." (Nhiệt huyết chiến đấu tùy thuộc vào sự kết án đạo đức.)
[6] Dĩ bất giáo dân chiến, thị vị khí chi. 以不教民戰, 是謂棄之 (Luận Ngữ, 13:30)
[7] To develop and cultivate mentally or morally, to expand, strengthen, and discipline.
[8] Hữu giáo vô loại. 有教無類 (Luận Ngữ, 15:38)
[9] Tự hành thúc tu dĩ thượng, ngô vị thường vô hối yên. 自行束脩以上, 吾未嘗無誨焉 (Luận Ngữ, 7:7). Creel dịch: "I have never refused to teach anyone, even though he came to me on foot, with nothing more to offer as tuition than a package of dried meat." (Ta chưa hề từ chối dạy bất cứ ai, thậm chí khi họ đi bộ đến ta và học phí không có gì khác hơn là một gói thịt khô.) Thúc tu: 1xâu gồm 10 miếng thịt khô.
[10] Ý tệ uẩn bào dữ ý hồ lạc giả lập, nhi bất sỉ giả, kỳ Do dã dư. 衣敝縕袍與衣狐貉者立, 而不恥者, 其由也與 (Luận Ngữ 9:26)
[11] Bất phẫn, bất khải. Bất phỉ, bất phát. Cử nhất ngung bất dĩ tam ngung phản, tắc bất phục dã. 不憤不啟. 不悱不發. 舉一隅不以三隅反, 則不復也(Luận Ngữ, 7:8)
[12] Xuất môn như kiến đại tân. Sử dân như thừa đại tế. Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân. Tại bang vô oán, tại gia vô oán. 出門如見大賓. 使民如承大祭. 己所不欲勿施於人. 在邦無怨, 在家無怨 (Luận Ngữ, 12:2)
[13] Lễ, dữ kỳ xa dã, ninh kiệm. Tang, dữ kỳ dị dã, ninh thích. 禮, 與其奢也, 寧儉. 喪, 與其易也, 寧戚 (Luận Ngữ, 3:4)
[14] Quân tử bác học ư văn, ước chi dĩ Lễ, diệc khả dĩ phất bạn hĩ phù. 君子博學於文, 約之以禮, 亦可以弗畔矣夫 (Luận Ngữ, 6:25)
[15] Triêu văn Đạo, tịch tử khả hĩ. 朝聞道, 夕死可矣 (Luận Ngữ, 4:8)
[16] Nhân năng hoằng Đạo, phi Đạo hoằng nhân 人能弘道, 非道弘人 (Luận Ngữ, 15:29). Creel dịch câu này là: "Men can enlarge the Way, but the Way does not [by itself] enlarge the man." James Legge dịch: "A man can enlarge the principles which he follows; those principles do not enlarge the man." James R. Ware dịch: "Man can make System great; it isn’t System which makes man great." Tu Wei-ming (Đỗ Duy Minh) dịch: "It is man that can make the Way great and not the Way that can make man great." Các bản Hán văn chú hoằng 弘 là phát huy quang đại 發揮光大, là khuếch đại 廓大, là sử chi quảng đại 使之廣大. Chữ hoằng xuất hiện 4 lần trong Luận Ngữ. Ngoài 2 lần trong câu trích trên, còn 2 lần nữa là (8:7) và (19:2), mà ở 2 lần này ý nghĩa là cương cường 剛強, kiên cường 堅強. Theo nhận xét của Dương Bá Tuấn, các lời dịch xưa nay đều nằm ở mặt chữ. Người ta vẫn chưa hiểu rõ chân ý của Khổng Tử là gì trong lời phát biểu "Phi Đạo hoằng nhân".
[17] Trích : Chu Văn Công hiệu Hàn Xương Lê tiên sinh tập 朱文公校韓昌黎先生集, 11.1a-3b.
[18] Sở vị đại thần giả, dĩ Đạo sự quân, bất khả tắc chỉ. 所謂大臣者, 以道事君, 不可則止 (Luận Ngữ, 11:24)
[19] Tử Cống viết: "Quản Trọng phi nhân giả dư? Hoàn Công sát Công tử Củ, bất năng tử, hựu tướng chi." Tử viết: "Quản Trọng tướng Hoàn Công, bá chư hầu, nhất khuông thiên hạ, dân đáo vu kim thụ kỳ tứ. Vi Quản Trọng, ngô kỳ bị phát tả nhậm hĩ. Khởi nhược thất phu thất phụ chi vi lượng dã, tự kinh ư câu độc nhi mạc chi tri dã?" 子貢曰: "管仲非仁者與? 桓公殺公子糾, 不能死, 又相之."子曰: "管仲相桓公, 霸諸侯一匡天下民到于今受其賜. 微管仲吾其被髮左衽矣 豈若匹夫匹婦之為諒也, 自經於溝瀆而莫之知也." (Luận Ngữ, 14:17)
[20] Kiến lợi tư nghĩa, kiến nguy thụ mệnh, cửu yếu bất vong bình sinh chi ngôn, diệc khả dĩ vi thành nhân hĩ. 見利思義, 見危授命, 久要不忘平生之言, 亦可以為成人矣 (Luận Ngữ, 14:12)
[21] Tế tư kính, tang tư ai, kỳ khả dĩ hĩ. 祭思敬, 喪思哀, 其可已矣 (Luận Ngữ, 19:1)
[22] Phu Tử chi văn chương, khả đắc văn dã. Phu Tử chi ngôn Tính dữ Thiên Đạo bất khả đắc nhi văn dã. 夫子之文章, 可得聞也. 夫子之言性與天道不可得而聞也 (Luận Ngữ, 5:12)
[23] Vị năng sự nhân, yên năng sự quỉ. Vị tri sinh, yên tri tử? 未能事人, 焉能事鬼? 未知生, 焉知死 (Luận Ngữ, 11:11)
[24] Thiên chi tương táng tư văn dã, hậu tử giả bất đắc dự ư tư văn dã. Thiên chi vị táng tư văn dã, Khuông nhân kỳ như dư hà. 天之將喪斯文也, 後死者不得與於斯文也. 天之未喪斯文也, 匡人其如予何 (Luận Ngữ, 9:5)
[25] Mạc ngã tri giải phù. [...] Tri ngã giả, kỳ Thiên hồ. 莫我知也夫 […] 知我者, 其天乎 (Luận Ngữ, 14:35)
[26] Tận nhân lực, tri thiên mệnh. 盡人力, 知天命 (Heaven would help those who help themselves.)
[27] Ung dã khả sử nam diện. 雍也可使南面 (Luận Ngữ, 6:1)
[28] Đa văn khuyết nghi, thận ngôn kỳ dư. 多聞劂疑, 慎言其餘 (Luận Ngữ, 2:18)
[29] Ngô thường chung nhật bất thực, chung dạ bất tẩm dĩ tư. Vô ích. Bất như học dã. 吾嘗終日不食, 終夜不寢, 以思. 無益. 不如學也 (Luận Ngữ, 15:30)
[30] Cận giả duyệt, viễn giả lai. 近者悅, 遠者來 (Luận Ngữ, 13:16)
[31] Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân. 己所不欲, 勿施於人 (Luận Ngữ, 15:23)
[32] Phù nhân giả kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân. Năng cận thủ thí, khả vị nhân chi phương dã dĩ. 夫仁者, 己欲立而立人, 己欲達而達人. 能近取譬, 可謂仁之方也已 (Luận Ngữ, 6:28)
[33] Đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sĩ. Đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thả cách. 道之以政, 齊之以刑, 民免而無恥. 道之以德, 齊之以禮, 有恥且格 (Luận Ngữ, 2:3)
[34] Nhất ngôn nhi táng bang [...] Nhất ngôn nhi hưng bang. 一言而喪邦... 一言而興邦 (Luận Ngữ, 13:15)
Herrlee G. Creel