Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
02/07/2014
Phan Thị Bảo Trân

.Phân tích ý nghĩa Thiên Nhãn bằn Phương pháp phân tích ý nghĩa biểu tượng nghi lễ của nhà nhân học Victor Turner


Phân tích ý nghĩa Thiên Nhãn bằng phương pháp phân tích ý nghĩa biểu tượng nghi lễ của nhà nhân học Victor Turner

Phan Thị Bảo Trân (1)

Tóm lược. Trong bài báo này, chúng tôi trình bày phương pháp phân tích ý nghĩa biểu tượng nghi lễ của Victor Turner – một người đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cách tiếp cận để nghiên cứu biểu tượng nghi lễ thuộc lĩnh vực nhân học biểu tượng. Sau đó, chúng tôi vận dụng phương pháp này để phân tích ý nghĩa Thiên Nhãn trong đạo Cao Đài và rút ra những thuộc tính quan trọng của nó. Từ phương pháp của Turner và từ quá trình phân tích ý nghĩa Thiên Nhãn, chúng tôi rút ra một số thuộc tính phổ biến của biểu tượng và một phương pháp tổng quát để phân tích ý nghĩa biểu tượng nghi lễ nói chung.
Từ khóa: Thiên Nhãn, biểu tượng, ý nghĩa biểu tượng, nghi lễ, nhân học, Victor Turner


1 Giới thiệu
Biểu tượng không những phổ biến trong đời sống con người, mà nó còn có vai trò đặc biệt trong tôn giáo. Clifford Geertz (1926-2006) – một nhà nhân học người Mỹ nổi tiếng – đã nêu lên định nghĩa tôn giáo gắn liền với biểu tượng như sau: tôn giáo là một hệ thống biểu tượng, hoạt động nhằm thiết lập những tâm trạng và động cơ mạnh mẽ, rộng khắp và bền lâu trong con người,…[4]. Biểu tượng rất đa dạng, nó được dùng cho bất cứ hiện vật, hành động, sự kiện, phẩm chất, hoặc bất cứ mối quan hệ nào, phục vụ như phương tiện của một ý niệm, trong đó ý niệm là ý nghĩa của biểu tượng. Cho nên nói đến tôn giáo là nói đến những biểu tượng, và việc nhận dạng cái gì là biểu tượng và ý nghĩa của chúng ra sao trở nên cần thiết.
Trong tôn giáo Cao Đài, Thiên Nhãn là biểu tượng tối cao và linh thiêng nhất, chuyển tải nhiều ý nghĩa đạo lý chủ đạo trong hệ tư tưởng Cao Đài. Làm sao chúng ta có thể tìm hiểu ý nghĩa Thiên Nhãn một cách đầy đủ và khoa học? Triết gia kiêm nhà văn, nhà thơ gốc Tây Ban Nha Santayana nói rằng “bất cứ một nỗ lực nào để nói mà không nói một thứ tiếng cụ thể nào cũng vô vọng không kém gì việc cố gắng có tôn giáo mà không có một tôn giáo cụ thể” [4]. Tương tự như thế, chúng tôi cho rằng bất cứ một nỗ lực nào để làm cho việc nghiên cứu biểu tượng được khoa học mà không sử dụng một phương pháp cụ thể nào trong các ngành khoa học, thì cũng vô vọng không kém gì việc cố gắng nói mà không nói một thứ tiếng nào cụ thể. Với nhu cầu sử dụng một phương pháp cụ thể như vậy, chúng tôi đã đến với ngành nhân học, tìm hiểu và áp dụng phương pháp phân tích biểu tượng nghi lễ của Victor Turner vào việc phân tích ý nghĩa Thiên Nhãn.

2 Đôi nét về lĩnh vực nhân học biểu tượng và Victor Turner
Nhân học là một ngành khoa học nghiên cứu tổng hợp về con người trên các phương diện sinh học, xã hội, văn hóa của các nhóm người, các cộng đồng dân tộc khác nhau, cả về quá khứ của con người cho tới hiện nay [8]. Cụ thể là nghiên cứu nguồn gốc, sự phát triển tập quán và tín ngưỡng, các tổ chức chính trị xã hội, ngôn ngữ, nghệ thuật và các tạo vật của con người.
Trong nhân học, có một lĩnh vực được gọi là nhân học biểu tượng (symbolic anthropology), nói rộng hơn, là nhân học biểu tượng và diễn giải (symbolic and interpretive anthropology). Lĩnh vực này nghiên cứu về các biểu tượng văn hóa và cách thức diễn giải các biểu tượng ấy nhằm giúp cho chúng ta hiểu tốt hơn về một xã hội đặc biệt nào đó.
Những nhà nhân học chủ chốt đã xây dựng nên nền nhân học biểu tượng là David Schneider (1918-1995), Victor Turner (1920-1983), Mary Douglas (1921-2007) và Clifford Geertz (1926-2006). Trong đó, Victor Turner, nhà nhân học người Anh, là người đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cách tiếp cận để nghiên cứu biểu tượng nghi lễ. Ông vạch ra những kỹ năng diễn giải biểu tượng trong nghi lễ, được mô tả rõ nhất trong quyển Rừng Biểu Tượng: Những Khía Cạnh của Nghi Lễ Người Ndembu (The Forest of Symbols: Aspects of Ndembu Ritual), năm 1967, mà chúng tôi gọi tắt là Rừng Biểu Tượng. Những kỹ năng diễn giải biểu tượng nghi lễ của ông được tiếp thu một cách rộng rãi và ảnh hưởng tới cả một thế hệ các nhà nhân học [8].
Sau đây, chúng tôi giới thiệu phương pháp tìm hiểu ý nghĩa biểu tượng nghi lễ của Victor Turner, được trình bày trong tác phẩm Rừng Biểu Tượng của ông.

3 Phương pháp phân tích biểu tượng nghi lễ của Turner
Tác phẩm Rừng biểu tượng của Victor Turner bao gồm 10 chương. Trong bài này, chúng tôi tham khảo chương đầu tiên Biểu tượng trong nghi lễ người Ndembu là chính. Chương này chủ yếu là sự mô tả và phân tích về cấu trúc và thuộc tính của các biểu tượng. Những biểu tượng mà Turner quan sát trên thực địa là những đối tượng, hành động, mối quan hệ, sự kiện, điệu bộ cử chỉ,… trong một tình huống nghi lễ của người Ndembu, nước Zambia, nằm ở trung tâm châu Phi.
3.1 Biểu tượng nghi lễ là gì?
Turner lặp lại định nghĩa biểu tượng theo từ điển Concise Oxford Dictionary: biểu tượng là một thứ được nhất trí tổng quát như là điển hình hóa một cách tự nhiên, hoặc biểu trưng hoặc hồi tưởng về một cái gì đó bởi chúng (biểu tượng và cái nó đang biểu trưng) có các phẩm chất tương tự nhau, hay bởi mối quan hệ giữa chúng với nhau, có trong thực tế hoặc trong tư duy.
Ông quan niệm nghi lễ là hành vi được quy định có tính chất nghi thức dành cho những dịp có quan hệ với các niềm tin vào đấng tối cao hay các sức mạnh thần bí. Biểu tượng trong nghi lễ là một đơn vị của nghi lễ và nó giữ lại thuộc tính của hành vi nghi lễ [4].
Như vậy, nói một cách ngắn gọn, biểu tượng nghi lễ là một đơn vị trong nghi lễ, có quan hệ với niềm tin của các chủ thể (con người) trong nghi lễ.
3.2 Phương pháp để rút ra cấu trúc và những thuộc tính của các biểu tượng nghi lễ
Theo Turner, cấu trúc và thuộc tính của các biểu tượng nghi lễ có thể được rút ra từ ba loại dữ liệu [4]:
1. Hình dạng bên ngoài của biểu tượng và những đặc điểm có thể quan sát được của biểu tượng.
2. Sự diễn giải của những chuyên gia (specialists) và những người bình thường hay thường dân (laymen).
3. Những bối cảnh quan trọng được thiết lập một cách rộng rãi bởi nhà nhân học.
Ví dụ, cây mudyi là biểu tượng chính (dominant symbol) trong nghi lễ Nkang’a của người Ndembu. Để tìm hiểu ý nghĩa của nó, Turner đã thực hiện những cách thức để có cả ba loại dữ liệu nói trên. Trong nghi lễ này, người thụ lễ là một cô gái được đặt dưới chân cây mudyi mà Turner gọi nó là cây sữa (milk tree), còn những người phụ nữ Ndembu khác thì nhảy múa xung quanh cây sữa đó và thực hiện các hoạt động nghi lễ mang tính biểu tượng khác. Turner đã quan sát hình dạng bên ngoài và ghi nhận một đặc điểm có thể quan sát được của cây mudyi, rất quan trọng đối với người Ndembu, là nó có chứa rất nhiều nhựa trắng và những giọt sữa chảy ra khi lớp vỏ mỏng của cây bị cứa rách (loại dữ liệu thứ nhất). Sau đó, ông thu thập và phân tích sự diễn giải ý nghĩa biểu tượng mudyi của những người phụ nữ Ndembu, của một nam chuyên gia nghi lễ (loại dữ liệu thứ hai) và từ “một bối cảnh khác” (tương ứng với loại dữ liệu thứ ba). “Một bối cảnh khác” ở đây là hành vi của người Ndembu đối với biểu tượng cây mudyi của họ. Chúng tôi không nhắc lại chi tiết ý nghĩa của cây mudyi tương ứng với ba loại dữ liệu (2), mà chúng tôi chỉ muốn tóm tắt rằng, ý nghĩa của cây mudyi đã được diễn giải một cách khác nhau. Nói một cách cụ thể hơn, không có sự nhất quán trong sự diễn giải của những người Ndembu về biểu tượng cây mudyi với những hành vi của họ liên quan đến biểu tượng này. Tuy nhiên, cho dù người Ndembu không nhận ra sự không nhất quán ấy, thì Turner vẫn cho rằng những ý nghĩa khác nhau của biểu tượng là những thành tố quan trọng đóng góp vào trong ý nghĩa tổng thể của biểu tượng. Và ý nghĩa tổng thể này là dành cho những nhà nhân học!
Để một nhà nhân học có thể diễn giải các biểu tượng nghi lễ một cách sâu sắc và đầy đủ hơn chính các chủ thể trong nghi lễ (3), thì theo ông, đầu tiên, người ấy phải nhìn nhận quá trình của nghi lễ một cách khách quan như là cái đang diễn ra và được diễn giải bởi một tổng thể các thực thể xã hội đang cùng tồn tại, ví dụ, diễn giải bởi các nhóm người khác nhau, bởi các cá nhân khác nhau hoặc theo các cách phân loại (categories) khác nhau. Nói một cách khác, nhà nhân học có thể nghiên cứu trong những bối cảnh quan trọng khác nhau nhưng cần phải nắm rõ cấu trúc và đặc điểm của từng bối cảnh phân tích đó. Tiếp theo là, mỗi người tham gia (chủ thể) trong nghi lễ có thể nhìn nhận nghi lễ và những yếu tố liên quan từ góc nhìn riêng của mình, nhưng nhà nhân học phải có cách nhìn cấu trúc (structural perspective), phải khách quan, không có thành kiến cụ thể nào và có thể quan sát những mối tương tác lẫn những mâu thuẫn thực sự. Nhờ những tố chất này, mà những cái vô nghĩa đối với các chủ thể trong nghi lễ, có thể là những cái rất quan trọng cho nhà nhân học trong việc phân tích tổng thể ý nghĩa của biểu tượng một cách có hệ thống hay một cách có cấu trúc.
Bằng phương pháp thu thập dữ liệu và phân tích ý nghĩa biểu tượng nói trên, đặc biệt là với cách nhìn cấu trúc, Turner đã rút ra được ba thuộc tính quan trọng của một biểu tượng nghi lễ của người Ndembu sau đây
Biểu tượng có thuộc tính cô đọng
Thuộc tính đơn giản nhất của biểu tượng nghi lễ là cô đọng, tức là nhiều sự vật và hành động được thể hiện, được phản ánh trong một mẫu hình hay một hình thái đơn nhất.
Biểu tượng là một sự thống nhất của những ý nghĩa căn bản khác nhau
Những ý nghĩa căn bản khác nhau này được nối kết với nhau bởi chúng cùng có những đặc tính giống nhau hay bởi sự liên kết trong thực tế hay tư duy.
Biểu tượng có tính phân cực về ý nghĩa của chúng
Thuộc tính quan trọng thứ ba của biểu tượng nghi lễ là tính phân cực về ý nghĩa của chúng. Nghĩa là, ý nghĩa của biểu tượng vừa có “cực tư tưởng” (ideological pole), vừa có “cực cảm giác” (sensory pole).
Ở cực tư tưởng, ví dụ, ý nghĩa của biểu tượng nghi lễ của người Ndembu là tập hợp các ý nghĩa căn bản biểu thị các thành tố đạo đức, trật tự của xã hội, v.v… Chúng ta có thể tìm thấy sự sắp xếp của những chuẩn mực và giá trị để hướng dẫn và điều khiển con người như là thành viên của tập thể.
Ở cực cảm giác, ý nghĩa của biểu tượng thường là các hiện tượng và quá trình mang tính tự nhiên và sinh lý. Ở cực này, nội dung của ý nghĩa liên quan gần gũi với hình thức bên ngoài của biểu tượng, có thể khơi dậy sự khao khát và xúc cảm. Xúc cảm và những ý nghĩa căn bản mang tính xúc cảm thường là thô thiển. Một mặt, chúng thô thiển một cách chung chung, không mang những phẩm chất xúc cảm cụ thể hay rõ ràng nào. Mặt khác, sự thô thiển là tính tâm sinh lý mộc mạc, thậm chí là trắng trợn (4).
Chúng tôi vừa giới thiệu qua lĩnh vực nhân học, nhân học biểu tượng cùng với phương pháp phân tích ý nghĩa biểu tượng nghi lễ của người Ndembu của Victor Turner.
Theo quan niệm của Turner về biểu tượng nghi lễ được nêu trong phần 3.1, Thiên Nhãn là một biểu tượng nghi lễ. Cho nên, chúng ta có thể áp dụng phương pháp phân tích biểu tượng nghi lễ của Turner để phân tích ý nghĩa của nó. Nghĩa là, giống như cách làm của ông, chúng ta sẽ bắt đầu quan sát hình thái bên ngoài của Thiên Nhãn, ghi nhận cấu trúc, bao gồm các đặc điểm quan sát được, và thu thập sự diễn giải ý nghĩa của biểu tượng. Sau cùng, chúng ta rút ra những thuộc tính quan trọng của Thiên Nhãn. Ích lợi có được từ việc áp dụng phương pháp của Turner sẽ được trình bày trong phần kết luận.

4 Cấu trúc của biểu tượng Thiên Nhãn
Bằng sự quan sát hình thái bên ngoài, chúng ta thấy biểu tượng Thiên Nhãn là một mắt trái mở. Bốn đặc điểm của Thiên Nhãn là:
1. Đặc điểm “một” mắt
2. Đặc điểm con “mắt”
3. Đặc điểm con mắt bên “trái”
4. Đặc điểm mắt “mở”
Bây giờ, chúng ta hãy cùng thu thập sự diễn giải ý nghĩa Thiên Nhãn thông qua từng đặc điểm trên. Thay vì dùng cách thu thập sự diễn giải từ các chuyên gia hoặc từ những người bình thường như Turner đã làm, trong bài viết này, chúng tôi chỉ sử dụng tài liệu, kinh sách Cao Đài để tổng hợp ý nghĩa tổng quát của Thiên Nhãn mà thôi. Sử dụng tài liệu, kinh sách Cao Đài để tìm hiểu ý nghĩa Thiên Nhãn được xem như là bối cảnh nghiên cứu của chúng tôi.
4.1 Ý nghĩa của “một” con mắt trái
“Một” trong hình ảnh “một” con mắt trái tượng trưng cho “Lẽ Một”.
Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển có dạy:
“Khai Thiên Địa vốn Thầy; sanh Tiên, Phật cũng Thầy; Thầy đã nói, một Chơn Thần mà biến Càn Khôn thế giái và cả nhơn loại.
Thầy là chư Phật, chư Phật là Thầy. Các con là chư Phật, chư Phật là các con. Có Thầy mới có các con, có các con rồi mới có chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.
Nên Thầy khai Bát Quái mà tác thành Càn Khôn thế giái nên mới gọi Pháp; Pháp có, mới sanh ra Càn Khôn vạn vật, rồi mới có người, nên gọi là Tăng.” (5)
Đạo Học Chỉ Nam đã lặp lại toàn bộ ý trên và tiếp theo bằng một câu: “Đó là lẽ Một trong Cao Đài.” (6)
Ngoài ra, Đạo Học Chỉ Nam còn nói về cái Một (Nhứt) như sau: “Nhứt bổn tán vạn thù, vạn thù quy Nhứt bổn” (7).
Từ các đoạn Thánh giáo trên, chúng ta thấy có một cái đầu tiên là Thầy, Thầy là một Chơn Thần. Chính Chơn Thần Thầy, chứ không phải Chơn Thần nào khác, đã biến ra muôn loài vạn vật, trong đó có con người. Sau khi được biến hóa ra, con người và vạn vật có thể tu để tiến lên làm Thần, Thánh, Tiên, Phật và trở về hiệp nhất với cái “Một” ban đầu đó. Như vậy, một Chơn Thần Thầy biến ra vạn vật, và vạn vật sẽ trở về hiệp nhất với cái một ấy là “Lẽ Một” trong Cao Đài.
4.2 Ý nghĩa của con “mắt”
Ý nghĩa của “mắt” trong biểu tượng Thiên Nhãn được đề cập trong Đại Thừa Chơn Giáo:
“Nhãn là cửa trái tim của con người. Trái tim ấy là Tạo Hóa, tức là Thần, mà thần là cái lý hư vô. Lý hư vô ấy là Trời vậy.” (8)
“Trái tim” có nghĩa là lòng dạ (9), là tâm của con người. Trong ngữ cảnh Thiên Nhãn thì mắt tượng trưng cho Thiên Tâm của con người, tức là “tâm của Trời”, “tâm như tâm Trời” nơi con người.
Ngoài ra, mắt còn tượng trưng cho cái nhìn của con người, cũng tức là sự nhận thức nơi con người. Thiên Nhãn tượng trưng cho sự nhận thức sáng suốt, trí huệ của con người. Trên phương diện biểu tượng, sự sáng suốt ấy còn được tượng trưng bằng hào quang xung quanh mắt (10).
4.3 Ý nghĩa của mắt bên “trái”
Theo quan niệm Đông phương, cụ thể là theo quan niệm Đông y, thì bên trái tượng trưng cho “dương”, bên phải tượng trưng cho “âm”. Âm-dương là hai phạm trù đối ngẫu nhau và chuyển tải nhiều cặp ý nghĩa đối ngẫu nhau trong từng sự vật, hiện tượng. Thiên Nhãn là mắt bên trái, chứ không phải là bên phải là vì tương ứng với ý nghĩa “Thiên Nhãn là Thần đã thuần dương”. Nói một cách khác, vì Thiên Nhãn tượng trưng cho “Thần đã thuần dương”, cho nên dùng “bên trái” để tượng trưng cho ý nghĩa “dương”.
4.4 Ý nghĩa mắt trái “mở”
Trái ngược với “mở” là “đóng”. “Mở” thuộc về dương, “đóng” thuộc về âm. Trong quyển Thánh Ngôn Yếu Lược (1927-1971) của Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi, mục “Công phu đừng nhắm mắt”, đàn Cần Đước, ngày 1-4-1939, Thầy dạy: “Con tu phải ngó ngọn lửa. Đừng mắt nhắm, thuộc âm, ngủ hoài. Người tu phải thuộc dương. Nếu không sửa lại, [mà cứ để] thành âm, [thì] không biết bao giờ thuần dương đặng”. Lời dạy này giúp chúng ta hiểu rằng, mắt “nhắm” thuộc về âm, ngược lại, mắt “mở” thuộc về dương.
Ngoài ra, khi nói mắt tượng trưng cho nhận thức của con người thì hình tượng con mắt đang “mở” tượng trưng cho nhận thức sáng suốt, cái nhìn rộng mở, phá chấp, không bị giới hạn, không bị đóng khung của con người (11).

5 Những thuộc tính của biểu tượng Thiên Nhãn

Từ cấu trúc, đặc điểm và ý nghĩa của Thiên Nhãn vừa được trình bày, chúng ta có thể rút ra một số thuộc tính quan trọng của Thiên Nhãn.
Biểu tượng Thiên Nhãn có thuộc tính cô đọng
Thông qua một số ý nghĩa của Thiên Nhãn, chúng ta thấy biểu tượng Thiên Nhãn có thuộc tính cô đọng, tức là nhiều sự vật và hành động được thể hiện, được phản ánh trong một hình thái đơn nhất là một mắt trái mở. Các sự vật, hành động đó là cái “Một”, Chơn Thần Thầy, vạn vật, con người, Thiên tâm của con người, sự nhận thức sáng suốt của con người, quá trình ra đi và trở về với cái “Một” của muôn loài vạn vật.
Biểu tượng Thiên Nhãn là một sự thống nhất của những ý nghĩa căn bản khác nhau
Như đã trình bày, những ý nghĩa căn bản của Thiên Nhãn bao gồm: (1) từ cái “Một” là Chơn Thần Thầy đã biến hóa ra muôn loài vạn vật, trong đó có con người, và (2) vạn vật sẽ tiến hóa để trở về hiệp nhất với cái “Một” ban đầu ấy; (3) tâm (Thiên tâm) con người cũng giống như tâm của Trời; (4) con người có nhận thức sáng suốt, có cái nhìn rộng mở, phá chấp, không bị giới hạn, không bị đóng khung. Những ý nghĩa căn bản này liên quan chặt chẽ với nhau, chúng thống nhất hay nhất quán với nhau trong một tổng thể liên quan đến lẽ Một: vì con người từ Thượng Đế mà ra cho nên tâm con người cũng có khả năng giống như tâm của Trời (Thiên tâm), con người cũng có sự sáng suốt, có cái nhìn rộng mở như sự sáng suốt, trí huệ, rộng mở của Trời, và nhờ Thiên tâm, nhờ sự sáng suốt, trí huệ ấy mà con người có khả năng hiệp nhất trở lại cùng với Thượng Đế.
Biểu tượng Thiên Nhãn có tính phân cực về ý nghĩa
Biểu tượng Thiên Nhãn có tính phân cực về ý nghĩa, ý nghĩa Thiên Nhãn vừa có cực tư tưởng, vừa có cực cảm giác.
Ở cực cảm giác, nội dung của ý nghĩa Thiên Nhãn liên quan gần gũi với hình thức bên ngoài là một mắt trái mở, hình thức bên ngoài này dễ dàng khơi dậy nơi con người nhiều cảm xúc mang tính tâm sinh lý một cách tự nhiên. “Một con mắt trái” là hình ảnh một phần cơ thể của con người, rất bất thường so với hình ảnh đôi mắt của một con người bình thường. Và nếu không được giải thích đầy đủ ý nghĩa của “một con mắt trái” ấy thông qua “cực tư tưởng”, người ta, nhất là những người không phải tín đồ Cao Đài có thể phát sinh cảm xúc thắc mắc (12), sợ sệt (13). Điều này càng cho thấy, ý nghĩa biểu tượng ở cực tư tưởng rất quan trọng, nó giúp người ta hiểu đúng đắn về ý nghĩa của biểu tượng nghi lễ, chứ không suy đoán dựa vào những cảm xúc thông thường.
Như đã nói, quan trọng hơn hết là ý nghĩa ở cực tư tưởng của Thiên Nhãn. Biểu tượng Thiên Nhãn là tập hợp các điểm quan trọng trong triết lý hay giáo lý Cao Đài. Nhờ ý nghĩa ở cực tư tưởng này, người ta có thể hiểu đúng ý nghĩa biểu tượng, từ đó có thể so sánh, đối chiếu với các quan niệm trong các hệ tư tưởng khác (14).

6 Kết luận
Chúng tôi vừa tìm hiểu phương pháp phân tích ý nghĩa biểu tượng nghi lễ của Victor Turner và áp dụng nó vào việc phân tích ý nghĩa Thiên Nhãn trong đạo Cao Đài. Bằng việc học hỏi một phương pháp trong lĩnh vực nhân học như vậy, chúng ta có thể phân tích biểu tượng nghi lễ một cách có bài bản, có phương pháp, chứ không phân tích theo cảm tính hay bằng khả năng còn hạn chế.
Sau khi tìm hiểu phương pháp của Turner, chúng ta biết thêm một số tư duy trong ngành nhân học, nhờ đó tư duy chúng ta được mở rộng, giúp ích cho việc tìm hiểu ý nghĩa các biểu tượng trong tôn giáo nói chung. Cụ thể là, biểu tượng nghi lễ là sự thống nhất của những ý nghĩa căn bản khác nhau. Nhờ tư duy này, chúng ta mới có thể hiểu được ý nghĩa trọn vẹn của biểu tượng như một chỉnh thể thống nhất. Ý nghĩa biểu tượng nghi lễ có tính phân cực. Ở cực tình cảm, nội dung của ý nghĩa biểu tượng liên quan đến cảm xúc tự nhiên của con người, và thường không liên quan đến ý nghĩa ở cực tư tưởng của biểu tượng. Ý nghĩa biểu tượng ở cực tư tưởng mới có tính chất quyết định vì nó chuyển tải những giá trị đạo đức hoặc triết lý sâu xa của chính biểu tượng đó.
Kết quả chúng tôi đạt được nhiều nhất từ phương pháp phân tích biểu tượng nghi lễ của Turner và quá trình phân tích ý nghĩa Thiên Nhãn là một phương pháp tổng quát để phân tích ý nghĩa biểu tượng nghi lễ, bao gồm tuần tự các bước:
(1) Quan sát hình thái bên ngoài biểu tượng.
(2) Ghi nhận cấu trúc, bao gồm các đặc điểm có thể quan sát được của biểu tượng.
(3) Tìm hiểu ý nghĩa biểu tượng thông qua sự diễn giải từ kết quả nghiên cứu của các chuyên gia; thông qua sự diễn giải và hành vi của những người bình thường khác liên quan đến biểu tượng; hoặc thông qua những bối cảnh đặc biệt mà chúng ta phải nắm rõ cấu trúc và thuộc tính của bối cảnh đó.
(4) Sau cùng, rút ra những thuộc tính quan trọng của biểu tượng từ kết quả của ba bước trên.
Ở bước thứ (3), để tìm hiểu ý nghĩa biểu tượng nghi lễ tốt nhất, người nghiên cứu phải có cái nhìn khách quan như những gì đang tồn tại, không thành kiến. Cho dù có những cách nhìn khác nhau về ý nghĩa biểu tượng thì người nghiên cứu phải có cách nhìn cấu trúc. Nghĩa là, phải hiểu rõ ý nghĩa biểu tượng trong từng bối cảnh riêng biệt, và có khả năng tổng hợp các ý nghĩa khác nhau đó thành một tổng thể thống nhất.

__________________

1-phanthibaotran@gmail.com
2-Tức là ba loại dữ liệu thu được thông qua sự diễn giải của những người phụ nữ Ndembu, của chuyên gia nghi lễ và thông qua hành vi của người Ndembu đối với cây mudyi.
3-Tức là những người có tham gia trong nghi lễ hay liên quan đến nghi lễ.
4-Ví dụ biểu tượng nghi lễ là con bò. Trong văn hóa của người Ấn Độ, cụ thể trong cộng đồng theo đạo Hindu, bò là loài vật thiêng liêng (linh vật), được tôn thờ như những vị thần. Trong tôn giáo Ai Cập cổ đại, một số vị thần có hình dáng có liên quan đến bò, ví dụ như thần Ptah – thần sáng tạo và quyền lực, có biểu tượng là con bò đực Apis. Như vậy, về “cực tư tưởng”, biểu tượng nghi lễ con bò có ý nghĩa linh thiêng. Còn về “cực cảm xúc”, trong văn hóa Việt Nam, người Việt Nam xưa lại có tâm lý xem bò là con vật ngốc.
5-Đức Thích Ca Mâu Ni Phật tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát; Phước Linh Tự, 15-09 Bính Dần (24-10-1926); Thánh Ngôn Hiệp Tuyển – quyển 1, trang 42.
6-Minh Lý Thánh Hội, Đạo Học Chỉ Nam, chương 2, tiết 4, mục 2.
7-Minh Lý Thánh Hội, Đạo Học Chỉ Nam, chương 1, tiết 3, mục 1.
8-Ngọc Hoàng Thượng Đế, đàn ngày 28-8 Bính Tý (13-10-1936), Đại Thừa Chơn Giáo, trang 61.
9-Theo từ điển Đại Nam Quấc Âm Tự Vị.
10-Yếu Điểm Giáo Lý Đại Đạo, chương 1, mục 3 – Thiên Nhãn.
11-Yếu Điểm Giáo Lý Đại Đạo, chương 1, mục 3 – Thiên Nhãn.
12-thắc mắc biểu tượng có phải là của một đạo giáo thực thụ hay không
13-cảm xúc giống như “sợ ma”
14-Giáo sư nhân học người Mỹ Janet Hoskins đã thắc mắc về mắt “bên trái” của Thiên Nhãn. Bà cho biết, theo quan niệm phương Tây, bên trái là “xấu”. Trong khi đó, giáo lý Cao Đài diễn giải “bên trái” nơi Thiên Nhãn, theo quan niệm phương Đông là “tốt”.


Tài liệu tham khảo

[1] Cao Đài Đại Đạo – Chiếu Minh, Đại Thừa Chơn Giáo, 1956.
[2] Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi, Thánh Ngôn Yếu Lược (1927-1971), bản chép tay photo.
[3] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, Yếu Điểm Giáo Lý Đại Đạo, NXB Tôn giáo, 2006.
[4] Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Những vấn đề Nhân học tôn giáo, Tạp chí Xưa và Nay, NXB Đà Nẵng, 2006.
[5] Huình Tịnh Paulus Của, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, NXB Trẻ, 1998.
[6] Minh Lý Thánh Hội, Đạo Học Chỉ Nam, lưu hành nội bộ.
[7] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển 1, nhà in Tam Thanh, 1928.
[8] Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Khoa Nhân học, Nhân học đại cương, NXB Đại học Quốc gia TP.HCM, 2013.
Phan Thị Bảo Trân

Đạo có gì đâu, đạo ấy Trời,
Trời là Tiên Phật, cũng là người,
Người hay giác ngộ thành Tiên Phật,
Tiên Phật vọng tâm cũng xuống đời.

Đức Quan Âm Bồ Tát, Trúc Lâm Thiền Điện, 20-10 Quý Sửu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây