Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Thiện thư 善書 hay khuyến thiện thư 勸善書 (books of edification; morality tracts) là một đặc chủng trong thư tịch ...
-
Thời kỳ Tam Quốc (Hoa phồn thể: 三國, Hoa giản thể: 三国, Pinyin: Sānguó) là một thời kỳ trong lịch ...
-
Những biến động trên thế giới trong những năm gần đây khiến người ta suy nghĩ về nguyên nhân sâu ...
-
Trở lại mùa Xuân năm nay, cũng như bao nhiêu mùa Xuân trước, thiên hạ vẫn mừng đón khí Xuân ...
-
Khảo cổ học là ngành khoa học nghiên cứu những nền văn hoá của loài người qua tiến trình phục ...
-
Truyền kỳ về Bát Tiên có lẽ bắt đầu từ triều đại nhà Đường, và câu chuyện cũng thay đổi ...
-
“Lòng từ huệ bao la lớn rộng Đem tình thương sự sống sẻ chia Trần gian vạn khổ còn kia Lòng người Bồ ...
-
Các nhà khoa học, nhân chủng học cũng như các tôn giáo đều công nhận CON NGƯỜI là một sinh ...
-
Các núi linh thiêng của Trung Quốc được chia thành hai nhóm gắn liền chủ yếu với Lão giáo và ...
-
DẩN NHậP Hạnh nguyện của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát là : " Trần gian vạn khổ còn kia, Lòng người Bồ ...
-
Trong những kỳ lễ cúng Tứ Thời chúng ta đều có đọc kinh VÌ THIÊN ĐẾ do Đức Đạo Tổ ...
-
Tại hội thảo quốc tế "Bảo tồn và phát huy dân ca trong xã hội đương đại qua trường hợp ...
Quách Hiệp Long
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 29/05/2011
« CÓ TRỜI MỚI CÓ CHÚNG SANH CÓ CON, CON MỚI TU THÀNH PHẬT TIÊN. »
CÓ CON, CON MỚI TU THÀNH PHẬT TIÊN. »
Giáo lý Đại Đạo đặt nền tảng trên hai nguyên lý :
1. “Nhất bổn tán vạn thù, vạn thù qui nhất bổn.” và
2. “Thiên địa, vạn vật đồng nhất thể.”
Nhất Bổn là Đại Đạo, là Thượng Đế. Từ đó mới sinh ra mọi hiện tượng, vạn vật trong vũ trụ. Vòng sinh hóa đó theo chu kỳ, sau khi đã phát sinh đến cùng cực thì sẽ quay trở về nguồn gốc ban đầu hay bản thể. “Thành, trụ, hoại, không” hay “Sinh, trưởng, thâu, tàng” là định luật tuần hoàn sanh diệt, luân hồi trong Trời Đất.
Đức Chí Tôn có dạy : « Các con khá biết rằng Thầy hằng nói : “Thầy là các con, các con tức là Thầy”. Có Thầy mới có các con, mà có các con rồi mới có chư Tiên, Phật, Thánh, Thần ; thì người là “Tiểu Thiên Địa”. Điểm linh quang nào muốn tạo Phật tác Tiên cũng phải đầu thai vào thế giới hữu hình vật chất. Dầu cho một vị Đại La Thiên Đế giáng trần đây không tu luyện cũng khó mong trở lại. » (Đại Thừa Chơn Giáo, 1956, trang 19)
Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Thầy cũng dạy : “Khai Thiên Ðịa vốn Thầy, sanh Tiên, Phật cũng Thầy; Thầy đã nói một Chơn Thần mà biến Càn Khôn Thế Giái và cả nhơn loại. Thầy là chư Phật, chư Phật là Thầy. Các con là chư Phật, chư Phật là các con.
Có Thầy mới có các con, có các con rồi mới có chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.
Thầy khai Bát Quái mà tác thành Càn Khôn Thế Giái, nên mới gọi là Pháp; Pháp có mới sanh ra Càn Khôn Vạn Vật rồi mới có người, nên gọi là Tăng.
Thầy là Phật chủ cả Pháp và Tăng, lập thành các đạo mà phục hồi các con hiệp một cùng Thầy.” (TNHT I 1972, tr. 43)
1. MỘT NGUỒN GỐC TỪ THƯỢNG ĐẾ
Trong Huấn Từ ngày 14 tháng giêng năm Bính Ngọ 1966, tại Thiên Lý Đàn, Đức CHÍ-TÔN có dạy như sau :
“... Có Trời mới có chúng sanh,
Có con, con mới tu thành Phật Tiên.
Con là một Thiêng Liêng tại thế,
Cùng với Thầy đồng thể linh quang.
Khóa chìa con đã sẳn sàng,
Khi vào cõi tục, khi sang Thiên Đình...”
Người tín đồ Cao Đài tin rằng ngoài phần thể xác vật chất hữu hình, con người còn có phần tâm linh vô hình, gọi là linh hồn hay Phật tánh hay điểm tiểu linh quang xuất phát từ khối Đại Linh Quang hay Thượng Đế. Đức Lý Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo có dạy như sau : “ Trước khi đến làm người tại thế gian, chư hiền đệ muội cũng xuất phát từ chổ khởi thủy mà chổ khởi thủy ấy không phải là nhục-thể của con người, mà là từ một khối Đại-Linh-Quang trong đức háo sanh của Thượng Đế. Các tiểu-linh-quang từ khối Đại-Linh-Quang phân thân xuống trần, tùy theo nhiệm vụ và sứ-mạng đã định của mổi một đơn-vị đến cõi dinh hoàn này để làm công cuộc tiến-hóa trong đức háo-sanh ấy. Cũng như đã nhiều lần bài giải, những tiểu linh quang ấy đã ngấm ngầm ẩn tàng từ loài khoáng-sản đến thảo-mộc côn-trùng thú cầm nhân loại rồi tiến đến hàng Thần Thánh Tiên Phật. Sự tiến-hóa mau chậm tùy theo trạng-thái của mổi thể. Từ loài chỉ có một sanh hồn đến loài có cả sanh-hồn lẩn giác-hồn và chí đến loài có đủ cả tam hồn là sanh, giác và linh-hồn.” (Tây Thành Thánh-Thất, Cần Thơ, 18-04-1970).
Như thế vạn vật, trong đó có loài người, có chung MỘT nguồn gốc Thiêng Liêng từ Thượng Đế. Tất cả mọi người đều là anh em nên cần phải chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau trong tình thương Huynh Đệ Đại Đồng. Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy: “... Lúc Thượng Đế tạo dựng nên muôn loài vạn vật, trong đó có loài người thì dưới chân của Ngài, trước mặt của Ngài, con người vẫn duy nhứt là anh em với nhau bởi đồng tính, đồng chất, nên sự sống trên những phương diện tinh thần, ham muốn, nào tốt xấu, nào thiện ác, phải quấy đều được phân biệt bởi trí não con người. (. . . ) Tuy những dân tộc loài người trên quả đất được phân biệt an định ở mỗi khuôn khổ vị trí và hoàn cảnh xã hội xa nhau, khác nhau, song sự xa cách, sự khác biệt ấy không phải là vấn đề cho con người quên mất nguồn gốc mình vốn một, quên mất bản chất mình là nhân từ như Thượng Đế, che chở lẫn nhau, hỗ trợ lẫn nhau giữa người và người, đồng thời săn sóc gìn giữ sự yên ổn cho bao loài hạ tiện khác đang sống dưới tầm mắt trí khôn của nhân loại.”(Trúc Lâm Thiền Điện, 06-9-1971)
Chính vì vậy, Đức CHÍ-TÔN có dạy : « Người là gốc muôn vật, muôn vật là ngọn của loài người mà Trời Đất là gốc của loài người, người là ngọn của Trời Đất.» (Đại Thừa Chơn Giáo, Luật Tiến Hóa Linh Hồn)
2. CÓ THƯỢNG ĐẾ HAY KHÔNG ?
Con người đã từng đặt câu hỏi có Thượng Đế hay không ? Tin hay không tin là quyền tự do của mỗi người. Nhân loại chia làm hai phe. Bên không tin cũng hoạt động ráo riết để bênh vực cho cái lý của mình. Cách đây vài năm, trên web BBC có kể lại “Hiệp Hội Vô Thần Thế Giới” tổ chức trại hè cho thiếu niên và treo giải thưởng cho trại sinh nào có lập luận hay nhất, chứng minh hùng hồn nhất là không có Thượng Đế. Năm 1936, một nữ sinh viên đặt câu hỏi là các nhà khoa học có cầu nguyện hay không ? Albert Einstein (1879 – 1955) đã trả lời : “Bất cứ ai dấn thân một cách nghiêm túc vào sự nghiên cứu khoa học đều có xác tín là có một linh hồn hiển hiện trong các định luật của vũ trụ, một linh hồn vô cùng cao cả hơn con người.”
Nhà Vật Lý người Đức lừng danh Max Plank (1858 – 1947) cùng thời với Einstein, giải thưởng Nobel Vật Lý 1918 nhờ công trình nghiên cứu về “Thuyết Lượng Tử (Théorie des Quanta)”, đã nói: “Là Vật Lý gia, để cả cuộc đời cho Khoa Học khách quan và nghiên cứu về vật chất, người ta khó có thể cho tôi là mù quáng hay huyền bí. Những nghiên cứu của tôi về nguyên tử đã khiến tôi phải nói : vật chất tự nó không thể nào hiện hữu ! Cái gì đã tạo và làm ra vật chất chỉ là một sức mạnh đã giữ và khiến các hạt nhân của nguyên tử rung động chung với nhau trong một Thái Dương hệ tế vi của nguyên tử. Phía sau sức mạnh đó, chúng ta phải nhìn nhận sự hiện hữu của một linh hồn biết ý thức và khôn ngoan. Linh hồn đó là nguyên nhân đầu tiên cho bất cứ vật chất nào. Cái thật, cái trúng, cái chân không là vật chất mà ta thấy được và sẽ hư hoại này mà là linh hồn vô hình, bất tử. Mà linh hồn không thể tự nó hiện hữu và mổi linh hồn là của một sinh vật, chúng ta phải đưa ra giả thuyết là có sự hiện hữu của các chơn linh. Và các chơn linh cũng không thể tự nó hiện hữu mà phải được tạo ra. Do đó, tôi không sợ khi gọi đấng Tạo Hóa bí mật đó bằng danh từ mà từ ngàn xưa các dân tộc văn minh trên Trái đất đã gọi, đó là TRỜI !” .
Vấn đề đức tin dẫn đến một hệ luận là sự cầu nguyện ? Cầu nguyện có ích lợi không ? Những người có đức tin đều hiểu rõ giá trị mầu nhiệm và phép lạ của sự thành tâm cầu nguyện. Nhưng người ngoài đời nghĩ thế nào và đặc biệt khoa học biết gì về vấn đề này ? Năm 1999, trong bài khảo luận “Sự Cầu Nguyện Giúp Bệnh Nhân Mau Lành Bệnh” của “United Press International” có kể lại Viện Nghiên Cứu về Tim (Mid America Heart Institute) tại thành phố Kansas Hoa Kỳ đã làm thí nghiệm trên 990 người đau tim dưới nhiều dạng khác nhau. Trước khi điều trị, họ chia các bệnh nhân thành hai nhóm. Một nhóm được trị bịnh như thường lệ. Còn nhóm thứ hai có 5 người tình nguyện cầu nguyện cho họ mỗi ngày, trước khi họ được điều trị hay phải giải phẩu. Với vô cùng kinh ngạc, các nhà nghiên cứu ghi nhận được một cách rõ ràng theo thống kê là nhóm người được cầu nguyện mau lành hơn trong lúc trị liệu và trong lúc dưỡng bịnh. Sau đó vấn đề này đã được nghiên cứu thêm tại các đại học nổi tiếng khác như Havard v.v. (Đọc Le Code De DIEU, Gregg BRADEN, Ariane 2004, trang 113)
3. BIẾT VUN TRỒNG BẢN TÁNH
Trong xã hội loài người, có người có đức tin thì tự nhiên cũng có những kẻ vô thần, không tin Trời hay Phật, Tiên, Thánh, Thần... gì hết ! Ngay nơi mỗi người, ai cũng có tánh tốt, tánh xấu. Lúc là Thánh hiền, khi là ma quỉ ! Con người vốn thọ lảnh một phần chơn dương là linh hồn và một phần chơn âm là thể xác. Nên con người là Tiểu Thiên Địa bán âm bán dương. Lúc khởi đầu, điểm Linh Quang của Thượng Đế ban cho mổi người đều sáng suốt như nhau nhưng qua những lần luân hồi chuyển kiếp, thăng trầm nơi cõi thế gian làm cho sự tiến hóa không đồng đều nhau, do những nghiệp quả đã tự tạo ra trong nhiều kiếp sống. Chính vì vậy, kinh Đại Thừa Chơn Giáo có giải thích chử « Nhân » như sau : « Chử NHƠN (人) có ẩn cái cơ huyền bí đạo mầu, vì chử nhơn phết 1 phết bên tả là “chánh dương”, bên hửu là “chơn âm”. Âm dương lộn lạo bởi con người có động có tịnh, nửa trược nửa thanh. Người mà trực giác mẩn huệ, sớm biết tìm phương tu luyện, biện trược phân thanh thì được nhẹ nhàng sáng suốt. » (Kinh Đại Thừa Chơn Giáo, 1956, trang 19)
Sách “Đạo Học Chỉ Nam” (Minh Lý Thánh Hội, 1971 Tân Hợi, chương thứ hai Nhơn Sanh Nhứt Quán, trang 40) có dạy như sau : “ ... con người phải luôn luôn nhớ rằng mình là “âm dương chi giao, quỉ thần chi hội ”, nghĩa là mình đứng giửa âm dương, phân nữa là thần, phân nữa là quỉ. Có phải mà cũng có quấy. Có thiện mà cũng có ác. Vậy con người phải chọn con đường mà đi. Đi trúng con đường lành thì lên, bằng sái con đường lành thì xuống. Con người có thể tu nên Tiên Phật, làm sư biểu cho muôn đời. Như thế giá trị con người không phải là con người tự tạo cho mình sao ?
Vậy vấn đề nhơn bản là vấn đề hóc hiểm mà quan yếu. Nếu bản là gốc không lập, thì Đạo không sanh. Người không gốc thì người không đứng vững. Mà người là tâm, gốc của tâm là tánh. Biết vun trồng bản tánh mới thiệt chổ căn cơ, tông tổ của con người.”
4. CON NGƯỜI PHẢI TU LUYỆN
Trong “Thánh Ngôn Hiệp Tuyển” quyển 1, đàn ngày 19-12-1926, Đức CHÍ TÔN có ban cho một bài Thánh Giáo bằng tiếng Pháp, dạy về phẩm vị, sự giàu có và danh vọng. Xin tạm dịch một đoạn như sau :
“ Phẩm tước, của cải, danh vọng là gì ? - Phẩm tước là gồm chung những chức tước làm người ta say mê hoặc ít hoặc nhiều, do con người tạo ra để phong cho con người.
Những phẩm tước đó có giá trị ra sao ? – Phải chăng tùy theo giá trị của những ai đã tạo cho nó. Do con người ban cho, nó chỉ rất tầm thường. Những gì xuất phát từ con người không có gì bền bỉ. Nó sẽ hư hoại. (. . .)
... Chỉ có vinh quang của Trời mới có thể chống chọi lại mọi thử thách."
Khi đó, Đức Tiền bối Lê văn Trung bạch cùng THẦY: Mấy con phải làm sao mà tìm đặng phẩm tước, của cải và danh vọng của Trời ?
THẦY trả lời : TU.”
Gỏn gọn chỉ một chử “TU”. Trong “Đại Thừa Chơn Giáo” 1956, trang 19, Đức CHÍ-TÔN giải thích rõ thêm hơn chữ Tu và Luyện như sau : “ Chữ TU là gì ? Tu là bồi bổ Tinh Khí Thần cho đầy đủ, đức tánh cho hoàn toàn, bỏ nhơn dục, tầm đường thiên lý thuận mạng, giữ thanh tịnh ôn hòa. Chỗ nào sứt mẻ hư hao thì tô bồi cho đầy đủ. Chữ LUYỆN là gì ? Luyện là trau giồi cho sáng suốt hoàn toàn, giũa mài, rèn đúc trơn tru khéo léo. Tu mà không luyện thì chẳng khác chi một cục sắt không rèn làm sao thành một món khí giới ? Luyện là rèn, thì chẳng khác nào một cục sắt đó còn đương vô dụng, luyện nó phải nướng cho nó cháy, rồi đập giũa, cạo gọt, rèn đúc mới thành cái khí giới.
Người tu cũng thế. Muốn cho huệ mạng tròn đầy sáng suốt thì cần phải phanh luyện, mài giũa ngày đêm cho thành Kim Thân, Phật Tử. Ấy là phương pháp tu luyện. (...)”
Con người dù là nguyên nhân hay hóa nhân cũng đều phải tu luyện, sửa mình, sám hối tội lổi mới có thể đạt được ngôi vị Thiêng Liêng Thần, Thánh, Tiên, Phật mà trở lại quê xưa nơi cõi Thiên Đình. THẦY có dạy : “Nơi trần khổ nầy, dầu cho bậc Chí Thánh cũng khó tránh sự lỗi lầm đặng, nhưng sự ăn năn tự hối là quí báu vô giá. Các Tiên Phật xưa cũng nhiều bậc đứng đặng địa vị cao thượng thiêng liêng là nhờ có sự cải quá mà nên chánh quả.” (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển I, 12-12-1926)
5. HÃY LO CHO ĐỜI SỐNG TÂM LINH
Ngày nay, trong cuộc sống nặng về vật chất, kỹ thuật, khoa học, con người xa lần với Trời, xa Thượng Đế, quên mất đi cái bản thể linh thiêng của chính mình. Sống chạy đua theo những nhu cầu thể xác, thỏa mản thị dục nhất thời. Tuy nhiên, xã hội càng tiến bộ về khoa học với những phát minh vượt bực, con người lại càng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Hình như ai cũng bận rộn, thiếu thì giờ, đi làm bị nhiều lo lắng, áp lực (stress)... Ví dụ, tại Pháp người dân dùng thuốc an thần càng ngày càng nhiều... Trong những năm gần đây, đời sống con người gặp nhiều khó khăn to tát, người ta cãm thấy lo sợ, bất lực trước những thiên tai dồn dập: động đất, bảo táp, nạn lụt, sóng thần; bệnh dịch; khủng hoảng kinh tế...
Ông Steve Jobs, cha đẻ các máy điện tử trái táo (Apple), sau khi được giải phẩu, cứu thoát chết vì ung thư tuyến tụy (pancreas) năm 2004. Ông đã nói với các phóng viên nhà báo : “ Bây giờ tôi biết rằng kỹ thuật không thay đổi được cuộc diện thế giới. Người ta sinh ra, sống một thời gian ngắn rồi chết.”. Trong nhận định của Steve Jobs “Người ta sinh ra, sống một thời gian ngắn rồi chết!”, ông không nói đến mục đích của đời người là gì ? Con người thường chỉ lo cho đời sống vật chất mà bỏ quên hay xem nhẹ phần tâm linh. Đức Mẹ Linh Hồn chúng sanh có dạy như sau: “ . . . Các con ơi! Đời người một kiếp sống, các con tưởng rằng trăm năm lâu lắc nhưng từ đầu xanh cho đến tóc bạc, từ mắt sáng đến mờ, từ tỏ tai đến lãng, từ sức mạnh thủ túc có thể vượt núi trèo non, băng rừng lướt bụi cho đến lưng mỏi gối dùn, chơn đi không vững, chẳng có mấy hồi. Con thử bình tâm ôn lại trong chớp nhoáng, sẽ nhớ rằng mới ngày nào ôm cặp đến trường học thi văn chương chữ nghĩa, rồi lớn lên, rồi thành gia thất, rồi làm cha mẹ, rồi làm ông bà, thời gian đó qua rất mau và những chuỗi ngày còn lại cũng chẳng phải chậm đâu con. Với mảnh thân nhục thể, bao nhiêu nhu cầu vật chất đòi hỏi, các con sáng tối tảo tần, tháng năm bon chen dành dụm lo thiếu đủ, lo phải quấy, lo thù tạc vãng lai và bao nhiêu cái lo khác nữa, làm cho con không có ngày giờ để kiểm điểm hoặc nhớ rằng tuổi đời đã đi qua và đi qua mãi mãi không chờ các con. Mảnh thân sanh ấm no an ổn có ai dám gọi vẹn toàn, mảng bận rộn rủi may, mảng đa đoan phải trái, làm các con quây quần trong cái ăn, cái ở, cái mặc, còn có thì giờ đâu để nghĩ đến phần tâm linh tu tập giác ngộ để trau dồi tịnh luyện cho mẫn tuệ thuần lương, cho minh linh khiết tịnh.
Các con ơi! Phần đầu về kiếp sống, các con tưởng nó là quan trọng, nhưng có dè đâu phần sau mới là tối quan trọng. Các con có trở bước về nguồn được hay không, các con có huờn nguyên phản bổn được hay không, các con có trở về ngôi xưa vị cũ để Mẫu tử trùng hoan được hay không, đó là phần tối quan trọng. Còn thân xác phàm tục của các con, dầu muốn dầu không, rồi một thời gian cũng phải rã tan trả về cho tứ đại .
(. . .) Tuổi đời không cho phép các con chần chờ do dự, sức khỏe không cho phép các con thí nghiệm giữa nhơn thân và tâm linh. Hoàn cảnh không cho phép các con dể duôi, hoặc tu theo tài tử. » (Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 03-04-1977)
Trong xã hội ngày nay, người ta thường chỉ lo chú trọng về nhân sinh, xem nhẹ phần tâm linh siêu thoát. Chúng ta nhận thấy là có rất nhiều tổ chức từ thiện để lo cứu khổ, trợ nghèo v.v. nhưng cho tới nay vấn đề đời sống con người vẫn không giải quyết được cho con người bớt khổ đau... Ngay tại các quốc gia tân tiến Tây phương ngày nay, các chính phủ cũng bó tay trước những vô vàng khó khăn về các vấn đề xã hội. Các tôn giáo hiện hữu cũng không thỏa mản được cho đời sống tâm linh con người. Có nhiều tôn giáo lại nãy sinh ra sự xung đột, cạnh tranh giữa các tôn giáo. Vấn đề đời sống con người là một vấn đề nan giải vì sự khổ đau cũng vẫn triền miên như chúng ta thấy khắp nơi trên thế giới từ thiên tai, bệnh tật đến chiến tranh, khủng hoảng kinh tế, nạn thất nghiệp, nạn đói, buôn lậu á phiện, mafia, con người tàn sát lẫn nhau vì khác tôn giáo, khác chính kiến v.v.
Đã sinh ra làm người, mỗi chúng ta đều có bổn phận đóng góp ít nhiều vào việc cãi tạo đời sống con người được tốt đẹp hơn vì là một phần tử trong tập thể. Để không hổ thẹn là một con người đầu đội Trời, chân đạp đất, một con người chính danh trong thế “Tam Tài”, Thiên Địa Nhơn. Nhưng đóng góp như thế nào ? Bằng phương pháp nào ? Trong quyển “Minh Lý Yếu Giải ” 1947, Minh Lý Thánh Hội, trang 24, có dạy như sau: “... Trợ giúp việc hóa dục của Trời Đất tức là giúp đở hết thảy chúng sanh. Giúp chẳng phải lo về mặt vật chất, cho ăn no mặc ấm mà thôi. Cốt yếu ở tại tinh thần. Nghĩa là : mình đã tự thấy sáng tỏ lý tánh của mình, thì cũng phải làm cho kẻ khác thấy lý tánh của họ sáng tỏ như mình vậy.
Lẽ tự nhiên, trước khi mình phải nhận thấy lý tánh của mình, rồi sau mới có thể giúp kẻ khác nhận thấy tánh như mình. Cũng như Nho nói “ Minh minh đức” rồi mới “Tân dân”, Thích nói “Tự giác” rồi mới “Giác tha”, Đạo nói “Độ thân” rồi mới “Độ thế” vậy. Nhưng đó chẳng phải là hai việc riêng nhau.
Mình nhận thấy tánh là đầu việc. Rồi giúp kẻ khác nhận thấy tánh là cuối việc. Đó là hai giai đoạn của một việc làm, không phải rời rạt nhau, vì làm nên cho mình là sỡ dỉ làm nên cho người đó. Cái lý tánh đã sáng bên trong, thì tất nhiên phát dung ra ngoài cũng thế. Tỉ như cái đèn đốt lên, chẳng phải chiếu cho một mình nó, mà cũng chiếu luôn khắp xung quanh nó nữa.”
6. ĐẠO LÀ VỪA NHÂN SINH VỪA TÂM LINH
Trong đời sống, Đức MẸ và Minh Lý Đạo dạy con người phải biết chú trọng về tâm linh, về phần tinh thần hơn phần vật chất, bởi lẽ con người ngày nay bị cái hào nhoáng bên ngoài của vật chất thu hút mà bỏ quên phần tâm linh. Đức Lý Giáo Tông Vô Vi lại dạy thêm hơn, Đại Từ Phụ lập Cao Đài không phải chỉ giải quyết vấn đề tâm linh mà là giải quyết toàn diện cá thể con người, tức là vừa nhân sinh, vừa tâm linh: “ Đại Từ Phụ dựng Cao Đài nơi vùng Đông Nam Á này để làm quyền pháp. Chính sứ mạng quyền pháp này thúc đẩy mọi sở vật thực tại tôn giáo kết thành thực thể Đạo cứu thế trong Tam Kỳ Phổ Độ ( . . . ). Quyền pháp Đạo thực thể cứu thế phải có trách nhiệm trên toàn thể nhơn loại. Không phải chỉ giải quyết vấn đề tâm linh, chính là giải quyết toàn diện cá thể con người. ( . . . ) Quyền pháp Đạo không là điều cai trị. Quyền Pháp Đạo chính là sự Thương Yêu, giải thoát cai trị để tiến hóa”. (Thánh Thất Nam Thành, 17-02-1969)
“Bình hành tâm vật”. Vừa lo cho nhân sinh, vừa lo cho tâm linh. Đó là đường lối, chủ trương Cao Đài nhằm thực hiện “Thế Đạo Đại Đồng và Thiên Đạo Giải Thoát”. Trên phương diện bản thân, người tín đồ Cao Đài tin tưởng có một phần Thiêng Liêng, cái bản tánh bổn thiện Trời ban cho trong mổi người. Làm người, phải biết giữ cái gốc đó. Mổi người phải biết lo hành Đạo, lập công bồi đức, hi sinh bản thân, quên mình lo cho chúng sinh, thực hành “Công Trình, Công Quả, Công Phu ” đầy đủ thì mới mong nhờ ân sủng Kỳ Ba Đại Ân Xá của Đức CHÍ TÔN mà được trở về quê cũ nơi chốn Thiêng Liêng Hằng Sống.
Cái đức của người tu ví như dầu trong cái đèn dầu. Có dầu thì đèn mới có thể cháy sáng lên, soi rọi phá tan bóng tối, có ích lợi cho người. Người tu có đức thì cái Đạo tự hữu bên trong mới chiếu hào quang tỏa ra bên ngoài, làm việc ích nước lợi dân, mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân. Nhờ công đức đó mà được giảm phần khảo thí trên bước đường Đại Thừa hành Thiên Đạo, tu luyện tánh mạng. Đức Tiền bối Ngọc Lịch Nguyệt dạy : “... Đạo như cái thuyền, đức như nước. Nước có thì thuyền mới trẩy sang. Nên việc thứ đến là hành giả phải bồi công lập đức để tạo móng nền khả dĩ xây cất được ngôi nhà Đạo Pháp vững vàng. Công đức rất dễ làm nếu chư hành giả quyết tâm tu chứng. Cái vốn của công đức là tâm từ huệ, bác ái, vị tha, giúp người quên mình trong lúc người hoạn nạn khổ đau. Những việc làm do tâm từ huệ, bác ái, vị tha dầu lớn, dầu nhỏ cũng đều là công đức...” (Vĩnh Nguyên Tự, 25-6-194-77)
Đức Thái Thượng Đạo Tổ dạy trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 2, ấn bản 1972, trang 199: “Ngày chung qui, chỉ đem về THẦY một chữ TÂM và những công nghiệp đã gây thành cho sanh chúng.”
7. HÀNH ĐẠO
Hành Đạo là thực hành “Công Trình – Công Quả và Công Phu” hay nói ngược lại “Công Trình – Công Quả và Công Phu” có được là nhờ hành Đạo. Đức MẸ cũng có dạy hành Đạo là cách trả nghiệp nhẹ nhàng nhứt.
Đức Lý Giáo Tông Vô Vi dạy : “ ... Người hành đạo là người biết giữ lấy gốc. Có xa rời đi chăng nữa cũng biết quay trở về. Muôn sai nghìn khác là cảnh giới bên ngoài hữu hình màu sắc. Nếu con người không chóa mắt, không đeo đuổi chụp bắt thì oan khiên nghiệp chướng làm sao có thể vương vấn buộc ràng được. Nhưng đã lỡ rồi, con thuyền đã tách bến khởi nguyên, khách đã ngủ say, mộng ảo chất chồng từ lịch kiếp, khi bừng tỉnh thì thuyền phiêu bạt ở ngàn khơi. Mọi bạo lực hùng hậu của sóng trào biển tục, mọi áp đảo của nắng cháy mưa chan, nỗi ray rứt tâm tư bởi thất tình lục dục đã kết cấu nghiệp lực trái oan, đã làm khách hãi hùng kinh cụ...
Phải làm sao ? Phải tính sao ? - Vốn liếng tự hữu hãy còn, dầu ít oi cũng phải đem ra tự vệ, tìm ngọn hải đăng mà quay về bến khởi.
Nhận được rồi chư đệ muội phải có một quyết tâm đừng thối nguyện. Điều kiện phương tiện là kiên nhẫn để ứng phó với hoàn cảnh, vững tâm trì thủ để lèo lái con thuyền trước những loạt sóng tung ào ạt phũ phàng, hy sinh mọi tư hữu chính mình trôi theo dòng nước tục để được nhẹ nhàng tách bến sang sông.
Tâm đức tài lý tình thì ai cũng có ít nhiều dày mỏng tùy theo căn trí của mỗi người, nếu biết sử dụng thì dở cũng hóa hay, ít oi cũng là hữu dụng. Ngược lại thông minh mà thiếu đạo thì trở nên ám muội. Tài bộ hơn người mà theo đường tà là mối loạn của xã hội nhơn quần. Công phu công quả công trình của người tu do hành đạo mà có. Sớm đã lãng quên, muộn cần gắn bó, thì đắc Đạo là kết quả nên một người chánh danh chánh vị của một con người.” (CQPTGLĐĐ, 20.3.1981)
KẾT LUẬN
Tóm lại, “Có Trời mới có chúng sanh, / Có con, con mới tu thành Phật Tiên” là cả một chu trình tiến hóa tâm linh: Thượng Đế là Đấng tạo ra muôn loài, vạn vật trong đó có loài người. Con người phải biết tu luyện, chuyển kiếp, luân hồi nhiều kiếp để đền bồi nghiệp quả và để học hỏi, hoàn thiện hóa cho đến chổ tận thiện, tận mỹ mới có thể hoà nhập vào Đại Bản Thể của vũ trụ, hiệp nhứt cùng Thượng Đế.
Thầy có dạy : “ Từ bến khởi nguyên, con ra đi vương một sứ mạng trong hai đoạn đường: một đem Đại Đạo lập đời, hai trở về với Đại Đạo. Các con là những chức sắc, tín đồ, chức việc của Thầy. Thầy nhắc nhở các con nên thương yêu nhau, dìu dắt nhau trên đường tu học, để hoàn thành sứ mạng Phổ Độ Kỳ Ba.
( . . . ) Quyền pháp Đạo là tình thương và sự sống. Có nắm được quyền pháp thì Đạo mới hoằng khai ; có tình thương, sự sống mới hòa bình, an lạc. Đó là điều kiện duy nhất để con trở về bến khởi nguyên Đại Đạo, về cùng Thầy.” (Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 22-01-1974)